Trang

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Phần IV


Thông điệp Tân Sự (kỳ 4)
VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC
25. Hành động chung của tất cả mọi người
Tuy nhiên muốn cho công cuộc kết quả theo ý sở nguyện, Giáo hội cần phải nhờ những tổ chức trần thế nữa. Tất cả mọi người bận trí về vấn đề phú bần và thành thực tìm giải pháp, đều nhằm chung một mục đích, và cộng tác với nhau chặt chẽ, mỗi người trong phạm vi riêng của mình. Công cuộc này như in ảnh Chúa quan phòng quản trị thế giới.
Chúng ta đã nghiệm rằng: sự thường những công việc và những biến cố tùy thuộc nhiều nguyên cớ khác nhau, cũng là kết quả bởi những nguyên cớ do hành động phối hợp với nhau.
Vậy, để giải quyết vấn đề phú bần này, ta có thể đòi hỏi những gì ở các chính phủ quốc gia? Khi nói về chính phủ quốc gia là không có ý chỉ riêng những chính phủ hợp pháp, được thiết lập do dân nọ nước kia mà thôi. Ta có ý chỉ bất cứ chính phủ nào xứng với quy điều của thiên nhiên giáo lý của Chúa và cả những huấn từ Ta đã tuyên bố, đặc biệt trong bức thông điệp “hiến pháp kitô hữu của xã hội quốc gia”.
26. Phục vụ công ích
Quốc trưởng nào cũng phải nhờ luật pháp và chế độ quốc gia, để góp phần chung vào việc giải quyết các vấn đề, nghĩa là họ phải hành động thế nào cho hiếp pháp và tổ chức hành chánh gây nên sự thịnh vượng toàn quốc và riêng cho từng công dân. Vì đó là vai chính của mọi chính khách khôn ngoan và phận sự riêng của các nhà cầm quyền.
Vậy quốc gia thịnh vượng bởi những gì?
Thưa bởi thuần phong mỹ tục: những gia đình căn cứ vào nền trật tự và luân lý, một đời sống tôn giáo thành thực, một lòng tôn trọng đức công bằng, một tổ chức thâu thuế phải lẽ, phân chia công vụ vô tư lợi, một tổ chức công thương tân tiến, canh nông thịnh lợi, và các ngành tương đương cần phải mở mang để tăng thêm tiện nghi phúc lợi cho toàn dân.
Quả thực đó là những phương tiện chính phủ dùng để mưu ích cho đủ mọi giai cấp xã hội nói chung và cho giai cấp lao động bớt phần cực khổ nói riêng. Chính phủ toàn quyền đến việc đó, không phải sợ ai chỉ trích vì đã can thiệp vào việc kẻ khác. Chính vì nhiệm vụ chính quyền phải phục sự công ích.
Dĩ nhiên những lợi ích chung do chính quyền lưu tâm và gân nên, càng tăng lên thì người ta càng ít cần đến những phương tiện khác mà sửa chữa số phận của phái lao động.
27. Tư cách công dân chung và tổ chức tư pháp phân phối
Nhưng đây còn một nhận xét chú trọng đến vấn đề ta đang thảo luận! xã hội tồn tại vì một lý do duy nhất và liên hệ tới tất cả mọi công dân lớn nhỏ phú bần. Theo luật tự nhiên bần dân cũng như phú gia đều là công dân bình quyền như nhau: nghĩa là bần dân cũng là phần tử hiện thực và sống động kết thành những gia đình, và nhờ đó kết thành toàn thể quốc gia. Nói cho đúng, ở bất cứ quốc gia nào bần nhân kể như là đa số. Lo một hạng công dân mà lãng quên mọi hạng khác, thì tất là phi lý. Chính vì lý do đó mà chính quyền nhất định phải dùng những biện pháp thích hợp để bảo vệ mạng sống và quyền lợi của phái lao động. Lỗi phận sự ấy là lỗi công bằng tuyết đối vốn buộc rằng của ai phải trả cho kể ấy. Về điểm ấy Thánh Thomas có câu đầy ý nghĩa: phần tử và toàn thể nói được là một. Thành ra cái gì là của toàn thể cũng nói được là của từng phần tử vậy (2a 2ae 61 đoạn 1,2).
Bởi thế, trong những nghĩa vụ hệ trọng và phức tạp, chính quyền phải đảm nhận để gây công ích cho đúng phép, nghĩa vụ trọng nhất là săn sóc công dân đủ mọi giai cấp, theo những luật lệ ráo riết của công bình xã hội thường gọi là “phân công” thưởng phạt hợp lý.
Tất cả mọi công dân không trừ người nào, đều phải góp phần vào của chung. Đàng khác của chung tất nhiên lại phải hưởng dụng để mọi công dân chia phần lợi. Tuy nhiên, phần góp của từng cá nhân không thể như nhau và cũng không thể bằng nhau được. Bất cứ chế độ và chính thể xã hội phải thay đổi thể nào, thì công dân không bao giờ ở cùng một địa vị ngang nhau được. Công dân khác địa vị và giai cấp là lẽ sống còn của xã hội, thiếu điều đó không ai nghĩ ra một quan niệm xác đáng về xã hội được nữa. Dầu thế nào mặc lòng, trong xã hội phải có những người quản trị lập pháp, xử đoán, rồi giải quyết vấn đề bình loạn; hoặc theo lời cố vấn, hoặc theo lối tự quyết hạ lệnh. Dĩ nhiên những người ấy chiếm được một địa vị cao hơn, và giữ ngôi độc tôn, vì họ phụ trách công ích một cách trực tiếp. Trái lại công dân, góp phần vào công ích, tùy theo nghề nghiệp, chẳng còn phương tiện nào hiệu lực cho bằng.
Nhưng dầu họ chỉ gián tiếp ủng hộ công ích, họ cũng đã góp phần rất lớn vào phúc lợi chung của xã hội. Công ích nói đây tự nhiên phải giúp công dân hoàn thiện đời sống trước đã, nên không ai chối được của chung trước hết thuộc về luân lý và tinh thần. Nhưng hễ xã hội nào được tổ chức tinh xảo, công ích cũng phải bao quát một phần vật chất dư dật. Dầu vật chất chỉ có ích bề ngoài, cũng phải có đủ, thì con người dễ sống đạo đức được. Vậy trong việc sản xuất dồ vật hữu ích này, công nhân ở xưởng máy, nông phu ở đồng quê, nói được là người hiệu lực nhất. Hơn nữa, năng xuất của họ dồi dào đến nỗi Ta buộc lòng nói quả quyết rằng: Quốc gia phú cường hay sa sút, hoàn toàn tùy theo năng lực công nhân và nông phu.
Vì thế, lẽ công bằng buộc chính phủ phải tận tâm chăm lo cho phái lao động.
Chính phủ phải liệu thế nào cho phái lao động được hưởng phần lợi do các của cải của họ cung cấp cho xã hội: họ phải có nhà ở, quần áo và đồ dùng để cho đời sống họ bớt phần khó nhọc và thiếu thốn; thành ra chính phủ phải ủng hộ mọi công cuộc có tính cách cải thiện đời sống công nhân, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chính phủ ân cần với phận sự ấy, không những sẽ không gây thiệt hại cho ai, mà trái lại sẽ mưu ích chung cho các công dân, vì chẳng có gì giúp ích cho dân nước an thịnh, bằng trù liệu thể nào cho người sản xuất đủ đồ dùng cần thiết cho xã hội, cũng thoát khỏi cảnh muôn phần túng cực.
28. Công quyền giữ gìn lợi ích công cộng và riêng tư
Trật tự xã hội theo lời Ta đã nói trên: cấm chính phủ không được chi phối cá nhân và gia đình. Đúng ra thì cả hai phải đủ tự do hành động trong mọi phạm vi không đụng chạm công ích và không làm hại cho kẻ khác. Nhưng dầu sao chính quyền cũng có phận sự phải săn sóc toàn thể và các thành phần của xã hội. Toàn thể, vì Tạo Hóa ủy việc bảo tồn quốc gia cho chính quyền. Vận mạng dân nước không những là quy tắc tối thượng mà còn là nguyên nhân và lý do tồn tại của chính quyền. Thành phần, vì theo luật tự nhiên, không những chính quyền phải mưu ích cho những người hiện đang hành quyền, mà lại phải bảo tồn phúc lợi cho cả công dân phục vụ quyền nữa. Về điểm ấy, triết lý và giáo lý Chúa Kitô đều đồng ý. Ngoài ra, mọi quyền bính đều bởi Thiên Chúa, và chỉ thông phần quyền uy tối thượng của Người. Bởi thế, những người được Chúa ủy quyền thì phải hành quyền ấy theo gương Chúa, là Cha nhân lành, cùng một lòng săn sóc từng con vật, cũng như Người trông nom cả vũ trụ. Thành ra hễ khi nào lợi ích chung hay lợi ích riêng của một giai cấp bị xâm phạm hay lâm nguy, mà không thấy phương cách nào khác để cứu trợ thì tất nhiên phải yêu cầu chính phủ can thiệp.
29. Quốc gia can thiệp để bảo vệ người lao động
Điều kiện cần thiết cho tổ quốc và từng công dân được cứu trợ, là tổ chức trật tự và an ninh ở khắp nơi. Phận sự toàn diện là:
a)       Quy định mọi chi tiết trong gia đình theo Đạo thánh Chúa và luật tự nhiên;
b)       Bắt mọi công dân tôn trong và noi giữ tôn giáo;
c)       Tận tâm bảo vệ thuần phong mỹ tục trong đời sống công và đời sống tư;
d)       Kính cẩn tuân giữ công bằng và không bao giờ để cho một giai cấp nào áp bức một giai cấp khác mà không bị trừng phạt;
e)       Sinh trưởng và giáo dục những thế hệ cường tráng để chống đỡ, và nếu cần bảo vệ non sông nữa.
Bởi vậy nếu phái lao động làm dở dang với công việc, tổ chức đình công vô lý, làm rối cuộc trị an nếu tinh thần thích nới lỏng giữa đám công nhân; nếu tôn giáo bị giầy xéo trong giai cấp lao động, vì chủ nhân làm ngăn trở cho họ khó trọn phận sự đối với Thiên Chúa; nếu trai gái chung lộn hay xảy ra những cuộc khiêu dâm khác, làm bại hoại phong hóa trong xưởng máy; nếu chủ nhân ức bách thợ thuyền quá độ và bất công, lại bắt họ gánh vác những ách nô lệ gian ác trái ngược với nhân phẩm của họ; nếu chủ nhân bắt họ làm những việc quá sức không đúng tuổi tác, không hợp chủng tính nam nữ của họ, thì trong trường hợp đó chính quyền buộc phải dùng luật pháp mà can thiệp tùy theo công lý chỉ dạy. Lý do bắt buộc luật pháp can thiệp, cũng ấn định giới hạn can thiệp của luật pháp: Nghĩa là ngoài sự ngăn ngừa tai hại và sửa chữa cơn bệnh, luật pháp phải dừng lại không được làm gì hơn. Trong bất kỳ vi phạm nào, chính quyền phải tôn trọng mọi quyền lợi thích đáng. Phận sự chính phủ là bảo tồn quyền lợi công dân, hoặc ngăn đón chớ để ai phạm đến, hoặc xử phạt kẻ đã lỗi phạm.
Tuy nhiên chính phủ bênh vực quyền lợi cá nhân, thì phải đặc biệt chú trọng đến kẻ yếu hèn và bần cùng. Hàng phú gia đủ tiền của bảo vệ mạng sống, cần gì phải có chính quyền che chở nữa. Trái lại, hạng dân đen đâu có tiền quan bạc nén mà tránh được những nỗi bất công! Họ cần nhờ chính phủ bảo vệ thì mới thoát nạn xã hội được. Vì vậy chính phủ phải chú trọng đến hạng người lao công một cách ân cần hơn, vì họ ở bậc đa số những người vô sản phận bạc.
30. Bảo vệ phong tục và các quyền tư hữu
Vì công ích đòi hỏi, ta nên bàn giải riêng về vấn đề quan trọng sau đây:
Trước hết, pháp luật quốc gia phải ủng hộ và bênh vực quyền tư hữu một cách đặc biệt. Thiên hạ ngày nay bồng bột trôi theo những dục vọng sôi nổi. Việc khẩn cấp chính phủ phải đảm nhiệm là buộc dân tôn trọng nghĩa vụ không bao giờ phạm đến.
Ai cũng cố sức vươn mình lên một địa vị khả quan, nhưng không ai ra khỏi biên giới công bằng được. Trái lại, dùng võ lực mà cướp đoạt tài sản của kẻ khác, viện cớ bình đẳng mơ hồ là những hành động bị công lý lên án, bị công kích cự tuyệt. Đã hẳn, số công dân tìm cải hóa thân phận bằng những công việc liêm chính, tránh mọi sự bất công vẫn là đa số. Nhưng cũng không thiếu gì công dân bị những tà thuyết nhồi sọ, ham chuộng những sự kỳ lạ, nên cứ dùng mọi phương cách gây loạn mà lôi cuốn bạn bè đến lao động. Khi ấy chỉnh phủ phải dùng đến quyền riêng để can thiệp. Giam cầm những tay chủ động xúi dục dân chúng, chính phủ mới che chở những công tục khỏi bị phá hoại, và bảo vệ những sở hữu hợp pháp khỏi bị cướp bóc.
31. Phòng ngừa các cuộc đình công
Vì công việc nhiều khi kéo dài mãi, rất đỗi nặng nề, tiền lương trả công lại quá hạ, thì thường xẩy ra những đồng mưu đình chỉ công việ giữa hàng công nhân. Họ đình công.
Vậy trong trường hợp đó, chính phú phải điều trị những tai hại rất thường và nguy hiểm ấy. Những cuộc đình công ấy quả thật gây thiệt hại lớn cho cả chủ nhân và công nhân. Hơn thế nữa những cuộc ấy làm ngưng trệ việc thương mại, và hại đến công ích xã hội rất nhiều. Vì những cuộc đình công trên thường hóa thành những vụ bạo động và hổn loạn, nên sự an ninh quốc gia lâm nguy là sự thường.
Bởi thế giải pháp hiệu nghiệm và hữu ích hơn là chính phủ lập luật, để dự phòng tai hại và ngăn ngừa nó trước để nó khỏi phát ra. Như vậy, chính phủ khôn khéo bài trừ đủ mọi lý do thường hay gây nên sự xung đột giữa chủ và thợ.
32. Tôn trọng phẩm giá con người. Bảo đảm việc nghỉ ngơi hàng tuần
Công nhân còn rất nhiều quyền lợi đòi chính phủ phải hết sức bảo vệ. Trước hết là những lợi ích phần hồn. Mạng sống thể xác, dù quý báu đáng chuộng đến đâu đi nữa, cũng không phải là cùng đích đời người. Nó chỉ là đường lối và phương tiện đưa người đến sự chân thực thiện mỹ, cần thiết cho phần hồn được hạnh phúc hoàn hảo; chính phần hồn của con người là giống Chúa và mang lấy hình ảnh của Chúa đã in sâu vào mình ta. Chính vì phần hồn mà con người giữ được chủ quyền. Thiên Chúa phú ban khi ra lệnh cho nhân loại khôi phục thiên hạ mà khiến cả bốn bể năm châu phải cấp sự cần cho nó: “Hãy sinh sôi cho đông và chinh phục cả hoàn cầu. Hãy cai trị loài cá dưới biến, loài chim trên trời, cùng loài cầm thú ở khắp mặt đất.”
Về phương diện này mọi người đều bình quyền như nhau, kẻ giầu người khó, chủ tớ, vua tôi không có chỗ nào khác nhau. Hết thảy đều chỉ một chúa tể như nhau. Không ai phạm đến chức phẩm con người mà không phải tội vạ. Chức phẩm ấy được chính Thiên Chúa tôn trọng, cũng không ai được cản trở con người tiến đến sự hoàn thiện đối ứng cùng đời sống trường sinh trên thiên đàng. Hơn nữa chính con người bị cấm không được phế bỏ nhân phẩm của mình, mà hạ giá linh hồn đến bậc nô lệ. Nhân phẩm không phải chỉ là một quyền. Ai cũng tùy ý tôn trọng khinh thường đâu. Đó là chức vụ, buộc con người lại với Chúa, ai cũng phải kính cẩn đảm nhiệm.
Vì chức vụ bất khả xâm phạm này, ngày Chúa nhật con người bắt buộc phải nghỉ ngơi và ngừng tay làm. Ngày nghỉ này không phải một ngày an nhàn cho mình ở nhưng vô ích; hay theo ý nguyện của đa số, cho mình tha hồ thỏa mãn dục vọng, phung phí tiền lương. Ngày ấy cần phải thánh hóa, đúng theo đạo Chúa dạy. Được tôn giáo thánh hóa, Chúa nhật công nhân nghỉ việc để dưỡng sức và tạm quên những mối lo thường ngày. Ngày ấy cũng gây dịp cho công nhân hứng tâm lên, suy gẫm đến những lẽ sống siêu nhiên.
Đó là đặc tính và lý do tại sao con người buộc phải nghỉ ngày thứ bảy. Chính Thiên Chúa đã biên ghi điều ấy trong bộ luật Cựu ước rằng: Hãy nhớ thánh hóa ngày thứ bảy. Đã hoàn tất công việc tạo thiên lập địa mà dựng nên con người rồi, Thiên Chúa làm gương bí nhiệm nghỉ ngơi: ngày thứ bảy, đã hoàn tất công việc Thiên Chúa an nghỉ…
33. Xác định điều kiện và thời giờ làm việc
Về những quyền lợi vật chất và phần xác cính phủ cư xử thế nào?
Trước hết chính quyền phải cứu giới lao công khỏi tay những người mưu trí bóc lột; họ chẳng phân biệt con người với bộ máy, nên cứ lợi dụng công nhân làm đồ thỏa mãn tham vọng quá đáng của họ. Bắt công nhân làm việc đến nỗi thần trị họ phải đần độn, thân xác hao mòn kiệt quệ, là một thái độ bất nhân, công lý và nhân đạo không thể dung tha được.
Năng lực hoạt động của con người cũng có hạn, không kém bản thân nó. Năng lực ấy tự nhiên có thể tăng lên vì thói quen và sự tập luyện. Nhưng thể nào cũng phải có những giờ rảnh rang nghỉ việc. Tỉ dụ như giờ làm việc mỗi ngày không được vượt quá chừng mực làm việc của công nhân. Nhưng giờ nghỉ xếp đặt tùy theo công việc nặng nhẹ; công nhân khỏe yếu thể nào cũng phải tùy theo từng nơi và thời tiết. Những công nhân đêm ngày bới đất tìm tòi mỏ khí như đá, sắt, đồng thì làm một công việc khó nhọc và hại cho sức khỏe. Vậy việc làm càng mệt nhọc thì những giờ phải càng rút ngắn.
Cũng nên xét tùy theo thời tiết nữa. Tỉ dụ có những công việc mùa này thì dễ, mùa kia hoặc không ai chịu được, hoặc có người làm nhưng phải vất vả vô cùng.
Sau nữa có việc đàn ông khỏe mạnh, người trai tráng làm được, thì không ai bắt đàn bà hay thiếu nhi phải làm, nhất là các thiếu nhi – điều này rất quan trọng – cấm không được vào xưởng máy nào, trước khi sinh lực phần xác, phần hồn và luân lý được mở mang điều hòa. Quên điều ấy nhiếu nhi sẽ như cây cỏ non tàn úa sớm, vì lúc còn đã đi làm, nên không được giáo dục cẩn thận.
Cũng có công việc không hạp với tính tự nhiên của phụ nữ, vốn được Tạo hóa ủy quyền cho họ việc tề gia nội trợ. Ngoài ra các công việc vốn bảo toàn danh dự của nữ giới và thích hợp với nhiệm vụ tự nhiên giới này, là giáo dục con cái và phát triển gia nghiệp.
Vậy cứ luật chung, thời hạn nghỉ việc phải tính theo sức lực công nhân phải hao tổn, nên cần tu bổ lại. Quyền nghỉ hàng ngày và đình chỉ công việc chúa nhật là điều kiện phải ghi chú công khai hay mặc nhiên trong giao kèo giữa chủ và thợ. Bản giao kèo nào không thừa nhận điều kiện ấy thì phải kể như bất nhân, vì không chủ nào ép buộc công nhân và không công nhân nào hứa được sẽ phạm đến bổn phận con người đối với Chúa và đối với nhân phẩm của mình.
34. Chăm lo việc ấn định một lương bổng công bằng
 Bây giờ ta chuyển sang một điểm quan trọng khác cũng thuộc về vấn đề này: muốn giải quyết điểm ấy, mà tránh được mọi sự quá đáng, thì trước hết ta phải định nghĩa cho đúng. Phải trả công thợ thế nào cho phải chăng? Kẻ thì rằng: về tiền công, thì chủ thợ tự ý thỏa thuận; chủ trả tiền thợ đúng theo giao kèo thì đôi bên không phải thắc mắc gì nữa. Họ chỉ phạm lỗi công bình khi chủ trả tiền thiếu, hay khi thợ không làm rọn công việc theo đúng với bản giao kèo. Trong trường hợp không ai ngoài chính phủ phải can thiệp để bạo vệ quyền lợi đôi bên.

Kết luận như vậy, không ai là thẩm phán chính trực nhận được vô điều kiện… vấn đề trả công thợ rất phức tạp. Giải pháp nói trên, thì nông cạn mà lại quên lãng một điều mà là điểm chính: làm việc, là xuất lực kiếm kế sinh nhai, để cấp đủ sự cần cho đời sống, và nhất là để duy trì mạng sống của mình; “con sẽ đổi bát mồ hôi bát cơm” vì thế cần lao có hai đặc điểm tự nhiên:
a)       Nhân cách: Cần lao bầy tỏ nhân cách của con người: năng lực sản xuất, phụ tùy bản thân con người. Nó ở dưới chủ quyền của người động viên, hưởng dụng và lĩnh nhận nó để bổ khuyết bản thân, và mưu cho đời sống riêng của mình.
b)       Cần thiết: Cần lao lại cần thiết, vì con người phải dùng những hiệu quả bởi công việc đã làm ra, để duy trì mạng sống là một phận sự Tọa Hóa buộc ai nấy phải đảm nhận. Lệnh Tạo Hóa thì tuyệt đối, ai cũng phải tuân phục. Vì cần lao bày tỏ nhân cách phụ thuộc chủ quyền của công nhân, thì tất nhiên công nhân tự do giảm bớt định giá tiền lương chủ trả công  cho. Người quyết chí xuất công, thì tự do đòi tiền lương nhiều hay ít, có lẽ lại không đòi hỏi đồng nào hết.
Nhưng cần lao cần thiết để duy trì mạng sống, ai cũng nhớ không quên. Sự thực hai đặc điểm nhân cách và cần thiết của cần lao, có thể phân tách trong lý trí, nhưng trong thực tế thì cả hai đi đôi với nhau. Bảo tồn sinh mạng là một bổn phận bắt buộc. Ai phạm đến thì phải mắc tội. Đã nhận bổn phận ấy lẽ cố nhiên, ai cũng có quyền tìm kiếm những sự vật cần thiết để nuôi thân. Mà kẻ nghèo thường phải lấy gì để sinh sống? Họ chỉ biết nhờ tiền công làm lụng vất vả mà có.
Cho nên chủ thợ cứ giao ước với nhau tùy ý họ. Họ cứ thỏa thuận với nhau về số tiền công phải có bao nhiêu. Nhưng trên mọi ý định của họ, có một điều luật công bằng tự nhiên vừa cao hơn, vừa lâu dài hơn mà họ không được phế bỏ. Luật ấy định giá tiền công phải đủ cho những công nhân tiết kiệm và liêm chính được nuôi sống cho xứng nhân vị con người. Giá như công nhân vì tình trạng khốn cực hay vì sợ mắc phải họa ghê hơn, buộc lòng phải nhận những điều kiện khắt khe do chủ nhân hay người thuê mình đưa ra, thì người bị áp bức chịu thiệt, là một tội ác công lý không thể nào tha được.
Trong những trường hợp này, và những trường hợp khác tương đương; về những chi tiết định công nhật, săn sóc sức khỏe công nhân trong xưởng máy… chính quyền khó can thiệp cho thích nghi và hiệu nghiệm, vì đó là những hoàn cảnh tùy theo thời tiết và từng nơi, thành nên dành quyền can thiệp và giải quyết cho các hiệp hội hay nghiệp đoàn ta sẽ nói kèm theo đây.
Không tin những hội đoàn ấy, thì hãy tìm phương pháp khác để bảo vệ quyèn lợi công nhân, và nếu cần hãy kêu đến chính phủ xin trợ lực bảo vệ.
35. Khai triển tình thần sở hữu
Công nhân lãnh lương vừa phải sẽ lo thỏa mãn sự cần riêng và cấp đủ nhu cầu cho gia đình, nếu là người khôn ngoan thì sẽ sinh sống tiết kiệm nữa. Nghe theo lời thiên nhiên ngấm ngầm khuyên bảo, người công nhân sẽ dành dụm ít tiền của để một ngày kia được tạo ra một gia nghiệp phải chăng.
Quả thật, ai cũng đủ rõ, muốn giải quyết được vấn đề này cho có hiệu quả, thì trước hết ta phải nhận quyền tư hữu là một quyền căn bản bất khả xâm phạm. Pháp luật phải hết sức ủng hộ, đánh thức, đề cao tinh thần sở hữu trong đủ mọi tầng lớp xã hội lao động. Nó sâu rộng chừng nào thi hay chừng nấy!
Kết quả này mà thu được, thì nó sẽ là một nguồn lợi quý hóa biết bao.
Trước thì sự phân công chia của chắc được được công bằng hơn. Vì những cuộc đảo lộn xã hội kịch liệt hiện tại, thì xã hội bị chia ra làm hai giai cấp cách nhau một vực một trời. Một giai cấp thì thế lực mạnh mẽ vì giầu sang qúa đỗi có toàn quyền đến công thương, cho nên những nguồn phú quý đều quy tụ về với họ , nên họ dành riêng đủ mọi mối lợi. Ngoài ra, họ cầm sẵn trong tay những then chốt của nền hành chánh quốc gia. Còn giai cấp kia thì thu hợp lại đa số những người yếu nhược bần cùng, chỉ cùng chung một lòng oán hận, lúc nào cũng sẵn sàng nổi lên quấy rối.
Vậy ta biết thúc đẩy lòng dân phấn khởi lên vì hy vọng mai này, sẽ được một phần đất sở hữu riêng, ắt các vực sâu đã phân chia giai cấp phú quý và gia cấp bần cùng sẽ được lấp đầy dần dần, và hai giai cấp hiện kình địch nhau sẽ lại thân thiện với nhau.
Lại nữa, thiên nhiên sẽ sản xuất hoa màu công ích gấp trăm ngàn lần. Theo bản tính con người khai khẩn một nguồn lợi để làm sở hữu riêng, thì càng hăng hái và siêng năng làm việc hơn. Nhiều khi họ để cả lòng trí vào đám đất đã cày cấy, vì đám đất ấy hứa cho họ và cả gia đình những sự thiết dụng và cả một ít sự thư thái nữa. Ai cũng thấy lòng siêng năng hăng hái kia mang lại bao kết quả tốt đẹp hơn, tức là đất thêm phần thì nhiêu, quốc gia lại thêm phần phong phú.
Còn một kết quả nữa: phong trào tản cư đi chỗ khác sẽ ngừng lại, hẳn không ai tình nguyện bỏ quê cha đất tổ để sang ở những xứ lạ, nếu kẻ ấy đã có đủ kế sinh nhai nơi quê nhà.
Cuối cùng, thì có một điều kiện cần thiết cho mọi người được hưởng trong thực tế những lợi ích Ta mới diễn tả bằng bút mực:
Đừng để quyền tư hữu hao mòn vì phải đóng thuế nhiều và quà tặng”.
Quyền tư hữu bởi luât thiên nhiên, chớ không phải bởi luật nhân tạo lập ra. Nên chính quyền không thể nào bãi bỏ được. Chính quyền chỉ được gia giảm cách dùng quyền ấy và cho nó hòa hợp với công ích. Thành ra chính quyền đi ngược lại với chân lý và đân đạo, khi lấy cớ phải đóng thuế, mà bắt sở hữu tư nhân phải đóng quá nặng.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét