Trang

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Chương I

Ơn Gọi Làm Tông Ðồ Giáo Dân

2. Giáo dân tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội. Giáo Hội được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi 1, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự được qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Giáo Hội thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau. Thật ra ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, 2* không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức Giáo Hội, toàn thân tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (x. Eph 4,16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là vô dụng đối với Giáo Hội cũng như với chính mình.

Trong Giáo Hội có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân. Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian 2. Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.

3. Nền tảng của việc tông đồ giáo dân. Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Ðầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (x. 1P 2,2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu. Ðàng khác, đức ái như là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể 3.

Việc tông đồ được thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái 3*, là những nhân đức mà Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn mọi phần tử của Giáo Hội. Lại nữa, nhờ giới răn tình yêu, giới răn cao thượng nhất của Chúa, mọi tín hữu được thúc đẩy để tìm vinh danh Thiên Chúa bằng cách làm cho nước Ngài trị đến và mưu tìm sự sống đời đời cho mọi người để họ nhận biết một Thiên Chúa chân thật và Ðấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô (x. Gio 17,3).

Vì vậy hết mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa.

Ðể thể hiện việc tông đồ này, Chúa Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua tác vụ và các bí tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (x. 1Cor 12,7), "phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài" (1Cor 12,11) để "mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau" và chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa" (1P 4,10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x. Eph 4,16). Do sự đón nhận những đoàn sủng này dẫu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo Hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo Hội trong tự do của Chúa Thánh Thần, Ðấng "muốn thổi đâu thì thổi" (Gio 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô, nhất là với các bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào tốt thì giữ lấy (x. 1Th 5,12; 19,21) 4.

4. Ðường lối tu đức của người giáo dân hướng đến việc tông đồ. Vì Chúa Kitô, Ðấng được Chúa Cha sai đến, là nguồn mạch nguyên ủy của mọi việc tông đồ trong Giáo Hội, nên hiển nhiên là kết quả phong phú của việc tông đồ giáo dân tùy thuộc ở sự kết hiệp sống động của chính họ với Chúa Kitô, Ðấng phán rằng: "Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy mới sinh được nhiều hoa trái vì ngoài Thầy ra các con chẳng làm gì được" (Gio 15,5). Ðời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng việc tham dự tích cực vào Phụng Vụ 5. Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn chính khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa. Bằng phương thức này, những người giáo dân phải hăng hái và vui vẻ tiến bước trên đường thánh thiện, với sự khôn ngoan và nhẫn nại, họ cố gắng thắng vượt những khó khăn 6. Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời Thánh Tông Ðồ: "Hết thảy công việc anh em làm trong lời nói hay việc làm, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thực hành, nhờ Người để cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa" (Col 3,17).

Ðời sống như thế đòi hỏi việc thực hành liên tục đức tin, đức cậy và đức ái 4*.

Chỉ nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm lời Chúa mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi nơi và mọi lúc, vì trong Ngài "ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu" (CvTđ 17,28). Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù là kẻ thân hay người lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con người.

Những người có đức tin này, trong khi tưởng niệm Thánh Giá và sự Phục Sinh Chúa, họ sống trong niềm hy vọng mạc khải của con cái Thiên Chúa.

Trong lúc đời sống lữ hành này, họ được giấu ẩn trong Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô và được giải thoát khỏi nô lệ của cải trần thế, đang khi họ tìm kiếm của cải tồn tại vĩnh viễn, với lòng quảng đại họ sẽ hoàn toàn hiến mình để mở rộng nước Thiên Chúa và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập và cải tạo lãnh vực thực tại trần thế. Giữa những cơn thử thánh đời này họ tìm thấy sức mạnh trong niềm hy vọng vì họ nghĩ rằng: "Những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu so với vinh quang sắp tới sẽ được giải bày cho chúng ta" (Rm 8,18).

Lòng yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa thúc đẩy họ làm việc thiện cho hết mọi người, nhất là cho những người có cùng một niềm tin (x. Gal 6,10), từ bỏ "mọi gian ác, mọi lường gạt, giả trá, lòng ghen ghét và mọi lời nói hành" (1P 2,1) và như vậy họ lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô. Hơn nữa tình yêu của Chúa "giải khắp lòng ta do Chúa Thánh Thần đã ban cho ta" (Rm 5,5) làm cho giáo dân có sức biểu lộ thực sự trong đời sống mình tinh thần các mối Phúc Thật. Theo Chúa Giêsu khó nghèo, họ không tuyệt vọng khi thiếu thốn, cũng không kiêu căng khi dư dật. Bắt chước Chúa Kitô khiêm hạ, họ không háo danh (x. Gal 5,26) nhưng chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta. Họ luôn sẵn sàng bỏ mọi sự vì Chúa Kitô (x. Lc 14,26), và chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10) vì nhớ lời Chúa: "Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta" (Mt 16,24). Sống với nhau trong tình thân hữu của Chúa Kitô, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Nguyên lý đời sống thiêng liêng của mỗi người giáo dân phải mang sắc thái đặc biệt tùy theo bậc sống: đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, đời sống độc thân hay góa bụa, trong tình trạng đau yếu, tùy sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội. Vậy mỗi người phải phát triển không ngừng những đức tính và tài năng ban cho mình, thích ứng với hoàn cảnh của mỗi đời sống, và biết lợi dụng những ơn huệ Chúa Thánh Thần ban riêng.

Ngoài ra, giáo dân theo ơn gọi của mình, gia nhập vào một trong những hiệp hội hay tu hội được Giáo Hội nhìn nhận, họ cũng cố gắng trung thành thể hiện những đặc tính của đời sống thiêng liêng đó.

Họ cũng nên kính trọng nghề nghiệp chuyên môn, ý nghĩa gia đình và ý nghĩa công dân cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội, chẳng hạn sự liêm khiết, tinh thần công bình, lòng thành thực, lòng nhân hậu, lòng quả cảm; không có những đức tính đó, không thể có đời sống Kitô hữu đích thực.

Gương mẫu hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ ấy chính là Ðức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, Nữ Vương các Tông Ðồ: khi sống ở trần gian. người đã sống cuộc đời như mọi người, vất vả lo lắng cho gia đình, nhưng luôn luôn kết hợp mật thiết với Con mình và đã cộng tác vào công việc của Ðấng Cứu Thế một cách riêng biệt; còn bây giờ, sau khi đã được đưa lên trời, "với tình yêu thương của người mẹ, Người săn sóc những đứa em của Con Mẹ, đang trên đường lữ hành, gặp nhiều nguy hiểm và thử thách, Người lo lắng cho tới khi họ về tới quê hương hạnh phúc" 7. Mọi người hãy hết lòng tôn sùng Mẹ và phó thác đời sống và cả việc tông đồ của mình cho Mẹ coi sóc.

---------

Chú Thích:

1 Xem Piô XI, Tđ Rerum Ecclesiae: AAS (1926), trg 65. 
2* Là nhiệm thể của Chúa Kitô, Ðấng vừa là Linh Mục, vừa là Vua, vừa là ngôn Sứ. Giáo Hội trở thành một cộng đồng tư tế, vương giả và ngôn sứ. Trong đó, có chức linh mục cộng đồng và chức linh mục thừa tác. Chức linh mục thừa tác được dành riêng cho hàng giáo phẩm và cho các ngài quyền tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô trong chức thánh.
Gọi là chức linh mục cộng đồng vì tất cả các tín hữu (giáo dân hay giáo sĩ thuộc hàng giáo phẩm) đều được tham dự vào nhờ phép Rửa Tội. Sự tham dự này cho mọi tín hữu khả năng tự mình dâng lên Chúa lễ tế Thánh Thể, nhờ tay linh mục thừa tác cũng như họ có thể kết hợp với lễ vật hy sinh là Chúa Kitô trong khi rước lễ, và như vậy được dâng chính mình lên như lễ thiêng liêng cho Thiên Chúa. Các tín hữu cũng tham dự quyền vương giả của Chúa Kitô nhờ phép Rửa Tội và Thêm Sức. Quyền vương giả cho họ sức mạnh tinh thần để chế ngự bản tính riêng của họ, bắt nó tùng phục quyền bính Thiên Chúa để chinh phục mọi người cho Nước Trời và chiếu sáng tinh thần Phúc Âm trong lãnh vực trần thế.
Sau cùng, các tín hữu cũng tham dự quyền ngôn sứ. Mọi tín hữu có quyền làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời nói và bằng chính đời sống Kitô hữu. 

2 Xem CÐ Vat. II. Hiến Chế tín lý về Giáo Hội số 31: AAS 57 (1965), trg 37. 
3 Xem n.v.t. số 33, trg 39; x. thêm số 10, trg 14. 
3* Ðối với giáo dân, việc tông đồ là bổn phận thiết thực phát sinh do đòi hỏi ơn gọi Kitô hữu. Bổn phận tông đồ này không tùy thuộc những hoàn cảnh như thiếu linh mục hay tình trạng xã hội đang mất đạo, mặc dầu những hoàn cảnh đó có thể khiến cho hoạt động tông đồ giáo dân khẩn thiết hơn.
Ơn gọi làm tông đồ phát sinh từ bí tích Rửa Tội và Thêm Sức; và do đức ái mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trong tâm hồn, các tín hữu được thúc đẩy giúp mọi người tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa.
Ðể thực thi việc tông đồ này, người tín hữu dựa vào ân sủng của các bí tích mà họ đã lãnh nhận cũng như vào các đoàn sủng ban cho mỗi người, vì mưu ích cho toàn thể Giáo Hội. Các đoàn sủng có thể là khác thường như ơn nói tiếng lạ hay ơn nói tiên tri, hoặc thông thường như sự trực giác các chân lý của Chúa hay tài năng khôn ngoan để hướng dẫn các linh hồn. 

4 Xem n.v.t. số 12, trg 16. 
5 Xem CÐ Vat. Vat. II Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh ch I số 11: AAS 56 (1964) trg 102-103. 
6 Xem CÐ Vat. II Hiến Chế tín lý về Giáo Hội số 32: AAS 57 (1965) trg 38: x. thêm số 40-41, trg 45-47. 
4* Ở đây, Sắc Lệnh đã đưa ra những nguyên tắc để huấn luyện đời sống tinh thần và cá nhân của các giáo dân làm việc tông đồ:
- Hiệp nhất với Chúa Kitô, nguồn mạch và nguyên nhân việc tông đồ của Giáo Hội; thánh hóa đời sống gia đình: thánh hóa những lo âu trần thế hay phàm tục. Mọi sự đều có giá trị riêng của nó và đời sống đạo đức của giáo dân đời họ không được khinh chê những thứ đó.
- Suy gẫm lời Chúa và bác ái với tha nhân là những nhân đức sẽ đem lại kết quả phong phú cho việc tông đồ giáo dân.
- Ngoài những nhân đức chung nói trên, phải thêm nhưng nhân đức riêng biệt do hoàn cảnh sống của mỗi người: đời sống vợ chồng gia đình, độc thân hay góa bụa, tình trạng ốm đau... 

7 Xem n.v.t. số 62, trg 63; x. thêm số 65, trg 64-65. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét