Thông điệp Tân Sự (kỳ 2)
1. Những quan hệ giữa chủ và thợ được thay đổi.
2. Một tình trạng bất hạnh và khốn cùng không thích đáng.
VẤN ÐỀ TIÊN QUYẾT : LẬP TRƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÓA BỎ QUYỀN SỞ HỮU TƯ NHÂN. NHỮNG HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA NÓ
3. Chủ đề xã hội chủ nghĩa. Những sai lầm của nó.
4. Công nhân mất hết mọi hy vọng khuyếch trương di sản của mình.
5. Con người có một quyền sở hữu tự nhiên, bền vững và thường tồn.
6. Con người phải thống trị địa cầu.
7. Tư hữu (sở hữu tư nhân) và tặng phẩm địa cầu chung cho con người.
8. Những mối liên hệ giữa sở hữu và lao động.
9. Những mối liên hệ giữa sở hữu và cuộc sống gia đình.
10. Gia sản.
11. Quyền lực dân sự phải bảo vệ xã hội gia đình.
12. Những hậu quả tai hại của sở hữu tập thể.
QUYỀN ÐƯỢC ÐỀ CẬP ÐẾN ÐỀ TÀI NÀY CỦA GIÁO HỘI VÀ GIÁO HỘI BẢO ÐẢM THỰC HIỆN MỘT CÁCH CÓ HIỆU QUẢ.
13. Sự cần thiết phải nại đến tôn giáo và Giáo Hội.
14. Chấp nhận những khác biệt và không đồng đều về điều kiện.
15. Hai giai cấp không là kẻ thù của nhau. Tư bản và lao động.
16. Những nghĩa vụ công bình của công nhân và của chủ nhân.
17. Ðồng lương đúng đắn.
18. Hữu nghị giữa mọi người.
19. Sử dụng chung của cải. Một nghĩa vụ của đức ái.
20. Nghèo túng không là điều sỉ nhục.
21. Còn xa hơn tình hữu nghị, tình yêu thương huynh đệ.
22. Những định chế Kitô giáo canh tân các xã hội.
23. Giáo Hội kêu mời sống theo nhân đức.
24. Giáo Hội nâng đỡ những giai cấp bị thua thiệt bằng những định chế của đức ái.
VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC
25. Hành động chung của mọi người.
26. Phục vụ công ích.
27. Tư cách công dân thông thường và sự công bình phân phối.
28. Chính quyền, người gìn giữ sự cứu độ công cộng và tư riêng.
29. Can thiệp của Nhà nước để bảo vệ người lao động
30. Bảo vệ phong hoá và những tư hữu (sở hữu tư nhân).
31. Tiên báo những cuộc đình công.
32. Tôn trọng nhân phẩm. Bảo đảm sự nghỉ ngơi cuối tuần.
33. Xác định những điều kiện và thời gian lao động.
34. Giám sát việc quy định một đồng lương đúng đắn.
35. Phát triển tinh thần sở hữu.
CÁC NGHIỆP ÐOÀN
36. Ảnh hưởng tốt lành của chúng trong xã hội.
37. Những xã hội riêng tư với cùng đích hạn hẹp.
38. Nhà nước không thể ngăn cấm những xã hội tư riêng.
39. Trường hợp của các Dòng tu.
40. Sự chọn lựa khó khăn của những công nhân Kitô hữu trong một số hiệp hội.
41. Các Tổng nghiệp đoàn Kitô Giáo
42. Tổ chức của các nghiệp đoàn đó.
43. Hoạt động của các nghiệp đoàn đó.
44. Tính hữu ích của các nghiệp đoàn đó đối với toàn xã hội.
LỜI KHUYẾN DỤ CUỐI CÙNG
45. Ðể thiết lập những nền phong hoá Kitô Giáo.
THÔNG ĐIỆP TÂN SỰ
1. Những tương quan giữa chủ và thợ đã thay đổi
Canh tân xã hội! một tham vọng mãnh liệt đã xâm chiếm xã hội và sách động quần chúng từ lâu! Nó bùng nổ trong phạm vi chính trị. Nhưng không kíp thì chày, nó cũng phải chuyển sang phạm vi kinh tế xã hội, là một phạm vi liên quan mật thiết với đời sống công dân hơn.
Thực thế, kỹ nghệ đã tiến bộ; phương pháp sản xuất đã hoàn toàn đổi mới; những mối liên hệ giữa chủ nhân và công nhân cũng đã đổi khác hẳn. Sản phẩm thì thu dồn vào tay một thiểu số, còn phần đa số thì lâm vào cảnh cơ cực. Công nhân ý thức nhân phẩm của mình. Tình nghĩa đồng nghề thắt chặt giới lao động thân thiết hơn. Lại thêm vào đó, nền phong hoá mỹ tục đã suy đồi rất nhiều. Xã hội tránh sao được những cuộc xung đột kinh khủng sắp bùng nổ.
Ðâu đâu con người cũng rối trí phân vân, sợ hãi đợi chờ ! Tang chứng rõ ràng là bao quyền lợi trọng yếu phải xung đột nhau rồi! Ai ý thức tình trạng xã hội hiện tại, thì không khỏi bận lòng lo lắng. Nào các nhà bác học thông minh; nào các bậc hiền nhân lịch lãm; nào dân chúng hội thảo tìm giải pháp; nào những luật sư sáng suốt hội đồng với các nhà chính trị trứ danh. Ai cũng băn khoăn: thật không vấn đề nào phức tạp và khẩn thiết bằng vấn đề này.
Vậy anh em thân mến, vì quyết mưu ích cho giáo hội và gây hạnh phúc cho thiên hạ, Ta đã viết biết bao thông điệp tối hệ trọng rồi. Tỉ dụ như: "Chủ quyền chính trị". "Tự do của con người". "Hiến pháp xã hội theo đạo Thiên Chúa" .
Giải quyết những vấn đề ấy và những vấn đề khác liên quan đến xã hội, Ta đã cố hết sức liệu cho thích thời mà phi bác những quan niệm sai lầm và giả dối. Hiện nay Ta tìm giải quyết vấn đề "Thân phận lao động" căn cứ vào cùng một nguyên tắc và nhắm vào cùng một mục đích Ta đã bàn về vấn đề lao động rất nhiều lần tùy theo trường hợp, nhưng chỉ bàn sơ qua thôi. Trong bức thông điệp này, Ta nghe theo sứ vụ tông đồ của Ta mà nêu lên vấn đề ấy lần nữa, để tìm cách giải quyết một cách tường tận và quang minh hơn. Trước nhất, Ta sẽ nhắc lại những nguyên tắc căn bản, sau đó Ta sẽ đề nghị một giải pháp hợp với chân lý và công bình.
Vấn đề lao động thì rất phức tạp và đầy nguy hiểm, nên khó giải quyết. Phức tạp vì ta khó minh định quyền hành và bổn phận, vốn làm quy tắc cho sự giao thiệp giữa chủ nghiệp và người vô sản: giữa chủ nhân và công nhân.
Vấn đề lại càng nguy hiểm vì cứ sự thường bọn hiếu động thì xảo quyệt. Họ lợi dụng những mâu thuẫn ấy để phát động quần chúng và gieo mầm cách mạng, nên họ giải nghĩa vấn đề một cách sai lạc. Há chẳng phải là nguy hiểm lắm sao !
2. Một hoàn cảnh bất hạnh và khốn khổ không đáng
Nhưng dầu sao, Ta tin chắc ai cũng đồng ý với Ta rằng: Phải dùng những biện pháp khẩn cấp và hiệu nghiệm để cứu trợ những giai cấp hạ lưu trước đã. Họ là phần đa số mà lại lâm vào cảnh cơ bần túng thiếu.
Lý do thứ nhất, là vì thế kỷ trước đã phế bỏ các nghiệp đoàn mà đời nào cũng đã từng có, để bảo vệ quyền lợi của giới lao động. Hiện nay họ sống trơ trọi không đoàn thể nào bênh vực họ được.
Lý do thứ hai, mọi nguyên tắc và mọi tình nghĩa đạo đức cũng đều bị loại ra khỏi pháp luật và các cơ cấu của chính phủ.
Kết quả, công nhân cô lập lại lần lần không còn được ai bảo vệ nữa.
Ngày qua tháng lại, họ nhận thực mình tùy thuộc các chủ nhân bất công. Họ không sao chịu được. Các chủ nhân lại cạnh tranh tham của tham lợi quá đỗi, tuy họ phải chịu, nhưng oan ức và đầy căm hờn...
Thêm vào cái nạn ấy, họ bắt buộc phải vay tiền. Nhưng kẻ có vốn cho vay thì đòi nặng lãi. Họ trả làm sao được. Biết bao phen giáo hội đã lên án những người ăn lãi tham tiền. Nhưng người ta dùng hết mánh khóe này đến mánh lới kia để cứ cho vay nặng lãi mãi.
Lại còn một tật nạn xã hội nữa. Sản phẩm kỹ nghệ và thương mại dồn vào trong tay một thiểu số đại tư bản. Ðó là một ách đè nặng trên vai người vô sản giống như ách nô lệ ngày xưa.
VẤN NẠN TIÊN QUYẾT:
ÐỀ XUẤT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
NHẰM HỦY BỎ QUYỀN TƯ HỮU.
NHỮNG HẬU QUẢ TAI HẠI.
3. Luận đề chủ nghĩa xã hội. Những sai lạc
Tật nạn xã hội là thế ! chủ nghĩa xã hội quyết sửa chữa bằng cách xúi giục kẻ nghèo nổi cơn căm hờn, rồi trả thù trả oán kẻ giầu sang. Họ chủ trương huỷ bỏ quyền sở hữu của từng cá nhân, họ cấm không cho ai lập sản nghiệp riêng. Mọi tài sản phải tịch thu làm tài sản chung của xã hội. Còn quyền quản trị tài sản ấy, họ quyết trao lại cho từng thị xã hay từng quốc gia... Ðã di chuyển quyền sở hữu cho xã hội; đã phân phối sản phẩm và hoa lợi cho công nhân đều bằng nhau, họ tự đắc là đã tìm được phương thuốc thần tiên chữa được tật nạn xã hội hiện tại.
Ðem thi hành chủ nghĩa ấy thể nào cũng không chấm dứt được cuộc giai cấp tương tranh hiện tại. Thợ thuyền lại bị thiệt hại nữa là khác. Vả lại chủ nghĩa xã hội nói trên bất công vì nó phạm đến quyền chính đáng của sản chủ; làm sai chức vụ tự nhiên của quốc gia; rồi đảo lộn phá triệt lâu đài xã hội.
4. Giới lao động mất mọi hy vọng nới rộng gia sản
Người làm việc, thợ làm nghề, ai cũng chỉ nhắm đến một mục đích và chỉ một duyên cớ rõ rệt là tìm tài sản, lập sở hữu riêng, rồi đòi toàn quyền hưởng dụng. Nếu công nhân hy sinh sức khỏe nghị lực làm cho kẻ khác, tựu chung là để tìm sự nuôi thân và thỏa mãn nhu cầu đời sống của mình. Họ mong rằng : Nhờ công việc làm, họ sẽ lãnh tiền lương, mà lại tự do sử dụng số tiền ấy tùy ý mình. Ðó là quyền tuyệt đối và chính đáng của họ.
Nhiều khi vì nhịn ăn nhịn tiêu, công nhân dành dụm được một ít vốn, rồi muốn chắc chắn giữ lại mãi, họ đem tậu một đám ruộng chẳng hạn. Tất nhiên đám ruộng ấy là của họ. Miếng đất công nhân mua được là phần sở hữu của họ không kém số tiền họ được kiếm được vì công việc họ đã làm. Quyền sở hữu động sản hay bất động sản quả thật là thế.
Vậy đổi quyền sở hữu cá nhân, thành quyền sở hữu đoàn thể theo chủ nghĩa xã hội đề nghị và hết sức hô hào, kết quả là làm cho số phận công nhân phải bấp bênh không có gì bảo đảm chắc chắn. Trước vì họ không còn tự do hưởng dụng tiền công của họ, sau vì họ mất cả hy vọng và khả năng tăng thêm gia nghiệp và nâng cao đời sống của họ...
5. Con người có quyền tư hữu tự nhiên, bền vững và vĩnh cửu
Liều thuốc chủ nghĩa xã hội đề nghị, là thuốc độc trái ngược với công lý nữa. Ðiều ấy rất hệ trọng. Vì quyền sở hữu cá nhân là quyền bất khả xâm phạm của con người...
Về phương diện ấy, con người khác hẳn mọi con vật vô ý thức. Con vật thì không tự trị lấy mình. Tự nhiên nó sống theo hai bản năng thiên nhiên cấp sẵn cho; bản năng duy trì mạng sống; bản năng điều khiển hành động.
Vì những bản năng ấy, bất sứ sinh vật nào cũng đủ kích thích và hạn chế mọi cử động cần thiết. Bản năng thứ nhất cho chúng tự bảo tồn và tự vệ; bản năng thứ hai lại cho chúng biết sinh sống theo bản tính và truyền nòi giống nữa. Nhờ đó các sinh vật dùng những vật đang có và vừa tầm của chúng một cách thuận lợi khôn khéo. Chúng không vượt qua mức sống cảm giác sự cần và hưởng dụng mọi sự vật thích hợp với nhu cầu hiện tại. Con người nhân tính thì khác hẳn các quan năng của con vật, con người có đầy đủ nhưng hoàn hảo hơn. Nhờ đó con người hưởng dùng được các sự vật hữu hình. Nhưng dầu con người có cơ thể hoàn hảo hơn cơ thể vạn vật, cơ thể ấy không phải là "cả nhân tính" của nó đâu. Cơ thể thua kém nhân tính, và có chăng chỉ là để tòng phục nhân tính tự do hưởng dùng và điều khiển nó, từ ở bên trong. Ðặc tính làm cho ta trổi lên hẳn, làm cho ta thành người khác mọi con vật một trời một vực là "lý trí" . Vì đặc tính ấy, con người lại có đặc quyền không những được dùng các ngoại vật theo tư cách chung của muôn loài trong thiên nhiên, mà lại con người được tôn lên làm bá chủ muôn vật, dầu những vật đã dùng rồi không còn nữa hay những vật còn lưu tồn sau khi đã dùng. Ðó là quyền vĩnh viễn bất khả xâm phạm của con người.
6. Con người phải thống trị trái đất
Càng tìm hiểu nhân tính này kỹ hơn thì càng thấy chức quyền đặc biệt của con người sáng tỏ. Thật là một chân lý hiển nhiên không ai chối được. Nhờ con người có trí thông minh, thì mới tìm hiểu và bao quát muôn vật. Nhận thức những điều hiện tại, con người đã sáng suốt nhận chân những điều ấy liên kết với quá khứ và cả tương lai nữa. Cũng nhờ có lý trí mà con người quản trị được đủ mọi hành động hồn xác của mình. Ðã đành, con người ý thức mình cũng phải phục luật muôn thuở của Tạo Hoá dẫn đạo vũ trụ: mình không kém muôn vật tự nhiên nằm trong khuôn khổ của Ðấng Quan Phòng cai quản hoàn cầu. Nhưng luật Tạo Hoá mình ý thức, thì mình quyết phục hay bất phục tùy ý. Việc Ðấng Quan Phòng, thì con người hợp tác hay bất hợp tác vào, cũng tự do. Kết quả việc hay dở thế nào, con người chịu trách nhiệm hết. Cho nên ai cũng có quyền tự chọn những điều thích hợp, những ngoại vật cần thiết để cấp cho đời sống của mình đủ mọi nhu cầu hoặc hiện tại hoặc tương lai. Vì vậy quyền con người làm bá chủ muôn vật, bao quát các sản vật bởi thiên nhiên phát xuất và cả thiên nhiên làm nguồn vô tận của mọi sản phẩm, vốn phải cấp sự cần cho hậu vận nữa. Sự cần của đời sống con người hằng nảy ra thì cũng hằng thêm bớt, tới lui và đổi mới mãi. Hôm nay mãn nguyện, ngày mai lại nảy ra bao đòi hỏi mới lạ. Muốn có đủ cấp cho mọi giờ mọi khắc, tất thiên nhiên phải cho con người tùy nghi sử dụng một cảnh địa vững chắc trường cửu. Nhờ vậy con người mới đủ phương tiện sinh sống bảo đảm. Mà nguồn của cải vô tận cần thiết này, ngoài thiên nhiên với những sản phẩm của nó, thật không chỗ nào có nữa.
Ðừng có nói, quyền làm bá chủ thiên nhiên này là của quốc gia: còn cá nhân chỉ nhờ quốc gia phù hộ từng công dân. Nói vậy là vô lý. Con người có trước, quốc gia mới có sau. Quốc gia được thành lập thì con người đã nhận bởi thiên nhiên, cái quyền sống và quyền bảo vệ mạng sống của mình từ lâu.
7. Quyền tư hữu và nguồn lợi của trái đất dành chung cho mọi người
Cũng đừng đối kháng lại rằng : quyền tư hữu chính đáng là quyền của Tạo Hoá, đã nhường lại cho toàn thể nhân loại hưởng dùng thiên nhiên làm của chung, nên không người nào được lấy một phần nào làm của riêng. Tạo hoá nhường quyền chiếm cứ thiên nhiên cho cả nhân loại là đúng. Ðừng có hiểu sai là Tạo Hoá cấm không cho ai lập tài sản riêng, hay là cứ từng người mặc ý hưởng dụng sự cần một cách lộn xộn. Ý nghĩa chính là Tạo Hoá không định trước phần riêng từng ai; một là cứ để từng người và từng dân tộc tổ chức mọi sự và hoạch định lấy sản nghiệp cần thiết theo lẽ khôn ngoan của họ.
Ngoài ra, dù đã chia ra thành tư sản, thiên nhiên vẫn giúp ích chung cho mọi người. Không phàm nhân nào mà không sống nhờ lợi tức thiên nhiên. Ai không có phần sản thổ riêng, thì người ấy lấy cần lao thế lại. Quả thật, cần lao là phương pháp phổ thông khắp nơi để cung ứng mọi nhu cầu đời sống. Người thì làm lụng ngay ở trong đám ruộng, sở vườn mình hưởng hoa lợi. Người thì lao động theo nghề nghiệp sở hay xưởng máy của người khác, rồi lãnh nhận tiền công đổi chác với sản phẩm thiên tạo hay nhân tạo cần thiết.
Những nhận xét trên đều chứng minh rằng : "Quyền tư hữu hoàn toàn hợp lý đương nhiên" . Ðã đành rằng, thiên nhiên sản xuất dồi dào đủ mọi sự vật cần thiết cho con người bảo tồn và phát triển sinh mạng cho hoàn thiện. Nhưng thiên nhiên cứ là thiên nhiên thì chẳng ích lợi bao nhiêu cho con người. Con người nhờ cần lao mà biến hoá thiên nhiên; cầy đất cấy ruộng chẳng hạn, thì thiên nhiên mới hữu ích.
Vậy hễ người nào đã lao tâm lao lực khiến thiên nhiên hoá thành những đồ dùng hữu ích cho mình, thì sản phẩm hữu ích đó, tất nhiên cũng thành phần gia sản riêng của người ấy nhờ cần lao con người in vào thiên nhiên một mảnh hình hài nào đó là của mình. Thành ra cứ theo công lý, sản phẩm mang hình hài của người nào, cũng thuộc về quyền sở hữu của người ấy. Ai xâm phạm quyền ấy bất cứ bằng cách nào, cũng phạm đến công bằng và hành động bất hợp pháp.
8. Mối liên hệ giữa tư hữu và lao động
Ðiều ấy thì vững và hiển nhiên. Ta khỏi ngạc nhiên sao được khi thấy người ta chủ trương những quan niệm hủ lậu mà phản đối lại rằng : cá nhân có quyền dùng đất ruộng và hưởng hoa màu nhưng đâu có quyền làm chủ đất ruộng họ đã tạo lập hay phần điền thổ họ đã cầy cấy. Sao họ không thấy lý luận như thế là cướp công mồ hôi nước mắt của nông dân. Ðám ruộng ấy nông dân đã khéo léo đào lên trộn xuống, nên nó biến tính hẳn; trước thì hoang vu sau thành thuần thục; trước thì hoa lợi chẳng bao nhiêu sau thì hoa lợi mới phì nhiêu. Công việc làm cho đất ruộng đổi lạ thế, tự nhiên bám chắc với đất, lẫn lộn với ruộng, đến nỗi công lao của nông dân, đất ruộng của thiên nhiên dính líu cùng nhau không thể nào chia rẽ ra được.
Vậy công lý làm sao mà rộng phép cho những người lạ chiếm lấy và hưởng dùng mảnh đất mà nông dân đã cấy cầy và vun tới bằng mồ hôi nước mắt của họ được.
"Quả" thì theo "nhân" , sản phẩm thì theo người sản xuất ra nó, đúng là lẽ công bằng.
Vậy kết luận Ta xin nhấn mạnh ba điều :
a. Toàn thể nhân loại cổ kim đã giải quyết vấn đề cho hợp lý. Luật thiên nhiên là căn bản ưu tiên, ta phải noi theo để phân công chia của và hoạch định quyền tư hữu. Không phải vì những dư luận trái ngược của một nhóm người quá khích mà ta phải vi phạm đến lý đương nhiên.
b. Phong tục đời nào, nước nào cũng hợp lý.
Ai cũng thừa nhận tình trạng nhân loại đòi quyền tư hữu thì rất phù hợp nhân tính của con người, và là điều kiện cần thiết cho đời sống xã hội luôn luôn ôn hoà và thịnh đạt. Pháp luật chính phủ hoạch định, thì phải hợp công lý thì mới có giá trị. Vậy nó hợp lý hay chăng là nhờ nó tự ở luật thiên nhiên phát ra. Ðã hợp lý thì tất nhiên pháp luật nhân tạo kia phải xác định nhân quyền tư hữu và nếu có lẽ cần thì bảo vệ quyền ấy bằng cả quyền lực nữa.
c. Sau hết, Ðạo Chúa mạc khải lại châu phê và chuẩn y quyền tư hữu của con người. Dầu có ai chỉ mưu ý muốn lấy của kẻ khác, thì kẻ ấy cũng mắc tội rồi. Ðừng có lòng tham vợ con, nhà cửa ruộng đất, nô tì, bò lừa hay bất cứ vật gì của người khác.
9. Mối liên hệ giữa tư hữu và đời sống gia đình
Tuy nhiên quyền tư hữu đã ghi khắc trong bản tính từng người ngay từ bẩm sinh. Kíp đến lúc con người nam nữ trưởng thành, thì kết hôn và ăn ở chung đụng trong cảnh gia đình. Vì những bổn phận mới của họ, thì quyền tư hữu càng vững bền hơn nữa. Chắc chắn rằng: con người đứng tuổi rồi, thì tự do chọn lấy địa vị nhân sinh thích hợp nhất với xu hướng bản thân. Người thì theo Lời Chúa Kitô khuyên mà chọn ở bậc độc thân. Người thì theo luật tự nhiên mà ở bậc đôi bạn. Nhưng không nhân luật nào bãi bỏ được quyền kết hôn, tự nhiên ai cũng đã có từ nguyên sơ. Cũng không ai xa được mục đích chính, do Thiên Chúa tiền định cho bậc đôi bạn : "Hãy lớn lên và sinh sản cho đông" . Ðấy gia đình được gây dựng như thế. Gia đình nghĩa là một xã hội thân gia. Một xã hội bé nhỏ, đành vậy. Nhưng hiện thực có trước xã hội dân chính. Thành ra xã hội dân chính phải thừa nhận những nghĩa vụ và những gia quyền tuyệt nhiên biệt hẳn với quốc gia.
Những quyền hành Ta đòi hỏi cho từng cá nhân, căn cứ vào luật thiên nhiên, thì ta phải chuyển lại cho những người kết hôn, thành một gia đình. Những nhân quyền nói trên thoạt khi đã hoá thành những gia quyền, thì tất nhiên thêm mạnh và đòi hỏi nhiều hơn. Gia đình há chẳng phải là người nam nữ hợp nhất sinh con mà thành "Một người" hoàn hảo hơn và hiệu lực hơn sao !
10. Di sản gia đình
Thiên nhiên buộc gia trưởng những bổn phận hồn xác là nuôi dưỡng và giáo dục con cái là phản ảnh của cha mẹ. Con cái kéo dài đời sống cha mẹ, nên thiên nhiên thúc đẩy cha mẹ phải lo liệu cho con cái một tương lai đủ sự cần ; tạo lập một gia nghiệp đầy đủ cho họ đương đầu với mọi phúc họa có lẽ xảy ra.
Vậy gia trưởng chỉ có thể xây dựng sản nghiệp kia, do sự thu hoạch, làm chủ mọi sản phẩm hoặc thường xuyên, hoặc nhờ người xuất công tạo ra, để rồi di chuyển cho con cái bằng cách thừa kế. Theo lời Ta đã nói trên, gia đình không kém xã hội dân chính và là một xã hội thực sự, có quyền riêng, thường gọi là gia quyền. Bởi thế trong phạm vi rộng hẹp, tùy theo mục đích nó nhắm đến, gia đình nào cũng được hưởng quyền lợi riêng không kém quyền xã hội dân chính. Có thế, thì gia đình mới có thể lựa chọn và hưởng dụng được những sự cần thiết để bảo tồn và thi hành quyền tư chủ riêng của mình. Ta nói : không kém xã hội dân chính, ít nữa là phải bằng. Vì theo lý đương nhiên, gia đình có trước, quốc gia có sau. Còn trong thực tế quyền sở hữu của gia đình có trước, chính quyền xã hội quốc gia cũng có sau.
Do đó gia đình phải hưởng dụng quyền lợi thì mới làm trọn phận sự cần thiết. Giả như cá nhân và các gia đình tự nhiên có trước, phải nhập vào xã hội quốc gia có sau, thì tất nhiên họ phải được chính quyền ủng hộ và bảo vệ ! nếu lẽ ra thay cho được ủng hộ gia đình bị ngăn trở; nếu lẽ ra thay cho được bảo vệ gia đình bị truất bớt, thì tất nhiên gia đình phải trốn xa chứ không tìm nhờ xã hội nữa.
11. Quyền bính dân sự phải bảo vệ xã hội gia đình
Như vậy chính quyền độc tài mưu trí đến tận cả gia đình, thì thật là lầm lỗi lớn và tai hại nhiều. Trái lại, hễ gia đình nào lâm vào cảnh tuyệt vọng, tự mình tìm giải thoát mà không được, thì phận sự chính quyền phải giơ tay giúp đỡ, vì đương nhiên gia đình là một phần tử của xã hội. Cũng một lẽ ấy, hễ có gia đình nào phạm đến quyền lợi gia đình khác, về những điều căn bản hệ trọng, thì chính phủ phải can thiệp để phục hồi quyền bất khả xâm phạm của mọi công dân. Làm vậy không phải là tiếm quyền của công dân mà chỉ là làm trọn phận sự che chở bênh vực quyền lợi gia đình cho hợp lý. Chính quyền cũng không nên can thiệp vào nội bộ của gia đình.
Thiên nhiên đặt giới hạn không chính phủ nào vượt qua được. Gia quyền không thể bãi bỏ đi được, cũng không thể nào bị quốc gia thu đoạt hết. Lý do là vì nguồn gốc gia quyền, chính là nguồn gốc đời sống con người. Con cái là thành phần sinh sống của cha mẹ. Chúng kéo dài đời sống của cha mẹ. Nói đúng ra, chúng không trực tiếp gia nhập và giao thiệp với xã hội dân chính đâu. Chúng trực tiếp sinh ra trong gia đình và là thành phần của gia đình, rồi nhờ đó gián tiếp họ mới gia nhập vào xã hội dân chính. Con cái tự nhiên là thành phần sống động của phụ thân, nên họ ở dưới quyền giám hộ của phụ mẫu; cho đến khi nào họ đứng tuổi dùng được quyền ý chí tự do của họ cho xứng vị con người. (TH. Toma 2a, 2ae X đoạn 12). Vì vậy, đem quyền bảo trợ của chính phủ, thế vào quyền bảo trợ của cha mẹ là làm tan vỡ những mối tương quan căn bản của gia đình.
"Kẻ xướng lên chủ nghĩa xã hội đã đi ngược lại với công lý tự nhiên."
12. Hậu quả tai hại của sở hữu tập thể
Chủ nghĩa xã hội gây bao thiệt hại ngay trong xã hội dân chính. Chủ nghĩa xã hội bất công một cách hiển nhiên, không ai là không thấy rõ! Thuyết ấy còn gây nên biết bao thiệt hại. Trước thì gây hỗn loạn giữa các tầng lớp xã hội. Nó xiềng xích công dân vào vòng nô lệ nhục nhã ghê tởm, nên mới mở cửa cho công dân tha hồ giận ghét nhau, sinh lòng bất mãn và căm hờn.
Hơn nữa, những công dân dù tài năng lỗi lạc, cũng mất luôn sự kích thích làm việc. Họ không phấn khởi lên, thì sự sản xuất sẽ khô cạn ngay từ ở nguồn gốc.
Sau hết, chủ nghĩa xã hội muốn có sự bình đẳng giữa mọi công dân. Quả thật là một ảo tưởng, vì theo ý họ đề nghị, sự bình đẳng xã hội chỉ thực hiện ra trong sự thiếu thốn nghèo nàn và cùng quẫn.
Căn cứ vào những lý lẽ Ta mới chưng ra, chủ nghĩa xã hội, chủ trương quyền sở hữu đoàn thể, mà chối quyền tư hữu; phải bài xích triệt để vì kết quả nó khốc hại cho chính những người nó muốn cứu vớt. Nó lại trái ngược với mọi quyền lợi thiên nhiên của từng cá nhân. Nó làm sai lạc chức trách của quốc gia và phá rối an ninh công cộng. Thế nên, ai thành thực muốn xây hạnh phúc cho thế tục, phải căn cứ vào nền tảng tự nhiên của xã hội mà hết sức tôn trọng quyền tư hữu của từng người.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét