Trang

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

IV. Những định chế kinh tế phục vụ con người (346-360)

Nguyên tắc tiết kiệm[1] (số 346) 

Sử dụng hợp lý các nguồn nhiên liệu trong bối cảnh khan hiếm. Cần tổ chức hệ thống kinh tế toàn cầu hữu hiệu, trong đó nêu bật trách nhiệm của những tác nhân khác nhau: thị trường, Nhà Nước, các đoàn thể xã hội trung gian, và sau cùng chính những người tiêu thụ. 

A. Vai trò của thị trường tự do 

1. Tầm quan trọng của thị trường tự do (số 347) 

Những lợi ích của thị trường tự do: nâng đỡ sự phát triển kinh tế; phân phối các nguồn lực và đáp ứng các nhu cầu; tạo cơ hội thuận tiện cho sự giao dịch hàng hóa; con người cam kết với nhau qua hợp đồng. 

Để có một thị trường thực sự cạnh tranh và công bằng thì cần phải: điều hoà những thái quá của lợi nhuận của các doanh nghiệp; đáp ứng những đòi hỏi của người tiêu thụ; sử dụng thích hợp và tiết kiệm các tài nguyên; tưởng thưởng những cố gắng của người lãnh đạo và những tài năng đổi mới; trao đổi thông tin để có sự cạnh tranh lành mạnh. 

2. Lợi nhuận và sự hữu ích xã hội (số 348). 

Tính cách hợp pháp của thị trường tự do không nằm ở ngay trong chính nó. Lương tâm và trách nhiệm cần thiết lập mối tương quan giữa những cứu cánh và phương tiện: không thể nào đặt lợi nhuận cá nhân như là một mục tiêu duy nhất; cần phải hoà hợp quy luật của thị trường với việc thực hiện sự hữu ích xã hội. Nói khác đi, thị trường tự do phải phục vụ ích chung và sự phát triển toàn diện của con người. Nếu không thì thị trường tự do sẽ bị thoái hoá thành một thể chế vô nhân đạo. 

3. Thị trường và những mục tiêu luân lý (số 349) 

Những sai lầm của chủ nghĩa tự do: giao cho thị trường việc cung cấp tất cả mọi loại thiện ích; như vậy con người và xã hội đã biến thành món hàng. HTXH vạch cho thấy những giới hạn của thị trường: thị trường không đủ khả năng thỏa mãn những đòi hỏi quan thiết của nhân loại; những đòi hỏi này không thể nào giải quyết theo những định luật cung cầu của thị trường. 

4. Tự do kinh tế chỉ là một khía cạnh của tự do con người (số 350) 

Thị trường có một chức năng xã hội: các tác nhân cần được hưởng sự tự do trong việc đánh giá và chọn lựa. Thị trường tự do cần được điều phối bằng một khung cảnh pháp lý thích hợp, nhằm phục vụ sự tự do toàn diện của con người. Con người sẽ bị tha hóa nếu chỉ được nhìn như một kẻ sản xuất và tiêu thụ, chứ không như là một chủ thể sản xuất và tiêu thụ để có thể sống như con người tự do. 

B. Hành động của Nhà Nước 

1. Những nguyên tắc hỗ trợ và liên đới (số 351) 

- Nguyên tắc hỗ trợ: tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động kinh tế. 

- Nguyên tắc liên đới: thiết lập những giới hạn của các bên để bảo vệ những bên yếu đuối. 

Liên đới mà thiếu hỗ trợ: bao cấp. Hỗ trợ mà thiếu liên đới: óc địa phương, quyền lợi của kẻ mạnh, vv. 

Vai trò của Nhà Nước: phối hợp và định hướng cho sự phát triển (CA số 48): 

- nâng đỡ hoạt động của các doanh nghiệp và tạo ra công ăn việc làm 

- kiểm soát những doanh nghiệp độc quyền làm cản trở sự phát triển 

- thay thế các doanh nghiệp trong những hoàn cảnh bất thường. 

2. Xác định một khung cảnh pháp lý để điều hành các tương quan kinh tế (số 352) 

Thiết lập một thứ bình đẳng nào đó giữa các bên. Bảo đảm các quyền tự do cá nhân và tư hữu. Giữ vững tiền tệ. Tổ chức hữu hiệu các dịch vụ công. Soạn thảo các chính sách kinh tế và xã hội. Tránh các kiến trúc thượng tầng hoặc kiềm chế độc đoán hay độc tài. 

3. Sự bổ túc giữa Nhà Nước và Thị trường (số 353) 

Vai trò của Nhà Nước: 

- xác định hướng đi của sự phát triển kinh tế 

- bắt buộc việc tuân thủ các luật lệ công minh và trong sáng 

- trực tiếp can thiệp nếu thị trường không đạt được những kết quả hiệu năng mong muốn; hoặc nếu thị trường không đủ khả năng phân phối đồng đều những hàng hóa và dịch vụ. 

4. Sự quân bình giữa tự do cá nhân và hoạt động của chính phủ (số 354) 

Tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ: khuyến khích các tư nhân phát triển khả năng sáng kiến, tự lập và trách nhiệm. 

Sự can thiệp quá trực tiếp của Nhà Nước làm hại cho xã hội, làm giảm tinh thần trách nhiệm của các công dân, tăng thêm nhiều cơ quan công quyền với khuynh hướng quan liêu, không giải quyết những nhu cầu của nhân dân. 

5. Việc tài trợ của Nhà nước nhằm phục vụ sự phát triển và tình liên đới (số 355). 

Sự tài trợ công minh có những tác dụng tích cực đối với kinh tế: tăng thêm công ăn việc làm; nâng đỡ hoạt động cho các doanh nghiệp và những dự án hoạt động bất vụ lợi; bảo vệ những thành phần thấp kém (qua các chương trình bảo hiểm xã hội). 

Các số tiền chi tiêu công cộng được coi như phục vụ công ích khi: 

- được thu nhập bởi tiền thuế được phân bổ hợp tình hợp lý (thuế là một hình thức của nghĩa vụ liên đới); 

- được quản lý phân minh rành mạch trong việc chi tiêu 

- quan tâm đến việc tài trợ cho các gia đình. 

C. Vai trò của những đoàn thể trung gian 

1. Xã hội dân sự[2] và công ích (số 356) 

Những tác nhân của đời sống kinh tế và xã hội: a) hoạt động công (Nhà Nước); b) hoạt động tư (tư nhân); c) hoạt động tư phi-lợi-nhuận. 

Có một vài loại thiện ích mang tính công cộng mà không thể được cung ứng do cơ chế thị trường hoặc do thẩm quyền của Nhà Nước, nhưng là do những cơ cấu trung gian, đóng vai trò bổ túc. Chúng thúc đẩy việc phát triển một nền dân chủ kinh tế thích hợp. 

2. Các tổ chức tư nhân phi-lợi-nhuận thể hiện việc kết hợp giữa sự sản xuất và tình liên đới (số 357). 

Những tổ chức này được thành hình do một hợp đồng gia nhập tự do. Nhà Nước cần phải tôn trọng bản chất của những đoàn thể ấy, và nâng đỡ qua nguyên tắc hỗ trợ. 

D. Tiết kiệm và tiêu thụ 

1. Tiết kiệm và sự lựa chọn dựa trên luân lý và văn hóa (số 358) 

Những người tiêu thụ có thể tác động đến thực trạng kinh tế qua việc lựa chọn tự do giữa tiêu dùng và tiết kiệm. 

Những tiêu chuẩn lựa chọn khi tiết kiệm: a) lợi tức có thể tiên đoán được; b) mức độ rủi ro; c) chọn lựa lãnh vực đầu tư. 

2. Những yêu sách luân lý trong việc tiêu dùng (số 358) 

Việc mua sắm tiêu dùng cần được thi hành trong khung cảnh của những yêu sách luân lý: công bằng và liên đới; nghĩa vụ bác ái (trích những của dư dật hoặc cả của cần thiết để giúp đỡ người nghèo); lựa chọn những hàng được sản xuất trong những điều kiện làm việc hợp pháp và tôn trọng môi sinh. 

3. Chiếm hữu hay hiện hữu[3] (số 360) 

Xã hội tiêu thụ hướng dẫn đến sự chiếm hữu hơn là hiện hữu. Để chống lại trào lưu đó, cần phải xây dựng một nếp sống quyết định sự lựa chọn của những người tiêu dùng dựa trên việc tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ; hiệp thông với những người khác để cùng nhau thăng tiến; bảo vệ môi trường thiên nhiên. 
-------------------------------------------------------------------------------------------------------



[1] Như sẽ nói trong mục Hai, trong các ngôn ngữ Tây phương, “kinh tế” là économie (Pháp), economics (Anh), gắn liền với “tiết kiệm”, économiser (Pháp), to economise (Anh). 
[2] Ý niệm về “xã hội dân sự” sẽ được nói trong chương tới: TLHT số 417-419. 
[3] Đây là một thuật ngữ khó dịch sang tiếng Việt. Sự phân biệt giữa “avoir / être” (tiếng Pháp) “to have / to be” (tiếng Anh) dựa trên triết lý về giá trị đích thực của con người: con người đáng quý vì phẩm giá của mình (être, being) chứ không phải vì những cái mình sở hữu (avoir, having). Những cái “sở hữu” nay còn mai mất; còn phẩm giá thì vững bền (xem thêm số 462). Nếu diễn tả theo phạm trù Đông phương cổ điển, phải chăng đây là sự phân biệt giữa “Tài” với “Đức”, hoặc “Danh” và “Thực”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét