Đoạn này dài hơn cả, nhắc lại những nguyên tắc luân lý liên quan đến chiến tranh đã được phát biểu trong sách GLCG ở các số 2302-2317. Như sẽ nói trong mục Hai, mặc dầu tựa đề của chương này là “bảo vệ HB”, nhưng trải qua dòng lịch sử, Giáo hội lên tiếng nhiều lần về chiến tranh hơn là về HB. Chiến tranh là mặt trái của HB.
Sau ba điều dẫn nhập, sách TLHT đề cập đến 6 vấn đề: 1) Sự tự vệ chính đáng. 2) Vai trò của quân đội. 3) Phải bảo vệ người vô tội. 4) Sự cấm vận. 5) Giải giới. 6) Khủng bố.
1/ Huấn quyền lên án “sự man rợ của chiến tranh (GS 77).
Chiến tranh là một tai ương. Nó phát sinh những tranh chấp mới và phức tạp hơn, sự tàn sát vô ích, một cuộc phiêu lưu không ngày trở về. Nó gây ra những tổn thất vật chất và luân lý. Chiến tranh là sự thất bại của nhân loại.
2/ Thật là khẩn trương phải đi tìm những giải pháp khác thay cho chiến tranh để giải quyết những tranh chấp (số 498).
- Ngày nay, khó lòng hạn chế các cuộc tranh chấp vào một lãnh thổ, bởi vì các phương tiện tàn phá hiện nằm trong tay của nhiều nước.
- Cần thiết phải tìm ra những nguyên nhân của một cuộc chiến tranh (những tình trạng bất công). Vì thế sự phát triển là tên gọi mới của HB.
3/ Tầm quan trọng của các cơ quan toàn cầu và riêng từng vùng (số 499).
Nhờ những cơ quan này cổ vũ sự hợp tác ngõ hầu mang lại sự bảo vệ hữu hiệu cho những quốc gia không có phương tiện tương xứng. Các cơ quan ấy thiết lập những tương quan tín nhiệm hỗ tương đến nỗi việc sử dụng chiến tranh là điều không tưởng tượng nổi.
A. Sự tự vệ chính đáng
1/ Một cuộc chiến tranh xâm lấn là điều xấu xa tự bản chất. Một quốc gia bị xâm lấn có quyền lợi và nghĩa vụ phải tự vệ bằng cách sử dụng khí giới (GLCG 2265) (số 500).
Để việc sử dụng vũ trang được chính đáng theo luân lý, cần có những điều kiện sau đây (mà những người có trách nhiệm đến công ích có bổn phận phải cân nhắc):
- Sự tổn thất do kẻ xâm lăng gây ra có tính lâu dài, trầm trọng và chắc chắn.
- Những phương tiện khác để chấm dứt sự xâm lấn không thể thực hiện được và không có hiệu quả.
- Có lý do bảo đảm rằng sự tự vệ sẽ thành công.
- Việc sử dụng khí giới không gây ra những sự dữ hoặc xáo trộn tệ hơn là sự dữ mà ta muốn loại trừ (GLCG 2309).
Sức mạnh vũ trang không biện minh cho tất cả mọi thứ sử dụng sức mạnh nhằm mục tiêu chính trị hay quân sự.
2/ Hiến chương LHQ với tai ương chiến tranh (số 501).
a) Hiến chương dựa trên sự ngăn cấm sử dụng vũ lực để giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia, ngoại trừ hai trường hợp: Sự tự vệ chính đáng - Các biện pháp của Hội đồng Bảo an quyết định trong khuôn khổ trách nhiệm của mình phải duy trì HB.
b) Các giới hạn của quyền tự vệ: sự cần thiết; sự tương xứng.
c) Trường hợp chiến tranh phòng ngừa (quyền can thiệp). Nó đặt ra nhiều nghi vấn nặng nề dưới khía cạnh luân lý và pháp lý. Duy chỉ một quyết định của các cơ quan có thẩm quyền mới có thể cấp cho nó tính cách hợp pháp quốc tế.
B. Bảo vệ hòa bình
1/ Những yêu sách của việc tự vệ chính đáng biện minh sự hiện hữu của quân đội trong các quốc gia (số 502).
Quân đội có sứ mạng bảo vệ sự thiện, sự thật và công lý trên thế giới.
2/ Trách nhiệm của người lính: vấn nạn lương tâm (số 503) 1
Các quân nhân có trách nhiệm hoàn toàn về những hành động vi phạm quyền lợi của các nhân thân và các dân tộc. Những hành động này không được biện mình vì lý do tuân hành lệnh của cấp trên.
Tuy nhiên, những người nêu vấn nạn lương tâm phải chấp nhận phục vụ cộng đồng dưới một hình thức khác.
C. Nghĩa vụ che chở những người vô tội
1/ Cần che chở các thường dân thường trở thành nạn nhân của việc sử dụng quân lực (số 504).
Cần phải tôn trọng những quy định của luật quốc tế về nhân đạo.
Những cuộc “thanh lọc chủng tộc” là điều không thể nào chấp nhận. Trong những trường hợp thảm thương, các cuộc cứu trợ nhân đạo cần phải được đưa đến các dân tộc ấy.
Điều thiện của nhân vị đứng trên những quyền lợi của các phe phái tranh chấp.
2/ Bổn phận phải đưa những thường dân tránh xa những hậu quả của cuộc chiến (số 505).
Cần phải tìm ra sự thỏa thuận về những nguyên tắc nhân đạo và củng cố các nền tảng của chúng để ngăn ngừa sự tái diễn những cảnh tàn ác và lạm dụng.
3/ Sự tiêu diệt cả một nhóm người (chủng tộc, bộ lạc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ) là trọng tội đối với Thiên Chúa và nhân loại (số 506).
Thế kỷ XX đã được đánh dấu bởi những cuộc diệt chủng khủng khiếp: Armenie, Ukren, Ruanda, Cambốt, Do thái.
Đứng trước những hành vi, ta có bổn phận phải tìm ra những sáng kiến cụ thể để giải giới kẻ tấn công. Không thể nại đến chủ quyền quốc gia để tránh sự can thiệp giúp đỡ các nạn nhân.
Các biện pháp này phải tôn trọng luật quốc tế và nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia.
Việc thiết lập Tòa án hình sự quốc tế là một điều mà Huấn quyền đã nhiều lần ủng hộ.
D. Biện pháp chống lại những kẻ đe dọa HB
Sự cấm vận nhằm sửa chữa thái độ của những chính phủ vi phạm luật quốc tế hoặc đàn áp nhân dân (số 507).
Đặc trưng của những cuộc cấm vận (hay phong tỏa)
- Cần phải quy định chính xác những mục tiêu của nó (nhằm đến mở ra cuộc đối thoại và đàm phán).
- Cần phải được kiểm tra định kỳ bởi những cơ quan có thẩm quyền của Cộng đồng quốc tế.
- Sự cấm vận không bao giờ được trở thành dụng cụ trừng phạt đối với toàn thể nhân dân.
- Cần phải hạn chế sự cấm vận kinh tế về thời gian, và nó không được biện minh khi thấy rằng nó gây ra những hậu quả cách mù quáng, không phân biệt giữa những kẻ có lỗi và những kẻ không có lỗi.
E. Sự giải trừ quân bị
1/ GHXH đề nghị một cuộc giải giới toàn diện, quân bình và có kiểm soát (số 508).
Việc tăng cường vũ trang là một sự đe dọa trầm trọng cho nền an ninh và HB. Không thể nói vũ khí tương đương mới các sản phẩm khác để trao đổi trên thế giới hoặc trên thị trường trong nước (GLCG số 2316).
Chủ trương tăng cường binh lực để làm cho đối phương hoảng sợ là một điều đáng nghi ngờ dưới khía cạnh luân lý. Việc thi đua vũ trang không bảo đảm HB: thay vì loại bỏ chiến tranh, nó có nguy cơ làm tăng gia.
2/ “Tất cả mọi hành động chiến tranh nhằm đến sự tàn phá toàn thể các thành phố hoặc những miền rộng lớn cùng với dân cư là một tội ác đối với Thiên Chúa và con người” (GLCG số 2314).
Việc sở hữu các khí giới tàn phá hàng loạt (sinh học, hóa học, hạt nhân) mang theo một trách nhiệm to lớn trước mặt Chúa và nhân loại (số 509).
Những mục tiêu khẩn trương: Không bành trướng vũ khí hạt nhân; - Những biện pháp giải trừ khí giới hạt nhân; - Đặt ra những cuộc kiểm soát hữu hiệu ở tầm quốc tế; - Phá hủy các vũ khí hóa học và sinh học.
3/ Việc giải giới cũng phải mở rộng đến các khí giới chống lại cá nhân (số 510).
Những khí giới này vô nhân đạo, gây ra những thiệt hại kể cả sau khi các cuộc xung đột đã chấm dứt từ lâu.
Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục dấn thân vào công việc tháo gỡ mìn.
4/ Cần kiểm soát việc sản xuất và buôn bán các vũ khí nhẹ (số 511).
Các loại vũ khí này dễ dàng đưa đến các hành vi vũ lực. Việc buôn bán những khí giới này là một đe dọa cho nền HB: chính những vũ khí này giết người nhiều hơn cả trong các cuộc chiến.
5/ Cần tố giác việc sử dụng các thiếu nhi như là lính trong các cuộc giao tranh (số 512). Huấn luyện cho trẻ em chém giết là một tội ác không thể dung thứ.
F. Lên án khủng bố
1/ Sự khủng bố là một trong những hình thức vũ lực thô bạo nhất hiện đang làm xáo trộn cộng đồng quốc tế (số 513).
Những đặc trưng của nạn khủng bố quốc tế:
- thảo hoạch những chiến thuật có tầm rộng lớn;
- gây tác hại cho những con người hoàn toàn vô tội, nạn nhân tình cờ của các hành động khủng bố;
- nhắm đến những nơi sinh hoạt thường nhật chứ không phải những mục tiêu quân sự;
- nó hoạt động ngoài những quy tắc pháp luật;
- nó gieo rắc hận thù, chết chóc, ước mong báo thù hay trả đũa.
Không nên khinh thường những nguyên nhân thúc đẩy hình thức khủng bố. Việc chống lại khủng bố giả thiết nghĩa vụ luân lý góp phần tạo ra những điều kiện không cho nó nảy sinh hoặc phát triển.
2/ Cần phải tuyệt đối lên án nạn khủng bố (số 514).
Không động lực nào có thể biện minh cho nó.
Việc tự bảo vệ chống lại khủng bố là một quyền lợi. Tuy nhiên quyền này không thể được hành xử mà không đếm xỉa đến các quy tắc luân lý và pháp lý: sự chống trả khủng bố cần diễn ra trong sự tôn trọng nhân quyền và những nguyên tắc của quốc gia pháp trị.
Sự hợp tác quốc tế để chống hoạt động khủng bố không thể nào chỉ giới hạn vào các cuộc đàn áp và trừng phạt. Cần phải phân tích cách can đảm và sáng suốt những động lực ngầm đàng sau các cuộc tấn công khủng bố. Dấn thân trên bình diện chính trị và giáo dục để giải quyết những vấn đề có thể nuôi dưỡng nạn khủng bố. Sự khủng bố tuyển lựa thành viên tại những nơi mà quyền lợi bị chà đạp.
3/ Tuyên bố khủng bố nhân danh Thiên Chúa là một điều phạm thánh và phạm thượng (số 515).
Trong bối cảnh ấy, người ta lạm dụng không những con người mà cả Thiên Chúa nữa. Kẻ khủng bố cho rằng mình nắm giữ chân lý, thay vì tìm cách để được chân lý chiếm hữu.
Lạm dụng danh nghĩa “tử vì đạo”: Sự tử đạo chân chính là chứng tá của kẻ chịu giết chứ không chối bỏ Thiên Chúa và tình yêu của ngài; kẻ khủng bố thì lại giết nhân danh Thiên Chúa. Như vậy là đảo lộn ý niệm tử đạo.
Không tôn giáo nào có thể dung tha khủng bố, lại càng không thể rao giảng khủng bố.
[1] Sách TLHT đã có lần bàn đến “vấn nạn lương tâm” trong chương tám (số 399).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét