Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

I. Lịch sử

A. Lịch sử vấn đề 

Vấn đề môi trường[1] mới được nêu lên từ hậu bán thế kỷ XX, nghĩa là khá muộn so với các cuộc tranh đấu cho công lý, nhân quyền. 

Dĩ nhiên, trong các cuộc tranh đấu giành độc lập, các phong trào cách mạng đã nêu lên vấn đề tài nguyên quốc gia đã bị nước thực dân khai thác. Nhưng đó chỉ xét trong tương quan giữa hai nước mà thôi: một bên thì bóc lột, một bên thì bị bóc lột; làm sao giải quyết tình trạng một cách công bằng. Mối quan tâm về sự kiệt quệ tài nguyên của trái đất, sự ô nhiễm không khí... mới trở thành nghiêm trọng từ thập niên 70, đánh dấu với cuộc khủng hoảng dầu hỏa ở vùng Cận đông. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, các tiếng chuông báo động trở thành dồn dập. Nào là tăng nhiệt độ trái đất, sa mạc bành trướng, và rồi đến lượt thiếu nước là nguồn sống quan trọng hơn nữa. 

Nhiều phong trào bảo vệ môi trường đã ra đời, chống lại các cường quốc kinh tế cũng như các công ty tư bản đa quốc gia. Dưới áp lực của họ, Liên hợp quốc phải tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, tuy dù kết quả không đi tới đâu: Rio de Janeiro (1992), Kyoto (1997), Johannesburg (2002), Copenhague (2009), Caucún (2010), Durban. Dù sao, các chính phủ cũng bắt đầu nhận ra vấn đề, và đặt ra những cơ quan (cấp Bộ) để lo việc bảo vệ môi trường. 

Cuộc tranh đấu này cũng liên hệ đến Kitô giáo. Trước đây, người ta trách Kitô giáo là đã làm cản trở tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bây giờ Kitô giáo bị tố cáo là nguyên nhân tàn phá môi trường do lời Kinh thánh: “hãy làm chủ vũ trụ” (St 1,26-30), đang khi các tôn giáo khác (thí dụ Phật giáo) khuyến khích tôn trọng mọi sinh vật[2]. 

Thật ra, việc bảo vệ môi trường đặt ra nhiều vấn đề nan giải, ngay từ trên nguyên tắc. 

- Phải chăng bảo vệ môi trường có nghĩa là cấm không được khai thác thiên nhiên? Nhưng con người đã khai thác thiên nhiên từ lâu rồi. Đó là nguồn gốc của văn hóa loài người, khác với loài động vật, tiếp tục “ăn lông ở lỗ”! Mặt khác, các dân tộc sơ khai cũng phá hủy môi trường không ít khi họ chặt cây đốt rừng! Câu trả lời hợp lý không phải là không được khai thác thiên nhiên, nhưng là “một cách chừng mực”. 
- Phải chăng đứng trước sự kiệt quệ nhiên liệu hiện nay cũng như để tránh sự ô nhiễm môi trường, chúng ta phải từ bỏ các tiện nghi của kỹ thuật (chẳng hạn: xe hơi, đèn điện) để trở về với nếp sống đạm bạc thời xưa? Đã có người nghĩ như vậy, nhưng có lẽ chỉ là một thứ hobby của những người giàu, muốn về thôn quê nghỉ ngơi sau một tuần lễ căng thẳng ở các văn phòng; đa số dân nghèo vẫn “trông lên” mong được hưởng những tiện nghi kỹ thuật để cho cuộc sống đỡ vất vả. Làm thế nào dung hòa giữa nhu cầu phát triển với nếp sống tham đạm giản dị “như thời xưa”? 
- Một vấn nạn khác nữa liên quan đến sự “phát triển”. Trong chương trước, chúng ta đã được nghe nói đến nguyên tắc “phát triển toàn diện”: phát triển dành cho tất cả mọi người và phát triển toàn diện con người (số 373). Nguyên tắc này được lặp lại ở chương này (số 483). Thế nhưng, trên thực tế, người ta thường chỉ hiểu về sự phát triển kinh tế (tài sản vật chất). Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, sự sản xuất đòi hỏi sự tiêu thụ: cần phải khuyến khích tiêu thụ thì bộ máy sản xuất mới có thể tiếp tục hoạt động. Hệ quả đưa đến não trạng tiêu thụ (consumerism) với những hệ luận luân lý không nhỏ, tựa như: chạy theo thời trang, ưa thích chiếm hữu và phô trương hào nhoáng (to have) hơn là chú trọng đến thực chất (to be)[3]. Phải chăng chúng ta cần phải lật ngược tình thế: cần cổ võ nếp sống thanh đạm, cần kiệm? Nhưng nói như vậy chẳng phải là tuyên bố đóng cửa các công ty sản xuất sao? 

Những vấn nạn này cho ta thấy rằng cần phải giữ sự quân bình, tránh những chủ trương cực đoan, thái quá hoặc bất cập. 

B. Những lần can thiệp của GHXH 

Vấn đề môi trường không được đề cập trong một văn kiện riêng rẽ, nhưng được bàn trong những văn kiện chung của giáo huấn xã hội, chẳng hạn như: 

1/ Trong các thông điệp GHXH 

ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (1967), số 22-24; 69. 

- Tông thư Octogesima adveniens (1971), số 21. 
ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (1988), số 25-26; 39. 
- Thông điệp Centesimus annus (1991), số 37-38. 
- Tông thư Ecclesia in America (1999), số 25. 

ĐGH Bênêdictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (2009), số 48; 50.51.61. 

2/ Bên cạnh đó, còn có những lần lên tiếng tuy không trang trọng như các thông điệp, nhưng cũng đáng chú ý. 

a) Sứ điệp ngày hòa bình thế giới 

- “Hòa bình với Đấng Tạo hóa, hòa bình với mọi loài thọ tạo” (năm 1990) 
- “Nếu muốn vun trồng hòa bình, hãy giữ gìn trái đất” (năm 2009) 

b) Phát biểu của Tòa thánh tại các Hội nghị quốc tế về môi trường 

- Diễn văn của ĐTC Gioan Phaolô II tại Trung tâm LHQ về môi trường, Nairobi (18/8/1985). 
- Diễn văn của ĐTC Gioan Phaolô II cho Hàn lâm viện Khoa học của Tòa thánh (12/3/1999) 
- Pontifical Council for Justice and Peace, From Stockholm to Johannesburg. An Historical Overview of the Concern of the Holy See for the Environment 1972-2002, (Vatican City 2002). 

c) Văn kiện Tòa thánh về một vài đề tài liên quan đến môi trường 

Pontifical Council for Justice and Peace, Water, an Essential Element for Life. A Contribution of the Delegation of the Holy See on the occasion of the 3rd World Water Forum, (Kyoto March 22, 2003) 

Sau cùng, cũng nên thêm sách GLCG số 299-301; 307; 339-341; 344: 2415-2418 




[1] Ecologie, ghép bởi hai danh từ gốc Hy-lạp: oikos (cái nhà, cũng tựa như oikonomia) và logos (lý luận). Danh từ ecologia xuất hiện lần đầu tiên năm 1866 trong tác phẩm Morphologie generale des organismes của Ernst Haeckel (1834-1919), được hiểu như là “môn học về tương quan giữa thế giới bên ngoài và các sinh vật”. Nhưng vào hậu bán thế kỷ XX, danh từ này được hiểu về việc bảo vệ thiên nhiên như môi trường trong tiến trình phát triển kinh tế. 
[2] L. White, The Roots of Our Ecological Crisis, “Science” 155 (1967), pp. 1203 -1207). 
[3] TLHT số 334; 360 và lặp lại trong chương này ở số 462.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét