53. Nhập đề. Ðặc điểm của một nhân vị là chỉ đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa, nghĩa là nhờ việc trau dồi những ưu phẩm và giá trị của bản tính. Vì vậy, mỗi khi đề cập đến cuộc sống nhân loại, bản tính và văn hóa liên kết với nhau hết sức chặt chẽ.
Theo nghĩa tổng quát, chữ "văn hóa" chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.
Vì vậy, văn hóa nhân loại thiết yếu mang tính cách lịch sử và xã hội, và chữ "văn hóa" thường mặc thêm một ý nghĩa xã hội học cũng như dân chủng học. Chính vì ý nghĩa này mà người ta nói đến sự đa tạp của các nền văn hóa. Thực vậy, có nhiều cách xử dụng sự vật, nhiều cách làm việc và diễn tả tư tưởng, nhiều cách phụng tự và tạo nên thuần phong mỹ tục, nhiều cách thiết lập luật lệ và định chế pháp lý, nhiều cách phát triển khoa học, nghệ thuật và trau dồi thẩm mỹ, nên mới phát sinh nhiều cách chung sống và nhiều hình thức hòa hợp các giá trị của cuộc sống. Như thế, từ các định chế lưu truyền, hình thành một di sản riêng cho mỗi cộng đoàn nhân loại. Cũng do cách thức ấy mà hình thành một môi trường lịch sử nhất định của con người, bất cứ dân tộc nào hay thời đại nào, để từ môi trường đó con người rút ra những giá trị hầu thăng tiến nền văn minh nhân loại.
Ðoạn 1: Tình Trạng Văn Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay 66*
54. Những lối sống mới. Tình trạng sinh sống của con người hiện đại về phương diện xã hội và văn hóa đã biến đổi sâu đậm, khiến con người có thể nói đến một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại 1. Từ đó, mở ra những con đường mới để hoàn bị và bành trướng văn hóa rộng rãi hơn. Những con đường này đã được khai phá nhờ sự lớn mạnh của các ngành khoa học thiên nhiên, nhân văn và xã hội, nhờ sự phát triển kỹ thuật cũng như sự tiến bộ trong công cuộc khám phá và khéo léo tổ chức những phương tiện giúp con người liên lạc với nhau. Bởi đó, nền văn hóa hiện đại mang những đặc điểm này: các khoa học mệnh danh là khoa học chính xác phát triển tối đa óc phê bình; những nghiên cứu mới nhất về tâm lý học cắt nghĩa hoạt động của con người sâu xa hơn; các bộ môn sử học góp phần lớn lao giúp con người nhận định sự vật dưới khía cạnh biến đổi và tiến hóa; tập tục và cách sống ngày càng đồng nhất; hiện tượng kỹ nghệ và đô thị hóa cộng với những nguyên nhân khác đang phát huy đời sống tập thể tạo nên những hình thức văn hóa mới (văn hóa đại chúng), từ đó, phát sinh những cách cảm nghĩ, hành động và giải trí mới. Ðồng thời, sự phát triển trao đổi giữa các dân tộc và các tập thể khác nhau cũng mở rộng hơn cho mọi người và mỗi người các kho tàng của những hình thức văn hóa khác nhau. Và cứ thế, sẽ dần dần xuất hiện một hình thức văn hóa nhân loại đại đồng hơn, nhờ đó, nếu càng tôn trọng những điểm của các nền văn hóa khác nhau, càng diễn đạt và tiến gần đến sự hiệp nhất nhân loại hơn.
55. Con người, tác giả của văn hóa. Càng ngày càng có nhiều người, nam cũng như nữ, thuộc bất cứ tập thể hay quốc gia nào, ý thức được chính họ và những người xây dựng và sáng tạo văn hóa của cộng đoàn mình. Trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự trị cũng như trách nhiệm. Ðó là điều rất cần để nhân loại trưởng thành trên bình diện tinh thần và luân lý. Ðó là điều sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, nếu chúng ta quan tâm đến sự thống nhất thế giới và đến bổn phận chúng ta là phải kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn trong chân lý và công bằng. Do đó, chúng ta là chứng nhân của sự hình thành một nền nhân bản mới trong đó con người được định nghĩa trước hết tùy theo trách nhiệm của mình đối với anh em và đối với lịch sử.
56. Trở ngại và bổn phận. Trong những hoàn cảnh ấy, không còn gì đáng ngạc nhiên nếu con người vì cảm thức được trách nhiệm của mình trong việc phát triển văn hóa, nên nuôi những hoài bão cao xa, đồng thời cũng lo âu nhìn đến muôn ngàn mâu thuẫn trước mắt mình phải giải quyết:
- Phải làm gì để sự trao đổi văn hóa phồn thịnh kia tạo được sự đối thoại đích thực và kiến hiệu giữa các tập thể và các quốc gia khác nhau mà không xáo trộn cuộc sống của các cộng đoàn, không phá hoại sự khôn ngoan của tiền nhân cũng như không làm tổn thương những đặc tính riêng của các dân tộc? 67*
- Phải làm thế nào để phát huy sự truyền bá và sức linh động của nền văn hóa mới, mà không hủy diệt lòng trung thành gắn bó với di sản truyền thống? 68* Ðó là vấn đề đặc biệt khẩn cấp khi phải dung hòa văn hóa phát sinh từ sự tiến bộ lớn lao của khoa học và kỹ thuật với văn hóa được nuôi dưỡng bằng nền học vấn cổ điển theo những truyền thống khác nhau.
- Làm sao có thể dung hòa sự phân tán rất nhanh chóng và ngày càng gia tăng của các bộ môn chuyên biệt với nhu cầu tổng hợp các bộ môn ấy và nhu cầu duy trì nơi con người khả năng chiêm ngưỡng và thán phục là những khả năng giúp con người đạt tới sự khôn ngoan?
- Phải làm gì để mọi người trên thế giới cùng được hưởng ích lợi của văn hóa trong khi kiến thức của các nhà thông thái luôn cao siêu và phức tạp hơn?
- Sau hết, phải làm sao để vừa công nhận sự tự trị mà văn hóa đòi hỏi là chính đáng, vừa không rơi vào một nền nhân bản trần tục thuần túy hoặc đối nghịch với tôn giáo nữa?
Ngày nay, phải phát triển văn hóa nhân loại giữa bấy nhiêu mâu thuẫn, sao cho nhân vị được nẩy nở trọn vẹn, điều hòa đồng thời giúp con người trong những bổn phận mà mọi người đều được kêu gọi để chu toàn, nhất là những Kitô hữu liên kết huynh đệ trong gia đình nhân loại duy nhất. 69*
Ðoạn 2: Một Vài Nguyên Tắc Hướng Dẫn Việc Phát Triển Văn Hóa
57. Ðức tin và văn hóa. Người Kitô hữu đang hành trình về quê trời phải tìm kiếm và yêu thích những sự trên trời 2. Ðó là điều chẳng những không bớt mà còn làm tăng bổn phận của họ là góp sức với mọi người kiến tạo một thế giới nhân đạo hơn. Thực ra, mầu nhiệm của đức tin Kitô giáo đã đem đến cho họ nhiều khích lệ và trợ lực quí giá để họ chu toàn bổn phận ấy cách hăng say hơn và nhất là để họ khám phá được ý nghĩa trọn vẹn của công việc họ làm. Nhờ đó, văn hóa nhân loại có được một địa vị cao cả trong ơn gọi toàn diện của con người.
Thực vậy, khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nẩy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự một cách ý thức vào tập thể xã hội, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất 3 và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con người phát triển được chính bản thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em.
Hơn nữa, khi chuyên tâm học hỏi các bộ môn triết học, sử học, toán học, vạn vật học và trau dồi nghệ thuật, con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại để đạt tới những giá trị cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán đoán có giá trị phổ quát. Nhờ đó, con người được soi chiếu rạng rỡ hơn, do Ðấng Khôn Ngoan kỳ diệu đã có bên Chúa từ thuở đời đời, cùng Chúa an bài mọi sự, nô đùa trên trái đất và vui sướng ở với con cái loài người 4.
Cũng nhờ đó mà tâm trí nhân loại bớt nô lệ sự vật và có thể dễ dàng bay bổng để thờ phượng và chiêm ngưỡng Ðấng Tạo Hóa. Hơn nữa, con người còn được ân sủng thúc đẩy để nhận ra Ngôi Lời Thiên Chúa, Ðấng trước khi nên xác thể để cứu chuộc và kết thâu muôn loài nơi Người, đã ở trong thế gian như "anh sáng thật... vốn hằng soi sáng mọi loài dương gian" (Gio 1,9) 5.
Vì do phương pháp của chúng, khoa học và kỹ thuật không thể xâm nhập cơ cấu sâu xa của sự vật, nên sự tiến bộ ngày nay của chúng dĩ nhiên có thể đưa đến một thứ chủ thuyết duy hiện tượng và bất khả tri, khi phương pháp khảo sát của những bộ môn này được đánh giá quá cao và được coi như luật tối hậu để khám phá toàn thể chân lý. Cũng nguy hiểm hơn nữa khi con người tin tưởng thái quá vào những phát minh hiện đại đến độ tự mãn và không còn kiếm tìm những giá trị cao hơn 70*.
Tuy nhiên, những hậu quả tai hại ấy không nhất thiết phát sinh từ nên văn hóa hiện đại, và chúng ta không được ỷ vào đó mà phủ nhận những giá trị tích cực của nền văn hóa này. Trong số những giá trị ấy phải kể đến: lòng yêu chuộng khoa học, thái độ nghiêm chỉnh trung thành với chân lý trong các công trình nghiên cứu khoa học, nhu cầu làm việc tập thể trong các toán chuyên viên, tình liên đới quốc tế, ý thức ngày càng mãnh liệt nơi các nhà thông thái về trách nhiệm phải giúp đỡ và hơn nữa phải bảo vệ con người, ý muốn đem lại cho mọi người tình trạng sinh sống thuận lợi hơn, nhất là cho những người chịu thiệt thòi vì không được trao trách nhiệm và vì thiếu văn hóa. Tất cả những giá trị này có thể góp phần chuẩn bị cho con người lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm. Và công cuộc chuẩn bị này có thể được thấm nhuần nhờ tình yêu thần linh của Ðấng đã đến để cứu chuộc thế gian.
58. Liên hệ đa diện giữa Phúc Âm của Chúa Kitô và văn hóa nhân loại. Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thực vậy, khi tự mạc khải cùng dân Ngài cho tới khi tỏ mình đầy đủ trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại.
Cũng vậy, trải qua các thế kỷ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã sử dụng những tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, để tìm tòi và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống muôn mặt của cộng đoàn các tín hữu.
Nhưng đồng thời, Giáo Hội không bị ràng buộc cách độc quyền và bất khả phân ly với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào, vì Giáo Hội được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời. Trung thành với truyền thống riêng và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn 71*.
Phúc Âm của Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống đối và khử trừ các sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn đe dọa. Phúc Âm không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Những đức tính của mọi thời như được Phúc Âm làm cho phong phú từ bên trong, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô 6 nhờ những ân huệ bởi trời. Như thế, trong khi chu toàn bổn phận riêng 7, Giáo Hội cũng đồng thời thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại, và nhờ hoạt động của mình, ngay cả trong các nghi lễ phụng vụ, Giáo Hội giáo dục cho con người đạt tới tự do nội tâm.
59. Hợp tác các giá trị trong những hình thức văn hóa nhân loại. Vì những lý do đã trình bày, Giáo Hội nhắc nhủ mọi người: văn hóa phải nhằm đạt sự hoàn hảo toàn diện của nhân vị, lợi ích của cộng đoàn và của toàn thể xã hội nhân loại. Do đó, phải tôi luyện tâm hồn làm sao để phát triển khả năng tuân phục, thấu triệt, chiêm ngưỡng, phán đoán riêng tư, lại phải có thể phát huy ý thức tôn giáo, luân lý cũng như xã hội.
Thực vậy, vì trực tiếp phát sinh từ xã hội tính và lý trí của con người nên văn hóa luôn cần được tự do đúng mức để phát triển, cũng như cần có quyền hợp pháp để hành động độc lập theo các nguyên tắc riêng. Do đó, văn hóa có quyền được tôn trọng và được hưởng một quyền bất khả xâm phạm nào đó, dĩ nhiên vẫn phải duy trì quyền lợi cá nhân và cộng đoàn hoặc riêng biệt hoặc phổ quát, trong giới hạn của công ích.
Thánh Công Ðồng lập lại những điều Công Ðồng Vaticanô thứ nhất đã dạy, và tuyên bố rằng: "Có hai lãnh vực trí thức" khác nhau, lãnh vực đức tin và lãnh vực lý trí; Giáo Hội không cấm "các kỹ thuật và các bộ môn văn hóa nhân loại dùng những nguyên lý và phương pháp riêng trong phạm vi của mình"; do đó, Giáo Hội "nhìn nhận sự tự do chính đáng này", và xác nhận sự tự trị hợp pháp của văn hóa, nhất là các khoa học 8.
Tất cả những điều vừa trình bày cũng đòi hỏi cho con người có thể tự do đi tìm chân lý, phát biểu, phổ biến ý kiến mình và được tự do hành nghề tùy sở thích, miễn là tôn trọng công ích và trật tự luân lý; sau hết, những điều ấy cũng đòi cho con người phải được thông tin chính xác về những biến cố xảy ra thuộc đời sống công cộng 9.
Bổn phận của công quyền không phải là quy định một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù nào, nhưng là tạo những điều kiện và phương tiện thuận lợi để phát triển đời sống văn hóa trong toàn thể dân chúng, cả trong những thành phần thiểu số của quốc gia 10. Do đó, phải hết sức tránh sao để văn hóa khỏi bị sai lạc mục đích cá biệt của mình và khỏi bị cưỡng ép làm công cụ cho các thế lực chính trị hay kinh tế.
Ðoạn 3: Một Vài Bổn Phận Cấp Bách Của Kitô Hữu Ðối Với Văn Hóa
60. Phải nhìn nhận và thực thi quyền thụ hưởng văn hóa của mọi người. Vì ngày nay, con người có đủ khả năng giải thoát một phần lớn nhân loại khỏi nạn ngu dốt, nên bổn phận thích đáng nhất của thời đại này, nhất là đối với các Kitô hữu, trong lãnh vực kinh tế cũng như chính trị, trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, là đem hết nỗ lực để khẳng định những nguyên tắc căn bản bắt buộc mọi người phải thừa nhận và thực thi quyền hưởng thụ văn hóa của mọi người trên thế giới, vì đó là quyền phù hợp với phẩm giá con người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, quốc gia, tôn giáo và giai cấp xã hội. Do đó, phải làm sao cho mỗi người có được một số vốn liếng văn hóa đầy đủ, nhất là văn hóa căn bản, để một số lớn nhân loại không còn mù chữ hay thiếu sáng kiến trách nhiệm mà không thể cộng tác vào lợi ích chung đúng với danh nghĩa con người.
Bởi thế, phải gắng sức làm cho những người có khả năng được theo học các bậc cao đẳng; và nếu có thể được, liệu cho họ đạt được những chức vụ và giữ những vai trò mà họ có thể phục vụ trong xã hội tùy theo sở trường và năng khiếu họ đã thâu thập được 11. Như thế, mọi người và mọi tầng lớp xã hội thuộc mọi dân tộc đều có thể phát triển trọn vẹn đời sống văn hóa phù hợp với tài năng và truyền thống của mình.
Hơn nữa, cũng cần cổ động cho mọi người ý thức về quyền thụ hưởng văn hóa cùng bổn phận trau luyện bản thân và hỗ trợ người khác. Dĩ nhiên, đôi khi vốn còn có những hoàn cảnh sinh sống và làm việc cản trở các cố gắng phát huy văn hóa và làm cùn nhụt nghị lực của con người; nhưng đặc biệt, đối với nông dân và thợ thuyền, cần phải đem lại cho họ những điều kiện thực hành công việc của họ, để khuyến khích họ hơn là ngăn cản họ trao đổi văn hóa. Nữ giới đã tham gia vào hầu hết mọi ngành sinh hoạt, nên cũng phải liệu cho họ đảm trách toàn vẹn những chức vụ phù hợp với khả năng riêng của họ. Bổn phận của tất cả mọi người là thừa nhận và cổ võ sự tham gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa 72*.
61. Giáo dục văn hóa toàn diện cho con người. Ngày nay, tổng hợp được các kiến thức thuộc mọi môn, mọi ngành là một việc khó hơn bao giờ hết. Thực thế, càng ngày các yếu tố cấu tạo văn hóa càng gia tăng và khác biệt, trong khi đó, nơi mỗi người, khả năng thâu nhận và tổng hợp các yếu tố ấy lại suy giảm, đến nỗi hình ảnh "con người bách khoa" mờ dần. Tuy nhiên, mỗi người đều còn có bổn phận bảo tồn nhân vị toàn diện của mình, với những giá trị trổi vượt của trí tuệ, ý chí, lương tri và tình huynh đệ. Tất cả những giá trị này đều do Thiên Chúa tạo dựng, được sửa trị và nâng cao một cách kỳ diệu trong Chúa Kitô 73*.
Trước tiên, gia đình như một người mẹ và người vú của nền giáo dục này, bởi vì trong gia đình, con cái được tình yêu ấp ủ sẽ khám phá ra các bậc thang giá trị một cách dễ dàng hơn, đồng thời càng lớn, những người trẻ càng như tự nhiên thấm nhuần những khuôn mẫu văn hóa khác biệt sẵn có.
Xã hội ngày nay cũng có những phương tiện thích hợp cho công cuộc giáo dục này. Nhất là nhờ việc phổ biến sách báo càng ngày càng lan rộng và những phương tiện truyền thông văn hóa xã hội mà văn hóa được phổ biến dễ dàng. Thực thế, nhờ giảm bớt phần nào thời giờ làm việc, nhiều người sẽ có dịp để trau dồi văn hóa. Do đó, phải biết dùng thời giờ nhàn rỗi để bổ dưỡng tâm trí và thể xác, như giải trí lành mạnh, học hỏi; du lịch những miền xa lạ sẽ giúp cho trí óc mở mang, và nhờ hiểu biết lẫn nhau con người được thêm phong phú; thể dục và các hoạt động thể thao giúp chúng ta giữ được quân bình trong tâm hồn của mỗi cá nhân cũng như của xã hội, và giúp chúng ta thiết lập được các mối bang giao huynh đệ giữa mọi người không phân biệt giai cấp, quốc gia hay chủng tộc. Vì thế, các Kitô hữu phải cộng tác vào việc đem tinh thần nhân bản và Kitô giáo thấm nhuần các sinh hoạt văn hóa tập thể, là những sinh hoạt đặc biệt của thời đại chúng ta.
Tuy nhiên, những phương tiện trên sẽ không đem lại một nền giáo dục văn hóa toàn diện cho con người nếu đồng thời con người không tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của văn hóa và khoa học đối với con người.
62. Phối hợp văn hóa nhân loại với Kitô giáo. Mặc dù Giáo Hội đã đóng góp nhiều vào sự phát triển văn hóa, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, vì những lý do nhất thời mà sự phối hợp giữa văn hóa và Kitô giáo không phải lúc nào cũng diễn tiến mà không gặp trở ngại.
Những trở ngại này không nhất thiết làm tổn thương đời sống đức tin, trái lại, còn có thể thúc đẩy lý trí tìm hiểu đức tin một cách chính xác và sâu rộng hơn. Thực thế, những cuộc nghiên cứu và những phát sinh gần đây của khoa học cũng như của sử học và triết học khơi lên những vấn đề mới liên hệ đến chính cuộc sống. Chúng đòi hỏi các nhà thần học vẫn phải tìm tòi những nghiên cứu mới nữa. Do đó, khi trung thành với những phương pháp và đòi hỏi riêng biệt của khoa thần học, các nhà thần học được mời gọi luôn tìm kiếm một phương thức thích ứng hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời: vì một đàng là kho tàng đức tin các chân lý, một đàng là phương thức diễn đạt kho tàng đó miễn sao giữ vững đúng ý nghĩa và nội dung 12. Trong phạm vi mục vụ, phải thấu triệt và áp dụng không những các nguyên tắc thần học, nhưng cả những phát minh của các khoa học "đời", nhất là khoa tâm lý và xã hội học. Như thế, các tín hữu cũng sẽ nuôi dưỡng được một đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn.
Văn chương và nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Thực thế, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn tả đặc tính riêng của con người cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người trong nỗ lực nhận biết và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng cố gắng khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, phơi bày những đau khổ và vui mừng, những nhu cầu và nghị lực của con người, lại cố gắng phác họa một vận hội khả quan hơn cho con người. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời và từng miền khác nhau.
Vậy nên, cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội đang lưu tâm đến hoạt động của họ và một khi được hưởng tự do đúng mức, họ có thể trao đổi với cộng đoàn Kitô hữu dễ dàng hơn. Giáo Hội cũng phải công nhận những hình thức nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đem vào nơi phượng tự những hình thức mới này, một khi với lối diễn tả thích nghi và phù hợp với phụng vụ, chúng giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa 13.
Như thế, danh Chúa được biểu dương, việc rao giảng Phúc Âm trở thành dễ hiểu hơn, và như hàm chứa sẵn trong cảnh sống của con người.
Bởi vậy, các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa riêng của họ. Các tín hữu phải phối hợp những kiến thức khoa học và học thuyết mới cũng như những phát minh mới mẻ với nền luân lý và giáo lý Kitô giáo. Nhờ đó, đời sống đạo và tâm hồn chính trực của họ lớn lên song hành với kiến thức khoa học và kỹ thuật mỗi ngày một tiến bộ. Như vậy, họ có thể nhận định và giải thích mọi sự với lối cảm nghĩ hoàn toàn Kitô giáo.
Những vị chuyên khoa thần học trong các Chủng Viện và Ðại Học nên cố gắng đem năng lực và quan điểm cộng tác với những người am tường các khoa học khác. Ðồng thời, công cuộc nghiên cứu thần học nhằm đào sâu chân lý mạc khải không được khinh thường mối liên hệ của thần học đối với thời đại của mình. Có vậy, các nhà thần học mới có thể giúp những nhà chuyên môn trong các bộ môn khác hiểu biết đức tin đầy đủ hơn. Những công cuộc hợp tác này sẽ giúp ích nhiều cho việc đào tạo các thừa tác viên có chức vụ thánh. Họ có thể dẫn giải giáo lý về Thiên Chúa, về con người và thế giới một cách thích hợp với thời đại chúng ta hơn; nhờ đó, lời họ giảng cũng được đón nhận dễ dàng hơn 14. Mong cho có nhiều giáo dân được huấn luyện thích đáng về các khoa học thánh, và ước sao một số chuyên tâm học hỏi và đào sâu những môn học này. Tuy nhiên, để họ có thể làm tròn bổn phận của mình, cần phải thừa nhận cho tín hữu hoặc giáo sĩ hoặc giáo dân một sự tự do đầy đủ để nghiên cứu, suy tư, cũng như để khiêm tốn và can đảm trình bày quan điểm trong lãnh vực chuyên môn của họ 15. 74*
--------------------
Chú Thích:
65* Văn hóa giúp con người phát triển (số 53a), vậy văn hóa là thế nào? (b). Có thể có nhiều hình thức theo lịch sử và xã hội cũng như theo xã hội học và nhân chủng học (c).
1) Thực trạng của văn hóa hiện tại: Văn hóa được đổi mới và quốc tế hóa do ảnh hưởng khoa học gây nên (số 54). Ðồng thời con người ý thức về quyền tự trị và về trách nhiệm trong lãnh vực văn hóa (số 55).
Ðàng khác con người cũng nhận thấy nhiều xung đột (số 56a); giữa văn hóa do ảnh hưởng khoa học gây nên (số 54). Ðồng thời con người ý thức về quyền tự trị và về trách nhiệm trong lãnh vực văn hóa (số 55).
Ðàng khác con người cũng nhận thấy nhiều xung đột (số 56a); giữa văn hóa mới và nếp sống cũ của các cộng đoàn (b), giữa sự phát triển và thông truyền (c), giữa sự học biết càng ngày càng nhiều và quan niệm tổng quát cần thiết (d), giữa văn hóa ngày một phức tạp và việc quần chúng phải tham dự vào văn hóa (e), giữa quyền tự trị và đòi hỏi tôn giáo (f), dù vậy văn hóa phải giúp con người lớn lên về mọi phương diện (g).
2) Nguyên tắc để phát triển văn hóa:
A) Ðức tin và văn hóa: Ðức tin giúp ta phát triển văn hóa (số 57a); vì khiến ta tự hoàn thiện hóa và phục vụ đồng loại (b), vì cổ võ sự chân, thiện, mỹ và giúp ta hiểu vũ trụ hơn (c). Văn hóa giúp ta thờ phượng Chúa và đón nhận đức tin (d). Ðàng khác tinh thần khoa học quá đáng có thể nguy hiểm (e). Nhưng ta không vì thế mà phủ nhận các giá trị của khoa học (f).
B) Phúc Âm và văn hóa: Chúa đã dùng văn hóa của dân Do thái để tự tỏ mình ra (số 58a). Giáo Hội đã dùng các nền văn hóa khác nhau để loan truyền Phúc Âm (b), và khi tiếp xúc với tất cả các nền văn hóa ấy thì đã mưu ích cho nó cũng như cho mình (c). Những lợi ích Phúc Âm mang lại (d).
C) Ðiều kiện giúp văn hóa phát triển để mưu ích cho con người biết chiêm ngưỡng và phán đoán (số 59a) là văn hóa phải hưởng thụ tự do (b). Giáo hội xác nhận quyền tự do văn hóa (c). Tự do nghiên cứu, tự do tư tưởng và phát biểu ý kiến, tự do thông tri (d). Vai trò của chính quyền (e).
3) Nhiệm vụ của Kitô hữu: Mọi người phải được hưởng thụ văn hóa (số 60a), phải có thể vào các Trường Cao Ðẳng (b). Và mỗi người cũng có nhiệm vụ về văn hóa; để lập nên điều kiện thuận tiện cho mọi người, để giúp phụ nữ đóng một vai trò trong xã hội (c).
4) Giáo dục là cần thiết: Phải đề cao nhân vị (số 61a) và sứ mệnh gia đình (b). Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cũng như việc sử dụng các giờ rảnh đều quan trọng (c). Cần phải tìm hiểu ý nghĩa chính xác của văn hóa (d).
5) Vai trò của Giáo Hội: Có thể rất khó khăn khi phát triển văn hóa và đồng thời gìn giữ tinh thần Kitô giáo (số 62a). Phần đóng góp của các nhà thần học (b), văn chương và mỹ thuật (c). Lập trường của Giáo Hội đối với nhà văn và nghệ sĩ (d). Phải tìm hiểu thời đại và điều hòa văn hóa với giáo lý (e), đó là việc riêng của các nhà thần học (f).
66* Trong phần này Công Ðồng nói về một thứ văn hóa "Âu Mỹ", của các quốc gia tiền tiến. Nhưng các quốc gia đang mở mang cũng hướng về thứ văn hóa giống như thế nhờ sự kỹ nghệ hóa; đồng thời cũng nhờ người trí thức trong các quốc gia đang mở mang hoặc đã theo học trong các học đường Âu Mỹ, hoặc đã theo học những chương trình Tây Phương tại các Viện Ðại Học của nước mình. Bởi thế, ước gì kinh nghiệm của những quốc gia Âu Mỹ có thể giúp đỡ các quốc gia đang mở mang để tránh được những khuyết điểm mà văn hóa Tây Phương đã không tránh khỏi.
1 Xem Phần Nhập Ðề của Hiến Chế này, số 4-10.
67* Giới trí thức và lãnh đạo ở các quốc gia đang mở mang có nhiệm vụ rất lớn lao và khó nhọc về vấn đề này.
68* Vấn đề này không chỉ có trong các quốc gia đang mở mang mà thôi. Các phong trào chống đối bên Âu Mỹ cũng đe dọa những giá trị truyền thống.
69* Một cách tóm tắt và thực tế, trong việc phát triển văn hóa chúng ta phải làm sao để điều hòa mọi giá trị: để duy trì sự quân bình giữa các điều cũ và điều mới, giữa lý trí và tình cảm, giữa trí óc khoa học và trí óc chiêm ngưỡng thiên nhiên, thưởng thức văn chương và mỹ thuật. Phải làm sao để giúp đỡ mỗi cá nhân và các dân tộc phát triển song song: nếu không, nhiều hình thức nô lệ mới có thể xuất hiện: chẳng hạn sự nô lệ kinh tế và văn hóa của cả một quốc gia.
2 Xem Col 3,1-2.
3 Xem Stk 1, 28.
4 Xem Cn 8, 30-31.
5 Xem T. Ireneô, Adv Haer. III, 11, 8: x.b. Sagnard, trg 200; Xem n.v.t., 16, 6: trg 290-292; 21, 10-22: trg 370-372; 22, 3: trg 378; v.v...
70* Hiện tượng luận chủ trương rằng ta phải đánh giá các hiện tượng mà không cần tìm đến những thực thể siêu việt. Ví dụ: trong cơn khủng hoảng đối với quyền bính trong Giáo Hội hay trong xã hội, chúng ta không cần dựa trên bất cứ nguyên tắc lý thuyết nào, mà phải chấp nhận những thực tại mới, thích hợp với các hiện tượng xảy ra. "Bất khả tri luận" chủ trương rằng trí con người thiếu khả năng để hiểu biết các thực tại siêu hình. Nhiều khi đó chỉ là một lập trường trong thực tế. Khoa học có thể đưa tới chủ trương ấy, không phải vì bản tính đòi hỏi như vậy, nhưng chỉ vì người ta muốn xét tới tất cả mọi vấn đề dựa trên những phương pháp thí nghiệm và thực tế của khoa học.
71* Ðoạn trên đã được hàng trăm các Ðức Giám Mục Á Phi và Nam Mỹ xác nhận. Có lẽ nhiều giáo dân thuộc giới trí thức (ở Việt Nam cũng như ở nhiều nơi khác) có cảm tưởng rằng mấy đoạn đó hợp với lý tưởng của Giáo Hội hơn là hợp với lịch sử. Quả quyết rằng Giáo Hội đã dùng những kho tàng của các nền văn hóa khác nhau để giảng dạy và diễn tả Phúc Âm trong Phụng Vụ mà không hề cấu kết với một dân tộc hay phong tục dân tộc nào... phải chăng hơi có tính cách tự đắc huênh hoang quá đáng? (Ví dụ, hơn ba thế kỷ, ở Việt Nam vẫn cử hành Phụng Vụ bằng tiếng Latinh và theo đúng như các nghi thức Roma). Dù ta cảm thấy Giáo Hội đã thực hiện một thứ thực dân tôn giáo và do đó trái với nguyên tắc tốt đẹp này (ở đây không cần nói đến vấn đề Giáo Hội có giúp đỡ cho thực dân chính trị hay không, vì có thể phức tạp hơn), nhưng nguyên tắc của Công Ðồng đã rõ ràng. Ta phải làm sao để con cháu ta không thể tố cáo được rằng chúng ta đã không làm gì để thực hiện nguyên tắc đó trong thực tế.
6 Xem Eph 1, 10.
7 Xem lời Ðức Piô XI nói với ÐGM Roland-Gosselin: "Ðừng bao giờ quên rằng mục tiêu Giáo Hội nhằm là truyền bá Phúc Âm chứ không phải truyền bá văn minh. Nếu Giáo Hội truyền bá văn minh, thì qua việc truyền bá Phúc Âm" (Semaines sociales de France, Versailles, 1963, trg 461-462).
8 CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về đức tin công giáo Dei Filius, ch. IV: Dz 1695, 1799 (3015-3019). - Xem Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 190.
9 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 260.
10 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 283. - Piô XII, sứ điệp truyền thanh 24-12-1941: AAS 34 (1942), trg 16-17.
11 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 260.
72* Với chế độ dân chủ, nữ giới bắt đầu đòi bình quyền với nam giới. Phong trào thoát ly hoàn toàn của nữ giới: về phương diện sinh vật học (không làm nô lệ cho hôn nhân và việc sinh nở), về kinh tế (có toàn quyền bất chấp ý kiến của người chồng), về xã hội (hình thức đàn bà nội trợ phải biến đi). Phong trào này một khi có tính cách tuyệt đối đến nỗi bỏ quên sự khác biệt giữa hai giới nam và nữ không những về sinh vật lý mà còn về tâm lý, lúc ấy nó trái ngược với chính phẩm giá của phụ nữ và làm hại cho gia đình, xã hội. Công đồng đã nhấn mạnh sự bình đẳng về nhân quyền căn bản (số 29b) và ở đây không những chấp nhận sự thoát ly xã hội (về việc làm thích hợp với tài năng của họ) mà còn dạy mọi người phải cộng tác để phụ nữ góp phần riêng và cần thiết trong lãnh vực văn hóa. Lãnh vực văn hóa cũng bao gồm hoạt động chính trị! Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhắc lại rằng ơn thiên triệu chính của đàn bà cốt tại việc làm mẹ (cũng có thể mang ý nghĩa thiêng liêng). Công việc ở ngoài gia đình có thể ngăn cản họ trong việc nuôi nấng, giáo dục con cái và sống đầm ấm với chồng. Ðàng khác hoạt động xã hội của phụ nữ nhiều khi cần thiết vì ích chung (ví dụ để bảo vệ hay cổ võ ích lợi của gia đình) và phẩm giá của giới phụ nữ cũng đòi hỏi họ góp phần vào ích lợi chung. Ðặc biệt những phụ nữ không chồng không con, có thể dấn thân để thực hành nhiều công việc xã hội và chính trị nữa (15-8-1945: AAS 37, 288 và 21-10-1945: AAS 37).
73* Ngày nay sự sai biệt giữa người học thức và kẻ dốt nát ở trong một dân tộc nào đó thật đáng sợ, nhưng sự sai biệt nơi một cá nhân giữa sự học biết thật cao trong một lãnh vực và sự dốt nát hoàn toàn về phương diện khác của văn hóa, điều đó lại càng đáng sợ hơn nữa! Nếu trong lãnh vực lý học, toán học, y học, v.v... thực có uy thế, nhưng đồng thời lại chẳng hiểu gì về văn chương... hay về tôn giáo, thì như vậy con người đã không phát triển các điều hòa. Phải phát triển các khả năng: trí tuệ, ý chí, ký ức, sức tưởng tượng tình cảm, lương tri... một cách quân bình.
12 Xem Gioan XXIII, Diễn văn khai mạc Công Ðồng, 11-10-1962: AAS 54 (1962), trg 792.
13 Xem CÐ Vat II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, số 123: AAS 56 (1964), trg 134. - Phaolô VI, Discorso agli artisti romani, 7-5-1964: 56 (1964), trg 439-442.
14 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Ðào Tạo Linh Mục Optatam totius và Tuyên Ngông về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum educationis.
15 Xem CÐ Vat. I I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. IV, số 37: A AS 57 (1965), trg 42-43.
74* Trong số này Công Ðồng diễn tả lại thái độ của Giáo Hội (thái độ Giáo Hội muốn có, hơn là thái độ đã có qua lịch sử) đối với tất cả các biểu hiện của văn hóa (Công Ðồng nhắc lại thần học, văn chương và mỹ thuật như là ví dụ). Ðó là thái độ thiện cảm biết khám phá những giá trị tích cực hơn là chỉ để ý đến những khó khăn và mối nguy hại; thái độ muốn dự phần và thấu hiểu để nhận thấy những khía cạnh văn hóa thích hợp với giáo lý thế nào; thái độ đối thoại trong bầu không khí tự do, loại bỏ lòng nghi ngờ đối với những ai chuyên môn về nghiên cứu (đặc biệt trong lãnh vực thần học).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét