Trang

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Phần I


Thông điệp Tân Sự


Việt Nam là một quốc gia nhỏ và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Trong những vấn đề hệ trọng mà chúng ta đang phải đối mặt gồm có: tự do, dân chủ, nhân quyền, công lý, hòa bình, tình huynh đệ, kinh tế, môi trường, chính trị, an ninh quốc phòng...
Những vấn đề nền tảng này sẽ là nền móng để xây dựng ngôi nhà Việt Nam ở hiện tại và tương lai. Ngôi nhà Việt Nam có vững chắc hay không tùy thuộc vào nền tảng vững chắc của những vấn đề trên.
Để góp phần vào tư tưởng và đường hướng canh tân Việt Nam, www.ghxhcg.com xin trích đăng các giáo huấn xã hội của các Đức Giáo Hoàng nhằm soi sáng cho những ai đang quan tâm đến vận mệnh của đất nước, và rút ra từ các giáo huấn này những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, văn minh, và giàu đẹp. Từ đó mọi người Việt Nam được hưởng một cuộc sống âm no và hạnh phúc trong sự tôn trọng và yêu thương nhau.

Các bản văn đăng tải trên www.ghxhcg.com được lấy từ cuốn “Các thông điệp xã hội”.
 
Thông điệp Tân sự
Rerum Novarum
Về hoàn cảnh của giới công nhân 15.05.1891
 
GIỚI THIỆU
 
Sau một thế kỷ xuất hiện kể từ ngày 15.05.1891, thông điệp Tân Sự của Ðức Lêô XIII về  hoàn cảnh của giới công nhân được coi như một giáo huấn nguyên thuỷ về xã hội của Giáo Hội. Nói về nguồn gốc lịch sử luôn là một việc khó khăn, bởi lẽ trước đó bắt buộc phải có một vài lời mở đầu nào đó mà về sau người ta bộc lộ ra cách thích thú. Và chính nhân danh những lý giải sau này mà thời điểm độc đáo ấy mới được công bố. Ðề cập đến "Vấn đề xã hội", là vấn đề mà rất nhiều người khác đã rành rẽ từ 50 năm qua hay hơn nữa, vị "Giáo Hoàng của giới công nhân" - như người ta gọi ngài đó, đã làm, đã mang lại, đã khai mở được điều gì?
 
 
Đức Lêo XIII
 
ÐỈNH CAO CUỘC CÁCH MẠNG ÐẦU TIÊN
 
Công nghiệp phát triển theo một nhịp độ cấp số nhân, nghĩa là với một tốc độ ngày càng tăng, hoặc thậm chí bùng nổ. Nếu như cuộc phát triển nầy đã khởi sự từ cuối thế kỷ XVIII, nếu như đã dấn sâu cách rõ ràng từ giữa thế kỷ XIX, thì dù không phải là không trải qua những khủng hoảng kinh tế ít nhiều mang tính chu kỳ, nó cũng đã lan rộng một cách quyết định về cuối thế kỷ. Năm 1891, dù là thời điểm suy thoái, sản lượng than và thép của thế giới vẫn tăng trưởng hết mức, và các lò luyện Thomas cũng vẫn tạo nên một bước nhảy vọt về kỷ thuật cho công nghiệp luyện gang thép. Giao thông đường sắt đã xuyên qua những dãy núi Alpes và mạng lưới của nó nối kết những thành phố Châu Âu cũng như nó đi xuyên suốt nước Mỹ. Những thương thuyền của các nước lớn ở Châu Âu ngày càng phát triển, nhằm tìm kiếm hàng hoá đồng thời với những cuộc chinh phục thuộc địa. Ðiện tín giúp cho việc truyền thông nhanh chóng ở khắp nơi và điện năng bắt đầu được sử dụng trong ngành vận chuyển, luyện kim, hoá học, chiếu sáng đô thị. Các Nhà nước giảm sút những ngân hàng thế lực. Năm 1889, để kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Pháp, tháp Eiffel được dựng lên trong dịp Triển lãm Quốc tế. 
 
Hành động đó của một nền công nghiệp đã đạt đến đỉnh cao có mặt trái của nó về xã hội: vấn đề công nhân. Những cuộc cách mạng của thế kỷ (1848, Công Xã 1871) và những cuộc bãi công với biểu tình bạo động (Anzin năm 1884, Decazaville cuối năm 1886, Fourmier 1/5/1891, không những bạo loạn (Chicago 1886) làm mọi người, nhất là các nhà cầm quyền, ý thức sự hiện hữu, hoặc hơn nữa, bản chất và qui mô của vấn đề. Bởi lẽ, thực ra những nước công nghiệp phát triển nhất vẫn giữ những ưu thế nông nghiệp và những người có chức quyền trong các nước ấy ít thấy được dân số nông nghiệp chủ chốt đã bắt đầu giảm đi.
 
Phong trào công nhân, về phần mình, phát triển về ý thức, về tổ chức, về truyền thống, và các nhà xã hội theo Proudhon, Lassale hay Marx đề nghị với phong trào những chủ thuyết của họ. Phong trào nghiệp đoàn của công nhân phát triển. Nước Anh là thành phần tiên phong với các Hiệp hội doanh nghiệp, là những hiệp hội tiếp tục một truyền thống kết liên cổ điển mang tinh thần cải cách, dấn mình vào hệ thống mới và chẳng bao lâu sẽ vào môi trường chính trị. Ở Hoa Kỳ, các các Hiệp sĩ lao động qui tụ lên đến bảy trăm ngàn thành viên vào năm 1886 và Liên Hiệp Lao Ðộng Hoa Kỳ, được thành lập cùng một năm, vượt quá hàng trăm ngàn. Ở Châu Âu, kẻ đi đầu trong phong trào này là nghiệp đoàn Ðức, mà ba khuynh hướng của nó hợp nhất tại Hội Nghị Gotha (1875) và qui tụ ba trăm ngàn thành viên. Ở Pháp, CGT (Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng) xuất hiện năm 1895 từ vô số tranh luận giữa những người theo chủ thuyết cải cách và những người theo chủ thuyết tập đoàn và từ sự mở rộng tự do tương đối mà luật pháp cho phép năm 1884.
 
Cuối cùng giờ của nghiệp đoàn quốc tế đã điểm trong thập niên cuối cùng của thế kỷ.
 
Dưới áp lực này, đã thấy thấp thoáng xuất hiện những thành tựu xã hội hoặc thậm chí những yếu tố pháp luật xã hội.
 
KITÔ HỮU VÀ PHONG TRÀO CÔNG NHÂN NGAY TRƯỚC THỜI ÐIỂM THÔNG ĐIỆP TÂN SỰ. 
 
Vấn đề xã hội đã là đối tượng của sự quan tâm của các Kitô hữu và những người của Giáo Hội ngay trước khi Ðức Lêô XIII lên tiếng kêu gọi mạnh mẽ. Hẳn là, nếu người ta nhìn toàn thể Giáo Hội trong phần tư cuối cùng của thế kỷ, người ta sẽ có ấn tượng rằng nỗi sợ hãi đối với những cuộc cách mạng bạo lực và một ý chí muốn khôi phục lại trật tự xã hội vẫn còn được quan niệm dựa trên một mô hình ưu thế về nông nghiệp, gây hậu quả là tiếng kêu báo động của một thế hệ các nhà xã hội Kitô hữu đầu tiên đã không thành công. Dường như Giáo Hội, dù đối lập với các Nhà Nước thế tục về vấn đề chính trị, từng bước trong thực tế thực hiện một liên minh với giới tư sản thống trị. Ðứng trước thái độ này, phong trào công nhân tỏ ra cứng rắn trong chủ trương bài giáo sĩ.
 
Tuy nhiên, đã có những tiếng nói từ trong những nhân vật cấp cao của Công giáo kể từ năm 1848. Hồng Y Bonald ở Lyon Ðức Ông Von Ketteler ở Mayence, Hồng Y Manning ở Machester, Hồng Y Gibbons ở Baltimor đã phê phán nghiêm khắc những cơ cấu kinh tế, đã gán cho tình trạng vô sản hoá. Hơn thế nữa, các ngài, một mực nhất quán, còn khuyến khích những phong trào hành động và suy nghĩ do những nhóm giáo dân thiểu số đảm trách, những kẻ bị người ta gọi là "những Kitô hữu xã hội" ở Ðức, Áo, và Thụy Sỹ, "những người công giáo xã hội" ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha.
 
Về phương diện lý thuyết hay học thuyết nổi lên trong đó gương mặt của Ðức ông Ketteler: nổi bật là do diễn thuyết, thậm chí do sự gặp gỡ với lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa như Lassalle, những bài diễn từ, những thư từ của Ngài và tác phẩm "La question ourière et le christianisme" (1864. Vấn đề công nhân và Kitô giáo) đặt lại vấn đề cơ cấu xã hội phát sinh bởi chủ thuyết tư bản tự do và đề ra phương thức pháp lý và đường lối những người công nhân chịu trách nhiệm về những vấn đề của riêng mình - đặc biệt là về những hợp tác xã sản xuất. Một môn đệ của Ketteler, là Vogelsang mang tư tưởng của ngài vào nước Áo phổ biến qua báo chí. Các vị này có nét đặc trưng của khuynh hướng nghiệp đoàn.
 
Do một trùng hợp ngẫu nhiên các tình huống kỳ lạ mà họ kể lại, những người công giáo xã hội nước Pháp cũng có biết tư tưởng của Ketteler ở thời điểm Công Xã Paris, là một cú sốc làm cho họ ý thức mãnh liệt về vấn đề xã hội. Từ chỗ đó xuất hiện những tên tuổi như: René de la Tour du Pin, nghiêng về một lý thuyết gia phê bình chủ nghĩa tư bản và đề xướng sự can thiệp của Nhà Nuớc, như Albert de Mun, là một khuôn mặt diễn giả lớn tại nghị viện (đấu tranh cho luật về công nghiệp đoàn, cho luật về giới hạn lao động của người phụ nữ hoặc cho dự án Hội Nghị Lao Ðộng Quốc Tế) và là người sáng lập công trình những câu lạc bộ công nhân công giáo; như Leon Harmel, là một người theo thuyết dân chủ - khác với những người trước ông - và là người chủ động trong xí nghiệp - hợp tác xã của ông và trong những cuộc hành hương của công nhân do ông dẫn về Rôma. Tuy nhiên người ta cũng nêu ra ở Pháp một phong trào khác của những người công giáo quan tâm đến vấn đề xã hội, đó là "trường Angers" (đức ông Freppel và "Hiệp hội công giáo các ông chủ miền bắc") không đề xướng một dự án chống cách mạng xã hội nhưng đề xướng một kế hoạch tiến hành tự do trong tinh thần bác aí Kitô giáo; họ trách cứ những người đi trước thiếu thái độ thực tế trước những nhu cầu của nền kinh tế.
 
Ðức Cha Pecci, tức Ðức Lêô XIII tương lai, vào giai đoạn mà Ngài còn làm Giám Mục Pérousse, đã ưu tư đến tình cảnh khốn cùng của công nhân và đã lấy vấn đề xã hội như là chủ đề cho những thư mùa chay. Khi lên ngôi Giáo Hoàng, từ rất sớm Ngài đã bày tỏ ý định muốn công bố chủ đề quan tâm của Ngài và người ta tìm thấy những dấu vết của chủ đề đó trong rất nhiều lần can thiệp của Ngài. Năm 1882, Ngài thiết lập ở tại một "uỷ ban thân thiện" cho chủ định này, bao gồm các nhân vật lỗi lạc trong đó có Ðức Cha Mermilold. Vị này, là Giám Mục lưu vọng ở Genève, đã từng có những cuộc gặp gỡ quốc tế không chính thức giữa những người công giáo và Kitô giáo xã hội: những đề tài chung được khai sáng. Ủy ban này phổ biến nhiều đề tài đó trong cùng năm đó, về quyền sở hữu và những quyền hạn riêng tư của người sở hữu, của người lãnh đạo và của những người lao động về những đề tài này tránh xa xu hướng tự do. 
 
Chung quanh Ðức Cha Mermilled, những cuộc gặp gỡ được phát huy rộng lớn và, để phối hợp những nghiên cứu của các nhóm Quốc gia của Rôma, Francfort và Paris, các thành viên của các nhóm đó thiết lập tạo nên Liên hiệp Fribuorg. Tổ chức này có 60 thành viên vào hôm trước buổi xuất hiện thông điệp "Tân sự" , và đã đề cập đến rất nhiều vấn đề: cơ chế công nghiệp đoàn, chế độ, đồng nghiệp đoàn, tổ chức ngành công nghiệp, vấn đề ruộng đất, tiền lương, bảo hiểm cho công nhân, quy chế quốc tế về sản xuất công nghiệp.
 
Ðức Lêô XIII và việc biên tập thông điệp "Tân Sự" 
 
Tầm vóc trí thức và chính trị to lớn của Ðức Lêô XIII đột ngột trổi vượt vào một thời điểm mà kết cục (ngỏ ra) của "vấn đề Rôma" dường như đã giam hãm trong một thời gian khá lâu các vị Giáo hoàng trong lãnh vực thu hẹp Vatican. Từ thời đại của ngài, Ðức Lêô XIII đã nhận thức những vấn đề chủ chốt: hình thái mới mẻ của các Nhà Nước, và của các mối quan hệ của chúng, vấn đề công nhân trong thế giới công nghiệp. Ngài cũng nhận thấy những vận may mới: những phương tiện truyền thông dễ dàng, vai trò ưu thế về đạo đức mà Giáo Hội có thể đảm đương,sự tập trung hữu hiệu về Rôma. Về căn bản, tư tưởng của Rôma là cổ điển, thậm chí bảo thủ: người ta không nhân nhượng trên "chính đề" về mặt học thuyết. Nhưng trong lãnh vực áp dụng, tức "giả thuyết" , đòi hỏi phải có thái độ cởi mở và mềm mỏng, thậm chí táo bạo nữa. Có không mấy người công giáo Pháp đón nhận thông điệp của Ðức Giáo Hoàng đòi hỏi "liên minh" với Nhà Nước Cộng Hoà, một năm sau thông điệp Tân sự. Nhưng, ở Âu Châu và Hoa Kỳ những Kitô hữu tiên phong tìm kiếm nền công bình về mặt xã hội được mọi người nhanh chóng biết rằng Giáo Hoàng Rôma ủng hộ. Ðặt biệt là Liên Hiệp Fribourg.
 
Bốn biến cố góp phần làm cho thông điệp được chín muồi. Từ Hoa Kỳ, Ðức Hồng Y Gibbons đến biện hộ một cách thành công ở Rôma lý do hiện hữu của tổ chức Các Hiệp Sĩ lao động, là công đoàn đấu tranh chống độc quyền và bị kết án là thành lập hội kín. Ở Luân đôn, Ðức Hồng Y Manning tham gia trực tiếp vào cuộc thương lượng dẫn đến chấm dứt được đình công ngày 04/11/1889 và thỏa mãn những yêu sách của các công nhân bến tàu, Ðức Lêô XIII theo dõi sát sao sự can thiệp này. Ở Bá Linh, năm 1890 hoàng đế Guillaume, lấy lại ý tưởng của Suisse Gaspard Decurtiw muốn triệu tập một hội nghị quốc tế về lao động, yêu cầu Ðức Giáo Hoàng ủng hộ. Cuối cùng, từ năm 1885, Léon Harmel dẫn đến thành đô vĩnh cửu nhiều đoàn tàu hành hương toàn công nhân gồm hàng ngàn người Ðức Giáo Hoàng "của họ" tiếp kiến.
 
Thông điệp được mọi người chờ mong đã chín muồi suy tư và trong hoàn cảnh khẩn trương đó. Công việc soạn thảo bản văn trải qua bốn lần biên tập: lần đầu tiên năm 1890 do cha Liberatore, dòng Tên người Ý, học trò môn xã hội và chính trị của vị thầy nổi danh d'Azeglio và là thành viên của liên hiệp Fribourg lần thứ hai do Ðức Hồng Y Zigliaria, được cha Liberatore và Hồng Y Mazella duyệt lại; cuối cùng, giai đoạn thứ tư, bản dịch Latinh của Ðức Cha Volpini vẫn còn nhận được những sửa chữa quan trọng, chẳng hạn như phần chen thêm về những cộng đoàn ly khai. Giữa dự thảo đầu tiên có tính rất đồng nghiệp đoàn và những bản biên tập cuối cùng này đã có thêm vào phần nhấn mạnh đến tính chất tự nguyện và tự do của những hiệp hội nghề nghiệp. Ðức Lêô XIII xem ra gắn bó với một bản biên tập khá độc lập đối với các trường phái khác nhau, mặc dù Ngài có liên hệ với Liên Hiệp Fribourg.
 
TỪ CHUẨN ÐOÁN ÐẾN THUỐC CHỮA ÐÍCH THỰC
 
Cấu trúc của thông điệp về "hoàn cảnh của giới công nhân" khá đơn giản: sau phần mô tả về "căn bệnh xã hội" trong vài đoạn văn sắc bén, và một chương phê bình về thứ "thuốc chữa sai lầm" là xã hội chủ nghĩa, dẫn đến những hậu quả tai hại, bất công tự nền tảng vì chối bỏ quyền tư hữu cốt yếu đối với bản tính con người, và vì nó tổ chức cách sai lạc những tương quan giữa Nhà Nước, gia đình và của cải; kế đến là phần chính yếu dài được tổ chức quanh ba kẻ can dự thiết yếu để thuyên chữa căn bệnh xã hội này: Giáo Hội lo giáo huấn và hành động (số 12-24), Nhà Nước can thiệp nhằm đạt đến công ích (số 25-35), các hiệp hội nghề nghiệp (chủ và thợ) phải tổ chức môi trường xã hội số 36-43). Phần kết là lời mời gọi nhắm tới các thành phần (tác nhân) xã hội khác nhau.
 
Lời mở đầu của thông điệp "Tâm Sự" nói với một ngữ điệu trực tiếp và với một mật độ mà ngày nay vẫn tạo ra một âm vang tiên tri cho lời kêu gọi của Ðức Lêô XIII, âm vang mà người ta sẽ thấy một sức mạnh mẽ tương tự chẳng hạn như trong thông điệp "Phát triển các dân tộc" nói về sự phát triển. Cũng trong chính lời mở đầu của các tài liệu như thế mà Giáo Hội sẽ thường xuyên được nhắc nhở tại sao và nhân danh cái gì mà mình nói (Giáo Hội lên tiếng). Nền tảng và giai đoạn lịch sử chất chồng chéo lên nhau. Những can thiệp lịch sử của Giáo Hội là những "hành động" cũng như là những biểu thức giáo thuyết đi từ nguyên tắc đến thực hành. Lịch sử của thông điệp "Tân Sự" cho thấy rõ một hành động của Giáo Hoàng như thế nẩy sinh bắt đầu từ "những gì Thánh Thần nói với Giáo Hội" qua một số phần tử của mình, dù họ thiểu số.
 
Lý thuyết làm nền cho suy tư của thông điệp "Tân Sự" là lý thuyết về luật tự nhiện và về quyền tự nhiên, có hình thức học thuyết Thánh Tôma, học thuyết đã được phục hồi danh dự nhưng được lấy lại và được đổi mới bởi Taparelli và Liberatore qua khoa xã hội chính trị. Luật tự nhiên là dấu tích của Thiên Chúa ghi khắc vào mọi lương tâm con người, dấu bao gồm một tiếng gọi làm sự thiện và hiểu biết những nguyên lý đạo đức phổ quát. Sự hiểu biết luật này có thể đã bị mờ nhạt đi vì tội lỗi, nhưng khó bị huỷ diệt. Mạc khải tỏ cho ta biết Thiên Chúa hồi như thế nào bản tính con người và làm sáng tỏ trở lại luật này, bằng cách thổi vào Thánh Thần tình yêu. Ðó là lý do tại sao Giáo Hội phải nói về bản tính con người và về luật tự nhiên. Nói chung quyền tự nhiên là sự khách thể hoá luật này. Những luật do con người ban bố phải hợp với quyền này. Một số thực tại thuộc về tự nhiên phù hợp và thiết yếu với bản tính con người: như gia đình, xã hội dân sự, sở hữu, làm việc, lập hội...
 
Cùng một sơ đồ nền tảng sử dụng ở đây sẽ được dùng trong mọi tài liệu Toà Thánh và sau đó đến Công Ðồng Vatican II những nét đậm tính Kitô học hơn chỉ được đưa vào dần dần trong giáo huấn luân lý, và xã hội. Với thông điệp Tân Sự, sự tham chiếu rõ ràng đến Ðức Kitô xuất hiện khi đề cập đến mầu nhiệm sự dữ (bất công bạo lực), khi đưa các giá trị trở về Tin mừng, và nhất là khi bàn về sự nghèo khó và sau cùng khi nói về đức bác ái. Nhưng mọi phẩm chất và đức tính thuộc bình diện xã hội, mọi nguyên tắc được nhắc lại - hiệp nhất, công bình, huynh đệ - đều được nhuộm sắc Tin mừng.
 
Còn về những đề tài chính yếu của thông điệp Tân Sự, đó là những đề tài đã từng được nhiều trường phái xã hội quan tâm: quyền sỡ hữu, chủ nghĩa tư bản, lương bổng, sự can thiệp của nhà nước về kinh tế, lập những hiệp hội (nghiệp đoàn hay công đoàn). Một số trong những vấn đề này đã được tranh luận giữa những người công giáo xã hội, mà vẫn còn nổi tiếng do một lỗ hổng rất nhỏ có trong bản biên tập sau cùng: các nghiệp đoàn hay công đoàn "hỗn hợp", bao gồm cả chủ nhân và người làm công, hay người ta có thể chấp nhận những cộng đoàn của người làm công, của công nhân? Việc khai mở thận trọng cho những loại nghiệp đoàn sau sẽ tạo cơ hội khai sinh ra phong trào nghiệp đoàn Kitô giáo, và rồi sau này, cho những người công giáo tham gia vào phong trào nghiệp đoàn phi Tôn giáo. Qua đó họ sẽ tham gia hoàn toàn một cách có tổ chức vào phong trào công nhân mà ban đầu việc tham gia đó đã từng bị bác bỏ.
 
MỘT TIẾNG VANG THOÁNG CHỐC VÀ MỘT HẬU THẾ TRƯỜNG KỲ
 
Với một nội dung ôn hoà, nhưng sắc sảo và chính xác, tấn công vào các vấn đề và xuất phát từ cấp cao nhất của Giáo hội, thông điệp liền gây được một tiếng vang xa trong giới báo chí. Bức thông điệp được một số tuyên ngôn của các đảng phái xã hội đánh giá cao trong khi một số khác tuyên bố rằng nó đã phá đổ hẳn bức tường ngăn cách giữa Giáo hội và thế giới hiện đại. Ðức Lêô XIII đã trả lại cho Giáo hội uy tín vốn có đã đánh mất và làm trổi dậy mối thiện cảm đối với Giáo hội. 
 
Một số phản ứng của các nhà xã hội hay tự do có tính luận chiến hơn: họ cho rằng đó là mưu mẹo mới nhằm tái dựng lại nền thần quyền và sự quay lại thời trung cổ, chối từ tự do... Những người ôn hoà cuối cùng đã tự hỏi về áp dụng của thông điệp: đây là một tín điều nghiêm túc hay là những khai mào cần được mở rộng? 
 
Những người công giáo và Kitô hữu xã hội hiển nhiên đón nhận trong hân hoan thông điệp Tân Sự, và chính họ bảo đảm cho thông điệp được chuyển lưu cho hậu thế. Tuy nhiên có những chia rẽ tái xuất hiện giữa các trường phái. Nhưng, nhất là, những Kitô hữu này vẫn cón là số ít và hành động của họ được xã hội chậm thấy, và giáo huấn xã hội chậm được đưa vào việc đào tạo Linh mục và giáo dân. Chủ nghĩa tư bản tự do của giới chủ nhân chỉ chuyển dịch cách uể oải trước những sự việc táo bạo đó. Những người công giáo xã hội xuất thân từ những giai cấp giàu có trong một thời gian dài tiếp xúc một cách khó khăn và vụng về với những công nhân mà họ muốn huấn luyện để đảm nhận lấy trách nhiệm của họ. Bốn mươi năm sau, Ðức Piô XI, trước khi thấy những hoa quả do thông điệp Tân Sự mang lại, đã ghi nhận về chính những người công giáo như sau: "Những người qua gắn bó với quá khứ coi khinh thứ triết học xã hội mới mẻ này, những tâm trí rụt rè e ngại bước lên những tần cao như thế ; những người khác, tuy vẫn ngưỡng mộ lý tưởng chói sáng này, nhưng cho rằng nó hão huyền viễn vông và có thể mong ước thực hiện nó, nhưng lại không hy vọng thực hiện được gì". 
 
Một sự nảy mầm quả là chậm chạp! Tuy vậy chính Thông điệp Tân Sự là tài liệu mà người Công giáo ngày nay luôn phải tra cứu đi ngược lên khi họ muốn chỉ rõ nguồn gốc của một hành động này, khiến hành động mà qua đó toàn thể Giáo Hội đã được thúc đẩy phải nắm bắt vấn đề xã hội ngay giữa lòng thế giới hiện đại.
 
(còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. Xin góp ý về từ "chuẩn đoán": nên viết là "chẩn đoán".

    Trả lờiXóa