Xét về phương pháp trình bày, chúng ta nhận thấy rằng từ chương Sáu vừa rồi (Lao động) cho đến chương Mười Một (Hòa bình), sách Tóm lược luôn mở đầu GHXH bằng việc quy chiếu về Kinh thánh. Lời Chúa trở thành ánh sáng giúp chúng ta phân định các thực tại trần thế.
Trong lãnh vực kinh tế, sách TLHT đưa ra hai đề tài để suy niệm: 1/ Quan niệm về giàu nghèo. 2/ Sự chia sẻ tài sản.
A. Quan điểm Kinh thánh về giàu sang và nghèo nàn
1. Trong Cựu ước, người ta thấy có hai thái độ đối nghịch trước những của cải vật chất[1] (số 323). Một đàng, chúng được coi như là phúc lành của Chúa ban; đàng khác, chúng có thể bị chỉ trích khi sử dụng sai lệch (các ngôn sứ kết án những kẻ bóc lột và những cảnh bất công).
2. Sự nghèo nàn được nhìn nhận như một giá trị luân lý (số 324). Những lời Chúa hứa can thiệp giải cứu được dành cho những người nghèo: họ sẽ được kế thừa giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Ngài; họ sẽ được Đấng Mêsia bảo vệ quyền lợi. Sự nghèo nàn giúp cho tâm hồn con người biết lãnh nhận ân huệ của Đấng Tạo Hoá, đang khi người giàu dễ tự phụ vì dựa vào tài sản của mình. Người nghèo ý thức rằng các tài sản vật chất có tính cách tạm bợ, và chúng được Chúa ban để cho mình quản lý và chia sẻ.
3. Chúa Giêsu tiếp nối truyền thống của Cựu ước về tài sản, sự giàu sang và nghèo nàn (số 325). Người đến để thiết lập “Triều đại Thiên Chúa”, giải thoát con người khỏi cảnh lầm than, dẫn đến thông hiệp với Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các tín hữu tiếp tục công trình của Chúa Giêsu: trao trả lại công bằng cho người nghèo, giải thoát những kẻ bị áp bức, tìm kiếm một trật tự mới của công lý.
4. Kinh tế và tiến bộ xã hội nhằm phục vụ con người và xã hội (số 326).
- Tài sản được coi là sử dụng cách đúng đắn khi nhằm đến: hoàn thiện thế giới; làm chứng cho sự tốt lành và cao cả của Thiên Chúa; tiến đến sự tự do sung mãn; phát huy những tài năng cá nhân để làm việc nghĩa; làm giàu trước mặt Chúa (xc. Lc 12,21).
- Mục tiêu của kinh tế: - dụng cụ để giúp vào việc tăng trưởng toàn diện của con người và xã hội; - phục vụ phẩm chất của đời sống.
5. Đức tin vào Chúa Kitô soi sáng bản chất của sự phát triển (số 327). Theo thư thánh Phaolô gửi Colosê, Đức Kitô là trưởng tử trong mọi loài thọ tạo. Mọi vật được tạo dựng trong Người và nhờ Người. Mọi sự tồn tại nơi Người. Mọi sự viên mãn và hoà giải ở nơi Người. Lịch sử của chúng ta được viết ở trong Người.
B. Sự giàu có là để chia sẻ
1. Các tài sản được Chúa ban cho toàn thể nhân loại[2] (số 328). Mọi hình thức tích lũy tài sản quá đáng đều trái ngược với luân lý. Sự cứu rỗi của Kitô giáo bao hàm sự giải thoát toàn diện con người đối với nhu cầu cũng như đối với việc chiếm hữu: “Bởi vì căn nguyên của mọi sự dữ là sự ham mê tiền bạc; vì buông theo lòng ham muốn ấy mà nhiều người đã xa lìa đức tin” (1Tm 6,10). Vì thế cần phải hoán cải và thay đổi lương tâm, hơn là đòi hỏi phải thay đổi các cơ chế xã hội và chính trị.
2. Quan điểm các giáo phụ đối với của cải (số 329)
- Clêmentê Alêxanđria: Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ người khác, nếu tất cả chúng ta đều chỉ có hai bàn tay trắng?
- Gioan Kim khẩu: Một số người được giàu có là để họ được tăng thêm công trạng khi chia sẻ tài sản cho người khác.
- Thánh Basiliô kêu gọi người giàu hãy mở các cửa kho chứa hàng.
- Thánh Grêgôriô Cả nói rằng người giàu chỉ là một kẻ quản lý những gì mình sở hữu; việc cung cấp cái nhu yếu cho người đang cần là điều phải thực hiện với lòng khiêm tốn, bởi vì tài sản không phải là đồ sở hữu của kẻ phân phát.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Nên lưu ý việc dịch thuật từ ngữ. Trong các ngôn ngữ châu Âu, “của cải” (hay “tài sản”) theo nguyên ngữ là “những điều tốt lành”: bona (Latinh), biens (Pháp), goods (Anh). Để làm rõ nghĩa, đôi khi người ta xác định thêm là “tài sản tinh thần” (thiêng liêng) - bona spiritualia, biens spirituels, spiritual goods, và “tài sản vật chất” - bona materialia vel temporalia, biens matériels, material goods.
[2] Dịch theo nghĩa đen: của cải được dành cho hết mọi người (destination universelle des biens). Nguyên tắc này được TLHT giải thích ở số 171-175.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét