Trang

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

I. Khái niệm về kinh tế

Trong tiếng Việt, “kinh tế” gốc bởi “kinh bang tế thế” (trị nước, giúp đời). Lúc đầu được hiểu về hoạt động chính trị (trị nước, sắp đặt việc nước); ngày nay, được hiểu về việc sản xuất vật dụng tiền của. Các từ ngữ gắn liền: kinh doanh, kinh tài, tài chánh. 

Thực ra, “kinh tế” được dùng để chuyển dịch các từ ngữ Âu châu: économie, économique (Pháp), economics (Anh), gốc bởi tiếng Hy-lạp oikonomia, gồm bởi oikos (nhà) và nomos (quy tắc): quy tắc quản trị gia đình; từ đó áp dụng cho người quản lý, người phân phát[1]. Từ chỗ quản lý tài sản trong gia đình, danh từ này được mở rộng đến việc quản trị tài sản của các cộng đồng rộng lớn hơn: quốc gia, quốc tế. 

Cũng nên biết là động từ économiser có nghĩa là “tiết kiệm” (tiếng Anh là to economize). 

B. Sự phát triển của môn kinh tế học 

Kinh tế (với các đề tài sản xuất, mua bán, tiền bạc) là một đề tài được nghiên cứu từ xưa, trong các ngành triết học, luật học. Thần học luân lý cũng bàn đến kinh tế trong phạm vi của đức công bằng. Kinh tế học trở thành một khoa học tự lập kể từ thế kỷ XVII. Kinh tế học bao gồm nhiều chuyên ngành: lý luận (lý thuyết) hoặc ứng dụng, vi mô hay vĩ mô. Dù sao, sinh hoạt kinh tế không chỉ liên quan đến các kinh tế gia hoặc các doanh nhân, nhưng còn đến các nhà chính trị, luật gia[2], và nhiều ngành xã hội học khác. 

Trong những thế kỷ gần đây, các nhà kinh tế đòi hỏi cho mình một quy chế hoạt động tự lập: kinh tế có những định luật riêng của nó (cũng tương tự như các khoa học khác), không chịu sự kiểm soát của luân lý hay pháp luật. Điều này có nghĩa là kinh tế không chịu sự chỉ huy của tôn giáo hay chính trị: đó là chủ trương của thuyết tự do của thế kỷ XIX. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra sau thế chiến thứ nhất, người ta thấy sự cần thiết của Nhà Nước vào hoạt động kinh tế. Tiếc rằng từ một thái cực này (thị trường tự do phi luật lệ), người ta lại rơi sang thái cực đối nghịch (các chủ nghĩa toàn chế). Hơn thế nữa, ngoài sự kiểm soát của pháp luật và chính trị, hoạt động kinh tế còn cần được hướng dẫn bởi các quy tắc luân lý. Chúng ta hãy ôn lại vài dữ kiện lịch sử. 

1. Hoạt động kinh tế bắt nguồn từ mối tương quan giữa con người với những đồ vật hiếm hoi và hữu dụng. Vì thế nguyên lý căn bản của kinh tế là luật cung cầu : “vật gì càng cần và càng hiếm thì càng có giá trị; và giá trị của đồ vật sẽ giảm dần khi nó trở thành dồi dào”. Từ sau cách mạng Pháp, định luật này cũng được áp dụng cho lao động, coi sức lao động cũng tựa như món hàng tuỳ theo luật cung cầu: theo nguyên tắc tự do cạnh tranh, khi số cung của công nhân mà tăng thì tiền lương trả cho họ sẽ giảm. Đó là chủ trương của thuyết tự do, và nó đã đưa đến biết bao nhiêu bất công xã hội. Điều sai lạc của thuyết đó nằm ở chỗ họ chủ trương rằng định luật đó không thể nào điều chỉnh được. 

Trong bối cảnh ấy, người ta thấy cần phải phát biểu nguyên lý căn bản thứ hai của kinh tế học là: luật tương tác trong các giao dịch, nhằm điều chỉnh các khuynh hướng của thị trường hướng theo Công ích. Định luật này trở thành điều kiện để cho luật cung cầu có thể hoạt động đứng đắn, không làm cho kinh tế của một quốc gia bị lệch lạc. Theo nguyên lý này, sau khi một số hàng hóa đã được sản xuất thì sẽ xảy ra một sự trao đổi. Cần làm thế nào để không xảy ra sự chênh lệch giữa các lãnh vực khác nhau, nghĩa là đừng để cho lãnh vực nào phải tiến hay lùi do hiệu quả của sự trao đổi. Nguyên lý này mang tính cách chính trị nhằm bảo đảm công ích, nhưng cũng sớm trở thành nguyên lý kinh tế học, bởi vì nếu nó không được tuân thủ thì những cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra. Kinh tế là một sự giao dịch, và guồng máy kinh tế đòi hỏi sự quân bình giữa bốn lãnh vực nền tảng đó là : a) sản xuất (nguyên liệu); b) kỹ nghệ; c) phân phối; d) tài chính. Tất cả bốn lãnh vực đều liên hệ chặt chẽ với nhau vào bổ túc cho nhau: nếu một lãnh vực nào tăng trưởng mà không mang theo sự tăng trưởng của các lãnh vực khác thì sẽ làm thiệt hại cho bộ máy kinh tế. 

Kinh tế được hình thành bởi những cuộc trao đổi giữa người bán và kẻ mua: người bán ở thế lợi (bởi vì tượng trưng việc cung); người mua ở thế thiệt (bởi vì tượng trưng việc cầu). Khi bảo vệ quyền lợi của mình, người mua ở thế thua thiệt hơn là người bán; người bán có thể bắt chẹt người mua. Khi giao dịch, nếu một lãnh vực nào mà người mua mạnh hơn người bán, thì lãnh vực đó bị thiệt; trái lại lãnh vực nào mà người bán mạnh hơn người mua thì lãnh vực đó có lợi. 

Thí dụ người công nhân là một người mua: họ lãnh lương mà không có quyền ấn định giá cả của việc làm; do đó lãnh vực lao công luôn luôn bị thiệt thòi nếu không có sự điều chỉnh giao dịch. Ngược lại, lãnh vực tài chính được so sánh như người bán (bán dịch vụ vận chuyển tư bản) và luôn luôn được lời so với các lãnh vực khác. Chế độ kinh tế tự do gây ra một sự lệch lạc trong sự giao dịch, bởi vì lãnh vực công nhân luôn bị thiệt, lãnh vực sản xuất bị thiệt so với lãnh vực công nghệ, lãnh vực công nghệ bị thiệt so với lãnh vực phân phối, và lãnh vực phân phối bị thiệt so với lãnh vực tài chính. Theo dòng thời gian, lãnh vực tài chính sẽ tăng phồng lên, và lãnh vực công nhân sẽ bẹp xuống; như thế cuộc khủng hoảng kinh tế là điều không thể tránh được: bởi vì khi lương công nhân giảm xuống thì khả năng tiêu dùng cũng giảm, và sự sản xuất cũng bị ngưng trệ. 

2. Trong lịch sử cận đại, người ta thường đối chọi hai chủ nghĩa kinh tế tư bản và xã hội. Thông điệp Centesimus annus bác bỏ cả hai bên: không thể chấp nhận một chế độ kinh tế đặt tư bản lên trên con người; không thể chấp nhận chế độ xã hội bởi vì nó cũng là một thứ chế độ tư bản của Nhà Nước. Thông điệp cổ võ một chế độ dựa trên lao động tự do, doanh nghiệp (hiểu như cộng đồng của những con người), sự tham gia. Thị trường được chấp nhận như là một khí cụ hữu hiệu để khai thác các tài nguyên và đáp ứng cho các nhu cầu; tuy nhiên thông điệp đòi hỏi rằng thị trường phải được kiểm soát bởi các lực lượng xã hội và bởi Nhà Nước (xc. GLCG số 2424-2425). 

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là từ nay cứ để mặc hoạt động kinh cho sự thao túng cho chủ nghĩa tư bản. Thông điệp Centesimus annus đã dành ra số 42 để phân biệt những khía cạnh tích cực và tiêu cực của chủ nghĩa tư bản (capitalisme), được sách TLHT lặp lại ở số 335[3]. Xem ra đoạn văn muốn cho thấy hai bộ mặt của chủ nghĩa tư bản, được biểu lộ qua hai mô hình: a) mô hình sông Rhin (Đức, Ý, Nhật); b) mô hình Anh Mỹ (thuyết tân tự do). 

HTXH chấp nhận giá trị tích cực của thị trường và doanh nghiệp, những đòi hỏi rằng nó phải hướng về công ích. Nhà Nước cần can thiệp, không phải để tham gia hoạt động kinh tế, nhưng là điều hành theo nguyên tắc hỗ trợ (TLHT số 351-353).. 

C. Học thuyết xã hội và sinh hoạt kinh tế 

Như vậy, Giáo hội lên tiếng về các vấn đề kinh tế dưới khía cạnh luân lý[4]. Cũng như đối với các lãnh vực xã hội khác, Giáo hội muốn bảo vệ những quyền lợi của con người, xét theo từng cá nhân cũng như xét theo cộng đồng nhân loại. 

Dĩ nhiên, tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá các hành vi luân lý là Lời Chúa. Tuy nhiên, khi trình bày đạo lý trong lãnh vực kinh tế xã hội, Giáo hội sử dụng ngôn ngữ của triết học ngõ hầu có thể đối thoại với mọi người dù thuộc các tín ngưỡng khác hay không theo tôn giáo nào. Nói cho cùng, ngôn ngữ triết học chính là ngôn ngữ của lý trí: Giáo hội sử dụng dùng những luận cứ của lý trí để thuyết phục những ai muốn hành động theo chân lý. Chúng tôi cũng muốn theo đường hướng đó: trong phần thứ hai, chúng tôi sẽ trình bày quan điểm của Hội thánh về đời sống kinh tế dựa theo triết học, và để dành giáo huấn Kinh thánh cho phần kết luận. Như sẽ thấy, Kinh thánh không chỉ giới hạn vào tương quan giữa con người trong cuộc sống trần thế này, nhưng còn muốn chỉ ra con đường hướng về Nước Thiên Chúa của thời cánh chung nữa. Điều này đòi hỏi con người sống “khó nghèo về tinh thần” (khác với sự nghèo nàn vật chất). 

Riêng về mối tương quan giữa luân lý và kinh tế, thiết tưởng nên ghi nhận ba điểm sau đây: 

1/ Giáo huấn xã hội của Hội thánh vừa gồm có những nguyên tắc bền vững vừa gồm những định hướng hành động theo hoàn cảnh tình thế (xc. TLHT số 7; 85): chúng ta sẽ có dịp theo dõi sự tiến triển của GHXH về một vài đề tài chẳng hạn như về quyền tư hữu, đó là chưa nói đến những “vấn đề mới” (res novae) đang biến chuyển. 

2/ Không chỉ Giáo hội Công giáo mới quan tâm đến khía cạnh luân lý và kinh tế; nhiều Giáo hội, tôn giáo khác cũng lên tiếng, và thậm chí cả các nhà kinh tế học nữa, chẳng hạn như giáo sư Amartya Sen, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1998. Việc tôn trọng luân lý không làm ngăn cản sự tiến triển của kinh tế nhưng còn giúp cho nó phát triển tốt đẹp nữa. 

3/ Ngoài ra, ảnh hưởng của tôn giáo đối với hoạt động kinh tế đã trở thành một đề tài nghiên cứu của các nhà xã hội học từ đầu thế kỷ XX. Đang khi mà Karl Marx cho rằng tiến trình sản xuất đã sinh ra tôn giáo, thì Max Weber (1864-1920) đã chứng minh ngược lại: tôn giáo là chìa khoá giải thích sự phát triển kinh tế[5]. Những cuộc nghiên cứu vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay[6]

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------


[1] Trong thần học, economia salutis được hiểu như là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện từng chặng trong suốt lịch sử (xc. Sách GLCG số 1066); economia sacramentalis được hiểu về sự phân phát các hiệu quả ơn cứu đô qua các nhiệm tích (xc. Sách GLCG số 1076). 
[2] Trước năm 1975, môn kinh tế học là một trong ba chuyên ngành của luật khoa (hai ngành kia là: tư pháp và công pháp). 
[3] “Nếu hiểu ‘chủ nghĩa tư bản’ là một hệ thống kinh tế nhìn nhận vai trò căn bản và tích cực của kinh doanh, nhìn nhận thị trường, quyền tư hữu và trách nhiệm về hậu quả đối với các phương tiện sản xuất, cũng như sự sáng tạo tự do của con người trong địa hạt kinh tế, thì câu trả lời về sự đánh giá chắc chắn là tích cực, dù có lẽ nên nói đó là nền “kinh tế thương mại”, “kinh tế thị trường”, hay đơn giản hơn là nền “kinh tế tự do”, thì thích hợp hơn. Còn nếu hiểu ‘chủ nghĩa tư bản’ là một hệ thống, trong đó tự do kinh tế không hề bị giới hạn trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc mà khuôn khổ này lại đặt tự do kinh tế để phục vụ sự tự do của con người xét như một tổng thể và hệ thống này lại coi tự do kinh tế chỉ là một khía cạnh đặc biệt của sự tự do toàn thể, còn cốt lõi của sự tự do toàn thể này mới có tính cách đạo đức và tôn giáo, thì câu trả lời về sự đánh giá của Giáo Hội chắc chắn là tiêu cực”. 
[4] Nhiều điều sắp nói dưới đây nằm trong Sách GLCG, đặc biệt là khi bàn về điều răn thứ bảy (số 2419-2449). 
[5] Tác phẩm Luân lý Tin lành và tinh thần tư bản, xuất bản năm 1905. 
[6] Thí dụ: Patrick J. Welch - J.J. Mueller, The Relationships of Religion to Economics, Review of Social Economy, Vol. LIX (2001), No 2. - “The economy and religion” Concilium 2011 n.5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét