Việc bảo vệ môi trường còn đưa chúng ta đến một số vấn đề thần học khác, thuộc về lãnh vực tín lý, liên quan đến việc tạo dựng vũ trụ và cánh chung.
Những số đầu tiên của chương Mười đụng đến nhiều chuyện tranh cãi trong lịch sử các tôn giáo và thần học.
A. Tạo dựng
1/ Trong lịch sử tôn giáo (mà dấu vết vẫn tồn tại nơi nhiều dân tộc)[1], con người có khuynh hướng sùng bái thiên nhiên: họ thờ mặt trời mặt trăng đã vậy, mà còn tin rằng có các thần sông, thần biển, thần đá, thần cây. Với não trạng như vậy, con người đâu dám đụng chạm đến đất đai, rừng núi vì sợ các thần linh. Trong bối cảnh này, chương thứ nhất của sách Sáng thế là một thứ “giải huyền thoại”[2], khi nói rằng mặt trời, mặt trăng, sông ngòi, cây cối... không những không phải là thần linh (chúng là thụ tạo của Thiên Chúa) mà còn được Thiên Chúa trao cho con người điều khiển. Vì thế không có lý để mà sợ sệt thiên nhiên.
2/ Kinh Tin kính mở đầu với lời tuyên xưng Thiên Chúa là đấng tạo dựng trời đất (“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”). Lời tuyên xưng gặp phải nhiều khó khăn trong lịch sử các tôn giáo.
a) Có những tôn giáo không nhận rằng Thượng đế tách biệt với vũ trụ. Triết học đặt tên là “nhất nguyên” (monisme), tượng trưng nơi tín ngưỡng Upanishad của Ấn độ (đồng hóa Đại Ngã với Tiểu Ngã: Brahman và Atman là một).
b) Có những tôn giáo cho rằng vũ trụ này được điều khiển bởi hai ông thần (thuyết “lưỡng thần”, hoặc nhị nguyên, dualisme): Thần Thiện và Thần Ác. Ông Thiện là nguyên nhân của các điều tốt lành, Ông Ác là nguyên nhân của các điều ác. Đặc biệt, thuyết của Mani (Manikê) đồng hóa Thần Ác với vật chất. Kitô giáo tuyên xưng rằng chỉ có một Thiên Chúa, và là Đấng tạo dựng cả loài vô hình (thiêng liêng) và hữu hình (vật chất). Vật chất (cũng như thân xác) là điều tốt, do Chúa làm ra, chứ không phải là ô uế xấu xa.
c) Kitô giáo thừa hưởng từ dân Israel niềm tin về Thiên Chúa tạo dựng. Tuy nhiên, các nhà chú giải Kinh thánh cho biết rằng: cảm nghiệm đầu tiên của dân Israel về Thiên Chúa là cuộc giải phóng khỏi cảnh nô lệ. Thiên Chúa của dân Israel là một Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử (khác với quan niệm về Thượng đế Ngọc hoàng ngồi trên chín tầng mây). Dần dần, dân Israel mới nhận ra rằng Thiên Chúa không chỉ quan tâm đến họ với cuộc giải phóng khỏi cảnh nô lệ, nhưng ngay từ thuở khai thiên lập địa. Thiên Chúa tạo dựng và Thiên Chúa giải phóng là một: điều này trở thành đề tài cho các lời chúc tụng tạ ơn “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Đó là ý nghĩa của số 451 sách TLHT. Dân tộc Israel nhìn vũ trụ như là một công trình của sự khôn ngoan và lân ái của Thiên Chúa.
3/ Vào thời nay, một số phong trào bảo vệ môi sinh tố cáo là Kitô giáo là căn nguyên của sự phá hủy thiên nhiên, bởi vì khuyến khích sự “thống trị trái đất”. Tuy nhiên, như đã nói trên đây, Kinh thánh đặt con người làm “quản lý” địa cầu, chứ không phải là “bá chủ”[3].
Một mối nguy hiểm cho đức tin hiện nay là có những phong trào chủ trương trở về với sự sùng bái thiên nhiên[4], dưới danh nghĩa bảo vệ môi sinh (thí dụ phong trào New Age).
B. Tận thế hay tái tạo dựng?
Chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Thế còn tận thế là gì? Phải chăng Kinh thánh tiên báo là trái đất sẽ bị hủy diệt?
Chúng ta cần phân biệt nhiều thứ ngôn ngữ: ngôn ngữ của khoa học và ngôn ngữ của Kinh thánh.
- Khi bàn về khởi nguyên vũ trụ, điều khẳng định căn bản của Kinh thánh là: “vũ trụ này do Thiên Chúa tạo thành vì lòng yêu thương”. Nhưng Kinh thánh không quan tâm xem vũ trụ này đã bắt đầu từ lúc nào, qua bao nhiêu chặng, vv. Đó là những câu hỏi của khoa học.
- Khi bàn về tận điểm của vũ trụ, chúng ta biết chắc rằng vũ trụ này sẽ có lúc chấm dứt, chứ không tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên khoa học muốn biết: chừng nào sẽ kết thúc (cả chục tỉ năm nữa?), kết thúc như thế nào (vì hết năng lượng?). Kinh thánh không trả lời những câu hỏi ấy. Trọng tâm của Kinh thánh là ý nghĩa của dòng lịch sử: vũ trụ này tiến về đâu? Tân ước cho ta biết rằng vũ trụ này không tiến về hư vô, nhưng sẽ được tái tạo, và chia sẻ vào cuộc chiến thắng của đức Kitô. Nhờ cuộc chiến thắng của Người, vũ trụ được hòa giải với Thiên Chúa và được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt lên: khi nói đến “trời mới đất mới” ( 2 Pr 3,13; Kh 21,1), phải chăng Tân ước hàm ngụ rằng thế giới cũ sẽ bị hủy diệt?
Truyền thống thần học cũng đã ghi nhận hai trào lưu, được đặt tên là trào lưu “khải huyền” (apocalyptic) và “ngôn sứ” (prophetic).
a) Trào lưu thứ nhất được gọi là “khải huyền” bởi vì mang não trạng giống như tác giả sách Khải huyền của Tân ước. Họ quan niệm rằng thế gian này xấu xa đồi trụy, vì thế cần phải bị hủy diệt. Ngày tận thế được hình dung như là sự tan rã của vũ trụ, với cảnh trời long đất lở, nắng lửa mưa dầu, vv. ra như không để lại tí gì tàn tích của chế độ cũ.
b) Trào lưu thứ hai được mệnh danh là “ngôn sứ” bởi vì muốn đi theo sứ mạng của các ngôn sứ: họ kêu gọi những người tội lỗi hãy hóan cải để được Chúa tha thứ và đổi mới. Trào lưu này chấp nhận rằng thế giới này còn bất toàn, tuy vậy cũng chứa đựng nhiều hạt giống tốt; vì thế họ quan niệm ngày tận thế không phải là sự tiêu hủy thế giới hiện tại, nhưng là sự canh tân đổi mới.
Trong Tân ước, thuật ngữ “trời mới đất mới” xuất hiện trong thư thứ 2 của Phêrô với một não trạng “khải huyền”. Tác giả mô tả ngày quang lâm như là: ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu hủy và các yếu tố cấu thành trời đất sẽ cháy tan trong lửa hồng. Nhưng theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi sự công chính ngự trị. (2Pr 3,12-13). Một cách tương tự như vậy, tác giả sách Khải huyền viết “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa” (Kh 21,1).
Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng gặp thấy những từ ngữ bao hàm một sự liên tục nào đó, tựa như “tái sinh” (palingenesis, re-generatio: Mt 19,28), “hoàn nguyên, phục hồi” (apokatastasis, restauratio: Cv 3,21), “hoàn tất” (synteleia tou aiônos, consummatio saeculi: Mt 13,39.40.49).
Thiết tưởng để có cái nhìn quân bình, chúng ta nên nhìn lại sứ vụ của đức Kitô. Người được sai đến để loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn ... công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức (Lc 4,18). Sứ vụ đó được tóm lại trong việc “thiết lập triều đại Thiên Chúa”, nghĩa là sự chiến thắng của sự Thiện trên hết mọi lực lượng của sự dữ. Trên thực tế, triều đại Thiên Chúa được biểu lộ qua những hành động của đức Giêsu chống lại ma quỷ và tội lỗi, cũng như chống lại những hung thần tác oai tác quái trên nhân loại: đói khát, bệnh tật và nhất là sự chết. Triều đại Thiên Chúa được biểu lộ cách đặc biệt nơi cuộc phục sinh của Đức Kitô, được thánh Phaolô mô tả như là “hoa trái đầu mùa” mở đầu cho tất cả nhân loại cũng được sống lại (1Cr 15,20). Đây không chỉ là chuyện cải tử hoàn sinh, nhưng còn là chuyện chiến thắng tất cả mọi lực lượng của sự ác, và tên đầu sỏ ác ôn nhất là tử thần (xc 1Cr 15,54-55).
Sự phục sinh của Đức Kitô đánh dấu một cuộc tạo dựng mới (2Cr 5,2), một cuộc giải phóng nhân loại khỏi quyền năng của tội lỗi và sự chết (Rm 8,2). Người Kitô hữu cũng được tham dự vào mầu nhiệm ấy nhờ bí tích rửa tội, nhờ đó họ được mai táng và sống lại với Đức Kitô (Rm 6,4-11), và họ trông mong để được thực sự sống lại như Người. Thánh Phaolô còn đi xa hơn nữa khi mở rộng sự thông dự ơn phục sinh cho toàn thể loài thọ tạo (Rm 8,19-23). Vạn vật liên đới với loài người: vì tội lỗi của loài người mà muôn loài thọ tạo phải rơi vào cảnh hư nát; giờ đây thọ tạo cũng mong được giải thoát cũng giống như loài người: Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.
Đoạn văn vừa rồi xem ra vẫn còn mang tính cách tiêu cực, theo nghĩa là cứu cánh vũ trụ được nhìn dưới khía cạnh giải thoát khỏi sự tàn tạ. Trong thư gửi Ephêsô, thánh Phaolô trình bày kế hoạch của Thiên Chúa (được gọi là “mầu nhiệm) một cách tích cực hơn, đó là việc quy tụ tất cả muôn loài vào một mối dưới quyền thủ lãnh của đức Kitô (Ep 1,9-10), bởi vì mọi vật được tạo thành trong Người, nhờ Người và cho Người (Cl 1,15-20).
Dĩ nhiên, người ta có thể nêu vấn nạn: thánh Phaolô quan niệm vũ trụ (vạn vật, muôn loài thọ tạo) như thế nào: phải chăng đó là cái nhìn cổ xưa về trời đất, hay là cái nhìn hiện đại sau ông Galilê? Tuy nhiên thiết tưởng điều này không quan trọng cho lắm, bởi vì thánh Phaolô không nghĩ đến trăng sao trên trời hoặc cây cỏ dưới đất, cho bằng nghĩ đến con người (nhân loại), đối tượng của tình yêu thương đặc biệt của Thiên Chúa. Nhờ đức Kitô, nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa và được chia sẻ điều kiện làm Con Thiên Chúa.
Những tư tưởng này có liên quan gì đến hoạt động của chúng ta? Có chứ. Lịch sử nhân loại tiến đến một tương lai tốt đẹp chứ không bi thảm. Lịch sử không chấm dứt với “tận thế” hiểu theo nghĩa tàn phá hủy diệt, nhưng tiến đến chỗ “cánh chung” nghĩa là hoàn tất một chương trình của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã muốn quy tụ tất cả muôn loài trong Đức Kitô. Vũ trụ này sẽ được giải thoát khỏi sự hư nát và thông phần vào sự bất diệt của Người. Tuy nhiên, tình trạng đó không phải là do nỗ lực của con người, nhưng là do chính Thiên Chúa: duy chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thiết lập “Triều đại” của Ngài (Nước Thiên Chúa), nghĩa là toàn thắng sự chết và tất cả mọi sự dữ. Đó là công trình của “Thánh Linh sáng tạo” (Creator Spiritus).
Mặt khác, triều đại đó đã bắt đầu rồi, kể từ cuộc Nhập thể của Lời Thiên Chúa và nhất là kể từ cuộc Phục sinh của Đức Kitô: Người đã thổi luồng sinh khí mới vào vũ trụ (Ga 20,22; Rm 8,11). Những mầm mống mới đã được gieo rồi và chờ ngày viên mãn. Trong khi chờ đợi, các Kitô hữu phải hợp tác với Thánh Linh để góp phần vào việc canh tân vũ trụ. Cùng với tất cả mọi người thiện chí, họ cố gắng cộng tác vào việc xây dựng một xã hội tiến bộ hơn, theo như công đồng Vaticanô II đã viết ở số 39 của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng.
Theo lệnh Chúa Kitô và trong Thánh Thần của Người, chúng ta sẽ phổ biến những giá trị của nhân phẩm, của hiệp thông huynh đệ và của tự do, tức là phổ biến tất cả những gì mà tài trí chúng ta đã cùng với thiên nhiên thực hiện được. Rồi sau đó, chúng ta sẽ gặp lại những giá trị đã được chiếu sáng và đã thay hình đổi dạng, khi mà Đức Kitô trao lại cho Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và phổ quát, vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Vương quốc ấy đã hiện diện cách nhiệm mầu trên trần gian, nhưng chỉ đạt được mức toàn hảo khi Chúa đến.
Đó là lý do mà đức giáo hoàng Phaolô VI và các vị kế nhiệm đã đề ra chương trình “xây dựng nền văn minh của tình thương”[5], bởi vì thâm tín rằng “tình thương sẽ tồn tại mãi mãi” (1Cr 13,8) và nhất là bởi vì chính Thiên Chúa cũng được định nghĩa như là Tình thương (1Gv 4,8.16). Xem thêm GLCG 1042-1050: “Niềm hy vọng vào trời mới đất mới”; TLHT số 578-583.
[1] Chúng tôi không muốn nói đến các dân tộc bán khai, nhưng là dân tộc Việt Nam. Đừng kể niềm tin của dân gian vào Thổ công, Hà Bá vv., ông Đoàn Thêm cho rằng tín ngưỡng căn bản người Việt là tín ngưỡng phồn thực, sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người (xc. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Thành phố HCM, 1997, chương Bốn).
[2] Điều này còn rõ hơn nữa khi đối chiếu với đoạn văn ở chương 13 (câu 1-9) sách Khôn ngoan.
[3] Xem Văn kiện của Ủy ban Thần học quốc tế, Hiệp thông và phục vụ. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (2004)
[4] Do sự hàm hồ của từ “nature, naturelle” cho nên Religion naturelle cũng hàm hồ không kém: a) có thể hiểu là đạo tôn thờ thiên nhiên; b) có thể hiểu là đạo tôn thờ Thiên Chúa được biết nhờ sức tự nhiên (lý trí), đối lại với “mạc khải siêu nhiên”.
[5] Huấn từ buổi đọc kinh Regina caeli ngày 17/5/1970; Bài giảng Thánh lễ Chúa giáng sinh 1975.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét