Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Kết Luận 98*

91. Bổn phận của mỗi tín hữu và của các Giáo Hội địa phương. Những điều mà Thánh Công Ðồng này đề nghị được rút ra từ kho tàng giáo lý của Giáo Hội. Mục đích là giúp đỡ mọi người thời nay, hoặc tin Thiên Chúa hoặc không minh nhiên nhìn nhận Ngài, nhận thức rõ ràng hơn thiên chức toàn diện của mình, kiến tạo thế giới cho hợp với phẩm giá siêu việt của con người hơn, tìm kiếm một tình huynh đệ đại đồng được thiết lập vững chắc hơn và đáp lại những đòi hỏi khẩn thiết trong thời đại chúng ta theo như tình yêu thúc đẩy trong một nỗ lực hợp tác quảng đại.

Thực vậy, trước sự dị biệt lớn lao giữa những hoàn cảnh và những hình thức văn hóa nhân loại trên thế giới, những lời đề nghị trên đây trong nhiều điểm chỉ cố ý trình bày một cách tổng quát. Hơn nữa, vì phần nhiều liên hệ đến những vấn đề còn đang biến chuyển không ngừng, nên giáo huấn ở đây, tuy đã được công nhận trong Giáo Hội, nhưng cũng cần được khai triển và tiếp nối thêm nữa. Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc rằng nhiều điều mà chúng tôi loan báo dựa trên lời Chúa và tinh thần Phúc Âm, sẽ có thể giúp đỡ mọi người một cách hữu hiệu, nhất là khi các tín hữu theo sự hướng dẫn của Chủ Chăn cố gắng thực hiện công việc thích nghi cần thiết cho từng quốc gia và từng tâm thức khác nhau.

92. Ðối thoại giữa mọi người. Với sứ mệnh đem sứ điệp Phúc Âm soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, một mối tình tạo điều kiện và cổ võ một cuộc đối thoại chân thành.

Vậy trước hết, chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các Kitô hữu khác. Thật vậy, những gì liên kết giữa các tín hữu còn mạnh hơn những gì chia rẽ: hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự 6.

Ðồng thời, tâm hồn chúng tôi cũng ôm ấp những người anh em và các cộng đoàn của họ, tuy chưa sống hiệp thông trọn vẹn với chúng tôi nhưng vốn liên kết với chúng tôi trong sự tuyên xưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng như trong mối dây bác ái; chúng tôi nhớ rằng ngay cả nhiều người không tin vào Chúa Kitô vẫn ước mong và khao khát sự hiệp nhất giữa các tín hữu: quả thực, sự hiệp nhất này càng tiến triển trong chân lý và tình yêu nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, thì càng sẽ là một điềm tiên báo sự hiệp nhất và hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, cùng hiệp lực và hiện đang theo đuổi mục đích cao cả này cách hữu hiệu dưới những hình thức ngày càng thích hợp hơn, chúng tôi cố gắng mỗi ngày sống phù hợp với Phúc Âm hơn nữa, để hợp tác trong tình huynh đệ hầu phục vụ gia đình nhân loại đang được mời gọi vào gia đình các con cái Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô.

Do đó, chúng tôi cùng hướng tâm hồn đến tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và bảo tồn các yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống riêng. Chúng tôi ước mong đối thoại cởi mở để dẫn đưa tất cả chúng ta đến chỗ trung thành đón nhận và hăng hái thực hiện những gì Chúa Thánh Thần thôi thúc. Niềm ước mong đối thoại đó chỉ do lòng yêu chân lý hướng dẫn và dĩ nhiên vẫn giữ được sự khôn ngoan thích hợp; về phần chúng tôi, niềm ước vọng này không loại trừ một ai hết: từ những người đang tôn thờ những giá trị tinh thần nhân bản cao quí mà chưa nhận biết Ðấng Tạo Thành đến những ai chống đối và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách. Vì Thiên Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm anh em với nhau. Và vì thế, được gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực.

93. Xây dựng và dẫn đưa thế giới tới cùng đích. Nhớ lại lời Chúa: "Nếu các con thương yêu nhau, thiên hạ sẽ cứ dấu ấy mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy" (Gio 13,35), người Kitô hữu không thể tha thiết mong ước gì hơn là luôn được phục vụ con người trong thế giới ngày nay cách quảng đại và hữu hiệu hơn. Thật vậy, trong khi trung thành gắn bó với Phúc Âm và thừa hưởng những năng lực của Phúc Âm, cũng như liên kết với mọi người yêu chuộng và thực hiện công bình, người Kitô hữu nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao phải chu toàn ở trần gian này và phải trả lẽ với Ðấng sẽ phán xét mọi người trong ngày sau hết. Không phải những ai nói "lạy Chúa, lạy Chúa" sẽ được vào nước trời, nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Chúa Cha 7 và can đảm làm việc. Thực thế, Chúa Cha muốn chúng ta nhìn nhận Chúa Kitô là anh cả trong tất cả mọi người và yêu mến Người cách cụ thể bằng lời nói cũng như bằng việc làm. Như vậy, chúng ta làm nhân chứng cho Chân Lý và truyền thông cho kẻ khác mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha trên trời. Nhờ đó, mọi người trên khắp địa cầu sẽ thấy nẩy sinh một niềm hy vọng mãnh liệt, đó là ân huệ của Chúa Thánh Thần, để sau cùng được hưởng hòa bình và hạnh phúc tuyệt vời trong quê hương rạng ngời vinh quang Chúa 99*.

"Kính chúc Ðấng quyền năng làm được mọi sự cách hết sức phong phú hơn điều ta cầu xin hay nghĩ tưởng tùy theo quyền phép của Ngài hằng hoạt động giữa chúng ta, kính chúc Ngài vinh quang trong Giáo Hội và trong Chúa Giêsu Kitô trong mọi thế hệ muôn đời. Amen" (Eph 3,20-21).

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến Chế Mục Vụ này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

-----------

98* Tất cả những điều Công Ðồng đề nghị ở trên nhằm giúp mọi người góp phần để kiện toàn thế giới trong tinh thần huynh đệ (số 91a). Dĩ nhiên cần phải áp dụng những nguyên tắc đó cho thích hợp với trường hợp của từng địa phương (b).

Giáo Hội là dấu chứng cho sự hiệp nhất (số 92a), trước hết mình phải tự hiệp nhất (b), rồi tìm cách cộng tác với các anh em ly khai, cá nhân cũng như cộng đoàn (c), và đối thoại cởi mở với tất cả những ai có lòng tin nơi Ðấng Tối Cao (d). Hơn nữa, về phần Giáo Hội, Giáo Hội không loại trừ người vô thần và ngay cả những ai chống đối Giáo Hội (e).

Tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta hoạt động để xây dựng thế giới (số 93a) và làm vinh danh Thiên Chúa (b). 

6 Xem Gioan XXIII, Tđ. Ad Petri Cathedram, 29-6-1959: AAS 55 (1959), trg 513. 
7 Xem Mt 7,21.
99* Sau khi chúng ta đọc Hiến Chế Mục Vụ rồi, Công Ðồng khuyên mỗi người chúng ta như Chúa Giêsu xưa bảo luật sĩ: "Hãy về bắt chước làm như vậy" (Lc 10,37). Hiến Chế đã nhắc lại rất nhiều bổn phận, đã cho biết rất nhiều nhiệm vụ khẩn cấp, đã khuyên bảo về rất nhiều điều thiếu sót của cá nhân hay cộng đoàn trong Giáo Hội. Nhưng điều căn bản để sống đạo cũng như để mưu ích cho thế giới là điều răn mới của Chúa Giêsu, bao gồm tất cả những điều răn khác (Rm 13,8; Gal 5,14). Sau khi luật sĩ trả lời rằng: "Luật Chúa dạy ta phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, lại thương yêu người thân cận như chính mình vậy". Chính Chúa Giêsu đã phán: "cứ làm như thế sẽ được sống" (Lc 10,26-28). Nhờ Chúa Thánh Thần ban cho ta sự yêu thương đó (Rm 5,5), nghĩa là tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô (Rm 8,35.39), mỗi Kitô hữu sẽ hoạt động để xây dựng thế giới mới và phục vụ mọi người khác. Dưới sự hướng dẫn của Hàng Giáo Phẩm, chúng ta sẽ tìm cách áp dụng nguyên tắc chung trong Hiến Chế vào hoàn cảnh thực tế của từng địa phương mình sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét