Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

I. Chiến tranh

Chiến tranh là gì? Tìm được câu định nghĩa chính xác không phải là đơn giản. Hai người hoặc hai làng đánh nhau chưa thể gọi là “chiến tranh”. Nếu một làng nổi lên chống triều đình thì phải gọi là “nổi loạn” hoặc “khởi nghĩa”? Nếu cuộc khởi nghĩa lan rộng và triều đình đem quân dẹp loạn thì đó là “đàn áp” hay là “nội chiến”? Có nên đồng hóa “khủng bố” với “chiến tranh” không? Có gì khác biệt giữa chiến tranh “khủng bố” với chiến tranh “du kích”? Đó mới chỉ là chuyện “lộn xộn” xảy ra trong nước, còn phải nói gì đến “ngoại xâm, xâm lăng, trừng phạt”? 

Dĩ nhiên, đàng sau những từ ngữ đặt tên cho một cuộc tranh chấp là sự phê phán chính trị. Một người đặt bom ở dưới cầu bị kết án là “khủng bố phá hoại” dưới một chế độ này, nhưng lại được tuyên dương là “anh hùng cách mạng” dưới chế độ khác! Một cách tương tự như vậy, cuộc “khởi nghĩa” đáng được ghi vào sử sách, còn cuộc “nổi loạn” đáng bị trừng trị! Được làm vua, thua làm giặc là như thế! 

Khi bước từ khía cạnh chính trị sang khía cạnh luân lý, sự phê phán còn phức tạp hơn nữa. Thực vậy, khác với sự phê phán chính trị mang tính tùy tiện xu thời, một khó khăn được đặt ra cho luân lý Kitô giáo là nguyên tắc “mục tiêu không biện minh cho phương tiện”. Việc giết người là một tội ác; nhưng có được phép giết người dưới danh nghĩa chiến tranh không? 

Khi đọc lại lịch sử các tôn giáo và lịch sử dân Do thái, người ta nhận thấy sự mới mẻ của Tin mừng Kitô giáo liên quan đến chiến tranh và hòa bình. 

A. Điều mới mẻ của Kitô giáo: yêu thương chứ không chống cự kẻ thù 

Sách TLHT đã trình bày sự xuất hiện của đức Giê-su như là mốc điểm của ơn hòa bình mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Dựa theo lời thánh Phaolô, chúng ta tin rằng đức Giê-su là “hòa bình của chúng ta”, bởi vì Người đã hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và giữa nhân loại với nhau (xc. Ep 2,1-16). 

Điều này không chỉ dừng lại ở bình diện tâm linh, nhưng còn mang theo nhiều hậu quả chính trị nữa. Thật vậy, trong đế quốc Rôma, chiến tranh được giao cho một vị thần - Thần Mars: người ta dâng lễ tế cho ngài để cầu mong cho quân đội nhà mang lại nhiều chiến thắng. Dân Do thái cũng gán cho chiến tranh một ý nghĩa tôn giáo: chính Giavê chiến đấu bên cạnh dân của ngài. Chiến thắng hay bại trận đều do ngài gây ra để ban thưởng sự trung thành hoặc trừng phạt sự bất trung với giao ước. 

Đức Giê-su không những loan báo Tin mừng HB và trao ban HB cho các môn đệ (Lc 24,36), nhưng Người còn dạy các môn đệ xây dựng HB trên sự thương yêu: yêu mến Chúa, và yêu mến tha nhân kể cả các thù địch. Thánh Matthêu đặt điều này ngay từ tuyên ngôn khởi đầu sứ vụ, trong bài giảng trên núi (Mt 5, 38-41.43-47). Kẻ xây dựng hòa bình cũng như kẻ chịu bách hại vì công lý đều được kể vào hạng người được Thiên Chúa chúc phúc (Mt 5,3-12). Chính Chúa Giê-su đã thực hiện những điều ấy nơi bản thân. Trong vườn Cây Dầu, khi các môn đệ muốn dùng vũ khí để bảo vệ, thì ngài đã nói với họ rằng: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì ai sử dụng gươm thì sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). 

B. Các tín hữu có được sử dụng khí giới không? 

Tân ước có nhắc đến sự hiện diện của vài quân nhân và sĩ quan trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Ngài có dịp ca ngợi lòng tin của họ (Lc 7,6-9), chứ không trách móc họ là phường bất nhân (“bạc như dân, bất nhân như lính”!). Viên đại đội trưởng chỉ huy cuộc hành quyết Chúa cũng thốt lên một lời tuyên xưng đức tin chuẩn mực (Mt 27,54). 

Trong ba thế kỷ đầu tiên, các tín hữu cũng phải thi hành nghĩa vụ quân sự như bao nhiêu công dân khác[1]. Vấn đề chính yếu đặt ra cho họ không phải là sự vi phạm luật cấm giết người, cho bằng việc tham dự vào các lễ tế các thần minh ngoại giáo. Đã có những quân nhân tử đạo vì lý do đức tin. 

Nhưng đến khi đế quốc Rôma trở lại đạo Kitô, thì câu hỏi được đặt lên cho các giám mục về việc tham gia chiến tranh, gây ra sự giết người. Trong bối cảnh ấy mà các giáo phụ phải tìm ra câu trả lời, và thánh Augustinô đã phát biểu thành học thuyết “chiến tranh công bình”[2]

1/ Thánh Augustinô (354-430) 

Thiên Chúa muốn quy tụ nhân loại vào một xã hội tình thương và hòa bình, Chiến tranh đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa. Chiến tranh phát xuất từ con tim lệch lạc của con người, từ tham vọng muốn thống trị; từ đó sinh ra chia rẽ và bạo lực. Thánh Augustinô chủ trương rằng chiến tranh là điều xấu, bởi vì gây ra nhiều tàn phá hư hỏng. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là không thể có chiến tranh công bình. Chiến tranh trở thành công bình khi có một lý do công bình, nhằm trừng trị tội ác của đối phương. Dù sao, ý chí phải nhằm đến điều thiện có thể đạt được[3]. Tóm lại, tác giả đòi hỏi bốn điều kiện để chiến tranh được gọi là công bình: 

a) Lý do công bình (iusta causa): đối phương đã vi phạm công lý; 
b) việc tham chiến là điều không thể tránh được (extrema ratio); 
c) ý chí luôn muốn đạt đến hòa bình (recta intentio); 
d) do quyền bính hợp pháp tuyên bố (legitima potestas). 

2/ Thánh Tôma Aquinô (1225-74) 

Qua thời Trung cổ, thánh Tôma lấy lại tư tưởng của thánh Augustinô khẳng định rằng có thứ chiến tranh công bình, miễn là hội đủ ba điều kiện[4]

a) nhà lãnh đạo có thẩm quyền để tuyên chiến; 
b) nguyên nhân chính đáng: nghĩa là có một lỗi phạm về phía đối phương; 
c) ý định ngay thẳng, nghĩa là nhằm cỗ vũ điều tốt. 

Về điều kiện thứ nhất, thánh Tôma giải thích rằng: một tư nhân không thể tuyên chiến, bởi vì ông ta có thể nại đến cấp trên để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng vì một nhà lãnh đạo không có cấp trên để xét xử cho nên có quyền tuyên chiến. Mặt khác, chiến tranh được biện minh vì nhắm đến công ích, chứ không phải để bảo vệ ích lợi riêng tư của cá nhân. 

Đừng quên rằng vào thời Trung cổ, Giáo hội tổ chức những cuộc “thánh chiến” để chống lại sự thống trị của Hồi giáo ở thánh địa hoặc Tây ban nha, hoặc để bảo vệ các tín hữu hành hương. Nhiều dòng tu được thành lập nhằm mục tiêu này, chẳng hạn: các dòng hiệp sĩ (Knight Orders), các dòng binh lính (Military Orders). 

3/ Bổ túc cho học thuyết chiến tranh công bình 

Vào thời cận đại, học thuyết của thánh Augustinô và thánh Tôma còn được các nhà thần học kiện toàn thêm. Chẳng hạn như linh mục Francisco De Vitoria (1483-1546) thêm vào: 

- nguyên tắc tương xứng (những thiệt hại do chiến tranh không nặng hơn những sự dữ mà mình muốn sửa chữa) và 
- nguyên tắc công ích của cộng đồng (không còn phương pháp nào khác để giải quyết tranh chấp). 

C. Luân lý chiến tranh 

Nói chung, thần học Công giáo phân biệt hai khía cạnh trong luân lý chiến tranh: cần phải giữ công bằng khi tuyên chiến (ius ad bellum), và công bằng khi giao chiến (ius in bello). 

1/ Công bằng khi tuyên chiến có nghĩa là phải có lý do chính đáng để tuyên chiến, như vừa nói trên đây. Chiến tranh chỉ có thể được biện minh vì lý do tự vệ, chứ không phải để xâm lăng. Sách GLCG (số 2309) đã tóm lại vào bốn điều kiện: 

a) Thiệt hại do kẻ xâm lược gây ra cho quốc gia hoặc cho cộng đồng các quốc gia có tính lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn. 
b) Tất cả các phương thế khác để chấm dứt tình trạng này rõ ràng là bất khả hoặc vô hiệu. 
c) Phải hội đủ các điều kiện quan trọng để thành công. 
d) Việc sử dụng vũ khí không kéo theo những tai hại và hỗn loạn nghiêm trọng hơn tai hại mà ta đang cố loại trừ. 

2/ Công bằng khi lâm chiến là những nguyên tắc luân lý phải tuân giữ đang khi và sau khi giao tranh. 

Nói chung, những điều này được áp dụng tại các quốc gia công giáo (nghĩa là khi đôi bên cùng chấp nhận thẩm quyền của Giáo hội), chứ đối với những quốc gia ngoài công giáo thì không mấy giá trị. Các quy tắc liên hệ đến nhiều điểm. 

- Về thời gian: không được đánh nhau vào các ngày chúa nhật lễ trọng[5] (để cho các tín hữu có thể tuân hành luật đi lễ), và vào vài Mùa phụng vụ (mùa Chay và Phục sinh, mùa Vọng và Giáng sinh). Đây là nguồn gốc của cuộc hưu chiến thời nay. 
- Về không gian: không được xâm phạm các nơi thánh (thánh đường, tu viện, bệnh viện), các địa điểm mang quy chế tị nạn. 
- Không được thi hành các cuộc cướp bóc tài sản, hãm hiếp trong các cuộc chiến. Phải tôn trọng các thường dân vô tội. 
- Không được phép đối xử tàn bạo với các tù nhân. Không được bắt bớ vợ con của họ. 

Dù sao, mặc dù chấp nhận những chiến tranh “công bằng”, “thánh thiện”, nhưng Giáo hội vẫn coi nó là sự dữ, và khẩn nài xin Chúa “chữa chúng con cho khỏi thần khí, mất mùa, giặc giã” (A peste, fame et bello, libera nos Domine). 






[1] Tuy rằng cũng có giáo phụ cấm các tín hữu tòng quân, hoặc buộc các quân nhân phải từ bỏ binh nghiệp thì mới được theo đạo. 
[2] “Bellum iustum” quen được dịch là “chiến tranh chính đáng” (hoặc: chính nghĩa). Tuy nhiên thiết tưởng vấn đề ở đây không phải là tìm chiêu bài biện minh cho “danh chính ngôn thuận”, cho bằng đặt ra những điều kiện luân lý cho một cuộc chiến: khi nào nó phù hợp với “công lý” (hay công bằng)? 
[3] Những đề tài này được bàn trong các tác phẩm De Civitate Dei, Contra Faustum Manichaeum 
[4] Summa Theologica, II-II, q.40 
[5] Định chế Pax Domini hay Trêve de Dieu do các giáo sĩ khởi xướng từ thế kỷ XI, ở miền Nam nước Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét