Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

II. Hòa bình

Luân lý Kitô giáo đã bàn khá nhiều về chiến tranh. Nói thế không có nghĩa là HB không có chỗ đứng. Thánh Augustinô không thiếu những bài giảng bàn về những yêu sách của HB, chẳng hạn như: HB không phải là không có chiến tranh, nhưng là kết quả của công lý[1]. Những mầm mống này sẽ được phát triển đặc biệt do các giáo hoàng trong thế kỷ XX. Bên cạnh giáo huấn của các mục tử cũng không nên bỏ qua những tiếng nói khác. 

A. Những khuynh hướng “chủ hòa” (pacifist) 

1/ Đạo lý về “chiến tranh công bằng” được chấp nhận suốt thời Trung cổ[2]. Vào thời Cải Cách Tin Lành, nhiều nhóm bắt đầu quay về bản văn Tin mừng và chống lại tất cả mọi hình thức chiến tranh. Đặc biệt là nhóm Quakers và Anabaptists nhân danh những đoạn văn Kinh thánh “chớ giết người” và “đừng chống cự sự ác” để khước từ nghĩa vụ quân sự cũng như đòi hỏi quyền đặt vấn nạn lương tâm. 

2/ Tiếp theo các nhóm Tin Lành là những phong trào “hiếu hòa” (pacifist) chống lại chiến tranh nhân danh động lực nhân đạo. Phong trào này sẽ lớn mạnh ở thế kỷ XIX và XX. 

3/ Mặt khác, trong thế kỷ XVII và XVIII cũng có những tác giả đưa ra đề nghị thiết lập những cơ quan bảo đảm hòa bình, chẳng hạn Abbé Saint-Pierre (1658-1743) muốn tổ chức một liên minh các nhà lãnh đạo quốc gia, với một tòa án để giải quyết những tranh chấp và tránh chiến tranh, cũng như một lực lượng quân sự quốc tế để duy trì an ninh ở những vùng bất ổn. Triết gia Emmanuel Kant (1724-1804) đề nghị các quốc gia hãy giải tán quân đội, và thành lập một bộ luật quốc tế để xét xử những tranh chấp. Những ý nghĩ này xem ra không tưởng đối với người đương thời, nhưng đã gieo mầm cho sự thành hình của Hội Quốc Liên và Liên Hợp quốc trong thế kỷ XX. 

4/ Tuy nhiên, có lẽ chủ trương chủ hòa cực đoan nhất trong thế kỷ XIX là của ông Lev Tolstoi (1828-1910). Ông áp dụng triệt để nguyên tắc “không kháng cự sự dữ” và “bất bạo động tuyệt đối”. Theo ông, ta chỉ nên khuyên nhủ kẻ phạm pháp chứ không chống cự y; không nên dùng vũ lực chống lại vũ lực. Ngược lại, ông coi các lực lượng quân đội và cảnh sát là trái luân lý. 

5/ Trong thế kỷ XX, phong trào chủ hòa lớn mạnh, tuy mang nhiều hình thức và động lực khác nhau. Có phe đồng hóa Nhà Nước (cách riêng nhà nước tư bản) với giai cấp bóc lột, vì thế họ đả kích việc gia nhập quân đội. Bên cạnh đó cũng có những phong trào thấm nhuần tinh thần Phúc âm, và muốn đem ra thực hành, trong đó nổi bật nhất là phong trào Pax Christi (1945, giám mục Pierre-Marie Théas và bà Marthe Dortel Claudot). 

Thật khó biết được ảnh hưởng của những phong trào này đối với GHXH đối với chiến tranh và hòa bình. Dù sao, chúng ta nhận thấy rằng Huấn quyền trong thế kỷ XX đã lên tiếng nhiều lần không những để lên án chiến tranh mà còn để bảo vệ hòa bình nữa. Ngoài ảnh hưởng của các tư tưởng triết học, pháp lý, tôn giáo, chúng ta không thể nào bỏ qua thực tại đau thương của những cuộc thế chiến, những vết thương luân lý và tâm lý mà các cuộc chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh đã để lại. Những điều kiện mà luân lý đặt ra cho chiến tranh công bằng khó áp dụng vào thời nay. Bên cạnh những cuộc tàn sát đại chúng (bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki) là những cuộc chiến “nhân dân”, không còn phân biệt chiến trường với hậu phương, với những cuộc trả đũa không dung tha thường dân với quân du kích! Khi nghĩ đến các hậu quả thảm khốc của chiến tranh (chiến tranh toàn diện, chiến tranh nguyên tử, chiến tranh hóa học), nhiều nhà luân lý đặt vấn đề: liệu có thể nói đến “chiến tranh công bình” vào thời đại ngày nay nữa không? Hay là phải lên án đơn thuần tất cả mọi hình thức chiến tranh? 

B. Huấn quyền ở thế kỷ XX 

Thế kỷ XX được đánh dấu bởi hai cuộc “thế chiến” lôi kéo nhiều quốc gia tại châu Âu và những lục địa khác. Ở mỗi phe lâm chiến đều có những người công giáo và không công giáo. Thêm vào đó là các cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do và cộng sản: để giữ thế quân bình lực lượng, đôi bên đều thi đua vũ trang, và trang bị vũ khí hạt nhân. 

Chính trong bối cảnh ấy mà các đức giáo hoàng phải lên tiếng. Ngoài ra còn thêm tiếng nói của công đồng Vaticanô II cũng như các Hội đồng giám mục của các “cường quốc”. Chúng ta chỉ ghi nhận vài thời điểm quan trọng hơn cả. 

1/ Đức Bênêđictô XV (1914-1922). Thế chiến thứ nhất 

- Đắc cử Giáo hoàng vào lúc thế chiến thứ nhất bùng nổ, ngài đã nói đến hòa bình trong bài diễn văn đầu tiên (8/9/1914) và trong thông điệp Ad beatissimi (1/11/1914). Đặc biệt là trong tông huấn ngày 28/7/1915 (giáp năm ngày bùng nổ thế chiến) gửi các nước lâm chiến, ngài nhấn mạnh rằng việc thực hiện công bằng là điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình lâu dài. 
- Sự can thiệp nổi tiếng nhất của ngài là văn kiện “Công hàm HB” (Note di pace) ngày 10/8/1917. Bên cạnh việc kết án chiến tranh (được định nghĩa là như cuộc “tàn sát vô ích”), ngài đề ra một dự án hòa bình như sau: thỏa thuận giảm bớt khí giới; thiết lập cơ quan trọng tài quốc tế để giải quyết các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia; rút lại các sự phong tỏa (cấm vận), rút lui khỏi các vùng đất chiếm đóng. Đề nghị của ngài không được các quốc gia lâm chiến quan tâm. Nhưng một cách gián tiếp, vài tháng sau đó, tổng thống Hoa kỳ Thomas Woodrow Wilson, trong diễn văn đọc tại quốc hội (ngày 8/1/1918), đã thảo ra một dự án 14 điểm, trong đó có những điều trùng hợp với Tòa Thánh. 
- Sau khi chiến tranh chấm dứt, ngày 23/5/1920 đức Bênêđictô XV còn viết thông điệp Pacem Dei munus, trong đó ngài nhắc nhở rằng không thể có hòa bình lâu dài nếu không có tình bác ái hỗ tương, để xóa bỏ những hận thù, xoa dịu những vết thương vật chất và tinh thần của biết bao nạn nhân chiến tranh. Ngoài ra, để tán trợ một nền hòa bình công bằng, ngài còn đề nghị thành lập Liên minh các quốc gia để duy trì trật tự thế giới, và sự rút giảm nếu chưa nói là hủy bỏ các chi tiêu quân sự. 

2/ Đức Piô XII (1939-1958). Thế chiến thứ hai 

Ngoài những hoạt động cứu trợ các nạn nhân chiến tranh và những hoạt động ngoại giao, đức thánh cha đã nhiều lần lên tiếng qua các diễn văn, thông điệp. 

- Sứ điệp truyền thanh ngày 24/8/1939 kêu gào các quốc gia hãy tìm kiếm công lý bằng lý trí thay vì bằng vũ lực: “Với hòa bình, chẳng có gì mất mát; với chiến tranh, có thể mất tất cả”. 
- Dựa theo kinh nghiệm hồi thế chiến thứ nhất, lần này đức Piô XII không đưa ra một giải pháp chính trị để giải quyết thế chiến; ngài đứng trung lập giữa cả hai bên. Tuy nhiên, ngài phát triển học thuyết về hòa bình, đặc biệt là sứ điệp truyền thanh ngày 24/12/1941, ngài ước mong thiết lập một trận tự mới, dựa trên luân lý, ngõ hầu bảo đảm hòa bình lâu dài: tôn trọng các quốc gia dù là nhỏ bé; tôn trọng các nhóm thiểu số hiện diện trong lãnh thổ quốc gia; phân phối các tài nguyên, để tránh những chênh lệch kinh tế giữa các quốc gia; giảm bớt khí giới. 

3/ Đức Gioan XXIII (1958-1963). Thời chiến tranh lạnh 

Sau thế chiến thứ hai, thế giới bị chia thành khối, dưới quyền lãnh đạo của hai siêu cường Nga và Mỹ[3]. Tuy không còn những chiến tranh nóng trên cấp toàn cầu, nhưng không thiếu những cuộc chiến địa phương, chẳng hạn: Palestine (1948, 1956, 1967, 1973), Triều tiên (1950-53), Việt nam (1959-1975). Thêm vào đó, hai khối thi đua vũ trang, chất đầy kho những vũ khí hạt nhân với sự tiêu diệt khủng khiếp. 

Đức Gioan XXIII đã để lại một thông điệp về hòa bình Pacem in terris (11/4/1963) tựa như một chúc thư (bởi vì được ban hành không đầy ba tháng trước khi qua đời). Văn kiện này mang nhiều nét mới mẻ. Văn kiện này được gửi đến “tất cả mọi người thiện chí”. Thông điệp không còn nói đến những điều kiện để biện minh một cuộc chiến “công bằng”. Thay vào đó là những chương nhấn mạnh đến tôn trọng nhân quyền, những thái độ cần có để xây dựng hòa bình (giảm khí giới, tin tưởng nhau, liên đới). Nền tảng của tương quan hòa bình giữa cá nhân là tôn trọng nhân phẩm. Điều này cũng đúng cho tương quan giữa các cộng đồng: cần được điều khiển bởi chân lý, công bằng, liên đới, tự do. 

Việc tôn trọng con người đòi hỏi phải khước từ sự kỳ thị chủng tộc. Một cách tích cực hơn, cần cổ võ tình liên đới giữa các quốc gia. Thông điệp cũng chủ trương phải giảm bớt khí giới, vì các việc chế tạo khí giới lấy mất đi bao nhiêu năng lực vật chất và tinh thần, và cuộc thi đua võ trang đặt con người sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Việc giảm khí giới đòi hỏi không những là các cơ quan có thẩm quyền để giám sát, nhưng nhất là sự tin tưởng lẫn nhau thay thế cho não trạng bá quyền. 

4/ Công đồng Vaticanô II (1962-65) 

Công đồng đã dành chương Năm trong hiến chế mục vụ “Vui mừng và hy vọng” để bàn về HB (số 77-82). Sau đây là vài điểm nổi bật: 

- Bản chất đích thực của HB: hoạt động của công bằng (xc. Is 32,7) và hoa trái của tình yêu. HB không chỉ là vắng chiến tranh, nhưng là sống tình huynh đệ, và đây là hoa trái của yêu thương. Sau khi đã lên án sự man rợ của chiến tranh, công đồng ca ngợi những người khước từ vũ lực khi tranh đấu cho các quyền lợi. 
- Công đồng chấp nhận tính cách luân lý của chiến tranh tự vệ (chứ không phải là chiến tranh xâm lăng) cũng như việc tham gia quân đội để bảo vệ HB. Tuy nhiên, nguy cơ của một cuộc “chiến tranh toàn diện” đòi phải xét lại khái niệm của chiến tranh công bằng. Đồng thời công đồng cũng lặp lại sự phê phán của Pacem in terris về sự thi đua vũ khí. 
- Để xây dựng HB, cần đến một quyền bính quốc tế được tất cả các quốc gia nhìn nhận. Tuy nhiên, sự xây dựng HB tùy thuộc vào mỗi người, qua việc giáo dục và thay đổi não trạng. 

5/ Đức Phaolô VI (1963-1978) 

Ngài đã thiết lập ngày Thế giới hòa bình được cử hành vào ngày đầu năm dương lịch (từ năm 1968), cũng như Hội đồng Công lý và Hòa bình tại giáo triều (1967). 

Vài văn kiện quan trọng: diễn văn tại Liên Hợp quốc (4/10/1965); thông điệp Populorum progressio (26/3/1967). Trong thông điệp này, ngài đã tuyên bố: “Sự phát triển là tên gọi mới của HB”. Những chênh lệch bất công trong việc phân phối tài sản là mối đe dọa cho HB. 

6/ Đức Gioan Phaolô II (1978-2005) 

Sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã giảm bớt sự căng thẳng giữa hai khối Nga Mỹ cùng với nguy cơ của chiến tranh nguyên tử[4]. Tuy nhiên, nảy ra những hình thức chiến tranh mới: cuộc chiến tranh vùng Vịnh (Irak) với nguy cơ đụng độ giữa thế giới Âu Mỹ với thế giới Hồi giáo; cuộc chiến khủng bố kể từ biến cố 11/9/2001; những cuộc tranh đấu độc lập tại Bosnia (Kosovo) và Đông Timor (năm 1999) đặt lên vấn đề sự can thiệp của lực lượng từ bên ngoài vì lý do nhân đạo. 

Những lần can thiệp của đức thánh cha về hòa bình đôi khi được chứa đựng trong các văn kiện giáo huấn xã hội, chẳng hạn: thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987): “hòa bình là hoa trái của tình liên đới” số 39. Thông điệp Centesimus annus (1/5/1991). Đề tài hòa bình được nói đến đặc biệt trong diễn văn tại Liên hợp quốc, hoặc khi tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. 

Vài biến cố đặc biệt: cuộc gặp gỡ các đại biểu tôn giáo tại Assisi để cầu nguyện cho HB (27/10/1986 và 24/1/2002). Sự trung gian của Tòa Thánh để giải quyết tranh chấp biên giới giữa Chile và Argentina (1979). Cuộc hòa giải bất thành của Tòa thánh trước khi bùng nổ chiến tranh Irak (2003) 

Như đã nói, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo do đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 11/10/1992, bàn về hòa bình ở các số 2302-2317, phần lớn lặp lại đạo lý của công đồng Vaticanô II[5]

Điều tương tự cũng có thể nói đến sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, và cập nhật với những vấn đề mới: thanh lọc chủng tộc, khủng bố, can thiệp nhân đạo. Ngoài ra, bên cạnh quyền tự vệ của chiến tranh công bằng, ta còn gặp thấy từ ngữ “quyền hòa bình” (số 518). 






[1] “Pax omnium rerum, tranquillitas ordinis” (De civitate Dei, 19, 13.1). 
[2] Những điều kiện để chống lại các bạo vương đã được bàn đến khi chú giải chương Tám của sách TLHT (số 400-401, trưng dẫn sách GLCG số 2243). 
[3] Thường được đánh dấu do thỏa ước Yalta (4-11/2/1945) giữa tổng thống F.D. Roosevelt, thủ tướng Ư. Churchill, và Chủ tịch I. Stalin. 
[4] Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều Hội đồng giám mục đã lên tiếng trước nạn leo thang chiến tranh, thi đua vũ trang, chẳng hạn HĐGM Hoa kỳ Challenge of Peace (3/5/1983), Đức, Pháp, Tây ban nha... 
[5] Nên biết là trong thời gian chiến tranh lạnh, trước cuộc thi đua vũ trang hạt nhân, nhiều hội đồng giám mục đã phát hành nhiều văn kiện, chẳng hạn HĐGM Hoa kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét