Trang

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

110 câu hỏi đáp về giáo huấn xã hội Công giáo


Học Hỏi về Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo

Lời Giới Thiệu
Khi loay hoay tìm câu trả lời trước những vấn nạn trong xã hội, người Kitô hữu thường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong các lĩnh vực về tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, bác ái, công bằng…im lặng hay lên tiếng trước những cảnh bất công? Thái độ im lặng nào là phù hợp và thái độ lên tiếng như thế nào cho đúng đắn? Giữa sự thực thi bác ái và thực thi công bình thì việc nào quan trọng hơn? …
Dựa vào tài liệu: “The Social Agenda a Collection of Magisterial Texts” với lời giới thiệu của chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Huynhquảng lược dịch và trình bày tài liệu này dưới dạng hỏi thưa, ngắn ngọn, dễ hiểu với hy vọng duy nhất là giới thiệu cho quí vị một cái nhìn tổng quát nhưng thực tế nhằm cho những ai đang thao thức cho việc xây dựng xã hội, giáo hội trong tinh thần trách nhiệm. Nói tóm lại, tài liệu này không dành cho các nhà nghiên cứu, tra khảo chuyên môn, nhưng nó trả lời cho những ai đang thao thức sống đúng giá trị Tin Mừng giữa lòng xã hội, đồng thời cũng nhắc nhở cho họ thấy bổn phận và quyền làm người của chính họ.
I. Giáo Hội là Thầy và là Mẹ (số 1-38)*
1. Học thuyết về xã hội của Giáo hội Công Giáo là gì?
Học thuyết Xã hội Công giáo là quan điểm của nền thần học đạo đức áp dụng vào các vấn đề xã hội mà Giáo hội đã dựa vào Truyền Thống và Kinh Thánh để lên tiếng về những vấn đề cấp thiết đang diễn ra trong xã hội, nhằm hướng dẫn nhân loại đi đúng con đường về nhà Cha chung. Thông điệp Rerum Novarum của ĐGH Leo XIII vào năm 1891 như là cột móc khởi điểm cho học thuyết này.
2. HTXHCG ra đời trong hoàn cảnh nào?
Học Thuyết Xã Hội Công Giáo ra đời vào thế kỷ 19. Khi con người phải đương đầu với những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội như: nền công nghiệp phát triển, những ý thức hệ mới về hưởng thụ, tự do, chính quyền, nhà nước và nhiều hình thái lao động mới cũng xuất hiện, trong hoàn cảnh ấy, Giáo hội trình bày Học Thuyết Xã Hội Công Giáo một cách chính thống và sống động cho mọi người.
3. Giáo hội có phải là Mẹ và là Thầy dạy của các dân tộc trên thế giới không?
Thưa phải. Giáo hội được Chúa Giêsu thiết lập với vai trò là Mẹ và Thầy của mọi dân tộc. Đấng thiết lập ủy thác trách nhiệm nuôi dưỡng và dạy dỗ không những cho con cái mình mà còn cho mọi dân tộc. Giáo hội phải thực thi công việc này với tất cả trách nhiệm và sự tôn trọng. (cf. Mater et Magistra, # 1 )
4. GH thực hiện công việc này đối với các dân tộc trên thế giới như thế nào?
Giáo hội thực hiện công việc này không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng gương mẫu và hành động trong lãnh vực từ thiện và xây dựng công bằng xã hội. Với trách nhiệm cai quản và bảo vệ Kho tàng Đức tin, Giáo hội lên tiếng để bảo vệ chân lý đức tin; đồng thời cũng lên tiếng để hướng dẫn mọi người nhận ra sự thật, những giá trị luân lý, những nền tảng nhân quyền, đặc biệt là ơn cứu độ.
5. Tại sao Giáo hội lại dùng HTXHCG để nhắc nhở các tín hữu?
Chúng ta tuyên xưng đức tin rằng: Nước Trời được bắt nguồn từ Giáo hội của Chúa Giêsu mà không phải từ thế giới này. Vì thế, HTXHCG nhắc nhở Kitô hữu không nên bị lầm lẫn trước những hình thái về sự phát triển văn minh, kỹ thuật, khoa học của con người. Dù sự phát triển này có vượt bậc và nhanh chóng đến đâu thì chúng cũng không có giá trị vĩnh hằng; và chúng cũng không bao giờ phản ảnh đủ mầu nhiệm vĩnh cửu sâu thẳm trong Đức Kitô. Của cải vật chất trong thế giới này chỉ có giá trị tạm thời và chỉ là phương tiện để con người hoàn thành ơn gọi của mình bằng việc cổ vũ cho hòa bình, công bình, giúp đỡ đồng loại cả vật chất lẫn tinh thần.
6. Giáo hội có phải là một thực thể tách rời không liên hệ đến xã hội không?
Thưa không, Giáo hội sống trong thế giới và là thành phần của thế giới nên Giáo hội có trách nhiệm liên đới với thế giới. Giáo hội chia sẻ mọi ưu tư, vui mừng và hy vọng với thế giới. Âu lo của thế giới cũng là âu lo của Gíao hội; vui mừng của thế giới cũng là vui mừng của Giáo hội.
7. HTXHCG có phải là “thuyết thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không?
HTXHCG không phải là “thuyết thứ ba” giữa Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Xã hội và cũng không phải là một ý thức hệ.  Nhưng HTXHCG, dựa vào Truyền thống và Đức tin, là kết quả từ những suy tư cẩn trọng về những vấn nạn của thế giới con người. Dưới ánh sáng Tin Mừng, HTXHCG minh giải những thực tại trong thế giới nhằm giúp con người cư xử với nhau theo giá trị vĩnh cửu. Vì thế, HTXHCG không phải là một ý thức hệ, nhưng là một nền thần học luân lý cho mọi người.
8. Rao giảng Tin Mừng có phải là nhiệm vụ bắt buộc của Giáo hội không?
Giáo hội lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng từ Chúa Giêsu. Đây là nhiệm vụ bắt buộc và là sứ mạng không thể thoái thác. Đến lượt chúng ta là Kitô hữu, chúng ta cũng được sai đi, vì thế chúng ta phải thực hiện sứ mạng này một cách nghiêm túc và trách nhiệm.
9. Rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới có bao hàm rao giảng về HTXHCG không?
ĐGH Joan Phaolô II trong thông điệp Centesimus Annus số 5 đã minh bạch: “Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới phải rao giảng những điểm quan trọng của Học thuyết Xã hội của Giáo hội…chúng ta cần phải lập lại rằng những vấn đề xã hội không thể giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được”. Vì thế, khi thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Giáo hội không ngần ngại rao giảng HTXHCG. Vì học thuyết này, không nhằm mục đích nào khác hơn là hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn nữa, học thuyết này như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế, Giáo hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo hội và áp dụng chân lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.
10. HTXHCG có vai trò như thế nào trong thế giới ngày nay?
HTXH như là một phương tiện hữu hiệu để Giáo hội thực hiện mục đích của mình: Rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc. Đứng trước những vấn nạn của xã hội hôm nay, Giáo hội càng ý thức hơn và rao truyền rộng rãi hơn những giáo huấn của mình. Giáo hội giới thiệu với thế giới những nguyên tắc căn bản cho việc nhận định, quyết định và hướng dẫn hành động trong xã hội. Điều này góp phần rất lớn trong việc nhận thức vấn đề đúng đắn và tìm giải pháp phù hợp cho những vấn nạn nảy sinh trong xã hội.
A. Phẩm Giá, Sự Tự Do và Tính Xã Hội ( số 39 – 65)
11. HTXHCG đề cập đến phẩm giá con người như thế nào?
Phẩm giá con người được biểu lộ trong nguồn gốc và cùng đích của chính mình. Vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu độ bằng Máu thánh của Đức Kitô, nên con người được trở thành con Thiên Chúa, là đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, và được chia sẻ đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Vì lý do này, bất cứ sự xúc phạm nào đến phẩm giá con người đều là sự xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người.
12. Giáo hội bảo vệ phẩm giá con người như thế nào?
Giáo hội kiên quyết bảo vệ phẩm giá con người dưới mọi hình thức. Nhất là đối với những luồng tư tưởng coi thường phẩm giá con người, và cả những luồng tư tưởng thần tượng hóa con người. Vì không có luật nào của loài người, dù khôn khéo và bảo đảm đến đâu, cũng không thể sánh được với luật Tin Mừng của Đức Kitô mà Giáo hội được ủy thác. Tôn trọng phẩm giá con người là chu toàn luật Tin Mừng của Đức Kitô.
13. Chúng ta có trách nhiệm liên đới trong việc bảo vệ phẩm giá con người không?
Thưa có. Phẩm giá con người mang một giá trị siêu việt. Vì đươc tạo dựng bởi Thiên Chúa, nên tự bản chất con người luôn hướng về Đấng đã tạo nên mình và đồng thời họ cũng không ngừng hướng đến đồng loại mang cùng phẩm giá như mình. Vì thế, kiến tạo hạnh phúc cho mỗi cá nhân là thúc đẩy điều thiện hảo cho cộng đồng nhân loại, mà mỗi cá nhân là thành phần trong cộng đồng ấy. Vậy, trách nhiệm liên đới là quyền và bổn phận cần được thúc đẩy và tôn trọng.
14. HTXHCG đề cập đến sự tự do của con người như thế nào?
Khi đề cập đến vấn đề luân lý, chúng ta không thể không đề cập đến sự tự do. Vốn mang hình ảnh của Thiên Chúa trong phẩm giá siêu việt của mình, nên sự tự do của con người, tự trong bản chất là hướng về Thiên Chúa. Vì thế, sự tự do không thể tách rời khỏi con người được. Không có một quyền lực cá nhân hay tổ chức nào có thể kiềm chế hay tước đoạt sự tự do của con người. “Con người tự do là bởi vì họ sở hữu khả năng tự quyết những gì liên quan đến sự thật và thiện hảo.” (World Day of Peace Message, 1981, #5)
15. “Tôi muốn là gì thì làm.” có phải là tự do không?
Thưa không. Vì tự do không chỉ là quyền đòi hỏi của mỗi cá nhân, nhưng nó còn là bổn phận đối với người khác. Tôi dùng tự do để phục vụ cho cá nhân và cộng đoàn của tôi, nhưng tôi cũng phải biết tôn trọng quyền tự do của những cá nhân và cộng đoàn khác. Điểm này như đặt giới hạn cho sự tự do, nhưng thật ra nó thật logic và phù hợp với giá trị của sự tự do: vì tất cả chúng ta đều mang tính xã hội. Trong Homily in Baltimore, 1995, ĐGH John Paul II nhấn mạnh: “Mọi người cần phải nhớ rằng: tự do không có nghĩa là chúng ta làm những gì chúng ta thích, nhưng là có quyền để làm những gì chúng ta phải làm”.
Mặt khác, vì quá mãi mê những tạo vật thế gian, có những người đã trở nên mù quáng. Họ đã lạm dụng sự tự do của chính mình, nên họ trở thành một ngục tù giam cầm chính họ. Họ phá vỡ tình huynh đệ và trở nên đối nghịch với sự thật.
16. Thế nào là tự do đích thực?
Chúa Giêsu đã phán: “Sự thật sẽ giải thoát các con” (Jn 8: 32). Như vậy, điều kiện tiên quyết để có sự tự do đích thực là con người phải gắn liền với sự thật. Vì chỉ trong sự thật thì sự tự do mới được viên mãn. Đồng thời, để có thể tiếp cận được sự thật, con người cần phải tránh mọi kiểu tự do hão huyền, giả tạo. Vì những kiểu tự do giả tạo này sẽ không dẫn ta vào sự thật về con người và về thế giới. (cf. Redemptor Hominis, # 12)
17. Không có tự do đích thực thì phẩm giá của con người có được tôn trọng không?
Thưa không. Trong thế giới ngày nay, con người dễ dàng lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tự do phóng túng. Nhân danh sự tự do, có nhiều người hành động một cách không có ý thức về luân lý, tức là coi thường phẩm giá con người. Vậy khi chúng ta không có tự do đích thực, nghĩa là chúng ta không sống trong sự thật, thì phẩm giá con người cũng không được tôn trọng.
18. Con người có mang tính xã hội không?
Thiên Chúa là Cha, theo ý định yêu thương của Người,  đã tạo dựng loài người trong một gia đình nhân loại, vì thế con người nên cư xử với nhau theo tình anh em. Tính xã hội nơi con người được minh chứng cụ thể rằng: sự phát triển của mỗi cá nhân gắn liền với sự phát triển của xã hội; điều này luôn luôn hổ tương cho nhau. Thực tế cho thấy, mục đích ban đầu của các thể chế xã hội là nhằm phục vụ con người, và đây cũng là bản chất của xã hội loài người. Chính vì thế, xã hội tính nơi con người không phải là một đặc tính được thêm vào cho con người, nhưng là xuyên qua quá trình làm việc, trao đổi, đối thoại con người phát triển mọi khả năng của mình để cùng giúp nhau đi tới vận mệnh chung của mình.
19. Nguyên nhân nào làm cho con người đánh mất tính xã hội để rơi vào chủ nghĩa cá nhân?
Ngày nay, nhiều cá nhân thường bị bóp nghẹt giữa hai cực: Nhà nước và thị trường. Sự hiện hữu của mỗi cá nhân như là những công cụ để sản xuất và tiêu thụ, hoặc như là đối tượng cho việc quản lý của nhà nước. Vì thế, nhiều người dễ dàng đánh mất sự thật rằng: mục đích đời sống xã hội không phải là nhà nước hay thị trường, nhưng tự bản chất, đời sống xã hội mang một giá trị độc đáo mà nhà nước và thị trường phải phục vụ cho giá trị ấy. Chính sự lầm lẫn nghiêm trọng này, con người mất khả năng nhận thức về sự liên đới trong cộng đồng nhân loại, dẫn đến hậu quả là đề cao chủ nghĩa cá nhân thay vì xã hội tính nơi mỗi người.
20. HTXH đề cập đến trách nhiệm xây dựng xã hội của mỗi cá nhân như thế nào?
Mỗi một cá nhân là thành viên của gia đình nhân lọai. Tất cả mọi người đều được mời gọi đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Tất cả các nền văn mimh được sinh ra, phát triển và chết đi, nhưng loài người luôn phát triển theo dòng lịch sử. Mỗi chúng ta đều được thừa hưởng những di sản của tổ tiên và tiếp tục được hưởng những thành quả của xã hội đương đại. Ví lý do này, mỗi người phải có bổn phận xây dựng xã hội không phải chỉ vì cho chúng ta hôm nay, mà còn phải có trách nhiệm để lại những giá trị quí báu cho thế hệ mai sau.
21. Nhân quyền là gì
Nhân quyền là những quyền căn bản mà mọi người đều có. Đó là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và những phương tiện cần thiết để phát triển đời sống của họ như: lương thực, nhà ở, nghỉ ngơi, y tế và những dịch vụ xã hội tối thiểu khác. Vì thế, khi con người mất khả năng làm việc do bệnh tật, già yếu, thất nghiệp hay vì bất cứ nguyên nhân nào mà dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến sự tồn tại của họ, thì họ cũng có quyền được bảo vệ. Những quyền cơ bản nêu trên có giá trị cho mọi người và mang tính bắt buộc, không thể bị xâm phạm.
22. Nguyên tắc cơ bản nào được áp dụng trong HTXHCG để bảo vệ nhân quyền?
Về mặt pháp lý, dựa theo quy tắc đức công bằng. Nhân quyền được bảo đảm đầy đủ và không thiên vị. Theo trật tự công bằng do bởi ý Thiên Chúa, những giá trị nhân quyền nơi mỗi người mang tính vĩnh viễn. Họ có đầy đủ quyền để đòi hỏi nhân quyền của họ, nên không có một cơ chế độc tài nào có thể tước đoạt nhân quyền được. (cf. Pius XII, Christmas Eve Radio Message, 1942).
Về mặt luân lý, nhân quyền cần được bảo vệ vì nhân quyền được xuất phát từ phẩm giá của con người. Mọi nhà cầm quyền điều phải thừa nhận tính hợp pháp luân lý này. Nếu bất cứ nhà cầm quyền nào miệt thị, từ chối điều này, thì nền luân lý của xã hội ấy cũng sẽ bị suy yếu, xói mòn; và chính quyền chỉ có thể dùng vũ lực để buộc người dân tuân theo ý họ. (cf. GLCG #1930)
23. Thực thi nhân quyền có giúp con người hướng đến Thiên Chúa không?
Thưa có. Khi mối quan hệ trong xã hội con người được biểu hiện bằng quyền và bổn phận thì con người ngày càng ý thức hơn về những giá trị tinh thần, ý nghĩa của công bằng, bác ái, tự do và họ cũng hiểu sâu hơn rằng họ đang sống trong thế giới có giá trị. Khi nhận ra điều đó, họ đang được dẫn vào khả năng nhận biết một Thiên Chúa gần gũi và siêu việt. Vì thế, đời họ sẽ được gắn chặt với Thiên Chúa là nền tảng và tiêu chuẩn tuyệt đối cho cả đời sống tâm linh và xã hội của họ. (cf. Pacem in Terris #45)
24. Mỗi cá nhân có bổn phận tôn trọng nhân quyền không?
Mỗi cá nhân khi ý thức về quyền của chính mình như thế nào thì họ cũng cần phải ý thức về bổn phận của chính họ như vậy. Mỗi một người, dù có khác biệt về diện mạo, vị trí xã hội, tư chất thông minh và cả nhận thức luân lý, nhưng tất cả đều có chung một nguồn gốc và cứu cánh là Thiên Chúa. Vì thế, tất cả các hình thức kỳ thị về văn hóa, xã hội, chủng tộc, giới tính, màu da, vị trí xã hội, ngôn ngữ và tôn giáo là đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa.
25. Nhà nước có bổn phận tôn trọng các tổ chức xã hội không?
Tất cả mọi tổ chức con người, cả nhà nước và cá nhân, đều phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ nhân quyền. Một mặt, các tổ chức cá nhân thực thi quyền tự nhiên của họ khi thành lập các tổ chức xã hội. Mặt khác, một trong các bổn phận chính yếu của nhà nước là phải bảo vệ quyền tự nhiên của con người, trong đó có quyền lập hội. Như vậy, nếu nhà nước ngăn cấm công dân  mình tham gia vào các tổ chức xã hội, thì điều đó trái với bản chất của nhà nước. Vì thực ra, cả nhà nước và các tổ chức xã hội đều được sinh ra từ một nguyên tắc căn bản là: con người, theo bản chất tự nhiên, họ liên kết với nhau. (cf. Rerum Novarum, # 51).
26. Rao giảng Tin Mừng có bao gồm việc rao giảng về nhân quyền không?
Thưa có. Những quyền căn bản của con người nhất thiết phải được gắn chặt với sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Giữa những quyền căn bản ấy, quyền tự do tôn giáo chiếm một vị trí hết sức quan trọng (cf. Evangelii Nuntiandi, # 39).
27. Giáo hội nói gì về quyền tự do tôn giáo?
Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo số 2 của Công Đồng Vatican II trình bày: “Thánh Công Ðồng Vaticanô này tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người, một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp nhận là một quyền lợi dân sự.” (Dignitatis Humanae, # 2).
28. Vi phạm tự do tôn giáo có phải là sự xúc phạm đến phẩm giá con người không?
Trong số 1 của Thông điệp Hòa bình cho Thế giới năm 1991, ĐGH Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Không một quyền lực trần thế nào có quyền xen vào vấn đề lương tâm của con người”. Như vậy, tước đoạt quyền tự do tôn giáo của cá nhân và cộng đoàn không chỉ là một kinh nghiệm đau thương, nhưng trên hết nó chà đạp phẩm giá của con người. Không nghi ngờ gì nữa, trong trường hợp này, chúng ta đang phải đương đầu với một cảnh bất công tận gốc rễ mà nó liên quan đến nội tâm con người. (cf. Redemptor Hominis, # 17)
29. Chúng ta có trách nhiệm đòi hỏi và bảo vệ quyền tự do tôn giáo mà Thiên Chúa ban cho chúng ta không?
Thưa có. Số 1 của Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo của CĐ Vatican II xác quyết: “Sự đòi hỏi quyền tự do này trong xã hội nhân loại trước hết nhằm tới những sản nghiệp tinh thần con người và nhất là quyền tự do hành đạo trong xã hội… Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng những bổn phận này liên quan đến lương tâm con người cũng như ràng buộc lương tâm con người, và chân lý tự nó có sức mạnh ép buộc chứ không dựa trên một uy quyền nào khác, sức mạnh ấy ăn sâu vào các tâm hồn một cách vừa êm dịu vừa mãnh liệt. Hơn nữa, vì tự do tôn giáo, sự tự do mà con người đòi hỏi trong khi thi hành nhiệm vụ phụng thờ Thiên Chúa, có nghĩa là không bị một áp bức nào trong xã hội dân sự ràng buộc, nên sự tự do đó bảo toàn được nguyên vẹn giáo lý truyền thông công giáo về bổn phận luân lý của con người cũng như của các đoàn thể đối với tôn giáo chân thật và Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô” (Dignitatis Humanae # 1).
30. Tôn trọng quyền tự do tôn giáo có khả năng kiến tạo hòa bình không?
Thưa có. Vì quyền tự do tôn giáo, một phần tất yếu của phẩm giá con người, là nền tảng cho mọi cấu trúc căn bản của nhân quyền và là nhân tố không thể thay thế trong đời sống cá nhân và xã hội, nên việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của mỗi cá nhân và cộng đoàn là một phần thiết yếu cho việc xây dựng hòa bình trong xã hội. Hơn nữa, hòa bình chân thật được cắm rễ từ sự tự do và sự mở rộng lương tâm đối với sự thật, nên hòa bình chỉ có thể được xây dựng và củng cố bằng sự hòa hợp giữa nhiều thành phần cộng đồng nhân loại với nhau. (cf. World Day of Peace Message, 1988, # 1)
Gia Đình (84 – 117)
31. Hôn nhân mang ý nghĩa như thế nào?
Theo kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình là nền tảng của cộng đồng nhân loại và là một tế bào thiết yếu của xã hội loài người. Vì thế hôn nhân mang hai ý nghĩa quan trọng như sau: Hôn nhân phục vụ lợi ích cho chính hai vợ chồng và  thực hiện việc sinh sản con cái. (cf. GS 50)
32. Hôn nhân mang lại những lợi ích gì cho đôi vợ chồng?
Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của CĐ Vatican  II  số 48 dạy rằng: “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng là một xương thịt” (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly… Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ; nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau; và bởi đấy, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.
33.  Việc sinh sản đóng vai trò như thế nào trong việc tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa ?
Khi một con người vừa mới chào đời, con người mới này không những mang trong mình hình ảnh của người cha và người mẹ mà còn mang hình ảnh của Thiên Chúa. Thực vậy, chính cha mẹ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản một con người mới. Ở đây, không chỉ đề cập đến vấn đề sinh học, nhưng chúng ta xác quyết rằng: Thiên Chúa hiện diện trong tình mẫu tử và phụ tử một cách khác thường hơn là Ngài hiện diện trong các tạo vật khác. Quả thực, chỉ Thiên Chúa là nguồn sống của con người, nên chỉ có con người mới mang hình ảnh và giống như Ngài. Vì thế, sinh sản là sự tiếp nối công trình tạo dựng của Đấng Tạo Hóa (cf. Gratossimam Sane 43).
34.  Gia đình được xem là một tế bào của xã hội như thế nào?
Từ ban đầu khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa đã thiết lập đời sống hôn nhân giữa người nam và người nữ, chính vì thế gia đình trở thành tế bào sống đầu tiên của xã hội. Mối giây liên kết giữa gia đình với xã hội mang tính hữu cơ và sống động. Vì thực ra, mỗi con người đều được sinh ra và giáo dưỡng từ gia đình. Chính từ nguyên tắc căn bản này mà xã hội được tồn tại và phát triển. (cf. Familiaris Consortio 42). Chính từ gia đình, con người lần đầu tiên được tiếp cận và nhận lãnh những giá trị chân, thiện, mỹ. Nhờ vậy, họ cũng nhận thức được ý nghĩa của những giá trị ấy trong đời sống xã hội.
35. Mỗi gia đình có phải là một “tin mừng” cho toàn thế giới không?
Ngay từ buổi bình minh của công cuộc cứu độ, việc hạ sinh Hài Nhi đã mang lại niềm vui cho toàn nhân loại: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavid. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lk 2: 10 -11). Niềm vui trọng đại này là việc hạ sinh Đấng Cứu Thế. Nhưng lễ Giáng sinh còn tỏ lộ cho ta thấy ý nghĩa trọn vẹn của mỗi cuộc hạ sinh con người. Vì cùng với niềm vui của việc giáng sinh Đấng Cứu Thế, tất cả mọi em bé chào đời trong thế giới này điều mang lại tin mừng cho mọi người (cf. Evangelium Vitae 1).
36. Gia đình có được xem như là “cung thánh của sự sống” không?
Gia đình đóng vai trò quan trọng cho mỗi thành viên từ lúc sinh ra và lìa đời nên gia đình thực sự được gọi là “cung thánh của sự sống”. Nơi mỗi gia đình, sự sống là quà tặng của Thiên Chúa được đón nhận và bảo vệ một cách cẩn trọng khỏi nhiều mối hiểm nguy tấn công; và cũng chính từ gia đình, sự sống được lớn lên và trở thành một con người trưởng thành. Khi đương đầu với nền văn hóa sự chết, gia đình thực sự là tâm điểm của nền văn hóa sự sống. (cf. Centesimus Annus 39). Chính vì thế, gia đình – hội thánh tại gia, được kêu gọi thực hiện việc rao truyền và phục vụ Tin Mừng Sự Sống. Đây là trách nhiệm hàng đầu của mỗi gia đình. Vì được gọi là người trao ban sự sống, cha mẹ càng ý thức ý nghĩa của việc sinh sản như là hành động độc nhất biểu lộ sự sống con người và là quà tặng mà họ được đón nhận để rồi họ cũng cho đi như một món quà. Cha mẹ nên hiểu rằng, nguồn gốc phát sinh sự sống mới như là hoa quả tình yêu giữa hai người với nhau. Hoa trái này là món quà dành cho cả hai, và cũng chính từ hai người mà món quà này được xuất hiện. (cf. John Paul II, Bài diễn văn tại Hội nghị các Giám mục Châu Âu lần thứ bảy 1989,  5).
37. Ai là người có trách nhiệm về “quyền sự sống”?
Sự sống con người là linh thiêng, bất khả xâm phạm. Vì sự sống con người được bắt nguồn từ chính hành động sáng tạo của Thiên Chúa và nó vẫn luôn duy trì mối liên kết đặc biệt với Đấng Tạo Dựng, Đấng làm chủ vận mệnh của nó. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa là chủ của sự sống từ ban đầu cho đến kết thúc. Không một con người nào, dù trong bất cứ hoàn cảnh trực tiếp hay gián tiếp, lại tự cho mình quyền để hủy diệt sự sống. Từ “Donum Vitae”- quà tặng sự sống là trung tâm mầu nhiệm mạc khải về tính bất khả xâm phạm và linh thiêng của sự sống con người. (cf.Evangelium Vitae 53). Chính vì điều đó, nếu “quyền sự sống” – quyền căn bản và nền tảng nhất cho mọi quyền con người – không được bảo vệ với một quyết tâm tối tối đa thì những việc đòi hỏi tôn trọng các quyền khác như y tế, nhà ở, việc làm, gia đình, văn hóa sẽ chỉ là giả dối và hảo huyền (Cf. Christifideles Laici 38).
38. HTXH đề cập đến vần đề phá thai và “cái chết êm dịu” như thế nào?
Trong mọi trường hợp, không một ai được phép giết người vô tội, dù họ mới chỉ là một phôi thai hoặc là bào thai, còn sơ sinh hay đã trưởng thành, già lão hay mắc bệnh nan y, hoặc trong tình tranh sắp chết. Và đặc biệt hơn nữa, không ai được phép yêu cầu cho hành động giết người này. Dù sự yêu cầu này được xuất phát từ chính đương sự, người đang chăm sóc đương sự, hoặc đương sự đồng tình cho thực hiện hành động giết người này một cách rõ ràng hay ngụ ý. Cũng vậy, không một chánh quyền nào có thẩm quyền đề nghị hay cho phép thực hiện hành động như vậy (cf. Iura et Bona 2). “Vì thế, với thẩm quyền mà Chúa Kitô ban cho Phêrô và các Đấng kế vị của Ngài, cùng hợp với Giám Mục Đoàn của Giáo hội Công giáo. Tôi xác nhận rằng, hành động trực tiếp và có chủ ý giết người vô tội là luôn luôn trọng tội” (Evangelium Vitae 57).
39. HTXH đề cập đến vai trò người phụ nữ như thế nào?
Theo ĐGH Phaolô II, đời sống thường nhật của người phụ nữ được xem như là những nữ anh hùng trong gia đình khi họ là “những người mẹ can đảm tận tụy với gia đình không một chút tính toán cho bản thân. Họ chịu đau đớn khi sinh con và dồn mọi nỗ lực dù phải hy sinh mọi giá để trao ban những gì là quí giá nhất của bản thân mình cho con cái” Trong khi thực hiện sứ mạng này, “thế giới xung quanh họ không phải lúc nào cũng ủng hộ sứ mạng của họ. Ngược lại, giới truyền thông thường xuyên trình bày một kiểu thức văn hóa khuyến khích người nữ không thực hiện chức năng làm mẹ. Trong khi những giá trị như chung thủy, khiết tịnh, hy sinh mà những người vợ và mẹ Kitô hữu đang sống và tiếp tục làm chứng, thì có những người nại vào cuộc sống hiện đại lại cho rằng những giá trị này là lỗi thời… Chúng ta cám ơn những người mẹ anh hùng về tình yêu bất diệt của họ. Chúng ta cám ơn lòng can đảm tín thác của các bà mẹ vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Chúng ta cám ơn về sự hy sinh của các người mẹ” (John Paul II, Bài giảng trong lễ phong thánh năm 1994).
40. Người nữ đóng vai trò gì trong mối liên hệ giữa người với người?
Tình mẫu tử có một mối liên hệ mật thiết đến mầu nhiệm sự sống khi sự sống phát triển trong lòng người mẹ. Mối liên hệ độc đáo giữa người mẹ với sự sống mới đang phát triển trong cung lòng của người mẹ mang một dấu ấn rất sâu đậm của nhân vị người nữ. Mối liên hệ này không chỉ hướng đến người con mà bà đang cưu mang nhưng còn hướng đến tất cả mọi người khác. Người mẹ đón nhận và cưu mang một con người trong chính thân thể của mình, dành chỗ và giúp nhân vị này lớn lên, tôn trọng con người mới này như một con người. Vì thế, người phụ nữ học và dạy người khác mối quan hệ thực thụ giữa người với người khi họ biết đón nhận những người khác như một con người. Con người được nhìn nhận và yêu thương là vì phẩm giá con người chứ không phải vì những đặc điểm như hữu dụng, thông minh, sắc đẹp hay sức khỏe. Đây là sự đóng góp căn bản mà Giáo hội cũng như loài người mong đợi từ người nữ. (cf. Evangelium Vitae, 99).
Trật Tự Xã Hội (118 – 177)
41. Giáo huấn HTXH đề cập đến trật tự xã hội như thế nào?
Điểm then chốt của giáo huấn về trật tự xã hội được hiểu như sau: “Mỗi cá nhân con người chính là nền tảng, nguyên nhân và cùng đích của mọi hình thức thể chế xã hội” (Mater et Magistra # 219). Trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội cũng vậy, phẩm giá và ơn gọi của mỗi con người cũng như tất cả phúc lợi xã hội cần được tôn trọng và phát triển. Vì con người là nguồn gốc, trung tâm và mục đích của mọi hình thức đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, nền tảng và mục đích của trật tự xã hội chính là con người. Con người như là một chủ thể của tất cả các quyền mà không ai có thể tước đoạt hay ban tặng, vì những quyền này được gắn chặt với bản chất của mỗi cá nhân con người. “Không một quyền lực loài người nào có thể bóp nghẹt sự nhận thức con người là một nhân vị” (cf. World Day of Peace Message, 1988, # 1).
42. Dựa vào tính chất nào để xây dựng nền tảng xã hội?
“Một xã hội dân sự được xem là ổn định, trật tự, phúc lợi và tôn trọng phẩm giá con người, nếu xã hội đó được xây dựng trên sự thật. Như Tông đồ Phaolô cổ vũ: “Bởi thế, mỗi khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Eph 4:25). Điều này sẽ thành tựu khi mỗi người nhận thức đầy đủ về quyền và bổn phận của họ và của người khác” (Pacem in Terris, # 35).
43. Bằng cách nào để xây dựng một xã hội hiệp nhất?
Để xây dựng một xã hội hiệp nhất, ĐGH Gioan Phaolô II dạy rằng: “Trong tinh thần hiệp nhất và với khí cụ đối thoại, chúng ta cần nhận thức rằng: tôn trọng nhân vị nhau; tôn trọng những giá trị và văn hóa của người khác; tôn trọng quyền tự trị và tự quyết của người khác; có tầm nhìn vượt ra khỏi chính mình để hiểu và ủng hộ những phẩm chất tốt đẹp nơi những người khác; góp phần của chính mình trong tính hiệp nhất xã hội nhằm phát triển ý thức công bình; xây dựng một cấu trúc bảo đảm rằng tính hiệp nhất xã hội và đối thoại là hai đặc tính bất biến của thế giới loài người chúng ta” (World Day of Peace Message, 1986, # 5).
44. Chúng ta cần sống tính hiệp nhất trong xã hội ra sao ?
Việc thực thi sự hiệp nhất trong mỗi xã hội là có cơ sở nếu mỗi thành viên trong xã hội nhìn nhận nhau như những nhân vị. Đối với những ai có sự ảnh hưởng của mình trên những người khác, bởi vì họ có khả năng chia sẻ điều kiện vật chất và dịch vụ công ích nhiều hơn, thì họ cũng có trách nhiệm đối với những người nghèo yếu và sẵn sàng chia sẻ với người này những khả năng mình đang có. Về phần những người nghèo yếu, vì cùng mang một tinh thần hiệp nhất, họ không nên sống trong thái độ thụ động; dù đang khi đòi hỏi những quyền cơ bản, họ cũng nên thực thi những điều tốt đẹp vì mục đích chung. Đối với những người thuộc nhóm trung bình, họ không nên chỉ lo cho bản thân mình bằng một đời sống ích kỷ, nhưng cũng cần quan tâm những lợi ích cho người khác nữa (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 39).
45. Làm thế nào để vượt qua thành kiến cá nhân nhằm xây dựng một thế giới hiệp nhất?
Để vượt qua thành kiến cá nhân đang lan rộng trong thế giới hôm nay, điều chúng ta cần lưu lý là phải có một quyết tâm cụ thể thực hiện sự hiệp nhất và bác ái. Trước hết, điều này bắt nguồn từ trong gia đình qua sự giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ chồng và các thế hệ tiếp sau. Với ý nghĩa này, chúng ta gọi gia đình là cộng đoàn nơi việc làm và sự hiệp nhất được thể hiện (cf. Centesimus Annus, # 49). Bên cận đó, để tiến tới sự hiệp nhất, chúng ta không nên nhìn người khác, dân tộc khác hay quốc gia khác như là những công cụ có khả năng làm việc nhằm cho phép chúng ta khai thác và tận dụng với giá thấp sau đó lại bỏ đi. Nhưng chúng ta cần nhìn họ như là người anh em của chúng ta, người giúp đỡ chúng ta, người cùng chia sẻ với chúng ta trong bàn tiệc cuộc đời một cách ngang bằng như nhau mà mỗi người đều được Thiên Chúa mời gọi (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 39).
46. Nguyên tắc hổ trợ là gì?
HTXH của Giáo hội rất chú trọng đến nguyên tắc hổ trợ này. Theo đó, ““một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩp quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu ích chung” (x. CA 48 – Pio XI). Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thực thi mọi quyền hành. Người trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ nó có thể thi hành theo khả năng của bản tính riêng. Xã hội loài người phải bắt chước cách lãnh đạo này. Cách Thiên Chúa cai trị thế giới cho thấy Người rất tôn trọng quyền tự do của con Người. Đó là đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những thừa tác viên của Chúa quan phòng. Nguyên tắc hổ trợ nghịch với mọi hình thức duy tập thể, xác định giới hạn cho việc can thiệp của nhà nước, hòa hợp các mối tương quan giữa cá nhân và xã hội, hướng tới việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực” (GLCG 1883 – 1885).
47. Giáo hội có nhắc nhở con cái mình về ý thức tham gia vào các vấn đề xã hội không?
Thưa có, trong số 6 của Thông Điệp Hòa Bình cho Thế Giới năm 1999, ĐGH Phaolô II dạy rằng: Ngày nay, mọi người đều thừa nhận rằng, mọi công dân có quyền tham gia vào đời sống cộng đồng của họ. Nhưng quyền này sẽ thành vô nghĩa khi tiến trình dân chủ bị phá vỡ do bởi sự tham nhũng và thiên vị; điều này không chỉ ngăn cản việc chia sẻ quyền hành một cách hợp pháp mà còn ngăn chặn người dân không được hưởng những phúc lợi từ nguồn tài sản và dịch vụ chung của cộng đồng mà lẽ ra ai ai cũng có quyền được hưởng.
Mặt khác, “Mỗi cá nhân con người, thực ra họ không chỉ là những khách thể thụ động trong trật tự xã hội, nhưng họ phải là và tiếp tục là chủ thể của xã hội, là nền tảng và cùng đích của xã hội đó” (Pius XII, Christmas Eve Radio Message, 1944). Vì thế, công dân có quyền tham gia vào các vần đề xã hội và góp phần của họ vào lợi ích chung cho mọi người. Những nổ lực và quyết định của họ sẽ góp phần định hướng vận mệnh chung cho thế giới. Chiến tranh và bất công sẽ không thể tránh khỏi nếu quyền tham gia chọn lựa thế chế xã hội của người dân bị chối bỏ (cf. Peace Message, 1985, # 9). Cụ thể, mọi công dân có quyền tự do tham gia tích cực vào việc thiết lập các nền tảng pháp lý của cộng đồng chính trị, tham gia vào việc điều hành quốc gia, xác định mục tiêu và phạm vị của các cơ quan khác nhau cũng như tham gia vào việc lựa chọn người lãnh đạo (cf. GS # 75).
48. Văn hóa và Phúc âm liên hệ với nhau như thế nào?
Văn hóa là không gian sống động mà trong đó con người đối diện với Tin Mừng một cách trực tiếp. Vì văn hóa là kết quả của đời sống và hoạt động của một nhóm người, vì thế, những ai thuộc về nhóm người ấy, thì họ cũng được hình thành và lớn lên dưới sự ảnh hưởng của nền văn hóa mà họ đang sống. Khi con người và xã hội thay đổi, thì nền văn hóa cũng thay đổi. Cũng vậy, khi văn hóa biến chuyển, thì con người và xã hội cũng theo nó mà biến chuyển. Từ viễn cảnh này, chúng ta dễ dàng nhận thấy giữa việc rao giảng Phúc âm và hội nhập văn hóa có một mối quan hệ gần gũi và tự nhiên (cf. Ecclesia in Asia, # 21). Thực vậy, khi thực hiện việc truyền giáo giữa các dân tộc, Giáo hội gặp nhiều loại hình văn hóa khác nhau và dấn bước vào tiến trình hội nhập. Giáo hội thông truyền những giá trị của mình cho các dân tộc ấy và đồng thời thu lượm những giá trị cao đẹp có sẵn và cân tân những giá trị ấy (cf.Redemptoris Missio, # 52).
49. Phát triển kinh tế có nghĩa là phát triển con người có phải không?
Thưa không, thật đáng buồn khi thế giới hôm nay thâu hẹp ý nghĩa của sự phát triển chỉ đơn thuần được hiểu trong lĩnh vực kinh tế. Nên nhớ rằng, việc gia tăng tài sản cho mỗi cá nhân và quốc gia không phải là mục tiêu cuối cùng của con người. Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều quả tim chai cứng và tâm hồn đóng kín khi có nhiều người không còn gặp gỡ nhau trong tình bạn nhưng chỉ là vì tư lợi, dễ dàng dẫn đến đối nghịch và bất đồng. Vì thế, việc thao thức kiếm tìm của cải đã trở thành chướng ngại vật để hoàn thành sứ mạng cá nhân và giá trị chân thật của con người (cf. Populorum Progressio, # 19). Như thế, phát triển kinh tế chỉ có ý nghĩa khi góp phần cho sự phát triển con người toàn diện.
50. Giữa việc phát triển con người và rao giảng Phúc âm có liên hệ với nhau không?
Thưa có, trung tâm của việc rao giảng Phúc Âm là sự phát triển toàn vẹn. Nghĩa là phát triển cho từng con người và cho mọi người, đặc biệt những con người nghèo khổ nhất và những cộng đồng bị lãng quên nhất. Thực vậy, giữa việc rao giảng Phúc âm và phát triển con người – thăng tiến và giải phóng, có một liên hệ sâu sắc. Đó chính là mối liên hệ nhân vị, bởi vì con người sắp được đón nhận Phúc âm không phải là một đối tượng trừu tượng nhưng là một chủ thể của những vấn đề kinh tế và xã hội (cf. Ecclesia in Africa, # 68). Rõ ràng, sứ mạng rao giảng Phúc Âm nhất thiết phải được gắn chặt với phát triển con người.
51. Công ích là gì?
Công ích là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (GS #26). Công ích liên quan đến đời sống của mọi người. Vì thế, công ích đòi hỏi sự cẩn trọng ở mỗi cá nhân và đặc biệt đối với những ai đang nắm quyền hành.
52. Ba yếu tố căn bản của công ích là gì?
Cống ích có ba yếu tố căn bản sau: “Trước hết, công ích phải tôn trọng con người với tư cách là người. Nhân danh công ích, chính quyền có bổn phận tôn trọng các quyền căn bản và bất khả nhượng của con người. Xã hội phải giúp các thành viên thực hiện ơn gọi của mình. Đặc biệt, công ích cho phép con người thực thi các quyền tự do tự nhiên không thể thiếu để phát triển ơn gọi làm người, như quyền hành động theo qui tắc ngay thẳng của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời tư và quyền được tự do chính đáng, cả trong phạm phi tôn giáo nữa” (GLCG #1907).
Thứ hai, “công ích phải đạt đến sự an lạc xã hội và sự phát triển của chính tập thể. Mọi bổn phận xã hội đều quy về sự phát triển. Nhân danh công ích, nhà cầm quyền có nhiệm vụ làm trọng tài giữa các quyền lợi riêng tư khác nhau; phải giúp mỗi người có được những gì cần thiết để sống đúng với phẩm giá con người: lương thực, áo quần, sức khỏe, việc làm, giáo dục và văn hóa, thông tin đầy đủ, quyền xây dựng một gia đình, v.v…” (GLCG # 1908).
Thứ ba, “công ích còn phải kiến tạo hòa bình, bảo tồn một trật tự đúng đắn được lâu bền và ổn định. Điều này giả thiết rằng quyền bính phải bảo đảm an ninh cho xã hội và cho các thành viên của xã hội bằng những phương thế liêm chính. Công ích đặt nền tảng cho quyền tự vệ chính đáng của cá nhân và tập thể (GLCG # 1909).
53. Chính quyền cần cân nhắc và áp dụng nguyên tắc công ích thế nào?
Khi áp dụng nguyên tắc công ích trên bình diện quốc gia, chính quyền cần lưu ý những điểm sau: Tạo công ăn việc làm cho càng nhiều người càng tốt; quan tâm đến những nhóm ít đặc quyền, duy trì sự cân bằng giữa đồng lương và giá cả; tạo điều kiện dễ dàng cho càng nhiều người tiếp cận với tài sản và các dịch vụ càng tốt để họ có một đời sống khá hơn; … cuối cùng, đảm bảo thúc đẩy cho sự tồn tại của con người không chỉ bằng cách phục vụ cho thế hệ hôm nay, nhưng còn quan tâm đến các thế hệ tương lai nữa (cf. Mater et Magistra, # 79).
Như thế, “quyền bính chỉ được hành xử hợp pháp khi mưu cầu công ích cho tập thể liên hệ và đạt tới mục đích ấy bằng các phương thế mà luân lý cho phép. Nếu các nhà lãnh đạo đưa ra những luật pháp bất công hay sử dụng những biện pháp trái luân lý, lương tâm không buộc phải tuân theo. Trong trường hợp này, quyền bính không còn là quyền bính nữa mà thoái hóa thành áp bức.” (GLCG # 1903).
54. Để duy trì nguyên tắc công ích, chánh quyền nên làm gì?
Nhất thiết chánh quyền cần phải hiểu đúng ý nghĩa của công ích. Tức là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (GS #26). Như thế, nhà nước cần tôn trọng và đối xử từng cá nhân là một nhân vị; khuyến khích họ tham gia vào các công việc của tập thể. Kết quả là nhiều mối liên hệ giữa người với người phát triển và gắn bó; những phúc lợi chung sẽ sẵn sàng hơn cho mọi người tiếp cận.
55. “Tội xã hội” là tội gì?
Khi nói đến “tội xã hội” nghĩa là trước hết chúng ta nhận thức rằng, bởi đặc tính hiệp nhất nơi loài người – vừa bí ẩn và không hiểu thấu nhưng cũng rất thực và cụ thể, nên tội của mỗi cá nhân cách này hay cách khác cũng có ảnh hưởng đến người khác. Thứ hai, có những tội tự trong bản chất cấu thành nó xúc phạm trực tiếp đến người xung quanh. Chính xác hơn, theo ngôn ngữ Phúc Âm, nó xúc phạm đến anh chị em mình. Những tội này xúc phạm đến Thiên Chúa là vì chúng xúc phạm đến những người chung quanh. Những tội này gọi là “tội xã hội” (cf. Reconciliatio et Paenitentia, # 16). Theo Giáo Lý Công Giáo: “Tội làm cho con người trở thành đồng lõa với nhau, và để dục vọng, bạo lực, bất công thống trị. Tội lỗi tạo nên những tình trạng xã hội và những định chế nghịch lại với lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Các “tổ chức tội ác” vừa biểu lộ và vừa là hậu quả của các tội cá nhân. Chúng xúi giục các nạn nhân cùng  phạm tội. Hiểu nghĩa loại suy, có thể gọi chúng là “tội xã hội”, “tội tập thể” (GLCG 1869).
Vai Trò của Nhà Nước (178 – 201)
56. Theo HTXH, quyền bính có vai trò như thế nào?
HTXH thừa nhận và xác định vai trò cần thiết của quyền bính. Vì “Xã hội loài người sẽ không trật tự và thịnh vượng nếu xã hội ấy không có những con người có được quyền bính hợp pháp để duy trì các cơ chế của xã hội và phục vụ công ích đầy đủ” (cf. Pacem in Terris # 46). Như vậy, mọi tập thể con người đều cần đến quyền bính để điều hành tập thể ấy. Nền tảng của quyền bính được dựa trên bản tính tự nhiên của con người. Quyền bính cần thiết cho sự hiệp nhất trong một cộng đoàn. Vai trò của quyền bính là bảo đảm tối đa công ích cho xã hội (GLCG # 1898). Vì thế, HTXH nhấn mạnh sự tôn trọng và vâng phục quyền bính. “Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp; đối với những người đang thi hành công vụ, phải tôn trọng và tùy công trạng của họ mà tỏ lòng biết ơn và quí mến” (GLCG # 1900).
57. Quyền bính có bị giới hạn bởi yếu tố nào không?
Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng dạy rằng: “Việc hành xử quyền bính chính trị trong chính cộng đoàn hoặc trong các cơ quan đại diện cho quốc gia luôn luôn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý để đem lại kết quả và mưu cầu công ích – công ích ở đây phải hiểu cách năng động – tùy theo trật tự pháp lý đã hoặc sẽ được thiết lập cách hợp pháp. Trong trường hợp đó mọi công dân phải tuân theo lương tâm mà tuân phục. Và do đó, những người lãnh đạo đương nhiên có trách nhiệm, có thế giá và có uy quyền (GS # 74).
58. Dựa vào đặc tính nào thì luật của nhà nước mới thực sự có hiệu lực?
“Luật pháp của loài người chỉ là luật phù hợp với lẽ phải; có hiệu lực là nhờ “luật vĩnh cửu”. Khi xa lìa lẽ phải, luật sẽ không còn là luật nữa, nhưng là một sự bất công, thậm chí còn là một hình thức bạo lực” (Thomas Aquinas, Tổng Luận Thần học, I-II, 93, 3.2). Như thế, “về mặt luân lý, không phải người cầm quyền làm gì cũng hợp pháp. Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng là phải hành động cho công ích vì quyền bính là một sức mạnh tinh thần đặt nền tảng trên tự do và ý thức trách nhiệm” (GLCG # 1902).
59. HTXH nêu lên hình thức “tam quyền phân lập” như thế nào?
ĐGH Leô XIII trong thông điệp Rerun Novarum đã nhắc tới hình thức tam quyền phân lập mà đương thời được xem như là điểm mới trong giáo huấn Giáo hội. Hình thức này phản ảnh một viễn cảnh trung thực bản chất của xã hội loài người; nó có khả năng pháp lý trong việc bảo vệ sự tự do cho mọi người. Mỗi một phân quyền điều được cân bằng bởi hai phân quyền kia và bởi phạm vi trách nhiệm được quy định trong giới hạn của phân quyền ấy. Đây là “nguyên tắc của luật” để làm cho luật có giá trị tối thượng chứ không phải do ý chí của một cá nhân độc tài nào (cf.Centesimus Annus, # 44).
Như thế, khi các vấn đề xã hội nảy sinh, các giới chức cần giải quyết những vấn đế ấy theo chức năng phù hợp của mình. Trong những hoàn cảnh thay đổi, các nhà lập pháp không bao giờ được phép quên những qui phạm luân lý, hiến pháp, công ích. Đối với các nhà hành pháp, sau khi cân nhắc cẩn thận các yếu tố hoàn cảnh, họ phải điều hành những hoạt động xã hội với sự thận trọng và am hiểu luật pháp. Cuối cùng, đối với các nhà tư pháp, họ cần phải xét xử một cách công bằng mà không chịu bất cứ sự ảnh hưởng chi phối nào do thiên vị hay áp lực (cf. Pacem in Terris, # 69).
60. Trách nhiệm của nhà nước trong lãnh vực tôn giáo như thế nào?
Nhà nước cần phải đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho mọi công dân bằng luật pháp và bằng các phương tiện hữu hiệu khác. Chính quyền cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đời sống tôn giáo để nhờ đó người dân có khả năng thực hành quyền tôn giáo và sống bổn phận tôn giáo của họ. Khi làm như thế, chính xã hội ấy cũng sẽ được hưởng những hoa trái vì những phẩm chất luân lý của công bằng và hòa bình được bắt nguồn từ niềm tin của con người với Thiên Chúa và Thánh ý của Người (cf. Dignitatis Humanae, # 6).
61. HTXH nêu lên quyền lựa chọn thể chế chính trị ra sao?
Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng dạy rằng: “Có quyền bính là do bởi Thiên Chúa an bài, nhưng việc định đoạt những thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền, vẫn là quyền tự do của mọi công dân” (GS # 74).
“Về mặt luân lý, các thể chế chính trị có thể khác nhau, miễn sao các thể chế này mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đoàn đã thừa nhận chúng. Các thể chế có bản chất trái ngược với luật tự nhiên, với trật tự công cộng và các quyền căn bản của con người, thì không thể đem lại công ích cho những quốc gia đang theo thể chế đó” (GLCG # 1901).
Như vậy, nếu một thể chế nhà nước vừa không do người dân chọn lựa lại vừa trái với luật tự nhiên, thì thế chế ấy không xứng đáng để tồn tại.
62. Thông điệp nào nêu rõ nguyên nhân và mối nguy hiểm của nhà nước độc tài?
Trong thông điệp Centesimus Annus, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói rất rõ và mạnh mẽ rằng: Trong thời hiện đại, chế độ độc tài dưới chủ nghĩa Marxit- Lenin… duy trì quan điểm rằng họ không mắc sai lầm và vì thế trở nên kêu căng thi hành quyền lực một cách tuyệt đối…Nguyên nhân sâu xa của chế độ độc tài trong thời hiện đại là vì họ khước từ sự nhìn nhận phẩm giá siêu việt của con người như là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì con người là chủ thể của các quyền nên không một cá nhân nào, tập thể nào, giai cấp nào, dân tộc hay quốc gia nào có quyền xâm phạm các quyền này được… Đối với những nhà nước hay đảng phái tự cho rằng mình có sứ mạng lịch sử dẫn đầu [mọi người] đến sự hoàn thiện, và tự đặt mình lên trên các giá trị khác, thì các nhà cầm quyền này cũng không chấp nhận các tiêu chuẩn khách quan về sự thiện và sự ác vượt ra khỏi ý chí của họ. Vì như các tiêu chuẩn này, trong những hoàn cảnh nhất định sẽ xét xử các hành động của họ. Đó là lý do tại sao nhà nước độc tài tìm mọi cách để tiêu diệt Giáo hội, hay ít nhất cũng làm cho Giáo hội trở nên phục tùng và trở thành cộng cụ trong cơ cấu ý thức hệ của nó (cf.Centesimus Annus, # 44–45).
63. Theo HTXH, chúng ta hiểu như thế nào là dân chủ ?
Giáo hội đề cao thể chế dân chủ là vì nó bảo đảm sự tham gia của người dân vào việc lựa chọn thể chế chính trị, bảo đảm được việc điều hành chính phủ và có thể thay đổi nó một cách bình yên khi phù hợp. Nhưng Giáo hội không thể khuyến khích việc hình thành các tổ chức nhằm chiếm đoạt quyền hành vì tư lợi cá nhân hay mục đích ý thức hệ. Như thế, nền dân chủ thực thụ chỉ hiện diện trong một quốc gia khi quốc gia ấy tôn trọng luật pháp và có những quan niệm đúng đắn về nhân vị con người (cf. Centesimus Annus, # 46).
Mặt khác, dân chủ không thể bị thần tượng hóa đến mức như là sự thay thế cho nền đạo lý hoặc như một thần dược cho sự vô luân. Thực ra, dân chủ là một “hệ thống” và như là một phương tiện chứ nó không phải là cùng đích. Giá trị luân lý của nó không mang tính tự động, nhưng phụ thuộc vào sự tuân theo luật luân lý, mà như tất cá các hình thức cư xử khác của con người là chủ thể. Nói cách khác, luân lý dân chủ được quyết định bởi hậu quả luân lý mà nó theo đuổi và phương tiện mà nó sử dụng (cf. Evangelium Vitae, # 70).
64. Hậu quả của một nền dân chủ không giá trị sẽ ra sao?
Một nền dân chủ không giá trị là một nền dân chủ không dựa trên sự thật và phẩm giá con người. Thực vậy, nếu không hướng đến sự thật trọn hảo, thì các hoạt động chính trị, các tư tưởng và giáo điều dễ dàng bị nhào nặn nhằm mục đích bảo vệ quyền lực. Như lịch sử đã chứng minh, nền dân chủ không có giá trị sẽ dễ dàng biến thành một chủ nghĩa độc tài biến dạng. Vì thế, mọi lãnh vực của cá nhân, gia đình, xã hội, luân lý cần phải được đặt trên nền tảng sự thật và mở lòng trong sự thật để hướng đến sự tự do chân thật (cf. Veritatis Splendor, # 101).
65. Bằng chứng nào cho thấy một nhà nước có dân chủ thật sự?
Thông điệp Tin Mừng Sự Sống giúp cho ta thấy bằng chứng nền dân chủ của một quốc gia có thật hay không: [Một quốc gia] “sẽ không có một nền dân chủ thực sự nếu sự nhận thức về phẩm giá và quyền của mỗi người không được nhìn nhận; và dĩ nhiên, ở nơi đó cũng sẽ không có hòa bình nếu sự sống không được bảo vệ và ủng hộ” (Evangelium Vitae, # 101). Rõ ràng, bất cứ ở nơi đâu chính quyền không tôn trọng phẩm giá con người và không bảo vệ sự sống con người thì ở nơi đấy không có nền dân chủ thực sự.
Kinh Tế (202 – 250)
66. HTXH đóng vai trò như thế nào trong lĩnh vực kinh tế?
Giáo hội ban tặng món quà HTXH cho con cái mình như là một lý tưởng định hướng không thể thay thế được. Giáo huấn này nhìn nhận những giá trị của thị trường và hoạt động kinh doanh, nhưng đồng thời nó cũng chỉ ra những điểm nhằm hướng đến công ích. Giáo huấn này cũng nhìn nhận tính hợp pháp về sự nổ lực của người lao động nhằm đạt được sự tôn trọng phẩm giá của họ một cách đầy đủ và tạo những môi trường rộng lớn hơn để họ tham gia vào các lãnh vực thương mại công nghiệp. Như thế, trong khi hợp tác với người khác và làm việc dưới sự hướng dẫn của người khác, họ thực sự làm việc cho chính họ qua khả năng vận dụng trí thông minh và sự tự do (cf.Centesimus Annus, n. 43).
67. HTXH nói gì về quyền làm chủ của con người đối với các tạo vật trên mặt đất?
Trang đầu tiên của sách Khởi Nguyên dạy rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (Kn 1:28). Như thế, khi con người được Thiên Chúa ban tặng cho quyền làm chủ trên các tạo vật, thì con người cũng được ban tặng khả năng hiểu biết, sức lao động để có trách nhiệm làm chủ và hưởng dùng những tạo vật được giao phó. Vậy nếu thế giới giới này được tạo thành nhằm làm phương tiện để nuôi sống, phát triển cho mỗi con người thì họ cũng có quyền kiếm tìm những gì cần thiết cho đời sống của họ (cf. Populorum Progressio, # 22).
68. Con người nên có cái nhìn về quyền sở hữu của cải theo cách nào?
Con người theo quyền tự nhiên được sở hữu của cải. Điều này không chỉ là hợp pháp nhưng còn là cần thiết cho mọi người (cf. Aquinas, Tổng Luận Thần Học, II-II, 66, 2, c). Nhưng vấn đề đặt ra là mỗi người có quyền sở hữu bao nhiêu của cải [thì vừa]? Về điểm này, Giáo hội không ngần ngại chỉ rõ rằng: mỗi người không nên nhìn của cải vật chất như là của riêng họ, nhưng thực ra trên bình diện chung, họ nên sẵn sàng chia sẻ với những ai đang cần (cf.Rerum Novarum, # 22).
Hơn nữa, chúng ta cũng cần nhắc lại nơi đây đặc tính căn bản của HTXH của Giáo hội: Từ khởi nguồn, của cải vật chất trong thế giới này chỉ là phương tiện cho mọi người. Quyền sở hữu tài sản cá nhân là cần thiết và hợp lý, nhưng nó không thể hủy bỏ nguyên tắc căn bản này được. Thực ra, tài sản cá nhân chỉ là “vật thế chấp xã hội”. Nghĩa là, tự bản chất tài sản có một chức năng xã hội được thiết lập và hợp thức hóa bởi nguyên lý vận mệnh chung của tài sản (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 42).
69.  Lao động nói lên ý nghĩa hiệp nhất giữa con người như thế nào?
Khi làm việc, con người cam kết không chỉ làm việc cho chính bản thân nhưng còn làm cho người khác  với người khác. Vì thế, mỗi người cộng tác làm việc với người khác và mưu cầu lợi ích cho họ. Quả thực, con người làm việc là để cung cấp những nhu cầu cần thiết cho gia đình, cho cộng đồng, cho quốc gia và cuối cùng là cho toàn thể loài người (cf. Laborem Exercens, # 10). Trong khi làm việc, con người cộng tác với những đồng nghiệp, những người cung cấp vật liệu và cũng với những khách hàng mua sản phẩm. Như thế, tính hiệp nhất được thể hiện rất rõ khi tất cả cùng làm việc trong một hệ thống dây chuyền sản xuất (cf. Centesimus Annus, # 43).
70. HTXH nói gì về  hai hệ thống kinh tế “chủ nghĩa cộng sản” và “chủ nghĩa tư bản”?
Giáo lý Công giáo dạy rõ rằng: “Hội Thánh phi bác các ý thức hệ chuyên chế vô thần đang hoạt động dưới hình thức “chủ nghĩa cộng sản” hoặc “chủ nghĩa xã hội”. Mặt khác, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân và việc coi luật thi trường là qui luật tối thượng trên sức lao động của con người, trong cách thực hành “chủ nghĩa tư bản” (x. CA 10; 13;44). Điều hành kinh tế chỉ dựa trên kế hoạch tập trung sẽ phá hủy tận gốc các mối liên hệ xã hội; điều hành chỉ dựa theo qui luật thị trường sẽ vi phạm công bằng xã hội. “Thị trường sẽ không thể thỏa mãn được những nhu cầu muôn mặt của con người” (CA 34). Người tín hữu phải tác động vào thị trường và các sáng kiến kinh tế, để có được một sự điều hành hợp lý dựa trên một bậc thang giá trị đúng đắn và vì công ích” (GLCG 2425).
71. Ngày nay, hệ thống kinh tế chủ nghĩa tư bản có phải là khuôn mẫu cho sự phát triền xã hội không?
Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, câu hỏi được đặt ra là có nên thừa nhận hay không chủ nghĩa tư bản là khuôn mẫu để xây dựng kinh tế và xã hội của một đất nước? Thực ra, câu trả lời sẽ không dễ dàng đơn giản. Trước hết, nếu chủ nghĩa tư bản mang nghĩa là một hệ thống kinh tế có khả năng nhận thức được vai trò tích cực và nền tảng của thương mại, thị trường, tài sản cá nhân cũng như là sự tự do sáng kiến trong lãnh vực kinh tế thì câu trả lời cho câu hỏi trên là khẳng định chắc chắn “nên”. Nhưng nếu nó mang nghĩa là một hệ thống, trong đó sự tự do trong phạm vi kinh tế không có một khung pháp lý nào ràng buộc nó; mà thực ra pháp lý là nhằm để phục vụ cho sự tự do của con người thì câu trả lời cho câu hỏi trên là “không nên” (cf. Centesimus Annus, # 42).
72. Mục đích tối hậu của sự phát triển kinh tế là gì?
Mục đích tối hậu của mọi hình thức phát triển là vì và cho con người. Thực vậy, “phát triển kinh tế và gia tăng sản xuất đều nhằm phục vụ những nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm vào việc gia tăng các sản phẩm, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng trước tiên là để phục vụ con người: con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế được điều hành theo những phương pháp riêng nhưng phải tôn trọng các khuôn khổ luân lý và công bằng xã hội, để đám ứng ý định của Thiên Chúa về con người” (GLCG # 2426).
73. Điểm tích cực của nền kinh tế hiện đại là gì?
Nền kinh tế thương mại hiện đại đã phản ảnh một số điểm tích cực. Trước hết, điểm căn bản chính là quyền tự do con người được thể hiện trong lãnh vực kinh tế cũng như trong các lãnh vực khác. Hoạt động kinh tế thực ra cũng chỉ là một lãnh vực trong nhiều lãnh vực hoạt động của con người. Vì thế, cũng như tất cả các lĩnh vực khác, kinh tế cũng cần có quyền tự do và trách nhiệm đối với quyền tự do ấy. Nhưng điểm đặc biệt nổi bật trong xã hội hiện đại so với xã hội cũ chính là: Có một thời người ta cho rằng yếu tố quyết định đến việc sản xuất chính là đất đai và tiền vốn; cả hai được coi là công cụ tổng hợp phức tạp cho việc sản xuất. Nhưng hôm nay, yếu tố quyết định là chính con người. Nghĩa là kiến thức, đặc biệt là kiến thức khoa học, khả năng liên đới và hợp đồng với các tổ chức, và cũng như là khả năng nhận thức nhu cầu của người khác và tìm cách thỏa mãn nhu cầu của họ. Đó chính là những điểm tích cực trong nền kinh tế hiện đại (cf. Centesimus Annus, # 32).
74. HTXH đề cập đến “công bằng” như thế nào?
Công bằng ở đây không chỉ mang ý nghĩa là phân phối của cải, nhưng nó liên quan đến điều kiện mà con người tham gia vào hoạt động sản xuất. Thực vậy, nhu cầu bẩm sinh đòi hỏi con người tham gia vào các hoạt động sản xuất và có cơ hội gánh vác trách nhiệm và nhờ nổ lực của chính bản thân họ hoàn thiện chính họ.
Kết quả là, nếu một tổ chức hay cấu trúc đời sống kinh tế mà làm cho phẩm giá con người lao động bị tổn thương, hoặc ý thức trách nhiệm của họ bị giảm sút, hoặc là sự tự do của họ bị tước đoạt, thì chúng ta có thể đánh giá rằng trật tự của nền kinh tế ấy là không công bằng; thậm chí là dù nó có sản xuất ra hàng vạn sản phẩm được phân phối hợp với tiêu chuẩn công bằng và hợp pháp [thì nó cũng không công bằng] (cf. Mater et Magistra, # 82, 83).
75. Giáo hội kêu gọi lương tâm con người trong vấn đề này như thế nào?
Trong Thông Điệp Hòa Bình Thế Giới năm 2000, ĐGH Gioan Phaolô II kêu gọi: “Tôi mời gọi tất cả các nhà kinh tế và các chuyên gia tài chánh cũng như các giới chức lãnh đạo cần nhận ra nhu cầu khẩn thiết để đảm bảo rằng việc thực thi chính sách kinh tế và chính trị phải hướng đến mục đích tốt đẹp cho từng người và mọi người. Đây không chỉ là sự đòi buộc đạo đức nhưng còn là sự đòi buộc cho một nền kinh tế hoàn chỉnh. Kinh nghiệm dường như khẳng định rằng nền kinh tế thành công ngày càng đòi hỏi vào việc đánh giá chân thực của mỗi cá nhân và khả năng của họ, vào sự tham gia đầy đủ hơn của họ, vào sự gia tăng hiểu biết và bổ túc kiến thức thông tin, và vào tính hiệp nhất chặt chẽ hơn” (World Day of Peace Message, 2000, # 16).
76. Trách nhiệm của nhà nước trong việc duy trì trật tự kinh tế như thế nào?
Một trong những nhiệm vụ của nhà nước đó là giám sát và hướng dẫn việc thực thi nhân quyền trong lãnh vực kinh tế. Nhà nước có bổn phận dùy trị sự ổn định cho các hoạt động kinh doanh bằng cách tạo điều kiện để đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho người dân, đặc biệt trong những điều kiện khủng hoảng. Xa hơn, nhà nước có quyền can thiệp khi sự độc quyền làm cản trở hay chậm lại sự phát triển. Trong một vài trường hợp ngoại lệ, nhà nước có thể thực hiện chức năng thay thế khi một bộ phận kinh tế bị lũng đoạn. Những biện pháp can thiệp hổ trợ này chỉ nên thực hiện trong những trường hợp khẩn thiết và nhằm phúc lợi cho công ích, nên tránh việc can thiệp quá đà vào các lãnh vực đã ổn định; điều này làm tổn hại cả cho kinh tế và quyền tự do của công dân. (cf. Centesimus Annus, # 48).
77. Nhà nước cần áp dụng nguyên tắc nào khi can thiệp vào lãnh vực kinh tế?
Khi can thiệp vào các lãnh vực xã hội nói chung và kinh tế nói riêng, theo ĐGH Piô XI, nguyên tắc hổ trợ được xem là nguyên tắc căn bản được áp dụng. Tức là “một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩp quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu ích chung” (x. CA 48 – Pio XI). Như vậy, sự can thiệp quá mức sẽ đe dọa đến sáng kiến và tự do cá nhân. Vì các hoạt động xã hội theo bản chất tự nhiên là giúp đỡ các thành viên của nó, không bao giờ hủy diệt nó hay làm cho nó bị sát nhập.
78. Người ta có lợi dụng khả năng làm việc để hạ phẩm giá của nhau không?
Thật đáng buồn khi đức tính cao đẹp của con người bị lợi dụng cho việc này. Thật vậy, chăm chỉ làm việc là một đức tính tốt nhờ đó khi chăm chỉ làm việc con người sẽ trở nên con người tốt hơn. Nhưng có những nơi người ta dùng công việc như là những phương cách nhằm hạ thấp phẩm giá con người. Đặc biệt trong các trại cải tạo tập trung nơi mà người ta sử dụng sức lao động như là một hình phạt để bóc lột sức lao động con người. Việc hạ thấp phẩm giá này không chỉ nhắm tới việc làm hao mào thể chất của người lao động, nhưng xa hơn nữa, nó gây tổn hại đến phẩm giá của người lao động như là một con người chủ thể (cf. Laborem Exercens, # 9).
79. HTXH khuyến khích quyền sáng kiến kinh tế ra sao?
“Mỗi người có quyền sáng kiến trong sinh hoạt kinh tế, sử dụng chính đáng tài năng của mình để góp phần làm ra nhiều của cải cho mọi người được hưởng, và gặt hái những hiệu quả chính đáng do các nỗ lực của mình. Họ phải để tâm tuân theo các qui định do chính quyền hợp pháp đề ra vì công ích” (GLCG # 2429).
Thật đáng quan tâm khi thế giới ngày nay có những nơi quyền sáng kiến trong sinh hoạt kinh tế cũng bị cấp đoán. Quyền này không chỉ quan trọng cho mỗi cá nhân nhưng còn quan trọng cho lãnh vực công ích. Kinh nghiệm cho thấy, nhân danh “bình đẳng” để giới hạn hay tước đoạt quyền này, trong thực tế là đã hủy diệt tinh thần sáng kiến của chủ thể công dân. Và kết quả là, nó không mang lại sự “bình đẳng” thật sự mà còn đào thêm hố sâu ngăn cách giữa con người với nhau (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 15).
80. HTXH nói đến “chủ nghĩa tiêu thụ” như thế nào?
Sự phát triển thái quá đến mức thừa mứa của cải vật chất của một số bộ phận trong xã hội đã làm cho người ta dễ dàng trở nên nộ lệ cho những của cải ấy. Nền văn minh “tiêu thụ” hay “chủ nghĩa tiêu thụ” nghĩa là liên quan đến khái niệm “ném đi” hay “bỏ đi”. Nhưng cần hiểu rằng, khi ta sở hữu một tài sản, tài sản ấy chỉ có giá trị khi nó giúp người chủ sở hữu trưởng thành và làm cho mình phong phú hơn. Nhưng ngược lại, nếu tài sản ấy không đóng góp vào việc giúp nhận thức ơn gọi làm người, thì chúng sẽ không mang giá trị hữu ích gì cả. (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 28).
Thực ra, sẽ không có gì sai trái khi chúng ta muốn có một đời sống tốt hơn, nhưng sẽ sai khi người ta quan niệm một đời sống chỉ nhắm đến việc chiếm hữu; muốn có nhiều hơn để nhằm hưởng thụ và coi nó như là cùng đích thay vì nhìn nhận đời sống như nó là (cf. Centesimus Annus, # 36).
Công Việc và Tiền Lương (251- 286)
81. Kinh Thánh nói đến bản chất lao động như thế nào?
Trang đầu Kinh Thánh đã nói đến lao động như là chiều kích nền tảng cho sự tồn tại của con người trên mặt đất. Phân tích kỹ những văn bản này, chúng ta thấy những văn bản này diễn tả những chân lý căn bản về con người trong mầu nhiệm sáng tạo. Những chân lý này mang tính quyết định cho con người ngay từ ban đầu. Thật vậy, vốn mang hình ảnh của Thiên Chúa, con người thông dự vào quyền của Đấng Tạo Hóa để chinh phục và cai quản mặt đất. Khi thi hành phận vụ này, con người đã phản ảnh trung thực hành động sáng tạo của Đấng Tạo Hóa (cf. Laborem Exercens, # 4).
82. Vai trò của người lao động trong thế giới hôm nay ra sao?
Trong thế giới hôm nay, người lao động ngày càng đóng vai trò quan trọng và trở thành như là nhân tố sản xuất cho cả hai lãnh vực: vật chất và phi vật chất. Và hơn nữa, vai trò này cho thấy bản chất liên đới trong công việc giữa con người với nhau cũng rõ ràng hơn. Hơn lúc nào hết, con người ngày càng nhận thức sự thật rằng: “Làm việc là làm với người khác và cho người khác” (cf. Centesimus Annus, # 31).
83. Lao động có ý nghĩa như thế nào trong ơn gọi làm người?
Trước hết, theo kế hoạch của Thiên Chúa, ngay từ đầu tiên con người được kêu gọi để hoàn thiện chính mình; đó là ơn gọi cho mọi người. Với lý trí và sự tự do, con người có trách nhiệm để hoàn thành sứ mạng này (Cf. Populorum Progressio, # 15). Theo GLCG, “Khi lao động, con người biểu dương các ân huệ của Ðấng Sáng Tạo và những tài năng Chúa ban. Lao động còn có giá trị cứu chuộc (x. St 3,14-19). Khi kết hợp với Ðức Giê-su, người thợ làng Na-da-rét và cũng là Ðấng chịu đóng đinh trên Ðồi Sọ, con người qua những vất vả lao động được cộng tác với Con Thiên Chúa trong công trình cứu độ” (GLCG 2427). Cuối cùng, con người phải làm việc vì đó là lệnh truyền từ Đấng Sáo Tạo. Con người phải làm việc nhằm không phải vì chỉ cho chính mình, nhưng còn nhằn phục vụ cho đồng loại, gia đình, quốc gia và xã hội mà mình đang sống (cf. Laborem Exercens, # 16).
84. Nguyên tắc nào cần được áp dụng trong việc thanh toán tiền lương?
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của người làm chủ là phải chi trả công bằng cho người lao động. Để thực hiện việc này một cách công bằng, chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố. Tuy nhiên cách chung mà nói, người chủ phải luôn nhớ rằng không có bất cứ một luật lệ nào, dù là luật con người hay tôn giáo cho phép họ được quyền lợi dụng người khác để tích trử lợi nhuận cho riêng mình (cf. Rerum Novarum, # 20). Người thợ phải được chi trả một cách tuơng xứng nhằm đủ khả năng nuôi sống bản thân và gia đình. Bên cạnh tiền lương, người thợ còn đáng được hưởng những khoản trợ cấp tương xứng khác như chăm sóc y tế, nghỉ ngơi, du lịch và tiền hưu. Những quyền căn bản này sẽ tạo một mối liên hệ đúng đắn giữa người chủ và thợ và như thế cả hai sẽ được đền đáp một cách tương xứng (cf. Laborem Exercens, # 19).
85. HTXH đề cập đến điều kiện công xưởng như thế nào?
Công xưởng là nơi dễ dàng xuất hiện những tác động tiêu cực như tiền, quyền lực, thú vui, và sự ích kỷ. Tuy nhiên, công xưởng cũng là nơi phản triển ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm và lòng vị tha với người khác. Ở nơi nào công xưởng được tổ chức có tính cách khoa học hơn, thì ở nơi đó mối nguy hại làm mất phẩm giá cho những người thợ được giảm thiểu. (cf. Populorum Progressio, # 28). Hơn nữa, vì công xưởng phải là nơi bảo vệ nhân phẩm của con người, nên không được phép xem những những người thợ như là những người phải cúi đầu thi hành mệnh lệnh như một đầy tớ, nhưng cần phải tôn trọng ý kiến cá nhân cũng như những nhiệm vụ họ được chỉ định.
Cuối cùng, cũng chính nơi tại công xưởng, người thợ cần có thời gian nghỉ ngơi phù hợp và được quyền nói lên chính kiến của mình mà không bị khinh thường. Thật vậy, công xưởng không chỉ là nơi trao đổi thương mại, nhưng phải là nơi người thợ được thể hiện chính mình. Nơi ấy, họ giúp phát triển văn hóa nghề nghiệp và cùng chia sẻ đời sống với người khác một cách thực thụ (cf. Centesimus Annus, # 15).
86. Giáo hội đề cao vai trò người nữ lao động tại gia như thế nào?
Giáo hội không ngừng kêu gọi thế giới nhìn nhận và tôn trọng vai trò và giá trị công việc của người nữ tại gia đình. Về lãnh vực này, ngành giáo dục cần phải nêu rõ để tránh sự kỳ thị giữa các loại hình công việc. Vì thực ra, mọi công việc đều được hưởng quyền và trách nhiệm. Trong khi nhìn nhận quyền bình đẳng giữa người nam và nữ trong mọi lãnh vực công cộng, xã hội cần nhận thức rằng, những người làm vợ và làm mẹ không chỉ có thể tìm thấy phẩm giá của mình khi họ phải làm việc ngoài xã hội, nhưng thực ra, những công việc tại gia cũng nêu bật phẩm giá của họ, dù họ phải dành toàn bộ thời gian để chăm sóc cho gia đình (cf. Familiaris Consortio, # 23).
87. Con người có “quyền được làm việc” không?
Theo GLCG số 2433, “Mọi người phải được quyền làm việc và chọn nghề, không bị kỳ thị bất công, nam hay nữ, người khỏe mạnh hay tàn tật, người địa phương hay người nơi khác (x. LE 19,22-23). Tùy hoàn cảnh xã hội phải giúp đỡ để các công dân có công ăn việc làm” (x. CA 48). Quả vậy, một trong những quyền căn bản của con người đó là con người có quyền được làm việc, vì thực ra công việc giúp con người hoàn thiện chính bản thân và góp phần xây dựng thế giới một cách cụ thể. Vì thế, được làm việc cũng là một quyền căn bản của con người.
88. Thành lập hiệp đoàn lao động có phải là quyền không?
Trong những quyền của người lao động, họ có quyền bảo vệ chính mình; chính quyền này tạo tiền đề cho việc hình thành các hiệp đoàn tại các công xưởng. Các hiệp đoàn lao động được hình thành nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho nhau dưới một tổ chức. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng xác nhận, “Giữa những quyền lợi căn bản của con người, đối với công nhân, cần phải kể đến quyền được tự do lập những hiệp hội để có thể thực sự đại diện cho họ và góp phần vào việc tổ chức đời sống kinh tế một cách tốt đẹp” (Gaudium et Spes, # 68).
89. Vai trò của các hiệp đoàn lao động như thế nào?
HTXH nhấn mạnh đến vai trò các hiệp đoàn này như là những phương tiện hữu hiệu nhất để đòi hỏi những quyền lợi nhằm phục vụ cho mọi phần tử của tập thể, để nhờ đó mỗi cá nhân có cơ hội tốt hơn để chăm sóc cho thể chất, tinh thần cũng như đảm bảo điều kiện vật chất. Tuy nhiên, cần nên nhớ rằng, các hiệp đoàn cần phải nhắm tời sự hoàn thiện tôn giáo và luân lý như là mục đích nền tảng cho kế hoạch hoạt động (cf. Quadragesimo Anno, # 31, 32).
90. HTXH đề cập đến vấn đề đình công của người công nhân như thế nào?
Đình công là một quyền chính đáng của người thợ. Thực vậy, “trong hoàn cảnh hiện tại, đình công, dầu là một phương tiện cuối cùng, song vẫn là phương tiện cần thiết để bênh vực những quyền lợi riêng và thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của công nhân” (Gaudium et Spes, # 68). Sách GLCG cũng nhấn mạnh điểm nay khi nói rằng, “Về mặt luân lý, đình công là việc chính đáng, khi đó là một phương thế không tránh được hoặc cần thiết, để đạt được lợi ích tương xứng. Ðình công không thể chấp nhận được về mặt luân lý, khi kèm theo bạo động hoặc khi chỉ được dùng nhằm những mục tiêu không trực tiếp liên hệ đến các điều kiện làm việc hay trái nghịch với công ích” (GLCG 2435). Vậy khi đình công xảy ra, vấn đề lắng nghe và đối thoại trong sự tôn trọng giữa những tổ chức liên hệ là điều kiện cần thiết để giải tỏa cuộc tranh chấp càng sớm càng tốt.
Nạn Nghèo Đói và Lòng Từ Thiện (287-310)
91. Tình trạng nghèo đói trong thế giới loài người hôm nay ra sao?
Không cần phải phân tích những con số thống kê về tỉ lệ nghèo đói, thực tế cho thấy vô số nạn nhân gồm nhiều thành phần từ trẻ em, người trưởng thành đến người già yếu đều đang sống trong tình trạng đói nghèo. Nói cách khác, rất nhiều nhân vị đang gánh chịu sự nghèo đói một cách bất công. Mỗi ngày nhiều nơi trên thế giới hàng triệu con người đang sống trong tuyệt vọng; khốn thay, tình trạng này mỗi ngày một xấu đi. Nhìn vào bức tranh ảm đạm này, chúng ta thấy hàng triệu con người hàng ngày không có đủ thức ăn, nước uống, nhà cửa, y tế, việc làm (cf.Sollicitudo Rei Socialis, #13 &14). Thật đáng buồn, bức tranh nghèo đói này là có thật và đang tiếp tục diễn ra hàng ngày trong thế giới văn minh của loài người chúng ta.
92. Giáo hội bên vực phẩm giá cho những người nghèo như thế nào?
Giáo hội nhận thức và dạy cho con cái mình rằng: Những người nghèo đói không phải là những người bị mất ân sủng trước mặt Thiên Chúa; vì thực ra, không ai hổ thẹn vì phải tần tảo để nuôi sống cho bản thân mình. Thực vậy, Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chấp nhận làm người con của bác thợ mộc và lao động hằng ngày để mưu sinh. Như thế, khi chiêm niệm Gương Thánh này, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng: phẩm giá đích thực nơi con người ẩn chứa trong đời sống luân lý, đức hạnh [chứ không phải ở địa vị hay chức quyền]. Như thế, người nghèo khổ hay giàu sang đều có khả năng như nhau để đạt được cuộc sống đức hạnh, và phần thưởng hạnh phúc vĩnh cửu sẽ dành cho những ai thực hành đời sống đạo đức ấy. Hơn thế nữa, Đức Giêsu luôn luôn ôm vào lòng những người nghèo khổ và bị ngược đãi với một lòng thương xót đặc biệt. Ngài gọi những người nghèo là những người được chúc phúc; đồng thời Ngài cũng mời gọi những ai nghèo khổ bất hận hãy đến với Ngài để tìm sự an ủi nghỉ ngơi (cf. Rerum Novarum, # 23–24).
93. Theo tin thần HTXH, chúng ta nên hiểu nghèo đói trong thế giới đương đại theo những ý nghĩa nào?
Theo thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, ngoài sự nghèo đói về thể chất, thế giới hôm này đang trải qua những nạn đói nguy hiểm khác. Cụ thể, đó là sự tước đoạt hay giới hạn quyền của con người: như quyền tự do tôn giáo, quyền tham gia chia sẻ trách nhiệm xây dựng xã hội, quyền tự do thành lập các hiệp hội tổ chức cũng như quyền phát kiến trong các lãnh vực kinh tế. Tước đoạt hay giới hạn những quyền này phải chăng đó là một hình thức tồi tệ hơn sự tước đoạt tài sản vật chất (cf. Sollicitudo Rei Socialis #15)? Thực vậy, phần lớn con người trong xã hội hôm nay không tìm thấy phẩm giá của họ trong những nơi làm việc. Như thế, nếu họ không bị bốc lột thì họ cũng bị xô đẩy ra bên lề xã hội. Bên cạnh đó rất nhiều nạn nhân khác hàng ngày vẫn tranh đấu để dành lấy những nhu cầu tối thiểu nhất cho họ. Thật không may, tại thế giới thứ ba có rất nhiều nạn nhân đang sống trong tình trạng này (cf.Centesimus Annus, n. 33).
94. Công bằng xã hội cần được hiểu như thế nào?
Công bằng xã hội được áp dụng cho hết tất cả mọi người, người làm chủ cũng như là người làm công. Bản chất của công bằng xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân phải góp phần xây dựng công ích. Vì thực ra, đức công bằng trước hết là một nhân đức thuộc phạm trù luân lý cũng như pháp lý. Công bằng giúp xây dựng tổng thể chứ không phá vỡ; nó dẫn đến hòa giải chứ không trả thù. Tự trong bản chất sâu thẳm, đức công bằng được bắt nguồn từ đức ái mà hình thái biểu lộ của đức ái là lòng thương xót, vị tha. Vì thế, nếu chỉ áp dụng công bằng mà không có lòng thương xót, thì nó sẽ trở thành tê cứng và vô cảm (cf. World Day of Peace Message, 1998, # 1).
95. HTXH đề cập đến công bằng và bái ái ra sao?
“Chúng ta phải thừa nhận rằng, lòng thương xót chân thật là sự khởi nguồn của đức công bằng.” Lòng thương xót đối với Kitô hữu một nghĩa nào đó chính là sự hiện thân của sự bình đẳng giữa con người với nhau; vì thế nó cũng là sự hiện thân một cách hoàn hảo nhất cho đức công bằng. Tuy nhiên, sự bình đẳng được mang lại do bởi đức công bằng thì bị giới hạn bởi những điều kiện yếu tố ngoại cảnh, trong khi tình yêu và lòng thương xót sẽ giúp con người gặp nhau trong bản chất của nhân vị con người (cf. Dives in Misericordia, # 14).
96. Công bằng trong mối quan hệ quốc tế nên được hiểu như thế nào?
Việc quan trọng nhất trong lãnh vực công bằng là mỗi quốc gia được quyền phát triển theo tiêu chuẩn của quốc gia đó mà không bị ảnh hưởng bởi sự thống trị về mặt kinh tế hay chính trị của quốc gia khác. Mối phức tạp sẽ gia tăng khi có sự đan quyện và phụ thuộc vào nhau. Vì thế, các quốc gia cần can đảm thực hiện việc cải thiện mối quan hệ với nhau. Những vấn đề [phá vỡ mối quan hệ] có thể là từ sự phân phối sản phẩm, cơ cấu trao đổi, sự quản lý lợi nhuận, hệ thống tiền tệ cho đến vấn đề khuôn mẫu phát triển của các nước giàu cũng như là thay đổi hướng nhìn của con người. Tất cả vấn đề này phải được đặt trong mối quan hệ tất cả mọi con người là một khối thống nhất. Khi nhận thức điều này, các quốc gia sẽ hiểu được rằng: Làm mới lại các quan hệ với nhau và thực hiện bổn phận xây dựng cộng đồng quốc tế là trách nhiệm hàng đầu của họ (cf. Octogesima Adveniens, n. 43).
97. Thực thi lòng bác ái có phải là thực thi công bằng không?
Thưa phải, vì bác ái là cội nguồn của công bằng. GLCG số 1889 dạy rằng, “Ðức mến là điều răn mang tính xã hội cao nhất. Ðức mến tôn trọng tha nhân và các quyền lợi của họ, đòi buộc thực thi công bình mà chỉ có đức mến mới giúp ta thực hiện được. Ðức mến thúc đẩy chúng ta sống dấn thân: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17, 33).”
98. Giúp đỡ người nghèo có phải là xây dựng phẩm giá con người không ?
Trong khi thúc đẩy phát triển phẩm giá con người, Giáo hội thể hiện lòng thiên vị giúp đỡ người nghèo và người người vô danh, bởi vì Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy thân phận nghèo ở giữa những người nghèo một cách đặc biệt (cf. Mt 25:40). Tình yêu này không loại trừ một ai. Vì quả thật truyền thống Giáo hội đã chứng minh, chính lòng thương xót người nghèo đã khơi dậy trong chúng ta khả năng muốn ôm chầm lấy những người đói khổ, nghèo túng, vô gia cư, bệnh tật và đặc biệt là những ai đang sống trong tuyệt vọng không có tương lai (cf. Ecclesia in Asia, # 34). Và như thế, giúp đỡ người nghèo là cách thức trực tiếp giúp con người phát triển phẩm giá cho chính bản thân và đồng loại.
99. Ai là người có trách nhiệm giúp đở người nghèo?
Giáo hội đã nhiều lần dạy bảo con cái mình rằng: giúp đỡ người nghèo và người kém may mắn là  một trách nhiệm đặc biệt của người công giáo bởi vì họ là chi thể của Thân Thể Chúa Kitô. “Vì chính trong Thân Thể này chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa,” như tông đồ Gioan cho chúng ta biết: “đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được” (I Jn 3: 16-17) (cf. Mater et Magistra, # 159).
100. Mức độ can thiệp của nhà nước về vấn đề “an sinh xã hội” cho người dân như thế nào?
Trong lãnh vực an sinh xã hội cũng vậy, nhà nước nên cân nhắc và áp dụng nguyên tắc hổ trợ cho thấu đáo: “Một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩp quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu ích chung.” Có như thế, sự tự do của người dân sẽ không bị tổn thương và nhân vị của họ cũng được tôn trọng (cf. Centesimus Annus, # 48).
Môi Trường, Cộng Đồng Quốc Tế, và thực hành HTXH (311- 369)
101. Kinh Thánh nói lên ý nghĩa của môi trường như thế nào?
Sách Sáng Thế đoạn 1 câu 25 miêu tả, “Và Thiên Chúa thấy tất cả đều tốt đẹp.” Những lời này của trang đầu Kinh Thánh tỏ cho chúng ta thấy ý nghĩa của những gì Thiên Chúa đã làm, và sau đó chính Ngài đã trao đặc quyền cai quản mặt đất cho con người (cf. St 2:15). Điều này cho thấy mỗi con người đều có một trách nhiệm cụ thể trong lãnh vực môi trường sinh thái. Con người có trách nhiệm với môi trường mà Thiên Chúa ban cho họ nhằm để phẩm giá và sự sống của họ được hoàn thiện trong chính môi trường ấy. Con người có trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ giới hạn trong hiện tại, nhưng cũng còn có trách nhiệm đối với thế hệ tương lai (cf. Evangelium Vitae, # 42). Vậy khi chu toàn bổn phận này, con người có khả năng vượt qua lối sống ích kỷ là nguyên nhân dẫn tới việc huỷ diệt những tài nguyên tự nhiên (cf. Ecclesia in America, # 25).
102. Thế giới hôm nay phải đối diện những vấn đề môi trường như thế nào?
Thực tế cho thấy, hậu quả của việc khai thác các nguồn tài nguyên một cách bừa bãi với một tinh thần thống trị tuyệt đối đã gây ra mối nguy hại vô cùng nghiêm trọng không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho thế hệ tương lai. Tất cả chúng ta đều nhìn thấy hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của nền công nghiệp hoá. Chúng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ con người (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 34). Như thế, việc phát triển công nghiệp mà thiếu ý thức về môi trường thì góp phần vào việc huỷ diệt hơn là xây dựng.
103. Môi trường có liên quan đến đạo đức không?
Thưa có, chúng ta cần nhớ rằng, quyền cai quản mà Thiên Chúa ban tặng cho con người không phải là một quyền tuyệt đối; cũng không phải là sự tự do muốn thì dùng không muốn thì bỏ đi như ý mình. Nhưng ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đặt con người trong giới hạn của loài thọ tạo bằng hình ảnh không được ăn trái cấm (cf. Gn 2:16-17). Như vậy, vấn đề môi trường không chỉ đơn thuần là vấn đề sinh học, nhưng cũng là vấn đề luân lý, đạo đức (cf.Sollicitudo Rei Socialis, # 34).
104. Nguyên nhân sâu xa của sự huỷ diệt môi trường do từ đâu?
Trong tâm thức của con người hôm nay mang hai nỗi âu lo. Một mặt họ lo lắng về vấn đề môi trường, mặt khác họ cũng lo lắng về sự an toàn hưởng thụ của họ. Con người hôm nay muốn sở hữu và hưởng thụ hơn là muốn lớn lên trưởng thành. Con người sử dụng các nguồn thiên nhiên và bản thân họ một cách thái quá và rối loạn. Thực ra cốt lõi của sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên bắt nguồn từ sự nhận thức sai lầm của loài người; nhưng thật không may điều này ngày càng lan rộng trong thời đại chúng ta. Con người nhận thức rằng mình có khả năng để cải tạo thế giới nhưng họ lại quên rằng khả năng này phải dựa vào Thiên Chúa. Chính vì thế, thay vì thực hiên vai trò là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng, con người lại muốn thế chỗ Thiên Chúa; họ muốn áp đặt hơn là phục tùn Người (cf. Centesimus Annus, # 37). Đó chính là nguyên nhân sâu xa của thảm trạng cho môi trường của thế giới loài người hôm nay.
105. Môi trường liên quan đến phẩm giá con người ra sao?
Việc thúc đẩy phẩm giá con người liên quan đến việc tái tạo một môi trường lành mạnh. Vì thực ra quyền này nêu bật tính đa dạng của mối quan hệ giữa mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Thế giới hiện tại và tương lai phụ thuộc vào sự ổn định môi trường, bởi vì con người và môi trường có một mối liên hệ vô cùng chặt chẽ. Đặt con người vào trung tâm của những vấn đề môi trường là cách thức chắc chắn nhất để ổn định môi trường (cf. World Day of Peace Message, 1999, # 10).
106. Gia đình nhân loại gồm những ai?
Theo mạc khải từ Kinh Thánh, Thiên Chúa tác tạo người nam và người nữ theo hình ảnh của Người. Mối giây liên kết giữa con người với Đấng Tạo Hóa đảm bảo cho người nam và người nữ phẩm giá và những quyền căn bản không gì có thể thay thế được. Những quyền này hiển nhiên là nhằm hướng đến những người khác. Không một cá nhân, tổ chức hay chính quyền nào được phép tước đoạt những quyền căn bản này. Nguồn Mạc Khải đã khẳng định rằng: mọi người đều được Thiên Chúa tạo dựng và cùng chung một cội nguồn. Như thế, dù hoàn cảnh lịch sử có làm cho con người phân tán hay thậm chí có sự khác biệt giữa con người với nhau, thì theo kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, mọi người cùng thuộc về một gia đình nhân loại; mọi người đều thuộc về Thiên Chúa (cf. The Church and Racism, # 19–20).
Như thế, khi chúng ta ý thức mọi người đều chia sẻ chung một người Cha, cùng là anh em trong Đức Kitô và cùng hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ có một cái nhìn mới về thế giới và vạn vật trong mối hiệp nhất liên kết với nhau (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 40).
107. HTXH đề cập về tự do mậu dịch trong quan hệ quốc tế như thế nào?
Tất cả mối liên hệ giữa các cộng đồng quốc gia với nhau cũng như trên bình diện quốc tế, cần phải được thiết lập dựa trên sự công bằng. Mối quan hệ này không được ỷ vào sức mạnh, nhưng vượt xa hơn, đó là cùng đi đến sự thoả thuận với nhau nhằm phục vụ cho mục đích thiện hảo. Nếu mối quan hệ chỉ dựa vào quyền lực thì không bào giờ có thể thiết lập sự công bằng một cách lâu dài và bền vững được. Quả thực, dùng quyền lực chỉ sẽ tạo thêm sự phản kháng và tư đó dẫn tới bạo lực (cf. Octogesima Adveniens, # 43).
Thực tế cho thấy, có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển trong lãnh vực mậu dịch thương mại. Vì thế, mối quan hệ này cần phải có tính nhân bản, đạo đức và công bằng xã hội. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội bình đẳng cho những quốc gia tham gia. Muốn đạt được điều đó, hai bên cần có những cuộc đàm phán dựa trên tính bình đẳng một cách thực sự. (cf. Populorum Progressio, # 61).
108. Chúng ta cần hiểu khái niệm “hòa bình” như thế nào?
“Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là “công trình của công bằng” (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động… Như thế, hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi.
Như vậy, hòa bình ấy chỉ có được trên trần gian, nếu giá trị của từng cá nhân được đảm bảo và mọi người tin tưởng cũng như tự nguyện san sẻ cho nhau những của cải tinh thần và tài năng của họ. Ý chí cương quyết muốn tôn trọng người khác, những dân tộc khác cũng như phẩm giá của họ và sự ân cần thực thi tình huynh đệ là những điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình. Như thế, hòa bình cũng là kết quả của tình thương, một thứ tình thương vượt xa những gì công bằng có thể đem đến” (Gaudium et Spes, # 78).
109. Giáo hội có trách nhiệm gì đối với những người nhập cư?
Chúng ta cần thừa nhận rằng, Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề nhập cư, tị nạn. Những người tị nạn mang theo giá trị văn hoá và tôn giáo của họ. Vì thế Giáo hội Hoa Kỳ cần ý thức sứ mạng của mình bằng cách bảo vệ quyền lợi của những người nhập cư và tôn trọng phẩm giá của họ. Những người này cần được đón tiếp với lòng hiếu khách và khuyến khích họ trở thành phần tử của Giáo hội địa phương. Dầu vậy, việc này cần phải tôn trọng sự tự do và nét văn hoá đặc thù của họ (cf. Ecclesia in America, # 65).
110. Giáo hội mời gọi con cái mình thực thi HTXH như thế nào?
Giáo hội không gởi đến con cái mình HTXH như chỉ là những lời dạy lý thuyết. nhưng trên hết, HTXH làm nền tảng và động lực cho con cái mình hành động. Quả vậy, nhờ vào sứ điệp Phúc Âm về vấn đề xã hội, những tín hữu sơ khai đã chia sẻ của cải cho người nghèo. Điều này cho thấy, dù có sự khác biệt giữa con người với nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể sống chung với nhau trong đầm ấm, hòa bình.
Hơn lúc nào hết, Giáo hội ý thức rằng hành động sẽ tạo ra sự tin tưởng và tính nhiệm hơn, thay vì chỉ là lời giảng dạy về lý thuyết. Mỗi người hãy xét mình xem mình đã làm những gì mà mình có bổn phận phải làm. Nếu chỉ nêu ra những nguyên tắc, khái niệm hoặc chỉ ra những sự bất công và kết án nhau, thì những khái niệm này sẽ vô nghĩa; vì thực ra mỗi cá nhân cần ý thức trách nhiệm của mình bằng những hành động cụ thể sống động (cf. Centesimus Annus, # 57).
Niềm hy vọng của người Kitô hữu chính là niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng đang hành động trong thế giới loài người qua Giáo hội là thân thể của Ngài; đồng thời qua Giáo hội, toàn thể nhân loại sẽ được hưởng ơn cứu độ. Ngoài ra, niềm hy vọng này cũng bắt nguồn từ sự thật rằng mọi người khác khi đảm nhận phận vụ mình, họ cùng nhắm đến một mục đích chung nhằm phục vụ cho công lý và hòa bình. Thực ra, bên dưới những thái độ dửng dưng thì tự trong thâm tâm mọi người, họ đều có chung một ý nguyện sống với nhau trong tình huynh đệ và cùng khao khát cho công lý và hòa bình (cf. Octogesima Adveniens, # 48).
Lời cám ơn
Xin Chúa chúc lành cho những tâm hồn đang thao thức sống HTXH mà phải trả giá bằng mạng sống, lao tù, ngược đãi. Ước chi những hạt giống ấy sẽ góp phần nở thêm hoa công bằng và bái ái cho Việt Nam.
 
Brother Huynhquảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét