Trang

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Tài liệu của Giáo hội Giải thích ý nghĩa Học thuyết Xã hội Công giáo


Hội đồng Giáo hoàng
"Công lý và Hoà bình"
 

Một Cái Nhìn Mới
Về Học Thuyết
Xã Hội Công Giáo


Hervé Carrier, S.J.

Bản dịch

- Nguyễn Đăng Trúc
- Nguyễn Cao Hoàng
- Nguyễn Đức Tuyên
- Trần    Minh   Tùng



Quyển II

Tài liệu của Giáo hội
Giải thích ý nghĩa
Học thuyết Xã hội Công giáo

 Bộ sách Muối Đất



Định Hướng tùng thư
13 G rue de lÍIll
67116 Reichstett - France

2000

ISBN - 2-912554-17-9





Dẫn nhập 

Chìa khoá để đọc tài liệu
     Chú giải về phương pháp


Phần hai chúng tôi giới thiệu một số tài liệu chọn lọc xuyên qua đó Giáo-hội chính thức giải thích phương cách để hiểu bản chất độc đáo của học thuyết xã hội công giáo. Ở đây chúng tôi không nhằm cống hiến một bài tổng hợp hay là tóm tắt lý thuyết xã hội công giáo. Mục tiêu chúng tôi nhắm vào một điểm chính yếu: Giáo-hội cắt nghĩa bản tính giáo huấn xã hội của mình như thế nào? Chúng tôi muốn hiểu rõ hơn về cách nhìn và chủ đích của Giáo-hội mỗi khi Giáo-hội tuyên bố về các vấn đề xã hội.  Giáo-hội tiếp cận các vấn đề đó như thế nào, sử dụng phương pháp nào ? Giáo-hội biện giải và hợp thức hóa các hành vi can thiệp vào những vấn đề xã hội như thế nào? Tóm lại, đặc tính riêng biệt của học thuyết xã hội công giáo là gì ?
Vai trò Giáo-hội trong xã hội có thể giải thích bởi hai lý do: trước hết là việc Giáo-hội luôn luôn ý thức mình có bổn phận rao giảng Tin-mừng cho muôn dân, thứ hai là cần đáp ứng những thay đổi trong xã hội. Tương nhập giữa hai khía cạnh đó - các nguyên tắc vĩnh cửu và cách áp dụng uyển chuyển - là tiêu chuẩn mà chúng tôi sẽ dùng để truy cứu cách thức Giáo-hội quan niệm vai trò của mình trong những hoàn cảnh xã hội và lịch sử khác nhau.

Nguyên tắc vĩnh cửu

Khi đọc các tài liệu dưới đây, chúng ta sẽ thấy có một yếu tố liên tục, phát xuất từ huấn lệnh Tin Mừng, về tình yêu thương mỗi một con người, về việc che chở người nghèo khó cũng như kẻ bị bách hại, về sự tố cáo các việc bất công, tham lam, về định mệnh thiêng liêng con người và mối huynh đệ toàn cầu cùng việc phục vụ thân ái giữa hết thảy các anh chị em.  Học thuyết xã hội công giáo nhất mực nối tiếp giáo huấn truyền thống của Giáo-hội ngay từ giai đọan của các Tông-đồ, như đã trình bày trong Phần thứ nhất. Chúng ta có thể nói rằng một trong những nét đặc thù của học thuyết xã hội của Giáo-hội là đã bắt nguồn ngay từ Mạc Khải và từ quan  niệm về con người  theo định mệnh tôn giáo. Trên đây là những nguyên tắc trường tồn và căn bản, mà các tài liệu nêu lên dưới nhiều hình thức, chiếu Lời Chúa, Tin-mừng, Luật Chúa, Luật Tạo-hóa, Nhân-tính, hoặc Luật Tự-nhiên.

Thích ứng thường trực

Chìa khóa thứ nhì để đọc tài liệu sau đây là nhìn Giáo-hội tuần tự thích ứng giáo huấn  của mình với nhu cầu và hoàn cảnh của các xã hội đang đổi thay. Công đồng Vaticanô II đã nói lên rõ thái độ vừa kể khi kêu mời người công giáo hãy nhận định rõ dấu chỉ thời đại. Phong cách đó không mới lạ đối với Giáo-hội, nhưng xuyên qua các thời đại nó đã thành ý thức và có hệ thống hơn trước. Biến chuyển ấy đã thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Sau đây là vài chủ điểm.

Văn minh Kitô giáo sẽ được trình bày như thế nào?

Các tài liệu đầu tiên của Đức Lêo XIII mà chúng ta nêu lên ở đầu Phần II, sẽ đề cập đến giáo huấn xã hội tổng quát và cho thấy bằng cách nào các giá trị của Kitô giáo có thể đóng góp cho văn minh nhân loại. Đức Thánh Cha nhắc đến lý tưởng Quốc gia Kitô giáo. Mẫu mực xã hội kiểu ấy dính liền  với Âu châu cũ, không phải hoàn toàn bị các Giáo hoàng kế vị  phế bỏ. Thí  dụ, Đức Piô XI đề nghị cổ võ "Vương quyền xã hội của Chúa Kitô" như là nét nổi bật của dự án cổ súy cho một xã hội công bằng và nhân đạo hơn. Ngay đến Đức Piô XII cũng còn dùng đến quan niệm văn minh Kitô giáo trong giáo huấn của Ngài, nhưng Ngài chỉ nêu lên như để làm tiêu chuẩn hơn là làm như dự án phổ quát.
Thực ra Đức Piô XII muốn  nhấn mạnh nhiều hơn về việc tái tạo xã hội tân tiến theo các nguyên tắc đã do Giáo-hội nêu lên về mặt xã hội và kinh tế. Quan niệm văn minh Kitô giáo  từ đây về sau ít được dùng đến trong các giáo huấn xã hội của Giáo-hội; tuy thế Gaudium et Spes (số 45) vẫn còn nói về "Vương quốc Thiên Chúa" như là mục tiêu duy nhất của Giáo-hội trong trần thế. Văn hóa bấy giờ được nhìn như là thực thể cần được Kitô hóa, như lời của Đức Phaolô VI và Gioan-Phaolô II đã từng nhấn mạnh trong tinh thần của Vaticanô II.

Phát giác nét phức tạp của các vấn đề xã hội

Mặt khác, học thuyết xã hội của Giáo Hội đã phát triển lạ thường, theo nhịp khám phá và phân tích của người công giáo về các vấn đề nhân sinh và luân lý phát xuất  từ các xã hội tân tiến. Thông điệp Rerum Novarum đã mô tả rất kỹ về các tệ trạng do cách mạng kỹ nghệ đem đến và tố cáo việc áp bức giai cấp thợ thuyền. Còn Đức Piô XI thì trình bày một cách linh hoạt hệ thống tư bản đang bành trướng cùng với những sự hà lạm của nó; đồng thời Ngài phê bình xã hội chủ nghĩa và thuyết cộng sản.
Nhất là từ Đức Piô XI trở đi, chúng ta nhận thấy có sự bàn cãi minh nhiên  và có qui củ về học thuyết xã hội của Giáo-hội, về quyền năng, căn cứ và ý nghĩa của nó. Các Đức Giáo-hoàng về sau tuần tự thâm cứu về bản tính, quan niệm và  phương pháp của giáo thuyết xã hội của Giáo-hội.

Các vấn đề xã hội trở thành những bài toán ở mức hoàn cầu

Trào lưu kỹ nghệ hóa và đô thị hóa lan rộng, nhân loaị ngày càng di động, phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng phát triển, các nước ngày càng khao khát độc lập: tất cả đã khiến Giáo-hội đương đầu với các vấn đề xã hội với một tầm thước và nét phức tạp khác hơn trước nhiều. Giáo huấn của Đức Gioan XXIII về các hiện tượng mới này (Mater et Magistra) và về tình thế mới của hòa bình thế giới (Pacem in Terris) là bằng chứng rõ ràng cho thấy học thuyết xã hội của Giáo-hội cần thiết định lại lối phân tích của mình để có thể cập nhật các thực tại xã hội  mới, bây giờ bao gồm hết cả toàn cầu. Giáo-hội phải nhập cuộc đối thoại với một cộng đồng quốc tế đang trong thời kỳ tổ chức; và phải đối thoại với một xã hội mang đặc tính đa nguyên; phải chấp nhận cộng tác với các người hay những nhóm người không cùng niềm tin như mình.

Đóng góp đặc biệt của Vaticanô II

Với Công đồng Vaticanô II, toàn thể Giáo-hội đương đầu với thế giới tân kỳ đang xuất hiện; sự kiện đó thể diễn nơi hội nghị quốc tế có mặt Đức Giáo-hoàng, các Giám-mục, các nhà thần học, những quan sát viên thuộc các giáo hội Kitô khác, cùng với rất nhiều chuyên viên.  Sự hợp tác của nhiều tham dự viên uy thế, kinh nghiệm và chuyên môn, tất cả một lòng lượng giá các vấn đề, phân tích những ước vọng, các công trình và nguyện vọng xã hội tân thời, cùng lúc với các mâu thuẫn, tệ đoan và các đe dọa đè nặng trên xã hội ấy: chừng ấy sự việc đã khiến nẩy nở trong lòng Giáo-hội một lối cư xử mới biết đối thoại với đời.  Kinh nghiệm tập thể nầy đã mở rộng tầm nhìn và phương pháp giảng dạy học thuyết xã hội. Các tài liệu sau này do các Giáo-hoàng phổ biến đều chịu ảnh hưởng đường lối tiếp cận ấy của Công-đồng liên quan đến các vấn đề xã hội, kinh tế, văn hóa và quốc tế. Chúng tôi gọi đó là cách nhận định và giảng dạy "xã hội-thần học", mà đặc tính là suy tư dựa trên thần học và áp dụng lối phân tách qui nạp.
Giáo thuyết xã hội và Suy tư xã hội  
Giáo-hội giáo huấn theo quyền uy của mình và biện minh thẩm quyền chính đáng ấy mỗi lần tuyên xưng sứ  điệp thiết yếu về mặt tôn giáo cho các xã hội tân thời.
Bên cạnh giáo huấn tuyên giảng với quyền năng, Giáo-hội vẫn luôn đối thoại tương kính với tất cả Kitô hữu, các tín đồ các tôn giáo và với mọi người thiện tâm. Như Vaticanô II đã nói và Đức Phaolô VI cũng như Đức Gioan-Phaolô II đã từng cắt nghĩa, Giáo-hội không nói rằng mình luôn sẵn có câu trả lời cho mọi vấn đề phức tạp của các xã hội tân thời. Nhưng Giáo-hội tìm kiếm suy tư, và đồng hành với hết mọi người đang ưu lo cho tương lai nhân loại. Giáo-hội giảng dạy nhưng chấp nhận lên đường với gia đình nhân loại trong việc thể hiện và tìm kiếm công lý.
Các tài liệu thường hay bắt đầu bằng cách tái xác nhận giáo huấn của Giáo-hội dựa trên Mạc Khải và trật tự thiên nhiên, trước khi qua đến giai đoạn bàn cãi để phân tách các vấn đề mới và phức tạp đang xảy ra. Cách diễn tả thường là lối văn suy tư và tìm kiếmcố gắng tìm ra các yếu tố giải quyết vấn đề. Nếu Giáo-hội có góp công vào nổ lực tiến bộ của nhân loại do sứ mạng tôn giáo của mình, thì Giáo-hội cũng nhìn nhận việc mình thừa hưởng các tiến bộ khoa học và văn hóa.

Vai trò thần học và các khoa học nhân văn

Học thuyết xã hội của Giáo-hội cũng được phong phú nhờ các ngành khoa học xã hội, đến việc quan sát hiện tượng và phân tích văn hóa. Một khi áp dụng vào thực tế xã hội, thần học lại chiếm giữ một vai trò trọng yếu và thiết thực hơn. Đặc biệt, thần học luân lý phát triển rất mạnh khi được sử dụng để giải thích tác phong cá nhân và xã hội dưới ánh sáng Mạc Khải và tư tưởng Kitô giáo.
Việc đóng góp của các khoa học nhân văn cần thiết để phân tích hoàn cảnh phức tạp của xã hội mới và để khám phá ra  các câu hỏi  luân lý hay nhân bản liên hệ. Nhưng các khoa học nhân văn không thể tự mình cống hiến những giải đáp luân lý và tôn giáo cho những vấn nạn của con người trong xã hội. Thần học và suy tư luân lý, phụ thêm khoa học nhân văn, cần thiết để tìm ra một đáp số toàn diện cho mầu nhiệm về Con Người, trong cuộc sống riêng tư cũng như xã hội.

Một nhiệm vụ tôn giáo và một chung đích xã hội

 Sứ mệnh đặc loại của Giáo-hội về mặt xã hội chính yếu thuộc phạm vi tôn giáo. Giáo Hội không dựa vào một khả năng nào thuộc lãnh vực thuần túy kỹ thuật hay chính trị. Tự bản chất mình, Giáo-hội không cống hiến một đồ án xã hội, kinh tế hay là văn hóa đặc biệt nào cả. Nói thế không có nghĩa là Giáo-hội không có vai trò nào hết trong các lãnh vực xã hội, chính trị, kinh tế, và văn minh. Ngược lại Giáo-hội tìm cách ảnh hưởng phong thái con người trong các lãnh vực đó. Tuy nhiên Giáo-hội hành động theo tư thế riêng của mình, bằng cách tuyên dương ý hướng luân lý và nhắc nhở chiều kích tôn giáo của các sinh hoạt cá nhân và tập thể.  Cũng cần phân biệt các hành vi can thiệp của Quyền Giáo-huấn Giáo-hội, dùng năng quyền của mình để nói lên các vấn đề xã hội, với các sáng kiến tự do của người công giáo; họ được khuyến khích dấn thân vào các chương trình chính trị cụ thể nhưng không được đồng hóa sự lựa chọn của mình như là đường lối Giáo-hội hay của Phúc-âm. Tư thế vừa kể đã được vạch ra rõ ràng, đặc biệt là từ Vaticanô II, và đã giúp định nghĩa bản chất chính xác của giáo huấn của Giáo-hội. 
Những tiến bộ về mặt giáo thuyết nhờ một quá trình giải thích
Qua tiến trình giải thích, học thuyết xã hội của Giáo-hội thu thập được một bước tiến bộ, giúp nêu lên được những lời minh giải rõ ràng, điều mà trước đây chỉ được  hiểu ngầm và khái quát. Thí dụ phẩm giá con người, trước kia luôn luôn ám chỉ trong các giáo huấn, nay được bàn rộng trong học thuyết xã hội của các Giáo-hoàng. Từ nay nó trở thành một chủ đề trung tâm liên hệ đến tự do, giải phóng, phẩm giá và phát triển của mọi  con người. Người ta còn để ý nhiều về nhân quyền và các sáng kiến quốc tế tìm cách bảo vệ cho các quyền ấy, như Bản Tuyên-ngôn Quốc-tế Nhân-quyền của Liên Hiệp-quốc. Nhiều điểm khác nữa cũng được minh giải và và khai triển thấu đáo. Chẳng hạn ý niệm về việc tư hữu, về tự do tôn giáo, về tương quan giữa các quốc gia, về liên đới phải được coi như đức hạnh, vai trò của người giáo dân, phẩm giá của phụ nữ, về các cơ chế bất công và về nhu cầu  có một quyền uy siêu quốc gia.  Những tiến bộ về mặt giáo thuyết, đi từ lối hiểu mặc nhiên đến chỗ trình giải minh nhiên, sẽ thấy rõ khi đọc qua các tài liệu mà chúng tôi trích dẫn và bình luận ở đây.

Có thể nào nói đến "khoa học xã hội công giáo" hay không ?

Như có lần chúng tôi đã nói qua, độc giả đừng nên xem các bản văn sau đây như một bản tổng kết hoặc một hợp đề của học thuyết xã hội của Giáo hội; nhưng nên dùng như một lối diễn tả về phương pháp vàphương thức tiếp cận của Giáo-hội khi Giáo-hội phát biểu về các vấn đề xã hội. Mục tiêu của chúng không nhằm trình bày khái quát về các nội dung  học thuyết xã hội của Giáo-hội, nhưng là để giúp hiểu rõ hơnbản chất  của giáo huấn ấy và lối tiếp cận đặc loại của nó. Chúng tôi hy vọng nêu lên được tại sao học thuyêt xã hội của Giáo-hội là "một loại riêng biệt" như Đức Gioan-Phaolô II đã viết trong Thông điệpSollicitudo Rei Socialis. Đấy đúng là"một bộ môn khoa học xã hội công giáo" như lời của Đức Piô XI từng nói trong Thông-điệp Quadragesimo Anno.
Việc giáo thuyết xã hội của Giáo-hội phát triển đáng kể như thế, nhất là sau Đức Lêo XIII, chứng thực Giáo-hội ân cần hiện diện trong thế giới tân kỳ và bảo chứng hy vọng lớn lao cho tương lai nhân loại; Giáo-hội Chúa Kitô luôn đồng hành với gia đình nhân loại, đồng thời loan báo giải đáp về Mầu nhiệm  Thiên Chúa và Mầu-nhiệm Con người. Không một giáo huấn nào khác đã từng mang lại những tiến bộ lớn lao hơn cho xã hội như thế. 
1- Lêo XIII, Inscrustabili (1878)[1]
Giáo-hội, mẹ của văn minh
Qua các hoạt động truyền giáo, Giáo Hội trở thành men của văn minh
Vào cuối thế kỷ thứ 19, người ta cáo buộc Giáo-hội là vật chướng ngại ngăn cản tiến bộ và văn minh tân thời. Đức Lêo XIII trong bức Thông điệp đầu tiên Incrustabili (1878), bác bỏ các luận cứ bất công ấy bằng cách chỉ tỏ vai trò khai hóa của Giáo-hội giữa các xã hội.  Trong khi rao giảng Tin Mừng, Giáo-hội chống các dị đoan, nô lệ và nghèo đói trong các sắc dân. Giáo-hội nâng đỡ mỹ thuật, khoa học và các cơ cấu văn minh. Giáo-hội là "thầy và mẹ văn minh" nếu chữ văn minh hiểu cho đúng nghĩa.
"Huynh đệ đáng kính, nguyên lý văn minh chắc chắn sẽ thiếu những căn bản vững vàng nếu không dựa vào nguyên tắc hằng hữu của sự thật và trên các luật bất biến của công bình và luật pháp, nếu không có một mối tương ái thật chân thành để nối kết lại ý chí con người, phân định các nhiệm vụ khác nhau và ấn định căn lý của các bổn phận tương giao giữa những con người với nhau. Nhưng ai dám chối bỏ sự kiện sau  nầy? Trong khi rao giảng Phúc-âm giữa muôn dân, Giáo-hội đã không từng làm sáng tỏ ánh sáng chân lý giữa các sắc dân bán khai còn mê tín dị đoan, và đã không từng giúp họ hiểu biết Đấng Hóa-công, biết ý thức và tự trọng hay sao? Có phải Giáo-hội, trong khi  xóa bỏ xiềng xích nô lệ, đã không từng nhắc cho con người đừng quên phẩm giá căn bản cao siêu của mình hay sao? Khi cắm cờ Cứu-độ trên tất cả các phần đất của hoàn cầu, khi tập họp các sinh hoạt khoa học và nghệ thuật, hoặc còn bảo bọc cho các sinh hoạt ấy, khi xây dựng những tổ chức từ thiện để xoa dịu những đau khổ muôn vàn của dân chúng cũng như thiết lập các hội đoàn và cơ sở, Giáo-hội đã không khai hóa tác phong cá nhân và tập tục xã hội của nhân loại hay sao?  Đã không đưa nhân loại ra khỏi khốn cùng, ân cần dẫn lối đi vào một nếp sống xứng hợp với nhân phẩm và niềm hy vọng của thân phận con người hay sao? Và nếu bây giờ, có người nào, với lý trí lành mạnh, đem thời kỳ chúng ta đang sống, là thời kỳ đố kỵ với đạo giáo và với Giáo-hội Chúa Kitô, so sánh thời kỳ vạn hạnh khi mà Giáo-hội được hết muôn dân kính yêu như là người Mẹ, thì hẳn họ sẽ nghĩ rằng thời chúng ta, thời hỗn loạn và đập phá, đang lao mình thẳng và rất mau lẹ vào nguy cơ tự hủy; còn như thời  trước, tràn đầy cơ chế tốt đẹp, sống được an lành,  giàu có và thịnh vượng, còn dân chúng thì khâm phục uy quyền Giáo-hội, tuân giữ lề luật Hội-thánh. Nếu các lợi ích hằng hà chúng tôi vừa nhắc tới,  được phát sinh và chịu ảnh hưởng tốt lành của Giáo hội, và chúng đúng là công trình và kỳ công văn minh nhân loại, thì không thể nói rằng Giáo hội của Chúa Giêsu ghét bỏ, xua đuổi văn minh, ngược lại, Giáo-hội hãnh diện mình là người nuôi nấng, là thầy và là mẹ văn minh".     
2- Lêo XIII,  Diuturnum  (1881)[2]

Uy quyền của các nước  phát sinh từ Thiên Chúa

Sự chia rẽ giữa người Kitô đã gây tai hại nặng nề cho Âu châu
Bản Thông điệp này của Đức Lêo XIII về quyền bính dân sự là một thí dụ điển hình tính cách cập nhật của nhiều hành vi can thiệp của Giáo-hội về mặt xã hội. Thông điệp này chịu ảnh hưởng của vụ ám sát Hoàng đế nước Nga, Alexandre II, bị các đảng viên hư vô chủ nghĩa giết chết  tháng 3 năm 1881. Đó là dịp để Đức Giáo-hoàng suy luận về sự vững chãi và căn nguyên của uy quyền chính trị.
Lý do chính yếu gây ra tư tưởng phản kháng, dấy loạn và khủng bố đe dọa uy quyền dân sự, phát sinh từ việc chối bỏ thần quyền của Giáo-hội.
"Trận chiến kinh hoàng, từ lâu chống lại thần quyền Giáo-hội, đã đưa đến kết quả tất nhiên: nó đe dọa hết tất cả xã hội, đặc biệt là quyền bính dân sự, nền tảng của mọi công ích. Thời kỳ chúng ta, hơn lúc nào khác, chứng tỏ việc ấy, bằng chính sự việc đã xảy ra. Chúng ta chứng kiến những cuồng vọng táo bạo nhất của quần chúng muốn đạp bỏ tất cả quyền uy, phóng túng hoàn toàn, đập phá và hỗn loạn xảy ra quá thông thường, khiến cho những người cầm quyền, không còn được tuân phục, đến nỗi mất hết khả năng bảo đảm cho chính an ninh của mình".
Ám sát  "một vị hoàng đế đang cầm quyền" là hệ quả của ý đồ hăm dọa và hận thù.
"Người ta đã làm đủ cách để dân chúng hận thù và khinh khi kẻ cầm quyền. Cuối cùng thù hận bốc cháy để rồi mạng sống của các vua chúa đang cai trị nhiều lần trở thành mục tiêu ám toán hoặc bị ám sát công khai. Trước đây, Âu châu đã từng rùng mình kinh sợ, khi nghe tin một vị đế vương bị ám sát; nay, sau ngày đại nạn to lớn như thế, trong khi hết mọi người hãy còn bàng hoàng, thì những kẻ gian ác không ngại công khai tỏ lời thách thức và đe dọa ngay trước mặt các vị cai trị khác ở Âu-châu".
Đức Thánh Cha sau đó khai triển lý thuyết chủ trương rằng chỉ có Thiên Chúa mới là nguồn gốc quyền uy dân sự. Luận cứ dứt khoát là "không một ai có riêng trong mình hay bởi chính mình điều cần thiết để ràng buộc được lý trí tự do của người đồng loại".
"Và thật như vậy, điều khiến cho con người kết hợp để sống thành xã hội đó là luật tự nhiên; hay nói rõ hơn, đó là ý muốn Thiên Chúa đấng hóa-công; bằng chứng hiển nhiên trước hết là ơn sử dụng tiếng nói, dụng cụ chính yếu của các mối tương quan xây dựng xã hội, cũng như những ước muốn nảy sinh trong chúng ta, và những nhu cầu khẩn thiết; chúng sẽ thiếu hẳn mục tiêu nếu con người sống một mình, nhưng chúng có lý do hiện hữu khi con người sống gần con người và liên kết với nhau. Mặt khác, xã hội chúng ta không thể tồn tại hay không thể quan niệm nổi nếu không có người phối kết những ý chí riêng rẽ, gom về một mối các loại ý hướng khác nhau, khiến chúng hòa hợp thành một tổng thể. Như vậy, Thiên Chúa hẳn muốn xã hội dân sự có một uy quyền cai quản muôn dân. Nhưng mà còn một ý niệm khác nữa quan yếu hơn; những người cai trị quốc gia có thể đòi hỏi sự vâng phục trong một số điều kiện cần thiết nào đó mà hễ ai bất tuân là có tội.  Tuy thế, không có người nào có riêng trong mình hay bởi chính mình điều cần thiết để có thể ràng buộc lý trí tự do của người đồng loại. Chỉ có Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng và là Đấng làm ra mọi luật, mới có quyền năng như thế; nên ai nắm quyền cần phải nhận lãnh quyền năng từ Ngài và hành xử nhân danh Ngài. "Chỉ có một người làm luật và một quan tòa có thể xử tội và tha tội" (Jc 4,12). Điều ấy áp dụng cho hết tất cả hình thức quyền năng.  Còn về quyền năng tư tế, hiển nhiên quyền ấy đến từ Thiên Chúa, và trong tất cả dân tộc, những người được ban quyền ấy gọi là thừa tác viên của Chúa, và cũng vì thế mà được người đời tôn trọng. Cũng một cách ấy, ở trong gia đình, quyền năng cha mẹ mang dấu và là hình ảnh sống động quyền năng nơi Chúa "là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất" (Ep. 3,15). Từ đó, ta hiểu được rằng các loại quyền năng giống nhau một cách lạ lùng: tất cả chỗ nào ta thấy có chỉ huy, uy quyền, là ta phải tìm đồng một nguyên thủy, là Thiên Chúa, gầy tạo và là chúa tể địa cầu, nguồn gốc nguyên lý".
Nhiều học thuyết mới về quyền năng chính trị đã làm ngã đổ trật tự và mối an ninh của các quốc gia. Đức Lêo XIII cho rằng nguyên do những việc sai lầm khốc liệt vừa kể bắt nguồn từ Thời Cải- cách, một thời tôn vinh quá mức các nhà triết học; rồi đến xã hội chủ nghĩa, cộng sản, và chủ thuyết hư vô. Đây là một bản văn tiêu biểu của thời bấy giờ, nghĩa là nêu lên một phán quyết có tính cách giáo điều về khía cạnh tà đạo của Thời Cải-cách và nhấn mạnh ảnh hưởng của khuynh hướng nầy làm cho xã hội bung rã*.
Cách nhìn ngày nay khác xa rất nhiều. Trong khi nhìn nhận các sự khác biệt giữa người công giáo và các Kitô hữu khác, các tài liệu hiện nay của Giáo-hội nhấn mạnh đến sự cần thiết của hợp tác đại kết để mọi Kitô hữu dấn thân về mặt xã hội. Chúng ta sẽ chứng kiến sự kiện đó qua các tài liệu về sau, nhất là sau Vaticanô II.
"Trái lại, các thuyết tân thời về các quyền năng chính trị đã gây ra nhiều đổ vỡ, và sợ rằng các đổ vỡ về sau có thể tệ hơn nữa. Thật vậy, từ chối không chịu chân nhận Thiên Chúa như là nguồn gốc quyền năng chỉ huy con người, tức là muốn tước hết tất cả hào quang cùng sinh khí của quyền dân sự. Nếu cho đó là ý hướng của người dân, thì đầu tiên là sai lầm từ nguyên tắc; sau đó, là việc đặt quyền năng trên một nền tảng thiếu sự vững vàng. Quan niệm nầy như muốn  khích lệ  liên miên các mối đam mê của quần chúng ngày càng mạnh và thêm ngổ ngáo, chuẩn bị cho sự sụp đổ quốc gia, bằng cách khơi ngòi cho các âm mưu bí mật hay là phản loạn công khai. Ngay trong quá khứ, phong trào gọi là Cải-cách, đã có những người hỗ trợ và chủ xướng dùng những lý thuyết lật ngược cả hai quyền năng tôn giáo và dân sự; kết quả là những rối loạn bất thường cùng với các cuộc nổi dậy bạo tàn, nhất là ở tại Đức quốc; nội chiến, giết chóc tàn khốc đến nỗi gần như không có xứ nào không bị giao động và thoát khỏi thảm họa. Nhóm Cải-cách kể trên bắt nguồn từ thế kỷ qua, cùng với cái triết lý giả hiệu, và cái gọi là luật mới và quyền uy tối thượng của dân chúng và sự bừa bãi vô bờ mà nhiều người coi là phải có để thực hiện tự do thật sự.  Từ đó, người ta đi đến các bước sai lầm cuối cùng: cộng sản, xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa hư vô... quái vật đáng sợ, làm cho xã hội hổ thẹn và có thể kéo đến chỗ diệt vong. Dầu vậy vẫn có quá nhiều những kẻ rao truyền các thuyết độc hại như thế; ước vọng cải thiện đời sống dân chúng đã được rêu rao để làm cớ nhóm lên những đám lửa to và sắp sẵn cho những tai họa lớn. Những điều Chúng tôi nhắc lại ở đây ai cũng đã rõ và quá gần gũi với chúng ta".
3-Lêo XIII, Immortale  Dei (1885) 3

Lý tưởng Quốc gia Kitô giáo

Triết lý Phúc-âm biến đổi xã hội
Thay vì ngăn cản tiến bộ, Giáo-hội đóng góp rất nhiều vào sự cường thịnh của các quốc gia và hoàn toàn làm  lợi cho văn minh con người. Trong Thông điệp Immortale Dei (1885), Đức Lêo XIII đặc biệt nhắc đến quan niệm uy quyền quốc gia và nêu lên nhiều khía cạnh quan trọng về học thuyết xã hội của Giáo-hội. Dầu cho nhiệm vụ Giáo-hội thuộc mặt siêu nhiên, Giáo-hội cũng tham gia vào sự tiến bộ trên mặt thế trần. Giáo-hội đã khai hóa rất nhiều dân tộc nhờ việc rao giảng Tin Mừng, như lời của thánh Augustinô đã lưu ý. Tố cáo Giáo-hội chống lại tiến hóa nhân trần, chống lại tự do, chống lại khoa học là vu khống. Giáo hữu công giáo luôn được khuyến khích tham gia đời sống chính trị trong nước.
Giáo-hội đã được thành lập để qui hướng về hạnh phúc đời đời, nên Giáo hội ấy nỗ lực xây dựng một nền văn minh mới, như thể mình  đã được tạo dựng nên để đem lại phúc lợi cho các dân tộc.
"Là tác phẩm muôn đời của Thiên Chúa nhân lành, Giáo-hội tự bản chất của mình, có mục đích cứu rỗi các linh hồn và hạnh phúc muôn đời; tuy vậy, ngay cả trong lãnh vực thế nhân, Giáo-hội là nguồn phát sinh rất nhiều lợi ích cao cả, tưởng chừng như đã được xây dựng để trực tiếp lo cho hạnh phúc đời nầy. Thật thế, nơi nào Giáo-hội đi đến, nơi ấy mọi việc liền thay đổi bộ mặt, phong hóa thấm nhuần những đức hạnh mà trước đây dân chúng chưa từng biết; và Giáo-hội như đã kiến tạo một nền văn minh mới. Dân tộc nào đón nhận Giáo-hội đều nổi bật nét nhân từ, công chính và vinh hiển trong cuộc sống của mình".
Toàn bộ Lịch sử Giáo hội phi bác lời vu khống nầy và minh chứng rằng Giáo-hội không  hề chống lại phúc lợi và tiến hóa của quốc gia.
"Tuy nhiên, từ thời xa xưa, người ta cho rằng Giáo-hội cản trở quyền lợi xã hội dân sự và không đủ sức tạo điều kiện phát triển phúc lợi và phồn vinh mà mọi xã hội có tổ chức có quyền đòi hỏi theo ước vọng tự nhiên. Chúng ta từng biết, trong những ngày đầu Giáo-hội, Kitô hữu đã bị những tiền kiến kiểu ấy quấy nhiễu, bị hận thù, ghét bỏ vì người ta xem họ là kẻ thù của Đế-quốc. Vào thời đó, dư luận thường  gán cho Kitô hữu đủ thứ tội chống phá xã hội, kỳ thực chính Thiên Chúa, là người báo đền tội khiên, bắt người tội phạm đền bù công bằng.  Lối vu khống bỉ ổi đó làm thánh Augustinô phẫn nộ một cách chính đáng và khiến văn phong của ngài càng thêm sắc bén. Trong cuốn sách "Thành trì Thiên Chúa", ngài nêu rõ ràng đức tính khôn ngoan Kitô giáo trong mối tương quan với thế trần; Ngài trình bày kỹ lưỡng đến độ như không phải ngài chỉ biện luận cho Kitô hữu thời ấy mà còn chiến thắng vĩnh viễn chống lại những lời tố cáo sai lầm  tương tự"
Thánh Augustinô đã diễn tả một cách thiết thực giáo huấn xã hội của Giáo hội cũng như những phúc lợi mà giáo huấn ấy mang lại cho các nước.
"Theo cách của ngài và trong nhiều đoạn, thánh Augustinô đã nêu lên giá trị của các phúc lợi ấy, nhất là khi ngài nói về Giáo-hội Công giáo như sau: "Người (Giáo-hội) đã hướng dẫn và giáo dục trẻ con một cách thân ái, các thanh niên một cách thẳng thắn, người già cả với lòng khoan nhu, uyển chuyển theo lứa tuổi, không những tuổi của thân xác mà còn tùy tình trạng của tinh thần. Người dạy phụ nữ trung trinh tuân phục chồng mình, không phải chiều theo con đường dục vọng, nhưng là để sinh sản con cái và tạo dựng cuộc sống gia đình. Người cho người chồng quyền uy trên vợ, không phải để lạm dụng phái yếu, nhưng biết tuân phục lề luật yêu thương chân thành. Người dạy con cái ngoan ngoãn vâng phục cha mẹ, và khuyên cha mẹ dùng quyền uy với lòng khoan nhân. Người đã nối kết các công dân, các dân tộc và người người với nhau; không những hợp quần thành xã hội, mà còn gắn bó trong tình huynh đệ, nhớ lại cùng một tổ tiên thủa ban đầu. Người khuyên vua chúa lo cho dân và dạy dân tuân phục vua chúa. Người ân cần giáo hóa về trật tự xã hội để biết người nào cần phải tôn vinh, yêu mến, kính trọng, tuân phục, ủi an, cảnh cáo, khích lệ, sửa trị, rầy la, trừng phạt; và kỳ cùng, người giúp mọi người hiểu rằng trên hết mọi sự phải bác ái với mọi người, và không có quyền đối xử bắt công với bất kỳ ai 4. Và chính vị Thánh Tiến sĩ đó cảnh giác lập luận sai trái của các lý thuyết gia về chính trị như sau: "Người nào nói rằng học thuyết Kitô giáo ngược lại quyền lợi quốc gia, thì xin hãy chỉ cho tôi một đạo binh có được những quân lính tốt như những binh sĩ sống giáo lý Kitô giáo; xin hãy cho tôi những tổng trấn các tỉnh, những người chồng, người vợ, những bậc cha mẹ, những con cái, những người chủ hay người giúp việc, những đế vương, quan tòa, những người dân đóng thuế và người thâu thuế, giống như những kẻ sống theo giáo lý Kitô đòi hỏi! Vậy mà họ còn dám nói là giáo thuyết ấy chống lại quốc gia hay sao! Ngược lại, xin họ đừng nên do dự thú nhận rằng giáo thuyết Kitô giáo đúng là thành trì vững mạnh bảo vệ đất nước nếu ta biết tuân phục". 5
Đức Lêo XIII dẫn giải cho biết "triết lý Phúc-âm" đã ảnh hưởng nhiều trên các quốc gia trong quá khứ và giúp cho Âu châu có một vai trò khai phóng văn minh. Đáng tiếc, tình trạng vừa nói biến mất khi hai loại quyền, một của Giáo-hội, một của quốc gia, không còn chung nhau làm việc, một khi học thuyết xã hội của Giáo hội đã bị gạt bỏ.
"Đã có một thời triết lý Phúc-âm hướng dẫn các nước.  Thời ấy, ảnh hưởng của sự khôn ngoan Kitô giáo cùng với đức hạnh thiêng liêng thấm nhuần luật pháp, cơ chế, phong tục, quần chúng, tất cả phẩm trật và mọi tương quan xã hội dân sự. Lúc ấy, đạo do Chúa Kitô thành lập, vững vàng đứng trong tư thế xứng đáng của mình, ở đâu cũng được phát huy, nhờ các đế vương và sự chở che chính đáng của các quan chức. Lúc ấy, giáo phẩm và nhà nước liên quan với nhau bằng mối đồng tâm và trao đổi hữu nghị. Xã hội thế trần tổ chức kiểu ấy phát sinh hoa quả tốt hơn mong ước, hiện nay ký ức hãy còn và sau sẽ còn; sự kiện đó đã lưu lại trong vô số tài liệu không kẻ thù nghịch nào có thể ngụy tạo để xuyên tạc hay bác bỏ được . Nếu Âu châu đã chinh phục các nước bán khai và giúp các dân ấy từ nếp sống hung dữ đến phong tục hiền hòa, từ dị đoan đến chân lý; nếu Âu châu đã vẽ vang đẩy lui được các cuộc xâm lăng của người hồi giáo; nếu nó đã bảo vệ được cuộc sống văn minh, mọi nơi và mọi lúc chứng tỏ mình là tiền phong và dẫn dắt cho người dân các nước, và hẳn đó là niềm vinh hạnh cho nhân loại. Nếu nó giúp cho nhiều dân tộc tìm thấy được tự do chân thật dưới nhiều hình thức khác nhau; nếu nó đã từng khôn ngoan xây dựng nhiều cơ sở để thoa dịu nỗi khổ của con người, thì chắc chắn Âu châu đó đã nhờ vào tôn giáo; tôn giáo đã cổ súy và hỗ trợ Âu châu khởi công và hoàn thành các sự nghiệp cao cả nầy. Tất cả các nguồn ơn ích ấy hẳn có thể còn kéo dài, nếu như hai quyền tồn tục; và còn có thể hy vọng nhiều ơn ích to lớn hơn nữa, nếu như quyền uy, giáo huấn, ý kiến của Giáo-hội đã từng được lắng nghe và luôn tuân giữ".
Trái lại với lời vu khống bất công, Giáo-hội khích lệ các quốc gia canh tân trên đường tiến bộ và hỗ trợ cho khoa học cũng như việc nghiên cứu, có lợi cho xã hội. Ai đóng góp vào sự tiến bộ đều được Giáo-hội đón chào.
"Nói rằng Giáo-hội chê bai các thể chế tân thời của những cơ cấu chính trị và loại bỏ đồng loạt tất cả các phát minh của tài năng mới là lập luận vu khống vô căn cứ. Thật ra, Giáo-hội có chối bỏ các ý tưởng vô liêm, lên án xu hướng độc hại đưa tới phản loạn và nhất là ý hướng khiến cho người ta muốn xa Thiên Chúa; nhưng nếu chân lý luôn phát xuất từ Thiên Chúa, thì  những gì chân thật mà trí óc con người tìm ra, Giáo Hội nhận biết đó là dấu vết thông minh của Thiên Chúa; và bởi không có sự thật tự nhiên nào đi ngược lại sự thật Chúa mạc khải; bởi nhiều người ý thức được xác quyết đó, cũng như bởi việc khám phá ra chân lý có thể giúp con người biết và ca tụng Chúa, nên Giáo-hội luôn luôn đón chào tất cả những đóng góp làm cho khoa học tiến bộ; và như đã từng cổ súy các môn học khác, Giáo-hội sẽ luôn khuyến khích, nâng đỡ khoa thiên nhiên. Trong loại nghiên cứu như vậy, Giáo hội không hề cản trở bất cứ phát minh nào của trí tuệ; Giáo-hội không hề ngăn cản các cuộc tìm tòi nhằm mục tiêu tăng thêm phúc lợi và an sinh; hơn nữa, vốn thù ghét bất động và lười biếng, Giáo-hội mong muốn rằng: trau dồi kiến thức và sinh hoạt văn hóa sẽ khiến tài năng con người trổ sinh hoa trái sum sê. Giáo hội khuyến khích tất cả nghệ thuật, Giáo-hội khuyến khích kỹ nghệ, và, khi định hướng cho các nỗ lực nầy hướng đến một mục tiêu tốt lành, nhờ vào đức độ của mình. Giáo-hội muốn ngăn chặn không để tư tưởng và hoạt động của con người bị lèo lái xa rời Thiên Chúa và các kho tàng thiêng liêng".
Người công giáo ảnh hưởng sâu rộng trên xã hội qua việc thực thi nhân đức Kitô giáo trong đời sống riêng tư và trong đời sống gia đình. Họ cũng cần phải có mặt một cách tích cực ở môi trường chính trị, vào mọi giai tầng.
"Trên thực tế, người ta có thể hành động, hoặc trong cuộc sống cá nhân, gia đình, hoặc trong các sinh hoạt công cộng. Trong lãnh vực tư, nhiệm vụ căn bản là sống và cư xử theo lời dạy Phúc-âm, và đừng lùi bước trước những hy sinh và các đau khổ mà nhân đức Kitô giáo đòi hỏi. Hơn nữa, tất cả phải yêu mến Giáo hội như là mẹ chung, tuân lời, đề cao danh dự, bảo vệ quyền lợi và lo sao để những người dưới trách nhiệm của mình biết kính nể và mến yêu Giáo hội trong tình thảo ngay". Trong lãnh vực công cộng, người công giáo cũng cần phải tham gia vào công việc hành chánh địa phương một cách khôn ngoan, nhất là nỗ lực thúc giục chính quyền cung ứng một nền giáo dục tôn giáo và đạo đức cho giới trẻ, một điều mà Kitô hữu rất cần, và cũng là lợi ích sinh tử của xã hội. Một cách chung, người công giáo nên được khuyến khích để nới rộng hoạt động của mình vượt ra ngoài cả những giới hạn còn chật hẹp nầy để dấn thân vào các phần vụ quan trọng hơn của đất nước. Chúng tôi nói "một cách chung", vì ở đây chúng tôi muốn nói đến tất cả các nước. Tuy thế, cũng có khi, vì những lý do quan trọng và chính đáng, tham gia vào chính sự và nhận những chức vụ có thể không thích hợp. Nhưng luật chung, như chúng tôi đã nêu trên đây, từ chối dấn thân vào việc nước có thể đáng trách cứ như là chểnh mảng, thờ ơ với công ích, hơn thế nữa, giáo lý mà người công giáo tuyên xưung lại buộc họ phải ngay chính chu toàn bổn phận ấy. Và nếu họ trốn tránh việc nầy, thì giềng mối đất nước sẽ dễ dàng rơi vào tay những kẻ có những ý kiến không mang lại nhiều hy vọng tốt đẹp cho đất nước. Lúc ấy, dù Kitô hữu có mốn hay không, thì kẻ thù của Giáo-hội sẽ có toàn quyền và người bênh vực Giáo-hội thì ở bên lề. Do vậy, người công giáo hẳn có lý do chính đáng để dấn thân vào cuộc sống chính trị; vì họ làm và phải làm chính trị, không phải để tán đồng những điều đáng trách cứ đang hiện hữu có trong các cơ chế chính trị, nhưng để hết sức mình khai triển công ích chân thật ngay trong các định chế nầy bằng cách cố đưa vào trong guồng máy chính quyền nền đạo đức và ảnh hưởng của đạo công giáo, như nhựa sống và như giòng máu cứu độ",
Vào những thế kỷ đầu tiên, Kitô hữu đã từng biến đổi các xã hội ngoại giáo bằng cách đem lại ánh sáng Phúc-âm. Trong thời Thượng cổ ấy, nếp sống Kitô đã từng đổi thay mọi lãnh vực cuộc sống xã hội.
"Vào thời ấy, giáo lý và phong hóa theo tinh thần Phúc-âm không có gì gần gũi với văn hóa và tập tục của người ngoại giáo; tuy thế, trong bầu khí ngoại giáo đó, Kitô hữu kiên cường đi vào mọi nẻo sinh hoạt của xã hội. Họ trung thành với kẻ cai trị, tuân phục luật pháp đến mức tối đa cho phép; họ chiếu sáng đức hạnh nơi nơi, nỗ lực phục vụ cộng đồng và lôi kéo mọi người theo Chúa. Tuy thế, họ sẵn sàng từ chức hoặc chết một cách can cường khi lương tâm lên tiếng không cho phép giữ lại tước vị, quan chức hay phẩm hàm quân sự. Nhờ vậy, họ nhanh chóng đưa các định chế Kitô giáo vào trong gia đình, nơi trại lính, quân trường và đến cả hoàng cung. "Chúng tôi mới có hôm qua đây, thế mà chúng tôi tràn ngập vào thế giới của quí ngài, các thành phố, các đảo, các thành trì, các làng mạc, các mật nghị, ngay cả các trại lính, các đoàn, các đội, hoàng cung, viện nguyên lão, nghị trường" 6. Vì thế, khi được phép tuyên xưng Phúc-âm, thì đức tin Kitô giáo xuất lộ trong nhiều thành phố một cách mạnh mẽ, đầy sinh lực, chứ không phải như đứa bé trong nôi.
Vào thời chúng ta đây, cần phục hoạt lại các gương lành đó của cha ông chúng ta. Trước hết, tất cả người công giáo xứng đáng với tên gọi của mình cần quyết tâm sống và tỏ ra là con cái tận tụy với Giáo hội; đừng ngại đẩy lui những gì không thích hợp với Kitô giáo; lấy hết tâm lực đưa các định chế công quyền phục vụ chân lý và công lý; giữ cho tự do đừng đi quá các giới hạn mà luật tự nhiên và luật Chúa cho phép; cố đưa cơ cấu của tất cả các nước ăn khớp với mẫu mực Kitô giáo mà chúng tôi đã nêu lên làm mẫu mực"
4- Lêo XIII,  Rerum Novarum (15.5.1891)7

Tình trạng bi đát của công nhân

Một sứ điệp của Giáo Hội để giải quyết

tình hình bất công của giới thợ thuyền
Chúng ta đã thấy trong Phần thứ nhất tầm quan trọng có tính cách lịch sử của Thông-điệp Rerum Novarum(1891), do Đức Lêo XIII công bố sau khi tham khảo kỹ lưỡng và chuẩn bị lâu dài.
Thông-điệp nói về quyền lợi và nghĩa vụ của tư bản và lao động. Thông-điệp bài bác xã hội chủ nghĩa tức là lý thuyết chuyển di sở hữu tư nhân cho nhà nước, bởi vì sở hữu tư nhân là một quyền tự nhiên và là căn bản cần có cho một nền kinh tế trong đó con người tự do hưởng thụ thành quả công khó của mình.
Thuốc trị cho hết "cảnh nghèo khó của dân chúng" chỉ có thể có khi nào có sự hợp tác chặt chẽ giữa Giáo-hội, Nhà-nước, các Hiệp-hội tự do mà quan trọng nhất là các nghiệp đoàn.
Kiểu mẫu xã hội trong ý tưởng của Đức Giáo-hoàng là một xã hội xuất phát từ giáo-huấn của Đức Kitô.Quan điểm đó hướng dẫn học thuyết xã hội của Giáo-hội nơi Đức Lêô XIII.
Những đoạn đầu của Thông-điệp mô tả thảm cảnh xã hội thời ấy. Phân tích rất là thực tế, nhấn mạnh cùng lúc các vấn nạn xã hội, chính trị, kinh tế và luân lý. Ngay ở phần đầu, Thông-điệp phản ảnh lối suy tư chính xác và có phương pháp, đặt trên nền tảng suy tư thần học và phân tích xã hội ;những đặc tính đó cống hiến một lối tiếp cận mới. Người ta có thể nhận rõ có sự tham gia của các nhà chuyên môn về khoa học xã hội, sử học xã hội và thần học. Đức Thánh Cha đã can thiệp vì phải chứng kiến cảnh nghèo khó của đại đa số quần chúng. Do đó, giáo huấn của Giáo-hội được đón nhận như là một giải đáp của Kitô giáo đối với các biến chuyển xã hội đáng lo ngại và các nhu cầu nhân sinh.
"Khao khát đổi mới từ lâu xâm nhập và kích động xã hội, sớm muộn gì cũng lan tràn từ khu vực chính trị qua khu vực kế cận là kinh tế xã hội. Thật thế, tiến bộ kỹ nghệ không ngừng, giao lưu mở rộng, tương quan chủ-thợ biến đổi, tình trạng giàu có của một số nhỏ bên cạnh cảnh nghèo khó của đại đa số, ý thức của thợ thuyền nhạy bén về hoàn cảnh của chính mình, và họ biết hợp đoàn hơn, không nói đến sự suy đồi phong hóa, tất cả đưa đến kết quả cuối cùng là một  xung đột đáng lo ngại. Ở khắp mọi nơi, người người bồn chồn khắc khoải, bấy nhiêu cũng đủ chứng minh có nhiều vấn đề quan hệ đang đặt ra. Tình trạng ấy tạo lo âu và huy động tài năng của các nhà thông thái, khôn ngoan của các nhà hiền triết, các cuộc bàn cãi của những nhóm quần chúng, óc tinh tường của nhà làm luật cũng như ý kiến của người cai trị; lúc nầy đây tâm trí mọi người đang khắc khoải giao động.
Vì thế, hỡi chư huynh, vì lợi ích Giáo-hội và phần rỗi chung của nhân loại, qua các Tông thư, Chúng tôi đã đề cập đến các vấn đề như chủ quyền chính trị, tự do con người, quan điểm Kitô giáo trong việc điều hành các nước và nhiều đề tài tương tự, để khi cần, bác khước những dư luận sai lầm và lừa gạt; nay, cũng trong một mục tiêu ấy, Chúng tôi bàn thảo với chư huynh về hoàn cảnh của giới lao động. Đề tài nầy, thực ra, Chúng tôi tùy dịp đã từng nói qua nhiều lần; nhưng trách nhiệm Giáo-hoàng buộc Chúng tôi phải trình bày rõ ràng và sâu rộng hơn trong Thông-điệp nầy, để nêu lên những nguyên tắc cho một giải pháp thích ứng với công bằng và lẽ phải. Vấn đề không dễ giải quyết và cũng không phải là không nguy hiểm. Thật vậy, khó mà minh định rõ rệt những quyền lợi và bổn phận làm chuẩn mực cho các mối tương quan giữa người giàu và giới vô sản, tư bản và thợ thuyền. Mặt khác, vấn đề cũng đầy cạm bẫy, vì thông thường, nhiều người thích làm loạn và nhiều mưu đồ tìm cách xuyên tạc ý nghĩa của sự việc và lợi dụng hoàn cảnh để kích động dân chúng và gieo cảnh rối loạn".
Giáo huấn của Đức Thánh-cha tố cáo bất công xã hội, tức là tình trạng không thể chịu đựng được của công nhân, nạn nhân của tham vọng của các chủ nhân mà các cơ cấu chính phủ cũng như tổ chức thợ thuyền không thể nào kiểm soát được. Chính bản tố cáo hệ thống kinh tế không thể kiểm soát được là bối cảnh Thông-điệp của ngài.
"Dù sao, Chúng tôi quả quyết, và hết mọi người đều đồng ý, là cần phải giúp đỡ những người yếu thế, bởi vì phần lớn sống trong tình trạng khốn đốn, nghèo nàn bất xứng bằng những biện pháp hữu hiệu, nhanh chóng. Thế kỷ vừa qua đạp bỏ các cơ cấu cũ từng bảo vệ cho họ mà không tạo được cái gì thay thế. Tất cả nguyên tắc và mọi ý hướng tôn giáo biến mất nơi khuôn khổ các luật lệ và định chế công cộng; vì thế, công nhân dần hồi bị lẻ loi và không thể tự vệ, mặc cho chủ nhân vô liêm và lòng tham của cạnh tranh bóc lột. Lại còn nạn tiền vay nặng lãi làm tai họa gia tăng. Giáo-hội nhiều lần từng lên án tệ trạng nầy, nhưng lớp người ham lời vô độ vẫn tiếp tục tung hoành dưới một hình thức khác. Thêm vào đó phải kể đến nạn độc quyền lao động và thương phiếu do một nhóm thiểu số giàu có chiếm hữu, áp đặt lên đầu lên cổ khối người vô sản".
Đức Giáo-hoàng giải thích lý do có thể biện minh cho việc Giáo-hội can thiệp vào lãnh vực sinh hoạt xã hội: Giáo-hội có quyền và có bổn phận lên tiếng, vì người ta khó lòng tìm được giải pháp nào cho các vấn nạn của các tầng lớp lao động ngoài sự can thiệp của tôn giáo và của Giáo-hội. Chỉ có giáo huấn của Phúc-âm mới có thể đem lại một liều thuốc cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
"Chúng tôi mạnh dạn đề cập chủ đề nầy, và chúng tôi có toàn quyền để làm việc ấy, vì sự việc trở thành gia trọng đến độ nếu không có sự can thiệp của tôn giáo và Giáo-hội, thì không thể nào có được một giải pháp hữu hiệu. Hơn ai hết Chúng tôi lại được giao phó trách nhiệm bảo vệ tôn giáo và hành động trong khuôn khổ Giáo-hội, nên nếu Chúng tôi im lặng thì hẳn mọi người sẽ cho rằng Chúng tôi chểnh mảng phần vụ của mình. Hẳn nhiên, một vấn đề gia trọng tầm cỡ nầy còn phải cần đến công sức của nhiều tác nhân khác nữa; Chúng tôi muốn nói đến các kẻ nắm quyền trị các nước, các chủ nhân và lớp người có của, ngay cả thợ thuyền là lớp người trong cuộc. Nhưng Chúng tôi không ngại xác quyết rằng ngoài Giáo-hội họ sẽ bất động. Thật thế, chính Giáo-hội múc lấy nơi Phúc-âm những giáo huấn đủ sức dập tắt các cuộc tranh chấp, hoặc ít nhất là làm cho chúng dịu lại bằng cách tẩy trừ những gì quá gai góc, chua chát; Giáo-hội không phải chỉ biết soi sáng tâm trí con người bằng những lời dạy bảo của mình, mà còn chỉnh đốn đời sống và phong cách của mỗi một người; qua nhiều tổ chức bác ái, từ thiện, Giáo-hội cố gắng cải thiện số phận của lớp người nghèo khổ; Giáo-hội chủ trương và tha thiết muốn tất cả các giai cấp xã hội chung sức, chung lòng giải quyết vấn đề thợ thuyền một cách tốt đẹp nhất; cuối cùng, Giáo-hội cho rằng luật pháp và chính quyền phải thận trọng, khôn ngoan tích cực đóng góp vào việc giải quyết tình trạng nầy".
Giáo-hội không những đưa ra phương thuốc chữa trị, mà còn hành động cụ thể bằng cách phổ biến học thuyết của mình và làm cho lòng trí con người thay đổi.  
 "Tuy thế, Giáo-hội không phải chỉ biết nêu lên giải pháp, nhưng hướng dẫn con người thực hiện và chính mình ứng dụng toa thuốc để trị bệnh. Giáo-hội giáo huấn và dẫn dắt  con người dựa trên nguyên tắc và học thuyết của mình; qua thừa tác vụ của các giám mục và giáo sĩ, Giáo hội phổ biến sâu rộng những nội dung cao đẹp ấy. Giáo-hội còn cố đi vào tâm hồn con người và cổ súy con người biết tuân giữ và thực thi lời dạy của Chúa. Điểm nầy chủ yếu và quan trọng đặc biệt, vì hầu như nó tóm gọn tất cả nội dung của giải pháp, và công việc ấy hẳn cần đến Giáo-hội. Những dụng cụ Giáo-hội có được để lay chuyển tâm hồn con người, Giáo-hội đã tiếp nhận từ nơi Chúa Giêsu Kitô; và vì thế các dụng cụ đó từ bên trong có các hiệu năng, sức mạnh nơi Chúa. Đấy chính là phương thế duy nhất có thể đi sâu được vào tận đáy lòng người, thúc đẩy con người vâng phục những mệnh lệnh của bổn phận, chế ngự các đam mê, yêu mến Thiên Chúa và người bên cạnh mình với lòng bác ái vô bờ, can đảm bẻ gẫy các xiềng xích đang trói buộc bước chân mình trên con đường đạo hạnh".
Lịch sử đã cho thấy khả năng cải hóa của Sứ-điệp Phúc-âm trên các định chế và các xã hôi. Canh tân xã hội có nghĩa là quay trở lại những nguyên tắc đã tạo cho xã hội có được sức sống và hứng khởi tiến bước.
"Ở đây chỉ cần nhìn qua về các thí dụ của thời thượng cổ. Những sự việc chúng tôi nhắc đến ở đây không ai có thể phủ nhận. Thật thế, xã hội con người đã từng được các định chế Kitô giáo canh tân; cuộc canh tân đó đã nâng cao trình độ nhân loại biết cải tử hoàn sinh, và đưa nó lên một cấp hoàn hảo chưa từng thấy bao giờ; thiện ích tối thượng đó chính là Đức Giêsu Kitô Đấng nguyên lý và là cứu cánh của nhân loại; mọi sự đã phát xuất từ Ngài thế nào thì cũng sẽ phải quay về Ngài như thế. Khi Phúc-âm chiếu rọi trên thế giới, khi các dân tộc biết được mầu nhiệm cao cả của Ngôi Lời nhập thể và cứu độ con người, thì sự sống của Đức Giêsu Kitô, vừa Thiên Chúa và vừa là người, đi vào các xã hội và thấm nhập sinh hoạt các xã hội đó bằng đức tin, giáo huấn và lề luật của Ngài. Vì thế, nếu cần phải chữa lành xã hội loài người, thì hẳn phải quay về nếp sống và các định chế của Kitô giáo. Muốn phục hoạt một xã hội nào bất kỳ đang hồi suy thoái, phương cách hữu lý là đưa xã hội ấy  về lại căn nguồn của mình. Vì sự toàn hảo của mọi xã hội do việc xã hội ấy đeo đuổi và đạt cứu cánh mà nó được lập nên: làm thế nào để mọi tác động và hành vi của cuộc sống xã hội đều phát sinh từ chính nguyên lý khai sinh ra xã hội ấy. Vậy nên, đi lạc xa cứu cánh của mình, đó là đi vào sự tự hủy diệt; trở lại căn nguồn, là tìm lại sự sống. Và điều mà chúng tôi nói đến toàn bộ xã hội, thì cũng áp dụng cho giai cấp công dân sống nhờ vào sức lao động của mình và tạo thành khối đa số lớn lao nhất" .
Giáo-hội ưu lo thăng tiến con người về mặt siêu nhiên thì cũng biết săn sóc cho lợi ích trần thế nữa. Giáo huấn luân lý Kitô giáo dẫn đưa con người đạt được thịnh vượng vật chất.
"Đừng nghĩ rằng Giáo-hội mải lo cho phần hồn, mà bỏ quên cuộc sống vật chất, trần thế. Đặc biệt đối với giới lao động, Giáo hội tận lực đưa họ thoát khỏi tình cảnh cơ cực và tạo cho họ có được số phận tốt đẹp hơn. Việc Giáo hội cố sức dẫn dắt con người sống đạo hạnh, qua lời nói và hành động của mình, không hẳn là đóng góp thứ yếu vào công cuộc nầy . Khi phong hóa Kitô giáo được xã hội tôn vinh, thì tự nhiên tạo ảnh hưởng thuận lợi cho cuộc sống phồn vinh trần thế. Thật vậy, cuộc sống lành mạnh được Thiên Chúa dẫn dắt là cội nguồn mọi phúc lộc; nó tiết chế lòng đam mê vật chất vô độ và nỗi thèm khát dục vọng, là hai tai ương thường hay gieo rắc khổ đau và chán chường ngay trong cảnh phú quí giàu sang 8; cuối cùng nó biết bằng lòng với nếp sống và của ăn thanh đạm, biết tiết kiệm để bù đắp cho lợi tức còn kém cỏi, xa lánh những thói hư tật xấu không những phá tan cảnh gia đình bình thường, mà làm tiêu tan những sản nghiệp khổng lồ cũng như gia tài lớn lao nhất"
Xuyên qua các hội đoàn, bằng việc cứu trợ trực tiếp đến những người nghèo khổ nhất, Giáo-hội phát huy truyền thống bác ái Kitô giáo lâu đời, thực thi một nhân đức cần thiết vào lúc nầy và mãi mãi. Không một hệ thống cứu trợ nào của quốc gia có thể thay thế công việc bác ái.
"Ngoài ra, Giáo-hội còn trực tiếp tạo dựng hạnh phúc cho các từng lớp dân chúng bất hạnh bằng việc sáng lập và trợ giúp các cơ sở mà Giáo-hội thấy cần thiết để xoa dịu nỗi khổ của họ; và trong những công tác từ thiện như thế nầy, Giáo-hội đã tận tâm tận lực đến nỗi chính kẻ thù của Giáo-hội cũng phải thán phục. Chúng ta thấy lòng bác ái tương trợ nơi các Kitô hữu thời nguyên thủy lên đến mức nhiều kẻ giàu có đã bỏ hết gia sản của mình để giúp đỡ người nghèo. "Vì thế không ai trong họ gặp cảnh túng thiếu" 9; các tông đồ đã từng ủy thác cho các trợ tế phân phối mỗi ngày của dâng cúng, nên chức vụ nầy đã được lập ra đặc biệt cho mục tiêu liên hệ; và chính cả thánh Phao-lô, mặc dù gánh vác bao nhiêu công việc bề bộn của các cộng đoàn, cũng đã không ngại đích thân mang của cứu trợ cho những Kitô hữu nghèo túng. Những của trợ giúp tương tự do tín hữu tự động dâng cúng trong mỗi một cộng đồng; Tertulianô gọi của dâng cúng đó là "kho hành thiện" vì của ấy được dùng "để nuôi dưỡng và chôn cất kẻ túng thiếu, các trẻ nam nữ mồ côi nghèo, các người tôi tớ già lão, các nạn nhân chìm tàu" 10Dần hồi kết tạo thành gia sản mà Giáo-hội luôn ân cần gìn giữ như là của cải riêng cho gia đình những người nghèo khổ. Giáo-hội còn tìm cách tránh cho người túng thiếu khỏi phải cảnh nhục nhã khi ngửa tay nhận của cứu trợ. Vì Giáo-hội là Mẹ của người giàu cũng như người nghèo, đã biết thúc giục các nghĩa cử bác ái, để lập ra các nhà dòng và vô số các cơ sở phục vụ khác sẵn sàng đỡ đần dân chúng đang gặp cảnh khốn cùng. Ngày nay hăản có kẻ ở ngoài tôn giáo cũng không ngại tìm cách dùng cả công việc bác ái tốt đẹp nầy để kèn cựa với Giáo-hôi. Các nước đã từng tạo ra một lối trợ giúp từ thiện để thay cho nổ lực bác ái của Kitô giáo; nhưng bác ái Kitô giáo, hoàn toàn tận tâm tận lực và không có hậu ý gì, chỉ nhằm lợi ích cho đồng loại, nên không có một tổ chức nào do con người làm ra thay thế dược. Chỉ có Giáo-hội mới có hạnh đức đó, vì hạnh đức thật sự phát xuất từ trái tim rất thánh của Đức Giêsu Kitô; mà lạc loài xa Đức Kitô thì cũng xa rời Giáo-hội của Ngài"
Điểm đặc sắc nơi giáo huấn của Đức Giáo-hoàng là chủ và thợ có thể dùng các hiệp hội của mình để gây ảnh hưởng quyết định trong việc làm nên một xã hội công bình hơn. Những hiệp hội quan trọng nhất là những hội hoặc nghiệp đoàn. Nhà nước phải bảo đảm quyền hội đoàn và ngăn cản những tổ chức bất hợp pháp. Thời đại chúng ta đòi hỏi có những nghiệp đoàn với một vai trò mới mẻ, mà chính quyền phải bảo vệ.
"Nhưng vị trí hàng đầu phải kể đến các nghiệp đoàn, vì nghiệp đoàn hầu như liên kết tất cả các nỗ lực nầy. Tổ tiên chúng ta từ lâu đã từng biết đến lợi ích của các phường hội như thế; thợ thuyền nhờ đó mà học được những điều hay, những kỹ xảo nghề nghiệp, có được một niềm hãnh diện và một cuộc sống mới. Ngày nay con người được học nhiều hơn, cách sống văn minh hơn, những nhu cầu cho cuộc sống hằng ngày gia tăng, thì các nghiệp đoàn, công đoàn hẳn phải thích ứng với những điều kiện sinh hoạt mới. Vì thế, chúng tôi hân hoan chứng kiến nhiều hội đoàn như thế được thành lập khắp nơi, hội chỉ gồm các công nhân với nhau, hoặc hội qui tụ vừa thợ vừa chủ; mong sao chúng phát triển nhanh chóng về lượng số cũng như về phẩm chất sinh hoạt. Mặc dù nhiều lần Chúng tôi đã bàn đến, nhưng ở đây Chúng tôi  nhấn mạnh tính cách đứng đắn hợp thời và quyền hiện hữu của các tổ chức nầy,  cũng như giúp định hướng phương thức tổ chức và chương trình sinh hoạt của chúng".
Những tổ chức nầy xây dựng trên luật tự nhiên và dựa trên công ích. Nhà nước không có quyền vi phạm các quyền ấy. Giáo hoàng nhắc lại ở đây học thuyết của thánh Tôma Aquinô.
"Giữa các hiệp hội nhỏ nầy và xã hội lớn hơn, có những khác biệt sâu xa phát xuất từ mục đích chúng nhắm đến. Cứu cánh của xã hội dân sự bao trùm tất cả mọi công dân, vì nó là công ích, nghĩa là một lợi ích mà tất cả mọi người và mỗi người có quyền tham gia theo một tỉ lệ cân xứng. Vì vậy người ta gọi là lợi ích công cộng, hay lợi ích chung, nghĩa là "xã hội ấy qui tụ người ta lại để làm nên một nước". Trái lại, các hội đoàn được hình thành trong khuôn khổ của xã hội đều được xem là tư, và thật đúng là riêng tư  vì mục tiêu trước mắt của chúng là lợi ích cá biệt và dành riêng cho các thành viên liên hệ. "Hội đoàn tư là hội được tổ chức để hướng đến một mục đích tư, như khi hai hoặc ba thành viên qui tụ lại để cùng nhau hành nghề thương mãi".
Các hội tư chỉ có thể hiện hữu trong lòng của xã hội dân sự, vì chúng là những bộ phận làm nên của xã hội dân sự ấy, do đó, một cách tổng quát và  dựa vào tự bản chất của chúng, khó lòng chấp nhận việc chính quyền nhà nước từ khước sự có mặt của các hội nầy. Quyền hiện hữu của chúng phát sinh từ luật tự nhiên, và xã hội dân sự được thiết lập nên để bảo vệ luật tự nhiên, chứ không phải để hủy bỏ luật ấy. Vì vậy một xã hội dân sự cấm đoán các hội tư là tự chống lại bản tính mình, bởi lẽ tất cả các hội công hoặc tư, đều phát sinh từ một nguyên lý chung, đó là bản tính tự nhiên kết thành "hội" thành "đoàn" của con người. Hẳn nhiên, có những hoàn cảnh bất thường cho phép luật pháp chống lại việc thành lập một tổ chức tương tự: Nếu một hội đoàn có chủ trương theo đuổi một mục đích thực sự chống lại sự chính đáng, công bằng và an ninh quốc gia, thì chính quyền có quyền ngăn cản tổ chức đó thành lập; và nếu đã thành lập, thì có quyền giải tán. Nhưng cần lưu ý là chính quyền trong mọi trường hợp chỉ có thể hành động một cách hết sức thận trọng, để tránh việc chà đạp các quyền của công dân và lạm dụng lợi ích công cộng mà quyết định một điều gì có thể trái với lẽ thường. Vì một luật lệ chỉ đáng tuân theo khi nó ăn khớp với lẽ thường và luật vĩnh cửu của Thiên Chúa".
Về các nghiệp đoàn, Giáo-hoàng quan niệm rằng đó là những phương tiện tạo tiến bộ xã hội và phồn vinh kinh tế theo tinh thần Kitô giáo với sự hỗ trợ của Giáo-hội.
"Một cách tổng quát, tổ chức và điều hành các nghiệp đoàn lúc nào cũng phải nhằm làm sao giúp cho mỗi một đoàn viên có được những phương tiện thích ứng để đạt được mục tiêu họ mong muốn, bằng con đường thích hợp và ngắn nhất; mục tiêu ấy là gia tăng tối đa những tiện ích cho cuộc sống thể xác, tinh thần và gia đình. Tuy thế, trước tiên phải nhắm mục tiêu chính yếu đó là sự thiện toàn về mặt đạo đức và tôn giáo: Chính mục tiêu đó phải điều hành toàn bộ sinh hoạt kinh tế của xã hội; nếu không, xã hội sẽ sớm băng hoại và đi vào tình trạng chối bỏ tôn giáo. Thợ thuyền có được ích gì khi dùng nghiệp đoàn để có được cuộc sống vật chất sung túc, mà của ăn tinh thần thiếu thốn đến độ tạo nguy cơ cho cuộc sống của hồn mình? Con người có được toàn vũ trụ, mà mất linh hồn, thì ích gì?  11 Đây là nét khác biệt mà Chúa Giêsu Kitô muốn người ta nhận ra nơi Kitô hữu với người ngoại giáo: "Người ngoại giáo tìm kiếm mọi sự...còn các con, trước hết các con hãy tìm Nước Chúa, và mọi sự sẽ ban cho các con dư đầy" 12Vậy, nên, khi đã chọn Thiên Chúa làm điểm khởi phát, thì cần lưu ý đến việc đào tạo tôn giáo, để mọi người biết được bổn phận của mình đối với Ngài: điều gì phải hy vọng, điều gì phải làm để được sống đời đời, cần phải cẩn thận đưa vào chương trình. Nên giúp họ biết cách chống lại các dư luận sai trái và mọi thứ tệ đoan hư đốn. Nên khích lệ họ phụng vụ Thiên Chúa, có lòng đạo đức, nhất là giữ việc tham dự thánh lễ ngày chủ nhật và các ngày lễ trọng. Nên chỉ cho họ biết kính yêu Giáo-hội, là mẹ chung của mọi người Kitô hữu, nghe theo lời dạy bảo , tham dự các phép bí tích, là nguồn suối thần thánh thanh tẩy vết dơ tâm hồn và đổ tràn ơn thánh thiện".
Thông-điệp nhấn mạnh rằng giáo huấn xã hội của Giáo-hội là một lời kêu gọi để hành động trong lãnh vực xã hội, một lời mời tha thiết thúc giục người công giáo dấn thân, cổ võ công lý, để bảo vệ cho thợ thuyền. Vai trò liên kết giữa Giáo-hội, các hội đoàn và nhà nước được Đức Lêô XIII đặt nổi như một trong những điểm then chốt giáo huấn của ngài.
"Hẳn nhiên, cần phải ca ngợi nhiệt tâm của nhiều vị Giáo-hoàng trước chúng tôi; các ngài ý thức được những nhu cầu của thời thế, sâu sát thực tế xã hội để tìm ra được một giải pháp đứng đắn giúp cho giai cấp lao động thăng tiến. Các ngài tự nguyện làm người bênh vực  cho giới lao động, tìm hiểu phúc lợi gia đình và cá nhân giới nầy, thiết định một cách công minh các mối tương quan đôi đường giữa chủ và thợ, gợi lên cho đôi bên nhớ lại bổn phận của họ và biết tuân giữ những lời Chúa dạy; đó là những giáo huấn giúp con người biết tiết độ và lên án mọi điều quá lạm, bảo đảm được mối đồng tâm và cảnh thái hoà trong các nước cũng như giữa những tập thể người và hoàn cảnh hết sức dị biệt. Múc lấy cảm hứng từ những ý tưởng nầy, có những con người đức độ đã thường xuyên tụ họp để trao đổi quan điểm, củng cố sức mạnh và quyết định các chương trình hành động. Một số người khác lại nổ lực thành lập các nghiệp đoàn theo từng ngành nghề và vận động qui tụ thợ thuyền; họ giúp ý kiến và đóng góp tài chánh cho những người chủ xướng để công việc chung được qui củ và mang lại lợi ích. Về phía các giám mục, các ngài khích lệ những nổ lực nầy và đứng ra bảo trợ: do uy tín và sự hỗ trợ của các ngài, rất nhiều linh mục dòng, triều, tận tâm chăm sớc phần thiêng liêng trong các nghiệp đoàn. Cuối cùng không thiếu những người công giáo có tài sản giàu có nhưng tự nguyện làm kẻ đồng hành với thợ thuyền, chẳng ngại chi tiêu của cải để thành lập và phổ biến rộng rãi các hội đoàn; giúp giới nầy có cuộc sống hiện tại thoải mái hơn, cũng như bảo đảm cho họ lúc về hưu có cuộc sống xứng đáng hơn. Có quá nhiều nhiệt tâm, quá nhiều nổ lực thiết thực đã từng được thực hiện tại nhiều nước khác nhau, đem lại lợi ích rất to lớn và mọi người đều biết, chúng tôi không cần phải đi vào chi tiết ở đây. Chúng tôi thấy được đây là một điềm tốt cho tương lai, và tin rằng các nghiệp đoàn nầy sẽ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp, miễn là chúng tiếp tục phát triển và biết thận trọng trong vấn đề tổ chức điều hành. Ước gì nhà nước biết bảo vệ các hội đoàn đã được xây dựng hợp pháp như thế; và đừng xen vào nội bộ tổ chức của các hội đoàn nầy; đừng đụng đến những sáng kiến và năng động riêng từng mang lại sức sống cho chúng; vì các phong trào vươn lên được, thiết yếu là nhờ một nguyên lý bên trong, và rất dễ rã rời do tác động của một thành tố bên ngoài".

5- Piô XI, Ubi Arcano  (1922) 13
Nước Chúa Kitô trong lãnh vực xã hội

Khi cố gắng xây dựng Nước Chúa Kitô, Giáo-hội mang hòa bình đích thực và công lý cho các quốc gia
Vừa lên ngôi Giáo-hoàng ngày 16.2.1922, Đức Piô XI viết ngay  Thông-điệp Ubi Arcano ngày 23.12.1922, cắt nghĩa vai trò Giáo-hội trong hoàn cảnh khó khăn của thế giới sau trận Đại Chiến 1914-1918. Giáo-hội phải đương đầu với cảnh hỗn loạn đạo đức nẩy sinh từ các thuyết  quốc gia, các mối chia rẽ, tình trạng bất an ninh, bạo lực, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa khoái lạc, khủng hoảng gia đình cùng với một thứ chủ nghĩa "tân thời về mặt xã hội". Nguồn gốc chính của căn bệnh xã hội là việc chối bỏ quyền năng Thiên Chúa. Vai trò Giáo-hội là soi sáng lương tâm và tái xác nhận  rằng trật tự xã hội ngày nay cần đến giáo huấn của Chúa Kitô. Theo Đức Piô, học thuyết xã hội của Giáo-hội cổ võ "Nước Chúa" nếu không thì sẽ không có hòa bình thật sự.
Hỗn loạn căn cơ của các xã hội ngày nay là do việc thế quyền không đặt nền tảng trên quyền năng Thiên Chúa, là nguyên lý duy nhất chắc chắn đảm bảo phẩm giá con người, gia đình và một trật tự nhân thế đích thực.
"Chúng Tôi đã trình bày bên trên rằng một trong những nguyên cớ chính yếu của tình trạng hỗn loạn hôm nay là việc luật pháp không được tôn trọng và quyền năng cũng  không ai kính nể - chuyện đã xảy ra từ khi  người ta không xem Thiên Chúa là Người Dựng Nên và Chủ trời đất, là nguồn luật pháp và của quyền năng. Căn bệnh ấy sẽ được chữa lành với nền hòa bình Kitô giáo, là một với nền hòa bình đến từ Thiên Chúa. Nền hòa bình ấy cổ súy tinh thần tôn trọng trật tự, luật pháp và quyền uy; Chúng ta đọc trong Kinh Thánh: "Hãy giữ kỷ luật trong hòa bình"  14; "Hòa bình xuống cho người biết yêu mến luật của Chúa"; "Người nào kính sợ lề luật sẽ được sống trong yên bình" 15. Và Chúa Giêsu không những đã nói:  "Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê" 16, mà còn quả quyết rằng Ngài tôn trọng quyền năng mà Trời-cao đã ủy thác cho chính Philatô 17; trước đó Ngài chẳng đã ra lệnh cho các Tông-đồ của Ngài phải tôn trọng các người "thông luật và Pharisêu đang giữ cái ghế Môisen" đó sao ? 18 Còn trong gia đình, Chúa vẫn  một mực trọng kính quyền năng của cha mẹ, noi gương thánh Giuse và Đức Mẹ. Sau cùng, nhân danh Ngài, các Tông-đồ giảng dạy luật này: "Mỗi người phải biết vâng phục quyền năng của bề trên mình vì không quyền nào mà không phát sinh từ Thiên Chúa". 19
Ta cần để ý điều  này: giáo thuyết của Ngài và  những lời Ngài dạy về phẩm giá con người, về thuần phong mỹ tục, về bổn phận vâng phục, về tổ chức xã hội theo luật Chúa, về bí tích hôn phối và sự thánh hóa gia đình công giáo, và các giáo huấn khác mà Người đem từ trời xuống, Chúa Kitô chỉ phó thác kho tàng ấy cho Giáo-hội Ngài, với lời hứa rõ ràng là luôn trợ giúp và nâng đỡ; đồng thời Ngài cũng trao trách nhiệm rao truyền chân lý cho muôn dân mãi đến tận thế với năng quyền giáo huấn bất khả ngộ. Nay người ta hiểu do đâu Giáo-hội Công-giáo có thể và có bổn phận cống hiến những phương thuốc có khả năng làm cho thế giới được an bình".
Cách duy nhất để chống vết thương từ thuyết duy vật, là đón nhận các giá trị tinh thần của Phúc-âm; Phúc-âm đã truyền dạy tình huynh đệ, giáo dục lương tri, và tạo nên điều kiện tin yêu hỗ tương. Hòa bình sẽ phát sinh từ lời dạy của Chúa Giêsu Kitô.
Giáo-hội đã được Thiên Chúa thành lập để trở thành tác nhân giải thích duy nhất và bảo tồn các  chân lý cùng lời giảng dạy nầy; chỉ  có Giáo-hội mới có khả năng hữu hiệu tẩy trừ nổi căn bệnh duy vật chủ nghĩa đang hoành hành nơi đời sống cộng đồng, gia đình và xã hội; Giáo-hội đưa vào đó những nguyên lý Kitô giáo về bản tính siêu nhiên hoặc về linh hồn bất tử, vượt lên trên những nội dung tìm thấy  trong các hệ thống của các triết gia; Giáo-hội thúc đẩy tất cả các giai cấp xã hội xích gần lại với nhau và nối kết toàn dân bằng những tình cảm yêu thương sâu xa, trong một "mối tình huynh đệ" 20; Giáo-hội bảo vệ nhân phẩm và nâng phẩm giá con người đến tận Thiên Chúa; cuối cùng Giáo-hội cải sửa và thăng hoa các tập tục xã hội và nếp sống cá nhân để mọi sự đều qui phục Chúa là Đấng "thông suốt các tâm hồn" 21 và đi đúng với giáo huấn và nguyên tắc của Ngài; để mọi người, người dân cũng như kẻ cai trị, và các cơ chế công cộng biết thực thi bổn phận mình; nhờ thế mà "Đức Kitô trở nên tất cả và ở trong mọi sự" 22.
Giáo-hội nắm giữ chân lý và quyền uy của Chúa Kitô, có sứ mạng duy nhất là đào tạo tinh thần con người; Giáo-hội ấy duy nhất không những trong khả năng thiết lập lại hòa bình của Đức Kitô cho thế giới ngày nay, mà còn củng cố được hòa bình ấy cho tương lai và đẩy lui những đe dọa ngấm ngầm về các cuộc chiến mới mà Chúng tôi đã từng báo động. Do bởi việc Chúa phó thác  và do bản tính tôn giáo của mình, Giáo-hội là thực thể duy nhất dạy con người ý thức nghĩa vụ phải tuân phục luật vĩnh cửu của Thiên Chúa trong mọi sinh hoạt của mình, công cũng như tư, với tư cách cá nhân hay thành viên của một tập thể; và cần lưu ý thêm là điều gì liên quan đến số phận của số đông thì hiển nhiên có một tầm mức quan trọng và khẩn thiết hơn".
Các lời dạy của Chúa Giêsu cần thiết để tạo niềm tin cậy giữa con người với nhau, và để xây dựng một xã hội của nhiều nước, như trường hợp trước đây trong thời Trung-cổ.
"Một khi các nước và các chính phủ ý thức được bổn phận khẩn thiết phải thực thi đường lối chính trị, điều hành công việc nước hoặc quốc tế, dựa trên giáo huấn và lề luật của Chúa Giêsu Kitô, thì bấy giờ họ mới có thể hưởng được một nền hoà bình tốt đẹp, tạo được các mối tương quan tin cậy, và giải quyết được êm thắm các tranh chấp có thể xảy ra.
Thời gian qua, người ta cũng đã nỗ lực thực hiện một số sáng kiến trong mục tiêu tương tự; nhưng, như mọi người đã từng biết, họ không đạt được thành quả nào, hoặc hầu như không đạt được điều gì đáng kể, đặc biệt về các  điểm mà các nước không đồng ý với nhau.
Đó chẳng qua là vì không có được định chế nào của con người ngày nay đủ sức buộc tất cả các nước chấp nhận một loại qui luật quốc tế thích ứng cho thời đại chúng ta, tương tự như qui luật đã điều hành cộng đồng các nước gọi là Cộng đồng Kitô giáo trong thời Trung cổ. Cộng đồng ấy thực ra cũng đã từng vi phạm quá nhiều bất công; nhưng ít nhất giá trị thiêng liêng của luật pháp vẫn là một cái gì không thể chối cãi; và chính giá trị thiêng liêng ấy là chuẩn mực  chắc chắn để phê phán, xét xử các nước".
Giáo-hội là định chế duy nhất có khả năng bảo tồn đặc tính thiêng liêng nơi luật pháp của các nước, và có thể đem hòa bình cũng như tinh thần Chúa Kitô vào trong đời sống cộng đồng và riêng tư. Đức Giáo-hoàng giải thích những phương cách mà Nước Chúa Kitô có thể thấm nhập vào tất cả các khía cạnh cuộc sống xã hội như thế nào.
"Nhưng có một định chế thần quyền có khả năng bảo đảm cho luật pháp các nước khỏi bị vi phạm; một định chế kết hợp được các nước và vượt lên các nước, hưởng được quyền uy tối thượng và đặc ân cao cả để hướng dẫn mọi người, đó là Giáo-hội Chúa Kitô: Chỉ có giáo hội ấy mới đủ sức cáng đáng phận vụ to lớn nầy, nhờ vào sứ mệnh thần thánh được giao phó, nhờ vào chính tổ chức, và uy thế được nhìn nhận qua nhiều thế kỷ; và ngay cả trong chiến tranh loạn lạc Giáo-hội vẫn không suy yếu, nhưng vẫn phát triển không ngừng.
Không thể có loại hoà bình đúng theo nghĩa nầy - là hoà bình của Chúa Kitô - khi mọi người không tuân phục lời giáo huấn, lề luật và gương lành của Chúa trong trật tự sinh hoạt xã hội cũng như trong khuôn khổ đời sống cá nhân. Gia đình nhân loại cần được tổ chức qui củ theo tinh thần nầy để Giáo-hội có thể chu toàn sứ mệnh thiêng liêng của mình là bảo đảm quyền của Thiên Chúa đối với cá nhân cũng như với xã hội.
Đó là điều mà Chúng tôi gọi tắt là: Nước Chúa Kitô. Thật thế, Chúa Kitô trước hết hiển trị trong đời sống cá nhân của mọi người: Ngài ở trong trí khôn con người qua lời giáo huấn của Ngài, trong tấm lòng con người bởi lòng yêu thương, trong toàn cuộc sống khi con người tuân giữ lề luật và bắt chước gương lành của Ngài. Sau đó Chúa Giêsu Kitô hiển trị trong gia đình, khi gia đình được nối kết bởi bí tích hôn nhân Kitô giáo, nhất mực tuân giữ định chế thần thánh của mình: nơi ấy uy quyền người cha phản ảnh cha chung là Thiên Chúa, nguồn căn của tình phụ tử; nơi ấy con cái noi gương vâng phục của trẻ Giêsu, và nơi ấy mọi sinh hoạt thấm nhuần sự thánh thiện của Gia đình Nazareth. Đức Kitô hiển trị trong xã hội, khi xã hội tôn vinh Thiên Chúa, nhìn nhận nguồn gốc và sự chính đáng của quyền uy nơi Ngài, để  từ đấy chính quyền có thể ban hành luật pháp một cách hợp lý, dân chúng tuân phục trong tinh thần tự trọng và xác tín; khi xã hội ấy nhìn nhận đặc quyền của Giáo-hội như là một hội toàn hảo, làm thầy và làm hướng đạo cho mọi xã hội khác; một đặc quyền do Đấng sáng lập ra Giáo-hội ban cho; không phải Giáo-hội làm suy yếu quyền uy của các xã hội - vì mỗi xã hội chính đáng có quyền uy riêng trong lãnh vực của mình - nhưng Giáo-hội bổ sung cho các xã hội, như ân sủng hoàn thành bản tính tự nhiên; hơn nữa việc hỗ trợ của Giáo-hội cho phép các xã hội mang lại cho mỗi người phương thế hữu hiệu để đạt được cứu cánh tối hậu là hạnh phúc đời đời, và bảo đảm cho người dân phúc lợi trong cõi đời tạm bợ nầy.
Như vậy, khó lòng có một hòa bình của Chúa Kitô bên ngoài nước Chúa Kitô, và phương thức hữu hiệu nhất để phục hoạt hòa bình chính là chỉnh đốn Nước Chúa Kitô".

6- Piô XI, Quadragesimo Anno    (1931) 23

Giải thích Học-thuyết Xã-hội Công-giáo


Giải thích phương pháp, ý hướng
và thẩm quyền giáo huấn xã hội của Giáo-hội
Như tựa đề nêu rõ, Thông điệp Quadragesimo Anno (1931) đã được Đức Piô XI công bố nhân dịp kỷ niệm 40 năm Thông điệp Rerum Norum (1891) của vị tiền nhiệm của ngài là Đức Lêô XIII.
Thông điệp nầy có tầm quan trọng riêng liên quan đến chủ đề chúng tôi bàn đến, vì đây là một trong những tài liệu đầu tiên công khai nói đến phương pháp và ý hướng giáo huấn xã hội của Giáo-hội.
Thông điệp nầy gồm ba phần chính:
I- Các kết quả của Rerum Norum: hoạt động của Giáo-hội, quốc gia, chủ và thợ.
II- Thẩm quyền của Giáo-hội trong lãnh vực kinh tế và xã hội, đặc biệt liên quan đến quyền tư hữu, các mối tương quan giữa tư bản và lao động, tiền lương xứng đáng, phục hưng trật tự xã hội.
III- Những thay đổi sâu rộng xảy ra từ thời Đức Lêô XIII, tình trạng tập trung và các lạm dụng của hệ thống tư bản, xã hội chủ nghĩa bành trướng, một hệ thống mà người công giáo không chấp nhận được.
Thông điệp chấm dứt với lời kêu gọi người công giáo dấn thân cải biến xã hội, kiến tạo công bình và bác ái.
Phần liên quan đến phương pháp và bản chất riêng của giáo huấn xã hội của Giáo-hội sẽ được chúng tôi lưu ý trích dẫn.
Khi bàn đến các thành quả của Quadragesimo Anno, Đức Pio XI nêu lên cho thấy  Giáo-hội trình bày "Vấn đề kinh tế và xã hội" theo quan điểm của Phúc-âm, luôn cố sức bênh vực người nghèo và thích ứng giáo huấn của mình với nhu cầu của thời đại; công việc làm nầy có sự hợp tác của các giám mục.
"Trước hết, Đức Lêô XIII đã đích thân trình bày nhiệm vụ của Giáo-hội; Ngài nói: "Giáo-hội đã rút ra từ Phúc-âm những chỉ dẫn để chấm dứt, hoặc làm dịu mối tranh chấp, bằng cách gạt ra bên ngoài những gì quá chua chát; Giáo-hội không những soi sáng trí khôn bằng lời giảng dạy, mà còn tìm cách giúp mỗi người ứng dụng giáo huấn đó vào nếp sống của mình; Giáo-hội thực hiện vô số cơ sở từ thiện để đỡ đần số phận của những người nghèo túng" 24.
Giáo-hội biết tận dụng và khai thác những kho tàng quí báu đó để tạo dựng hòa bình xã hội. Đức Lêô XIII và các giáo hoàng kế vị đã tiếp tục lên tiếng và viết các tài liệu để quảng bá học thuyết xã hội và kinh tế của Thông điệp Rerum Novarum; các ngài không ngừng thúc đẩy phải áp dụng và thích ứng học thuyết ấy vào  thời thế và hoàn cảnh liên hệ cũng như luôn luôn bày tỏ mối lo lắng đặc biệt và từ ái đối với những người nghèo và yếu thế; các ngài cho thấy với tư cách là mục tử, hẳn nhiên các ngài phải là những thành trì bảo vệ cho giới bất hạnh nầy 25.
Nhiều giám mục đầy khôn ngoan và nhiệt tình đã giải thích giáo huấn, chú giải tỉ mỉ và áp dụng vào những hoàn cảnh của nhiều nước khác nhau, tiếp theo những quyết định và tư tưởng chỉ đạo của Tòa-thánh" 26.
Với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu và chuyên gia các ngành khoa học kinh tế xã hội, Giáo-hội đã khai triển một "bộ môn khoa học xã hội công giáo" thật sự, và nay được giảng dạy trong nhiều học viện. Giáo huấn xã hội của Giáo-hội trở thành một phần gia sản của xã hội loài người.
"Nhờ uy thế và sự soi sáng bởi Thông điệp của Đức Lêô XIII, một ngành khoa học xã hội công giáo thành hình, tăng triển và mỗi ngày phong phú thêm; và đó cũng là sự góp sức của những chuyên gia ưu tú mà Chúng tôi gọi là những trợ sĩ của Giáo-hội. Ngành học đó không đóng kín trong các nghiên cứu hàn lâm, nhưng cập nhật cuộc sống dân chúng, chấp nhận dấn thân đi vào đấu trường xã hội, như đã từng được áp dụng trong giáo trình tại các Đại học Công giáo, các viện hàn lâm và các chủng viện, các hội nghị hoặc "tuần lễ xã hội" nhiều lần được tổ chức với kết quả tốt đẹp, các trung tâm nghiên cứu, các tài liệu đủ loại được phát hành hết sức rộng rãi.
Và lợi ích của Thông điệp Rerum Novarum không dừng lại đó, vì các bài học trong ấy đã dần hồi thấm nhập ngay những người ở ngoài Giáo-hội Công giáo và không nhìn nhận thẩm quyền của Giáo hội. Những nguyên tắc của đạo công giáo trong lãnh vực xã hội đã trở thành gia sản chung của nhân loại. Và Chúng tôi hãnh diện chứng kiến sự kiện các chân lý vĩnh cửu, mà vị giáo hoàng tiền nhiệm của Chúng tôi tuyên dương, không những được trích dẫn và bênh vực trong báo chí và các tác phẩm không công giáo, mà ngay tại các quốc hội và trước các tòa án nữa".
Thông điệp Rerum Novarum có thể được xem là một biến cố lịch sử; sứ điệp của bản văn đã đi vào thực tế xã hội nhờ các công trình nghiên cứu và nỗ lực dấn thân của giới giáo sĩ và ngay cả chính thợ thuyền. Đức Piô XI nêu lên vai trò quan trọng giáo huấn xã hội của Giáo hội nhằm huy động lương tri con người.
" Hơn nữa, sau cuộc chiến kinh hoàng vừa qua , các vị lãnh đạo các cường quốc đã tìm cách củng cố hòa bình bằng việc cải cách sâu rộng các điều kiện sinh hoạt xã hội; trong các biện pháp đưa ra nhằm giải quyết lao động thợ thuyền một cách công bằng và hợp lý, các vị ấy đã có nhiều quyết định ăn khớp với những nguyên tắc và chỉ dẫn của Đức Lêô XIII, đến độ ta có cảm tưởng dường như đã rút ra từ đó. Thông điệp Rerum Novarum hẳn nhiên đã là một tài liệu muôn đời đáng nhớ, và ta có thể nêu lên lời của Isaia để áp dụng ở đây: "Đây là dấu chỉ tỏ bày giữa các nước" 27.
Chúng ta đã thấy là nhờ các công trình về mặt lý thuyết, các nguyên lý của Đức Lêô XIII được phổ biến cho mọi người. Nay chúng ta nhìn vào công việc thực tiễn. Trước hết, phải kể đến nỗ lực vận động dư luận biết trách nhiệm phải thăng tiến lớp người ngày càng gia tăng tiếp sau những tiến trình tiến bộ của kỹ nghệ, nhưng chưa có một chỗ đứng công bằng trong tổ chức xã hội, do đó mà còn bị bỏ rơi và hầu như bị khinh khi. Chúng tôi muốn nói đến giới thợ thuyền. Các linh mục dòng, triều dưới quyền các giám mục bất kể những trách vụ nặng nề khác  trong phận vụ của mình đã lo lắng đến cuộc sống tinh thần của họ. Nỗ lực kiên trì đó nhằm giúp thợ thuyền thấm nhập tinh thần Kitô giáo, đồng thời thúc đẩy họ ý thức về phẩm giá đích thực của mình, chỉ dẫn cho họ biết quyền lợi và bổn phận giai cấp của họ, dẫn lối cho họ tiến bước trên con đường tiến bộ, và còn đào tạo cho họ trở thành lãnh đạo giữa các bạn đồng nghiệp với họ".
Đức Piô XI đánh giá Rerum Novarum là Đại Hiến-chương (Magna Charta) của giáo huấn xã hội công giáo, đồng thời nêu lên rằng giá trị bản văn nầy vừa dựa trên Phúc-âm vừa là kết quả suy tư của Kitô giáo, bởi kinh nghiệm lâu dài, do việc thích ứng với những thay đổi của các thời đại cũng như của nỗ lực trường kỳ nhằm giải quyết các vấn đề mới mể.
"Tất cả những lợi ích do Thông điệp của Đức Lêô XIII đem lại, Chúng tôi chỉ lược qua chứ không đi vào chi tiết; nhưng chừng ấy cũng chứng thực được  rằng bản tài liệu bất hủ đó không những là lối biểu hiện của một lý tưởng xã hội tuyệt vời, mà còn là phản ảnh của thực tế. Đúng vậy, vị tiền nhiệm của Chúng tôi đã múc lấy nơi Phúc-âm, là nguồn ban sự sống, một nền đạo lý nếu không dập tắt ngay tức khắc, thì ít nhất cũng làm giảm đi cường độ ác liệt của cuộc chiến tàn khốc xâu xé nhân loại. Hạt giống tốt đã gieo vãi  cách đây bốn mươi năm, hẳn có phần nào đó đã rơi xuống đất tốt; Chúng tôi thấy được những kết quả đáng khích lệ để làm chứng cho nhận định đó, những thành quả mà Thiên Chúa đã giúp cho Giáo-hội Chúa Kitô và toàn thể nhân loại gặt hái trong thời gian qua. Do đó, ta có thể nói rằng, qua thời gian, Thông điệp của Đức Lêô XIII đúng là một Đại Hiến-chương, làm nền tảng cho mọi sinh hoạt Kitô giáo về mặt xã hội. Ai coi thường thông điệp nầy và không long trọng tưởng nhớ phải chăng muốn lờ đi điều mình không biết, hoặc không hiểu điều mà họ chỉ biết nửa vời, hoặc hiểu mà vẫn có thái độ ấy, thì  thật đáng gọi là bất công và vô ơn.
Nhưng cũng với thời gian, có người nghi nghờ về việc giải thích nhiều đoạn trong thông điệp hoặc về việc áp dụng thiết thực; sự kiện đó tạo nhiều tranh luận đôi lúc sôi nổi ngay trong giới công giáo; vì nhu cầu thời đại chúng ta và những thay đổi xảy đến trong tình hình chung lúc nầy cần đến một lối ứng dụng đứng đắn các giáo huấn của Đức Lêô XIII, hoặc còn cần đến những bổ túc nữa, nên Chúng tôi hân hạnh được dùng dịp nầy  chu toàn phận vụ Giáo-hoàng của mình, cố gắng giải đáp những nghi ngờ và những vấn nạn được nêu lên trong thời buổi hiện nay".
Thông điệp cũng đề cập một cách rõ rệt về thẩm quyền của Giáo hội trong lãnh vực kinh tế và xã hội. Giáo hội không có thẩm quyền trong các lãnh vực kỹ thuật của trật tự trần thế, nhưng sứ mệnh thiêng liêng biện minh cho việc Giáo-hội can thiệp, khi Giáo-hội giải thích luật đạo đức cần được áp dụng trong trật tự kinh tế. Các mối liên hệ giữa luật đạo đức và khoa học kinh tế được thiết định rõ ràng.
"Nhưng, trước khi đi vào việc giải thích, trước hết chúng tôi muốn nhắc lại nguyên tắc  mà Đức Lêô XIII đã nêu rõ, đó là việc chúng tôi có quyền và có bổn phận lên tiếng với một thẩm quyền tối thượng về các vấn đề xã hội và kinh tế nầy 28. Hẳn nhiên, Giáo-hội đã tiếp nhận sứ mệnh hướng dẫn nhân loại đến hạnh phúc đời đời chứ không phải chỉ đạt đến một thời phồn vinh chóng qua; và Giáo-hội ấy cũng nhận biết rằng mình không có quyền vô cớ dính líu vào việc điều hành thế sự" 29. Tuy nhiên, Giáo-hội không thể nào khước từ phận vụ Thiên Chúa trao phó, đó là luật Chúa buộc Giáo-hội phải can thiệp, không phải vào lãnh vực kỹ thuật, một lãnh vực mà Giáo-hội không có phương thế cũng như khả năng thích hợp, nhưng vào bất cứ những  gì liên quan đến đạo đức. Thật vậy, trong lãnh vực sau nầy, kho tàng chân lý mà trời cao trao phó cho Chúng tôi, và bổn phận rất khẩn thiết phải công bố, giải thích và rao giảng luật đạo đức bất chấp mọi trở ngại: hai sự kiện đó đưa cuộc sống xã hội và sinh hoạt kinh tế vào khuôn khổ thẩm quyền tối thượng của chúng tôi. Vì, nếu khoa học kinh tế và đạo đức  phong hóa đúng là phát xuất từ những nguyên tắc riêng, mỗi lãnh vực có phần đất của mình, thì việc xác quyết rằng kinh tế và đạo đức xa lạ hẳn với nhau, không lệ thuộc vào nhau cũng là một điều lầm lẫn. Hẳn nhiên, các luật kinh tế, dựa trên bản tính sự vật và khả năng  tinh thần và thể xác, cho chúng ta biết mục tiêu nào trong trật tự đó còn nằm ngoài tầm sinh hoạt con người, mục tiêu nào cuộc sống con người cần đến, cũng như các phương thế để thực hiện các mục tiêu ấy ; còn lý trí về phía mình rút ra từ bản tính sự vật, bản tính con người trong cuộc sống cá nhân và xã hội để suy biết về mục đích tối hậu mà Đấng Tạo-hóa đã an bài cho toàn bộ sinh hoạt kinh tế.
Nhưng chỉ có luật đạo đức mới đòi hỏi chúng ta phân định các lãnh vực sinh hoạt khác nhau của cuộc sống chúng ta, để theo đuổi những mục đích riêng biệt mà bản tính tự nhiên (hay đúng hơn đó là Thiên Chúa) đòi buộc; Thiên Chúa chính là Đấng Hóa-công, sắp xếp tất cả các mục đích ấy một cách nhịp nhàng hướng đến cứu cánh tối hậu dành cho mọi nỗ lực của chúng ta. Khi chu toàn luật nầy ta sẽ thấy tất cả mọi mục đích cá biệt mà con người và xã hội theo đuổi trong lãnh vực kinh tế, sẽ hoàn toàn hoà hợp vào trong trật tự chung của các cùng đích và từng bước dẫn chúng ta đến cứu cánh của muôn loài, là chính Thiên Chúa, Thiện-hảo Tói-thượng và Vô-cùng Vô-tận".

7- Piô XI- Divini Redemptoris (1937) 30

Bác bỏ thuyết Cộng sản

Tất cả những ai tin Thiên Chúa
và mọi người thiện tâm thiện chí
đều có thể chấp nhận học thuyết của Giáo Hội
Qua Thông điệp Divini Redemptoris (1937), Đức Piô  XI phân tích và bác bỏ thuyết cộng sản vô thần. Văn minh Kitô giáo do Chúa Kitô, Đấng Cứu-độ, khởi xướng nay bị thuyết cộng sản bôn-sê-vít với những lập luận duy vật biện chứng và lịch sử đe dọa.
Tài liệu này chia làm năm đoạn chính:
I- Thái độ của Giáo-hội đối với thuyết cộng sản.
II- Thuyết cộng sản và những hậu quả.
III. Những nét nổi bật của học thuyết xã hội của Giáo-hội
IV- Những liều thuốc chữa bệnh cộng sản
V- Mọi người công giáo phải hợp tác bảo vệ và cổ súy các nguyên lý xã hội Kitô giáo.
Đặc điểm giáo huấn xã hội của Giáo-hội là việc nhìn nhận tự căn về thực thể tối thượng của Thiên Chúa và là một quan niệm về con người dựa trên lý trí và đức tin.
"Bên trên mọi loài, mọi vật, có Đấng Hằng-hữu Duy-nhất, tuyệt đối cao trọng, đó là Thiên Chúa, Đấng Hóa-công toàn năng, Đấng Phán-xét tất cả mọi người một cách tốt lành và chí công. Chính thực thể tối cao của Chúa lên án triệt để những lời dối trá trân tráo của thuyết cộng sản. Thật thế, không phải vì con người tin mà Thiên Chúa hiện hữu; nhưng vì Chúa hiện hữu nên mọi người không cố nhắm mắt trước chân lý tin vào Ngài và cầu nguyện với Ngài.
Về việc lý trí và đức tin cho biết về con người, Chúng tôi đã có dịp tóm lược những điểm chính yếu trong thông điệp về Giáo dục Kitô giáo 31Con người có một linh hồn thiêng liêng và bất tử; con người là một ngôi vị, Chúa ban cho có xác và hồn; các bậc tiền bối gọi con người là một "tiểu vũ trụ" nghĩa là một thế giới nhỏ, tự nó có giá trị hơn cả vũ trụ bao la vô hồn. Trong cõi đời nầy và trong cõi đời sau, con người chỉ có Thiên Chúa là cứu cánh tối hậu cho mình; nhờ ơn thánh hóa, con người được nâng lên phẩm giá làm con Thiên Chúa và sát nhập vào Nước Chúa trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô. Vì vậy Chúa ban cho con người những đặc ân đa biệt và phong phú: quyền được sống, quyền bảo toàn thân thể, quyền có những phương tiện cần thiết để sống; quyền hướng về cứu cánh tối hậu của mình theo đường lối Chúa vạch ra; quyền hiệp hội, tư hữu và quyền hưởng dụng các của cải riêng tư của mình".
Quan điểm Kitô giáo về trật tự xã hội đã được trình bày trong các Thông điệp của Đức Lêô XIII và trong Thông điệp Quadragesimo Anno, là những tài liệu dựa trên truyền thống công giáo áp dụng cho các thực tại mới.
"Về trật tự kinh tế và xã hội, Đức Lêô XIII đã đề ra những nguyên tắc hướng dẫn trong thông điệp liên quan đến vấn đề lao động 32. Chúng tôi nêu lại những nguyên tắc nầy để tái lập trật tự xã hội  33 trong thông điệp của Chúng tôi, và áp dụng vào những nhu cầu mới của thời đại ngày nay. Ngoài ra, chúng tôi còn nhấn mạnh đến học thuyết ngàn đời của Giáo-hội về đặc tính cá nhân và xã hội của quyền tư hữu để minh định quyền lợi và phẩm giá của lao động, các mối liên hệ hợp tác cần phải có giữa giới tư bản và giới lao động, cũng như đồng lương phải trả một cách thật công bằng cho người thợ để bảo đảm cuộc sống của họ và gia đình họ"
Giáo huấn ấy cũng giá trị cho mọi người thiện chí; nhiều chính khách và các giới hữu trách không phải là Kitô hữu chân nhận giá trị vững chãi của nó.
"Bất cứ ai thật sự thấu suốt học thuyết nầy đều chân nhận sự khôn ngoan và giá trị của nó. Các chính khách uy tín đã có lý khi xác quyết rằng, sau khi đã từng nghiên cứu nhiều hệ thống xã hội khác nhau, họ không tìm ra cái gì hay hơn những nguyên tắc đã dược trình bày trong các thông điệp Rerum Novarunm và Quadragesimo. Cho đến những xứ không phải là công giáo, kể cả những xứ không phải là Kitô giáo nữa, người ta cũng nhìn nhận giá trị lớn lao về mặt xã hội nơi các học thuyết của Giáo-hội. Cách đây gần một tháng, một nhà chính trị uy tín, không phải là Kitô hữu, ở Đông-dương cũng không nại lên tiếng rằng, với học thuyết hòa bình và huynh đệ Kitô giáo, Giáo hội mang lại một đóng góp rất quí báu cho việc xây dựng và củng cố hòa bình giữa các nước. Cuối cùng, nhiều bản phúc trình đứng đắn gửi về Trung-tâm của Thế giới Kitô giáo cho biết, chính người cộng sản, nếu không phải là quá mù quáng, khi được biết về học thuyết xã hội của Giáo-hội cũng nhìn nhận nó có giá trị trội hơn những lý thuyết của các bậc lãnh đạo và các bậc thầy của họ. Chỉ có những người quá mê muội và lòng đầy hận thù, nhắm mắt không muốn nhìn chân lý, thì mới chống báng một cách ngoan cố".
Những kẻ thù Giáo-hội nhìn nhận sự khôn ngoan nơi học thuyết của Giáo-hội, nhưng họ lên án Kitô hữu đã phản bội lại lý tưởng ấy. Nói cách khác, giáo huấn của Giáo-hội đòi hỏi Kitô hữu phải thực sự làm chứng qua hành động của mình. Chính lịch sử làm chứng về những đổi thay xã hội nhờ vào việc thực thi giáo huấn nầy.
"Những kẻ thù Giáo-hội buộc phải nhìn nhận sư khôn ngoan của giáo thuyết công giáo, lại lên án Giáo-hội nói một đường làm một nẻo, nên cho rằng cần thiết phải tìm những lối khác. Lời tố cáo đó sai lạc và bất công, toàn bộ lịch sử Kitô giáo chứng tỏ điều đó. Ở đây cần nhắc lại một vài sự việc tiêu biểu; với nhiệt tâm và đầy xác tín như chưa từng thấy  trong các thế kỷ trước đây, Kitô giáo đi tiền phong trong việc tuyên dương tình huynh đệ chân thật và phổ quát giữa mọi người , vượt lên trên màu da hoặc hoàn cảnh sống; nó đã đóng góp hữu hiệu vào việc hủy bỏ tình trạng nô lệ, không phải bằng những cuộc phản loạn đầy xương máu, nhưng bằng sức mạnh bên trong giáo thuyết của mình; đó là trường hợp người nữ quí tộc kiêu căng của Rô-ma nhờ đức tin Kitô giáo mà thấy được người nữ nô lệ của bà ta đúng là một người chị em trong Đức Kitô.
Chính Kitô giáo tôn thờ Con Thiên Chúa đã làm người vì yêu thương con người và đã trở thành con của người thợ mộc, và tự mình đã làm thợ mộc 34chính Kitô giáo đã tôn vinh phẩm giá chân thật của lao động tay chân, một sinh hoạt mà ngày xưa người ta khinh rẻ, đến nỗi nhà quí phái Marcus Tullius Cicéron, khi tóm lược dư luận chung của thời ông, đã không ngần ngại viết lên những lời nầy, những lời mà ngày nay hẳn sẽ làm cho bất cứ nhà xã hội học nào cũng phải hổ thẹn: "Tất cả các người thợ thủ công làm những nghề hèn hạ đáng khinh, vì xưởng thợ chả có gì cao đẹp cả" 35.
Học thuyết xã hội của Giáo-hội  Phục vụ và bảo vệ xã hội. Nếu người ta đã tuân giữ giáo huấn của Giáo-hội, thì xã hội chủ nghĩa và cộng sản đã không đủ sức chống phá trật tự xã hội được xây dựng trên nền tảng vững chãi là Chúa Giêsu Kitô.
"Người ta có thể nói một cách chân thật rằng Giáo-hội noi theo gương Chúa đã "mang lại ơn ích" cho mọi người xuyên qua các thế kỷ. Nếu những vị lãnh đạo các nước đã không từng coi rẻ những lời dạy và cảnh giác đầy tình mẫu tử của Giáo-hội, thì làm gì có xã hội chủ nghĩa và cộng sản. Nhưng họ lại muốn dựa trên các nền móng của chủ nghĩa tự do và tục hóa để xây dựng những cơ cấu xã hội khác, xem ra tưởng chừng như hùng dũng và vững mạnh lắm, nhưng chẳng bao lâu mới thấy các cơ cấu đó không có nền móng vững chãi; chúng sụp đổ liên tục một cách thảm hại, như số phận của bất cứ cơ cấu nào không dựa vào hòn đá góc tường duy nhất là chính Chúa Giêsu Kitô"
Cần phải tích cực huy động việc học hỏi nghiên cứu các vấn đề xã hội dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo-hội. Nghiên cứu và thảo luận thật kỹ lưỡng để tìm cách áp dụng học thuyết ấy vào trong tất cả mọi lãnh vực của thực tại xã hội.
"Muốn đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác xã hội nầy, nhất thiết phải quảng bá sâu rộng hơn nữa các vấn đề xã hội dưới ánh sáng học thuyết của Giáo-hội và với sự hướng dẫn của Giáo-quyền. Nếu một số người công giáo còn có phong cách còn đáng phiền trách trong lãnh vực kinh tế và xã hội, căn nguyên phát sinh thường là do việc họ chưa biết đủ, chưa suy xét thấu đáo những giáo huấn của các Giáo-hoàng về chủ đề nầy. Do đó, với một giá cần phải phát triển việc đào tạo các tầng lớp xã hội một cách khẩn trương và kỹ lưỡng trong địa hạt nầy, tùy vào trình độ văn hóa, kiến thức của họ; phải dùng mọi phương thế cần thiết để quảng bá các học thuyết của Giáo-hội, đặc biệt cho giới thợ thuyền. Hãy nỗ lực soi dọi tâm trí con người bằng ánh sáng tốt lành của học thuyết công giáo; hãy khích lệ con người chấp nhận và áp dụng học thuyết ấy như chuẩn mực cuộc sống đạo đức để chu toàn các bổn phận xã hội của mình. Nhờ vậy, sẽ chấm dứt được tình trạng khập khễnh, đứt đoạn trong đời sống Kitô hữu mà nhiều lần chúng tôi đã nêu lên để trách cứ: đó là việc sống bên ngoài như đã chu toàn bổn phận tôn giáo của mình; nhưng song song trong lãnh vực làm việc, xí nghiệp hay nghề nghiệp, buôn bán hoặc lao động, lại có một phong cách không xứng hợp với những đòi hỏi của công lý và bác ái Kitô giáo: cuộc sống như chẻ đôi lương tâm làm hai. Đó là lý do làm cho kẻ yếu thế phải phẫn uất và là cớ cho người ngoài mất tín nhiệm ngay với Giáo-hội".
Thông tin báo chí công giáo có vai trò đặc biệt để quảng bá học thuyết xã hội của Giáo-hội.
"Trong nỗ lực canh tân nầy, thông tin báo chí công giáo có thể đóng góp rộng rãi. Dưới nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn, báo giới có thể và phải cố gắng hơn nữa để làm cho mọi người thông suốt học thuyết xã hội; loan báo tin tức chính xác, đầy đủ về hoạt động của những kẻ chống phá, và nêu lên những phương cách tranh đấu được đánh giá là hữu hiệu hơn ở trong nhiều nước khác nhau; cuối cùng, đề nghị những biện phháp hữu hiệu, và giúp cảnh giác  trước những mưu đồ xảo trá mà cộng sản đã dùng để chinh phục những kẻ ngay tình".
Giáo huấn của Giáo-hội cần sự hỗ trợ của tất cả những người công giáo; những chia rẽ hoặc bất đồng giữa họ có thể gây ảnh hưởng tai hại cho uy tín của Giáo hội.
Cuối cùng, Chúng tôi một lần nữa muốn khẩn thiết kêu gọi tất cả các con cái chúng tôi, trong mọi giai cấp xã hội, ở mọi nước, giáo sĩ, tu sĩ hoặc giáo dân trong Giáo-hội, hãy đồng tâm nhất trí. Nhiều lần, lòng người Cha nơi Chúng tôi phải đau buồn vì những chia rẽ nầy, những chia rẽ lúc đầu xem ra không đáng ngại, nhưng kết cuộc lại bi thảm, làm khổ đau cho các con cùng một Mẹ, là Giáo-hội. Lúc ấy mới thấy kẻ gieo rắc rối loạn thực sự không đông, nhưng đã lợi dụng những mối bất đồng để gia tăng thêm tệ hại và đẩy chính người công giáo xâu xé lẫn nhau. Sau các biến cố trong các tháng vừa qua, lời cảnh giác của Chúng tôi được xem là thừa thãi. Tuy vậy, Chúng tôi còn muốn nhắc lại thêm một lần nữa cho những ai không hiểu hay có thể không muốn hiểu. Ai cố gây thêm chia rẽ giữa người công giáo với nhau, thì tự mang lấy trách nhiệm kinh hoàng trước Thiên Chúa và Giáo-hội".
Một lời kêu gọi gửi đến tất cả những người tin Thiên Chúa thuộc đại đa số trong nhân loại. Tất cả, họ có thể tham gia quyết định vào việc thực thi các nguyên tắc nầy.
"Chúng tôi hy vọng rằng không những chỉ có những ai hãnh diện mang tên Chúa Kitô, nhưng cả những người tin Thiên Chúa và thờ phượng Ngài (làm nên đại đa số trong nhân loại) sẽ cùng nhau anh dũng chống lại sức mạnh tối tăm thù nghịch với ngay cả ý niệm thần thánh.
Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của Chúng tôi trong Thông điệp Caritate Christi, cách đây năm năm, mong sao tất cả những tín đồ các tôn giáo chân thành và can đảm "giúp cho nhân loại tránh khỏi đại nạn đang đe dọa".
Vì, như Chúng tôi đã nêu lên, "Niềm tin vào Thượng-đế là nền tảng bất kháng của mọi trật tự xã hội và mọi trách nhiệm trên trần thế nầy; nên người nào không muốn tình trạng hỗn độn và khủng bố thì phải hết sức ngăn cản kẻ thù của tôn giáo thực hiện chương trình minh nhiên tôn vinh các tệ trạng ấy" 36
8- Piô XII, Summi Pontificatus  (1939) 37
Bảo vệ sự thống nhất của gia đình nhân loại
Giáo-hội tuyên dương mối thống nhất của gia đình nhân loại; nhiều nước khác nhau và nền văn minh khác nhau làm cho mối thống nhất đó thêm phong phú.
Đức Piô XII thường phát biểu về lãnh vực xã hội, phần lớn qua các sứ điệp và các bài diễn văn của Ngài. Sau nầy chúng ta có dịp trở lại ba trong số các tài liệu đó.
Bức Thông điệp đầu tiên của Ngài Summi Pontificatus (1939), ban hành lúc Đệ II Thế chiến bùng nổ, không phải là một thông điệp xã hội theo sát nghĩa, nhưng nó nêu lên những nguyên tắc quan trọng làm phong phú cho học thuyết xã hội.
Sau khi đã phân tích các nguyên nhân tạo ra tranh chấp - việc vất bỏ luật Chúa dẫn đến chế độ độc tài, các loại chủ nghĩa quốc gia đối đầu nhau, óc thống trị - Đức Giáo-hoàng xác quyết lại sự thống nhất nền tảng của gia đình nhân loại là nguyên tắc hướng dẫn cho học thuyết xã hội của Giáo-hội. Sự thống nhất đó dựa trên một nền tảng tự nhiên và một nền tảng siêu nhiên.
"Cái nhìn tuyệt diệu hướng dẫn chúng ta chiêm ngắm nhân loại trong sự thống nhất ngay từ nguồn căn của nó nơi Thiên Chúa: Một Thiên Chúa duy nhất, cha của mọi người, ở trên mọi người, trong mọi sự và trong mỗi một chúng ta  (Ep. 4,6); trong sự thống nhất của bản tính nhân loại, mỗi người và mọi người đều có một thân xác vật chất và một linh hồn linh thiêng và bất tử; trong sự thống nhất của cứu cánh nhất thời và sức mạnh của nhân loại ở trong trần thế; trong sự thống nhất của nơi nhân loại trú ngụ: trái đất và các lợi ích của nó mà mọi người có quyền tự nhiên được hưởng để sống và phát triển; trong sự thống nhất vì cứu cánh siêu nhiên của mình: Chính Thiên Chúa là đích điểm để mọi người phải qui về; trong sự thống nhất của các phương tiện để đạt được cứu cánh ấy.
Và cũng vị tông đồ đó cho chúng ta biết nhân loại trong sự hiệp nhất về các mối liên hệ với Con Thiên Chúa, là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, trong Ngài mọi sự đã được tác thành: in ipso condita sunt universa(Col. 1, 16); trong sự thống nhất của ơn cứu độ của Chúa Kitô ban cho mọi người; Ngài đã phục hồi tình bạn nguyên sơ với Thiên Chúa (một tình bạn đã từng bị đỗ vỡ) nhờ khổ đau thần thánh của Ngài, Ngài tự nhận làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người: vì chỉ có một Thiên Chúa và một trung gian giữa Thiên Chúa và con người: Chúa Giêsu Kitô làm người (1 Tim. 2,5).
Và để nối chặt tình bạn giữa Thiên Chúa và nhân loại một cách khắng khít hơn nữa, chính vị trung gian thần thánh, là đấng ban ơn cứu độ và hòa bình cho mọi người, trước khi hoàn tất cuộc hy sinh tột độ, đã nói lên lời nầy từ chính miệng Ngài; lời vang dội quan bao thế kỷ, dấy lên bao nghĩa cử anh hùng bác ái ở giữa thế giới trống vắng yêu thương và hận thù xâu xé: Nầy là giới răn của Thầy: Các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con (Gioan 15, 12).
Đó là những chân lý siêu nhiên, thiết lập nên những nền tảng thâm sâu và các mối hiệp nhất vững bền, được tình yêu của Thiên Chúa và của Đấng Cứu-độ củng cố; thực vậy mọi người tiếp nhận ơn cứu độ nơi Ngài "để làm nên thân thể Chúa Kitô, cho đến mức chúng ta tất cả cùng nhau đạt đến sự hiệp nhất của đức tin, thông hiểu trọn vẹn về con Thiên Chúa, thành người toàn hảo, theo mẫu mực cao cả tuyệt vời của Đức Kitô" (Ep. 4, 12-13).
Sự thống nhất của nhân loại phong phú nhờ sự hiện hữu của nhiền dân tộc và nhiều nước khác  nhau;các dân tộc, các nước được mời gọi để sống hòa thuận và yêu thương. Giáo-hội tôn trọng và bảo vệ các tài năng thiên phú và gia sản cá biệt của mỗi nước, khích lệ tất cả các dân tộc hợp nhất trong tình huynh đệ theo lời dạy của Chúa Kitô.
"Từ ánh sáng của sự thống nhất đương nhiên và thực tế như vậy, các cá nhân không phải mỗi người một cõi như các hạt cát rời rạc, nhưng trái lại hiệp nhất với nhau bằng những mối tương giao hữu cơ, hòa hợp và liên đới - các tương giao đa biệt phong phú theo nhịp đổi thay của các thời đại -theo ý hướng và ước vọng tự nhiên và siêu nhiên cá biệt.
Và các nước phát triển, mỗi nước mỗi nét riêng tùy hoàn cảnh sinh hoạt và văn hóa khác nhau, nhưng không phải vì thế mà đi đến cảnh phân chia rã rời tạo nguy cơ cho sự thống nhất của nhân loại; trái lại phải biết tô bồi, thăng tiến nhân loại bằng nỗ lực truyền thông các giá trị, trao đổi cho nhau các lợi ích khác nhau; công cuộc đó chỉ có thể thực hiện được một cách cụ thể khi tình yêu thương và bác ái tương liên hiện diện nơi sinh hoạt con người, nối kết tất cả mọi người cùng một Cha chung, hiệp nhất lại tất cả những tâm hồn đã được một giòng máu thần thánh cứu chuộc.
Giáo-hội Chúa Kitô luôn trung thành gìn giữ mặc khải khôn ngoan của Chúa nhằm giáo hóa con người, Giáo hội ấy không thể và không hề chống đối hay xem rẻ những đặc tính cá biệt mà mỗi dân tộc tận tâm, tận lực bảo tồn và xem là gia sản quí báu của mình. Mục tiêu của Giáo-hội là sự hiệp nhất về mặt siêu nhiên được chứng nghiệm trong tình yêu chân thành và cụ thể hướng đến mọi người, chứ không phải là mô hình hoàn toàn bề ngoài, đồng bộ, hời hợt, bệnh hoạn".
Trong sứ mệnh truyền giáo qua các nỗ lực nghiên cứu và khám phá của các vị tiền phong, Giáo-hội cố tìm hiểu các giá trị và kho tàng độc đáo của mỗi nền văn minh, không hề vất bỏ một nội dung nào, nếu chúng không thực sự chủ xướng các sai lạc về mặt tôn giáo. Đó là nguyên tắc nền tảng của việc thẩm định các giá trị văn hóa.
"Giáo-hội hân hoan tiếp nhận và hỗ trợ tất cả những ý hướng, tất cả những mong ước nhằm đẩy mạnh công cuộc phát triển hài hòa các khả năng và khuynh hướng nằm sâu trong mỗi tâm thức của mỗi dân tộc, miễn là các nội dung đó không đi ngược với những bổn phận bảo tồn và phát huy sự thống nhất của nhân loại, nơi căn cơ của nó cũng như nơi cứu cánh tối hậu. Qua nhiều đợt liên tục, sinh hoạt truyền giáo của Giáo-hội đã minh chứng rằng qui luật đó là ngôi sao dẫn lối cho công việc tông đồ nơi mọi dân tộc. Các nhà truyền giáo qua các thời đại đã tận tụy thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu và khai phá có tính cách tiên phong, giúp chúng ta thấu suốt và tôn trọng các nền văn minh rất khác nhau, và thấy được nơi các nền văn minh ấy các giá trị tinh thần có thể triển khai để rao giảng Phúc-âm Đức Kitô một cách linh động và có kết quả. Tất cả những gì trong phong tục và nếp sống của các nước, không nhất thiết gắn liền với những sai lạc tôn giáo, thì luôn được Giáo-hội chú tâm; và tùy sức mình, Giáo-hội sẵn sàng bảo vệ và khích lệ".

IX- Piô XII, Kỷ niệm năm mươi năm của "Rerum Novarum" (1941) 38

Thẩm quyền nào trong lãnh vực xã hội?


Giáo-hội xác quyết thẩm quyền của mình trong lãnh vực xã hội dựa vào việc giải thích Mạc-khải và luật tự nhiên.
Trong dịp kỷ niệm năm mươi năm Thông-điệp Rerum Novarum vào ngày 01.06.1941, Đức Piô XII tái xác nhận thẩm quyền Giáo-hội trong lãnh vực xã hội bằng lời lẽ chính xác. Đây là thẩm quyền đạo đức và siêu nhiên, chứ không phải là quyền thuần túy kỹ thuật.
"Vì thâm tín rằng Giáo-hội không những có quyền, mà còn có bổn phận lên tiếng giáo huấn về các vấn đề xã hội, nên Đức Lêô XIII đã gửi sứ điệp của Ngài cho thế giới. Ngài không nhằm thiết định những qui luật thuộc địa hạt thuần thực tiễn, có thể nói là kỹ thuật của việc tổ chức xã hội, vì Ngài biết điều đó hiển nhiên; và vị tiền nhiệm đáng kính nhớ của chúng tôi Đức Piô XI cách đây 10 năm cũng đã từng xác nhận lại trong Thông điệp Quadragesimo Anno. Giáo-hội không đảm trách một công tác  chuyên môn như thế. Trong lãnh vực lao động , để phát triển tốt đẹp mọi năng lực thể xác và tinh thần của các cá nhân, cũng như tự do tổ chức các đoàn thể hiệp hội, có vô số công tác mở ra trước mắt chúng ta. Các hệ thống công quyền có thể can thiệp bằng cách hội nhập và phối trí các công tác nầy xuyên qua các hiệp hội địa phương và nghiệp đoàn; và sau đó nhà nước dùng thẩm quyền xã hội của mình để vừa cai quản vừa điều hoà, mang sứ mệnh quan trọng là ngăn ngừa những biến loạn của sinh hoạt kinh tế, phát sinh từ những mối tranh chấp phức tạp do lòng vị kỷ đố kỵ của cá nhân cũng như của các tập thể"
Việc minh chứng thẩm quyền của Giáo hội về lãnh vực nầy phải tìm kiếm nơi các chân lý của Mạc khải và những đòi hỏi của luật tự nhiên. Các hệ thống, cơ chế xã hội được thẩm định dựa vào các chuẩn mực nầy . Các điều kiện đạo đức của xã hội có thể ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích hay thiệt hại cho linh hồn. Lối trình bày rõ ràng về các nguyên tắc nầy của Đức Piô X II từ nay trở thành một lối diễn tả chung trong học thuyết xã hội của Giáo-hội.
"Ngược lại, không thể nào chối cãi thẩm quyền của Giáo-hội trong phạm vi liên quan đến đạo đức của cuộc sống xã hội; thẩm quyền đó nhằm đánh giá các nền tảng của một tổ chức xã hội có thật sự thích hợp với trật tự vững bền mà Thiên Chúa đã tỏ bày qua luật tự nhiên và Mạc khải hay không; hai tiêu chuẩn nầy đã từng được Đức Lêô XIII nêu lên trong thông điệp của Ngài. Các nguyên lý của luật tự nhiên và các chân lý mạc khải đến với nhân loại bằng hai lối khác nhau, nhưng không đối nghịch nhau như hai giòng nước phát xuất từ một nguồn mạch thần thánh tuôn đổ về; và Giáo-hội, canh giữ trật tự siêu nhiên Kitô giáo, kết hợp tự nhiên và ân sủng, có sứ mệnh đào tạo lương tâm, trong đó có lương tâm của những ai được kêu gọi để tìm giải pháp cho các vấn đề và bổn phận mà cuộc sống xã hội đặt ra. Hình thái xã hội, thích hợp hay không thích hợp luật Chúa, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt tốt xấu của tâm linh; tuy mọi người được ân sủng Đức Kitô phục hoạt, nhưng trong cuộc sống hằng ngày ở trần thế nầy, họ có thể hít thở không khí trong lành và tươi mát của chân lý nơi các nhân đức, và họ cũng có thể tiêm nhiễm vi trùng bệnh hoạn và thường mang lại chết chóc của sai lầm và đồi trụy. Trước những suy nghĩ và tiên liệu như thế, làm sao Giáo-hội là Mẹ nhân ái và ân cần muốn điều tốt lành cho con cái mình, có thể dửng dưng trước những nguy nan của chúng, làm sao có thể  im lặng, hoặc làm như không thấy và không hiểu các hoàn cảnh xã hội, vô tình hay hữu ý, đang tạo khó khăn hoặc ngay cả cấm đoán con người sống theo đường lối Kitô giáo, đúng với các điều Thiên Chúa răn dạy, khi Ngài là nhà lập pháp tối cao?"
Cũng như những vị tiền nhiệm của mình là Đức Piô XI, Giáo-hoàng  Piô XII nhấn mạnh đến những lợi ích của Rerum Novarum. Đáp lời kêu gọi của Đức Lêô XIII, người ta đã thực hiện được nhiều tiến bộ, và các nước đã tổ chức được những chương trình xã hội khả quan.
Đức Piô XII còn xác định thẩm quyền của Rerum Novarum khi đánh giá bản văn đó là qui chiếu quan trọng và nền tảng của Học thuyết xã hội của Giáo-hội.
"Thông điệp Rerum Novarum đi sâu vào cuộc sống dân chúng với tất cả những tấm lòng ưu ái, đánh động tâm tình của giai cấp thợ thuyền và để lại nơi họ xác tín về phẩm giá làm người Kitô hữu và là người công dân; đến độ với thời gian, ảnh hưởng tích cực của nó đã lan tràn để rồi các chuẩn mực nó nêu lên hầu như trở thành gia sản của gia đình nhân loại. Vào thế kỷ XIX, vì lạm dụng ý niệm tự do, nhà nước chỉ biết đến mục đích là bảo vệ tự do cho các quyền của chính nhà nước; Đức Lêô XIII cảnh giác nhà nước rằng họ còn có bổn phận lo lắng đến liên đới xã hội, tạo phúc lợi cho toàn dân, cho mọi thành phần trong nước, đặc biệt là những kẻ yếu thế và khốn cùng, bằng một đường lối chính trị xã hội cởi mở và tác tạo công ăn việc làm. Lời của Ngài tạo âm vang; và phải thành tâm nhìn nhận rằng có những tiến bộ đã được thực hiện tại nhiều nước trong nỗ lực thăng tiến điều kiện sinh hoạt của giới lao động. Nên cho rằng Rerum Novarum đã trở thành đại hiến chương của hoạt động xã hội Kitô giáo là hợp lý".
Ngay giữa thời kỳ chiến tranh, nhắc lại giá trị trường kỳ của Rerum Novarum đã được đón nhận như một dấu chỉ hy vọng, bên cạnh những tang thương bao trùm thế giới. Giáo-hội luôn sẵn sàng để chuẩn bị và tham gia vào việc kiến tạo một thế giới công bằng và phát huy nhân phẩm cho mọi người trong tương lai. Khi nhắc lại các giá trị nền tảng xã hội như thế, Giáo-hội thực sự chu toàn sứ mệnh tiên tri của mình.
"Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều vết hằn và tủi nhục còn ghi dấu trong cuộc sống của các nước và các xã hội. Qua Thông điệp Quadragesimo Anno vị tiền nhiệm cận kề của chúng tôi đã bàn đến một cách tường tận các vấn đề liên quan đến những thay đổi và đảo lộn trong xã hội, nhất là trong lãnh vực kinh tế, từng ảnh hưởng đến cuộc sống đạo đức, kể từ khi Thông điệp Rerum Novarum được công bố. Mười năm sau nầy không có những bất ngờ trong cuộc sống xã hội và kinh tế như những năm trước, vì mọi người dồn sức để nuôi dưỡng một cuộc chiến mà rồi đây kinh tế và xã hội phải chứng kiến một hậu quả không lường được.
Những vấn đề nào, những toan tính nào đặc biệt, bất ngờ, mà cuộc sống xã hội sau cuộc chiến có thể đặt ra cho vô số các dân tộc, và làm cho Giáo-hội phải ưu lo, nay khó mà liệt kê và tiên đoán. Tuy nhiên, vì tương lai có căn rễ nơi quá khứ, vì kinh nghiệm của các năm vừa qua có thể cho ta những chỉ dẫn cho tương lai, nên chúng tôi muốn nhân cơ hội kỷ niệm nầy để nhắc lại những nguyên tắc hướng dẫn đạo đức về ba giá trị nền tảng của cuộc sống xã hội và kinh tế. Tiếp nối tinh thần Đức Lêô XIII  và khai triển các quan điểm của Ngài, những quan điểm có tính cách tiên tri, dự đoán bước đi của xã hội qua thời gian, chúng tôi đề cập đến ba yếu tố nền tảng giao thoa, nối kết và dựa vào nhau, đó là: việc sử dụng của cải vật chất, lao động, gia đình"
10-  Piô XII, Tương lai của văn minh Kitô giáo (1944) 39
Văn minh Kitô giáo sẽ đóng vai trò nào sau đại chiến?
Năm 1944, đại chiến còn đang ác liệt, nhưng nhiều giới đã sẵn sàng thảo luận về trật tự tương lai của thế giới. Đức Piô XII gửi một sứ điệp truyền thanh về việc tái kiến thiết gia đình nhân loại thời hậu chiến.
Tương lai Văn minh Kitô giáo tùy thuộc vào khả năng truyền đạt cho các nền văn hóa khác những nguyên tắc tôn giáo và đạo đức của mình, vì chỉ có những nguyên tắc nầy mới có thể mang lại công lý, hòa bình và tình huynh đệ cho  các xã hội con người. Đây là một vấn đề có tính cách quyết định.
"Số phận của văn minh Kitô giáo tại Âu châu và trên thế giới tùy thuộc vào cách trả lời cho vấn đề nầy. Một nền văn minh không lo ngại hoặc làm thiệt hại các chuẩn mực riêng và phong phú của đời sống dân sự mà mỗi dân tộc dựa vào đó để khai triển nếp sinh hoạt đặc thù của mình; một nền văn minh đi sâu được vào các chuẩn mực ấy và thắp sáng lên những nguyên lý đạo đức cao cả nhất: đó là luật đạo đức Tạo-hóa ghi khắc nơi tâm hồn con người 40luật tự nhiên phát sinh từ Thượng-đế, các quyền nền tảng và phẩm giá của nhân vị không thể xâm phạm . Để dẫn dắt ý chí con người tuân giữ các nguyên tắc nầy, nền văn minh ấy dấy lên nơi cá nhân, toàn dân và trong các mối tương giao quốc tế những nguồn năng lực cao cả mà không bao giờ một quyền lực nào từ con người có thể tạo ra được; nó uy dũng như sức mạnh vạn năng tự nhiên ngăn chặn các mầm mống độc hại luôn đe dọa trật tự đạo đức, và chống đỡ trật tự nầy khỏi suy bại.
Nền văn minh Kitô giáo không bóp nghẹt và làm suy nhược các yếu tố lành mạnh của các nền văn hóa khác biệt nhau, nhưng kết hợp hài hòa các yếu tố đó trong những sinh hoạt thiết yếu, để kiến tạo một mối thống nhất rộng rãi các tâm tư và chuẩn mực đạo đức; đó là nền tảng rất vững chắc cho hòa bình chân thật, cho công lý xã hội và tình huynh đệ giữa các thành phần của đại gia đình nhân loại".
Đức Giáo-hoàng kêu gọi từng triệu người nam nữ hãy sẵn sàng hợp tác để kiến tạo một trật tự xã hội mớitheo đường hướng tư tưởng Kitô giáo.
"Lời kêu gọi nầy chúng tôi hy vọng sẽ được từng triệu người trên thế giới lắng nghe để cùng nhau hợp tác chân thành và hiệu quả trong việc kiến tạo một trật tự pháp lý công bằng hơn theo hướng nhìn của tư tưởng Kitô giáo: Đặc biệt cho toàn bộ những vấn đề to lớn liên quan đến việc thiết lập một trật tự kinh tế và xã hội ăn khớp nhiều hơn với luật trường cửu của Chúa và thích hợp với phẩm giá con người. Trong khung cảnh như thế, tư tưởng Kitô giáo chân nhận rằng thăng tiến cuộc sống của giới vô sản là một yếu tố quan trọng mà Kitô hữu chân thật phải quyết tâm thực hiện một cách đại độ; nỗ lực đó không phải chỉ được xem như một tiến bộ trần thế, nhưng còn là chu toàn một phần vụ đạo đức"
11- Piô XII, Diễn văn đọc trước các vị hồng y (1946) 41
Ngược lại các đế quốc thế tục, Giáo-hội chinh phục tâm hồn con người.
Đặc tính siêu quốc gia của Giáo-hội rất quan trọng để thống nhất xã hội nhân loại. Nhưng nếu nhìn Giáo hội là một đế quốc trần thế nhằm thống trị thế giới thì đó là điều sai lầm.
"Sự thống nhất và toàn vẹn của Giáo-hội, nhận ra nơi hình thái siêu quốc gia của nó, rất quan trọng để xây dựng nền tảng cho sinh hoạt xã hội. Kỳ thực Giáo-hội không có vai trò bao trùm hoặc ôm hết toàn bộ xã hội của con người để tạo thành một Đế-quốc khổng-lồ trên thế giới. Quan niệm về Giáo-hội như một Đế-quốc trần thế và thống trị toàn cầu là tuyệt đối sai lầm quan niệm đó không đúng và không ăn khớp với thực tế vào bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, trừ phi người ta cố lầm lẫn để đưa những ý tưởng và lối nói riêng của thời đại chúng ta mà áp dụng cho các thế kỷ đã qua".
Giáo-hội thực sự có sứ mệnh đưa mọi tạo vật về với Phúc-âm, nhưng không bao giờ theo đuổi mục tiêu đế quốc. Trái với các đế quốc trần thế, tìm cách thống trị các dân tộc, Giáo-hội hành động ngay bên trong lương tâm của mỗi một con người; nhờ vậy Giáo-hội xây dựng những nền tảng vững chắc cho cộng đồng nhân loại.
"Giáo-hội chu toàn mệnh lệnh của Chúa Đấng sáng lập ra Giáo-hội, để tràn lan trên toàn thế giới và đưa mọi tạo vật về với Phúc-âm 42, nhưng Giáo-hội không phải là một Đế-quốc , nhất là theo theo nghĩa đế quốc chủ nghĩa mà ngày nay người ta gán cho chữ nầy. Trong tiến trình phát triển sâu rộng của mình, Giáo-hội đi ngược với chủ nghĩa đế quốc tân thời ngày nay. Giáo-hội tiến bước vào chiều sâu, sau đó ảnh hưởng tràn lan ra ngoài. Giáo-hội ưu tiên đi tìm chính con người; nổ lực đào tạo con người, uốn nắn và kiện toàn bên trong làm sao cho con người giống với Thiên Chúa. Giáo-hội tác động tâm tư sâu kín của mỗi người, nhưng hiệu quả của tác động đó kéo dài trong suốt cuộc sống, trong tất cả các lãnh vực sinh hoạt của các cá nhân. Khi đào tạo con người cách nầy, Giáo-hội chuẩn bị cho xã hội một nền tảng vững mạnh, lâu bền. Trái lại, chủ nghĩa đế quốc ngày nay đi theo một đường lối trái ngược. Nó bành trướng ngang, dọc. Nó không tìm gặp con người theo đúng phẩm giá, nhưng là đuổi theo của cải và quyền lực nhằm bắt chúng phục vụ cho nó; và rồi nó truyền nhiễm các mầm mống gây tai họa cho nền tảng xã hội con người. Trong những điều kiện xã hội như vậy, có gì phải ngạc nhiên về nỗi lo âu hiện thời của các dân tộc về nền an ninh của chính họ? Lo âu khắc khoải phát xuất từ khuynh hướng muốn bành trướng quá mức; bên trong ý đồ nầy tâm tư bất an dày vò như con sâu mãi đục khoét, để rồi nhu cầu an ninh nầy lại tạo thêm mãi nhu cầu an ninh khác, cứ tăng dần lên; và rồi lo sợ trở thành khẩn trương hơn nữa".
12- Gioan XXIII, Mater et Magistra (1961) 43 Thông điệp Mẹ và Thầy
Một cái nhìn toàn cầu về vấn đề xã hội Học thuyết xã hội của Giáo-hội phải được xét lại trong  bối cảnh của các vấn đề mới mẻ và phức tạp của thời đại
Đức Gioan XXIII công bố Thông-điệp Mater et Magistra (1961) nhân dịp kỷ niệm 70 năm của Thông-điệpRerum Novarum. Ngài xác nhận một lần nữa tầm quan trọng của Thông điệp xã hội đầu tiên vào thời hiện đại.
Tài liệu gồm bốn phần chính:
I- Các giáo huấn của Thông điệp Rerum Novarum và trong các bản văn khác của Đức Piô XI và Đức Piô XII;
II- Những vấn đề mới của xã hội hiện đại và những giải đáp của Giáo-hội;
III- Tình trạng kém phát triển bên trong các nước và trên thế giới, các vấn đề dân số và nhu cầu hợp tác quóc tế;
IV- Giáo huấn của Giáo-hội cống hiến giải pháp duy nhất và trường cửu cho các vấn đề xã hội của thế giới.
Qua Mater et Magristra, Đức Giáo hoàng trình bày một cái nhìn toàn cầu về vấn đề xã hội, lưu ý đến sự thay đổi mới mẻ của các vấn đề kinh tế, khuynh hướng xã hội ngày càng phổ biến trong tổ chức xã hội, tình trạng gia tăng dân số và phát triển kinh tế của các dân tộc.
Trong các đoạn kế tiếp của thông điệp, Ngài đưa ra nhiều đề nghị cho các vấn đề xã hội thời bấy giờ. Các vấn đề thực sự là những thách đố mới. cho sứ mệnh giáo huấn của Giáo-hội. Chính trong bối cảnh như thế, Đức Giáo-hoàng duyệt lại bản chất và ý nghĩa mới mẻ nơi học thuyết xã hội của Giáo-hội.
Đức Giáo-hoàng xem khuynh hướng xã-hội-hóa như một nét đặc biệt của xã hội hiện đại, và như một hiện tượng có phần tích cực cũng như tiêu cực mà thông điệp sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng.
"Xã hội hóa" là trong những nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Nó là sự nhân tăng dần hồi những mối tương quan trong cuộc sống chung; nó diễn tả nhiều nếp sống và hình thức sinh hoạt khác biệt, và cũng được hiểu là việc thiết lập nên một định chế pháp lý. Sự kiện đó phát sinh từ nhiều nhân tố lịch sử, trong đó phải kể đến tiến bộ khoa học và kỹ thuật, mức sống cao hơn của người dân.
"Xã hội hóa" vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của việc chính quyền gia tăng can thiệp vào ngay cả những lãnh vực tế nhị nhất: săn sóc y tế, đào tạo và giáo dục các thế hệ mới, hướng nghiệp, các phương pháp phục hoạt và tái thích ứng các lớp người yếu kém. Nó cũng biểu lộ cụ thể một khuynh hướng tự nhiên, hầu như không thể dồn nén được của con người: khuynh hướng kết hợp với nhau để đạt cho được những mục tiêu vượt quá khả năng và phương tiện của từng cá nhân.
Chiều hướng nầy đã khai sinh ra một loạt hình thức sinh hoạt, đặc biệt trong các thập niên vừa qua, như nhóm, phong trào, hội đoàn, cơ sở nhằm mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, giải trí, nghề nghiệp, chính trị, bên trong các cộng đồng quốc gia cũng như trên bình diện thế giới.
"Xã hội hóa" hiểu như thế, hẳn mang lại nhiều lợi ích. Thật thế, nó tạo thuận lợi để thực hiện được nhiều quyền lợi cho con người, đặc biệt là những quyền gọi là kinh tế và xã hội. Chẳng hạn, quyền sở đắc những phương tiện cần thiết để thực sự bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho con người, săn sóc y tế, giáo dục căn bản khả quan hơn, huấn nghệ thích hợp hơn, nhà ở, việc làm, nghỉ ngơi và giải trí cần thiết. Hơn nữa, nhờ tổ chức các phương tiện truyền thông hoàn chỉnh hơn - báo chí, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình - mọi người có thể tùy nghi tham gia vào những thăng trầm, đổi thay của nhân loại ở mức toàn cầu".
Một vấn đề khác của xã hội tân kỳ ngày nay là nỗ lực tìm kiếm một tình trạng thăng bằng mới giữa các khu vực nông thôn và thành thị.
"Do đó, một vấn đề căn bản đặt ra cho các nước: làm thế nào để ngăn chặn tình trạng mất thăng bằng về mặt sản xuất giữa khu vực nông nghiệp và khu vực kỹ nghệ và các dịch vụ; để mức sống của  dân cư tại thôn quê không quá cách biệt với mức sống người dân thị thành; để nông dân không mang mặc cảm tự ti; nhưng ngược lại họ xác tín được rằng trong môi trường nông thôn họ cũng có thể phát triển nhân cách qua lao động của mình, và nhìn tương lai với lòng tự tin.
Vì vậy chúng tôi muốn đưa ra một vài chỉ dẫn có thể giúp giải quyết vấn đề; và nghĩ rằng chúng có giá trị cho bất cứ hoàn cảnh chính trị nào, hẳn nhiên với điều kiện biết áp dụng uyển chuyển theo phương thức và mức độ của môi trường liên hệ ".
Một vấn đề rất quan trọng chi phối sinh hoạt quốc tế đó là vấn đề phát triển và sự tương thuộc giữa các nước giàu và nước nghèo.
"Vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta có lẽ là vấn đề liên quan giữa các cộng đồng chính trị phát triển về mặt kinh tế và các xứ đang phát triển. Các nước phát triển hưởng một mức sống cao, còn các xứ khác túng thiếu nặng nề. Tình liên đới nối kết tất cả mọi người trong một gia đình duy nhất buộc các nước dư đầy các phương tiện sinh sống không được quyền thờ ơ đối với các nước mà dân chúng chới với giữa tình cảnh khốn đốn, thiếu thốn, nghèo, đói, không có nổi những điều kiện sơ đẳng để sống làm người. Hơn thế nữa, trong khung cảnh tương thuộc càng ngày càng gắn bó giữa các dân tộc, một nền hoà bình bền vững và đầm ấm khó lòng thể hiện giữa họ với nhau, nếu những hoàn cảnh kinh tế và xã hội đôi bên còn quá cách biệt.
Chúng tôi ý thức bổn phận làm cha chung của mọi người để long trọng nhắc lại những điều chúng tôi từng xác quyết: "Tất cả chúng ta đều liên đới trách nhiệm về các dân tộc đang thiếu ăn...44; nên cần phải đào tạo lương tâm biết ý thức về bổn phận trói buộc mọi người và mỗi người, đặc biệt là những người giàu có nhất" 45.
Vấn đề phát triển liên hệ đến vấn đề dân số toàn cầu và tình trạng gia tăng dân số.
"Một vấn đề thường được nhắc đến trong thời gian gần đây là việc tương quan giữa gia tăng dân số, phát triển kinh tế và tài nguyên sẵn có để sống còn, trên bình diện thế giới cũng như trong khuôn khổ các nước chậm tiến.
Trên bình diện thế giới, một số người cho rằng những con số thống kê khá đứng đắn tiên liệu trong vài chục năm nữa  số lượng nhân loại sẽ gia tăng khác thường, trong lúc đó sự phát triển kinh tế sẽ từng bước đi chậm chạp hơn. Họ kết luận rằng, nếu không hạn chế tỉ lệ gia tăng dân số, thì không bao lâu tình trạng bất cân bằng giữa dân số và điều kiện sống còn sẽ trở thành gia trọng.
Dù cho hoàn cảnh đó có xảy đến, Chúng tôi cũng cần lên tiếng ngay rằng. các vấn đề khó khăn đó không thể đối đầu và giải quyết bằng các phương thế bất xứng với con người, dựa trên một quan niệm rõ ràng có tính cách duy vật về con người và cuộc sống.
Giải pháp chân thật chỉ có thể tìm ra nơi nỗ lực phát triển kinh tế và đẩy mạnh tiến bộ xã hội, theo đường hướng biết tôn trọng các giá trị chân thật của bản tính nhân loại, trong khuôn khổ cá nhân cũng như xã hội. Công cuộc phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội đó phải được thực hiện với ý thức đạo đức, làm sao để nhân phẩm và giá trị cao cả nơi cuộc sống của mọi cá nhân được thăng tiến. Và cũng cần có sự hợp tác của toàn thế giới để thúc đẩy tình trạng giao lưu điều hoà và phong phú các kiến thức, vốn đầu tư và nhân sự".
Tuyệt đối phải có sự hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề, từ nay đã ở vào mức độ và chiều kích quốc tế.
"Những tiến bộ của các ngành khoa học và kỹ thuật trong tất cả các lãnh vực của cuộc sống xã hội nhân tăng và ráp gần các mối tương quan giữa các nước với nhau, làm cho tình trạng tương thuộc ngày càng sâu rộng và sinh động.
Do đó, có thể nói ngày nay mọi vấn đề của con người có một tầm mức quan trọng nào đó, bất kể thuộc lãnh vực nào, xã hội, kỹ thuật, kinh tế, chính trị, văn hóa, thì đều mang những chiều kích siêu quốc gia và thường ở mức thế giới.
Các cộng đồng quốc gia đứng riêng một mình không thể nào để giải quyết được các vấn đề quan trọng, ngay cả những cộng đồng đã có được một nền văn hóa cao và phổ biến, dân cư đông đúc và sinh hoạt tích cực, hệ thống kinh tế đầy hiệu năng, đất đai rộng rãi và tài nguyên phong phú. Các nước tùy thuộc vào nhau, và ta có thể xác quyết rằng mỗi nước phát triển, thì làm cho các xứ khác  cùng phát triển như mình. Do vậy cần có sự tương thuận và hợp tác giữa các nước với nhau".
Đức Gioan XXIII làm cho giáo huấn xã hội của Giáo-hội thêm phong phú khi nới rộng giáo huấn nầy vào các vấn đề mới mẻ trên đây. Ngoài ra Thông điệp của Ngài còn có thêm một chương quan trọng về bản chấtvề công tác giáo huấnphổ biến và áp dụng của học thuyết nầy.
Học thuyết xã hội của Giáo-hội luôn qui chiếu vào nguyên tắc nền tảng nầy: mỗi một nhân vị các biệt là chủ thể và là cứu cánh cho tất cả các định chế.
"Giáo hội nêu lên và loan truyền cho con người một quan niệm luôn có tinh cách mới mẻ của đời sống xã hội.
Theo nguyên tắc nền tảng của quan niệm ấy - nguyên tắc hướng dẫn những gì Chúng tôi đã từng trình bày từ trước đến nay - thì tất cả mọi con người là nền tảng, mục đích và chủ thể của mọi định chế thể hiện cuộc sống xã hội. Mỗi người trong họ, phải được đối xử theo bản tính xã hội tự nhiên của nhân tính và trên bình diện của ý muốn của Đấng Quan-phòng, nó phải được nhìn trong hướng thăng tiến của trật tự siêu nhiên"
Với sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn, Giáo-hội dựa vào nguyên lý nền tảng nầy để khai triển một học thuyết có giá trị phổ quát.
"Với sự cộng tác của các giáo sĩ và giáo dân có khả năng, dựa vào nguyên lý nền tảng bảo vệ phẩm giá cao cả của con người, Giáo-hội lấy quyền giáo huấn của mình để kiện toàn một học thuyết xã hội, đặc biệt trong thế kỷ vừa qua. Học thuyết nầy chỉ rõ những con đường an toàn để tái lập các mối tương quan của đời sống xã hội, chiếu theo những chuẩn mực phổ quát ăn khớp với bản tính và các môi trường khác nhau của trật tự trần thế, cũng như với những nét đặc trưng của xã hội ngày nay; chuẩn mực có thể được mọi người chấp nhận".
Đức Giáo-hoàng kêu gọi toàn thế giới và mọi người thiện chí chấp nhận học thuyết nầy.
"Tuy thế, hơn bao giờ hết, lúc nầy cần tiếp nhận, thâu hóa và áp dụng học thuyết ấy vào thực tế tại xã hội dưới nhiều hình thức và mức độ mà những hoàn cảnh khác nhau cho phép hoặc đòi hỏi. Phận vụ đó khó khăn, nhưng cao quí. Chúng tôi tha thiết kêu gọi không những anh em và con cái Chúng tôi trên toàn thế giới, mà cả những người thiện chí quyết tâm thực hiện".
Thông điệp nhắc nhở rằng, học thuyết xã hội của Giáo-hội là một phần trong toàn bộ giáo huấn Kitô giáo. Nó phải giảng dạy một cách có hệ thống cho tất cả các cấp trong xã hội, với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông hiện đại.
"Trước tiên, chúng tôi muốn xác nhận lại rằng, học thuyết xã hội Kitô giáo là một phần trong toàn bộ quan niệm Kitô giáo về nhân sinh.
Chúng tôi hân hoan nhận thấy học thuyết ấy đã được giảng dạy từ lâu trong các học viện khác nhau, và nay nhấn mạnh rằng, cần phải phổ biến trong các giáo trình thường xuyên, và được trình bày có hệ thống trong tất cả các chủng viện, các trường công giáo ở mọi cấp,. Nó phải được đưa vào trong chương trình đào tạo tôn giáo của các họ đạo và các nhóm tông đồ giáo dân; nó phải được truyền bá bằng những phương tiện truyền thông hiện đại: nhật báo và tập san định kỳ, các tác phẩm bình dân hoặc có tính cách khoa học, truyền thanh, truyền hình.
Trong nỗ lực quảng bá nầy, giáo dân nên chuyên tâm học hỏi và hăng hái giải thích cho kẻ khác, cũng như áp dụng học thuyết đó vào trong các sinh hoạt trần thế của mình".
Chân lý của học thuyết xã hội của Giáo-hội được xác nhận khi áp dụng nó vào thực tại cụ thể.
"Họ đừng quyên rằng, chân lý và hiệu năng của học thuyết xã hội công giáo được chứng thực khi nó hướng đến việc áp dụng để mang lại giải đáp cho các vấn đề cụ thể. Nhờ vậy, những kẻ không hề hay biết sẽ lưu ý; cũng có khi người ta chỉ trích vì người ta không chứng kiến. Và nhờ áp dụng, ta có thể làm cho một vài tia sáng của học thuyết nầy đi vào tâm trí họ.
Một học thuyết xã hội không phải chỉ để tuyên dương, nhưng còn phải đưa vào áp dụng. Học thuyết xã hội Kitô giáo lại phải được ứng dụng vì nó được soi dẫn bởi chân lý, phản ảnh của tình yêu và hướng đến việc thực thi công lý".
Giáo dục xã hội và hướng dẫn áp dụng thực tiễn đòi hỏi phải học hỏi thấu đáo học thuyết xã hội của Giáo-hội..
"Giáo dục xã hội phải toàn diện. Nó phải đề cập đến các phận vụ phải thực hiện giáo dục ấy làm phát sinh và củng cố ý thức bổn phận nơi người Kitô hữu, bổn phận phải chuntoàn ngay cả những sinh hoạt thuộc lãnh vực kinh tế và xã hội theo tinh thần Kitô giáo. Từ lý thuyết đến thực hành, đoạn đường nầy tự nó khó khăn. Nhất là phải đưa một học thuyết xã hội như học thuyết Kitô giáo vào trong cuộc sống thực tế, trong đó lòng vị kỷ đã ăn sâu vào lòng người, chủ thuyết duy vật đã thấm nhập; và và người dân thấy quá khó khăn dồn dập để khám phá rõ ràng và chính xác các yêu sách khách quan của công lý trong các trường hợp cụ thể.
Vì thế, ý thức bổn phận phải hành động theo tinh thần Kitô giáo trong lãnh vực kinh tế và xã hội chưa đủ, còn phải giáo dục để thông tri phương pháp thích ứng cho việc thưc thi bổn phận nầy".
13- Đức Gioan XXIII, Pacem in Terris (1963)46
Sứ điệp hòa bình gửi đến mọi người thành tâm thiện chí
Sứ điệp của Giáo-hội gửi một thế giới đa nguyên đang chứng kiến những đổi thay quan trọng trong giới lao động, phụ nữ và trong sinh hoạt cộng đồng quốc tế

Thông điệp Pacem in Terris (1963)  đề cập đến vấn đề hòa bình. Đây là sứ điệp đầu tiên của một Giáo-hoàng, không những gửi cho các gám mục và người công giáo, nhưng còn gửi đến "tất cả mọi người thành tâm thiện chí". Tuy vẫn xác quyết về các điểm nền tảng của giáo thuyết Kitô giáo, văn kiện đã vận dụng lối văn mà những người thuộc các tôn giáo hoặc niềm tin khác nhau có thể đọc được.
Văn kiện gồm năm phần chính:
I- Trật tự giữa con người với nhau: các quyền lợi và bổn phận nền tảng của mọi nhân vị;
II- Các mối liên hệ giữa cá nhân và công quyền;
III - Các mối liên hệ giữa các nước;
IV- Các mối tương giao giữa cá nhân và các nước trong cộng đồng quốc tế;
V- Những chỉ dẫn mục vụ.
Giáo huấn của Giáo-hội cần lưu ý đến ba nét đặc trưng của thời đại chúng ta : ảnh hưởng mới của các giai cấp thợ thuyền, vai trò mới của phụ nữ trong xã hội, và khát vọng của người dân muốn có được một nền độc lập quốc gia.
Từ thời của Thông điệp Rerum Novarumgiới lao động nói chung đã tiến bước một đoạn đường khá dài. Bây giờ họ muốn chia sẻ những lợi ích kinh tế và văn hóa của xã hội.
"Trước hết là việc thăng tiến các từng lớp lao động về mặt kinh tế và xã hội. Giới người nầy đã dồn nỗ lực vào việc đòi hỏi quyền lợi kinh tế và xã hội; tiếp đó họ nới rộng những đòi hỏi của họ vào lãnh vực chính trị; và cuối cùng là đi vào quyền được tham dự vào những hình thức sinh hoạt văn hóa. Ngày nay, người lao động của tất cả các nước đều mạnh mẽ đòi phải được nhìn nhận và đối xử, không phải như vật vô tri vô giác , không biết đến tự do, bị sai khiến sử dụng tùy thích, nhưng như là những nhân vị, trong mọi lãnh vực của cuộc sống tập thể: lãnh vực kinh tế - xã hội, văn hoá và chính trị".
Phụ nữ  ý thức hơn về phẩm giá và vai trò của họ trong xã hội.
"Một nhận xét thứ hai cần phải nhận ra: phụ nữ đi vào đời sống xã hội sự kiện đó có thể sớm hơn trong các nước ảnh hưởng văn minh Kitô giáo; trong các truyền thống tôn giáo hoặc văn hóa khác, tình trạng đó chậm hơn, nhưng càng ngày càng lan rộng. Người phụ nữ ý thức hơn về phẩm giá của mình và không còn chấp nhận để người ta xem mình như một dụng cụ; họ đòi phải được đối xử như một nhân vị trong cuộc sống gia đình cũng như trong cộng đồng sinh hoạt xã hội bên ngoài"
Mọi nước mong ước độc lập và không còn chịu cảnh lệ thuộc vào các nước khác hoặc nhóm dân khác.
"Cuối cùng, so với quá khứ gần đây thì nhân loại nay đã thay đổi sâu xa về lối tổ chức xã hội và chính trị. Không còn có dân thống trị và dân bị trị: tất cả các nước đã hoặc đang tạo nên những cộng đồng quốc gia độc lập.
Ngày nay người dân các nước và các lục địa là công dân của một nước tự trị và độc lập, hoặc sắp trở thành như thế. Không ai muốn bị lệ thuộc vào các quyền lực chính trị do từ bên ngoài nước mình hoặc dân mình. Mặc cảm thua kém kéo dài trong nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ nay đã biến mất; mặt khác mặc cảm cha chú phát sinh từ những đặc quyền kinh tế và xã hội, phái tính hoặc hoàn cảnh chính trị cũng giảm đi và có khuynh hướng tiêu mất dần".
Qui chiếu với phần đầu Thông điệp của mình, Đức Gioan XXIII cho rằng những hoàn cảnh mới nầy có thể diễn ra một cách êm thắm nếu người ta biết ý thức về quyền lợi cũng như bổn phận của mình. Tương quan giữa quyền lợi và bổn phận của con người là một trong những điểm quan trọng nơi giáo huấn của Giáo-hoàng, nhấn mạnh về trách nhiệm của mọi người, vượt ra ngoài khuôn khổ của các đặc quyền hoặc đòi hỏi một chiều.
"Thật thế, ngày nay ý niệm về bình đẳng tự nhiên giữa mọi người đã phổ biến rộng rãi. Nên ít nhất về mặt lý thuyết, người ta không còn biện minh cho những hành động kỳ thị chủng tộc. Đấy là một giai đoạn quan trọng trên con đường dẫn đến một cộng đồng nhân loại được thiết lập trên nền tảng của những nguyên tắc mà chúng tôi đã nhắc nhở. Giờ đây song song với việc người ta biết đến quyền lợi của mình, thì như nhất thiết nảy sinh ra ý thức về các nghĩa vụ tương ứng: trước tiên các quyền được hiểu là biểu hiện phẩm giá của mình mà mình có quyền đòi hỏi luôn đi song song, hệ luận đương nhiên đó là việc kẻ khác có nghĩa vụ phải nhìn nhận các quyền ấy và phải tôn trọng.
Và khi các chuẩn mực của cuộc sống chung được nêu lên qua nội dung quyền lợi và bổn phận, thì bấy giờ con người sẽ mở ra với các giá trị siêu nhiên và hiểu được thế nào là chân lý, công lý, tình yêu, tự do; họ sẽ lưu ý về việc mình thuộc về một xã hội được xếp đặt theo trật tự ấy. Hơn thế nữa: họ có điều kiện để nhận biết rõ hơn về Thiên Chúa chân thật, siêu việt và ngôi vị. Bấy giờ các mối liên hệ với Thiên Chúa được con người đón nhận như là nền tảng cho đời sống, đời sống sâu kín được cảm nhận tự đáy lòng, cũng như đời sống trong mối tiếp cận với cộng đồng con người, với tha nhân".
Sau khi trình bày việc cần thiết phải có một quyền hành phổ quát, để đối đầu hữu hiệu với quá nhiều vấn đề có tầm mức thế giới, Đức Giáo-hoàng nhìn nhận vai trò ích lợi mà Tổ-chức Liên Hiệp-quốc (được thành lập năm 1945) đem lại. Một trong những thành quả quan trọng nhất của Liên Hiệp-quốc là Bản Tuyên-ngôn Quốc-tế Nhân-quyền  ngày 10.12.1948. Đức Giáo-hoàng nêu lên một vài dè dặt cần thiết, nhưng nhìn nhận sự tiến bộ quan trọng của Bản Tuyên-ngôn ấy; nó nêu lên nhiều mục tiêu mà Giáo-hội theo đuổi.
"Chúng tôi không thể không biết rằng một số điểm của Bản Tuyên-ngôn nầy đã từng dấy lên nhiều chống đối và làm cớ cho người ta dè dặt. Nhưng, chúng tôi xem bản tuyên ngôn ấy như là một bước tiến đến việc thành lập nên một tổ chức pháp lý chính trị của cộng đồng thế giới. Bản tuyên ngôn long trọng nhìn nhận nhân phẩm của mọi người không phân biệt; xác quyết quyền của mỗi cá nhân trong việc tự do tìm kiếm chân lý, đeo đuổi các chuẩn mực đạo đức, thực thi các nghĩa vụ công bằng, đòi hỏi các điều kiện sống xứng hợp với nhân phẩm, cũng như các quyền khác liên quan với các quyền nầy".
Giáo-hội hy vọng rằng Liên Hiệp-quốc luôn đi sát với các mục tiêu đã đề ra, những mục tiêu mà Giáo-hội luôn hỗ trợ vì sự tiến bộ của toàn thể gia đình nhân loại.
"Do đó, chúng tôi mong Tổ-chức Liên Hiệp-quốc càng ngày càng vận dụng các cơ cấu và phương thế hoạt động của mình một cách thích hợp hơn nữa với tầm mức to lớn và giá trị cao cả nơi sứ mạng của mình. Ước gi Tổ chức nầy sớm bảo đảm được các quyền của con người một cách hữu hiệu: các quyền ấy phát xuất trực tiếp từ phẩm giá tự nhiên, nên có tính cách phổ quát, không thể vi phạm và không thể tương nhượng. Chúng tôi cũng tha thiết cầu chúc  con người ngày nay biết tham gia tích cực hơn vào công việc chung của xứ sở họ, biết lưu ý hơn nữa về các vấn đề có tầm mức thế giới và ý thức sâu sắc hơn về tư cách làm thành viên tích cực của gia đình nhân loại phổ quát".
Khẩn thiết kêu gọi Kitô hữu tham gia vào công cuộc thăng tiến xã hội cho mọi người. Đức tin là cần, nhưng chưa đủ, nếu đức tin ấy không đi kèm với khả năng khoa học.
"Muốn đưa các nguyên tắc lành mạnh vào trong cuộc sống của một nền văn minh và để thúc đẩy nền văn minh ấy thấm  nhuần tinh thần Kitô giáo, con cái chúng tôi đừng nên chỉ biết dừng lại trong sự hiểu biết ánh sáng đức tin và ước muốn suông để cổ võ cho tiện ích. Nhưng cần hiện diện trong các định chế xã hội và tạo ảnh hưởng trên các cơ cấu xã hội ấy từ bên trong.
Văn minh ngày nay nổi bật với những sở đắc của khoa học và kỹ thuật. Nên không cách gì tác động được trên các định chế nếu không hiểu biết về khoa học, không có tài năng kỹ thuật và trình độ nghề nghiệp cao".
Nhưng kiến thức khoa học không đủ để thực hiện tiến bộ chân thật cho nhân loại. Cần có khả năng chức nghiệp và cuộc sốnng siêu nhiên để đạt được hiệu quả.
"Tuy thế cần lưu ý rằng những phẩm chất đó chưa đủ để phát huy đặc tính nhân loại trong các mối tương quan của cuộc sống hằng ngày . Đặc tính đó đòi hỏi phải lấy chân lý làm nền tảng cho các mối liên lạc, lấy công lý làm mực thước, lấy tương ái làm động cơ và lấy tự do làm khung cảnh sống. Người ta chỉ có thể đạt được mục tiêu nầy nếu ân cần lưu ý các điểm sau đây : trước hết, trong sinh hoạt trần thế, phải tuân theo những định luật riêng của mỗi lãnh vực và áp dụng những phương pháp đặc loại của nó; tiếp đó, xử sự theo đúng các mực thước của đạo đức , biết sống như những chủ thể thực thi quyền lợi, hoàn thành bổn phận và thực thi đầy đủ công tác phục vụ của mình. Sau hết, cần tiến hành sinh hoạt của mình như đáp trả trung thành lời dạy của Thiên Chúa, như hợp tác với công trình sáng tạo và như đóng góp phần mình vào việc thực hiện chương trình mà Thiên Chúa quan phòng nơi lịch sử. Nói cách khác, con người phải cảm nghiệm cuộc sống mình như một tổng hợp của nỗ lực khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp với những giá trị tinh thần cao cả nhất".
Thông điệp nghiên cứu thật kỹ về công cuộc hợp tác giữa người công giáo với những người không phải là Kitô hữu trong lãnh vực xã hội. Nó nêu lên nền tảng của luật tự nhiên và kêu gọi người công giáo hợp tác với những người thiện chí khác.
"Những nguyên tắc mà Chúng tôi vừa nêu lên đây có nền tảng nơi chính những yêu sách của bản tính con người, và thường nằm trong lãnh vực của luật tự nhiên. Người công giáo năng khai triển những nguyên tắc như thế để hợp tác bằng nhiều cách, hoặc với những người Kitô hữu tách rời với Toà thánh chúng tôi, hoặc với những người sống ngoài niềm tin Kitô giáo, nhưng tuân giữ mực thước của lý trí và trung thành với đạo lý tự nhiên. "Người công giáo cần cẩn thận trung kiên và không nên chấp nhận một loại thoả hiệp nào có thể làm nguy hại đến sự toàn vẹn của tôn giáo hoặc đạo lý. Nhưng họ đừng đóng kín chỉ biết lo cho lợi ích của mình, mà phải hợp tác chân thành trong mọi điều tốt đẹp tự căn hoặc có thể đem lại những sự tốt lành" 47.
Đừng "bao giờ lẫn lộn sự sai lạc với người vấp phạm điều lầm lẫn", cũng như phải phân biệt giữa các lý thuyết triết học sai lạc với các phong trào xã hội dựa trên các lý thuyết nầy. Đôi khi, các phong trào nầy có thể theo đuổi những mục tiêu xã hội có thể chấp nhận được. Đức Giáo-hoàng nêu lên qui luật mà người công giáo phải tuân theo nếu muốn hợp tác với những người khác trong một xã hội đa nguyên.
"Do đó, một số gặp gỡ trên bình diện thực tiễn, trước đây xem ra không hợp hoặc chẳng ích gì, nay được nhận ra rằng có thể đem lại những lợi ích thực sự hoặc hứa hẹn mang lại kết quả trong tương lai. Còn việc suy xét xem lúc nào thì nên hoặc không nên, và áp dụng các phương cách nào cũng như mức độ phối trí các nỗ lực ở cấp nào trong các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc chính trị hướng đến những mục đích mang lại lợi ích thật sự cho cộng đồng, thì đó là những vấn đề mà giải pháp và việc đánh giá tùy thuộc vào đức tính thận trọng, là khả năng phối trí tất cả các đức lý điều hợp cuộc sống cá nhân và xã hội. Còn đối với người công giáo, quyết định liên quan đến công việc nầy trước hết cần đến những người uy tín nhất trong cơ cấu xã hội, và có khả năng nhất trong lãnh vực liên hệ, miễn sao họ biết trung thành với các nguyên tắc của luật tự nhiên, tuân theo học thuyết xã hội của Giáo-hội và vâng phục những hướng dẫn của giáo quyền. Nên nhớ thêm rằng quyền lợi và bổn phận của Giáo-hội không phải chỉ hạn chế vào việc bảo vệ sự vẹn toàn của tín lý hoặc phong hóa; nhưng quyền uy của Giáo-hội đối với con cái mình còn trải rộng trong cuộc sống trần tục để phán quyết về việc áp dụng tín lý ấy trong các trường hợp cụ thể" 48.

14- Các tài liệu Công-đồng Vaticanô II (1962-1965) 49
Luận giải thần học xã hội về thời đại tân-kỳ

Công-đồng đã tác động mạnh mẽ học thuyết xã-hội của Giáo-hội khi trực diện với thế giới tân-kỳ
Các giám mục, thần học gia và chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia về các ngành khoa học xã hội đã cộng tác nghiên cứu và soạn thảo các tài liệu Công-đồng. Sự kiện nầy giúp cho các tài liệu có một lối tiếp cận vừa thần học, mục vụ, vừa liên ngành và quốc tế. Toàn bộ Công-đồng đi sâu vào nhãn quan mục vụ, điều đó có nghĩa rằng Công-đồng lưu ý đến các nhu cầu siêu nhiên và các hoàn cảnh cụ thể của những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Phần lớn các nội dung trong 16 tài liệu của Công-đồng đều có thể được đưa ra để minh chứng phương pháp đặc trưng nầy, là phương pháp biết gắn liền suy tư thần họcvới việc quan sát cụ thể các điều kiện sinh hoạt của con người ngày nay.
Chúng tôi chọn một số đoạn văn tiêu biểu hơn cả để cho thấy Vaticanô II đã làm cho học thuyết xã hội của Giáo-hội phong phú thêm như thế nào; mục tiêu không hẳn là để bàn luận về bản chất của các vấn đề nhưng đúng hơn là để cho thấy nỗ lực nới rộng và phong phú hóa phương cách đề cập các vấn đề của xã hội tân kỳ. Trong các điểm khác nhau cần nêu lên, có thể nhắc đến quyết tâm truy cứu các xã hội ngày nay theo cái nhìn thần học, kêu gọi đối thoại với thế giới tân kỳ, hợp tác đại kết, vai trò của người giáo dân, sứ mạng phổ quát của Giáo-hội, đòi hỏi phải tìm hiểu không ngừng, gặp gỡ các nền văn hóa, sử dụng truyền thông đại chúng. Phương pháp như thế có thể đánh giá như là nỗ lực suy tư và giáo huấn thần học - xã hội.
Hiến chế về "Giáo-hội trong thế giới ngày nay" được chúng tôi chọn làm tài liệu cơ bản. Tiếp đó chúng tôi cũng trích dẫn các tài liệu công đồng khác nữa.

Gaudium et Spes
Gaudium et Spes, tài liệu công đồng về "Giáo-hội trong thế giới ngày nay" (xem chú thích 49) có tầm quan trọng hàng đầu giúp ta hiểu lối đặt vấn đề hiện nay của Giáo-hội về việc xây dựng một xã hội nhân đạo hơn.
Phần dẫn nhập của Gaudium et Spes (các số 4-10) mô tả hùng hồn và thực tế hoàn cảnh sinh hoạt của con người ngày nay. Lối khảo sát có tính cách phân tích nầy là một cách đặt vấn đê tiêu biểu của Công-đồng, thiết yếu nhằm "đọc các dấu chỉ thời đại và giải thích dưới ánh sáng của Phúc-âm". Phần đầu và phần cuối của Bản-dẫn-nhập cho thấy rõ phương pháp phân tích qui nạp của Công-đồng dẫn đến những giải đáp mà Đức Kitô đã cống hiến.
Trước tiên, cần bén nhạy để đọc được các dấu chỉ thời đại và hiểu được những đổi thay của lịch sử, vừa mang lại tiến bộ, nhưng cũng mang lại những mâu thuẫn văn hóa và tôn giáo.
"Để chu toàn phần vụ ấy, lúc nào Giáo-hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc-âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải biết và hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và  cả tính chất thường là bi thảm của nó. Có thể phác họa một vài nét chính yếu của thế giới ngày nay như sau.
Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những đổi thay và mau chóng đang dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu. Những thay đổi do óc thông minh và nỗ lực sáng tạo của con người khơi dậy, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người, trên cách suy tư và hành động đối với sự vật cũng như con người. Như vậy chúng ta có thể nói đến sự biến đổi đích thực về mặt xã hội cũng như văn hóa, sự biến đổi nầy đang lan tràn tới cả đời sống tôn giáo.
Cũng như bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự biến đổi nầy kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như khi đang bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình. Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình.
Chưa bao giờ nhân loại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, rồi không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay. Đang khi đó, lại thấy sống lại những hình thức nô lệ mới mẻ về mặt xã hội cũng như tâm lý. Trong lúc đang mãnh liệt cảm thấy sự duy nhất cũng như sự kiện tất cả lệ thuộc nhau trong sự liên đới cần thiết, thì thế giới lại bị lôi kéo kịch liệt theo những chiều hướng tương phản do những lực lượng chống đối nhau; thực vậy vẫn còn kéo dài mãi đến ngày nay  những bất đồng trầm trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ, và một cuộc chiến diệt vong vẫn còn đe dọa. Đang khi sự trao đổi tư tưởng phát triển, thì những ngôn ngữ dùng để diễn tả những quan niệm có tầm mức quan trọng lại mang ý nghĩa khác nhau tùy từng ý thức hệ riêng biệt. Sau hết, người ta nỗ lực đi tìm một tổ chức thế trần hoàn hảo hơn, nhưng lại không lo tiến tới sự phát triển tinh thần tương xứng.
Do những hoàn cảnh phức tạp như thế chi phối, rất nhiều người đương thời thấy khó lòng có thể nhận chân được những giá trị trường cửu và đồng thời cũng khó mà hòa hợp những giá trị ấy cho đúng với những phát minh gần đây. Do đó, bị lay động giữa hy vọng và lo âu, băn khoăn về sự xoay chuyển hiện tại của thế giới, họ cảm thấy một nỗi ưu tư. Sự xoay chuyển của thế giới đang thách đố và thúc bách con người tìm câu giả đáp".
Sau phần phân tích xã hội ngày nay, Công-đồng nêu lên những mối căng thẳng mà con người đương thời của chúng ta phải đối đầu; họ ray rứt giữa các khát vọng và thất bại, giữa ước muốn hoàn thành nhân tính mình và nỗi thất vọng không bao giờ tìm được ý nghĩa chân thật của đời sống. Phân tích ấy đưa chúng ta đến mầu nghiệm con người, cần đến Đức Giêsu, Đấng Cứu-độ và là Thầy của lịch sử.
"Thực vậy, những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay được nối liền với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người. Bởi vì, ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau. Vì một đàng, là tạo vật, con người nhận thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương tiện, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy được mời gọi tới những cuộc sống cao cả hơn. Bị lôi kéo giữa nhiều quyến rũ, con người luôn bị bó buộc phải lựa chọn một số hoặc loại bỏ một số khác. Hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, nhiều khi con người làm điều mình không muốn và không làm được điều mình muốn làm 50. Bởi vậy, có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó, sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội. Thật vậy rất nhiều người vì đời sống thâm nhiễm chủ nghĩa duy vật thực hành nên đã không nhìn nhận rõ ràng thảm trạng ấy, hay ít ra vì lối sống cơ cực đè nặng không cho phép họ nghĩ tới nữa. Đàng khác, dựa vào mớ lý thuyết mà họ đã tìm ra để giải thích vũ trụ, nhiều người tưởng như thế là đủ an tâm. Còn có những người chỉ trông vào nỗ lực của con người mới đem lại cho nhân loại sự giải phóng đích thực và trọn vẹn, và họ xác tín rằng sự thống trị mai hậu của con người trên trái đất sẽ làm mãn nguyện mọi ước vọng của con tim nhân loại. Cũng không thiếu những người thất vọng về ý nghĩa cuộc sống lại tán dương những kẻ táo bạo nghĩ rằng sự hiện hữu của con người tự nó không mang một ý nghĩa nào nên họ chỉ biết đến tài năng của mình để tạo nên tất cả ý nghĩa cho sự hiện hữu ấy. Tuy nhiên, trước sự tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người hoặc đặt vấn đề hoặc nhận thức một cách sâu sắc mới mẻ về những vấn đề hết sức căn bản như:  Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng còn tiếp tục tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Bao chiến thắng đạt được với một giá đắt ấy có ích gì? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ tiếp theo sau cuộc sống trần gian nầy?
Giáo-hội tin rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho mọi người 51. Và qua Thánh Thần của Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình. Giáo-hội cũng tin rằng dưới bầu trời nầy chẳng còn danh hiệu nào khác được ban cho loài người để loài người phải nhờ đó mà được cứu rỗi 52. Cũng thế, Giáo-hội tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Đức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo-hội. Hơn nữa, Giáo-hội còn xác nhận rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi nầy là Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi  53Vậy dưới ánh sáng Chúa Kitô, Hình-ảnh của Thiên Chúa vô hình, Trưởng-tử giữa mọi thụ sinh 54, Công-đồng cũng nói với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta".
Qua bản văn gọi là "Học thuyết Kitô giáo về xã hội loài người" (số 23), Thông điệp Gaudium et Spes đọc lại học thuyết xã hội của Giáo-hội, để truy cứu đặc biệt những vấn đề chính của thời đại chúng ta: hôn nhân và gia đình, phát triển văn hóa, cuộc sống kinh tế và xã hội, cộng đồng chính trị, hòa bình và cộng đồng quốc tế.
Để thấy rõ quan niệm của Giáo-hội về thế giới tân kỳ, và vai trò của Giáo-hội trong thế giới đang biến đổi ngày nay, chúng tôi đề nghị đọc lại phần I của chương cuối (các số 40-45), với một chú giải ngắn thêm vào.
Giáo-hội ý thức về bản tính vừa thần thánh vừa con người của mình, tìm cách đối thoại với thế giới ngày nay, "đồng hành với nhân loại", muốn trở thành "men" và là "sinh lực" cho xã hội nhân loại, vì xã hội ấy cần được Đức Kitô canh tân.
"Tất cả những gì chúng ta đã trình bày về phẩm gía con người, về cộng đoàn nhân loại, về ý nghĩa sâu xa của hoạt động nhân loại tạo thành căn bản cho sự tương quan giữa Giáo-hội và thế giới cũng như nền tảng cho cuộc đối thoại giữa đôi bên 55. Bởi vậydựa trên tất cả những gì về mầu nhiệm Giáo-hội mà Công-đồng nầy đã công bố, trong chương nầy sẽ phải đề cập đến chính Giáo-hội ấy, xét như thực tại hiện diện ở thế giới nầy, cùng sống và cùng hoạt động với thế giới ấy.
Phát sinh từ tình yêu Chúa Cha muôn đời 56, do Chúa Kitô là Đấng Cứu-độ thiết lập trong thời gian, được qui tụ trong Chúa Thánh Thần 57, Giáo-hội có mục đích cứu rỗi và cánh chung. Mục đích nầy chỉ có thể thành tựu trọn vẹn trong thời kỳ sẽ đến. Nhưng giờ đây Giáo-hội đã hiện diện trên trái đất nầy rồi, được qui tụ gồm những con người là phần tử của xã hội trần gian; họ được kêu gọi để hợp thành gia đình các con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, ngõ hầu tăng trưởng luôn mãi cho tới khi Chúa đến. Hiệp nhất để nhằm đạt những của cải thiêng liêng, trở nên giàu có vì những của cải ấy, gia đình nầy "như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian" 58, được trang bị "các phương thế thích hợp để kết hợp thành một xã hội hữu hình" 59. Như thế, là "một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng" 60, Giáo-hộiđồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng nhau chia sẻ một số phận trần thế với thế giới; Giáo-hội như men và hồn của xã hội loài người 61sẽ được đổi mới trong Chúa Kitô và biến thành gia đình của Thiên Chúa"
Cần có con mắt đức tin để hiểu "mầu nhiệm của lịch sử nhân loại", bi tội lỗi bầm dập, là nơi mà cõi trời và đất trường kỳ tương tranh.
"Thực ra, sự tương nhập giữa xã hội trần thế và thiên đàng chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Hơn nữa, đó còn là một mầu nhiệm của lịch sử nhân loại, một lịch sử bị tội lỗi xáo trộn cho đến khi vinh quang con cái Thiên Chúa được mạc khải đầy đủ. Tuy nhiên trong khi đeo đuổi mục đích cứu rỗi cá biệt của mình, Giáo-hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giải ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo-hội làm công việc nầy, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩ sâu xa hơn. Như thế, nhờ từng phần tử và tất cả cộng đoàn, Giáo-hội tin tưởng có thể đóng góp nhiều vào việc biến đổi gia đình và lịch sử loài người trở nên nhân đạo hơn".
Những người Kitô hữu khác nữa (nghĩa là không công giáo) có thể đóng góp nhiều vào việc thực hiện phận vụ nầy. Ngay cả thế giới cũng hỗ trợ công cuộc "dọn đường cho Phúc-âm".
"Ngoài ra, Giáo-hội Công-giáo sẵn sàng tán thưởng những việc mà các Giáo-hội Kitô giáo hay các cộng đoàn giáo hội khác đã và còn đang được thực hiện để đóng góp vào việc chu toàn cùng một bổn phận nầy. Đồng thời, Giáo-hội xác tín mạnh mẽ rằng thế giới có thể có nhiều cách góp phần lớn lao vào việc dọn đường cho Phúc-âm bằng tài năng và hoạt động của cá nhân cũng như của xã hội. Sau đây là một vài nguyên tắc tổng quát để phát triển đúng mức mối tương quan và tương trợ trong những phạm vi mà Giáo-hội và thế giới có phần chung nhau".
Giáo-hội đã phục vụ nhiều cho các cá nhân, mang lại một ý nghĩa sống cho con người, cho sinh hoạt và cái chết của nó. Không ai hoàn toàn thờ ơ với tôn giáo. Bước theo Đức Kitô, con người có thể trở nên nhân đạo hơn.
"Con người hiện đại đang trên đường phát triển trọn vẹn nhân cách của mình và càng ngày càng xác định quyền lợi của mình rõ rệt hơn. Được trao phó nhiệm vụ tỏ bày mầu nhiệm của Thiên Chúa, là cứu cánh của con người, Giáo-hội cũng đồng thời tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc đời con người, tức là sự thật thâm sâu về con người. Giáo-hội biết chắc rằng chỉ có Thiên Chúa mà Giáo-hội phụng sự mới đáp ứng được các ước vọng sâu xa nhất của lòng người. Lòng người không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với những của ăn trần thế. Giáo-hội cũng biết rằng con người được Thánh Thần Chúa không ngừng thúc đẩy, sẽ không bao giờ hoàn toàn lãnh đạm trước vấn đề tôn giáo, như kinh nghiệm quá khứ và nhiều chứng tích của thời đại chúng ta minh chứng. Thực vậy, con người luôn luôn khao khát muốn biết, ít là một cách mơ hồ, cuộc sống, hoạt động và cái chết của mình có ý nghĩa gì. Chính sự hiện diện của Giáo-hội nhắc nhở cho con người nhớ đến những vấn đề ấy . Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi, mới giải đáp đầy đủ các vấn đề ấy. Ngài giải đáp bằng cách mạc khải trong Con của Ngài là Chúa Kitô, Đấng đã hóa thân làm người. Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên con người hơn".
Không một luật pháp nào của loài người có thể bảo toàn cho phẩm giá và tự do của nhân vị như Phúc-âm. "Mầu nhiệm cứu độ Kitô giáo" là nền tảng vững chắc để xây dựng một trật tự nhân đạo thật sự và thăng tiến nhân quyền.
"Dựa trên đức tin ấy Giáo-hội có thể cứu gỡ phẩm giá của bản tính con người khỏi mọi trào lưu tư tưởng di động không ngừng giữa sự khinh dể và tôn sùng thái quá đối với thân xác con người. Không một luật lệ nào có thể bảo đảm phẩm vị và tự do con người cách thích đáng bằng Phúc-âm Chúa Kitô, đã được trao phó cho Giáo-hội. Thực vậy, Phúc-âm loan báo và công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa, phủ nhận mọi hình thức nô lệ vì mọi ách nô lệ rốt cuộc đều bởi tội lỗi mà ra 62Phúc âm tôn trọng triệt để phẩm giá và quyết định tự do của lương tâm, lại không ngừng nhắc nhở phát huy mọi tài năng để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người. Sau hết, Phúc-âm còn dạy mọi người phải thương yêu nhau 63. Những điều đó phù hợp với luật căn bản trong nhiệm cuộc cứu rỗi của Kitô giáo. Vì, tuy Thiên Chúa vừa là Đấng Cứu-độ, vừa là Đấng Tạo-dựng, vừa làm Chủ lịch sử nhân loại, vừa làm chủ lịch sử cứu rỗi, nhưng trong chính chương trình của Thiên Chúa, sự tự trị đúng mức của tạo vật và nhất là của con người không hề bị hủy diệt, trái lại còn được phục hồi và củng cố trong phẩm giá riêng.
Vậy, Giáo-hội dựa vào Phúc-âm đã được ủy thác cho mình mà công bố những quyền lợi của con người, nhìn nhận và tôn trọng năng động của thời hiện đại đang cổ võ những quyền lợi ấy khắp nơi. Tuy nhiên, những trào lưu ấy phải được thấm nhuần tinh thần Phúc-âm và phải được bảo vệ cho khỏi nhiễm mọi hình thức tự trị sai lầm. Thực vậy, chúng ta dẽ bị cám dỗ nghĩ rằng các quyền lợi của chúng ta chỉ được duy trì trọn vẹn khi trút bỏ mọi Luật-lệ của Thiên Chúa. Nhưng thực ra, đó là đường lối làm cho phẩm giá con người chẳng những không được duy trì mà còn bị tiêu tan đi".
Giáo-hội đóng góp vào xã hội, công việc đó nằm trong sứ mệnh tôn giáo của mình. Sứ mệnh tôn giáo không trực tiếp liên quan đến trật tự chính trị, kinh tế hoặc xã hội. Tuy nhiên, sứ mệnh tôn giáo có thể giúp thăng tiến và củng cố các cộng đồng con người. Theo phương cách riêng của mình, Giáo-hội tham gia vào nỗ lực tìm kiếm đoàn kết và hợp tác, là những khát vọng đặc trưng của thời đại chúng ta.
Sự thống nhất gia đình nhân loại được củng cố và bổ túc nhiều nhờ sự hiệp nhất của gia đình con cái Chúa đã được thiết lập trong Chúa Kitô 64.
Sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo-hội Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo-hội thuộc phạm vi tôn giáo 65. Nhưng bởi chính sứ mệnh tôn giáo ấy, phát sinh bổn phận, ánh sáng và những sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đoàn nhân loại theo Luật-lệ của Thiên Chúa; cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo-hội có thể và hơn nữa, phải phát động, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục vụ mọi người, nhất là những người cùng khốn, thí dụ như các công cuộc từ thiện hoặc những tổ chức khác tương tự.
Giáo-hội còn nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trong năng động xã hội hiện đại: nhất là sự tiến tới hiệp nhất, tiến trình xã hội hóa lành mạnh và sự liên đới trong phạm vi công quyền và kinh tế. Thực vậy, việc cổ võ hiệp nhất phù hợp với sứ mệnh sâu xa của Giáo-hội, vì chính Giáo-hội ở "trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và cuả sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại" 66. Như thế, chính Giáo-hội bày tỏ cho thế giới biết rằng sự hiệp nhất bên ngoài trong phạm vi xã hội bắt nguồn từ sự hiệp nhất tâm trí, nghĩa là từ đức tin và đức mến, căn bản hiệp nhất bất khả phân ly của Giáo-hội trong Chúa Thánh Thần. Sinh lực mà Giáo-hội có thể chuyển thông cho xã hội nhân loại ngày nay là đức tin và đức mến ấy, được thể hiện trong cuộc sống, chứ không phải do thế lực bên ngoài nào dựa vào những phương thế hoàn toàn nhân loại".
Sứ mệnh của Giáo-hội có tính cách phổ quát, vì thế không trói buộc vào một nền văn hóa hoặc hệ thống xã hội riêng nào. Giáo-hội là mối giây đoàn kết tất cả các nhóm nhân loại; và Giáo-hội đánh giá cao mọi định chế tương hợp với sứ mệnh của mình.
"Hơn nữa, bởi sứ mệnh và bản chất, Giáo-hội không cấu kết với một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù nào, hoặc một chế độ chính trị, kinh tế hay xã hội nào. Nhờ tính cách phổ quát ấy, Giáo-hội có thể là một mối giây liên kết hết sức chặt chẽ giữa các cộng đoàn nhân loại và các quốc gia khác nhau, miễn là các quốc gia và cộng đoàn nhân loại ấy tin tưởng vào Giáo-hội và thực sự nhìn nhận Giáo-hội có quyền tự do đích thực để chu toàn sứ mệnh mình. Vì vậy, Giáo-hội khuyến cáo các con cái mình và hết mọi người: hãy vượt qua mọi tranh chấp giữa các quốc gia, chủng tộc trong tinh thần gia đình con cái Thiên Chúa và củng cố các hiệp hội nhân loại chính đáng".
Công-đồng quí trọng ngưỡng mộ tất cả những gì chân thật, tốt lành và chính đáng trong các tổ chức rất khác biệt mà nhân loại đã và đang không ngừng thành lập cho mình. Công-đồng cũng tuyên bố rằng: Giáo-hội muốn trợ giúp và cổ võ mọi tổ chức ấy trong những gì liên hệ và khả dĩ phù hợp với sứ mệnh của Giáo-hội. Giáo-hội không ao ước gì hơn là được tự do phát triển dưới mọi chế độ để phục vụ lợi ích mọi người, miễn là các chế độ nầy nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người, của gia đình và những đòi hỏi của công ích".
Việc tách rời đức tin và sinh hoạt xã hội là một sai lầm trầm trọng của thời đại chúng ta. Người công giáo phải nổ lực đưa đức tin Kitô giáo vào trong cuộc sống hằng ngày. Hai sai lầm cần phải vất bỏ đi: từ chối chấp nhận trách nhiệm riêng của mình trong đời sống công dân, và chìm đắm trong các sinh hoạt thế tục làm như các sinh hoạt nầy không ăn nhập gì với tôn giáo.
"Công-đồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của hai đô thị, hãy nổ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm. Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải tìm kiếm một quê hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian 67, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình 68. Ngược lại cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ có hệ tại những hành vi phượng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào sổ những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù nầy ngay trong Cựu-ước các Tiên-tri đã mạnh mẽ tố cáo 69 và trong Tân-ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề 70.Vậy không được xem sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội mà đối nghịch cách giả tạo với đời sống tôn giáo. Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi của đời mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất, các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo nầy, mọi sự được qui hướng về vinh danh Thiên Chúa".
Người giáo dân có vai trò đặc biệt là tìm cách "ghi khắc luật Chúa vào trong môi trường trần thế". Giáo sĩ có thể giúp hướng dẫn phần thiêng liêng, nhưng người giáo dân phải tìm ra những giải pháp cụ thể cho các vấn đề thuộc môi trường trần thế.
"Những phận vụ và sinh hoạt trần thế thuộc lãnh vực riêng của Giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ. Vì vậy, khi hoạt động, cá nhân hay đoàn thể, với tư cách công dân trần thế, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành nhưng phải ra sức tự luyện khả năng chuyên môn thực sự trong các lãnh vực ấy. Họ sẽ sẵn lòng hợp tác  với những người cùng theo đuổi những mục đích chung. Nhìn nhận các đòi hỏi và hưởng nhờ sức mạnh của đức tin, khi cần họ không do dự đề nghị và thực hiện những sáng kiến mới. Một khi được đào luyện cách thích hợp, lương tâm họ phải đem luật Chúa thấm nhập cuộc sống của xã hội trần gian. Giáo dân hãy mong đợi ánh sáng và sức mạnh tinh thần nơi các linh mục. Tuy nhiên, họ đừng vì thế mà nghĩ rằng: các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn dể có thể có ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng các chủ chăn vốn có sứ mệnh ấy. Nhưng tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo-hội 71, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình".
Kitô hữu thường đưa ra những giải pháp khác nhau để giải quyết một hoàn cảnh nào đó, sự khác biệt ý kiến đó chính đáng. Nhưng họ đừng đồng hóa quá dễ dàng giải pháp riêng của họ với Phúc-âm hoặc Giáo-quyền.
"Thường thì chính vũ trụ quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn họ chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, có những tín hữu khác , cũng thực tâm, sẽ thẩm định cách khác về cùng một vấn đề, như thường thấy xảy ra; và sự thẩm định đó vẫn được coi là hợp lý như thường. Nhiều người dễ dàng gán ghép với sứ điệp Phúc-âm những giải pháp mà họ đề ra, mặc dù nhiều người ngoài ý muốn của họ. Nhưng nên nhớ trong các trường hợp riêng, không ai được độc quyền dành lấy thẩm quyền của Giáo-hội để biện minh cho lập trường riêng. Phải luôn luôn nỗ lực soi dẫn nhau bằng đối thoại thành thật, bảo toàn tình tương ái và trước hết mưu cầu công ích.
Người giáo dân có những phận vụ tích cực phải chu toàn trong toàn thể đời sống Giáo-hội. Không những họ phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới nhưng còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại".
Các Giám mục liên kết với các linh mục, giáo dân và tu sĩ phải cống hiến một hình ảnh Giáo-hội có khả năng đối thoại với thế giới và cổ võ sự đoàn kết hiệp nhất của gia đình Thiên Chúa. Muốn thế, mọi người cần phải học hỏi kỹ càng, luôn luôn biết thống hối và canh tân.
"Còn các Giám-mục đã được ủy thác và điều hành Giáo-hội Chúa hãy cùng các linh mục của mình rao giảng sứ điệp Chúa Kitô, sao cho mọi hoạt động trần thế của các tín hữu thấm nhuần ánh sáng Phúc-âm. Hơn nữa tất cả các chủ chăn hãy nhớ rằng các Ngài sẽ biểu lộ cho thế giới một khuôn mặt của Giáo-hội qua thái độ và ưu tư hằng ngày của mình 72. Qua khuôn mặt ấy, người ta phán đoán về sức mạnh và chân lý của sứ mệnh Kitô giáo. Bằng đời sống và lời giảng, hợp cùng các tu sĩ và giáo dân của mình, các Ngài hãy minh chứng rằng Giáo-hội, nguyên bằng sự hiện diện và kho tàng ân huệ của mình, đã là nguồn vô tận của những mãnh lực mà thế giới ngày nay rất cần. Các Ngài hãy trao dổi khả năng bằng cách chuyên cần học hỏi sao cho có thể đóng trọn vai trò trách nhiệm của mình trong khi đối thoại với thế giới và những người thuộc bất cứ lập trường nào. Nhưng, trước hết xin các Ngài hãy ghi lòng những lời sau đây của Công-đồng: "Ngày nay, vì nhân loại càng ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các Linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các Giám-mục và Giáo-hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa 73.
Mặc dù Giáo-hội, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn là hiền thê trung tín của Chúa mình và không ngừng là dấu chỉ ơn cứu rỗi trong thế giới, tuy nhiên Giáo-hội biết rõ rằng trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn không thiếu những phần tử trong Giáo-hội 74, giáo dân hoặc tu sĩ, sống bất trung cùng Thánh Thần Chúa. Ngay trong thời đại chúng ta. Giáo-hội không quên sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo-hội công bố và sự yếu đuối nhân loại của những người được giao phó rao giảng Phúc-âm. Dù lịch sử có phê phán thế nào về những khiếm khuyết ấy , chúng ta cũng phải ý thức và mạnh mẽ khử trừ những thiếu sót để khỏi phương hại đến việc rao giảng Phúc-âm. Cũng vậy, trong việc mở rộng tương quan với thế giới, Giáo-hội biết mình phải luôn trưởng thành nhờ kinh nghiệm qua các thế kỷ. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ Giáo-hội không ngừng "khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời trên khuôn mặt Giáo-hội" 75.
Giáo-hội ý thức về tất cả những gì Giáo-hội tiếp nhận nơi thế giới và nơi cuộc tiến hóa của nhân loại: Giáo-hội đã hưởng dụng những khám phá và các tiến bộ của các nền văn hóa khác nhau. Giáo-hội rao truyền Phúc-âm trong mối trao đổi linh hoạt và bổ ích với tất cả các nền văn hóa. Đường lối đó hẳn là qui luật cho một công cuộc truyền bá Phúc-âm.
"Cũng như thế giới cần phải nhìn nhận Giáo-hội như một thực thể xã hội lịch sử, Giáo-hội cũng biết mình đã nhận rất nhiều nơi lịch sử và sự tiến hóa của nhân loại.
Kinh nghiệm của những thế kỷ đã qua, tiến bộ của khoa học, các kho tàng hàm chứa trong những hình thức văn hóa nhân loại khác nhau, biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính con người và mở ra những con đường mới dẫn đến chân lý: tất cả những điều ấy đều hữu ích cho Giáo-hội. Thực vậy, chính Giáo-hội ngay từ buổi đầu của lịch sử mình đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa Giáo-hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy. Làm như thế nhằm thích nghi Phúc-âm, trong mức độ có thể, với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết. Rao giảng lời mạc khải cách thích nghi như vậy còn phải là luật lệ cho mọi công cuộc truyền giáo, bởi vì có như vậy mới khơi dậy trong mọi quốc gia khả năng diễn tả sứ điệp Chúa Kitô theo lối riêng của mình và đồng thời mới cổ võ được sự trao đổi linh động giữa Giáo-hội và những nền văn hóa khác nhau của các dân tộc" 76.
Trong một thế giới không ngừng thay đổi, Giáo-hội cần sự đóng góp của các chuyên gia để biết các định chế và tâm thức người ta. Các vị chủ chăn và các nhà thần học phải biết lắng nghe những ý kiến của họ và giải thíchtheo ánh sáng Phúc-âm.
"Để xúc tiến những cuộc trao đổi như thế, nhất là trong thời đại chúng ta, thời mà sự vật biến đổi rất nhanh và lối suy tư rất nhiều khác biệt, Giáo-hội đặc biệt cần đến sự đóng góp của những người sống trong thế giới và biết rõ các tổ chức  và bộ môn khác nhau, cũng như thấu triệt tinh thần các tổ chức và bộ môn đó, dù họ có đức tin hay không. Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đón nghe, phân biệt và giải thích các tiếng nói của thời đại, rồi phán đoán dưới ánh sáng lời Chúa để Chân-lý mạc khải luôn được thấu triệt, được hiểu rõ và trình bày cách thích hợp hơn"
Trong sinh hoạt còn lệ thuộc thế giới bên ngoài, Giáo-hội sẽ phong phú hơn nữa nhờ vào sự phát triển của cộng đồng nhân loại ở mọi cấp độ.
"Giáo hội có một cơ cấu xã hội hữu hình, dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, nên Giáo-hội cũng có thể được giàu có thêm và thực sự đang được giàu có thêm nhờ sự tiến hóa của cuộc sống xã hội nhân loại, không phải định chế do Chúa Kitô ban cho Giáo-hội như thiếu một điều gì, nhưng là để định chế đó được hiểu biết sâu xa hơn, được diễn tả trung thực hơn và được thích nghi hoàn hảo hơn với thời đại chúng ta. Với lòng biết ơn, Giáo-hội nhận thấy rằng Giáo-hội đã được nhiều người thuộc mọi giai cấp và hoàn cảnh giúp đỡ nhiều cách cho chính cộng đoàn cũng như cho từng con cái mình. Qủa thực, tất cả những ai phát triển cộng đoàn nhân loại trong phạm vi gia đình, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị và trên bình diện quốc gia, cũng như quốc tế, đều trợ giúp không ít cho cộng đoàn Giáo-hội, theo như ý định của Thiên Chúa, trong mức độ Giáo-hội lệ thuộc những yếu tố bên ngoài. Hơn nữa, Giáo-hội còn nhìn nhận rằng chính sự chống đối của những kẻ công kích hay bách hại Giáo-hội đã và đang còn có thể giúp ích cho Giáo-hội" 77
Giáo hội có mang lợi ích cho thế giới hay Giáo-hội có tiếp thu những điều hay nơi trần thế, thì mục tiêu duy nhất của Giáo-hội vẫn là Nước Chúa.
Khi rao truyền Chúa Giêsu Kitô là điểm khởi đầu và cứu cánh của lịch sử con người, Giáo-hội hoán cải xã hội con người, là "bí tích phổ quát của ơn cứu độ".
"Khi trao đổi với thế giới qua những sự giúp đỡ hỗ tương, Giáo-hội nhằm một mục đích duy nhất là: làm cho nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà dân Chúa trong thời gian hành trình tại thế có thể đem lại cho gia đình nhân loại đều phát xuất từ sự kiện nầy: Giáo-hội là "bí tích phổ quát cứu rỗi" 78, tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người.
Quả thực, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã làm người, là con người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và kết thân vạn vật nơi Người. Chúa là cung đích của lịch sử nhân loại, là điểm qui tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khao khát 79. Chính Người là Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được sống động và tụ họp trong Thánh Thần Ngài, chúng ta đang hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, phù hợp với ý định yêu thương của Ngài: "Kết thâu tất cả trong Chúa Kitô: mọi sự trên trời dưới đất" (Eph. 1, 10).
Chính Chúa đã nói: "Vậy tiền công của ta sẵn đây rồi, nầy ta đến gấp mà trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Ta là Alpha và Omega, thứ nhất và sau chót, nguyên thủy và cứu cánh" (Kh. 22, 12-13).
Một trong những ưu tư quan trọng nhất của Công-đồng Vaticanô II là việc cần thiết thúc đẩy Giáo-hội: gặp gỡ các nền văn hóa ngày nay. Thông điệp Gaudium Et Spes đào sâu vấn đề nầy  (các số 53-62). Phần cuối của chương ấy trực tiếp nói đến đề tài chúng ta nhắc đến, vì nó minh định sự tiếp cận của Giáo-hội với các nền văn hóa hiện đại.
Giữa Kitô giáo và các nền văn hóa có thể có những mối căng thẳng. Ngày nay, nhiều vấn đề mới xuất hiện, tiếp theo các công trình nghiên cứu hoặc tiến hóa trong khoa học. Các nhà thần học khẩn thiết phải tìm biết xem những khám phá của các ngành khoa học trần tục có thể mang lại lợi ích nào cho đức tin. Ngành tâm lý học và xã hội học có thể có những đóng góp hữu ích.
"Mặc dù Giáo-hội đã đóng góp nhiều vào sự phát triển văn hóa, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, vì những lý do nhất thời mà sự phối hợp giữa văn hóa và Kitô giáo không phải lúc nào cũng diễn tiến mà không gặp trở ngại.
Những trở ngại nầy không nhất thiết làm tổn thương đời sống đức tin, trái lại, còn có thể thúc đẩy lý trí tìm hiểu đức tin một cách chính xác và sâu rộng hơn. Thực thế, những cuộc nghiên cứu và những phát sinh gần đây của khoa học cũng như của sử học  và triết học khơi lên những vấn đề mới liên hệ đến chính cuộc sống. Chúng đòi hỏi các nhà thần học vẫn phải tìm tòi những nghiên cứu mới nữa. Do đó, khi trung thành với những phương pháp và đòi hỏi riêng biệt của khoa thần học, các nhà thần học được mời gọi luôn tìm kiếm một phương thức thích ứng hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời: vì một đàng là kho tàng đức tin các chân lý, một đàng là phương thức diễn đạt kho tàng đó miễn sao giữ vững đúng ý nghĩa và nội dung 79. Trong phạm vi mục vụ phải thấu triệt và áp dụng không những các nguyên tắc thần học, nhưng cả những phát minh của các khoa học "đời", nhất là khoa tâm lý và xã hội học. Như thế, các tín hữu cũng sẽ nuôi dưỡng được một đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn".
Những hình thức mới của nghệ thuật và văn chương cần phải được học biết và giải thích như là những phương tiện có thể thăng hoa đời sống con người.
"Văn chương và nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo-hội. Thực thế, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn tả đặc tính riêng của con người cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người trong nỗ lực nhận biết và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng cố gắng khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, phơi bày những đau khổ và vui mừng, những nhu cầu và nghị lực của con người, lại cố gắng phác họa một vận hội khả quan hơn cho con người. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời và từng miền khác nhau.
Vậy nên, cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo-hội đang lưu tâm đến hoạt động của họ và một khi được hưởng tự do đúng mức , họ có thể trao đổi với cộng đoàn Kitô hữu dễ dàng hơn. Giáo-hội cũng phải công nhận những hình thức nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta ,tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đem vào nơi phượng tự những hình thức mới nầy , một khi với lối diễn tả thích nghi và phù hợp với phụng tự, chúng giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa 80.
Mọi người Kitô hữu đều được kêu gọi để hành động gắn bó với người cùng thời, cố thấu hiểu tâm thức của họ, biết hưởng dụng những kết quả của khoa học và kỹ thuật trong tinh thần Kitô giáo.
"Bởi vậy, các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa riêng của họ. Các tín hữu phải phối hợp những kiến thức  khoa học và học thuyết mới cũng như những phát minh mới mẻ với nền luân lý và giáo lý Kitô giáo. Nhờ đó, đời sống đạo và tâm hồn chính trực  của họ vươn lên song hành với kiến thức khoa học và kỹ thuật mỗi ngày một tiến bộ. Như vậy, họ có thể nhận định và giải thích mọi sự với lối cảm nghĩ hoàn toàn Kitô giáo".
Các nghiên cứu thần học cần mở rộng ra các ngành khác. Công việc đó giúp đào tạo kiến thức về đức tin và tạo thuận lợi cho việc đào tạo con người có khả năng triển khai một lối nghiên cứu tự do và dấn thân phục vụ xã hội với tư cách Kitô hữu.
"Những vị chuyên khoa thần học  trong các Chủng-viện và Đại-học nên cố gắng đem năng lực và quan điểm cộng tác với những người am tường các khoa học khác . Đồng thời, công cuộc nghiên cứu  thần học nhằm đào sâu chân lý mạc khải không được khinh thường mối liên hệ của thần học đối vời thời đại của mình. Có vậy, các nhà thần học mới có thể giúp những nhà chuyên môn trong các bộ môn khác hiểu biết đức tin đầy đủ hơn. Những công cuộc hợp tác nầy  sẽ giúp ích nhiều cho việc đào tạo các thừa tác viên có chức vụ thánh. Họ có thể dẫn giải giáo lý về Thiên Chúa, về con người và thế giới một cách thích hợp với thời đại chúng ta hơn; nhờ đó, lời họ giảng cũng được đón nhận dễ dàng hơn 81. Mong cho có nhiều giáo dân được huấn luyện thích đáng về các khoa học thánh, và ước sao một số chuyên tâm học hỏi và đào sâu những môn học nầy. Tuy nhiên, để họ có thể làm tròn bổn phận của mình, cần phải thừa nhận cho tín hữu hoặc giáo sĩ hoặc giáo dân một dự tự do đầy đủ để nghiên cứu, suy tư, cũng như để khiêm tốn và can đảm trình bày quan điểm trong lãnh vực chuyên môn của họ" 82.

Inter Mirifica
Trong tài liệu Inter Mirifica 83 Công-đồng nhìn nhận tác động của truyền thông đại chúng trên các xã hội và các nền văn hóa. Do đó, người công giáo cần ý thức trách nhiệm để biết kiểm thảo, phê phán, và phát huy tài năng sáng tác  của mình trong các lãnh vực nầy. Muốn được như thế, cần phải đẩy mạnh việc đào tạo chuyên biệt, theo tinh thần Kitô giáo, và lưu ý đến Học-thuyết Xã-hội Công-giáo.
"Để đáp ứng nhu cầu vừa trình bày, phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện nầy vào mục đích tông đồ.
Trước hết phải huấn luyện giáo dân vững chắc về giáo thuyết và phong hóa, bằng cách tăng thêm số trường học , phân khoa và học viện, để các nhà báo, nhà soạn phim ảnh, soạn chương trình phát thanh phát hình, và những người liên hệ, có thể được huấn luyện đầy đủ, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhất là học thuyết xã hội. Cũng phải huấn luyện và giúp đỡ các diễn viên để họ dùng tài năng mình mà giúp ích cho xã hội nhân loại một cách thích hợp. Sau cùng phải tận tâm chuẩn bị các nhà phê bình văn chương, phim ảnh, phát thanh, phát hình v.v... để mỗi người hoàn toàn thấu triệt nghề nghiệp của mình; lại phải chỉ dạy và khuyến khích họ đưa ra những nhận định luôn nhấn mạnh đúng mức khía cạnh luân lý".

Unitatis Redintegratio
Trong sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redintegratio 84, Công-đồng kêu gọi tất cả Kitô hữu cùng nhau hành động để cổ võ công bằng xã hội và tiến bộ của các ngành nghệ thuật và khoa học. Động cơ thúc đẩy họ là phải "áp dụng phúc âm vào xã hội". Ngày nay, những vấn đề xã hội quá phức tạp và khẩn trương, đòi hỏi sự hợp tác  của mọi người. Kitô hữu lại còn có lý do riêng để cổ võ một lối dấn thân xã hội dưới hình thức hợp tác đại kết.
"Trước mặt muôn dân, toàn thể Kitô hữu hãy tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, vào Con Thiên Chúa nhập thể, cứu thế và là Chúa chúng ta; và trong sự tôn trọng lẫn nhau, hãy cùng nỗ lực làm chứng cho niềm trông cậy của chúng ta , niềm trông cậy không bao giờ luống công. Vì ngày nay sự hợp tác trong các hoạt động xã hội đang được thiết lập rộng rãi, nên hết mọi người đều được kêu gọi để chung lưng làm việc, huống chi những người tin nơi Chúa nhất là các Kitô hữu, vì họ đã được mang danh Chúa Kitô. Sự hợp tác của tất cả Kitô hữu nói lên cách hùng hồn tình liên kết đang thắt chặt họ lại với nhau và biểu dương khuôn mặt của Chúa Kitô Đầy-tớ cách rực rỡ hơn. Sự hợp tác nầy đã được thiết lập trong nhiều quốc gia và cần được cải thiện thêm mãi, nhất là trong những vùng tiến bộ về mặt xã hội cũng như kỹ thuật bằng cách làm cho nhân phẩm được tôn trọng đúng mức, bằng cách cổ võ hòa bình hoặc nỗ lực áp dụng Phúc-âm vào đời sống xã hội, bằng cách phát triển khoa học và nghệ thuật trong tinh thần Kitô giáo,. bằng cách áp dụng đủ loại phương dược chống các khổ nạn của thời đại chúng ta, như nạn đói ăn, thiên tai, mù chữ, nghèo túng, vô gia cư, bất bình đẳng trong việc phân phối phẩm vật. Nhờ sự cộng tác ấy, tất cả mọi kẻ tin vào Chúa Kitô có thể dễ dàng học hỏi cho biết cách tìm hiểu, tôn trọng nhau hơn và dọn đường tiến tới hiệp nhất các Kitô hữu".
Apostolicam Actuositatem
Trong tài liệu về vai trò của người giáo dân Apostolicam Actuositatem 85, Công-đồng Vaticanô II mô tả việc đào tạo mà nhiều hình thức hoạt động tông đồ đòi hỏi: để rao truyền phúc âm, để hành động trong lãnh vực xã hội, để làm công tác bác ái.
Khả năng đối thoại cần thiết cho việc loan truyền sứ điệp Chúa Kitô cho người tin cũng như không tin.
Đối với việc tông đồ nhằm rao truyền Phúc-âm và thánh hóa mọi người, người giáo dân phải được huấn luyện đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, với những người có đức tin hay với những người không tin, để bày tỏ sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người 86.
Vì ở thời đại chúng ta, duy vật chủ nghĩa dưới mọi hình thức đang lan tràn khắp nơi, ngay cả giữa những người công giáo, nên người công giáo không những phải chuyên cần học hỏi giáo lý công giáo, đặc biệt là những vấn đề đang được đem ra tranh luận, mà họ còn phải làm chứng bằng đời sống Phúc-âm để chống lại với bất cứ hình thức duy vật chủ nghĩa nào".
Cần có một lối đào tạo đặc biệt để hoạt động trong lãnh vực trần thế. Phương thức hoạt động phải bắt nguồn từ hứng khởi và tinh thần của "Giáo huấn đạo đức và xã hội của Giáo-hội".
Mọi người có thể đóng góp vào sự tiến bộ của giáo huấn xã hội nằy. Đây là một trong những đoạn hiếm hoi minh nhiên nhắc đến học thuyết xã hội của Giáo-hội, mặc dù Công-đồng đề cập đề tài nầy bằng nhiều lối nói khác, đặc biệt trong Gaudium et Spes. Hiến chế nầy đã đào sâu các mối liên hệ giữa Giáo-hội và trần thế.
"Về việc cải tạo trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo, người giáo dân phải được học hỏi về ý nghĩa đích thực và những gía trị của những của cải trần gian, hoặc căn cứ ở chính những của cải ấy , hoặc căn cứ vào liên lạc giữa chúng với mọi mục đích của con người. Họ cũng phải được tập luyện để sử dụng đúng những của cải trần thế  và biết tổ chức các cơ cấu, mà vẫn luôn luôn để ý đến công ích theo những nguyên tắc của học thuyết luân lý và xã hội của Giáo-hội, nhất là giáo dân phải lãnh hội những nguyên tắc và những áp dụng của học thuyết xã hội nầy để có khả năng không những góp phần vào việc phát triển học thuyết đó mà còn áp dụng đứng đắn học thuyết đó vào từng trường hợp cá biệt 87.
Vì những công cuộc bác ái và từ thiện là một bằng chứng hùng hồn về đời sống Kitô giáo, nên việc huấn luyện tông đồ cũng cần phải khuyến khích thực hiện những công cuộc đó, để các đồ đệ của Chúa Kitô, ngay từ thiếu thời, đã biết chia sẻ nỗi đau khổ của người anh em mình và rộng lòng giúp đỡ những người anh em thiếu thốn"88.
(Các trích dẫn Tài-liệu Công-đồng Vaticanô II của Chưong 14 nầy lấy lại bản dịch của Giáo-hoàng Học-viện Piô X  Đà Lạt - Việt Nam - xuất bản năm 1972)
15- Phaolô VI , Populorum Progressio (1967) 89

Phát triển toàn diện con người nơi mọi dân tộc

Phát triển là thách đố lớn lao của thời hiện đại, và Giáo hội nhấn mạnh chiều kích văn hóa và   tôn giáo của việc phát triển con người toàn diện và cho mọi người.
Trong cuốn I tập sách này, chúng tôi đã có dịp nêu lên tầm quan trọng có tính cách lịch sử của Thông-điệpPopulorum Progressio (1967) do Đức Phalô VI công bố. Thông điệp này nâng giáo huấn của Giáo-hội về mặt xã hội lên chiều kích thế giới. Khát vọng chung của các dân tộc hiện nay hướng đến phát triển là thách đố mới cho suy tư và hành động Kytô giáo. Đức Phaolô VI ít khi dùng thành ngữ "học thuyết xã hội của Giáo-hội", nhưng Ngài lại mở ra những viễn ảnh mới, những cách nhìn mới cho học thuyết của Giáo-hội liên quan đến những hoàn cảnh mới của thế giới.
Sự kiện quan trọng nhất đáng lưu ý là các vấn đề xã hội đã mang một chiều kích thế giới. Từ nay việc phân tích sự kiện như thế phải được xem như điểm khởi phát để nghiên cứu, đúng như Công đồng Vaticanô II đã từng đề nghị.
"Ngày nay, sự kiện hệ trọng mà mỗi người phải ý thức đó là vấn đề xã hội đã trở thành thế giới. Đức Gioan XXIII đã khẳng định rõ ràng như thế  90, và Công đồng đã phản ảnh quan điểm đó qua Hiến Chế mục vụ về "Giáo-hội trong thế giới ngày nay" 91. Giáo huấn ấy quan hệ và cần phải áp dụng khẩn cấp. Ngày nay các dân tộc nghèo kêu gọi đến các dân giàu một cách bi thương. Giáo hội giật mình trước tiếng la hoảng đầy khắc khoải này, và kêu gọi mọi người hãy đáp trả lời cầu cứu của anh em mình với lòng yêu thương"
Những gì Đức Giáo Hoàng Phaolô VI từng tự thân chứng kiến trong các chuyến công du của Ngài tại các nước đang phát triển và tại Liên Hiệp-quốc đã giúp cho Ngài suy tư và nói đến các vấn đề phát triển.
"Trước khi lên ngôi Giáo-hoàng, hai chuyến đi Mỹ châu La tinh (1960) và Phi châu (1962) đã cho phép Chúng tôi  trực tiếp chứng kiến những vấn đề đau xót đang bóp nghẹt những lục địa đầy sức sống và hy vọng. Qua các chuyến công du mới đây ở Đất-thánh và Ấn độ trong cương vị Giáo-chủ, Chúng tôi đã thấy được tận mắt và như sờ đụng đến những khó khăn nghiêm trọng bủa vây các dân tộc có nền văn minh từ nghìn xưa trước vấn đề phát triển. Và vào thời gian Công đồng Vaticanô II họp tại Roma, thì những hoàn cảnh do Thiên Chúa quan phòng tiên liệu đã cho phép Chúng tôi trực tiếp lên tiếng tại Đại-hội-đồng Liên Hiệp-quốc: Chúng tôi đã đứng ra làm người bênh vực cho các dân tộc nghèo trước cử tọa lớn lao này".
Hoàn cảnh bi thương của các nước nghèo, các hố cách biệt không thể chịu nổi giữa người giàu và người nghèo, khát vọng của mọi người hướng đến phát triển, đó là những thách đố thúc đẩy người đương thời dấn thân cổ súy các bổn phận thực thi công lý. Lối diễn tả ở đây của Đức Phaolô VI cho thấy lối nhìn sát với thực tế xã hội của Ngài: Lối tiếp cận qui nạp. Ngài đi từ các nhu cầu và khát vọng của các dân tộc để đưa ra những giải đáp mà Kitô hữu đề nghị.
"Thoát khỏi cảnh túng cực, có đủ lương thực, sức khỏe, một việc làm ổn định hơn; tham gia nhiều hơn vào các trách vụ xã hội, không bị mọi áp bức, mọi hoàn cảnh nhục mạ nhân phẩm;  được học biết, đầy đủ hơn; tóm lại, được làm, được biết và có nhiều hơn, để được làm người xứng với nhân phẩm mình hơn: đó là khát vọng con người ngày nay. Thế nhưng một số lớn trong họ bị buộc phải sống trong những hoàn cảnh mà ước muốn chính đáng ấy chỉ là ảo vọng. Ngoài ra, một số dân tộc vừa mới lấy lại được nền độc lập không những chỉ bằng lòng với sự tự do chính trị này mà còn có nhu cầu tự túc phát triển xứng hợp với phong cách của một quốc gia về mặt xã hội cũng như về mặt kinh tế. Có được như thế thì người công dân của họ mới bảo đảm được tình trạng thăng tiến toàn diện và có được vị thế riêng của mình trong cộng đồng các nước".
Giáo huấn của Giáo-hội liên quan đến các lãnh vực này đã từng được các vị truyền giáo tô bồi qua những công tác phục vụ phát triển song song với sứ mệnh truyền bá Phúc-âm của họ.
"Giáo-hội trung thành với giáo huấn và gương lành của Đấng sáng lập, Con Thiên Chúa, Đấng đã dạy "loan báo Tin-mừng cho người nghèo khó" như là dấu chỉ của sứ mệnh mình 92, nên không bao giờ chểnh mảng công việc cổ võ thăng tiến các dân tộc mà mình loan truyền Đức Tin vào Đức Kitô. Các vị truyền giáo không những đã làm các nhà thờ, mà còn xây dựng các dưỡng đường và bệnh viện, các trường học và các đại học. Họ giúp người dân địa phương biết tận dụng các tài nguyên thiên nhiên và thường bảo vệ dân chúng khỏi mắc vào bẫy của người ngoại quốc tham lam. Chắc hẳn việc làm của họ, vì mang thân phận con người, nên không phải bao giờ cũng hoàn hảo; và một vài vị đôi khi có thể chung lộn các lối suy nghĩ và lối sống của nước bổn quốc của mình với nỗ lực loan báo sứ điệp chân thực của Phúc-âm. Nhưng họ cũng biết trau dồi kiến thức về các định chế địa phương và cổ võ cho các định chế đó. Trong nhiều vùng, họ là thành phần trong lớp người tiên phong đẩy mạnh tiến bộ vật chất cũng như phát huy văn hóa. Chỉ cần nhắc lại gương của Cha Charles de Foucauld; qua công việc bác ái của Ngài, Ngài đáng được gọi là "người anh em của mọi người"; chính Ngài đã từng viết một cuốn tự điển quí giá về tiếng "touareg". Chúng tôi phải vinh danh các vị tiên phong, lao mình thực hiện bác ái của Chúa Kitô như thế, vì họ thường bị lãng quên. Ngày nay, không thiếu những người chen chân tiếp nối bước đường của họ để phục vụ những người mà họ mang Tin-mừng đến, với cả tấm lòng vị tha".
Cần có một nền nhân bản mới, có thể mở ra được để tiếp nhận các giá trị siêu nhiên. Đức Phaolô nhấn mạnh đến văn hóa trong giáo huấn của Ngài.
"Cần cổ võ một nền nhân bản toàn diện 93. Nói thế nghĩa là gì? Nghĩa là phát triển toàn diện các chiều kích của con người và cho mọi người. Một nền nhân bản đóng kín, đui điếc trước những giá trị tinh thần và xa lạ với Thiên Chúa là nguồn các giá trị ấy, nay xem ra như đã thắng thế. Đã hẳn con người có thể tổ chức công việc trần thế bất chấp Thượng Đế, nhưng "không có Thượng Đế thì kỳ cùng chỉ còn việc tổ chức để chống lại con người. Một nền nhân bản cố chấp như vậy là một nền nhân bản vô nhân" 94. Do đó, một nền nhân bản chân thật phải là nền nhân bản biết mở ra tuyệt đối, đem lại một ý nghĩa thực sự cho cuộc sống con người. Con người không phải là thước đo tối hậu của các giá trị, nhưng con người thực hiện chân tánh của mình bằng cách vượt lên chính mình. Lời nói của Pascal ở đây thật đáng lưu ý: "Con người vượt lên trên con người, vô cùng vô tận" 95.
Ngài nhắc đến vai trò và tài năng của các chuyên gia trong lãnh vực phát triển đồng thời nêu lên những đòi hỏi về mặt đạo đức và văn hóa:
"Chúng tôi hân hoan chứng kiến việc các định chế quốc tế hoặc các tổ chức song phương giữa hai quốc gia hoặc giữa các cơ quan tư, đã gửi các chuyên viên công tác về phát triển: "Họ đừng điều hành công việc như kiểu làm thầy làm cha thiên hạ, nhưng như những người phụ tá hoặc cộng tác viên" 96. Dân chúng sớm nhận ra việc họ đến để giúp đỡ với lòng ưu ái hay chả có tâm tình gì; họ đến chỉ để lo áp dụng các kỹ thuật chuyên môn hay đến để trao hết toàn bộ giá trị đời mình cho kẻ khác. Sứ điệp của họ dễ bị từ khước, nếu họ không mặc lấy tâm tình "tứ hải giai huynh đệ".
Khả năng chuyên môn là cần, nhưng phải biết cư xử chân thành phát xuất từ tấm lòng yêu thương vô vị lợi. Các chuyên gia cần tập hợp làm việc sát cánh với mọi người, dẹp bỏ mọi vướng mắc của mạc cảm trương tôn quốc gia cũng như những thái độ kỳ thị chủng tộc. Họ nhớ là khả năng của họ không làm cho họ trên trước kẻ khác trong mọi địa hạt. Văn minh đào tạo nên họ hẳn nhiên có những yếu tố về một nền nhân bản phổ quát, nhưng nền văn minh ấy không phải là duy nhất và độc tôn, và cũng không thể nhập cảng vào địa phương nơi họ phục vụ mà không cần đến những điều kiện hội nhập cần thiết. Nhân viên phục vụ trong công tác này nên khám phá lịch sử, những nội dung phong phú của nền văn hóa của xứ tiếp nhận họ. Mối liên lạc, tiếp xúc này nối kết và tài bồi cho các nền văn minh".
Các nhà tư tưởng và giới trí thức, trong cộng đồng các tôn giáo và các người thiện tâm thiện chí, đóng một vai trò quan trọng.
"Và nếu thực sự thế giới đang bịnh vì thiếu tư tưởng, thì chúng tôi xin nói với các nhà tư tưởng và các hiền nhân công giáo, là những người tôn thờ Thiên Chúa, với các người khát khao tuyệt đối, công lý và sự thật, mọi người thành tâm thiện chí. Chúng tôi bước đi theo Chúa Kitô và dám khẩn khoản yêu cầu các vị: "Hãy tìm, các vị sẽ gặp" 97, hãy giúp nhau tìm hiểu, hãy đào sâu kiến thức, hãy nới rộng tâm hồn để mở lối cho một cuộc sống huynh đệ hơn trong một cộng đồng nhân loại phổ quát thực sự."
Đức Phaolô VI giải thích tại sao sự hợp tác quốc tế lại dẫn đưa thế giới đến một uy quyền siêu quốc gia.
"Hợp tác quốc tế có tầm mức thế giới đòi hỏi những định chế nhằm chuẩn bị, phối hợp và điều hành sinh hoạt này; và rồi phải thành lập nên một trật tự pháp lý được mọi người nhìn nhận. Chúng tôi hết lòng khích lệ các tổ chức đã tiến hành nỗ lực cộng tác cho việc phát triển, và cầu mong cho uy thế của họ gia tăng. Chúng tôi đã từng lên tiếng với các đại biểu của Liên Hợp Quốc tại Nữu Ước như sau: "Phận vụ của quý Ngài là phát huy tình huynh đệ cho mọi dân tộc, chứ không phải một vài dân tộc mà thôi (...). Ai lại không thấy sự cần thiết phải xây dựng dần hồi một quyền uy ở tầm mức thế giới nhằm hành động hữu hiệu trên mặt pháp lý và chính trị?" 98.

16- Phaolô VI,  Octogesima Adveniens (1971) 99
Những cộng đồng Kitô hữu mang trách nhiệm xây dựng tương lai của thế giới chúng ta.

Học thuyết xã hội của Giáo hội cống hiến những nguyên tắc hành động và kêu gọi các cộng đồng Kitô hữu biết sáng tạo và mang trách nhiệm tìm kiếm các giải pháp cụ thể.

Tông thư nầy của Đức Phaolô VI được công bố nhân dịp kỷ niệm 80 năm của thông điệp Rerum Novarum.Tài liệu chủ yếu cập nhật giáo huấn của Giáo-hội  liên quan đến các vấn đề đang xảy ra và những ý hệ mới. Trong số những vấn đề mới này, Đức Giáo-hoàng lưu ý phân tích những nội dung liên quan đến tình trạng đô thị hóa, xã hội tiêu thụ, hoàn cảnh của giới trẻ, vai trò phụ nữ, kỳ thị chủng tộc, tăng gia dân số như bùng nổ, truyền thông xã hội, các vấn đề môi sinh. Ngài cũng không quên nêu lên những khuynh hướng mới: khát vọng mạnh mẽ hơn trong việc đòi hỏi bình đẳng và tham gia vào đời sống xã hội, biến đổi của chủ nghĩa Mác xít và cái ý hệ tự do, sự cần thiết của công cuộc phát triển toàn diện cho mọi người.
Giáo huấn của Giáo-hoàng chiếu giải một ánh sáng mới trên hoàn cảnh sống của nhân loại do xã hội tân kỳ tạo ra. Các vấn đề phức tạp và mới mẻ đòi hỏi một nỗ lực thích ứng của giáo huấn của Giáo-hội.
Trước hết, Giáo-hội khó đưa ra một giải pháp duy nhất thích ứng cho mọi hoàn cảnh. Đức Giáo-hoàng không có ý nêu lên giải pháp ấy. Các cộng đồng Kitô hữu cần tự mình nghiên cứu và áp dụng lời Phúc-âm vào hoàn cảnh cụ thể, hiệp thông với Giáo hội và hợp tác với mọi người thiện chí. Giáo huấn xã hội của Giáo-hội cống hiến những đường hướng để hành động.
"Trước những tình hình đa biệt như thế, chúng tôi khó đưa ra một lời nói duy nhất, cũng như đưa ra một giải pháp có giá trị chung. Đó không phải là mục đích và ngay cả sứ mệnh của chúng tôi. Các cộng đồng Kitô hữu cần phân tích một cách khách quan hoàn cảnh riêng của mỗi nước, lấy lời chân thật của nguồn suối Phúc-âm để soi dọi, dựa vào những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán và hướng dẫn hành động trong giáo huấn xã hội của Giáo-hội đã được hình thành qua lịch sử và nhất là qua sứ điệp của Đức Lêô XIII về "hoàn cảnh sống giới thợ thuyền" mà chúng tôi lấy làm vinh dự và hân hoan kỷ niệm hôm nay. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, hiệp thông với các Giám mục hữu trách, đối thoại với những anh em Kitô hữu khác và với mọi người thiện chí, các cộng đồng Kitô hữu nầy phải cân nhắc những đường lối và có các quyết định thích hợp để thực hiện những cải cách xã hội, chính trị và kinh tế xét ra hết sức cần thiết trong nhiều trường hợp. Để cổ võ cho nỗ lực đổi thay nầy, Kitô hữu, trước hết cần phục hoạt niềm tin tưởng của mình vào sứ mạng và giá trị có một không hai của các mệnh lệnh của Phúc-âm. Phúc-âm không hề bị lỗi thời vì đã được loan truyền, viết ra, và được áp dụng trong một khuôn khổ xã hội - văn hóa khác. Nguồn hứng khởi của nó, được tài bồi qua kinh nghiệm sống động của truyền thống Kitô giáo suốt bao nhiêu thế kỷ, luôn luôn mới mẻ trong việc cải hóa con người và nâng cao cuộc sống con người nơi xã hội; trừ phi người ta cố tìm cách lấy Phúc-âm làm chiêu bài để tìm kiếm những lợi lộc trần thế riêng cho mình, mà quên đi sứ điệp phổ quát và vĩnh cửu của nó" 100
Giáo-hội tuyên dương sứ điệp đặc loại của mình, và nhìn nhận rằng các vấn đề xã hội đã có một chiều kích rộng lớn với những nhu cầu mới về công bằng xã hội. Yếu tố chính là vấn đề xã hội đã trở thành một vấn đề có tầm mức thế giới. Kể từ Rerum Novarum, Giáo-hội đã cố gắng thích ứng giáo huấn xã hội của mình vào những hoàn cảnh mới của thế giới.
"Trong tình trạng nhiễu nhương và bất trắc của thế giới ngày nay, Giáo-hội có một sứ điệp đặc loại để tuyên duơng, một sự trợ giúp cống hiến cho con người trong nỗ lực nắm lấy vận mệnh và định hướng tương lai của chính họ. Từ thời Thông điệp Rerum Novarum tố giác mạnh mẽ và quyết liệt tình trạng khốn cùng của giới thợ thuyền trong buổi đầu của xã hội kỹ nghệ, biến chuyển lịch sử đã ý thức được những chiều kích khác và những lối áp dụng khác của công bằng xã hội, như Quadragesimo anno 101 và Mata et Magistra 102 từng nhận định. Công đồng vừa mới đây đã nêu lên những nội dung đó, đặc biệt trong Hiến-chế mục vụ Gaudium et  Spes. (trang 5). Và cả Chúng tôi cũng đã nối tiếp lối nhìn đó trong Thông điệp Populorum Progressio. Chúng tôi nêu lên rằng: "Ngày nay, yếu tố quan trọng nhất mà mỗi người nhìn ý thức, đó là vấn đề xã hội đã trở thành toàn cầu" 103. "Giáo-hội ý thức lại những đòi hỏi của sứ điệp Phúc-âm để thấy có bổn phận phục vụ con người, nhằm giúp họ nắm bắt được tất cả các chiều kích của vấn đề hệ trọng nầy, và nhằm thuyết phục họ gấp rút hành động trong tinh thần liên đới, vào khúc quanh nầy của lịch sử nhân loại" 104.
Giáo huấn của Đức Giáo-hoàng rõ rệt mở ra với đổi thay và với những vấn đề đi liền với một nền văn minh mới. Tương lai cần có những giải pháp mới, nhưng đừng quên đi những chân lý trường tồn.
"Tuy không quên những vấn đề trường kỳ mà các vị tiền nhiệm tôi đã đề cập đến, Chúng tôi muốn lưu ý đến một sự việc có tầm mức khẩn trương, rộng lớn và phức tạp mà Kitô hữu phải đặc biệt lo lắng cho những năm tới, để họ có thể hợp tác với các người khác  nhằm giải quyết những khó khăn mới thách đố ngay cả tương lai của con người. Cần đưa các vấn đề xã hội do nền kinh tế tân kỳ dấy lên - các điều kiện sinh hoạt con người trong sản xuất, công bằng trong các trao đổi tài vật và phân phối của cải, ý nghĩa của những nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, chia sẻ các trách nhiệm - vào trong bối cảnh rộng lớn hơn của nền văn minh mới. Trước những đổi thay quá sâu xa, quá nhanh chóng hiện nay, mỗi ngày con người khám phá thấy mình khác lạ, và thắc mắc về ý nghĩa của chính bản thân mình, về sự sống còn của xã hội họ đang sống. Vừa ngại ngùng nhìn về một quá khứ mà họ đánh giá là đã lỗi thời và quá khác biệt để có thể rút ra những bài học thích hợp, con người ngày nay lại có nhu cầu cần ánh sáng dẫn lộ cho tương lai họ - một tương lai mà họ nhận thấy vừa bấp bênh vừa bất định; họ khao khát tìm gặp ánh sáng nơi cái chân lý trường tồn, vĩnh cửu, hẳn nhiên vượt lên trên cuộc sống họ, nhưng họ có thể tự mình nhận ra được những dấu vết, nếu họ muốn" 105.
Thiết yếu phải tiên liệu tương lai, và hơn bao giờ hết cần có những sáng kiến về mặt xã hội.
"Chưa thời đại nào cần đến những sáng kiến về xã hội hơn lúc nầy. Cần nỗ lực tìm tòi và bỏ công bỏ sức thật nhiều như những kỹ sư đã đầu tư cho khí giới hoặc tìm kiếm hiệu năng kỹ thuật từng làm. Nếu con người buông xuôi trong tình trạng bất cập và không tiên liệu đúng lúc, có những vấn đề xã hội mới sẽ xuất hiện, thì các vấn đề này sẽ trở thành quá gia trọng khó lòng tìm ra được một giải pháp hòa bình".
Tài liệu này dành một chương quan trọng cho các ngành khoa học nhân văn : về tầm quan trọng của chúng trong các xã hội ngày nay, về lợi ích, và cả về những cái nhìn giản lược thường đi kèm. Sau khi phê bình các chủ trương sai lạc theo một lối nhìn duy thực nghiệm của ngành khoa học này, Đức Phaolô VI cho thấy chúng có thể "hỗ trợ cho nền đức lý xã hội Kitô giáo".
Cần phải nhận rõ chủ nghĩa duy thực nghiệm thường chen chân trong các ngành khoa học nhân văn.
"Đổi thay khoa học và kỹ thuật chi phối thế giới ngày nay, tạo nguy cơ đưa thế giới vào chủ nghĩa duy thực nghiệm mới. Một mối hoài nghi khác, thiết yếu hơn, phát sinh. Con người từng cố gắng chinh phục thiên nhiên theo lý trí mình, nay chính nó bị xích cùm trong chính lý tính của mình; đến phiên con người đã trở thành đối vật cho khoa học. Các ngành khoa học nhân văn ngày nay phát triển mạnh. Một mặt, chúng kiểm thảo tận căn những kiến thức xưa nay về con người, vì các kiến thức này xem ra hoặc còn quá ở mức thường nghiệm hoặc quá lý thuyết; mặt khác vì sự gò bó của phương pháp và vì thiên kiến ý hệ, các ngành khoa học này thường tách rời một số bình diện của con người, xuyên qua nhiều hoàn cảnh khác nhau, và lại gán cho các bình diện ấy một lối giải thích bao quát, hoặc ít nhất là một lối biện giải muốn tổng hợp toàn diện nhưng chỉ khi phát từ một quan điểm thuần định lượng hoặc thuần hiện tượng. Lối giải biện "duy khoa học này" làm phát hiện một chủ trương nguy hiểm. Ưu tiên  nhấn mạnh một khía cạnh nào đó khi phân tích, là làm cho con người thành què quặt; và , chỉ biết đến những hình thái bên ngoài của một tiến trình khoa học, là tự làm cho mình mất đi khả năng để thấu hiểu con người trong toàn thể chân tánh của nó".
Các ngành khoa học này cũng có thể được sử dụng để kềm kẹp và lèo lái  người ta.
"Cũng phải lưu ý đến tác động mà "ngành khoa học nhân văn" có thể dấy lên, khi chúng cố đưa ra những mẫu xã hội được trình bày như đã được xác minh một cách khoa học, nhưng kỳ thực đó là những mẫu xã hội mà người ta tìm kiếm muốn áp đặt sau này cho dân chúng. Con người bấy giờ có thể trở thành đối tượng cho kẻ khác xúi giật: trò lèo lái các ước muốn và nhu cầu của người ta, đổi thay tác phong của họ đến độ làm điên đảo hệ thống các giá trị. Đấy hẳn là một tai họa cho xã hội tương lai và cho chính con người. Vì nếu tất cả mọi người đều đồng ý để kiến tạo một xã hội mới nhằm phục vụ cho con người, thì còn phải hỏi lại xem con người ở đây được hiểu như thế nào".
Các ngành khoa học nhân văn phải được biện giải trong khuôn khổ của cái nhìn toàn diện về con người do Phúc-âm đề nghị. Giáo-hội khuyến khích tất cả các công trình nghiên cứu khoa học, và ước mong tiến hành một cuộc đối thoại xây dựng với các ngành khoa học nhân văn. Tài liệu giải thích các tiêu chuẩn cần áp dụng khi sử dụng các ngành khoa học này trong giáo huấn Kitô giáo.
Kitô hữu dễ nghi ngại về các ngành khoa học nhân văn hơn những người khác, nhưng Kitô hữu không buông tay hoặc tránh xa các bộ môn này. Vì như chính chúng tôi đã viết trong thông điệp Progressio Populorum, đây chính là nơi Giáo-hội đóng góp phần riêng của mình cho các nền văn minh: "Giáo hội hiệp thông với những khát vọng cao cả nhất của con người và đau khổ khi thấy họ không được thỏa mãn, nên Giáo hội ước mong giúp con người đạt được mức phát huy toàn vẹn của họ. Và đó là lý do Giáo-hội đề nghị với con người điều mình có: một cái nhìn toàn bích về con người và về nhân loại" 106. Giáo hội có cần phải chống đối các ngành khoa học nhân văn trong phương pháp nghiên cứu của chúng, và tố giác chủ trương của chúng không? Cũng như đối với các ngành khoa học thiên nhiên, Giáo hội tin tưởng vào công cuộc nghiên cứu  này và kêu gọi Kitô hữu tích cực hiện diện trong các bộ môn này: 107 Kitô hữu đi vào các ngành khoa học nhân văn, cần theo sát các yêu sách khoa học và luôn mong ước được học biết về con người nhiều hơn, nhưng đồng thời họ cần được đức tin hướng dẫn. Họ sẽ mở ra được một cuộc đối thoại, chắc chắn sẽ rất hữu ích, giữa Giáo-hội và môi trường khám phá mới này. Hẳn nhiên mỗi bộ môn khoa học trong khuôn khổ cá biệt của mình chỉ có thể nắm bắt được một khía cạnh cục bộ nhưng chân thực của con người; về mức độ toàn diện và ý nghĩa của con người, mỗi bộ môn không thể đạt được. Nhưng bên trong những giới hạn này, các ngành khoa học nhân văn thực hiện được một chức năng tích cực mà Giáo hội phải nhìn nhận. Các ngành khoa học nầy có thể nới rộng ngay cả các quan điểm về tự do con người một cách khoát đạt hơn, một khi vì điều kiện hạn chế người ta chưa từng tiên liệu. Chúng còn có thể hỗ trợ cho nền đạo đức xã hội Kitô giáo; đạo đức học Kitô giáo hẳn sẽ biết tự giới hạn quyền năng của mình trong việc đề nghị các mẫu mực xã hội, và triển khai chức năng kiểm thảo và khai phóng của mình bằng cách chỉ cho thấy tính cách tương đối của những phong cách và giá trị mà một xã hội nào đó xem như đã là dứt khoát hoặc như luôn gắn bó với chính bản tính con người. Các ngành khoa học nhân văn đúng là điều kiện cần nhưng chưa đủ để khám phá cõi người ta; chúng có một lối nói càng ngày càng phức tạp, giúp con người cảm nghiệm nhiều hơn nữa về mầu nhiệm tâm hồn mình; nhưng chúng lại không đủ sức đi vào chiều sâu của mầu nhiệm ấy để mang lại một giải đáp toàn diện và dứt khoát cho ước mong phát xuất từ nơi sâu kín của chân tính con người".

Đức Giáo-hoàng nêu lên quan điểm của Giáo hội về tiến bộ.
"Sự hiểu biết về con người đầy đủ hơn giúp phê bình thấu đáo và lãnh hội được ý niệm nền tảng làm cột trụ cho các xã hội tân kỳ hiện nay, một ý niệm vừa là động lực, làm mực thước và vừa làm mục tiêu: đó là sự tiến bộ. Từ thế kỷ XIX, các xã hội phương Tây và nhiều xã hội đã tiếp cận với chúng đã đặt hết niềm hy vọng vào một sự tiến bộ luôn tân tạo và vô tận. Tiến bộ ấy được người ta xem là nỗ lực giải phóng con người khỏi những tất yếu của thiên nhiên và những gò bó của xã hội; đó là điều kiện và là mực thước cho sự tự do của con người. Ý niệm tiến bộ đó được các phương tiện thông tin tân kỳ và nhu cầu hiểu biết và tiêu thụ càng ngày càng tăng quảng bá, để rồi trở thành một ý hệ phổ thông. Tuy thế ngày nay đây đó dấy lên một nỗi hoài nghi về giá trị và xuất xứ của nó. Nhắm mắt mãi truy tìm tiến bộ, một thứ tiến bộ cứ trốn chạy đi đâu mất mỗi lần người ta tưởng đã nắm bắt được, như vậy  nghĩa là gì? Không nắm bắt được ý nghĩa của tiến bộ, người ta không thỏa mãn về nội dung nầy. Người ta bắt đầu tố giác những giới hạn và ngay cả những tác hại của một lối tăng trưởng kinh tế thuần lượng số, và mong ước đạt được những mục tiêu trong khuôn khổ phẩm chất đời sống nữa. Phẩm chất và sự chân thành nơi các mối tương quan nhân loại, mức độ tham gia và chia sẻ trách nhiệm có ý nghĩa và quan trọng không kém cho bước đi của xã hội so với lượng số và các mặt hàng sản xuất và tiêu thụ đa dạng."

Nỗi thèm khát tiến bộ đưa đến chán chê nếu nó chỉ biết đến các mục tiêu kinh tế mà thôi. Tiến bộ chân thực có giá trị nhân tính phải hàm ngụ sự triển nở về mặt đạo đức và văn hóa, cũng như nguồn phong phú nơi các mối tương giao với tha nhân và với Thiên Chúa.

"Con người ngày nay cố vượt ra khỏi cám dỗ muốn đo lường tất cả với mực thước của hiệu năng và mậu dịch, với tương quan lực lượng và lợi ích; dần dần, họ muốn hoán chuyển các tiêu chuẩn lượng số nầy với nỗ lực tăng cường các mối liên lạc, truyền bá kiến thức và văn hóa, phục vụ lẫn nhau, thảo luận để cùng nhau thực thi những phận vụ chung. Tiến bộ chân thực không nằm trong việc phát triển ý thức đạo đức thúc đẩy con người thực thi liên đới và mở ra với tha nhân và với Thiên Chúa một cách tự do hay sao? Đối với một Kitô hữu, tiến bộ nhất thiết phải tiếp cận với mầu nhiệm chung mãn của sự chết: sự chết của Đức Kitô và sự sống lại của Ngài, nguồn sinh lực của Thánh Thần Thiên Chúa giúp con người đặt đúng tự do sáng tạo và biết ơn của mình trong sự thật của mọi sự tiến bộ, trong niềm hy vọng duy nhất không hề làm cho ta thất vọng (Rm 5, 5)".
Ngày nay, giáo huấn xã hội của Giáo hội rất bén nhạy trước những nhu cầu mới của con người. Giáo huấn ấy tìm kiếm những giải pháp mới mẻ phát minh từ hứng khởi nền tảng nơi Phúc-âm.
"Trước bao vấn đề mới mẻ, Giáo hội ra sức suy tư đáp ứng lại sự chờ mong của con người trong khuôn khổ trách nhiệm của riêng mình. Nếu ngày nay, các vấn đề xem ra quá to lớn và khẩn trương, phải chăng con người không có phương cách gì giải quyết? Giáo huấn xã hội của Giáo-hội năng nổ đồng hành với con người trong nỗ lực tìm kiếm của họ. Nếu giáo huấn ấy không lên tiếng để nhận chân một hệ thống nào đó hoặc đề nghị ra một mẫu mực tiền chế, thì nó cũng không quên nhắc lại một vài nguyên tắc tổng quát: nó phát triển xuyên qua một lối suy tư do tiếp cận với những hoàn cảnh đổi thay của thế giới, với hứng khởi phát xuất từ nguồn suối canh tân là Phúc-âm; và đón chờ sứ điệp được tiếp nhận trong toàn bộ với những đòi hỏi của nó. Giáo huấn ấy cũng phát triển theo cảm thức riêng của Giáo-hội, muốn phục vụ vô tư và ân cần đối với những người nghèo khó nhất. Cuối cùng, nó múc lấy kinh nghiệm phong phú của nhiều thế kỷ qua, để có thể thực hiện được, giữa muôn ngàn nỗi lo lắng liên tục, công cuộc canh tân mạnh dạn và đầy sáng tạo mà tình hình hiện nay của thế giới cần đến".
17-Gioan-Phaolô II, Redemptor Hominis (1997) 108
Con người là con đường đầu tiên của Giáo-hội
Một cái nhìn Kitô học về tiến bộ nhân loại
Thông điệp Redemptor Hominis (1979) của Đức Gioan Phaolô II triển khai một lối nhìn phổ quát về hoạt động của Giáo-hội phục vụ con người ở giữa hoàn cảnh lịch sử, trong những điều kiện sinh hoạt cá nhân và xã hội của nó. Giáo huấn xã hội của Giáo-hội gắn liền với quan niệm thần học về con người, của mỗi cá nhân trong mối liên hệ với mầu nhiệm Chúa Kitô, dù người ấy không ý thức. Con người được định nghĩa như là đường đi của Giáo-hội hoặc lấy lại lời của Giáo hoàng, con người là "con đường đầu tiên của Giáo-hội".
"Giáo-hội không thể bỏ mặc con người, vì "thân phận" con người, nghĩa là việc nó được chọn, được mời gọi, sinh ra và chết, được cứu độ hay phải hư mất, đều gắn bó nhất mực với Đức Kitô. Và con người ấy là mỗi một người sống trên hành tinh nầy, trên trái đất mà Tạo hóa đã ban cho con người đầu tiên, khi người nói với người đàn ông và người đàn bà thế nầy: "Các ngươi hãy chinh phục và hãy làm chủ nó" 109.Con người ấy là con người toàn diện, trong toàn thể thực tại tuyệt đối duy nhất của bản thân nó và hành động nó, của trí năng và ý chí, của ý thức và tâm hồn nó. Con người trong thực tại cá biệt (vì nó là một "nhân vị"), có một lịch sử riêng của đời mình, và nhất là một lịch sử riêng của linh hồn mình. Với cuộc sống tinh thần mở ra từ nội tâm, với những nhu cầu đa biệt và đa dạng của thân xác, của cuộc sống trong cõi đời, con người viết lên lịch sử riêng của mình xuyên qua vô vàn mối liên lạc, giao tiếp, hoàn cảnh và cơ cấu xã hội; tất cả những điều đó nối kết nó với những người khác; và lịch sử đó, con người đã làm từ giây phút đầu tiên của cuộc sống mình nơi trần thế, từ giây phút nó được thụ thai và được sinh ra. Con người, trong chân lý toàn diện của cuộc đời mình, của bản thân riêng tư và đồng thời cũng là con người cộng đồng và xã hội - trong mái ấm gia đình, bên trong các xã hội và các bối cảnh đa biệt, trong khuôn khổ quốc gia hoặc dân tộc và còn có thể là thị tộc hoặc bộ lạc mình, và ngay cả trong khung cảnh của toàn thể nhân loại -, con người ấy là con đường đầu tiên mà Giáo-hội phải bước đi để chu toàn sứ mệnh của mình : Con người là con đường đầu tiên và con đường chính của Giáo-hội, con đường chính Chúa Kitô vạch ra, con đường mãi mãi phải xuyên qua mầu Nhập thể và Cứu-độ.
Chính con người ấy, trong chân lý toàn diện cuộc sống của nó, nơi ý thức và liên lĩ đắm chìm  hướng về tội lỗi, đồng thời cũng ở nơi khát vọng liên lĩ hướng đến chân lý, thiện hảo, đẹp đẽ, công lý, yêu thương, chính con người ấy mà Công đồng Vaticanô II từng nhìn thấy khi mô tả từng hoàn cảnh của nó trong thế giới ngày nay, đi từ những yếu tố bên ngoài của hoàn cảnh nầy đến chân lý nội tại của nhân tính : "Chính nơi con người thể diễn ra cuộc chiến giữa nhiều yếu tố. Một mặt vì là tạo vật, kinh nghiệm được vô số giới hạn; mặt khác nó cảm thấy vô biên trong ước muốn của mình và khi lắng nghe được âm hưởng của lời mời gọi vươn tới một cuộc sống cao hơn. Bị giằng co từ mọi phía, con người không ngừng bị thúc bách phải chọn lựa và từ chối. Tệ hơn cả, là vì yếu đuối và tội lỗi, con người thường làm điều mình không muốn và không làm được điều mình ước ao. Kỳ thực con người cảm thấy xâu xé nơi đáy lòng mình, và chính từ đó mới phát sinh ra bao mối bất hoà lớn lao giữa xã hội" 110.
Con người ấy là đường của Giáo-hội; một cách nào đó con đường ấy mở ra vạn nẻo đường mà Giáo-hội phải bước đi, vì con người - toàn diện cuộc sống con người không trừ một sinh hoạt nào - đã được Chúa cứu chuộc, và vì một cách nào đó, Chúa Kitô kết hợp với con người, mỗi người không trừ ai, mặc dù người ấy không hay biết : "Chúa Kitô đã chết và sống lại cho mọi người, ban cho con người" - cho toàn cuộc sống con người và cho mọi người - "...ánh sáng và sức mạnh để nó có thể chu toàn ơn gọi rất cao trọng của mình" 111.
Vì con người ấy hẳn là con đường của Giáo-hội, con đường của cuộc sống và kinh nghiệm hằng ngày, của sứ mệnh và khó khăn cực khổ, nên bất cứ trong sinh hoạt nào, toàn thể Giáo-hội ở thời đại chúng ta phải luôn luôn ý thức về hoàn cảnh sinh hoạt của con người. Giáo-hội phải lưu ý đến khả năng con người thực hiện được, vì mỗi một công trình luôn mở ra một đường hướng mới; đồng thời Giáo-hội cũng cần cảnh giác trước những đe dọa rình rập con người. Giáo-hội phải ý thức về tất cả những gì xem ra đi ngược với nổ lực nhằm làm cho "đời sống con người càng ngày càng nhân đạo hơn" 112, để thúc đẩy toàn bộ cuộc sống ấy ăn khớp với phẩm giá chân thật của con người. Nói tóm lại, Giáo-hội phải lưu ý đến tất cả những gì đi ngược với tiến trình thăng tiến chân thật đó".



18. Gioan-Phaolô II, Laborem Exercens (1981) 113
Lao động, then chốt của vấn đề xã hội.

Giáo huấn xã hội của Giáo hội đã phát triển một cách linh hoạt và có hệ thống với sự cộng tác của Công đồng, các Giáo hoàng, các Giám mục và Giáo dân.

Thông điệp về lao động của con người Labborem Exercens (1981) được công bố nhằm kỷ niệm năm 90 thông điệp Rerum Novarum. Sau phần dẫn nhập thật dài nói đến tiến trình phát triển tuần tự của học thuyết xã hội của Giáo-hội, Đức Gioan-Phaolô II đề cập đến các vấn đề sau đây: lao động và con người, xung đột giữa tư bản và lao động ngày hôm nay, các quyền lợi của giới lao động, giá trị siêu nhiên của lao động.
Ngay từ đầu thông điệp, Đức Giáo-hoàng phân tích kỹ lưỡng tình trạng hiện nay của giáo huấn xã hội công giáo. Ngài xác nhận lại rằng điểm khởi phát phải lưu ý đó là con người như là con đường của Giáo-hội. Trong bối cảnh đó, lao động là một bình diện trọng yếu của thân phận con người. Lao động sản xuất lương thực, khoa học, văn hóa. Đức Giáo-hoàng cũng lưu ý về những vấn đề và tranh chấp mới cần phải sâu sát.
"Vào ngày 15 tháng năm này, 90 năm đã trôi qua kể từ ngày Đức Leo XIII, Đại  Giáo-hoàng của "vấn đề xã hội", ban hành thông điệp quan trọng có tính cách quyết định, bắt đầu với các chữ Rerum Novarum (Tân-sự). Vì vậy tôi muốn dành tài liệu này để đề cập đến lao động con người, và hơn nữa còn muốn đề cập đến con người trong bối cảnh rộng rãi của thực tại lao động. Thật thế, khi vừa ở  ngai Thánh Phêrô, tôi đã từng nói con người "là con đường đầu tiên và là con đường chính của Giáo hội" 114 qua thông điệp Redemptor Hominis xác quyết nầy dựa vào mầu nhiệm khôn lường của công cuộc cứu độ nơi Đức Kitô; vậy cần phải luôn quay về lại trên con đường ấy và mãi bước đi theo hành trình này để khám phá những bình diện khác nhau, ở đấy chúng ta sẽ chứng kiến tất cả những nét phong phú và đồng thời cũng nhận ra được những khó khăn muôn mặt của cuộc sống con người nơi trần thế.
Lao động là một trong những bình diện này, một bình diện trường tồn và nền tảng, luôn luôn mới mẻ và không ngừng đòi hỏi chúng ta phải lưu ý và chân nhận ra giá trị của nó bằng chứng tá của chúng ta. Nhiều thắc mắc, nhiều vấn đề mới lại đặt ra cho chúng ta và cống hiến những niềm hy vọng mới, nhưng đồng thời cũng kèm theo những lo âu và đe dọa gắn liền với chiều kích nền tảng nầy của cuộc sống con người. Do lao động, cuộc sống con người ngày ngày được xây dựng; nhờ lao động, cuộc sống thể hiện nhân phẩm cá biệt và đặc loại của mình; nhưng trong lao động con người cảm nghiệm thường xuyên nỗi mệt mỏi, khổ đau cũng như thương tổn và bất công đang đi sâu vào đời sống xã hội của mỗi một quốc gia  và giữa các quốc gia với nhau. Nếu đúng thực con người sống nhờ công lao của lao động do bàn tay mình115, nghĩa là lương thực hằng ngày nuôi thân xác mình, cũng như thành quả của khoa học và tiến bộ, văn minh và văn hóa, thì điều này luôn mãi đúng thực đó là con người đã gặt hái được hoa trái đó với mồ hôi trán mình 116, nói cách khác do nỗ lực và cực khổ của mình, cũng như ở giữa trăm ngàn mối căng thẳng, tranh chấp và khủng hoảng liên quan đến thực tại lao động, làm đảo lộn cuộc sống mới xã hội và ngay cả toàn thể nhân loại".
Từ Rerum Novarum đến nay, đã có những vấn đề mới và phức tạp xảy ra. Đức Giáo-hoàng mô tả tổng lược những đổi thay đầy tang thương nhìn trong bối cảnh của ý nghĩa nhân loại  nơi chúng. Giáo-hội không có phận vụ thiết lập một bản phân tích khoa học các đổi thay nầy. Nhưng vai trò Giáo hội là bảo vệnhân phẩm của những người lao động.
"Chúng ta mừng kỷ niệm 90 năm Thông điệp Rerum Novarum trước ngưỡng cửa của những công trình đổi mới của sinh hoạt kỹ thuật, kinh tế và chính trị mà một số đông chuyên gia cho rằng chúng sẽ gây ảnh hưởng trên lãnh vực lao động và sản xuất, không kém những gì đã xảy ra trong cuộc cách mạng kỹ nghệ của thế kỷ vừa qua. Những thành tố có tầm ảnh hưởng tổng quát rất đa dạng: việc áp dụng đồng bộ máy móc tự động trong nhiều khu vực sản xuất, tăng giá năng lượng và nguyên liệu, ý thức nhạy bén hơn về tính cách hạn chế của tài nguyên thiên nhiên và về vấn đề môi sinh không còn chịu đựng nổi nữa, sự kiện nhiều dân tộc sau nhiều thế kỷ bị đô hộ lên tiếng trên diễn đàn chính trị thế giới đòi hỏi có một chỗ đứng chính đáng quyền các nước và trong các quyết định quốc tế. Những hoàn cảnh và yêu sách mới sẽ đòi hỏi một lối tái tổ chức và tái bố trí các cơ cấu của cuộc sống kinh tế cũng như phân bổ lao động ngày nay. Bất hạnh thay, những thay đổi như thế cũng có nghiã là tạo cho từng triệu người làm việc có khả năng phải chịu cảnh thất nghiệp, ít nhất là tạm thời, hoặc phải học nghề lại; chúng có thể làm sút giảm hoặc ngăn chận đà tiến về mặt vật chất của các xứ phát triển cao độ nhất; nhưng cũng có thể mang lại khuây khỏa và hy vọng cho từng triệu con người hiện đang sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ tàn tệ, bất xứng.
Giáo-hội không có phận vụ để phân tích một cách khoa học hậu quả có thể xảy ra của những đổi thay như thế trên cuộc sống xã hội, nhưng Giáo-hội nhận thấy có bổn phận luôn nhắc nhở về phẩm giá và các quyền của người lao động, lên án những vi phạm liên quan, và đóng góp phần mình vào việc định hướng những đổi thay ấy để nhằm đem lại một sự tiến bộ thực sự cho con người và cho xã hội".
Người ta đã chứng kiến một tiến trình phát triển có hệ thống và linh hoạt của giáo huấn xã hội của Giáo hội. Dựa vào Phúc-âm là gia sản, Giáo-hội cố gắng không ngừng để khám phá những ý nghĩa mới về lao động con người, một đề tài then chốt được đề cập đến trong các tài liệu xã hội của Giáo-hội.
"Là một thách đố cam go của cuộc sống con người, chắc chắn rằng lao động ở ngay chính trọng tâm của "vấn đề xã hội"; suốt gần một trăm năm trôi qua từ khi thông điệp ta nhắc đến trên đây được công bố, giáo huấn và nhiều sáng kiến liên quan đến sứ mệnh tông đồ của Giáo hội đã đặc biệt hướng đến vấn đề này. Nếu tôi muốn tập chú những suy tư nầy vào lao động, thì ước muốn đó không phải là một sáng kiến bất chừng, nhưng đúng hơn nó có mối liên hệ linh động và hữu cơ với toàn bộ truyền thống của giáo huấn nầy và những sáng kiến nói trên. Đồng thời, tôi tiến hành công việc theo đường hướng của Phúc-âm, để rút ra từ nơi gia sản Phúc-âm điều cũ và điều mới 117. Lao động thực ra là cái gì rất "cũ", cũ xưa như con người và cuộc sống của nó trên cõi trần. Tuy vậy, hoàn cảnh chung của con người trên thế giới ngày nay, như đã từng được chẩn đoán và phân tích dưới nhiều bình diện khác nhau - địa lý, văn hóa, văn minh - đòi hỏi phải khám phá những ý nghĩa mới của lao động con người và phải nêu lên những phận vụ mới của mọi người, của gia đình, các quốc gia và của toàn nhân loại, và sau hết là của chính Giáo hội, liên quan đến lãnh vực này."
Nỗ lực dấn thân của Giáo-hội để cổ võ công bằng xã hội đã tạo nên một lối hợp tác rộng rãi, huy động các Giáo hoàng, công đồng Vaticano II, các Giám-mục, các trung tâm xã hội và Ủy-ban Giáo-hoàng (nay là Hội-đồng Giáo-hoàng) Công lý và Hòa-bình. Công-lý ngày càng được xem là liên hệ mật thiết với hòa bình.
"Suốt những năm đã trôi qua từ ngày công bố Thông-điệp Rerum Novarum, vấn đề xã hội luôn là mối bận tâm của Giáo-hội. Chúng ta thấy rõ sự kiện đó qua nhiều tài liệu giáo huấn của các Giáo-hoàng cũng như của Công-đồng Vaticano II, trong các tài liệu của Hội-đồng Giám-mục khác nhau, trong sinh hoạt của những trung tâm học hỏi và sáng kiến tông đồ cụ thể, ở cấp quốc tế cũng như ở cấp Giáo hội địa phương. Khó đưa ra hết ở đây tất cả những phương cách dấn thân của Giáo-hội và Kitô hữu vào vấn đề xã hội, một cách chi tiết, vì chúng quá nhiều. Kết quả của Công-đồng là Ủy ban Giáo-hoàng "Công-lý và Hòa-bình" đã trở thành trung tâm phối hợp chính trong lãnh vực này, với các cơ quan liên hệ trong khuôn khổ của các Hội-đồng Giám-mục. Tên gọi của định chế này rất có ý nghĩa: nó muốn nói rằng vấn đề xã hội phải được giải quyết trong chiều kích toàn diện, trong tổng thể của nó. Dấn thân cho công lý phải gắn liền với dấn thân cho hòa bình trong thế giới ngày nay. Kinh nghiệm đau thương của hai trận thế chiến chứng minh cần phải cổ võ nỗ lực dấn thân này; hai trận chiến ấy đã từng đảo lộn nhiều nước trong lục địa Âu-châu cũng như một phần các lục địa khác, suốt 90 năm qua. Và đặc biệt từ ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, công cuộc dấn thân ấy lại càng cần thiết để đối đầu với sự đe dọa trường kỳ của một cuộc chiến nguyên tử và viễn ảnh của tình trạng tự hủy diệt đáng kinh hoàng tiếp sau cuộc chiến nầy."
Hòa bình thế giới và công cuộc phát triển của tất cả các quốc gia được học thuyết xã hội của Giáo-hội gần đây trình bày như là những vấn đề quan trọng.
"Nếu chúng ta theo dõi hướng phát triển của các tài liệu của giáo huấn cấp cao nhất của Giáo hội, thì chúng ta nhận ra được nơi các văn kiện vừa qua thực sự có một diễn tiến trong lối đặt vấn đề. Về vấn đề hòa bình trên thế giới, lập trường then chốt là lập trường của Thông điệp Pacem in Terris của Đức Gioan XXIII. Ngoài ra diễn tiến của vấn đề công bằng xã hội thì phải lưu ý rằng, nếu trong thời kỳ từ Rerum Novarum đến Quadragesimo Anno của Đức Piô XI, giáo huấn của Giáo hội tập chú nhiều đến giải pháp công bằng cho điều được gọi là vấn đề thợ thuyền trong khuôn khổ của những quốc gia riêng biệt, thì trong giai đoạn sau đó, giáo huấn nới rộng chân trời đến các chiều kích của thế giới. Tình trạng phân chia bất đều của cải và nghèo đói, các quốc gia, lục địa phát triển bên cạnh những xứ, những vùng kém phát triển, những sự kiện đó đòi hỏi chia sẻ đồng đều cũng như nỗ lực tìm kiếm những phương cách đưa đến một tình trạng phát triển công bằng cho mọi người. Thông điệp Mater et Magister của Đức Gioan XXIII, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes của Công-đồng Vaticanô II và Thông điệp Populorum Progressio của Đức Phaolô VI đi theo hướng ấy.
Diễn tiến phát triển như thế trong giáo huấn xã hội của Giáo hội cho chúng ta thấy rõ trọng tâm của vấn đề được chuyển từ "vấn đề các giai cấp xã hội" đến "vấn đề của thế giới".
"Hướng phát triển cuả giáo huấn và dấn thân của Giáo-hội trong vấn đề xã hội tương ứng với nhận xét khách quan các hoàn cảnh thực sự xảy ra. Trước đây người ta lưu ý nhất về vấn đề "giai cấp", và vào thời đại gần đây, vấn đề "thế giới" lại nổi bật lên hàng đầu. Người ta không những đề cập lãnh vực giai cấp, nhưng còn nói đến các trình trạng chênh lệch và bất công ở mức độ thế giới; và vì thế không những nói đến chiều kích giai cấp, nhưng còn lưu tâm đến chiều kích thế giới của các phận vụ phải chu toàn để thúc đẩy việc thực thi công lý trong thế giới ngày nay. Việc phân tích toàn bộ hoàn cảnh thế giới cho thấy rõ hơn, sâu xa hơn ý nghĩa của việc phân tích trước đây về tình trạng bất công xã hội. Ngày nay các công trình nghiên cứu tập chú nhiều vào việc cổ súy những nỗ lực kiến tạo công lý trên trần thế; không phải vì thế mà lờ đi các cơ cấu bất công, nhưng ngược lại đòi hỏi phải có những cố gắng xét lại và canh tân ở một mức toàn cầu và phổ quát".
Lao động của con người được chân nhận như là then chốt trong vấn đề xã hội. Học thuyết xã hội của Giáo-hội phát nguồn từ Kinh-thánh, từ Giáo huấn Kitô giáo truyền thống được tài bồi qua các thời đại, theo nhu cầu của mỗi lúc. Mục đích của Giáo-hội là "làm cho con người nhân đạo hơn".
"Dù có nhìn từ nỗ lực truy cứu thực tại xã hội khách quan hoặc ngay cả nhìn từ giáo huấn của Giáo-hội trong lãnh vực của vấn đề xã hội phức tạp và đa diện, thì ở giữa tất cả các tiến trình nầy, vấn đề lao động của con người tự nhiên xuất hiện một cách thường xuyên. Một cách nào đó, nó là một thành tố cố định của giáo huấn Giáo-hội, cũng như vị thế của nó trong cuộc sống xã hội. Ngoài ra, trong giáo huấn liên hệ, mối quan tâm tới vấn đề này vượt lên trên thời gian 90 năm vừa qua. Thật vậy, học thuyết bắt nguồn từ Thánh-kinh, khởi từ sách Sáng-thế, và đặc biệt trong Phúc-âm và trong các thư của các Tông-đồ. Ngay từ đầu, học thuyết ấy là một phần của chính giáo huấn của Giáo-hội, của quan điểm về con người và cuộc sống xã hội, và đặc biệt là của nền đạo lý xã hội được hình thành để đáp ứng nhu cầu của các thời  đại khác nhau. Gia sản truyền thống nầy sau đó được giáo huấn của các Giáo-hoàng đón nhận và triển khai; và từ Thông-điệp Rerum Novarum, nó mang tên tân thời là "vấn đề xã hội". Trong bối cảnh của học thuyết nầy, công việc tra cứu thấu đáo vấn đề lao động luôn được cập nhật, đồng thời vẫn trung thành với nền tảng chân lý của mặc khải Kitô giáo, mà chúng tôi gọi là nền tảng trường tồn.
Nếu, tài liệu này nhắc lại vấn đề ấy, không phải có ý bao hàm hết mọi khía cạnh liên hệ, và cũng không hẳn thu tóm hoặc lặp lại những gì đã từng đề cập trong giáo huấn của Giáo-hội cho bằng nêu lên một cách rõ rệt hơn bao giờ hết về sự kiện xác nhận rằng lao động con người là một chìa khóa, và chắc là chìa khóa thiết yếu, then chốt, cho mọi vấn đề xã hội nếu chúng ta cố gắng nhìn vấn đề ấy theo quan điểm thiện ích của con người. Và nếu giải pháp - hoặc đúng hơn là giải pháp dần hồi - cho vấn đề xã hội, vừa xảy ra thường xuyên lại vừa phức tạp hơn, phải tìm kiếm qua nỗ lực "làm cho đời sống con người ngày càng nhân đạo hơn"  118, thì chìa khóa cho vấn đề là lao động con người lại còn có một tầm mức nền tảng và dứt khoát hơn".
Giáo-hội cảm hứng từ Phúc-âm, nhìn lao động xuyên qua giá trị nhân loại và đạo đức và cổ súy một chiều sâu siêu nhiên của lao động.
"Chúng tôi dành phần cuối của các suy tư về vấn đề lao động nhân dịp kỷ niệm 90 năm Thông-điệp Rerum Novarum để đề cập đến chiều sâu siêu nhiên của lao động theo ý nghĩa Kitô giáo của chữ này. Nơi mỗi người làm việc, lao động luôn là một hành động của một nhân vị, actus personae, nghĩa là con người toàn diện của mình, hồn xác của mình, đều tham dự vào đấy, dẫu cho công việc của mình là lao động tay chân hay lao động trí óc. Và lời của Thiên Chúa hằng sống cũng nói với con người toàn diện ấy, lời nơi sứ điệp Phúc-âm của ơn cứu độ chất chứa nhiều lời dạy bảo như những ánh sáng đặc biệt chiếu dọi vấn đề lao động con người. Vì thế cần phải thấm nhập các lời dạy bảo ấy. Cần nỗ lực với sự hướng dẫn của đức tin, cần có niềm hy vọng và bác ái để lắng nghe được các lời dạy bảo này và mang lại cho lao động con người cụ thể ý nghĩa chân thực của nó theo cái nhìn của Thiên Chúa; và qua ý nghĩa ấy, lao động đi vào công cuộc cứu độ như một trong những yếu tố vừa thường xuyên lại vừa quan trọng cách đặc biệt.
Nếu Giáo-hội xem mình có bổn phận lên tiếng về lao động theo cái nhìn về giá trị nhân loại và trật tự đạo đức nơi nội dung ấy, nếu Giáo-hội nhận thấy công việc đó là một trong những phận vụ quan trọng liên quan đến việc phục vụ toàn bộ sứ điệp Phúc-âm, thì Giáo-hội đồng thời ý thức rằng mình có bổn phận đặc biệt để đào tạo con người sống chiều sâu của lao động, giúp mọi người tiến bước về Thiên Chúa, Đấng Tạo-dựng và Cứu-độ, thúc đẩy họ tham gia vào chương trình cứu độ con người và thế giới và đào sâu tình bằng hữu với Đức Kitô trong cuộc sống mình, bằng cách dựa vào đức ti n tham gia một cách linh hoạt vào ba sứ mệnh tư tế, tiên tri và phục vụ như Công đồng Vaticano II đã nhắc lại."

19- Gioan-Phaolô II, Diễn văn đọc tại cuộc hội nghị chuyên đề
"Từ Rerum Novarum đến Laborem Exercens" (1982) 119
Những yếu tố trường tồn và sự phát triển
không ngừng của Giáo-huấn xã hội của Giáo-hội
Đức Gioan-Phaolô II lên tiếng trong hội nghị quốc tế chuyên đề "Từ Rerum Novarum đến Laborem Exercens hướng đến năm 2.000"  , ngày 03.04.1982, có ông Tổng Thư-ký Liên Hiêp-quốc, ông Tổng Giám-đốc Văn -phòng Lao-động Quốc-tế, và các chuyên viên của nhiều nước đến tham dự. Một lần nữa Ngài nhấn mạnh đến "điểm qui chiếu linh động" của Thông điệp "Rerum Novarum" trong giáo huấn xã hội của Giáo-hội, ở đây có những yếu tố trường tồn  cũng như những yếu tố rất mới mẻ tùy nhu cầu mỗi lúc mỗi khác đòi hỏi. Cần nghiên cứu kỹ mới hiểu rõ hơn giáo huấn của Giáo-hội và những áp dụng thực tiễn ngày nay.
"Ngày 13.05.1981, hai ngày trước dịp kỷ niệm 90 năm Thông-điệp Rerum Novarum, trong một bài diễn văn mà lúc ấy tự mình tôi không thể đọc lên, tôi xác định ý nghia của việc kỷ niệm ấy với những lời nầy: "Rerum Novarum mang một tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo-hội vì nó là một điểm qui chiếu linh động cho học thuyết và hành động xã hội của Giáo-hội trên thế giới ngày nay. "Và tôi còn nói thêm "Học thuyết xã hội, linh động và bổ ích, có những yếu tố bền vững và tối thượng, và có những yếu tố gắn liền với hoàn cảnh nhất thời giúp nó tiến hóa và phát triển ăn khớp với nhu cầu và đòi hỏi của các vấn đề xảy đến, nhưng không làm suy giảm giá trị kiên định và đáng tin cậy của chân lý nơi các nguyên tắc và mẫu mực nền tảng" (L'Osservatore Romano, bản Pháp ngữ số 20/198 tr. 20).
Hôm nay tôi nhắc lại những lời ấy vì muốn nói rõ ý nghĩa  và tinh thần của các dịp kỷ niệm Thông-điệp Rerum Novarum và cũng là dịp nầy đây. Quí vị sẽ suy nghĩ về giáo huấn xã hội mà tôi trình bày trong Thông-điệp Laborem Exercens theo tinh thần ấy, và trao đổi quan điểm dựa vào kinh nghiệm trong mục vụ, trong sinh hoạt nghiên cứu hàn lâm, trong các tổ chức quốc tế, trong các sáng kiến hoạt động và tổ chức công đoàn.
Trong những ngày nầy hẳn quí vị không những đào sâu học thuyết xã hội của Giáo-hội, nhưng còn suy tư để tìm những giải pháp thực hiện học thuyết ấy trong những lãnh vực khác khâu tiếp cận cuộc sống của con người thuộc trách nhiệm xã hội của mình".
Giáo huấn xã hội của Giáo-hội có cái nhìn bao quát vì đề cập đến mọi người và mỗi người trong toàn bộ nhân tính.
"Học thuyết xã hội của Giáo-hội luôn là một vấn đề "bao quát" khi đề cập đến mỗi con người riêng biệt hoặc khi nói đến mọi người : vì nó đụng đến con người trong bản tính thâm sâu và trong cuộc sống của nó, đó là cảm hứng sâu xa và sức mạnh thôi thúc tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho các vấn đề của xã hội. Con người luôn luôn phải là tiêu chuẩn quyết định nếu muốn xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình. Các nguyên tắc suy tư, tiêu chuẩn phán đoán liên quan đến các hoàn cảnh và cơ cấu xã hội, các chỉ dẫn hành động biết tôn trọng sự thật phải được khai triển dựa trên cái nhìn bao quát nầy của nhân vị con người".
Thẩm quyền của Giáo-hội trong các lãnh vực nầy không thuộc về mặt kỹ thuật. Tiêu chuẩn hành động của Giáo hội là phẩm giá nhân vị con người. Tất cả những thành phần trong Giáo-hội phải thấy mình có trách nhiệm xét lại thường xuyên các hệ thống xã hội dựa trên tiêu chuẩn nầy. Đó là một đóng góp cho công cuộc phục vụ nhân loại.
"Qúi vị từng biết Giáo-hội không có một thẩm quyền trực tiếp nào để đưa ra những giải pháp chuyên môn về kinh tế, chính trị; tuy vậy, Giáo-hội kêu gọi phải liên lĩ xét lại mọi hệ thống xã hội cho thích hợp với tiêu chuẩn là phẩm giá con người. Các Giáo-hội địa phương, các cộng đoàn Kitô hữu ở những cấp khác nhau, các phong trào hoạt động tông đồ và xã hội, các chủ chăn, giáo chức, nhà nghiên cứu, và kỳ cùng mọi người đã chịu phép rửa, mỗi người tùy trách nhiệm riêng của mình và chỗ đứng của mình trong xã hội, tất cả đều được mời gọi để thực thi nỗ lực nầy.
Khi lấy tiêu chuẩn nền tảng nầy để định hướng, chúng ta có thể vượt thắng được  những hệ thống sai lạc hoặc khập khễnh, những ý hệ duy vật hoặc duy kinh tế, và nhờ thế, có được tự do để truy xét một cách khách quan thực tại xã hội và những quyết định cụ thể nhằm thực hiện những giải pháp đứng đắn. Nhất là, có được hứng khởi phục vụ nền tự do chân thực phát xuất từ Thiên Chúa, cộng tác vào công cuộc tạo dựng và cứu chuộc, đồng thời thực hiện chương trình giải thoát nhân loại bước theo Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật.
Giáo hội trình bày học thuyết của mình cho nhân loại, và tin tưởng vào những nỡ lực đầy nhiệt tâm của con cái mình, để phục vu thiện ích cho nhân loại, cũng như hợp tác chân thành  và tích cực với mọi người thiện chí, với mọi giới hữu trách và các tổ chức quốc tế".

20- Gioan-Phaolô II, Sollicitudo  Rei Socialis (1987) 120

  Phát triển dựa vào liên đới của mọi người 

Học thuyết xã hội của Giáo hội, vừa liên tục lại vừa luôn đổi mới, cho thấy lối tiếp cận đặc biệt của giáo huấn ấy.
Đức Gioan-Phaolô II viết Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis để kỷ niệm hai mươi năm Thông điệpPopulorum Progressio về phát triển, của Đức Phaolô VI.
Như chúng ta đã từng nhận xét, Đức Gioan-Phaolô II lặp lại quan điểm của Đức Phaolô VI để nhấn mạnh đến chiều kích đạo đức, văn hóa và tôn giáo của công cuộc phát triển con người; hẳn nhiên phát triển liên hệ đến các thành tố kinh tế, nhưng không thể chỉ giản lược vào những lối nhìn duy vật.
Đức Giáo-hoàng giải thích phương cách để hiểu học thuyết xã hội của Giáo-hội, trong nhiều đoạn của tài liệu này.
Phần mở đầu trình bày học thuyết xã hội của Giáo-hội như một giáo huấn hình thành từng bước một phát xuất đi từ Lời Chúa Kitô, với sự cộng tác của suy tư lý trí và các ngành khoa học xã hội. Nó là một tiến trình mở rộng, rõ rệt nhất là kể từ thời công bố Thông điệp Rerum Novarum, một lần nữa được nhắc lại ở đây như là bản văn qui chiếu.
"Mối lưu tâm tích cực của Giáo-hội đối với vấn đề xã hội, nghĩa là tất cả những gì nhằm phát triển thật sự con người và xã hội, tôn trọng và cổ võ nhân vị con người trong mọi chiều kích, đã được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những lối can thiệp ưu tiên hơn cả là trong thời gian qua các Giáo-hoàng thường dùng quyền giáo huấn của mình để đề cập đến vấn đề dựa trên Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII 121, đôi khi còn công bố một số tài liệu xã hội khác nhau tùy vào các dịp kỷ niệm của bức thông điệp nầy 122.
Trong những trường hợp như thế, các Ngài cũng công khai nêu lên những khía cạnh mới của học thuyết xã hội của Giáo-hội. Nhờ vậy, một bộ học thuyết được hình thành, khởi đầu với thông điệp nổi tiếng của Đức Lêô XIII và được tài bồi qua nhiều đóng góp liên tục của giáo huấn Giáo-hội sau này; bộ học thuyết ấy luôn cập nhật mỗi lần Giáo-hội giải thích những sự kiện xảy ra trong lịch sử dựa trên toàn bộ Lời Chúa do Đức Giêsu Kitô mặc khải 123, với sự trợ giúp của Thánh Thần (xem Gioan 14, 16-26; 16, 13-15). Giáo-hội dùng phương cách ấy nhằm hướng dẫn con người biết ý thức trách nhiệm thực thi phận vụ mình, biết dựa vào suy tư lý trí và kiến thức các ngành khoa học nhân văn để kiến tạo xã hội trần thế này".
Đức Giáo hoàng dựa vào Thông điệp Progression Populorum, một tài liệu cũng được xem là lịch sử, để nhấn mạnh hai khía cạnh của học thuyết xã hội của Giáo-hội: tính cách trường kỳ và nhu cầu đổi mới liên tục.
"Do vậy, tôi nhằm hai mục tiêu chủ yếu có tầm vóc quan trọng: một mặt, tôn vinh tài liệu lịch sử này của Đức Phaolô VI và giáo huấn của Ngài; mặt khác, trong đường hướng do các vị Giáo hoàng tiền nhiệm vạch ra, xác nhận tính cách trường kỳ của các học thuyết của Giáo hội, đồng thời tính cách đổi mới liên lỉ của nó. Thật thế, tính cách trường kỳ và canh tân là một giá trị không lay chuyển của giáo huấn Giáo-hội.
Hai phẩm chất đó là những nét đặc trưng của giáo huấn Giáo-hội trong lãnh vực xã hội. Giáo huấn ấy vừa không lay chuyển vì luôn y nguyên nơi cảm hứng căn đế, nơi các nguyên tắc suy tư,  nơi "các tiêu chuẩn phán đoán", nơi những "chỉ dẫn hành động" nền tảng 124 và nhất là nơi mối liên hệ mật thiết với Phúc-âm của Chúa; nhưng vừa luôn luôn mới mẻ vì thích ứng đúng lúc và cần thiết với những đổi thay của hoàn cảnh lịch sử, với biến chuyển liên tục của các mối liên hệ tạo nên cuộc sống con người và xã hội".
Giáo huấn của Giáo-hội không cống hiến những giải pháp kỹ thuật, chính trị hoặc kinh tế. Nhưng với tư cách là chuyên gia nhân tính, Giáo-hội bảo vệ nhân phẩm, vì phải chu toàn sứ mệnh rao truyền Phúc-âmmà Giáo-hội đề nghị một quan niệm chân thực về phát triển.
"Như Đức Phaolô VI đã tuyên bố trong thông điệp của Ngài 125, Giáo-hội không có những giải pháp kỹ thuật để cống hiến cho vấn đề kém phát triển . Thật vậy, Giáo-hội không đề xuất các hệ thống hoặc chương trình kinh tế và chính trị, cũng không ưa chuộng cái này hơn cái kia, miễn sao nhân phẩm phải được tôn trọng và thăng tiến một cách đúng đắn, và phần mình, có được tự do cần thiết để chu toàn tác vụ trên thế giới. Nhưng Giáo hội là "chuyên viên về nhân tính" 126, và sự kiện đó nhất thiết thúc đẩy Giáo hội trải rộng sứ mệnh tôn giáo của mình vào những địa hạt đặc biệt là những môi trường mà mọi người nam, nữ sinh hoạt để mưu tìm hạnh phúc, luôn luôn còn là tương đối nhưng có thể thực hiện được, theo đúng phẩm giá làm người của mình.
Noi gương các vị tiền nhiệm, tôi phải lập lại rằng điều gì liên quan đến phẩm giá con người và các dân tộc, như trường hợp vấn đề phát triển chân thật, thì không thể qui về lãnh vực "kỹ thuật" mà thôi. Khi phát triển bị giản lược thành một vấn đề kỹ thuật, thì nó sẽ mất hết nội dung chân thật của nó; làm như thế là phản bội lại con người và các dân tộc mà công tác phát triển muốn phục vụ.
Đó là lý do tại sao Giáo-hội có một lối để nói trong thời buổi hôm nay, cũng như cách đây hai mươi năm và còn cả tương lai, về bản tính, điều kiện yêu sách và mục đích của phát triển chân thật, và về những trở ngại ngăn chận nỗ lực ấy.
Khi hành động như vậy, Giáo hội chu toàn sứ mệnh truyền bá Phúc-âm và cống hiến phần tiên quyết của mình để giải quyết cấp bách vấn đề phát triển : Giáo-hội tuyên dương. chân lý về Đức Kitô, về Giáo-hội và về con người, và áp dụng chân lý ấy vào một hoàn cảnh cụ thể"  127.
Giáo huấn  xã hội của Giáo-hội là một dụng cụ trình bày các nguyên tắc có thể đương đầu với các vấn đề quan yếu hơn cả, thuộc trật tự đạo đức.
"Dụng cụ Giáo hội dùng để đạt mục đích ấy là học thuyết xã hội. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, để có thể diễn tả đúng đắn các vấn đề và áp dụng những giải pháp tốt đẹp hơn, nên có một kiến thức chuẩn xác hơn và một nỗ lực phổ biến rộng rãi hơn "toàn bộ các nguyên tắc suy tư và tiêu chuẩn phán đoán cũng như chỉ dẫn hành động "được giáo huấn Giáo hội đề nghị. 128
Và người ta sẽ lưu ý ngay rằng những vấn đề cần phải đương đầu trước hết thuộc lãnh vực đạo đức; và việc phân tích vấn đề phát triển cũng như các phương cách vượt qua các khó khăn hiện nay không thể bỏ qua chiều kích thiết yếu này".
Tính cách thần học của học thuyết xã hội đã được xác minh. Giáo huấn này không có thể nào là "con đường thứ ba", hoặc là một ý thức hệ. Nó là một lối trình bày  đặc loại.
"Học thuyết xã hội không phải là con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tập thể Mác-xít, cũng không phải là một lối giải quyết nào đó ít quá khích: nó là một học thuyết đặc loại, riêng từ nơi bản tính của nó. Nó cũng không phải là một thứ ý thức hệ, nhưng là một lối diễn tả chính xác những kết quả của suy tư tập chú vào các thực tại phức tạp của cuộc sống con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, nhìn dưới khía cạnh của đức tin và truyền thống Giáo-hội. Mục đích chính là minh giải những thực tại này, xem chúng có thích hợp hay đi ra ngoài con người và ơn gọi của nó vừa trần tục lại vừa siêu nhiên; nói cách khác, nó có mục đích là định hướng cuộc sống, cách cư xử theo quan điểm Kitô giáo. Vì vậy nó không đi vào trong lãnh vực của ý thức hệ nhưng thuộc lãnh vực thần học và đặc biệt là thần học đạo đức".
Giáo huấn xã hội của Giáo-hội đóng một vai trò tiên tri; nó là một yếu tố thuộc về sứ mệnh rao truyền Phúc-âm của Giáo-hội, vừa tuyên dương công lý vừa lên án bất công.
"Giáo huấn và phổ biến học thuyết xã hội là một phần của sứ mệnh truyền bá Phúc-âm của Giáo hội. Và vì đây là một học thuyết  nhằm hướng dẫn thái độ sống của con người, nên nó thúc đẩy mỗi người, theo vai trò, ơn gọi, hoàn cảnh của mình, "dấn thân cho công lý".
Chu toàn tác vụ rao truyền Phúc-âm trong lãnh vực xã hội, nằm trong chức năng tiên tri của Giáo-hội, nên bao gồm cả việc tố giác các điều ác và bất công. Nhưng nên nhấn mạnh thêm rằng loan báo Tin-mừng luôn quan trọng hơn là tố giác; và tố giác không thể nằm ngoài công việc rao truyền Phúc-âm, vì sứ mệnh rao truyền Phúc-âm xây dựng nền tảng chân thật cho tố giác và huy động nó hướng đến mục tiêu cao cả nhất".
Hơn bao giờ hết, giáo huấn xã hội của Giáo-hội phải có cái nhìn ở mức quốc tế; đặc biệt trong khuôn khổ của sự chọn lựa ưu tiên phục vụ những người nghèo và biệt đãi người nghèo.
"Học thuyết  xã hội cuả Giáo-hội, lúc này còn hơn trong quá khứ, phải biết mở ra với nhãn quan quốc tế theo đường hướng của Công đồng Vaticano II, 129 các thông điệp gần đây 130 và đặc biệt là thông điệp mà chúng ta mừng kỷ niệm lúc nầy đây 131. Vì thế, dựa vào quan điểm này, truy cứu và đào sâu các chủ đề và đường hướng đặc trưng mà giáo huấn Giáo-hội nhắc lại trong những năm vừa qua, công việc đó xét ra không phải là vô ích.
Ở đây tôi muốn nêu lên một trong những điểm ấy: đó là sự chọn lựa hoặc biệt đãi những người nghèo. Đó là một lối chọn lựa, hoặc một thứ ưu tiên đặc biệt trong công cuộc thực thi bác ái Kitô giáo của toàn bộ truyền thống Giáo-hội. Nó liên quan đến cách sống của mỗi một Kitô hữu, khi bắt chước cách sống của Đức Kitô; nhưng nó còn áp dụng cho những trách nhiệm xã hội của chúng ta trong phong cách chúng ta sống, trong các quyết định của chúng ta, làm sao để chúng thể hiện tinh thần ấy khi nói đến quyền tư hữu và cách sử dụng của cải.
Ngày nay, khi vấn đề xã hội 132 ở vào chiều kích thế giới, thì muốn yêu thương biệt đãi người nghèo, cũng như các quyết định do tình yêu ấy thúc đẩy, không thể nào làm ngơ không nhìn đến vô vàn người đói khát, khất thực, vô gia cư, không được săn sóc sức khỏe, và nhất là mất đi niềm hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hơn, người ta không thể không chân nhận sự hiện hữu của các thực tại này. Không biết đến chúng là tự đồng hóa mình với "người giàu có" từng làm lơ không biết đến người ăn mày Lazarô nằm bên cửa nhà mình (Lc 16,19-31) 133.
Cuộc sống ngày hayy cũng như các quyết định chính trị và kinh tế của chúng ta phải lưu ý đến các thực tại ấy. Các vị hữu trách của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, đừng nên quên đưa vấn đề nghèo đói đang gia tăng lên hàng ưu tiên trong các chương trình hành động của mình. Đáng buồn thay, thay vì sút giảm, số người nghèo, không những gia tăng trong các nước kém phát triển, nhưng thật tệ hại khi nó còn gia tăng cả trong những xứ phát triển nhất".
Giáo huấn này kêu gọi cần có những quyết định ở cấp quốc gia và quốc tế. "Nguyên tắc đặc trưng" của học thuyết xã hội của Giáo-hội cần phải nhớ trong vấn đề này, là "của cải được Thiên Chúa tạo dựng ban cho mọi người"
"Một lần nữa cần nhắc lại nguyên tắc đặc trưng của học thuyết xã hội Kitô giáo: của cải trên thế giới này khởi thủy dành cho mọi người 134. Quyền tư hữu vẫn có giá trị và cần thiết, nhưng không xoá bỏ giá trị của nguyên tắc này. Thật thế, nơi của cải riêng đã có "một giấy nợ xã hội" 135 nghĩa là của cải riêng ấy đã có một chức năng xã hội  do nguyên tắc "của cải dành cho mọi người" thiết đặt và biện minh. Và trong nỗ lực dấn thân cho người nghèo, đừng nên quên hình thức nghèo khổ đặc biệt, đó là tình trạng bị tiếm đoạt những nhân quyền căn bản, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, và, ngoài ra, còn có quyền sáng kiến kinh tế nữa".
 
Các ý kiến tổng kết và các đề nghị
Sau phần trình bày tổng lược trên đây, chúng tôi nghĩ có thể nêu lên một cách cô đọng một số nhận định rõ rệt, đồng thời kèm theo phần bình luận và đề nghị.
Chúng tôi hẳn đã trả lời cho những câu hỏi đặt ra trong phần Dẫn nhập về nguồn gốc, bản chất cá biệt và ý nghiã hiện nay của học thuyết xã hội của Giáo-hội. Cũng như đã xác minh được lập trường nền tảng quan niệm rằng học thuyết xã hội của Giáo-hội gắn liền với toàn bộ cuộc sống và kinh nghiệm dần hồi của Giáo-hội qua lịch sử. Cái nhìn đó không có gì mới, nhưng cần phải xác minh để đính chính ý kiến của những người chỉ biết đến giáo huấn Giáo-hội vào thời cận đại mà thôi. Qua phần nghiên cứu chúng ta đã lược qua, chúng ta có thể nói được rằng quan điểm giản lược ấy đã cắt giảm học thuyết xã hội của Giáo-hội, vì không biết đến những nguồn gốc lịch sử và giáo thuyết của nó.
Ngoài ra, khi đưa giáo huấn xã hội của Giáo-hội vào một bối cảnh lịch sử và thần học rộng lớn, chúng ta sẽ lưu ý nhiều hơn đến những căn do thực sự và động lực thúc đẩy Giáo-hội tuyên dương công lý và tình huynh đệ. Nhờ nới rộng những tầm nhìn như thế, chúng ta khám phá được rằng còn có nhiều chân trời để khai triển. Cần có những nghiên cứu mới mẻ trong lãnh vực lịch sử xã hội, tiến triển thần học, tổ chức các phong trào xã hội công giáo, để đánh giá chính xác hơn tất cả các yếu tố đã đóng góp vào giáo huấn xã hội của Giáo-hội, xuyên qua các thời đại khác nhau, và phát xuất từ những nguồn gốc dị biệt. Có những tài liệu chuyên khảo rất hay về giáo huấn xã hội nơi Thánh-kinh, của các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, của các Giáo-phụ và Tiến sĩ Giáo-hội, hoặc của các triết gia và thần học thời gần chúng ta hơn. Tập trung kết quả của các khảo luận nầy và xuất bản thành từng bộ tổng hợp để cổ động cho những công trình nghiên cứu về sau, việc làm ấy rất hữu ích và đúng lúc.
Nỗ lực trình bày tổng lược này không hẳn là những kết luận dứt khoát, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với độc giả một số ý kiến được xem là quan trọng hơn cả trong phần phân tích của chúng tôi. Những ý kiến đó cho thấy rõ các nhận xét chính của cuốn sách, chúng tôi hy vọng rằng chúng có thể được xem là những điểm khởi phát cho các công trình truy cứu về sau.
1- Trước hết, chúng tôi đã nhận ra rằng giáo huấn xã hội xa xưa lâu đời như chính Giáo-hội vậy. Ngay từ đầu, Giáo hội đã vì sứ mệnh tiên tri của mình mà tuyên dương quan điểm của Phúc-âm về cách xử sự trong lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế; Giáo-hội luôn luôn bênh vực người nghèo, tố giác bất công, cổ võ công bằng và bác ái. Ngay từ khởi thủy, những nguyên tắc hướng dẫn của Giáo-hội là Lời Chúa và luật tự nhiên do lý trí con người lãnh hội. Kitô hữu đã thấm nhập gia sản của Cựu-ước, với những lời dạy phải thương xót người nghèo khổ, đói khát, túng thiếu, ngoại quốc, và với những luật lệ về công bằng và phải lẽ trong tất cả các mối giao tế, xử sự. Rồi từ nguồn Tân ước, Kitô giáo đã học, đã rao truyền điều răn yêu thương mọi người mà Chúa đã ban cho nhân loại, điều răn được mặc khải như là men cách mạng thật sự để biến đổi xã hội.
2- Giáo huấn xã hội của Giáo-hội được tài bồi qua các thế kỷ với một lối kinh nghiệm duy nhất. Thật thế, Giáo-hội đã thấu hiểu thân phận con người một cách hết sức đặc biệt, qua những mối liên hệ lịch sử, xã hội và văn hóa. Nhờ vậy, giáo huấn xã hội của Giáo-hội có một nhãn quan lịch sử luôn tôn trọng các giá trị tốt đẹp của quá khứ, nhưng cũng mở ra với các chân trời bao la của tương lai, nghĩa là không giới hạn vào những mục tiêu ngắn hạn mà thôi. Nói một cách chính xác, Giáo-hội có một cái nhìn thần học về lịch sử và xã hội con người: Giáo-hội quan niệm rằng con người được Thiên Chúa đựng nên, được Đức Kitô cứu chuộc, sống trong thế gian nhưng được mời gọi để mặc lấy thân phận siêu nhiên.Từ nhận thức xã hội làm người vừa siêu nhiên vừa tự nhiên, Giáo-hội được gọi một cách đúng lý là "chuyên môn về nhân tính",như lời của Đức Phaolô VI tại Liên Hiệp-quốc năm 1965 và của Đức Gioan-Phaolô II trong thông điệpSollicitudo Rei Socialis, số 41.
3- Chúng ta  thấy được rằng các lối diễn tả đầu tiên có hệ thống về tư tưởng xã hội Kitô giáo phản ảnh truyền thống phong phú của Giáo hội trong lối rao truyền, về lý tưởng công bằng và bác ái của Phúc-âm. Các nhà tư tưởng Kitô giáo lâu đời nhất đã chịu ảnh hưởng sâu xa từ các nhà giảng đạo và các Thánh - và nhiều vị trong họ là những vị Thánh nữa. Dần dần, một học thuyết xã hội minh nhiên thành hình do công trình của các trường phái thần học và đạo đức học, trong đó có nhiều vị thuộc các Hội-dòng. Vào khoảng thế kỷ XV, các Giáo-hoàng bắt đầu lên tiếng một cách rõ ràng về các vấn đề xã hội như nô lệ, cho vay ăn lời, trao đổi kinh tế công bằng, tôn trọng các dân tộc địa phương trong các vùng thuộc địa. Các lần lên tiếng của các Giáo-hoàng sau đó đã trở thành lối diễn tả chính thức của học thuyết xã hội của Giáo-hội. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là giáo huấn xã hội ấy không bị tách ra khỏi sứ mạng nguyên khởi và trường kỳ của Giáo-hội, đó là rao giảng Phúc-âm cho các xã hội trong lịch sử.
4- Thông điệp Rerum Novarum (1891) của Đức Lêô XIII là một cống hiến đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên, với một lối trình bày có hệ thống, một vị Giáo-hoàng đương đầu với các vấn đề phức tạp đi kèm với cuộc cách mạng kỹ nghệ. Rerum Novarum ngày nay vẫn là một điểm qui chiếu của giáo huấn xã hội. Một mặt chúng ta nhìn nhận giá trị đặc biệt của thông điệp này, nhưng mặt khác chúng ta cũng thấy rằng Rerum Novarum đã trực tiếp tận dụng các công trình khảo cứu và tìm tòi của nhiều nhóm công giáo vào thế kỷ XIX. Một lối tiếp cận mới về "vấn đề xã hội" xuất hiện trong giới công giáo. Họ tự mình dấn thân phục vụ các giai cấp thợ thuyền, các giới trẻ, dân chúng nông thôn và thành thị. Nhiều tổ chức xã hội rất ảnh hưởng được thành lập, Nhiều Giám-mục phổ biến các bức thư can đảm về công bằng để bênh vực giới lao động và người nghèo khổ. Các nhà văn công giáo đã nỗ lực trình bày tư tưởng xã hội công giáo một cách có hệ thống. Nếu Rerum Novarum được kinh nghiệm người công giáo tài bồi, thì chính nó, nó có tác năng đặc biệt là tạo ra một sức bật quyết định nhằm phát triển điều mà Đức Piô XI sau này gọi là "khoa học xã hội Công giáo". Thông điệp của Đức Lêô XIII đã đựợc các vị Giáo-hoàng kế vị liên tục tổ chức kỷ niệm, xem đó như một tiêu mốc chính yếu cho tư tưởng xã hội Kitô giáo.
5- Theo quan điểm của chúng tôi, Giáo-hội thực sự đã dấn thân vào giáo huấn xã hội trước khi người ta nói về "học thuyết xã hội công giáo". Mãi đến thế kỷ XIX học thuyết xã hội của Giáo-hội mới được nêu lên và bàn cãi như một học thuyết. Thông điệp Rerum Novarum (1891) đã cung cấp nhiều chỉ dẫn quan trọng, nhưng chúng ta có thể nói rằng tài liệu chính thức đầu tiên thực sự bàn đến học thuyết xã hội công giáo như một chủ đề chuyên biệt, đó là Thông điệp Quadragesimo Anno (1931) của Đúc Piô XI; bản văn ấy phân tích rõ rệt bản chất, phương pháp, các nền tảng và thẩm quyền của học thuyết xã hội của Giáo-hội. Các tài liệu  kế tiếp của Giáo-hội sẽ thường xuyên nói đến đề tài này và lưu ý nhiều đến nội dung đó, như chúng ta thấy lại trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (1987) của Đức Gioan-Phaolô II.
Học thuyết xã hội của Giáo-hội, khi nhìn dưới khía cạnh của một bộ môn đặc loại, thì thiết yếu được xây dựng trên nền tảng của thần học và suy tư của con người. Nó không được lẫn lộn với những lý thuyết hoặc ý thức hệ xã hội. Nó thực sự liên hệ đến giá trị của sinh hoạt đời sống; mục đích của nó là cống hiến những nguyên tắc hướng dẫn về đạo đức và siêu nhiên cho cá nhân và các nhóm, để đối đầu với những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị và sinh hoạt quốc tế.
6- Giáo huấn xã hội của Giáo-hội được tài bồi nhờ những tiến bộ của thần học và các ngành khoa học nhân văn. Ngày nay các tài liệu xã hội của Giáo-hội hưởng dụng các nghiên cứu gần đây trong thần học và khoa học Thánh-kinh; nó tiếp nhận và thâu hóa các yếu tố lành mạnh mà xã hội học, kinh tế học, lịch sử xã hội học và nhân học mang lại. Giáo-hội không coi thường ngành khoa học mới mẻ nào trong nỗ lực tìm hiểu các hoàn cảnh xã hội hiện nay và các vấn đề đạo đức do chúng dấy lên.
Giáo hội không nại đến thẩm quyền nào đặc biệt trong lãnh vực của các ngành khoa học nhân văn; nhưng cũng như bất kỳ tổ chức nào, Giáo-hội đối thoại với các chuyên viên các ngành nghiên cứu  xã hội khác nhau và vay mượn tất cả những gì Giáo hội thấy hữu ích cho giáo huấn của mình trong lãnh vực phương pháp và kiến thức thực nghiệm.
Nhưng phải nhận rằng chính Giáo-hội đã làm phong phú thêm ý nghĩa của các quan niệm mới mà ngày nay xem là chủ yếu trong tư tưởng xã hội, như các ý niệm về phát triển, hòa bình thế giới, liên đới, tiến bộ, giải phóng, lao động con người, nhân quyền, liên lập, tình huynh đệ đại đồng và thăng tiến nhân loại.
7- Cái nhìn tổng lưọc của chúng ta trên đây làm nổi bật sự kiện giáo huấn xã hội của Giáo-hội có những yếu tố trường tồn cũng như những yếu tố nhất thời. Các nguyên tắc trường kỳ phát sinh từ Phúc-âm và truyền thống linh động của Kitô giáo về bản tính của con người được Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc. Phẩm giá mọi người, tình huynh đệ đại đồng, những yêu sách nền tảng về công bằng và bác ái trong cuộc sống xã hội, biệt đãi người nghèo, bảo vệ và thăng tiến cho kẻ túng thiếu, kêu gọi mọi thành phần trong cuộc sống xã hội phải canh tân thường xuyên, tất cả những nguyên tắc này trường tồn bất kể chúng được diễn tả dưới hình thức nào đi nữa.
Các khía cạnh nhất thời của học thuyết của Giáo-hội phát xuất từ việc giáo huấn trong đó áp dụng vào những hoàn cảnh lịch sử đổi thay. Phán đoán của Giáo hội về những hoàn cảnh này phải được hiểu trong bối cảnh riêng của chúng. Chẳng hạn, nếu Đức Lêô XIII lo lắng cho sự sụp đổ các thể chế cai trị lâu đời tại Âu-châu và tình trạng suy thoái của văn minh Kitô giáo truyền thống, chúng ta không thể kết luận rằng mẫu mực quốc gia nơi các thông điệp về chính trị của Đức Lêô XIII luôn luôn phải được xem như là mẫu mực xã hội mà giáo huấn Giáo-hội cần đề nghị. Ngày nay, người công giáo được mời gọi để kiến tạo xã hội tương lai trong tinh thần hợp tác đại kết với tất cả các Kitô hữu khác, với tất cả những tín đồ cũng như tất cả mọi người, mọi nhóm thiện chí. Đặc biệt, kể từ Đức Gioan XXIII, học thuyết xã hội của Giáo-hội đã nhìn nhận rằng công bằng xã hội cần được thực hiện trong lòng xã hội đa nguyên, có nhiều tôn giáo và niềm tin tưởng khác nhau. Người công giáo có cái nhìn riêng, do tinh thần Phúc-âm hướng dẫn; họ tuyên duơng niềm tin tôn giáo của họ giữa cuộc sống xã hội, nhưng không nhân danh Phúc-âm hoặc Giáo-hội để áp đặt một dự án xã hội  theo ý mình. Ngày nay, Giáo-hội có thể minh nhiên xác quyết rằng giáo huấn xã hội của mình có giá trị phổ quát, nói với mọi người thiện chí. Đối với Giáo-hội, vấn đề xã hội thực sự đã trở thành một vấn đề có tầm mức thế giới, liên quan đến toàn thể nhân loại.
8- Như vậy, kết luận chính của chúng tôi là giáo huấn xã hội không thể tách rời khỏi toàn bộ đời sống và sứ mệnh của Giáo-hội. Vì đi sâu vào các xã hội của lịch sử nhân loại, Giáo-hội phải tuyên dương lý tưởng Phúc-âm cho mọi công đồng con người. Vì lý do đó, không khi nào Giáo-hội không có một học thuyết xã hội.
Xác tín nầy xuất hiện rõ nét trong Công đồng Vaticano II, đặc biệt nơi Hiến Chế Gaudium et Spes, tài liệu về "Giáo-hội trong thế giới ngày nay". Nay chúng ta thấy rõ hơn động lực thôi thúc Vaticanô II dứt khoát xét lại vai trò của Giáo-hội trong xã hội trần thế. Toàn thể Giáo-hội đã dấn thân đi vào một hình thức đối thoại mới với thế giới tân kỳ ngày nay, để lượng định  các niềm hy vọng và những mâu thuẫn của nó. Sứ mệnh xã hội của Giáo-hội đã được xác nhận lại bằng lối nói long trọng và phổ quát. Với thẩm quyền của một công đồng chung, Giáo-hội tuyên bố hỗ trợ nỗ lực thăng thiến xã hội, văn hóa và tinh thần của tất cả các nhóm và toàn thể gia đình nhân loại. Sự kiện này đang được cảm nhận dần hồi như một biến chuyển có hậu quả to lớn và mang nhiều hy vọng.
Người công giáo ý thức rằng qua lịch sử họ không phải lúc nào cũng trung thành với đòi hỏi của công bằng xã hội và bác ái. Họ còn thường phạm tội lỗi phép công bằng nữa. Phải nhìn nhận sự kiện đó, nhưng giáo huấn xã hội của Giáo-hội của họ là một chứng nhân trường kỳ, làm chứng cho quyền năng của Phúc-âm, để không ngừng tái tạo các xã hội của con người, dựa trên các nguyên tắc công bằng, hòa bình và tình huynh đệ.
 _________________________________________
[1]. Lêo XIII, Thông điệp Inscrutabili, 21.4.1878, trong Acta Leonis XIII, 1 (1881), tr. 44-58.
[2] . Lêo XIII, Thông điệp Diuturnum, 29.6.1881, trong Acta Leonis XIII, 2 (1882), tr. 269-287.
* Đó là quan điểm của Jacques Maritain trong khảo luận nói về ảnh hưởng Luther, Descartes và Rousseau. "Mỗi người mỗi lãnh vực, nhưng cả ba người chi phối thế giới tân kỳ và chi phối tất cả những vấn đề đang làm cho ta ray rứt: một nhà cải cách tôn giáo, một người canh tân triết học, một người cải cách đạo đức: Luther, Descartes, Rousseau. Họ thật đúng là cha đẻ lương tâm tân thời". J. Maritain : Trois Réformateurs : Luther, Descartes, Rousseau. Paris, Plon,1925, tr. 4.
3 Lêo XIII, Thông điệp Immortale Dei, 1.11.1885, trong Acta Leonis, 5 (1885), tr. 118-150.
4 De moribus Ecclesiae, I, chương 30, số 63 (PL 32, 1336).
5 Epist138 ad Marcellinum, chương 2, số 15 (PL 33, 532).
6 Apologet.,27 (PL 1, 525)
7  Lêo XIII, Thông điệp Rerum Novarum, 15.5.1991, trong Acta Leonis XIII, 11 (1892), tr. 97-148.
8 1 Tim 6, 10.
9  Ac 4, 34.
10 Apologia secunda, 39 (Apologeticus, chương 39; PL 1, 533 A).
11 Mt. 16, 16.
12 Mt. 6, 32-33.
13 Piô XI, Thông điệp Ubi Arcano, 23.12.1922, trong Acta Apostolicae Sedis 14 (1922) tr. 673-700.
14 Ecclesiasticus 41, 17.
15 Thánh vịnh 118, 165; và Châm ngôn 13, 13.
16 Mt. 22, 21.
17 Xem. Jn 19, 11.
18 Mt. 23, 2.
19 Rm. 13, 1
20 Thánh AugustinôDe moribus Ecclsiae Catholicae, Quyển I, chương 30 (PL 32, 1334).
21 1 R. 16, 7.
22 Col. 3, 11
23 Piô XI, Thông điệp Quadragesimo  Anno, 15.5.1931, trong Acta Apostolicae Sedis 23 (1931), tr. 177-228.
24 Rerum Novarum, số 13 (Acta Leonis XIII, 11, trang 107).
25 Chỉ cần kể ra một vài văn kiện: Lêo XIII, Tông thơ Proeclara, 20.6.1894; Lêo XIII, Thông điệp Graves de communi, 18.1.1901; Piô XTự sắc De actione popalari Christiana, 8.12.1903; Benedictô XV, Thông điệp Ad beatissimi, 1.11.1914; Piô XI, Thông điệp Ubi Arcano, 23.12.1922; Piô XI, Th.đ. Rite Expiatis, 30.4.1926.
26 Phẩm trật công giáo và vấn đề xã hội từ thông điệp "Rerum Novarum", 1891-1931.
27 Is 11, 12
28 Rerum Novarum, số 13.
29 Piô XI, Thông điệp Ubi Arcano, 23.12.1922.
30 PIÔ XI, Thông Điệp Divini Redemptoris, 19.3.1937, trong AAS 29 (1937), tr. 65-106.
31 Piô XI, Thông điệp Divini Illius Magistri, 31.12.1929: AAS 22 (1930) , tr. 49 và tiếp theo.
32  Lêo XIII, Thông điệp Rerum Novarum, 15.5.1891, Acta Leonis XIII, 11, tr 94 và tiếp theo.
33 Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno, số 18.
34 Mt. 13, 55; Mc 6, 3.
35 Cicéron, De Officiis, Cuốn I, chương 42.
36 Piô XIThông điệp Caritate Christi, 3.5.1932 : AAS 24 (1932) , tr. 184.
37 Piô XIIThông điệp Summi Pontificatus, 20.10.1939, trong AAS 31 (1939), tr. 413-453.
38 Piô XIIKỷ niệm 50 năm "Rerum Novarum", 1.6.1941, trong AAS 36 (1944), tr. 195-205. 
39 Piô XIITương lai văn minh Kitô giáo, 1.9.1944, trong AAS 38 (1946), tr. 141-151.
40 xem Rom. 2, 15.
41 Diễn văn gởi các Hồng Y , 20.2.1946, trong AAS 38 (1946), tr. 141-151.
42 Mc. 16, 15
43 Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961, trong AAS 53 (1961), tr. 401-464.

44 Giáo huấn, 3.5.1960; xem AAS 52 (1960), tr. 465.
45 Xem Ibid.

46 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11.4.1963, trong AAS 55 (1963), tr.  257-304.

47 Xem Thông điệp Mater et Magistra : AAS 53 (1961), tr. 456.
48 Ibidtr. 456; cf. Thông điệp Immortale Dei , Acta Leonis XIII, 5 (1885), tr. 128; Th. đ. Ubi Arcano: AAS .14 tr. 698; và Diễn từ của Đức Piô XII gởi các đại biểu Hiệp Hội Phụ Nữ Công Giáo Quốc Tế nhóm họp tại Rôma, 11.9.1947: AAS 39 (1947), tr. 486.
49 Những văn kiện của Công đồng Vaticanô II, chúng tôi trích dẫn nguyên văn Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, 7.12.1965, trong AAS 58 (1966). Và trong những văn kiện khác của Công đồng Vaticanô II, chúng tôi trích dẫn các đoạn sau: Inter Mirifica, 4.12.1963, trong AAS 56 (1964), tr145-157. Unitatis Redintegratio, 21.11.1964, trong AAS 57(1965), tr. 90-112. Apostilicam Actuositatem, 18.11.1965, trong AAS 58 (1966).

50  Xem Rm. 7. 14...
51 Xem Co 5, 15.
52 Xem Ac  4, 12.
53 Xem He 13, 8
54 Xem Col 1, 15
55  Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, III: AAS 56 (1964), tr. 637-659.
56 Xem Tt  3, 4: "philantropia".
57 Xem Eph 1, 3. 5-6. 13-14. 23.
58 Xem Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo-hội Lumen Gentium, chương 1, số 8: AAS 57 (1965), tr. 12.
59 Ibid., chương 2, số 9: AAS 57 (1965), tr. 14; cf. Số 8 (AAS, như trên, tr.  11).
60 Ibid., chương 1, số 8: AAS 57 (1965), tr. 11.
61 Ibid., chương 4, số 38: AAS 57 (1965), tr. 43 với ghi chú 120).

62 Xem Rm 8, 14-17.
63 Xem Mt 22, 39.
64 Xem Hiến chế tín lý Lumen Gentium, chương 1, số 9: AAS 57 (1965), tr. 12-14).
65 Xem Piô XII, Huấn dụ gởi các sử gia và nghệ sỹ, 9.3.1956, AAS 48 (1956), tr. 212.
66 Hiến chế tín lý Lumen Gentium, chương 1, số 1: AAS 57 (1965), tr.  5.
67 Xem He 13, 14.
68 Xem 2 Tm 3, 6-13; Ep 4, 28.
69 Xem Is 58, 1-12.
70 Xem Mt 23, 3-33; Mc 7, 10-13.

71 Xem  Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, IV: AAS 53 (1961), tr456-457; và I (AAS, như trên, tr. 407, 410-411.
72 Hiến chế tín lý Lumen Gentium, chương 3, số 28: AAS 57 (1965), tr. 34-35).
73 Ibid., số 28: AAS như trên, các trang 35-36.
74 Xem Thánh AmbrôsiôDe Virginitate, chương VIII, số 48: PL 16, 278.
75 Hiến chế tín lý Lumen Gentium, chương 2, số 15: AAS 57 (1965), tr.  20.
76 Hiến chế tín lý Lumen Gentium, chương 2, số 13: AAS 57 (1965), tr.  17.

77 Giustinô, Dialogus cum Tryphone, chương 110: PG 6, 729; nxb. Otto, 1897, tr. 391-393. xem Tertulianô, Apologeticus, chương 150, 13: PL 1, 534; Corpus Christi, set. lat. I, tr.  171; xem Hiền chế tín lý Lumen Gentium, chương 2, số 9: AAS 57 (1965), tr. 14.
78 Hiền chế tín lý Lumen Gentium, chương 7, số 48: AAS 57 (1965), tr. 53.
79  Xem Gioan XX III; diễn văn khai mạc Công-đồng, 11.10.1962: AS 54 (1962), tr. 792.


80 Xem Hiến chế về phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 123: AAS 56 (1964), tr. 131. Phaolô VI, Huấn từ gởi các nghệ sỹ rôma, 7.5.1964: AAS 56 (1964), tr439-442.
81 Xem Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đào tạo Linh mục, Optatam Totius và Tuyên ngôn về giáo dục công giáo,Gravissimum Educationis.
82 Xem Hiến chế tín lý Lumen Gentium, chương 4, số 37: AAS 57 (1965), tr. 42-43.
83 Xem ghi chú số 49.
84 Xem ghi chú số 49.

85 Xem ghi chú số 49.
86 xem Piô XII, Thông điệp Sertum Laetiae, 1.11.1939: AAS 31 (1939), các trang 635-644); xem Idem, Ad "Laureati" Act. Cath. Ital., 24.5.1953.
87 xem Piô XII, Ad Congressum Universalem Faederetionis Juventotis Femininae Catholicae, 18.4.1952: AAS 44 (1953), tr. 414-419; xem IdemAd Associationem Christianam Operariorum Italiae (A.C.L.I.) 1.5.1955: AAS 47 (1955), tr. 403-404.
88 xem Piô XII Ad Delegatos Conventui Nationali Italico Sodalitatum Caritatis27.4.1952 : AAS 44 (1952), tr. 470-471.
89 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 26.3.1967, trong AAS 59 (1967), tr. 257-299.
90 Xem Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra AAS 53 (1961), tr. 440).
91 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, số 63: AAS 58 (1966), tr. 1084.

92 Xem Lc. 7, 22.
93 Xem Thí dụ, J. MaritainL'humanisme intégral, Paris, Aubier, 1936.
94 H. de Lubac, Le drame de l'humanisme athée, ấn bản thứ ba, Paris, Spes, 1945, tr. 10.
95 Pensées, nxb Brunschvicg, số 434; xem. M. Zundel, L'homme passe l'homme, Le Caire, Ed. Du Lien, 1944.
96 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudiun et Spes, số 85:AAS 58 (1966), tr. 1108.
97 Lc 11, 9.
98 AAS 57 (1965), tr. 880.
99 Phaolô VI, Tông thơ Octogesima Adveniens, do Hồng-y Maurice Roy dịp kỷ niệm 80 năm "Rerum Novarum",14.5.1971, trong AAS (1971), tr. 401-441.

100 Gaudium et Spes, số 10, AAS 59 (1966), tr. 1033.
101 AAS 23 (1931), tr. 204 và tiếp theo.
102 AAS 53 (1961), tr. 429.
103 Populorum Progressio, số 3, AAS 59 (1967), tr.  258).
104 Ibid., số 1: như trên, tr.  257.
105 Xem 2 Cor 4, 17.

106 Populorum Progressio, số 13, AAS 59  (1967), tr.  264.
107 Xem Gaudium et Spes, số 36, AAS 58 (1966), tr. 1054.

108 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 4.3.1979, trong AAS 71 (1979), tr. 257-324
109 St. 1, 28.
110 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nayGaudiun et Spes, số 10(AAS 58 [1966], tr1032.
111 Ibid., số 10, như trên, tr. 1033.
112 Ibid.số 38, như trên, tr. 1056; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 21 (AAS 59 [1967], tr. 267-268).
113  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14.9.1981, trong AAS 73 (1981), tr. 577-647.

114 Thông điệp Redemptor Hominis, số 14: AAS 71 (1979), tr. 284.
115 Xem Tv. 127 (128), 2.
116 St. 3, 19.

117 xem. Mt 13, 52.

118 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudiun et Spes, số 38:AAS 58 (1966), tr. 1055.

119 Gioan Phaolô II, Diễn văn tai Nghi Hội  chuyên môn quốc tế "Từ Rerum Novarum đến Laborem Exercens:hướng về năm 2000", 3-5.4.1982.

120 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 12.1987, trong AAS 80 (1988), tr. 513-586.
121 Lêo XIII, Thông điệp Rerum Novarum, 15.5.1891 (Acta Leonis XIII, 11, (1892) các tr.  97-144.
122 Piô XIQuadragesimo Anno : AAS 23 (1931), các tr.  177-228; Gioan XXIIIMater et Magistra :AAS 53(1961), các tr. 401-464; Phaolô VIOctogesima AdveniensAAS 63 (1971),  các tr.  401-441; Gioan Phaolô IILaborem ExercensAAS 73 (1981), các trang 577-647; Piô XII, thông điệp truyền thanh (1.6.1941) kỷ niệm 50 năm Rerum Novarum: AAS 33 (1941), tr. 195-205.
123 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về mạc khải, Dei Verbum, số 4.
124 Xem Thánh Bộ giáo lý và đức tinHuấn thị về tự do Kitô và giải phóngLibertatis Conscientia, 22.3.1986, số 72: AAS 79 (1987), tr. 586; Phaolô VIOctogesima Adveniens, số 4: AAS 63 (1971), tr. 403 và tiếp theo.
125  Xem Populorum Progressio, số 13; 81: như trên, tr. 263 và tiếp theo; 296 và tiếp.
126 Ibid., số 13 như trên, tr. 263.
127 Xem Huấn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu kỳ III, 28.1.1979 : AAS 71,(1979), tr. 189-196).
128 Libertatis Consciencia, số 72: AAS 79 (1987), tr. 586Phaolô VITông thơ Octogesima Adveniens, số 4 : AAS 63(1971), tr. 403 và tiếp.

129 Xem Gaudium et Spes, Phần II, chương V, đoạn 2, "Xây dựng cộng đồng quốc tế", số 83-90.
130 Xem Mater et Magistra : AAS 53 (1961), tr. 440; Pacem  in Terris, Phần IV : AAS 55 (1963), các tr. 291-296; Octogesima Adveniens, số 2-4 : AAS 63 (1971), tr. 402-404.
131 Xem Populorum Progressio, số 3; 9 như trên, tr. 258; 261.
132 Ibid., số 3, như trên, tr. 258.
133 Populorum Progressiosố 47: như trên, các trang 280; Libertatis Conscientiasố 68: AAS 79 (1987), tr. 583 và tiếp.
134 Xem Gaudium et Spes, số 69; Populorum Progressio, số 22: như trên, tr. 268; Libertatis Conscientia, số 90 : (AAS 79 (1987), tr. 594; Thánh Toma Aquinô, Summa Theol., IIa IIa, q.66, art 2.
135 Xem Huấn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu kỳ III, AAS 71,(1979), các tr. 189-196; Huấn từ dành cho nhóm Giám Mục Balan nhân cuộc tiếp kiến ad limita, 17.12.1987, số 6 (L'Osservatoré Romano, 18 12. 1987)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét