Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

II. Những vấn đề luân lý

Trong chương X, chúng ta thấy có nhiều vấn đề luân lý được đặt ra, dưới nhiều lãnh vực khác nhau, đi từ những nguyên tắc tổng quát đến vài trường hợp cụ thể. Dĩ nhiên, có những điều đã được bàn trong các chương trước và nay được lặp lại trong một bối cảnh mới[1]. Tuy đặt tên là “luân lý” (để phân biệt với các đề tài “tín lý” sẽ nói sau), nhưng các đề tài này giả thiết một đạo lý lành mạnh về những tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với vạn vật. 

A. Tương quan giữa con người với thiên nhiên 

Việc giải quyết các vấn đề môi sinh cần được đặt trên một quan điểm đúng đắn về tương quan giữa con người với vũ trụ. Phải thú nhận rằng đây là đạo lý mạc khải của Kinh thánh chứ không phải là chân lý do lý trí khám phá ra, được sách TLHT tóm lại ở các số 456; 461-465. 

1/ Nguyên tắc căn bản (số 456). Có thể được phát biểu qua 3 mệnh đề như sau: 

a) Thiên nhiên được ban để phục vụ con người. Thiên nhiên là một món quà cho con người. Thiên nhiên không phải là thần linh (như quan điểm của vài tôn giáo), nhưng là thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên để phục vụ con người. 

b) Con người không được lạm dụng thiên nhiên, nhưng hãy sử dụng nó cách điều độ[2]. 

c) Nếu duy trì mối tương quan tốt đẹp ấy, thiên nhiên được thăng tiến và đạt đến mục tiêu tối hậu của nó. 

Sự phân biệt giữa “sử dụng” (usus, use) và “lạm dụng” (abusus, abuse) đã có từ cổ luật Rôma. Quyền sử dụng đồ vật sở hữu là điều hợp pháp, nhưng lạm dụng (dùng không đúng thời, đúng mức) là điều trái luật. Trước đây nguyên tắc áp dụng vào tài sản vật chất (của một cá nhân), bây giờ nguyên tắc mở rộng đến tất cả tài sản của thiên nhiên. Dưới phương diện luân lý, sự lạm dụng không chỉ được hiểu về sự khai thác vô độ, nhưng còn được hiểu về việc sử dụng không phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thiên nhiên được Thiên Chúa dựng nên cho con người hưởng dụng: con người cần phải nhận ra hồng ân của Thiên Chúa khi sử dụng thiên nhiên; vì thế nếu con người sử dụng thiên nhiên mà không màng đến Thiên Chúa thì đã “lạm dụng” nó. 

2/ Thiên nhiên với Thiên Chúa 

Khi mối tương quan với Thiên Chúa bị mất, thì mối tương quan giữa con người với thiên nhiên cũng bị lệch lạc (TLHT số 463), dẫn tới hai thái cực: 

- đôi khi con người tự coi mình làm chủ tể, khai thác thiên nhiên bừa bãi; 
- đôi khi con người tôn thiên nhiên lên làm chủ tể, không nhận ra vị trí ưu việt của mình giữa các thụ tạo. Huấn quyền không chấp nhận hai quan điểm “ecocentrism” và “biocentrism” của vài phong trào bảo vệ môi sinh: họ chủ trương bảo vệ “sinh quyển” (biosphere) chứ không quan tâm đến con người (loài người có thể bị tiêu diệt, nhưng điều quan trọng là bảo vệ trái đất và các sinh vật). 

Vì thế cần một cái nhìn quân bình giữa các mối tương quan: giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với vạn vật. Vạn vật không phải chỉ là những “công cụ” nhưng là “món quà” do Chúa ban, cần được đối xử thân tình. 

3/ Thiên nhiên với nhân loại 

Bàn về luân lý môi sinh, chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc đã được nói trước đây về tình liên đới trong gia đình nhân loại. Trong vấn đề này, TLHT số 464 đã trưng dẫn thông điệp Centesimus annus (số 38) liên kết “môi trường thiên nhiên” (écologie environnementale) với “môi trường nhân sinh” (écologie humaine) Cụm từ “écologie de l’homme” tái xuất hiện trong thông điệp Caritas in veritate số 51, và Sứ điệp ngày Hòa bình Thế giới 2010 (“Nếu muốn vun trồng hòa bình, hãy giữ gìn trái đất”). Việc thiếu tôn trọng môi trường bắt nguồn từ việc thiếu tôn trọng con người. 

Thực vậy, đàng sau các vấn đề môi sinh là những vấn đề của con người: làm thế nào tạo ra một môi trường “dễ thở” cho con người? Khi nói đến “con người”, chúng ta hiểu đến toàn thể gia đình nhân loại, không những bao gồm các dân tộc hiện nay ở khắp năm châu, nhưng cũng nghĩ đến các thế hệ trong tương lai nữa (TLHT số 467). 

Vì thế vấn đề bảo vệ môi trường cần phải được thúc đẩy bởi việc tôn trọng con người, tôn trọng mạng sống con người. Việc hạn chế sinh sản không thể coi như một giải pháp cho chính sách bảo vệ môi trường (TLHT số 483) 

B. Khoa học kỹ thuật và việc tôn trọng môi trường 

Câu chuyện này trở nên phức tạp hơn. Giáo hội không chỉ “phán dạy” cách đơn phương, nhưng cần sự nghiên cứu của các nhà chuyên môn. 

1/ Cần phải tránh hai thái cực (số 480) 

- Lạc quan thái quá: không muốn nhận ra những nguy cơ về sinh thái 
- Bi quan thái quá: báo động sai lạc về những đe dọa kỹ thuật[3]. 

2/ Không thể đổ trách nhiệm hủy hoại môi trường cho khoa học và kỹ thuật. Khoa học và kỹ thuật đã góp phần trong việc thăng tiến con người. Khoa học và kỹ thuật có khả năng để sửa chữa những lệch lạc. Điều cần thiết là tinh thần phục vụ ích chung của nhân loại, và cố gắng khám phá những định luật vận hành của vạn vật, dựa theo bản tính của chúng (số 458-459). 

Dựa vào đó, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành những luật pháp cần thiết cho việc bảo vệ môi trường (số 468-469) 

C. Vài vấn đề cụ thể 

Ngoài những nguyên tắc liên hệ trực tiếp đến môi trường, sách TLHT cũng xếp vài vấn đề khác trong chương Mười. 

1/ Kỹ thuật sinh học (số 472-480). 

Một vấn đề còn đang tranh cãi tại các cơ quan lập pháp, y học, nông nghiệp liên quan đến việc sử dụng GMO (Genetically Modified Organism) / OGM (Organisme génétiquement modifié): sinh vật biến đổi gen. 

Tòa Thánh đã cho xuất bản kết quả của hai cuộc nghiên cứu: 

- Pontificia Accademia per la Vita, “Biotecnologie animali e vegetali nuove frontiere e nuove responsabilità” (Libreria Editrice Vaticana 1999). 
- Pontificia Accademia delle Scienze, “Studio-Documento della sull’uso delle piante geneticamente modificate per combattere la fame nel mondo” (Città del Vaticano, 2004). 

2/ Mua đất để sản xuất kỹ nghệ (TLHT số 482) 

Nhiều nước giàu (Hoa Kỳ, Trung quốc, An độ, Hàn quốc, cũng như Arab Saud, Qatar vv) mua đất bên châu Phi, châu Mỹ Latinh, để trồng trọt hoặc chiếm nhiên liệu. Các dân bản xứ buộc phải rời bỏ “môi trường” của mình, và tuôn về các đô thị, sống trong các khu ổ chuột. 

Nhiều vùng đất rộng bao la bị kỹ nghệ hóa, và chỉ trồng một loại sản phẩm, làm mất đi sự đa dạng sinh thái. 

3/ Thiếu nước do nạn hạn hán, bành trướng sa mạc. Hơn thế nữa, còn nạn nước bị ô nhiễm không thể sử dụng được. Từ đó gây ra nhiều bệnh tật (TLHT số 484-485). 

Việc giải quyết những vấn đề này không chỉ đòi hỏi các biện pháp chính trị, kinh tế, kỹ thuật, nhưng tiên vàn là luân lý: nó bắt nguồn từ lòng tham không đáy, tích lũy của cải trong tay một thiểu số, không đếm xỉa đến đại đa số dân nghèo. GHXH nhắc lại những nguyên tắc về tình liên đới của nhân loại, mục tiêu phổ quát của các tài sản trên thế giới. 




[1] Chẳng hạn như: ý nghĩa của lao động (số 270 tt), tài nguyên của địa cầu dành cho hết mọi người (số số 182 tt; 328), ý nghĩa của sự phát triển (số 373 tt). 
[2] Con người cần đối xử với thiên nhiên trong tư cách là “hình ảnh Thiên Chúa”, nghĩa là bằng trí tuệ. Đàng khác, con người có nhiệm vụ “giữ gìn” cái vườn (St 2,15) chứ không phải là tàn phá nó. 
[3] Được đặt tên là catastrophisme.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét