1/ Những vấn đề này bắt nguồn từ chỗ con người ít quan tâm đến những đòi hỏi của luân lý, là điều cần hướng dẫn tất cả mọi hoạt động của mình. Thêm vào đó, con người có tham vọng muốn thống trị vạn vật một cách vô điều kiện (số 461).
Khuynh hướng muốn khai thác bừa bãi các tài nguyên thiên nhiên là kết quả của một tiến trình lịch sử và văn hóa lâu đời. Ngày nay khuynh hướng này dẫn đến chỗ đe dọa môi trường: môi trường bị khai thác như “nguyên liệu” không còn là “căn nhà”[1] sinh sống cho con người nữa. Đôi khi xem ra sự quân bình giữa con người và môi trường đã đạt đến biên cương căng thẳng.
2/ Não trạng vừa nói bị chi phối bởi ý thức hệ duy-khoa-học và duy kỹ thuật[2] (số 462).
- Con người coi thiên nhiên như là một công cụ mà mình có thể vận dụng kỹ thuật để điều khiển tùy ý. Khối năng lượng và nhiên liệu thì vô hạn, cho nên cần phải tận dụng. Có thể khôi phục khối năng lượng và nhiên liệu trong một thời hạn ngắn. Có thể dễ dàng giảm bớt các hiệu quả tiêu cực của sự vận dụng thiên nhiên.
- Đó là một quan điểm hạn hẹp, cắt đứt những mối tương quan với chiều kích siêu việt: người ta xem thế giới như là một bộ máy; sự phát triển nhằm đến tiêu thụ. Nói cách khác, đó là não trạng thiên về “chiếm hữu”, thay vì “phẩm chất”[3].
- Khoa học và kỹ thuật tự nó không phải là nguyên nhân của sự tục hóa cực đoan, chối bỏ chiều kích thiêng liêng. Khoa học mang lại nhiều kết quả tích cực: nó đặt ra những câu hỏi tìm về ý nghĩa; nó gây ra ý thức cần phải tôn trọng chiều kích siêu việt, tôn trọng nhân vị, cũng như tôn trọng chính thiên nhiên.
3/ Một quan điểm đúng đắn về môi trường, một đàng không cho phép khai thác nó cách bừa bãi, nhưng đàng khác cũng không tôn thiên nhiên lên làm thần linh (số 463).
Đối lại khuynh hướng coi môi trường như là dụng cụ khai thác, là khuynh hướng gán cho môi trường một vai trò tuyệt đối. Đây là chủ trương của những phong trào môi sinh “sùng bái thiên nhiên” hay trái đất, đòi hỏi phải được đối xử ngang hàng và thậm chí còn hơn phẩm giá con người.
Huấn quyền chống lại chủ trương của những phong trào muốn xóa bỏ sự khác biệt về bản tính và giá trị giữa con người với các sinh vật khác. Không thể nào nhìn nhận “phẩm giá” tương đương giữa con người với các sinh vật, đến độ xóa bỏ trách nhiệm lớn hơn về phía con người.
4/ Vì khước từ tương quan với Đấng Tạo hóa, con người muốn xây dựng một thế giới tự trị. Sự xa cách Thiên Chúa cũng làm cho con người xa cách thiên nhiên; con người coi như kẻ xa lạ với khung cảnh môi trường (số 464).
Quan điểm công giáo cho rằng mối tương quan của con người với Thiên Chúa ấn định mối tương quan của con người với đồng loại và với môi trường. Theo văn hóa Kitô giáo, các thụ tạo là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Con người cần biết vun trồng và bảo vệ những quà tặng ấy với lòng tri ân Tạo hóa (xc. linh đạo Biển-đức và Phan-sinh), tạo ra một thứ “họ hàng” giữa con người với vạn vật.
Cần nêu bật mối liên hệ giữa “sinh thái môi trường” (écologie environnementale) và “sinh thái nhân bản” (écologie humaine), như đã nói trong thông điệp Centesimus annus số 38.
5/ Con người có trách nhiệm phải dành một môi trường toàn vẹn và lành mạnh cho tất cả mọi người (số 465)
- Cần phải dung hợp các tài năng khoa học với chiều kích luân lý.
- Loại trừ những yếu tố gây ô nhiễm
- Bảo đảm những điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho hết mọi người.
- Kỹ thuật gây ra ô nhiễm thì cũng có thể giảm bớt ô nhiễm
- Sự sản xuất tích lũy cũng có thể được phân chia quân bình
- Nguyên tắc chỉ đạo là: tôn trọng đời sống và phẩm giá con người; những quyền lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai.
[1] “Căn nhà”. Nguyên gốc Hy-lạp của ecologie. “Eco” bởi oikos, có nghĩa là nhà. Từ tương đương gốc La-tinh là habitat.
[2] Ý thức hệ duy khoa học và duy kỹ thuật: idéologie scientiste et technocratique.
[3] Sự đối chọi giữa “to have” (avoir) và “to be” (être).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét