Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

IV. Trách nhiệm chung

Trong đoạn cuối cùng, chương Mười bàn về ba đề tài: 1/ Trách nhiệm bảo vệ môi trường. 2/ Công nghệ sinh học. 3/ Chia sẻ tài sản. Đề tài thứ hai phức tạp hơn cả. 

A. Môi trường, một tài sản tập thể 

1/ Việc bảo vệ môi trường trở thành một thách đố đối với toàn thể nhân loại (số 466). 

- Việc tôn trọng tài sản tập thể, được dành cho hết mọi người, là bổn phận của toàn thể nhân loại. 
- Ngăn cản không để cho người ta tự ý sử dụng các loại sinh vật cách thỏa thích, chiếu theo các nhu cầu kinh tế của mình. 
- Cần phải để ý đến bản chất của mỗi hữu thể và những tương quan tự nhiên của nó trong một hệ thống có trật tự là vũ trụ. 
- Những liên lạc chặt chẽ giữa các hệ thống sinh thái đa dạng: chúng có ảnh hưởng đến môi trường. Do đó cần được đối xử với tinh thần trách nhiệm. 
- Rừng góp phần vào việc duy trì những quân bình tự nhiên, cần thiết cho sự sống. Cần có chính sách trồng rừng. 

2/ Trách nhiệm chung đối với môi trường, - là gia sản chung của nhân loại -, nhắm đến các đòi hỏi không những trong hiện tại mà cả trong tương lai (số 467). 

Tình liên đới đại đồng là một bổn phận đối với các thế hệ tiền bối và đặc biệt là đối với các thế hệ tương lai. Trách nhiệm này cũng thuộc về các quốc gia và cộng đồng quốc tế. 

3/ Trách nhiệm này cần được diễn tả thành những quy tắc pháp lý, ngõ hầu có thể kiểm soát các hoạt động và những hậu quả đối với môi trường (số 468). 

Quyền được hưởng một môi trường tự nhiên, lành mạnh và an toàn sẽ là kết quả của một sự hợp tác tiệm tiến, được thúc đẩy do mối quan tâm của dư luận muốn cho việc sử dụng tài nguyên của trái đất dựa theo những đòi hỏi của công ích. 

Cần đề ra những chế tài những ai gây ra ô nhiễm. Tuy nhiên, những quy tắc pháp lý không đủ; cần phải gây ra ý thức trách nhiệm và thay đổi não trạng và lối sống. 

4/ Nguyên tắc “phòng ngừa” (precaution) không phải là một quy tắc mang ra áp dụng, nhưng là một sự định hướng để ứng xử trong những hoàn cảnh do dự (số 469). 

Cần cân nhắc giữa những rủi ro và những lợi lộc có thể xảy ra trong tất cả mọi sự lựa chọn. 

5/ Mọi hoạt động kinh tế sử dụng các tài nguyên thiên nhiên cũng cần phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, và dự đoán những giá phải trả (số 470). 

Cần tôn trọng sự toàn vẹn và những nhịp điệu của thiên nhiên, bởi vì các tài nguyên thiên nhiên thì hữu hạn, và một vài loại không thể phục hồi. 

Dung hòa những đòi hỏi phát triển kinh tế với những đòi hỏi bảo vệ môi trường. 

Cần phải suy xét những tương quan giữa hoạt động của con người với sự thay đổi khí hậu, trên bình diện khoa học, chính trị, pháp lý, quốc gia và quốc tế. 

Phát huy tinh thần trách nhiệm nơi những người tiêu thụ và những nhân viên hoạt động kỹ nghệ. 

Một nền kinh tế biết tôn trọng môi sinh sẽ không chỉ nhắm theo đuổi lợi nhuận tối đa. Những cơ chế của thị trường không đủ để bảo vệ hay phát triển môi trường. 

Chú ý cách riêng đến những nguồn năng lượng, bởi vì chúng không thể được tái tạo. Khám phá những nguồn năng lượng mới. 

6/ Cần bảo vệ quyền lợi của các dân bản địa (số 471) 

Mối tương quan của các dân này đối với đất đai là một yếu tố nền tảng diễn tả căn tính của họ. 

Đất đai của họ bị đe dọa bởi những ích lợi canh nông và kỹ nghệ. 

Kinh nghiệm của những dân tộc này là một sự phong phú không thể thay thế, đang bị de dọa sẽ mất cũng như môi trường đã phát sinh ra sự phong phú ấy. 

B. Sử dụng công nghệ sinh học 

1/ Những khả năng mới do các kỹ thuật sinh học và sinh học di truyền hiện hành mang lại nhiều hy vọng và phấn khởi, nhưng cũng gây ra những báo động và chống đối (số 472). 

Những vấn đề được đặt ra do việc sử dụng các hình thức mới của khoa công nghệ sinh học, xét dưới khía cạnh luân lý: hậu quả đối với sức khỏe con người; ảnh hưởng đối với môi trường và đối với kinh tế. Vì thế mà nhiều cuộc tranh cãi đã nổi lên giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà chính trị và luật học, các nhà sản xuất và tiêu thụ. 

2/ Thiên nhiên không phải là một thực tại thần linh mà con người không được đụng đến. Nó là một quà tặng của Đấng Tạo hóa cho cộng đồng nhân loại, được ký thác cho trí tuệ và trách nhiệm luân lý của con người (số 473). 

a) Vì thế không phải là trái với luân lý khi can thiệp sửa đổi vài đặc trưng của các sinh vật, 

- miễn là tôn trọng trật tự, vẻ đẹp và sự hữu ích của các sinh vật, 
- và tôn trọng chức năng của chúng trong hệ thống sinh thái. 

b) Sự can thiệp của con người trở thành đáng trách khi hành động cách nhẹ dạ và vô trách nhiệm, không để ý đến những hậu quả dài hạn. 

c) Tuy nhiên vấn đề luân lý không chỉ dừng lại ở chỗ được phép dùng các kỹ thuật sinh học và sinh học di truyền, nhưng còn phải lượng định về ích lợi thực sự của nó, và những hậu quả của nó có thể mang lại rủi ro. 

3/ Những công nghệ sinh học hiện đại cần được đánh giá theo những tiêu chuẩn luân lý, nhất là phải xét đến các tiêu chuẩn của công lý và liên đới (số 474). 

Những kỹ thuật mới không giải quyết được các vấn đề cấp bách như nghèo đói và kém phát triển. 

4/ Tinh thần liên đới khuyến khích trao đổi các kiến thức khoa học và kỹ thuật với các dân tộc ở vào thế bất lợi (số 475). 

Giao dịch thương mại công bình, tránh những cưỡng bách bất công. 

Cổ động các dân tộc yếu kém hãy vươn lên đến sự trưởng thành trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật. 

5/ Tình liên đới cũng đòi hỏi nhắc nhở trách nhiệm của các nước trên đường phát triển (số 476). 

- Trách nhiệm chính trị: cổ động một chính sách kinh tế thuận lợi. 
- Trao đổi kỹ thuật nhằm cải tiến những điều kiện về thực phẩm và y tế. 
- Đầu tư vào việc khảo cứu. Tạo ra những cơ quan quốc gia nhằm bảo vệ công ích bằng cách xử lý các việc rủi ro một cách cẩn thận. 

6/ Các khoa học gia và kỹ thuật gia đang hoạt động trong lãnh vực công nghệ sinh học đừng nên quên rằng những hoạt động của họ liên quan đến những chất liệu thuộc về nhân loại như là một gia sản được dành cho các thế hệ tương lai (số 477). 

Đối với các tín hữu, đó là một món quà được Thiên Chúa trao tặng, và ủy thác cho trí tuệ và tự do của con người, vì thế cần hành động theo một lương tâm trong sáng và lương thiện. 

7/ Việc nghiên cứu, sản xuất và buôn bán những sản phẩm phát sinh từ những công nghệ sinh học phải lưu tâm không những đến lợi nhuận chính đáng mà còn đến công ích nữa (số 478). Họ hãy hướng những sự phát triển này sang các mục tiêu nhằm bài trừ nạn đói, bệnh tật và bảo vệ hệ sinh thái là gia sản chung của mọi người. 

8/ Các nhà chính trị, các cơ quan hành chánh đừng để cho những quyết định của mình chịu áp lực của những quyền lợi phe phái. Họ cần thông tin cho dư luận và ra những quyết định nhằm tới công ích (số 479). 

9/ Những nhân viên trong ngành truyền thông cũng có nghĩa vụ quan trọng. Họ cần hành động cách khôn ngoan và khách quan (số 480). Họ cần phải tránh những thông tin nông cạn, buông theo những bồng bột dễ dàng hoặc những hốt hoảng vô cớ. 

C. Môi trường và việc chia sẻ của cải 

1/ Tuyệt đối cần ngăn cản sự bất công khi chiếm đoạt các nguyên liệu. Các của cải trái đất được Thiên Chúa dựng nên để cho mọi người sử dụng cách khôn ngoan: chia sẻ theo công lý và hòa bình (số 481). 

Cần có sự hợp tác quốc tế trong việc phối hợp tốt hơn việc sử dụng những tài nguyên của trái đất. 

2/ Cuộc khủng hoảng môi trường hiện tại ảnh hưởng cách riêng đến các người nghèo (số 482). 

Họ sống trên những vùng đất bị xói mòn và trở thành sa mạc. Người dân bị lôi cuốn vào những cuộc chiến tranh, và vị cưỡng bách phải di cư. Họ thiếu những phương tiện kinh tế và kỹ thuật để đề phòng thiên tai. 

Họ chịu thiệt thòi vì những định luật thương mại quốc tế không công bằng: thiếu vốn đầu tư; nợ công. Trong hoàn cảnh ấy, nạn đói và cảnh nghèo cực xem ra như bắt buộc phải khai thác môi trường đến kiệt quệ. 

3/ “Để được chính đáng, sự phát triển phải có tính cách toàn diện, nghĩa là nhắm đến điều tốt chân chính của mỗi người và của toàn thể con người” (Gioan Phaolô II, 18/3/1994). 

Ở Bắc bán cầu, người ta chứng kiến sự suy giảm tỷ lệ sinh sản, khiến cho dân số già nua. Ở mạn Nam thì ngược lại. Sự gia tăng dân số có thể dung hợp với một sự phát triển toàn diện và liên đới (số 483). 

4/ Nguyên tắc về “các tài sản nhằm phục vụ cho tất cả mọi người” cũng được áp dụng cho nguồn nước (số 484). 

Nước là một yếu tố cần thiết để sống còn, vì thế là một quyền lợi dành cho hết mọi người. 

5/ Do bản chất của nó, nước không thể được đối xử như một món hàng hóa giống như bao thứ khác. Việc sử dụng nước phải hợp lý và liên đới (số 485). 

Quyền có nước là một quyền lợi phổ quát và bất khả nhượng. 

D. Những lối sống mới 

1/ Các vấn đề quan trọng về môi sinh đòi hỏi một sự thay đổi não trạng để chấp nhận một lối sống mới (số 486). 

- Những tiêu chuẩn quyết định việc lựa chọn sự tiêu thụ và tiết kiệm: đi tìm điều thật, điều tốt, sự hiệp thông giữa con người để cùng nhau thăng tiến. 
- Những lối sống mới, về cá nhân cũng như cộng đồng, được thúc đẩy do đức thanh đạm, điều độ, khắc kỷ. 
- Khuyến khích những hình thức mới trong việc sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ, biết tôn trọng trật tự của các thụ tạo, và làm thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng của mọi người. 
- Quan trọng hơn hết là ý thức về sự lệ thuộc lẫn nhau của toàn thể nhân loại, từ đó nảy ra tình liên đới đích thực mang tầm hoàn vũ. 

2/ Thế giới này hướng về mầu nhiệm Thiên Chúa là Đấng đã tạo thành và nâng đỡ nó (số 487). Từ đó con người cần mang tâm tình biết ơn. 

Khi loại bỏ tương quan với Thiên Chúa, thì thiên nhiên nghèo nàn ý nghĩa của nó. Trái lại, nếu biết khám phá mối tương quan ấy thì sẽ nhận thấy ý nghĩa biểu tượng, mở ra đến mầu nhiệm. Con người sẽ nhận thấy thế giới như là dấu vết của Thiên Chúa, nơi mà ngài biểu lộ quyền năng tạo dựng, quan phòng và cứu chuộc. 



---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét