Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới theo Giáo huấn Xã hội Công giáo



Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Nhập đề
Để xây dựng nền VMTY cho con người, Giáo Hội đã nghiên cứu và trình bày cả một học thuyết xã hội dựa trên cơ sở lấy con người làm nền tảng, với các lĩnh vực và các mối tương quan cơ bản của con người, hình thành nên nền nhân bản toàn diện và liên đới của Công giáo.
Lấy con người làm nền tảng vì con người là con đường của Thiên Chúa: chính Ngôi Lời của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Hơn nữa, con người còn là con đường của Giáo Hội như Công đồng Vaticanô II, đặc biệt là ĐTC Gioan Phaolô II, đã xác định trong Thông điệp Đấng Cứu độ Con người (x. Redemptor Hominis, số 14; UBBAXH/HĐGMVN, TLHTXHCG, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 62).
Nền nhân bản này đã được Công đồng Vaticanô II giới thiệu trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) vào năm 1965, và Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình khai triển trong HTXHCG vào năm 2004 (x. TLHTXHCG, phần Nhập đề, tr.29-49; chương 1, tr.43-66; chương 3, tr.99-129).
Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin trình bày những nét chính yếu của nền nhân bản Công giáo theo 3 điểm sau đây:
1. Tại sao gọi là nền nhân bản?
2. Nền nhân bản toàn diện bao gồm các lĩnh vực nào?
3. Sự liên đới của con người gồm các mối tương quan nào?
1.1. Định nghĩa
v Nền nhân bản là một hệ thống suy tư và hành động, lấy con người làm gốc, làm nền tảng thay vì lấy vật chất hay thần linh. Nền nhân bản này đặt nền tảng trên giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo bao gồm những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động (TLHTXHCG, số 7). Hệ thống suy tư giúp con người có những nhận thức đúng đắn về chính mình, về con người, về vạn vật cũng như về cả Thiên Chúa. Hệ thống hành động bao gồm những kỹ năng sống để con người thể hiện tốt đẹp và hiệu quả những nhận thức trên.
v  Nhân bản không có nghĩa là tạo ra thành nhiều bản giống hệt nhau như người ta thường nói: photocopy nhân bản một tài liệu (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2005, NXB Đà Nẵng).
v Nhân bản ở đây gần với nghĩa nhân văn: thuộc về văn hoá loài người. Đây là từ nói gọn của chủ nghĩa nhân bản hay chủ nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, chủ nghĩa nhân bản Công giáo này khác với chủ nghĩa nhân bản của Feuerbach (triết gia người Đức) vì thấy rõ được bản chất xã hội của con người và quá trình phát triển của con người trong xã hội (x. Hội đồng Quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995).
v Lưu ý về tên gọi “nền nhân bản”: Chúng ta dùng từ “nền nhân bản” thay vì “chủ nghĩa nhân bản” để tránh hiểu lầm rằng Giáo Hội đang muốn xây dựng một chủ nghĩa đối kháng với các chủ nghĩa đã từng có mặt hay đang ảnh hưởng trong đời sống con người như chủ nghĩa Tư bản, chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Duy thực, Duy nghiệm, Duy tâm, Duy vật… Nền nhân bản này được xây dựng cho con người và vì con người nên bất cứ chế độ chính trị, tổ chức chính quyền, loại hình kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo nào cũng có thể tiếp nhận và hoà hợp, miễn là không đi ngược với những quyền lợi căn bản của con người, dù rằng nền nhân bản này có nói đến Thiên Chúa.
1.2. Những giai đoạn phát triển về nhận thức của con người
v Trước đây, khi nhận thức của con người còn hạn hẹp, khoa học chưa phát triển, con người bái thờ những sức mạnh thiên nhiên hay vật chất vì thấy chúng mạnh hơn con người. “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Nhưng khi con người chế ngự được thiên nhiên, thì thần linh cũng biến mất. Chế tạo ra cột thu lôi thì thần Thiên Lôi cũng không còn.
v Sau đó, con người lại tìm ra các thần linh tưởng tượng làm nguồn gốc cho những hoạt động tinh thần của mình như thần Zeus, Jupiter, Mars, Venus, Diana, Minerva… Đó là thời kỳ bái thần với nhiều hình thức mê tín. Con người cho rằng chỉ có thần linh bất tử là có giá trị, còn con người khả tử chỉ là đồ chơi của các thần. Nhưng khi con người khám phá ra những khả năng và giá trị tinh thần của chính mình thì các thần linh đó cũng không tồn tại.
v Với khoa học tiến bộ, càng ngày con người càng ý thức rằng mình phải định hướng đúng những năng lực của chính mình vì chúng có thể phục vụ con người nhưng cũng có thể đè bẹp và huỷ diệt con người. Những quả bom nguyên tử tàn phá Hirosima và Nagasaki cũng như những bệnh nhân của chất độc Dioxin, của trò chơi trực tuyến (games online), phim sex… dạy ta điều đó.
v Con người nhận ra rằng những bất ổn đang giày vò thế giới hôm nay gắn liền với những bất ổn căn bản hơn bắt nguồn từ thâm tâm con người vì trong chính con người đã có những yếu tố xung khắc nhau. Con người cảm thấy mình bị hạn chế về nhiều phương diện nhưng lại luôn có những khát vọng vô biên. Vì yếu đuối và tội lỗi, nhiều khi con người làm chuyện mình không muốn và không làm được điều mình muốn (x. Rm 7,14tt). Con người luôn muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, quyền năng vô hạn và hạnh phúc vô biên. Những tôn giáo lớn xuất hiện để đáp ứng những đòi hỏi này của con người.
v Vì thế, con người vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi cơ bản cho cuộc sống của mình như: Con người là gì? Làm sao giải thích được đau khổ, sự dữ và cái chết? Tại sao có nhiều tiến bộ của khoa học kỹ thuật như thế mà chúng vẫn tồn tại? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và mong đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ theo sau cuộc sống ở trần gian này? (x. CĐ Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 10).
1.3. Đi tìm một định nghĩa đích thực về con người
v Người – con người: theo định nghĩa là động vật tiến hoá nhất, có khả năng nói, tư duy, sáng tạo và sử dụng công cụ trong quá trình lao động xã hội (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2005, NXB Đà Nẵng) hay “sinh vật thuộc giống người, đánh dấu trình độ phát triển cao của cơ thể sống trên trái đất” (x. Hội đồng Quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995).
v Với những khám phá của khoa Cổ Sinh vật học và Vũ trụ học, người ta biết được vũ trụ vạn vật thoát thai từ vụ nổ “big bang” cách nay 15 tỷ năm, với hàng trăm ngàn thiên hà hình thành, trong đó có thiên hà của chúng ta với khoảng 400 triệu ngôi sao giống như mặt trời xuất hiện cách ta khoảng 12 tỷ năm. Trái đất là một hành tinh tách ra từ mặt trời cách đây 8 tỷ năm. Sau đó trái đất, với những chất khí Oxy, Hydro, Nitơ… tổng hợp thành những chất càng ngày càng phức tạp. Cách đây 1 tỷ năm, tế bào sống đầu tiên xuất hiện. Tế bào ấy càng ngày càng phân hoá phức tạp thành đơn bào, đa bào, các sinh vật hạ đẳng, các loài có xương sống; rồi các động vật thượng đẳng. sau đó xuất hiện người vượn Pliopitec cách đây 37 triệu năm; Ramapitec, 12 triệu năm; Ostralopitec, 3 triệu năm; Con người đứng thẳng, 1 triệu năm; con người tiền sử vùng sông Solô, 250.000 năm; người Neoderthan, 150.000 năm; người Cromagnon biết suy tư “Homo Sapiens” cách 40.000 năm.
v Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn con người riêng biệt trong dòng tiến hoá của mình, con người sẽ không bao giờ tìm ra được nguồn gốc, giá trị và ý nghĩa sự hiện hữu của mình giống như khi ta phân tích bộ phận của một cây viết hay 1 cái đồng hồ. Nhờ khả năng biết suy tư của tinh thần, con người vượt ra khỏi vòng tiến hoá để khám phá ra nguồn gốc của vạn vật và của chính mình.
v Trong những dòng lịch sử suy tư của con người, người ta đã định nghĩa con người là “con vật biết suy tư” (animal rationabile), coi con người là sự kết hợp giữa thể xác và tinh thần. Quan niệm duy tâm cho bản chất con người là tinh thần, là l‎ý tính. Quan niệm duy vật cho bản chất con người là do vật chất biến hoá ngẫu nhiên mà thành. Quan niệm siêu hình chỉ nhìn thấy con người riêng rẽ về mặt sinh học hay tâm l‎ý (x. Hội đồng Quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995).
v Trong lịch sử, nhiều ‎ý thức hệ, triết học, tôn giáo, trong đó có cả Kitô giáo, đã có lúc quá chú trọng đến hình thức, nghi lễ dành cho thần linh, cho Thiên Chúa mà coi nhẹ những hoạt động dành cho con người. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phát sinh ra những thái độ của con người chối từ thần thánh, tạo nên chủ nghĩa vô thần. Những chủ nghĩa này đã nhân danh con người hay xã hội loài người để đòi lại những gì mà các tôn giáo đã dành cho thần linh, cho Thiên Chúa (x. CĐ Vat. II, HC Gaudium et Spes, số 19-21).
v Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu xây dựng một nền nhân bản dựa vào Chúa Kitô để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại (x. CĐ Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 10).
v Giáo hội Công giáo đã xác định rằng con người là con đường của Giáo Hội (x. TLHTXHCG, số 62) và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Người sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả, vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Đức Giêsu Kitô” (x. CĐ Vat.II, HC Gaudium et Spes, số 22).
1.4. Quan điểm của Giáo hội Công giáo về con người
v Toàn bộ học thuyết xã hội Công giáo là sự triển khai nguyên tắc con người có phẩm giá bất khả xâm phạm vì con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” (x. TLHTXHCG, số 107): “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Ngài sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27) và đặt con người vào trung tâm và chóp đỉnh của trật tự sáng tạo.
v Con người, theo tiếng Hipry là Ađam, được tạo dựng từ đất (adamah) và Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào mũi Ađam (x. St 2,7). “Bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị, không phải chỉ là một ‘cái gì đó’ mà là một ‘ai đó’. Con người có khả năng biết mình, làm chủ mình, tự do hiến mình và tự nguyện hiệp thông với người khác. Hơn thế nữa, con người được ơn Chúa mời gọi k‎ý kết giao ước với Đấng Tạo Hoá của mình, lấy đức tin và tình yêu đáp trả Ngài” (x. TLHTXHCG, số 108).
v Quan hệ giữa Thiên Chúa và con người được phản ánh trong chiều hướng tương quan và xã hội của bản tính con người. Con người không phải là một hữu thể cô độc, mà là một hữu thể xã hội, không thể nào sống cũng như không thể nào phát triển tiềm năng của mình bao lâu con người không liên hệ với người khác. Hình ảnh người phụ nữ Eva là một hữu thể cùng xương cùng thịt với chính Ađam (x. St 2,23) cho ta hiểu tầm quan trọng của “người khác” trong cuộc sống con người. Trong mỗi người thân cận của mình, bất kể là nam hay nữ, đều có sự phản ánh của chính Thiên Chúa (x. TLHTXHCG, số 110). Cả hai hiệp thông với nhau, làm cho mình được sung mãn nhờ sự hiến thân chân thành và tham gia vào hành động sáng tạo của Thiên Chúa để phục vụ cho sự sống (x. St 1,28).
v Con người còn hiện diện với tất cả các thụ tạo khác. Họ có khả năng và bổn phận lấy các thụ tạo khác phục vụ mình và hưởng dùng chúng, nhưng việc chế ngự thế giới đòi hỏi họ phải thi hành trách nhiệm chứ không được tự do khai thác tuỳ tiện và ích kỷ vì Thiên Chúa đã trao cho con người quyền bá chủ trái đất, “đặt tên cho vạn vật” (x. St 2,19-20) và mọi thụ tạo đều có giá trị, tốt lành trước mặt Chúa là tác giả của chúng (x. St 1,4.10.12.18.21.25) (x. TLHTXHCG, số 113).
v Con người cũng có tương quan với chính mình và có khả năng suy tư về chính mình nhờ tâm hồn. Tâm hồn chỉ rõ sự thiêng liêng bên trong con người, phân biệt con người với các thụ tạo khác. Thiên Chúa cũng đặt vào tâm trí con người ý niệm vĩnh cửu, ban cho con người những khả năng thiêng liêng như biết suy tư, phân biệt tốt xấu, ý muốn tự do và chia sẻ cho con người sự sống vĩnh hằng, nguồn chân thiện mỹ vô tận và hạnh phúc vô biên (x. TLHTXHCG, số 114).
v Tuy nhiên, khi Ađam và Eva chiều theo tên cám dỗ, con người đã đánh mất sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ khi cắt đứt mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, bất phục tùng Ngài (x. Rm 5,19). Đó là tội nguyên tổ. Hậu quả của tội lỗi chính là sự tha hoá, tức là sự xa rời của con người không những với Chúa mà còn với chính mình, với người khác và với thế giới chung quanh (x. St 3,12).
v Để phục hồi con người trở lại tình trạng tốt đẹp như trước khi Ađam phạm tội và hơn nữa còn thăng hoa con người cho xứng với tình yêu của mình, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, thành Đức Giêsu Kitô. Đó là công trình cứu độ. Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa (x. 2Cr 4,4; Cl 1,15) đã làm cho hình ảnh và nét tương đồng với Thiên Chúa nơi con người được phản ánh đầy đủ và được thể hiện trọn vẹn. Cùng với con người, ơn cứu độ cũng được thực hiện cho muôn loài thọ tạo (x. Rm 8,18-22; Giáo l‎‎ý Hội Thánh Công giáo, số 121-123).
1.5. Mục đích của nền nhân bản toàn diện và liên đới
v Nền nhân bản này nhằm mục tiêu là đổi mới và xây dựng mỗi người tín hữu thành hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô. Người là con người mới, con người hoàn hảo, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15), là Ađam mới (x. Rm 5,14) vì nhờ Người mà “bản tính nhân loại của chúng ta đã được nâng lên một phẩm giá siêu việt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người” (HC Gaudium et Spes, số 22).
v Người tín hữu nhờ kết hợp với Đức Kitô sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23) để trở thành con người mới có khả năng chu toàn lề luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu (x. TLHTXHCG, số 575-580) cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này (x. TLHTXHCG, số 431).
v Lúc đó loài người chúng ta vượt qua bí ẩn của đau khổ và sự chết để sống trọn vẹn trong niềm vui, bình an và tình yêu của Thiên Chúa (x. TLHTXHCG, số 583).

2. NỀN NHÂN BẢN TOÀN DIỆN BAO GỒM CÁC LĨNH VỰC NÀO?
Nền nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới vì con người thật sự là một mầu nhiệm không thể nào khám phá cho cùng.
Công đồng Vatican II đã lưu ý đến những lĩnh vực này trong các văn kiện, nhất là trong Hiến chế Gaudium et Spes, trong đó, Công đồng lưu tâm đến thân phận con người trong thế giới ngày nay, đến phẩm giá cao cả của con người, đến cộng đồng nhân loại và sinh hoạt của con người trong thế giới và vũ trụ. Công đồng cũng lưu ý đến một số vấn đề khẩn thiết như hôn nhân và gia đình, giáo dục và văn hoá, kinh tế và chính trị, chiến tranh và hoà bình, đối thoại liên tôn và các phương tiện truyền thông xã hội.
Bốn mươi năm sau Công đồng, Giáo hội Công giáo tổng hợp những vấn đề của con người trong cuốn TLHTXHCG thành những chủ đề có tính tổng quát và đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn rõ ràng, mạch lạc hơn. Ta có thể tóm tắt vào mấy lĩnh vực chính sau đây:
2.1. Thể chất và tinh thần
Con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất với tinh thần và thể xác (x. TLHTXHCG, số 127; CĐ Vat. Gaudium et Spes, số 14). Hai yếu tố thể xác và tinh thần đều do Thiên Chúa dựng nên, chứ không phải bắt nguồn từ hai phía đối nghịch nhau (Thuyết Nhị Nguyên) (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 14). “Tinh thần lành mạnh trong một thể xác tráng kiện” (Mens sana in corpore sano).
Thông qua thân xác mình, con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất (x. TLHTXHCG, số 128). Mỗi ngày, qua đồ ăn, thức uống, khí trời, con người hoà hợp với vạn vật và thống nhất chúng nơi mình.
Nhờ tinh thần, con người có thể đi vào vạn vật để khám phá ra chúng và thấy mình vượt lên trên thế giới vật chất bên ngoài với phẩm giá độc đáo và lương tâm ngay chính.
2.2. Nội tâm và ngoại giới
Con người khám phá ra mình hiện hữu như một cái “tôi” độc lập, có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình (x. TLHTXHCG, số 131).
Khoa Tâm lý học cũng khám phá ra cấu trúc phức tạp của tinh thần con người với những tầng lớp như ý thức, tiềm thức, vô thức tác động lên nhau và ảnh hưởng lẫn nhau cũng như những khả năng lạ lùng của con người với trí nhớ, trí hiểu, trí tưởng tượng, ý chí, tình cảm, khả năng hoạt động… khiến cho mỗi con người trở thành độc đáo với sứ mạng đặc biệt của riêng mình.
2.3. Tự nhiên và siêu nhiên
Ngoài những gì tồn tại trong thế giới vật chất, hoặc do con người làm ra, có thể cân đo đong đếm hay xác định được trong không gian và thời gian, con người còn cảm nghiệm được nhiều điều thuộc về lĩnh vực siêu nhiên. Lĩnh vực siêu nhiên này mời gọi con người khám phá để phát huy những khả năng vô tận của con người vượt lên trên nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện nay. Con người có thể mở lòng mình để đón nhận những ân phúc như những quà tặng của Thiên Chúa và trao đổi những giá trị tinh thần cho người khác như tình yêu, lòng nhân ái, lời cầu nguyện…
Khi nhận ra mình có tự do như quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người và muôn loài có tinh thần để yêu Ngài, vì Ngài là tình yêu (1Ga 4,8.16), thì con người cũng có thể khước từ tình yêu Thiên Chúa (x. TLHTXHCG, số 128; CĐ Vat.II Gaudium et Spes, số 14). Và con người đã làm thế trong đời sống của mình. Con người cắt đứt với nguồn chân thiện mỹ là Thiên Chúa nên con người đã cảm nghiệm những nổi loạn của thân xác, làm nô lệ cho những xu hướng xấu xa của tinh thần dẫn con người đến tội lỗi (1Cr 6,13-20; Rm 7,24; CĐ Vat.II Gaudium et Spes, số 13). Vì thế, con người cần luyện tập những đức tính và loại bỏ những tật xấu ra khỏi cuộc sống của mình.
2.4. Cá nhân và tập thể
Nhờ tinh thần, con người có thể gặp gỡ được những con người khác để xây dựng thành những cộngg đồng yêu thương. Cộng đồng đầu tiên và cơ bản là gia đình với định chế hôn nhân, với nhiệm vụ nuôi nấng và giáo dục con cái. Cộng đồng rộng lớn hơn là xã hội, tập thể để xây dựng nên nền văn hoá dân tộc với những mối liên hệ với tổ tiên, ông bà.
Hơn nữa, con người có thể mở ra với siêu việt để gặp gỡ được tinh thần tuyệt đối là Thiên Chúa ngay trong cõi thâm sâu của lòng mình và gặp gỡ những thụ tạo khác để xây dựng và phát triển một cộng đồng yêu thương (x. TLHTXHCG, các số 128, 129, 130).
Con người toàn diện này có 4 mối quan hệ căn bản với 4 tinh thần phải tập luyện để thể hiện cho tốt đẹp các mối quan hệ ấy:
- Với Thiên Chúa, giữ tinh thần thảo hiếu
- Với người khác, giữ tinh thần huynh đệ
- Với vạn vật, giữ tinh thần huynh trưởng
- Với chính mình, giữ tinh thần tự chủ
3.1. Trong tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu, vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Ngài tạo dựng nên muôn loài nên là cha chung cua vạn vật.
Phân tích con người mình, mỗi người chỉ thấy được những gì thuộc về vật chất, là những, phân tử, nguyên tử, điện tử … thế mà ta đang sống, đang yêu, đang suy nghĩ. Vậy thì sự sống, tình yêu, sự khôn ngoan phải bắt nguồn từ một “ai đó” vượt ra ngoài vật chất, không gian và thời gian cố định. Nhờ tinh thần mở ra cho siêu việt mà ta khám phá ra Đấng Siêu việt là Thiên Chúa, nguồn gốc của muôn sự muôn loài (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 12; TLHTXHGHCG, số 130). Con người cần biết kỹ năng giữ tâm hồn an tịnh để tiếp xúc với Thiên Chúa.
Đào tạo lương tâm ngay chính: con người khám phá tận đáy lòng mình lương tâm như một lề luật phải theo, như một tiếng nói của Thiên Chúa kêu gọi con người phải yêu mến và làm điều thiện cũng như phải tránh những điều ác (x. TLHTXHGHCG, số 16). Tuân theo lề luật ấy là tuân theo các giá trị đạo đức. Các giá trị này bắt nguồn từ luật tự nhiên được ghi khắc trong lương tâm con người, nhờ đó phẩm giá con người được nâng cao và xã hội được ổn định (x. TLHTXHGHCG, số 20). Con người cần biết kỹ năng lắng nghe tiếng lương tâm ngay chính.
Từ cội nguồn Thiên Chúa, con người sẽ giữ tinh thần thảo hiếu này đối với cha mẹ, thầy dạy, ông bà, tổ tiên, dân tộc, là những người thay mặt Chúa chuyển sự sống, sự thật, tình yêu và ân phúc cho ta.
Trong mối tương quan này, người tín hữu được đào tạo để hiểu biết về tinh thần ái quốc và nền văn hoá dân tộc, biết bảo vệ tổ quốc và biết đưa Tin Mừng hội nhập vào nền văn hoá dân tộc.
3.2. Trong tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ, con người giữ tinh thần huynh đệ, đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Ngài sáng tạo con người có nam, có nữ (St 1,27). Sự liên kết giữa hai người nam nữ tạo nên một cộng đồng đầu tiên giữa người với người. Từ bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có tính xã hội và nếu không liên lạc với những người khác con người không thể phát triển và hoàn thiện chính mình. Con người cần biết kỹ năng giao tiếp và sống thân thiện với mọi người.
Trong vũ trụ bao la vẫn có thể có những “người khác” để ta tìm hiểu, gặp gỡ và cùng nhau xây dựng một nền hoà bình giữa các vì sao. Thiên hà của chúng ta với hơn 400 triệu ngôi sao và có khoảng 8000 hành tinh có điều kiện phát triển sự sống giống như trái đất, nghĩa là có thể có người. Thiên hà Andromede cách ta 3,5 triệu năm ánh sáng cũng có khoảng vài trăm triệu ngôi sao như thế. Cả vũ trụ có khoảng 10 ngàn thiên hà đã được kính thiên văn Hubble của Mỹ chụp được (x. Báo Tuổi Trẻ, 9-3-2009).
Con người thể hiện tinh thần huynh đệ này bằng cách tránh những hành vi tiêu cực như dối trá, tham lam, bất công, dâm đãng, xúc phạm đến thân xác hay danh dự người khác theo tinh thần của Mười Điều Răn và bằng cách thể hiện những hành vi tích cực qua đời sống bác ái, tôn trọng, hợp tác, tin tưởng, khoan dung, khiêm tốn, công bình, quảng đại, trung thực, trong sạch, hoà bình, dám hy sinh vì đại nghĩa theo tinh thần Tám Mối Phúc của Đức Giêsu Kitô. Đó là những giá trị sống cần thiết cho mỗi người chúng ta. Con người cần biết kỹ năng tự kiểm để “tu thân tích đức”.
3.3. Trong tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã giao phó vạn vật trên trái đất cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23) và loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15).
Tinh thần này được thể hiện qua việc:
-     Chuyên cần học hỏi, nghiên cứu vạn vật qua các khoa học kỹ thuật.
-     Siêng năng lao động cũng như biết nghỉ ngơi.
-     Làm ra các của cải và biết chia sẻ những nguồn lực cho người yếu kém.
-     Bảo vệ môi trường sống cho trong sạch, xanh tươi, tốt đẹp, an lành.
-     Làm cho mình giàu có nhưng tự nguyện sống tiết kiệm, giản dị theo gương Đức Giêsu.
3.4. Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ
Tinh thần này nhắc nhở mọi người cố gắng làm chủ bản thân, tình cảm, thời giờ, tài năng, ân huệ và cả những tham vọng, dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống. Khả năng tự chủ này được đào luyện mỗi ngày qua một số kỹ năng sống sau đây:
v Làm chủ ân phúc Chúa ban qua đời sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ, các thần thánh bằng cầu nguyện, phụng tự và các bí tích. Vì tất cả là hồng ân nên con người luôn sống trong tâm tình tạ ơn và không bỏ phí bất kỳ một ơn nào. Con người cần biết kỹ năng cầu nguyện để gặp gỡ được Thiên Chúa và đón nhận sự sống kỳ diệu của Người.
v Làm chủ cá tính với những khả năng như cảm tính, hoạt tính, sơ tính hay thứ tính, những nhu cầu xu hướng, năng khiếu để hiểu rõ con người mình có khả năng, ưu điểm, khuyết điểm nào. Con người cần biết kỹ năng phân tích cá tính để khám phá chính mình và phát triển mọi khả năng và tiềm năng.
v Làm chủ các tài năng tinh thần như trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng, ý chí qua việc tích cực học hành, nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đào tạo năng khiếu chuyên môn để trở thành những người có khả năng sống tự lập, làm sáng danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho con người (x. HC Gaudium et Spes, số 15). Con người cần được đào tạo các kỹ năng học hành, quản lý, thích nghi... để thăng tiến bản thân.
v Làm chủ sức khoẻ, các bản năng và tình cảm bằng đời sống điều độ trong việc ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi với những giờ thể dục, thể thao để luyện một ý chí vững vàng trong một thân thể khoẻ mạnh. Tập luyện cho mình có những đức tính để sống quảng đại, vui tươi, khiêm tốn, dũng cảm, biết tha thứ, biết nhường nhịn vì Thiên Chúa hiểu rõ lòng con người và sẽ bù đắp cho con người hơn cả điều lòng họ ước mong.
v Làm chủ thời giờ: thời giờ là hồng ân và cũng là vốn liếng Chúa trao ban nên cần quý trọng từng giây phút sống trên đời. Một nụ cười, một lời cám ơn, xin lỗi, một cử chỉ đẹp chỉ tốn một vài giây sống nhưng sẽ làm cho đời mình và đời người hạnh phúc nên giây phút nào cũng có thể sống đẹp, sống bác ái, sống hào hùng. Mỗi giây phút đều có giá trị vĩnh hằng vì Ngôi Lời làm người đã biến đổi tất cả những giá trị của con người thành cao cả, vô biên (x. HC Gaudium et Spes, số 22). Vì thế, mỗi người cần biết kỹ năng tổ chức và quản lý đời sống, lập chương trình, kế hoạch cho từng ngày, từng tháng, từng năm.
v Làm chủ các phương tiện vật chất như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, quần áo, đồ dùng để bảo đảm cho mình những điều kiện cần thiết cho đời sống tự lập. (x. TLHTXHCG, số 176). Tuy nhiên, của cải không phải chỉ làm lợi cho người sở hữu mà còn phải làm lợi cho những người khác vì Thiên Chúa ban trái đất chung cho mọi người (x. TLHTXHCG, số 177). Đó là mục tiêu phổ quát của các phương tiện vật chất và nhờ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới (x. TLHTXHCG, số 174). Người sở hữu vật chất còn được mời gọi để sống tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu Kitô vì Người  tuy giàu có vô song nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó để chúng ta trở thành giàu có như Người (x. 2Cr 8,9). Do đó, con người cần biết cách sử dụng và quản lý vật chất, sống tiết kiệm, làm việc bác ái.
Kết luận
Việc xây dựng nền văn minh tình yêu dựa trên nền nhân bản toàn diện và liên đới của Công giáo với những lĩnh vực và mối tương quan rõ ràng, đang mở ra cho Giáo hội Công giáo toàn cầu cũng như Giáo hội Công giáo Việt Nam những đường hướng tốt đẹp và hành động thiết thực để từng người tín hữu thể hiện trong đời sống của mình. Điều này cũng góp phần vào công cuộc đào tạo con người Việt Nam để giúp họ đổi mới cách nghĩ và lối sống (x. Chương trình trọng điểm cấp Nhà Nước, giai đoạn 2006-2010, Mã số KX 03/06-10 và KX 03/07/06-10) phù hợp với những giá trị cao quý của gia đình nhân loại. Hơn nữa, việc đào tạo con người mới này cũng sẽ giúp giải quyết tận gốc các vấn đề xã hội đang tồn tại trong cộng đồng.
Trên đây chúng ta chỉ mới lướt qua những điểm cơ bản của nền nhân bản toàn diện và liên đới về mặt nhận thức những giá trị và kỹ năng sống. Điều chúng ta cần phải làm là soạn thảo các tài liệu học tập, văn bản hướng dẫn để có thể phổ biến những giá trị và kỹ năng sống cho cộng đồng tín hữu cũng như cho đồng bào Việt Nam thì mới mong xây dựng được nền văn minh tình yêu này.

--o0o--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét