Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Caritas Xuân Lộc, nguồn lực và triển vọng



Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở
Nhân dịp khoá tập huấn của Caritas Xuân Lộc theo chủ đề “Xây dựng nền văn minh tình yêu”, con xin trình bày đôi nét chính yếu về mục đích và hoạt động của Caritas trước khi nói đến nguồn lực dồi dào và triển vọng tươi sáng của Caritas Xuân Lộc trong việc thực thi bác ái để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Quả thật, cho đến nay, nhiều người trong chúng ta có thể vẫn e ngại chưa biết tổ chức Caritas các cấp hoạt động thế nào và nhằm các đối tượng nghèo nào trong lòng Giáo Hội cũng như ngoài xã hội.
Qua kinh nghiệm làm việc trong Caritas Việt Nam, từ 1976-2009, và tổ chức các uỷ ban của Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ 1999 đến nay, con xin mạo muội trình bày để tất cả anh chị em tham dự hội nghị góp ý cho hoạt động của Caritas Xuân Lộc mỗi ngày một phát triển tốt đẹp.
1.1. Phục vụ con người theo từng lĩnh vực
Chúng ta có thể nói rằng: lý do tồn tại của Giáo hội Công giáo ở trần thế là để phục vụ con người, đem lại cho con người ơn cứu độ toàn diện vì con người là con đường của Giáo Hội và cũng là con đường của Thiên Chúa khi Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người (x. Ga 1,14). Điều này đã được Công đồng Vaticanô II, các thông điệp của các ĐTC Gioan Phaolô II, ĐTC Bênêđictô XVI xác định và nhất là được trình bày rất hệ thống trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (x. TĐ Redemptor Hominis, số 14; Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 62).
Để việc phục vụ này được hiệu quả, Toà Thánh Vatican ở Rôma đã tổ chức các bộ và các cơ quan trung ương nhằm hướng dẫn các giáo hội địa phương thể hiện cụ thể việc phục vụ con người trong mọi lĩnh vực (thể xác và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên) và các mối tương quan của đời sống (với Thiên Chúa, với anh em, với vạn vật, với chính mình). Các giáo hội địa phương và các giáo phận, tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng của mình, sẽ lập ra những cơ quan và những tổ chức cấp dưới tương tự (thí dụ: Bộ Phụng tự ở Rôma, Uỷ ban Phụng tự Quốc gia, Ban Phụng tự Giáo phận).
Người ta phân biệt hai loại tổ chức và cơ quan: loại đối nhân để lo cho từng loại người về mọi vấn đề liên quan (Thí dụ: giám mục, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, di dân, nhân viên y tế) và đối sự để nhắm vào lĩnh vực hoạt động chuyên biệt nào đó (Thí dụ: phụng tự, giáo dục Công giáo, công lý và hoà bình, văn hoá, đức tin, kinh tế, Thánh Kinh,…). Tuy nhiên, tất cả đều nhằm phục vụ con người về những lĩnh vực khác nhau. Thí dụ: cùng một đối tượng là con người, Uỷ ban Phụng tự phục vụ con người trong mối quan hệ với Thiên Chúa, diễn tả qua đời sống cầu nguyện, bí tích; trong khi Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas (UBBAXH-Caritas) giúp đỡ con người trong cảnh nghèo khổ, hoạn nạn; hoặc Uỷ ban Công lý Hoà bình giúp con người vượt qua những bất công, bất an trong đời sống cá nhân cũng như xã hội theo tinh thần của Tin Mừng; hay Uỷ ban Truyền thông Xã hội phục vụ con người qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông như báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet...

1.2. Tổ chức Bác ái Xã hội - Caritas
Caritas là một trong các tổ chức của Giáo Hội hoạt động trong lĩnh vực xã hội, có mục đích giúp các tín hữu Công giáo thể hiện tình yêu Chúa cho những người nghèo khổ.
Người nghèo được xác định theo Điều 8 của bản Quy Chế Caritas Việt Nam là “những người thiếu thốn về vật chất và tinh thần, không đủ phương tiện sống, bị gạt ra bên lề xã hội vì bất cứ lý do gì. Họ là những người bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, trẻ em đường phố, những người mù chữ, những người hành nghề không xứng với nhân phẩm của mình, những di dân nghèo khổ, những người gặp hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh…”. Ở Việt Nam, vì Hội đồng Giám mục chưa thiết lập Uỷ ban Y tế-Sức khoẻ nên UBBAXH-Caritas Việt Nam cũng lo cho cả những người bệnh tật và khuyết tật, vì xét theo một phương diện nào đó, họ cũng là những người nghèo.
Chúng ta nên phân biệt hoạt động chung cho mọi tổ chức xã hội Công giáo và hoạt động riêng cho từng tổ chức.
Hoạt động chung: UBBAXH-Caritas nằm trong hệ thống các tổ chức xã hội Công giáo như truyền thông xã hội, công lý và hoà bình, di dân, giáo dục, kinh tế, văn hoá, gia đình… nên hành động theo đường hướng chung đã được Giáo Hội trình bày trong nhiều văn kiện, nhất là trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2004. Mọi hoạt động của các tổ chức và cơ quan Công giáo đều nhằm xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới cho con người (x. Tóm lược HTXHCG, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, phần Nhập đề, tr. 29-49; chương i, tr. 43-46; chương 3, tr. 99-129). Vì thế, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của bản Quy chế Caritas Việt Nam đã tóm tắt những điểm cơ bản của giáo huấn xã hội này:
Điều 5:Caritas Việt Nam (trong đó, Caritas Xuân Lộc là một thành viên) hoạt động dựa trên những đòi hỏi của Tin Mừng, để góp phần xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và huynh đệ, trong đó quyền lợi và nhu cầu của người nghèo được tôn trọng cách xứng đáng. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mệnh của Giáo Hội”.
Điều 6:Caritas Việt Nam hướng tầm nhìn đến tín hữu Việt Nam để giúp họ thể hiện tình yêu bao la của Thiên Chúa và trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng qua đời sống mang tính nhân bản toàn diện. Từ đó họ cộng tác với mọi người để xây dựng nền văn minh tình yêu và văn hoá sự sống cho dân tộc Việt Nam cũng như cho gia đình nhân loại trên thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Caritas Việt Nam thực hiện các hoạt động bác ái xã hội theo những mục đích sau đây:
-         Phát triển con người toàn diện.
-         Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.
-         Phát huy tình bác ái liên đới với mọi người trong xã hội.
-         Giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh.
Điều 7: Caritas Việt Nam hoạt động theo những mục tiêu sau đây:
-         Bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người, nhất là những người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội.
-         Dấn thân hoạt động để xây dựng xã hội trong công lý và hoà bình.
-         Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại.
-         Bảo vệ môi trường sống trong sạch và lành mạnh.
Hoạt động riêng: Mỗi tổ chức Caritas các cấp sẽ hoạch định chương trình hành động tuỳ theo hoàn cảnh xã hội, điều kiện, khả năng, thời điểm tại mỗi quốc gia hoặc giáo phận của mình. Chương trình hành động này được hình thành nhờ công tác nghiên cứu của các ban ngành chuyên môn cũng như được biểu quyết trong hội nghị thường niên các cấp.
Thí dụ: Đất nước Việt Nam chúng ta hiện nay (2012) có nhiều người nghèo trong số 90 triệu dân, gồm khoảng 22 triệu hộ gia đình. Báo Tuổi Trẻ ngày 24-12-2011 đưa tin: có 3 triệu hộ nghèo (thu nhập dưới 400.000 đồng ở nông thôn và từ 400.000-500.000 đồng/người/tháng ở thành thị), và thêm 1 triệu 600 ngàn hộ cận nghèo (thu nhập từ 401.000-520.000 đồng ở nông thôn và từ 501.000-650.000 đồng/người/tháng ở thành thị). Vậy Caritas Việt Nam, Caritas Xuân Lộc có chương trình cụ thể gì cho người nghèo tại giáo phận?
Việt Nam có khoảng 15 triệu người khuyết tật thuộc 6 dạng tật khác nhau theo khảo cứu mới đây. Rất nhiều người khuyết tật sống trong tình trạng nghèo khổ cùng cực, bị coi thường và mang rất nhiều những mặc cảm. Vậy Caritas có chương trình và kế hoạch cụ thể nào để giúp đỡ số người đông đảo này?
Năm 2010, Việt Nam có 29,60% dân sống ở thành thị và 70,4% sống ở nông thôn. Số người ở nông thôn thất nghiệp hoặc bỏ lên thành thị đi làm ở các ngành nghề khác là khá lớn. Đa số họ là những người nghèo có trình độ văn hoá thấp. Đó là những người di dân theo thời vụ với khoảng 8 triệu người hiện nay. Trong địa phận Xuân Lộc có rất  nhiều di dân từ các vùng khác đến, vậy Caritas Xuân Lộc có những hoạt động cụ thể gì để giúp đỡ những di dân này?
Việt Nam có khoảng 2 triệu ca phá thai hằng năm, rất nhiều ca phá thai bắt nguồn từ đời sống phóng túng của người trẻ, của những di dân thiếu phương tiện giải trí lành mạnh. Giáo phận Xuân Lộc là nơi có nhiều di dân làm việc tại các khu công nghiệp. Vậy Caritas Xuân Lộc có những hoạt động nào để giúp những bà mẹ trẻ không phá thai sống an lành và được học nghề tại những mái ấm, cộng tác với Uỷ ban Công lý Hoà bình để tìm lại bình an cho những người phá thai vì 30% trong số họ luôn luôn ray rứt, bất an vì tội ác họ làm; hay cộng tác với Uỷ ban Truyền thông Xã hội để thông tin liên lạc giúp đỡ các bà mẹ trẻ và với Uỷ ban Gia đình để giới thiệu những bài học về tình yêu, tình dục, về các phương pháp kế hoạch hoá gia đình?
Theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam 2009, tính đến ngày 1-4-2009, dân số Việt Nam có 85.846.907 người, trong đó người Kinh có 73.594.427 người, số còn lại là 53 dân tộc khác. Đa số đồng bào thiểu số sống ở vùng sâu , vùng xa và thuộc thành phần nghèo khổ (x. Ban Chỉ đạo, Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở VN năm 2009, NXB Thống Kê, 2010, tr. 134). Vậy Caritas Xuân Lộc có chương trình gì giúp đỡ họ? Giáo phận Xuân Lộc bao gồm tỉnh Biên Hoà và một phần nhỏ của huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đồng bào thiểu số thuộc các dân tộc trong tỉnh Đồng Nai gồm những tộc chính sau đây:
Dân tộc/ Tỉnh
Số lượng
Dân tộc/ Tỉnh
Số lượng
Kinh
2.311.315
Mường
5.337
Hoa
95.162
Dao
4.717
Nùng
19.076
Chăm
3.887
Tày
15.906
Mạ
2.436
Chơ Ro
15.174
Xtiêng
1.269
Khmer
7.059


Tổng dân số của tỉnh 2.486.154
(x. Ban Chỉ đạo, Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở VN năm 2009, NXB Thống Kê, 2010, tr. 208-209). Đa số các dân tộc Tày, Nùng, Chơ Ro, Khmer sống trong tình trạng nghèo khổ, vậy Caritas Xuân Lộc có kế hoạch cụ thể nào giúp đỡ họ?
Những người không biết chữ là những người nghèo về tinh thần. Vậy Caritas Xuân Lộc có chương trình gì cho những người này?

Tỉnh/ Mục
Dân số tỉnh
Biết đọc/ biết viết
Không biết đọc/ biết viết
Không xác định
Đồng Nai
2.486.154
1.810.133
65.265
1.475
(x. Ban Chỉ đạo, Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở VN năm 2009, NXB Thống Kê, 2010, tr.717).

Dân số từ 5 tuổi trở lên đang đi học, chia theo bậc học từ mầm non đến phổ thông cao nhất đạt được
Tỉnh/ Mục
Dân số tỉnh
Mầm non
Tiểu học
THCS
THPT
Đồng Nai
2.486.154
39.726
194.029
157.657
92.223

Dân số từ 5 tuổi trở lên đã thôi học, chia theo bậc học mầm non, phổ thông cao nhất đạt được:

Tỉnh/ Mục
Mầm non
Tiểu học
THCS
THPT
Đồng Nai
283
437.928
679.739
408.788
Theo bảng tổng kết tình hình Giáo phận Xuân Lộc năm 2011, Gp. Xuân Lộc có một tiềm năng rất lớn. Về nhân sự: Giáo phận có 2 giám mục, 341 linh mục triều, 114 linh mục dòng, 182 chủng sinh, 272 tu sĩ nam, 1.691 tu sĩ nữ, 7.374 giáo lý viên, 10.764 người trong ban hành giáo, 887.232 giáo dân.
Những người tín hữu Gp. Xuân Lộc thường sống quy tụ, gắn bó chặt chẽ với nhau theo nguồn gốc từ những làng xóm ở miền Bắc trước khi di cư vào Nam, lập thành những giáo xứ với tên của làng mình. Họ giữ nếp sống đạo chặt chẽ với những nghi thức phụng tự “sáng lễ, chiều kinh”. Bảng tổng kết năm 2011 cho ta thấy số người dự lễ ngày Chúa Nhật lên tới 87%, ngày thường 27%, mùa Phục Sinh: xưng tội 87%, rước lễ 73%. Nguồn lực nhân sự này nếu được đào tạo và tổ chức chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả hết sức lớn lao không phải chỉ cho giáo phận, Giáo hội Việt Nam mà còn cho Giáo Hội toàn cầu.
Nếu xét về nguồn lực tổ chức và cơ sở, Gp. Xuân Lộc có 237 giáo xứ, 22 giáo họ biệt lập, 21 nhà trẻ mẫu giáo, 10 trạm xá bệnh viện, 2 trung tâm dạy nghề, 3 cơ sở trại phong, tâm thần, HIV, 15 cơ sở khuyết tật, cô nhi viện, dưỡng lão, 15 trung tâm di dân, ký túc xá sinh viên (theo Báo cáo Tổng kết 26 Giáo phận của HĐGMVN, tính đến ngày 31/12/2010). Những cơ sở bác ái xã hội tương đối còn khá ít so với dân số Công giáo.
Nếu xét trình độ văn hoá của người Công giáo trong Giáo phận, chúng ta có Đại học: 3.814, cấp III: 8.614, cấp II: 12.517, cấp I: 16.111, mẫu giáo: 7.133. Như thế, tổng số người đi học là 48.151 người. Số người đi học và số trình độ văn hoá như vậy tương đối thấp so với dân số và trình độ cả nước.
Nếu xét về mặt loan báo Tin Mừng và hiệu quả truyền giáo qua số người lớn và trẻ em được rửa tội (RT), chúng ta có số liệu sau đây: năm 2010 số người lớn được RT là 4.116 người, số trẻ em được RT, từ 1-7 tuổi là 1.491 em, so với số trẻ sơ sinh đạo gốc được RT là 16.461. Tổng cộng là 22.068. Năm 2011, số người lớn được RT do kết hôn là 3.723 người, trẻ em từ 1 đến 7 tuổi là 197, RT thuộc các lý do khác là 812 so với trẻ sơ sinh đạo gốc được RT là 19.399. Nếu so sánh với dân số Công giáo trên 800 ngàn người thì kết quả loan báo Tin Mừng này chưa phải là một con số khích lệ.
Trên đây là vài số liệu chúng con muốn đóng góp để gợi ý cho các hoạt động riêng của Caritas Xuân Lộc. Chúng ta sẽ được nghe Ban Điều hành trình bày định hướng kế hoạch hoạt động từng năm.
Để tổ chức hoạt động cho có hiệu quả thiết thực, Caritas Xuân Lộc cũng như các giáo phận khác lập ra Văn phòng Caritas với các nhân viên và tình nguyện viên phụ trách chuyên môn để nghiên cứu, soạn thảo, thực hiện và giám sát các chương trình, kế hoạch, dự án của Caritas Trung ương và giáo phận theo Điều 11, 12 và 13 của bản Quy chế Caritas Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng chính Caritas giáo xứ mới đóng vai trò quyết định cho sự thành bại của tổ chức này vì đó là đơn vị cơ bản của mọi hoạt động từ thiện bác ái của Giáo hội Công giáo. Bản Quy Chế xác định rất rõ những hoạt động của Caritas giáo xứ ở Điều 13.4., hoạt động của Hội viên Caritas Việt Nam và Tình Nguyện viên Caritas Việt Nam ở Điều 13.5., nhất là đào tạo cho mọi người có được tình bác ái thật sự được bản Nội Quy dành cho Hội viên Caritas Việt Nam diễn tả. Nếu các linh mục, tu sĩ và giáo dân sống đúng theo Linh đạo Bác ái đó, chúng con tin chắc chắn rằng Giáo hội Việt Nam sẽ làm thay đổi sâu xa dân tộc này như cha ông ta là các Thánh Tử Đạo đã làm trước đây.
Để hoạt động hiệu quả, Caritas cần có những nguồn lực vật chất và tinh thần. Nhiều người nghĩ rằng Caritas cần phải có rất nhiều tiền, nhiều thuốc men, nhiều cơ sở vật chất để làm việc từ thiện bác ái như các tổ chức ngoài Giáo Hội đang làm, cần làm nhiều dự án và xin tài trợ của các tổ chức nước ngoài… Tuy nhiên, ĐTC Bênêđictô XVI trong 2 thông điệp của ngài là Deus Caritas est (Thiên Chúa là Bác ái) và Caritas in veritate (Bác ái trong Sự thật) đã dạy bảo người tín hữu Kitô tập trung vào Chúa Kitô và gắn bó mật thiết với Người để được chuyển thông tình yêu, quyền năng, ân sủng rồi mới có thể diễn tả thành những hành động cụ thể trong đời sống xã hội. Điều này đã được bản Quy Chế nói rất rõ ở Điều 15 khi bàn về Quỹ Hoạt động của Caritas: “Quỹ này bao gồm tất cả nguồn nhân lực, vật lực, tình yêu của con người cũng như ân sủng, quyền năng và nhất là tình thương của Thiên Chúa mà con người có thể đóng góp vào để thể hiện tình bác ái cho nhau”.
Một vài Caritas giáo phận, như Caritas Kontum và Caritas Long Xuyên, đã khai triển việc cổ động các hội viên đóng góp hàng tháng cho quỹ sinh hoạt một số tiền nhỏ và đã tự lập về tài chính khi biết dựa vào nội lực của đồng bào Việt Nam theo sự khuyến khích của HĐGMVN. Hội nghị Thường niên của Caritas Việt Nam tại Toà Giám mục Xuân Lộc, Long Khánh vào tháng 12-2011 cũng đã bàn đến Quỹ hoạt động này.
Lời cầu chúc
Cầu chúc Caritas Xuân Lộc luôn phát triển bền vững để làm sáng danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho đồng bào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét