Trang

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

III. Dưới ánh sáng Lời Chúa

Lời Chúa (Kinh thánh) được Sách Tóm lược Học thuyết xã hội đặt ở đầu chương như là khởi điểm cho mọi suy tư của người tín hữu, nhưng chúng tôi muốn để dành cho phần kết luận, vì hai lý do sau. 1/ Như đã thấy, khi trình bày giáo huấn luân lý về đời sống kinh tế, các đức giáo hoàng (và công đồng Vaticanô II) sử dụng những luận cứ của lý trí (triết học) để đối thoại với tất cả những người thiện chí, dù là họ là tín đồ Công giáo hay tôn giáo khác hay cả với người vô tín ngưỡng. Luận cứ Kinh thánh sẽ thiếu sức thuyết phục những người ngoài Kitô giáo. 2/ Ngay cả giữa các Kitô hữu, việc giải thích Kinh thánh không phải là chuyện đơn giản. Kinh thánh được viết ra trong một bối cảnh lịch sử và địa lý khác với khung cảnh hiện nay, vì thế chúng ta không thể kỳ vọng tìm được giải pháp cho tất cả các vấn đề nhiêu khê của xã hội ở thiên niên kỷ thứ ba. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng nên quên rằng tác giả Sách Thánh mang một viễn tượng “cánh chung”: các thực tại trần thế được đo lường trong viễn tượng đó, đang khi những bài toán kinh tế của chúng ta lại diễn ra trong đời sống “tạm bợ” ở trên đời này. Một cái nhìn thuần tuý “cánh chung” sẽ có tác dụng tiêu cực đối với sinh hoạt kinh tế (mọi sự đều là phù hoa), như Max Weber đã cho thấy khi nghiên cứu ảnh hưởng của tôn giáo đối với sự phát triển kinh tế. 

Vì thế khi đi tìm ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta nên ý thức sự khác biệt về khung cảnh và bối cảnh giữa ngôn ngữ bình thường và ngôn ngữ Kinh thánh. Chúng ta đã được nghe giảng nhiều lần về chân phúc dành cho người nghèo (Lc 6,20: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em”). Phải chăng đây là một tuyên ngôn dành cho giai cấp bần cố nông? Chắc hẳn là không! Để khỏi hiểu lầm chúng ta cần phân biệt các loại ngôn ngữ: 

1. Trong ngôn ngữ thường ngày, cái “nghèo” thường đi đôi với “túng”, “khổ”, “cực”. Nhưng khi bước sang kinh-tế-học, thì các từ đó không đồng nghĩa với nhau, bởi vì các nhà chính trị thường ấn định một tiêu chuẩn để định nghĩa các cấp: bần cùng, vô sản, rồi tiến lên các bậc cao hơn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này vẫn dựa trên tài sản vật chất. Các nhà xã-hội-học còn sử dụng nhiều tiêu chuẩn khác để định lượng tình trạng nghèo khổ. Người nghèo không chỉ là người không đủ cơm ăn áo mặc, mà còn thiếu những nhu yếu căn bản để sống xứng với nhân phẩm (giáo dục, công ăn việc làm, quyền công dân): cái nghèo lôi kéo theo sự dốt nát, đồi tệ (“Cái khó bó cái khôn”! “Bần cùng sinh đạo tặc”!). Dưới cái nhìn đó, cảnh nghèo là một tai ương xã hội. Người tín hữu có nhiệm vụ tham gia vào chiến dịch “chống đói giảm nghèo”, chứ không thể nào cổ động duy trì cái nghèo. 

2. Tuy nhiên, cái nghèo có thể mang một giá trị tích cực nếu nhìn dưới một khía cạnh tâm lý đạo đức. Người nghèo không phải là người cơ cực túng quẫn, nhưng là người đủ ăn đủ mặc và “an cư lạc nghiệp”. Có ý kiến giải thích rằng tính từ pauper (trong tiếng Latinh, từ đó chuyển ngữ sang tiếng Pháp là pauvre, tiếng Anh là poor) bắt nguồn bởi paucum, có nghĩa là “ ít” (không nhiều, nhưng không phải là không có chi): một người tuy ít tiền của nhưng cảm thấy đủ thì vẫn sướng hơn kẻ có nhiều tiền nhưng lòng tham vô đáy! Sự vui sướng hoặc cực khổ không nhất thiết gắn liền với tình trạng giàu hay nghèo xét về tài sản sở hữu: có người nghèo mà an vui, và có người giàu mà lao đao. 

3. Lên cấp độ cao hơn, cái nghèo không chỉ được nhìn trong tương quan với tài sản vật chất, nhưng trong tương quan với Thiên Chúa. Đối diện với vị Chủ tể vạn vật, con người ý thức thân phận thọ taọ mỏng manh của mình, và do đó tất cả những gì mình đang chiếm hữu thì sớm muộn cũng tới lúc phải buông ra. Từ đó, họ sẽ nhìn vạn vật với cặp mắt khác: họ lãnh nhận tất cả như hồng ân với tâm tình tri ân, nhưng không gán cho chúng giá trị tuyệt đối. Họ không khư khư muốn chiếm giữ tất cả cho mình, nhưng cũng muốn chia sẻ cho những người túng thiếu. Đây mới là viễn cảnh của chân phúc người khó nghèo: sự khó nghèo đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa, là Chủ tể của vạn vật, là Cha Quan phòng cho hết mọi người. Sự khó nghèo không chỉ liên quan đến việc chiếm hữu tài sản vật chất, nhưng còn đi kèm theo nhiều nhân đức khác: khiêm tốn, đơn sơ, tín thác, quảng đại, phục vụ, vv. 

Sau đôi lời mào đầu như vậy, chúng ta hãy tìm hiểu quan điểm của Kinh thánh về tài sản và sự giàu nghèo, trước tiên là trong Cựu ước, kế đó là trong Tân ước. Chúng ta sẽ nhận thấy nhiều lối trình bày khác nhau. 

A. Cựu ước 

Sách TLHT số 323 lưu ý rằng Cựu ước không lên án sự giàu sang, nhưng chỉ trích những sự lạm dụng tiền của. 

Nói đúng ra, trong Cựu ước, chúng ta nhận thấy có nhiều trào lưu tư tưởng, tuỳ thuộc vào thể văn cũng như vào hoàn cảnh lịch sử. 

1/ Các sách lịch sử 

Mở đầu Sách Thánh, chúng ta thấy rằng vũ trụ này cho Thiên Chúa tạo dựng nên cho con người. Các tài nguyên vật chất do Chúa làm ra, và mang phúc lành của Ngài, chứ không phải là đồ xấu xa. Hơn thế nữa, sự giàu sang thịnh vượng còn được coi như phần thưởng dành cho những ai tuân giữ luật Chúa. 

Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tuyệt mỹ của buổi khởi nguyên, chúng ta cũng thấy những mệnh lệnh, cấm đoán. Như chúng ta đã biết, trong số Mười giới răn, có nhiều điều liên quan đến việc tuân giữ công bằng: phải tôn trọng sinh mạng, tài sản của tha nhân; ai làm trái ngược là xúc phạm đến chính Thiên Chúa, bởi vì Ngài là chủ của mọi sinh mạng, là Đấng bảo vệ công lý, đặc biệt là kẻ mồ côi, góa bụa, tha hương. Giới răn thứ bảy (chớ trộm cắp: Xh 20,15; Đnl 5,19) kèm theo nhiều nghĩa vụ, tựa như: không được cho vay lấy lời (Đnl 23,20), trả lương cho nhân công (Đnl 24,14), bảo vệ đồ thế chấp (Đnl 24,10-13.17-18). Thêm vào đó, còn hai định chế quan trọng nhằm hoàn trả lại đồ vật cho chủ, đó là : năm sabát (7 năm 1 lần: giải phóng các người nô lệ, xóa nợ, Xh 21,2-11; 23,10-11; Đnl 15,1-18) và năm toàn xá (50 năm một lần: trả lại đất đai và nhà cửa cho chủ cũ). 

2/ Các ngôn sứ 

Các ngôn sứ sống vào những thời buổi khác nhau, với những hoàn cảnh xã hội khác nhau (thời quân chủ thịnh vượng, thời phân tranh, thời lưu đầy, thời hồi hương). Tuy vậy, các ngài gặp nhau ở vài nguyên tắc chính yếu, đó là: 

- nhấn mạnh đến nghĩa vụ phải trung thành với giao ước, cách riêng về việc tôn trọng sự công bằng đối với những thành phần thấp kém: kẻ mồ côi, người goá bụa. Thiên Chúa đã tự đồng hóa với họ để bênh vực họ (Is 1,17); 

- các ngôn sứ sau thời lưu đày còn mở rộng sự săn sóc của Thiên Chúa dành cho mọi thọ tạo (chứ không chỉ giới hạn vào dân Israel); từ đó đặt ra nghĩa vụ phải giữ công bình kể cả đối với kẻ ngoại kiều nữa. 

- Thiên Chúa giàu lòng thương xót: Ngài cứu vớt kẻ yếu đuối và tội lỗi. 

Từ những nguyên tắc ấy, các ngôn sứ diễn đạt ra những yêu sách cụ thể, đòi hỏi dân Israel không những phải tuân giữ các luật lệ về phụng tự mà còn các nghĩa vụ đối với tha nhân: từ chỗ chia sẻ bánh cho người đói (Is 58,7) cho đến chỗ buôn bán sòng phẳng, xử kiện công minh, cách riêng nơi các ngôn sứ Amos, Hosêa, Isaia, Giêrêmia, Mikha, Khabacuc (xc. Am 8,4-6; Is 5-8-10; Gr 22,13-19). 

Cách riêng về tài sản, các ngôn sứ thường cảnh cáo về nguy cơ thờ tiền thay cho thờ Chúa (tội ngẫu tượng), cũng như về lòng tham đưa đến việc đóng cửa lòng trước tha nhân. 

3/ Các sách Khôn ngoan 

Chúng ta gặp thấy những suy tư về cách sử dụng tài sản nơi các tác phẩm: Châm ngôn, Khôn ngoan, Giảng viên, Huấn ca. Giọng văn của họ không nóng bỏng như lời của các ngôn sứ. Họ nhìn đời cách bình thản và thực tế. Họ nhận thấy mặt trái mặt phải của giàu sang. 

- Một đàng, tiền của là cái phù vân, nay còn mai mất (sách Giảng viên) 

- Đàng khác, tiền của cũng là phúc lành của Thiên Chúa, ra như là phần thưởng dành cho những kẻ trung thành với giao ước. Dù sao, chúng cũng chỉ là tương đối thôi, khi so sánh với điều Thiện tuyệt đối là sự Khôn ngoan. 

Từ đó, họ có thái độ trung dung đối với tài sản: đừng bám víu tài sản cách vô độ, nhưng họ cũng xin Chúa đừng để rơi vào cảnh túng thiếu (xem lời nguyện trong sách Châm ngôn 30,7-9). 

B. Giáo huấn của Chúa Giêsu 

“Con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9,58): phải chăng Chúa Giêsu thuộc thành phần vô sản, vô gia cư, vô nghề nghiệp? 

Một lãnh vực khá hấp dẫn của các sử gia về Kitô giáo là nghiên cứu bối cảnh xã hội thời Đức Giêsu cũng như về hoàn cảnh kinh tế của bản thân Người. Bối cảnh xã hội của vùng Palestina thì đã được nhiều người nói đến rồi (thí dụ: các giai cấp xã hội, đời sống kinh tế của họ); lý lịch kinh tài của Đức Giêsu thì còn nằm trong vòng tranh cãi. Chắc chắn Người không thuộc hạng người giang hồ, vô gia cư vô nghề nghiệp. Có lẽ Người thuộc vào hạng các rabbi lưu động, sinh sống nhờ sự đóng góp của những người mộ mến. Các môn đệ của Người thuộc nhiều thành phần khác nhau: thuyền chài, tiểu thương. Người lui tới các nhân viên thâu thuế, dùng bữa với các người Pharisiêu, nghĩa là giới có địa vị trong xã hội. Người không mạt sát những kẻ giàu có như là những kẻ bóc lột hà hiếp: Người tiếp đón ông Nicôđêmô và ông Giuse Aritmatêa. 

Những lời giảng của Đức Giêsu về sự khó nghèo và giàu sang trong nhắm đến tương quan trong xã hội cho bằng trong bối cảnh của triều đại Thiên Chúa. 

Chúa Giêsu đòi hỏi nơi vài môn đệ một sự từ bỏ triệt để (gia đình, tài sản) để dấn thân phục vụ Nước Trời; nhưng không phải tất cả mọi người đều theo con đường từ bỏ ấy. Trọng tâm của giáo huấn luân lý của Người là tình yêu: tình yêu mới là tiêu chuẩn đánh giá mọi thực thể khác. Tiền bạc có thể làm cho con tim thành cứng cỏi trước nhu cầu của tha nhân (Lc 12,15), hoặc trở thành thần tượng (Lc 16,19-31; xc Gc 5,1-6; 1Ga 3,17; 1 Cor 16 và 2 Cr 9), nhưng tự nó tiền bạc không phải là điều xấu. Tiền bạc có thể được sử dụng tốt vào việc bác ái. 

C. Hội thánh tiên khởi 

Những chương đầu tiên của sách Tông đồ công vụ đã mô tả một nếp sống kiểu mẫu cho các Kitô hữu thuộc mọi thời đại: tất cả mọi người sống đồng tâm nhất trí trong đức tin, phụng vụ và chia sẻ tài sản (Cv 2,42-45; 4,32-35; 5,12-16). Tuy nhiên điểm cuối cùng xem ra là một lý tưởng hơn là một quy tắc[1]. Các chủ nghĩa cộng sản cũng lấy hứng từ đó. Các dòng tu cũng cố gắng sống lý tưởng đó. 

Tuy nhiên, tình liên đới giữa các tín hữu không chỉ biểu lộ qua việc để chung tài sản, nhưng còn qua những hình thức khác, chẳng hạn như các cuộc quyên góp để cứu trợ (do thánh Phaolô tổ chức để giúp giáo đoàn Giêrusalem gặp cảnh đói kém: 2 Cr chương 8-9). Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu rằng việc chia sẻ niềm tin cũng mang theo việc chia sẻ của cải vật chất. 

Một cuộc “cánh mạng tư tưởng” nữa mà thánh Phaolô đã thực hiện trên đường truyền giáo là đề cao giá trị của lao động, (trong thế giới Hy lạp coi rẻ lao động như là việc dành cho nô lệ). Chính thánh tông đồ đã làm gương trước hết (2Cr 11,7-10; Pl 4,14-20): lao động như là nguồn sinh sống và tương trợ tha nhân (2Tx 3,10-15). 

Tóm lại, như đã nói, ta không tìm thấy trong Kinh thánh lời giải đáp cho tất cả các vấn đề kinh tế. Tuy vậy, trải qua thời gian, Hội thánh không ngừng trở về với Lời Chúa để tìm thấy ánh sáng để giải quyết những hoàn cảnh mới, cách riêng là những nguyên tắc liên quan đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa (tiền bạc không phải là Thượng đế), và mối tương quan giữa con người với nhau (dựa theo đức công bằng và yêu thương). 

Kết luận 

Như đã nói ở đầu, đời sống kinh tế không chỉ được bàn trong chương Bảy của sách Tóm lược Học thuyết xã hội mà thôi; các đề tài liên quan còn được đề cập trong các chương khác nữa. Trong mục Nhận xét, chúng ta chỉ lướt qua vài điểm của GHXH liên quan đến tiến trình sản xuất và tiêu thụ. Còn nhiều vấn đề nữa được đặt ra do hiện tượng toàn cầu hóa, cũng như liên quan đến chính sách phát triển, được trình bày trong thông điệp Populorum progressio và được cập nhật trong thông điệp Caritas in veritate. Chúng tôi hy vọng sẽ còn cơ hội để trở lại những vấn đề này (sách TLHT chương Chín, số 446-450). 

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1]Hai vợ chồng Anania và Saphira cho thấy rằng có những người đã không áp dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét