Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Gaudium Et Spes


Phần I Giáo hội và Thiên chức con người (11)
Chương I Phẩm giá con người (12 - 22)
Chương II Cộng đoàn nhân lọai (23 - 32)
Chương III Hoạt động của nhân loại trong vũ trụ (33 - 39)
Chương IV Sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới ngày nay (40 - 45)

Phần II Một số vấn đề khẩn thiết (46)
Chương I Phải đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình (47 - 52)
Chương II Cổ võ việc phát triển văn hóa (53 - 62)
Chương III Đời  sống kinh tế xã hội (63 - 72)
Chương IV Đời sống cộng đoàn chính trị (73 - 76)
Chương V Cổ võ hòa bình và xây dựng cộng đoàn các dân tộc (77 - 90)

Kết luận (91 - 93)

Lời Giới Thiệu

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay có mục đích chính là "trình bày sự hiện diện và sinh hoạt của Giáo Hội trong thế giới" (số 2, đoạn I).

Nhờ Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, Công Ðồng đã trình bày mầu nhiệm Giáo Hội: giai đoạn khởi đầu, sứ mệnh, cơ cấu, đời sống nội tại... để canh tân Giáo Hội.

Trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay "có lẽ chưa bao giờ Giáo Hội đã nhận thấy cần phải tìm hiểu xã hội loài người chung quanh như hiện nay để tới gần nó, tôn trọng nó một cách chính đáng, nhập vào nó, phục vụ và trao cho nó sứ điệp Phúc Âm. Hơn nữa, dường như Giáo Hội ưa thích và chiều chuộng nó một phần nào đó, trong khi nó vẫn đang thay đổi mau chóng và không ngừng".1

Công Ðồng cảm thấy rằng đó là việc khẩn cấp trong thời đại chúng ta.

Chủ đề chính

1. Trước hết Công Ðồng đề cập đến con người dưới mọi khía cạnh (số 3, đoạn I). Con người có phẩm giá rất thiêng liêng nhưng bị tội lỗi làm tổn thương, có cùng đích cao siêu nhưng phải vượt qua nhiều ngăn trở, đã nỗ lực để xây dựng văn minh tốt đẹp nhưng một phần lớn vẫn còn chủ trương vô thần. "Giáo Hội một phần nào đó đã tự xưng là tôi tớ của loài người" 2, bởi vì chúng ta "có thể quả quyết rằng chúng ta phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa" 3.

2. Hiến Chế nói về thế giới, một thế giới phải được con người xây dựng. Thế giới tức là thực tại thế tục có giá trị và những qui luật riêng biệt của nó. Ðàng khác mọi giá trị và qui luật ấy đều phải phục dịch chính con người toàn diện, do đó phải thích hợp với luân lý và tôn giáo. Chính lịch sử do con người tạo nên, nhưng lịch sử hướng về Chúa Kitô là trung tâm điểm và là cùng đích!

3. Hiến Chế cũng trình bày sinh hoạt thế tục theo quan điểm của Giáo Hội.

A) Về việc làm: a) cắt nghĩa việc làm theo thần học, b) giá trị của nó, c) tính cách nhân phẩm, d) công hiệu của việc làm đối với nền văn minh.

B) Về sinh hoạt xã hội phải theo nguyên tắc riêng của từng lãnh vực một (ví dụ: kinh tế, khoa học, văn hóa...) và phải thích hợp với bản tính con người cũng như với đức tin và đức mến.

4. Sau cùng Hiến Chế dạy về hoạt động của Giáo Hội trong thế giới giúp chúng ta hiểu thêm về sứ mệnh và bản tính của Giáo Hội.

Hiến Chế Mục Vụ

Vì danh từ "Hiến Chế" mang ý nghĩa một mệnh lệnh và có vẻ không thích hợp với ý muốn của Công Ðồng là đối thoại với mọi người bất chấp tín ngưỡng, nên một số Nghị Phụ thích danh từ "Tuyên Ngôn" hơn. Nhưng Công Ðồng đã giữ lại danh từ "Hiến Chế" để nhấn mạnh tính cách quan trọng của văn kiện cả về phương diện giáo lý nữa.

Thêm tĩnh từ "Mục Vụ" để nhắc lại tính cách thực tế của giáo lý đó.

Danh từ "Giáo Hội" phải được hiểu như đã được trình bày trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội với sứ mệnh cứu độ.

Còn "Thế Giới" như vừa nói trên, là toàn thể thực tại do Thiên Chúa tạo nên, trong đó nhân loại là trung tâm điểm và có nhiệm vụ phát triển thế giới.

Vài nét lịch sử

Ngày 25-12-1961, khi triệu tập Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã nói đến những mối lo lắng của Giáo Hội trước những thắc mắc của nhân loại. Giáo Hội có bổn phận phải bàn về các vấn đề đó, vì nó ảnh hưởng đến phần rỗi siêu nhiên 4.

Ngày 11-10-1962, nhân dịp khai mạc Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã nói vạch rõ tinh thần mới cho Công Ðồng, tinh thần thương xót và thông cảm hơn là lên án 5. Chín ngày sau đó Công Ðồng gởi cho Thế Giới sứ điệp hòa bình và thương yêu cũng như sự quyết tâm phục vụ nhân loại, đặc biệt là người nghèo 6.

Tuy nhiên, trong số 70 lược đồ do các Ủy Ban đã soạn thảo, chưa có tài liệu nào dành riêng cho các vấn đề thế giới. Ðến cuối kỳ họp thứ nhất của Công Ðồng (12-1962) các lược đồ thu gọn lại thành lược đồ 17, có đầu đề: "Về những nguyên tắc và sinh hoạt của Giáo Hội để xúc tiến hạnh phúc của xã hội".

Vào đầu năm 1963 Ủy Ban hỗn hợp, gồm có chuyên viên của hai Ủy Ban về Tín Lý và Tông Ðồ Giáo Dân được bổ nhiệm soạn thảo lược đồ này. Ðầu đề mới là: "Về sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới ngày nay". Cũng có văn kiện khác do Ðức Hồng Y Suenens (Bỉ) đề nghị. Văn kiện này đã được gọi "Lược đồ Malines hay Louvain". Ủy Ban đã lập ra một tiểu ban do Ðức Cha Guano (Ý) làm chủ tịch và Cha Haering CssR (Ðức) làm thư ký để xét lại những đề nghị ấy.

Vào mùa hè năm 1964, các Nghị Phụ mới chấp nhận văn kiện, bấy giờ được gọi là lược đồ 13, cũng được gọi "Lược đồ Zurich", vì tiểu ban đã họp tại đó. Trong kỳ họp thứ ba (tháng 10-11) các ngài đề nghị phải sửa lại nhiều chỗ. Ủy Ban hỗn hợp soạn thảo một lược đồ mới (lược đồ Ariccia-Roma) theo địa danh làm việc.

Trong giai đoạn cuối cùng các Nghị Phụ bỏ phiếu nhiều lần: trước hết đã chấp nhận lược đồ cách đại cương rồi bỏ phiếu từng đoạn một. Sau nhiều sửa đổi theo những đề nghị của các Nghị Phụ, các ngài lại bỏ phiếu từng 12 đoạn và ngày 6-12-1965, 1,860 Nghị Phụ chấp nhận toàn bộ lược đồ, với 251 phiếu chống và 11 phiếu bất hợp lệ. Ngày hôm sau, trước khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Hiến Chế, các Nghị Phụ lại bỏ phiếu một cách long trọng: lúc ấy vẫn còn 75 phiếu chống.

"Không ai có thể quả quyết rằng đạo Công Giáo là vô ích, khi nhận thấy rằng Giáo Hội, nhân dịp tự ý thức về mình nhiều nhất và có hiệu lực lớn nhất, tức là khi tập họp lại trong Công Ðồng, đã biểu thị rõ ràng Giáo Hội chỉ vì con người mà có..." 7.

"Ðối với người Việt Nam chúng ta, nhiều vấn đề có lẽ còn quá mới mẻ. Nhưng hướng đi của Công Ðồng là hướng đi của lịch sử hiện đại. Hiến Chế Mục Vụ nếu được hiểu và áp dụng cho đúng mức sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thì giờ và sức lực" 8.

Lời Mở Ðầu 9

1. Liên quan mật thiết giữa Giáo Hội và toàn thể gia đình các dân tộc.

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại 1*.

2. Công Ðồng muốn ngỏ lời với ai. Vậy, sau khi đã tìm hiểu tường tận hơn về mầu nhiệm Giáo Hội 2*, Công Ðồng Vaticanô II không còn chỉ ngỏ lời riêng với những người con của Giáo Hội và tất cả những ai kêu danh Chúa Kitô, nhưng không ngần ngại nói với tất cả mọi người. Công Ðồng ước ao trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Vậy thế giới trình bày ở đây là thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với mọi sự thuộc môi trường sinh sống của gia đình này. Thế giới ấy là sân khấu của lịch sử nhân loại và là thế giới mang dấu tích những cố gắng, thất bại và thắng lợi của nhân loại; thế giới ấy, người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Ðấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì; thế giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng, nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền Thần Dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn 3*.

Phục vụ con người. Ngày nay, tuy đã cảm phục trước những khám phá và quyền lực của mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận vụ con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài. Vì thế, khi minh chứng và trình bày Ðức Tin của toàn thể dân Chúa đã được Chúa Kitô đoàn tụ, để diễn tả thật hùng hồn mối tình liên đới, sự tôn trọng và quí mến của dân Chúa đối với gia đình nhân loại mà mình là một thành phần, Công Ðồng thấy hay hơn hết là phải thiết lập cuộc đối thoại về những vấn đề ấy, phải lấy ánh sáng Phúc Âm mà soi dẫn, và phải cho nhân loại những năng lực cứu rỗi mà chính Giáo Hội đã nhận được nơi Ðấng Sáng Lập, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thực vậy, việc phải làm là cứu rỗi nhân vị con người và xây dựng xã hội loài người. Do đó, con người - dĩ nhiên là con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí - sẽ là then chốt tất cả phần trình bày của chúng tôi.

Vậy, khi công bố thiên chức cao cả của con người và xác nhận con người mang trong mình một mầm mống thần linh, Thánh Công Ðồng muốn đề nghị với nhân loại sự cộng tác thành thực của Giáo Hội hầu thiết lập một tình huynh đệ đại đồng phù hợp với thiên chức ấy. Không bị một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội chỉ nhắm một điều là dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục công cuộc của chính Chúa Kitô, Ðấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý 10, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được phục vụ 11.

Nhập Ðề

Thân Phận Con Người
Trong Thế Giới Ngày Nay 4*

4. Hy vọng và lo âu. Ðể chu toàn phận vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại 5* và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải biết và hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó. Có thể phác họa một vài nét chính yếu của thế giới ngày nay như sau:

Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình 6*. Ðó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu. Những thay đổi do óc thông minh và nổ lực sáng tạo của con người khơi dậy, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người, trên cách suy tư và hành động đối với sự vật cũng như con người. Như vậy, chúng ta có thể nói đến sự biến đổi đích thực về mặt xã hội cũng như văn hóa, sự biến đổi này đang lan tràn tới cả đời sống tôn giáo.

Cũng như trong bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự biến đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như đang khi bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình. Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình.

Chưa bao giờ nhân loại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, rồi không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay, đang khi đó, lại thấy sống dậy những hình thức nô lệ mới mẻ về mặt xã hội cũng như tâm lý. Trong lúc đang mãnh liệt cảm thấy sự duy nhất cũng như sự kiện tất cả lệ thuộc nhau trong sự liên đới cần thiết, thì thế giới lại bị lôi kéo kịch liệt theo những chiều hướng tương phản do những lực lượng chống đối nhau; thực vậy vẫn còn kéo dài mãi tới ngày nay những bất đồng trầm trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ, và một cuộc chiến diệt vong vẫn còn đe dọa. Ðang khi sự trao đổi tư tưởng phát triển, thì những ngôn ngữ dùng để diễn tả những quan niệm có tầm mức quan trọng lại mang ý nghĩa khác nhau tùy từng ý thức hệ riêng biệt. Sau hết, người ta nỗ lực đi tìm một tổ chức trần thế hoàn hảo hơn, nhưng lại không lo tiến tới sự phát triển tinh thần tương xứng.

Do những hoàn cảnh phức tạp như thế chi phối, rất nhiều người đương thời thấy khó lòng có thể nhận chân được những giá trị trường cửu và đồng thời cũng khó mà hòa hợp những giá trị ấy cho đúng với những phát minh gần đây. Do đó, bị lay động giữa hy vọng và lo âu, băn khoăn về sự xoay chuyển hiện tại của thế giới, họ cảm thấy một nỗi ưu tư. Sự xoay chuyển của thế giới đang thách đố và thúc bách con người tìm câu giải đáp.

5. Những hoàn cảnh biến đổi sâu rộng. Sự giao động tâm hồn hiện nay và sự thay đổi cảnh sống gắn liền với một biến chuyển rộng lớn hơn. Trong phạm vi trí dục, sự biến chuyển này làm cho toán học, vạn vật học và các khoa học nhân văn càng ngày càng thêm quan trọng, còn trong phạm vi hoạt động, thì kỹ thuật, con đẻ của khoa học, lại mỗi ngày một thêm uy thế. Tinh thần khoa học này đang tạo ra một nền văn hóa và những lối suy tư khác với trước kia. Kỹ thuật phát hiện đến độ thay đổi cả cục diện địa cầu và còn đang cố gắng chinh phục không gian.

Tâm trí con người như đang nới rộng phạm vi chế ngự trên cả thời gian: chế ngự dĩ vãng nhờ sử học, và chế ngự tương lai nhờ dự liệu và tổ chức các kế hoạch. Những khoa học đang tiến bộ như sinh vật học, tâm lý, xã hội, không những giúp con người hiểu biết chính mình hơn, mà còn giúp con người biết lợi dụng những phương pháp kỹ thuật để trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống các xã hội. Ðồng thời nhân loại mỗi ngày mỗi lưu tâm hơn để tìm cách tiên liệu và giải quyết vấn đề gia tăng dân số.

Chính lịch sử đang tiến bước quá nhanh đến nỗi từng cá nhân riêng rẽ khó lòng theo kịp. Vận mạng cộng đoàn nhân loại trở thành một mà thôi và không còn bị phân tán thành nhiều dòng lịch sử khác nhau nữa. Như vậy từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn 7*, do đó phát sinh những vấn đề hết sức phức tạp mới mẻ đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới.

6. Những biến đổi trong phạm vi xã hội. Cũng vì vậy, các cộng đoàn cổ truyền địa phương, như gia tộc, "thị tộc", bộ lạc, xóm làng, các tập thể khác và các liên hệ trong cộng đoàn xã hội đều thay đổi mỗi ngày mỗi sâu xa hơn.

Tổ chức xã hội theo khuôn mẫu kỹ nghệ dần dần bành trướng, đưa một số quốc gia tới mức thịnh vượng kinh tế và thay đổi tận gốc rễ những quan niệm và hoàn cảnh đời sống xã hội đã cố định từ lâu đời. Sự ham chuộng theo đuổi đời sống thị thành cũng gia tăng, vì các thành phố càng ngày càng mọc lên nhiều, dân cư càng ngày càng đông, và vì cách sống thị thành đang lan rộng tới cả thôn quê.

Những phương tiện truyền thông mới mẻ và mỗi ngày một thuận tiện hơn giúp con người theo dõi được các biến cố cũng như phổ biến hết sức mau lẹ và rộng rãi những cách cảm nghĩ và suy tư, do đó chúng gây nên nhiều âm hưởng vang dội có liên quan với nhau.

Một hiện tượng không kém quan trọng khác: biết bao người bởi nhiều lý do phải di cư, và vì di cư đã thay đổi cả cách sống.

Do vậy mà những liên hệ của con người với đồng loại không ngừng tăng thêm mãi, đồng thời chính sự "xã hội hóa" 8* lại tạo thêm những liên hệ mới, tuy nhiên, những liên hệ mới ấy không phải lúc nào cũng giúp nhân vị trưởng thành một cách thích hợp, hoặc cổ võ những liên hệ thực sự người (nhân vị hóa).

Thực vậy, sự tiến hóa ấy phát hiện rõ rệt hơn tại những quốc gia hưởng thụ những tiện nghi kinh tế và kỹ thuật, nhưng sự tiến hóa ấy cũng thúc đẩy các dân tộc còn đang cố gắng tiến lên, vì họ là những người mong mỏi cho xứ sở mình được hưởng ích lợi của nền kỹ nghệ và đô thị hóa. Các dân tộc ấy, nhất là các dân tộc đã bám víu vào những truyền thống cổ kính, đồng thời cảm thấy bị thúc đẩy muốn tự mình xử dụng tự do một cách trưởng thành và hợp nhân vị hơn.

7. Những biến đổi về tâm lý, luân lý và tôn giáo. Sự thay đổi tâm thức và cơ cấu thường làm cho con người bất đồng ý kiến về những giá trị đã được chấp nhận, nhất là nơi những người trẻ là lứa tuổi đôi khi thiếu nhẫn nại; hơn nữa vì lo âu, nên họ mới nổi loạn, và vì ý thức tầm quan trọng của riêng mình trong đời sống xã hội, nên họ mong muốn sớm được dự phần vào đời sống xã hội hơn. Do đó, nhiều khi cha mẹ và các nhà giáo dục càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chu toàn bổn phận.

Các định chế, luật pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của người xưa truyền lại, hình như không phải lúc nào cũng phù hợp với tình thế hiện tại, do đó, có sự xáo trộn trầm trọng trong phương thức và trong cả các tiêu chuẩn hành động.

Sau hết, những hoàn cảnh mới cũng ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo. Một phần vì khả năng phán đoán sâu sắc hơn đã thanh lọc khỏi đời sống tôn giáo quan niệm ma thuật về thế giới 9* và những mê tín vẫn còn lan tràn tới ngày nay. Khả năng sâu sắc ấy đòi hỏi đức tin phải được chấp nhận mỗi ngày một thêm cá biệt và linh hoạt; bởi đó, nhiều người đạt được một ý thức sống động hơn về Thiên Chúa. Phần khác, số người lìa xa Thiên Chúa trong cách sống thực tế càng ngày càng đông. Khác với thời xưa, sự từ chối hoặc tránh né đề cập tới Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành vi dị thường và có tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay, biết bao người coi đó như một đòi hòi của tiến bộ khoa học 10* hay của nền nhân bản mới 11*. Tại nhiều nơi, quan niệm này không những được diễn tả trong các trường phái triết học, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới văn chương, nghệ thuật, các giải thích của các khoa học nhân văn và sử học, cũng như ảnh hưởng tới cả dân luật khiến cho nhiều người hoang mang.

8. Những chênh lệch trong thế giới ngày nay. Sự biến chuyển quá mau chóng và thường thiếu trật tự, hơn nữa, sự ý thức càng ngày càng bén nhạy hơn về những sự khác biệt hiện có trong thế giới, đó là những yếu tố làm phát sinh hoặc gia tăng nhiều mâu thuẫn và chênh lệch.

Chính nơi con người thường phát sinh sự thiếu quân bình giữa óc thực tế hiện thời và lối suy tư thuyết lý. Lối suy tư này không còn khả năng làm chủ và tổng hợp gọn gàng toàn thể mọi tri thức. Cũng vậy, sự thiếu quân bình hiển hiện giữa những lo âu đạt được hiệu quả cụ thể và những đòi hỏi của lương tâm, và nhiều lúc giữa những cảnh sống tập thể và những điều khẩn thiết cho suy tư cá nhân và nhất là cho sự chiêm niệm. Sau hết là sự chênh lệch giữa sự chuyên biệt hóa các sinh hoạt nhân loại và cái nhìn phổ quát về muôn vật.

Trong gia đình cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, hoặc do những hoàn cảnh ngột ngạt về dân số, kinh tế, xã hội, hoặc do những khó khăn phát xuất giữa những thế hệ tiếp nối nhau, hoặc do những xã giao mới giữa người nam và nữ.

Ngoài ra còn có những sự khác biệt lớn lao giữa các chủng tộc và kể cả giữa những giai cấp xã hội khác nhau, giữa những quốc gia cường thịnh và những quốc gia nghèo nàn yếu kém, sau hết giữa những tổ chức quốc tế đã được thiết lập vì sự mong mỏi hòa bình của các dân tộc và tham vọng gieo rắc ý thức hệ riêng cùng những ham hố tập thể hiện hữu trong các quốc gia hoặc các tập thể khác.

Từ đó, phát sinh ngờ vực và thù nghịch nhau, xung đột và thống khổ mà chính con người là nguyên nhân và nạn nhân.

9. Những khát vọng phổ quát hơn của nhân loại. Trong khi đó, người ta thêm xác tín rằng nhân loại không những có thể và phải mỗi ngày mỗi củng cố thêm sự thống trị của mình trên tạo vật mà còn phải thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế để phục vụ con người ngày đắc lực hơn, giúp mỗi cá nhân, mỗi tập thể khẳng định và trau dồi phẩm giá riêng của mình.

Bởi đó, rất nhiều người đòi hỏi gắt gao những của cải mà họ ý thức mãnh liệt rằng họ bị cướp mất vì bất công hay vì phân chia không đồng đều. Các quốc gia đang trên đường phát triển cũng như các quốc gia mới giành được chủ quyền mong muốn dự phần vào những lợi ích của nền văn minh hiện nay không những trong phạm vi chính trị mà cả trong phạm vi kinh tế nữa, và mong muốn tự do chu toàn vai trò của mình trong thế giới. Tuy nhiên, trong khi ấy, càng ngày càng gia tăng sự cách biệt giữa các quốc gia này, cũng như thường thấy gia tăng sự lệ thuộc cả về phạm vi kinh tế đối với những quốc gia khác giàu mạnh và tiến bộ nhanh hơn. Các dân tộc bị đói khổ hoành hành đang kêu gọi các dân tộc phồn thịnh hơn. Ở đâu nữ giới chưa được bình quyền với nam giới đều đứng lên đòi hỏi cho mình được bình đẳng trước pháp lý và trên thực tế. Các công nhân và nông gia cũng muốn rằng họ làm việc không những để mưu sống nhưng còn để phát huy những tài năng của con người họ, hơn nữa họ còn muốn tham gia vào việc tổ chức đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, toàn thể các dân tộc đã xác tín mình có thể và phải thực sự phổ biến những thành quả của văn hóa tới hết mọi dân tộc.

Dưới tất cả những đòi hỏi đó tàng ẩn một ước vọng sâu xa và đại đồng hơn: mọi cá nhân và tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng với con người; để phục vụ cho chính mình, họ muốn chế ngự tất cả những gì thế giới ngày nay có thể cung ứng hết sức dồi dào cho họ. Hơn nữa, các quốc gia vẫn ngày một cố gắng hơn để đạt tới một thứ cộng đoàn đại đồng.

Như vậy, thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất hoặc xấu xa nhất, đang khi ấy trước mặt nó là con đường dẫn tới tự do hoặc nô lệ, tiến bộ hoặc thoái hóa, huynh đệ hoặc đố kỵ. Lại nữa, con người đã ý thức được chính họ phải điều khiển cho đúng những năng lực do chính mình tạo nên và đó là những năng lực có thể đè bẹp họ hoặc phục vụ cho họ. Do đó họ phân vân.

10. Những vấn nạn sâu xa hơn của nhân loại. Thực vậy, những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay được nối liền với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người. Bởi vì, ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau. Vì một đàng, là tạo vật, con người nhận thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương tiện, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn. Bị lôi kéo giữa nhiều quyến rũ, con người luôn bị bó buộc phải lựa chọn một số hoặc loại bỏ một số khác. Hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, nhiều khi con người làm điều mình không muốn và không làm được điều mình muốn làm 12. Bởi vậy, có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó, sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội. Thực vậy rất nhiều người vì đời sống thấm nhiễm chủ nghĩa duy vật thực hành nên đã không nhìn nhận rõ ràng thảm trạng ấy, hay ít ra vì lối sống cơ cực đè nặng không cho phép họ nghĩ tới nữa. Ðàng khác, dựa vào mớ lý thuyết mà họ đã tìm ra để giải thích vũ trụ, nhiều người tưởng như thế là đủ an tâm. Còn có những người chỉ trông vào nỗ lực của con người mới đem lại cho nhân loại sự giải phóng đích thực và trọn vẹn, và họ xác tín rằng sự thống trị mai hậu của con người trên trái đất sẽ làm mãn nguyện mọi ước vọng của con tim nhân loại. Cũng không thiếu những người thất vọng về ý nghĩa cuộc sống tán dương những kẻ táo bạo nghĩ rằng sự hiện hữu của con người tự nó không mang một ý nghĩa nào nên họ cố gắng dùng nguyên tài năng của mình để tạo nên tất cả ý nghĩa cho sự hiện hữu ấy. Tuy nhiên, trước sự tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người hoặc đặt vấn đề hoặc nhận thức một cách sâu sắc mới mẻ về những vấn đề hết sức căn bản như: con người là gì? Ðâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng còn tiếp tục tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Bao chiến thắng đạt được với một giá đắt ấy có ích gì? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ tiếp theo sau cuộc sống trần gian này?

Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho mọi người 13. Vì thế qua Thánh Thần của Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình. Giáo Hội cũng tin rằng dưới bầu trời này chẳng còn danh hiệu nào khác được ban cho loài người để loài người phải nhờ đó mà được cứu rỗi 14. Cũng thế, Giáo Hội tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Ðức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Hơn nữa, Giáo Hội còn xác nhận rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi này là Chúa Kitô, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi 15. Vậy dưới ánh sáng Chúa Kitô, Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình, Trưởng Tử giữa mọi thụ sinh 16, Công Ðồng muốn nói với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta.

-----------------------------------------------------------------------------------
Chú Thích:

1 Phaolô VI, Diễn văn nhân dịp lễ bế mạc Công Ðồng, 8-12-1965: AAS 58 (1966), 54.
2 N.v.t. trg 57.
3 N.v.t. trg 59.
4 Tông hiến Humanae Saluis, 25-12-1961: AAS 54 (1962), 5-13.
5 Diễn văn, AAS 54 (1962), 792.
6 AAS 54 (1962), 822-824.
7 Phaolô VI, Diễn văn nhân dịp lễ bế mạc Công Ðồng, 8-12-1965: AAS 58 (1966), 58.
8 Ðức Hồng Y Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giáo Hội trong Thế Giới hôm nay, Thanh Lao Công 1969, Lời giới thiệu (không mang số trang).
9 Hiến chế Mục Vụ về "Giáo Hội trong thế giới ngày nay" tuy có hai phần rõ rệt nhưng làm thành một khối duy nhất.

Hiến Chế mệnh danh là "Mục Vụ" vì, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, Hiến Chế nhằm trình bày thái độ của Giáo Hội với thế giới và con người ngày nay. Do đó, không phải là thiếu chủ đích mục vụ trong phần I, cũng như không thiếu chủ đích giáo lý trong phần II.

Trong phần I, Giáo Hội trình bày giáo lý của mình về con người, về thế giới con người đang sống và về thái độ của Giáo Hội đối với con người và thế giới. Trong phần II, Giáo Hội khảo sát tường tận hơn những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hiện nay và trong xã hội nhân loại, nhất là những thắc mắc, những vấn đề xét ra có vẻ khẩn thiết hơn trong thời đại chúng ta. Do đó, trong phần sau này, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, nội dung không những bao hàm những yếu tố vĩnh cửu mà còn cả những yếu tố nhất thời nữa.

Vậy, phải giải thích Hiến Chế theo những nguyên tắc tổng quát của khoa chú giải thần học và đặc biệt phải lưu ý tới những hoàn cảnh thay đổi là những hoàn cảnh tự bản chất gắn liền với những vấn đề được bàn tới, nhất là trong phần thứ hai này.

1* Kitô hữu là người "bị lưu đày xa Chúa" (2 Cor 5,6) và người "không có thành trì kiên cố" ở đất này (Dth 13,14), nhưng vẫn còn thuộc về gia đình nhân loại. Mọi vấn đề của nhân loại phải làm rung động tâm hồn Kitô hữu. Chính Giáo Hội được thiết lập để đến cùng con người chứ không phải để chỉ sống cho mình mà thôi, Giáo Hội phải đối thoại với con người, đưa cho con người ánh sáng đức tin đã được trao phó cho Giáo Hội. Như thế Giáo Hội góp phần vào công việc chung nhằm cứu độ con người và cải thiện xã hội. Sứ mệnh của Giáo Hội không nhằm những tham vọng thế tục (số 3). Hiến Chế khai triển những tư tưởng này trong chương IV. 
2* Trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội. 
3* Theo thần học ta có thể quan niệm "thế giới" 1) là vũ trụ đã được Thiên Chúa tạo nên (x. Stk 1,1; Gio 1,3; Col 1,15-20); 2) Thiên Chúa đã trao phó hoàn vũ cho con người (x. Mt26,13; Gio 17,18); 3) nhân loại sa ngã chán ghét và chống đối Thiên Chúa (x. Gio 1,10; 7,7; 15,18t; 17,9; 1Gio 2,15); 4) Thiên Chúa yêu mến nhân loại đã được cứu chuộc (x. Gio 1,29; 3,13; 4,42; 2Cor 5,19). (ÐGM. Charue, phó chủ tịch Ủy Ban về tín lý, ngỏ lời trong thánh đường thánh Phêrô, ngày 24.9.1965: xem Documentation Catholique 62 (1965), 1863).
Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay hiểu thế giới theo nghĩa nhân chủng học (gia đình nhân loại), vũ trụ luận (tất cả thực tại chung quanh), lịch sử học (nơi diễn tiến của lịch sử), và thần học (được Thiên Chúa tạo nên vì tình yêu, v.v...). 

10 Xem Gio 18,37. 
11 Xem Gio 3,17; Mt 20,28; Mc 10,45. 

4* Công Ðồng mời gọi ta cùng tìm hiểu thế giới hiện đại (số 4a) để ta có thể đối thoại với nó và đem ánh sáng Chúa Kitô chiếu dọi các vấn đề của nó (số 10b). Vì thế Công Ðồng:
1) Kể lại những sự kiện tương phản với nhau: trạng thái thừa thãi và đói khát; tiến bộ và mù chữ; khát vọng tự do và nhiều thứ nô lệ; khát vọng hiệp nhất và vô số chia rẽ cũng như tư tưởng hỗn độn; tiến bộ kỹ thuật, văn hóa và tinh thần không tương hợp với nhau (số 4).
2) Những thay đổi thuộc về:
a) Cơ cấu về trí óc: vì ảnh hưởng do khoa học và kỹ thuật gây nên; vì được biết lịch sử rộng hơn, cũng như vì phép dự liệu và thuật kế hoạch; vì nhận thấy con người bắt đầu có quyền trên đời mình cũng như trên lịch sử. Quan niệm tĩnh ngày xưa chuyển thành quan niệm động (số 5).
b) Cơ cấu xã hội: nếp sống cổ điển biến mất; có những hiện tượng mới như kỹ nghệ hóa, thành thị hóa, các phương tiện truyền thông xã hội, những cuộc di cư, sự xã hội hóa (số 6).
3) Bởi đó đặt vấn đề theo cách mới:
a) Về tôn giáo: Giới thanh niên phản đối, lạc hướng; tinh thần phê bình; lối sống bỏ đạo thực hành; tuyên xưng vô thần (số 7).
b) Về cá nhân: vì những phán đoán thiếu quân bình, vì những xung đột giữa lương tâm và trí óc trong việc đi tìm kết quả thực tiễn giữa nhu cầu chuyên môn và một quan niệm tổng quát về vũ trụ.
c) Về gia đình: vì vấn đề dân số, khó khăn kinh tế xã hội, những khác biệt giữa các thế hệ, những liên quan mới giữa nam giới và nữ giới.
d) Về quốc gia: vì những sự khác nhau giữa các chủng tộc, các giai cấp; giàu có và nghèo khổ; vì những lý thuyết ảnh hưởng các phong trào hòa bình (số 8).
4) Nguyện vọng mới: vì con người ý thức về quyền thế mình, nhận thấy rằng có thể đòi hỏi tham gia vào những thành quả của văn minh và cảm thấy có quyền sống đầy đủ và xứng hợp với bản tính con người. 

5* Ðức Gioan XXIII, đã dựa theo Mt 16,4 và Lc 21,7 để dùng câu này trong thông điệp Pacem in Terris, và sau đó câu này trở thành một biểu ngữ cho việc canh tân Giáo Hội. Trong số 11a Công Ðồng lại diễn tả thái độ dò xét thời điểm này. 
6* Ta phải chú ý rất kỹ đến câu quả quyết quan trọng này (xem lại trong số 54a). Ðặc biệt tất cả những ai có trách nhiệm giáo dục lớp trẻ phải suy xét lại rằng: cố gắng tiếp tục sống theo nếp cũ trong "giai đoạn mới của lịch sử" tất nhiên là lỗi thời. 
7* Công Ðồng muốn nói rằng, thời xưa (và gần đây) người ta coi những thực tại nhân loại là vững bền và ít thay đổi. Ví dụ các luật trong lãnh vực pháp lý, những tổ chức gia đình, làng xóm, đô thị trong lãnh vực xã hội; những nhu cầu của dân chúng trong lãnh vực kinh tế, v.v... Qua bốn thế kỷ vừa qua chưa có những thay đổi trong phụng vụ Thánh Lễ!... Nhưng ngày nay thì khác hẳn. Người ta không còn thích coi lãnh vực nào là bất di dịch nữa. Ngày nay con người dễ tỏ lòng nghi ngờ khi người ta nại vào những nguyên tắc bất biến hay là dựa trên quan niệm cổ điển để giải thích các vấn đề. Hiện nay người ta không còn tin như xưa rằng lịch sử là "thầy dạy cho cuộc sống", hay ít ra cũng không phải theo cùng một quan niệm như xưa. 
8* Thông điệp Mater et Magister của Ðức Gioan XXIII diễn tả hiện tượng "đời sống xã hội" này và Công Ðồng (số 25b) trích lại lời đó. Dĩ nhiên đó là hiện tượng mới trong xã hội kỹ nghệ Âu Mỹ. Trong xã hội nông thôn Á Ðông, nó đã có từ nghìn xưa (dù dưới hình thức khác), đến nỗi nhiều khi gây ra nguy hại cho quyền tự do cá nhân (xem Phaolô VI, Populorum progressio, số 36). Hiện tượng này không phải đồng hóa với xã hội chủ nghĩa đã bị Giáo Hội lên án nhiều lần (đặc biệt trong Tđ. Quadragesimo Anno của Ðức Piô XI, năm 1931). Sau đó chính xã hội chủ nghĩa đã biến đổi không ít. Sự kiện xã hội hóa có thể sa vào những chỗ nguy hại như Công Ðồng nhắc lại trong đoạn này, nhưng cũng có thể đem lại kết quả tốt đẹp: ngoài sự phát triển vật chất, có thể giúp để thỏa mãn nhiều quyền lợi căn bản của con người như về giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, sự cứu trợ xã hội, cứu trợ y khoa, về hoàn cảnh làm việc, nhà ở, v.v... (Xem MV 25a và 42c). 
9* Vì thiếu óc khoa học, giới bình dân tin tưởng vào những sức lực vô hình do những quỉ thần nào đó gây nên để giải thích hiện tượng thiên nhiên. Nhờ những nghi lễ lạ lùng và huyền bí cố định từ ngàn xưa truyền lại, họ tìm cách gây ảnh hưởng trên những ma lực đó (x.33a).
Tin tưởng vào số tử vi cũng phải được coi như một hình thức biểu thị quan niệm phù phép.
Ðây là quan niệm rất tai hại cho đức tin, vì quyền tự do, lòng yêu mến Thiên Chúa là Ðấng hiểu biết và âu yếm điều khiển đời ta, chẳng chiếm chỗ nào trong quan niệm đó. 
10* Những quốc gia tân tiến hơn (Hoa Kỳ, Nga Sô, Thụy Ðiển...) lại chẳng phải là những nước bỏ đạo nhiều hơn sao! Giới trí thức, không kể giới bác học cũng không phải như thế sao! Nhiều khi người ta nghe nói như vậy. Thực sự nhiều khi người trí thức học sâu về khoa học trong khi lại quên phát triển những điều học hỏi về tôn giáo lúc còn bé. Trường hợp như thế dễ mất đức tin, nhưng không được nói rằng đó là đòi hỏi của khoa học!
11* Trong số 9c và 10a, Công Ðồng tóm tắt ý nghĩa đại khái của những hình thức nhân bản chủ nghĩa khác nhau: nhân bản dân chủ mong ước giải thoát con người khỏi mọi trạng thái hỗn độn nhờ giáo dục, kỹ thuật, quyền tự do... không cần đến Thiên Chúa, tôn giáo, và chủ trương tự sức mình, con người sẽ đạt tới hạnh phúc... Nhân bản khoa học, một cách tương tự, chủ trương con người tìm được tất cả các câu trả lời nơi khoa học và không cần biết đến thực tại về tội lỗi và nguồn gốc tội lỗi nơi con người, thực tại về công cuộc cứu chuộc của Ðấng Cứu Thế, v.v... Nhân bản Mác xít đánh giá việc làm như giá trị duy nhất của con người. Nhờ đảng điều khiển, con người sẽ xây dựng thế giới và xã hội mới, loại trừ mọi bất công. Tôn giáo là một dụng cụ của các chế độ tư bản dĩ nhiên sẽ biến mất. Nhân bản Quốc gia: đã chiếm được độc lập thì phải tự trị để phát triển đầy đủ không chấp nhận bất cứ hình thức đế quốc nào nữa, mà tôn giáo chẳng phải là một thứ đế quốc văn hóa sao? Nhân bản hiện sinh chủ trương rằng đời sống là phi lý. Từ con số không, con người đang đi tới con số không nữa. Chỉ cần lòng can đảm để tự tạo ý nghĩa cho đời mình, và tạo nên một thế giới tiện nghi hơn cho con cháu (xem số 10a). 

12 Xem Rm 7,14tt. 
13 Xem 2Cor 5,15. 
14 Xem CvTđ 4,12. 
15 Xem Dth 13,8. 
16 Xem Col 1,15.  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét