Trang

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

V. Những điều mới mẻ (res novae) trong lãnh vực kinh tế (361-376)

Đoạn này dài hơn cả, phác họa những viễn ảnh trong hiện tại và tương lai gần, xoay quanh ba vấn đề thuộc lãnh vực kinh tế tài chánh (1/ toàn cầu hóa; 2/ hệ thống tài chánh quốc tế; 3/ những cơ quan quốc tế), và đề nghị hai điểm thuộc lãnh vực đạo đức (sự phát triển toàn diện; giáo dục tâm linh) 

A. Hiện tượng toàn cầu hóa: những cơ may và rủi ro 

Hiện tượng toàn cầu hóa là một thực tại đa dạng và phức tạp không dễ gì mà khám phá (số 361). 

1. Hiện tượng toàn cầu hóa trong lãnh vực kinh tế tài chính: 

- quá trình tích hợp các nền kinh tế quốc gia qua việc thương mại và giao dịch tài chính; 

- càng ngày càng có nhiều nhà hoạt động kinh tế đã tính toán ở tầm mức toàn cầu khi chọn lựa những cơ may tăng trưởng và thâu lợi; 

- khả năng lan rộng các mối quan hệ kinh tế tài chánh của quốc gia đang làm việc tại nhiều nước khác nhau; 

- vai trò quyết định của các thị trường tài chính; 

- sự trao đổi số vốn khổng lồ từ nơi này sang nơi khác; 

Tóm lại, đây là một thực tại đa diện liên tục tiến hóa theo những đường hướng khó lòng dự đoán. 

2. Những hy vọng và băn khoăn (số 362) 

a) Những ích lợi nhờ sự phát triển của kỹ thuật viễn thông: 

- giảm giá chi phí các cuộc viễn thông và các công nghệ mới; 

- đẩy mạnh những sự trao đổi thương maị và các giao dịch tài chính trên khắp địa cầu. 

b) Những rủi ro: 

- hố sâu về sự bất bình đẳng giữa những nước tiến bộ và những nước đang phát triển, và thậm chí ngay giữa các nước công nghiệp hóa. 

- nhiều người càng ngày càng giàu, nhưng nhiều người càng ngày càng nghèo. 

3. Cuộc thách đố: bảo đảm một cuộc toàn cầu hóa trong tình liên đới và không loại trừ (số 363). Những điều kiện để cho một cộng đồng được hưởng những sự cải tiến về kỹ thuật: các người thụ hưởng phải đạt được một mức độ tối thiểu về kiến thức và nguồn tài chính. Vì có sự chênh lệch rất lớn giữa các quốc gia cho nên hiện tượng toàn cầu hóa lại càng khơi sâu các sự chênh lệch thay vì thu hẹp lại. Sự tự do lưu thông các nguồn vốn chưa đủ để giúp cho các nước đang phát triển xích lại gần các nước tiến bộ. 

4. Tầm quan trọng của những tiêu chuẩn luân lý trong các mối quan hệ quốc tế (số 364). Nếu được định hướng thích đáng, nền thương mại quốc tế sẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển và có khả năng tạo ra những việc làm mới cũng như cung cấp những nguồn tài nguyên hữu ích. 

Trên thực tế, hệ thống thương mại quốc tế thường bị lệch lạc do các chính sách bảo hộ, kỳ thị các sản phẩm đến từ các nước nghèo, và vì thế cản trở sự tăng trưởng hoạt động công nghiệp tại các nước này cũng như việc chuyển giao công nghệ cho họ. Như vậy đào sâu thêm hố ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo. 

Những tiêu chuẩn luân lý định hướng các mối quan hệ thương mại: theo đuổi ích chung; các của cải dành cho hết mọi người; công bằng; quan tâm đến những quyền lợi và nhu cầu của người nghèo. 

5. Toàn cầu hóa và bảo vệ các nhân quyền (số 365). Cho đến nay vẫn chưa có một thẩm quyền quốc tế phục vụ các quyền lợi con người, tự do và hoà bình. Nhiều quyền lợi chưa được tôn trọng: quyền có lương thực; quyền có nước uống; quyền có nhà ở; quyền tự quyết và độc lập vv. 

6. Trách nhiệm của những tổ chức của xã hội dân sự ở tầm mức quốc tế (số 366) 

- Phân phối quân bình các tài nguyên trong một quốc gia và giữa các quốc gia. 

- Đòi hỏi công bằng xã hội trong lãnh vực tự do thương mại. 

- Tôn trọng tính đa dạng của các nền văn hóa: các niềm tin, các quan điểm về cuộc đời. 

7. Liên đới giữa các thế hệ (số 367). 

Đây là một thái độ tự nhiên trong các gia đình, và cũng là một nghĩa vụ bắt buộc của cộng đồng. Tình liên đới giữa các thế hệ đòi hỏi rằng trong việc thảo ra kế hoạch toàn cầu, người ta phải quan tâm đến nguyên tắc của cải được dành cho tất cả mọi người; do đó việc bắt các thế hệ mai sau phải gánh chịu các phí tổn hiện nay là điều trái luân lý và phản tác dụng về kinh tế. Nguyên tắc này phải được áp dụng trong lãnh vực các tài nguyên mặt đất và trong việc bảo vệ công trình tạo dựng, một vấn đề hết sức tế nhị vì liên lụy đến toàn thể điạ cầu. 

B. Hệ thống tài chính quốc tế [1]

1. Sự phát triển của tài chính dựa theo tiêu chuẩn tự lập (số 368) 

Kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng nếu thiếu những hệ thống tài chánh cân xứng thì không thể có tăng trưởng kinh tế. Nhờ tư bản được lưu động dễ dàng hơn cho nên các hoạt động sản xuất có nhiều tài nguyên hơn, nhưng cũng mang theo hệ quả là cũng tăng thêm rủi ro về các cuộc khủng hoảng tài chính. Sự phát triển tài chính, với những khối lượng giao dịch vượt qua những giao dịch thật sự, dẫn đến nguy cơ là tài chính trở thành điểm quy chiếu cho chính mình mà không có liên kết với những nền tảng thật sự của nền kinh tế. 

2. Khi một nền tài chính trở thành cứu cánh cho chính mình thì tương phản với mục tiêu của nó (số 369). Mục tiêu của kinh tế tài chính phải là phục vụ kinh tế đích thực: sự phát triển con người và cộng đoàn con người. 

Tiến trình cải tiến và bãi bỏ kiểm soát các thị trường tài chính chỉ được củng cố tại vài nơi trên thế giới; các quốc gia bị loại khỏi các tiến trình ấy không những không được hưởng các lợi ích của tiến trình, mà còn phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực do sự bất ổn tài chính gây ra cho nền kinh tế của họ. 

Tình hình hiện tại: sự tăng tốc đột ngột của các giá trị đầu tư chứng khoán do các tổ chức tài chính quản trị. Vì thế cần phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp mang tính định chế có khả năng hỗ trợ cách hữu hiệu sự ổn định của hệ thống mà không làm giảm tiềm năng của nó; cũng như cần phải du nhập một khuôn khổ quy phạm bảo đảm sự ổn định của các cơ cấu, đồng thời cổ vũ sự cạnh tranh giữa các trung gian, bảo đảm tính minh bạch nhằm mang lợi cho các nhà đầu tư. 

C. Vai trò của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu 

1. Nhà nước và cộng đồng quốc tế (số 370) 

Càng ngày Nhà Nước càng mất hiệu năng trong lãnh vực kinh tế và tài chánh; vì thế đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải dấn thân nhiều hơn để giữ vai trò hướng dẫn. Do những mối quan hệ mới mẻ giữa các người điều hành chương trình toàn cầu hóa, cho nên xem ra các biện pháp tự vệ cổ truyền của các Nhà Nước đã thất bại. Khái niệm về thị trường quốc gia cũng bị lu mờ. 

2. Yêu sách của việc điều hành bởi cộng đồng quốc tế (số 371) 

Bên cạnh các Nhà Nước, cộng đồng quốc tế cần đảm nhận vai trò tế nhị này, nhờ những dụng cụ chính trị và pháp lý tương xứng và hữu hiệu. 

Thái độ thụ động của cộng đồng quốc tế đứng trước sự thay đổi sẽ gây ra những kết quả bi đát cho những thành phần yếu kém trong cộng đồng thế giới. 

3. Bảo đảm việc tôn trọng nhân phẩm và sự phát triển của con người nhắm đến ích chung (số 372). Chính sách kinh tế cần phải mở rộng xa hơn ranh giới các quốc gia, ngõ hầu điều hành tiến trình đang diễn ra, dựa theo những quy chuẩn vừa kinh tế vừa luân lý: củng cố những định chế có sẵn; tạo ra những cơ quan mới để đảm nhận trách nhiệm này, với những quy tắc rõ ràng để hành động; thảo hoạch một dự án tăng trưởng luân lý, dân sự và văn hóa cho toàn thể gia đình nhân loại. 

D. Sự phát triển toàn diện và liên đới 

1. Phát triển mỗi người và toàn thể con người (số 373). 

Cần phải có một quan niệm mới về kinh tế: 

- phân phối cân xứng các tài nguyên; 

- ý thức sự lệ thuộc lẫn nhau - kinh tế, chính trị và văn hóa - ràng buộc mọi dân tộc; 

- chiều kích hoàn cầu của những vấn đề xã hội; 

- Nhà Nước không thể tự mình giải quyết các vấn đề trong lãnh vực quốc gia; 

- Tình liên đới cần thiết, vượt lên chủ nghĩa cá nhân; 

- Tạo ra nếp sống nhân bản, giúp cho mỗi người đáp trả với ơn gọi của mình. 

2. Những ranh giới giàu nghèo ngay trong một quốc gia (số 374) 

Một sự phát triển nhân bản và liên đới hơn cũng mang lại lợi ích cho chính những quốc gia trù phú nhưng đã lạc mất ý nghĩa cuộc sống: tha hoá và mất nhân cách; đánh mất ý nghĩa phẩm giá con người dựa trên hình ảnh Thiên Chúa; tạo ra những an vui vật chất làm thiệt hại cho con người và những thành phần nghèo. Tại các nước đang phát triển cũng có hiện tượng biểu hiện tích ích kỷ và phô trương tài sản. 

E. Sự cần thiết của công việc giáo dục và văn hóa 

1. Sự phát triển toàn diện của xã hội cần đến ý thức về Thiên Chúa và ý thức về chính mình (số 375). 

Theo HTXH, kinh tế chỉ là một khía cạnh và một chiều kích trong toàn bộ những hoạt động của con người. Những nguyên nhân của việc sùng bái vật chất (một thứ thờ ngẫu tượng): không biết đến chiều kích luân lý và tôn giáo; mất ý thức về Thiên Chúa và mất ý thức về sự hiểu biết về chính mình. 

2. Sự cần thiết của công tác giáo dục (số 376) để đào tạo một hình ảnh toàn diện về con người: tôn trọng tất cả mọi chiều kích của nhân sinh; thiết lập cấp bậc các giá trị: các chiều kích vật chất ở dưới các chiều kích tinh thần. 

Chương trình đào tạo: 

- giáo dục cho những người tiêu thụ biết sử dụng khả năng chọn lựa cách có trách nhiệm; 

- đào tạo ý thức trách nhiệm nơi các nhà sản xuất, cách riêng các nhân viên của ngành truyền thông; 

- khi cần thiết, các cơ quan công quyền phải can thiệp. 
-------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Vấn đề này còn mới mẻ và mang tính chuyên môn. Sách TLHT trích dẫn vài diễn từ của đức Gioan Phaolô II (chứ không có nhiều văn kiện cổ điển).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét