Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Linh đạo bác ái


Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Để xây dựng nền văn minh tình yêu người ta có thể có nhiều con đường hay nhiều phương thức thực hiện. Nhưng đối với người tín hữu Kitô, khi hiểu được con đường là chính Đức Kitô (x. Ga 14,6) và tình yêu là chính Thiên Chúa (x. 1 Ga 4, 16) thì chỉ có một con đường duy nhất giúp ta xây dựng nền văn minh này. Đó là con đường tình yêu của Đức Kitô hay linh đạo bác ái.
Linh đạo là con đường thiêng liêng dẫn đến một đích điểm nào đó.
Người ta thường gọi tôn giáo là đạo, là đường thiêng như: đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, đạo Thiên Chúa, đạo Công giáo. Linh đạo còn là những lối sống hay nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội như đạo làm người, đạo vợ chồng.
Trong lịch sử Giáo hội Công giáo, ngoài con đường của Đức Kitô, để thích nghi theo hoàn cảnh, môi trường, thời gian và văn hoá khác biệt, có nhiều lối sống Phúc Âm mới dựa trên lý thuyết hoặc gương sống của các Thánh nhân. Từ đó, xuất hiện linh đạo của các vị thánh như Bênêđictô, Đa Minh, Phanxicô Assisi, Inhaxiô Loyola, Têrêxa Avila, Gioan Thánh Giá, Charles de Faucault, Mẹ Têrêxa Calcutta… Mỗi linh đạo đặt nền tảng trên một hay vài nhân đức căn bản hoặc nguyên tắc tinh thần nào đó. Thí dụ: linh đạo của Thánh Phanxicô dựa trên đức khó nghèo, linh đạo Thánh Bênêđictô dựa trên cầu nguyện và lao động.
Bác ái (bác là rộng, ái là yêu): là tình yêu bao la, quảng đại.
Tình yêu này không phải chỉ phát xuất từ trái tim của con người nhưng còn bắt nguồn từ chính Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã tự định nghĩa mình là tình yêu, là bác ái (1 Ga 4,16). Ngài ban tình yêu đó cho muôn loài như phản ánh phần nào bản chất của Thiên Chúa (x. Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công giáo). “Ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa sống trong người ấy” (x. 1 Ga 3,14; Hiến chế Tín Lý, Lumen Gentium, số 42; Hiến chế Mục vụ, Gaudium et Spes, số 38).
Linh đạo Bác ái: là con đường tình yêu mà người tín hữu cũng như Hội viên Caritas Việt Nam muốn đi theo để gặp được Thiên Chúa và mọi người, mọi vật.
Con đường tình yêu này do chính Thiên Chúa sáng lập. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con mình đến, sinh làm con một người đàn bà và sống dưới lề luật để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể chính là sự kiện Thiên Chúa xây dựng con đường của Ngài đi từ trời xuống đất để kéo toàn thể vũ trụ lên trời. Biến cố này vừa là 1 sự kiện lịch sử diễn ra trong không gian, thời gian cụ thể ở trần thế, vừa là 1 mầu nhiệm mà con người phải dùng đức tin và tình yêu mới có thể hiểu thấu và cảm nhận được hành động kỳ diệu và có vẻ nghịch lý này của Thiên Chúa. Đó là một Thiên Chúa tuyệt đối, vô hạn, siêu việt ở bên ngoài không gian, thời gian đã trở thành một con người lịch sử, trong một không gian và thời gian nhất định. Con người đó là Đức Giêsu Nazareth. Thiên Chúa thực hiện công trình xây dựng con đường này do động lực tình yêu thúc đẩy vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,6). “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Có người đã đồng hoá con đường Giêsu với Kitô giáo hay Công giáo. Đúng là có những điểm tương đồng vì Kitô giáo là một tổng hợp bao gồm những tín điều, giáo lý và phụng tự do Đức Kitô truyền lại, linh đạo do Người hướng dẫn và sau này còn tạo nên cả một nền văn minh Kitô giáo. Nhưng Kitô giáo hay Công giáo lại không phải là toàn bộ con đường của Đức Giêsu vì Người vẫn đang dẫn dắt nhiều người ngoài Kitô giáo để họ đi trong sự thật và sự sống của Người.
Con đường Giêsu này có 2 chiều: một chiều đi xuống từ phía Thiên Chúa đến với thụ tạo và một chiều đi lên để nâng thụ tạo thành thần linh, thành Thiên Chúa, chia sẻ cho họ sự sống đời đời, giúp họ thoả mãn khát vọng sâu xa là trở thành Thiên Chúa như Ngài, được đẹp mãi, trẻ mãi, sống mãi. “Không ai lên trời được ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13) chỉ cho họ con đường lên trời. Đây là điểm khác biệt của con đường Giêsu so với các con đường tâm linh khác trong lịch sử (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, số 6, 11).
Đức Giêsu quả thật là con đường dẫn đến sự thật toàn vẹn và sự sống thần linh khi Người công bố và minh chứng cho con người và vạn vật biết Người là con đường, là sự thật và là sự sống. Người khẳng định không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người (x. Ga 14,6). Người là Đấng Mêsia đến để cứu độ, là Môsê mới dẫn đưa nhân loại đi vào cuộc xuất hành mới (x. Lc 24,15; Dt 3,5; 12tt) và kêu gọi mọi người bước theo Người (x. Mt 4,19; Lc 9,57-62; Ga 12,35). Người đã minh chứng con đường này bằng những lời giảng dạy đầy quyền năng, những dấu lạ, bằng cái chết trên thập giá và cuộc sống lại của Người.
Như thế, con đường Giêsu không còn phải là những tín điều, những giáo thuyết, những nghi lễ hay luật lệ, thậm chí cả cách sống của Kitô hữu (x. Cv 9,2; 18,25; 24,22) nhưng là một con người sống động và cũng là Con Thiên Chúa, đó là Đức Giêsu Kitô.
Người tín hữu Kitô hay Hội viên Caritas Việt Nam đi theo Linh đạo Bác ái là người nhận ra Đức Giêsu nơi mỗi người mỗi vật để yêu thương và hành động như Đức Giêsu như khi Người sống ở trần gian. Họ nhận Đức Giêsu là người tình tuyệt vời của mình và kết hợp mật thiết với Người để không còn sống ích kỷ cho mình mà để Đức Giêsu sống trong mình (x. Gl 2,20).
Linh đạo này được rút ra từ kho tàng mạc khải của Thiên Chúa (x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Mạc Khải Dei Verbum, số 2-4, nhất là dựa trên Tin Mừng là lời dạy của chính Chúa Giêsu Kitô (x. HC Dei Verbum, số 4,7), từ Thánh Truyền (x. HC Dei Verbum, số 8), từ quyền giáo huấn của Giáo Hội (x. HC Dei Verbum số 8) và gương sống của các thánh nhân trong dòng lịch sử.
Cụ thể hơn, linh đạo này là tổng hợp 1 số điểm cơ bản rút ra từ các bản văn Thánh Kinh, từ các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, từ lời dạy của các Đức Thánh Cha gần đây như Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và một vài văn kiện đặc biệt như Bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo (TLHTXHGH) do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình ban hành năm 2004; Thông Điệp Thiên Chúa là Tình yêu (Deus est Caritas), năm 2005 và Bác ái trong Chân lý (Caritas in Veritate), năm 2009 của ĐTC Bênêđictô XVI.


4. Giá trị các linh đạo khác sẽ như thế nào?
Trước hết Linh đạo Bác ái cũng chỉ là một trong các linh đạo đã được con người khám phá và xây dựng trong lịch sử. Các linh đạo, tuỳ theo sự đóng góp vào việc xây dựng con người và Giáo hội, đều giữ nguyên giá trị của chúng trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, con người được tự do để chọn lựa và đi theo những con đường mà Thiên Chúa quan phòng đã sắp đặt cho các con cái của mình, tuỳ theo hoàn cảnh và ân sủng cụ thể của mỗi người.
Các linh đạo này, giống như các tôn giáo, là những con đường thật sự dẫn con người và vạn vật đến được với Thiên Chúa hằng hữu (x. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội, với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, số 1-2), nếu người ta bước theo với lòng thành và lương tâm ngay chính (x. HC Lumen Gentium, số 16). Những giá trị tích cực của các linh đạo này đòi hỏi mọi người biết tôn trọng và đối thoại chân thành khi nhận ra Đức Giêsu Kitô là sự thật và sự sống ẩn hiện trong chính những con đường đó.
Vì thế, tín hữu và Hội viên Caritas Việt Nam cùng đồng hành với mọi người khi đi theo Linh đạo Bác ái của mình.
Nhìn vào hành động của những người đi đường, người ta có thể phân loại họ thành người đi đúng đường hay lạc lối, người dạo chơi không chủ đích dù đang sử dụng con đường hay người dùng con đường có mục đích như để tìm đến nhà người quen nào đó, thậm chí có người chỉ lợi dụng con đường như để phơi thóc hoặc không đi mà nằm ngủ trên đường.
Những người theo đạo cũng thế. Họ có thể là tín đồ sùng đạo, đi đúng con đường của vị khai sáng nhưng cũng có người lạc xa giáo lý của đạo trong đời sống thường ngày. Có người chỉ lợi dụng tôn giáo để hưởng lợi hoặc đi theo mà không biết dẫn tới đâu. Có người lại ngủ quên trong tham vọng hay dục vọng trong những quán trọ bên đường đời.
Với ý thức và tự do, người tín hữu có thể có những mức độ dấn thân sau đây khi đi trên con đường Giêsu:
v Hiểu lầm con đường Giêsu cũng giống như các con đường khác. Họ cho rằng đạo nào cũng tốt hay chỉ có đạo Công giáo của mình là tốt. Họ không phân biệt được con đường mình theo vừa khác với các tôn giáo bạn cách sâu xa nhưng lại vừa hoà hợp với tất cả để Đức Giêsu Kitô là con đường duy nhất, là Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người và vũ trụ vì Người chính là con đường của Thiên Chúa.
v Tách biệt Đức Giêsu với con đường của Người. Trong dòng lịch sử, tuỳ theo nhu cầu của mỗi thời đại, người ta đã phân biệt, thậm chí tách biệt Đức Giêsu với con đường của Người. Người ta đã quá chú ý đến việc xây dựng và công thức hoá các tín điều, các giáo lý, đã nhấn mạnh đến việc tổ chức Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ, đã coi trọng việc cử hành phụng tự bên ngoài mà coi thường sự hiện diện sống động của Đức Giêsu và tác động Thánh Linh của Người.
v Sống đạo bây giờ trở thành việc đi đạo, giữ đạo với những luật lệ, nghi thức, không giữ là vi phạm, là mắc tội đối với cộng đoàn, với Giáo Hội, với Thiên Chúa chứ không phải là cùng đi với Đức Giêsu, cùng theo Đức Giêsu, cùng sống với Đức Giêsu để rồi “tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
v Kết quả là người tín hữu không còn có những cảm nghiệm sống động về Đức Giêsu Kitô như một người mình đang gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và hoà nhập thành một với Người. Họ không phát huy được sự sống kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần ban cho với ân sủng và quyền năng để làm phép lạ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, giải phóng con người và vạn vật thoát khỏi mọi hình thức nô lệ.
v Hoà nhập đạo với chính Đức Giêsu Kitô. Người kêu mời họ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Khi dám từ bỏ mọi tham vọng bất chính và dục vọng xấu xa để kết hợp thành một với Đức Kitô, họ cũng sẽ trở thành hiện thân của Người, trở thành con đường trải thân cho anh em và muôn loài thọ tạo bước đi.
v Thái độ đi đường tiêu biểu là của Đức Maria: “Đức Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa…” (x. Lc 1,39-56). Đó là người hăng hái ra đi vì được Thánh Thần Tình Yêu thúc đẩy. Là người lên đường với Chúa Giêsu trong lòng: Giêsu bây giờ hoà nhập với đường đời của họ. Là người vừa thờ phượng Chúa trong hồn vừa ra đi phục vụ con người, nhất là những ai yếu kém trong xã hội. Là người vừa dám chấp nhận hiểm nguy trên con đường vươn tới đỉnh cao, vừa biết phó thác đời mình cho Chúa để sống trong niềm vui và bình an.
Linh đạo Bác ái đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa và con người dựa vào xác tín cơ bản sau đây: Chúa Ba Ngôi là nguồn bác ái.
1. Tín hữu Kitô hay Hội viên Caritas Việt Nam xác tín rằng Thiên Chúa Tình Yêu là nguồn Chân Thiện Mỹ, nguồn sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Vì thế, mọi hoạt động bác ái của con người phải bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa. Như thế hoạt động bác ái mới có giá trị thật sự và tồn tại muôn đời (x. HC Gaudium et Spes, số 39).
2. Tín hữu Kitô hay Hội viên Caritas Việt Nam xác tín rằng: Thiên Chúa đã yêu thương mình trước (x. 1 Ga 4,10.19) và mình hoàn toàn tin cậy vào tình yêu đó. Vì thế, bác ái không còn phải là một điều răn nhưng là một hồng ân Chúa ban, và tình yêu của mình đối với anh em cũng như vạn vật chính là lời đáp lại ân sủng tình yêu của Thiên Chúa (x. TĐ Deus est Caritas, số 1).
Tín hữu Kitô hay Hội viên Caritas Việt Nam luôn xác tín rằng: khả năng giúp đỡ người khác là một hồng ân Chúa ban, chứ không phải là công đức hay sự nghiệp của bản thân (x. TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu, số 35). Nhưng họ là những công cụ mà Thiên Chúa dùng để trao ban tình thương của Ngài. Muốn được như vậy, họ cần phải biết cầu nguyện, gắn bó với Thiên Chúa qua đời sống phụng vụ, bí tích (x. TĐ Deus est Caritas, số 22,25,32). 
3. Tín hữu Kitô hay Hội viên Caritas Việt Nam là người được tình yêu Đức Kitô chinh phục, Đấng đã yêu thương họ và hiến mạng vì họ (x. Gl 2,20, MV 22). Vì thế, khi hội viên thể hiện tình yêu cho người khác, vật khác là họ đang đáp lại tình yêu của Đức Kitô.
Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, họ có thể trao ban tình yêu này cho anh chị em đồng loại qua những việc bác ái vì “tình yêu Đức Kitô thúc bách họ” (x. 2 Cr 5,14). Vì thế, cách nhìn của họ về người khác không chỉ xuất phát từ tình cảm tự nhiên, nhưng từ cách nhìn của Đức Kitô để khám phá ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những người mình phục vụ: “Chỉ có việc phục vụ tha nhân mới mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi như thế nào” (x. TĐ Deus est Caritas, số 18).
4. Tín hữu Kitô hay Hội viên Caritas Việt Nam là người được Thánh Thần Tình Yêu liên kết. Thánh Thần là Đấng nối kết Chúa Cha và Chúa Con với nhau và nối kết muôn loài với Thiên Chúa. Vì thế, Hội viên Caritas Việt Nam không chỉ liên kết với người khác, vật khác bằng nhịp đập tự nhiên trong trái tim mình nhưng họ nối kết bằng mối dây đặc biệt là Thánh Thần Tình Yêu (x. Cl 3,14). Ngài sẽ giúp họ yêu thương đến cùng (Ga 13,1) bằng trái tim của Chúa Giêsu, trái tim được mở ra do lưỡi đòng đâm thâu khi Người bị treo trên thập giá để chảy ra những giọt nước và giọt máu cuối cùng (x. Ga 19,3-4).
Tín hữu Kitô hay Hội viên Caritas Việt Nam đi trên con đường Tình Yêu để gặp được Chúa, anh em và vạn vật bằng chính con người mình. Vì thế, Linh đạo Bác ái giúp tín hữu Kitô hay Hội viên thể hiện tình yêu qua 4 mối tương quan với 4 tinh thần tương ứng sau đây:
- Với Thiên Chúa, giữ tinh thần hiếu thảo.
- Với anh em, giữ tinh thần huynh đệ.
- Với vạn vật, giữ tinh thần huynh trưởng.
- Với chính mình, giữ tinh thần tự chủ.
7.1. Trong tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu vì Ngài là người Cha dựng nên muôn loài. Từ cội nguồn Thiên Chúa, con người thảo hiếu với cha mẹ, thầy dạy, ông bà, tổ tiên, dân tộc, là những người thay mặt Chúa chuyển sự sống sự thật, tình yêu và ân phúc cho mình. Con người diễn tả lòng thảo hiếu qua đời sống đạo đức, chọn điều tốt, điều đúng, điều đẹp, nghe theo tiếng lương tâm ngay chính và niềm tin tôn giáo.
7.2. Trong tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ, con người giữ tinh thần huynh đệ, đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào. Con người thể hiện tình huynh đệ này bằng cách tránh những hành vi tiêu cực như dối trá, tham lam, bất công, dâm đãng, xúc phạm đến sự sống hay danh dự người khác theo tinh thần của 10 Điều Răn. Con người cũng thể hiện tình yêu bằng những hành động tích cực theo tinh thần 8 Mối Phúc của Đức Giêsu như: tinh thần nghèo khó, hiền hoà, khiêm tốn, công bình, quảng đại, trong sạch, yêu chuộng hoà bình, dám hy sinh vì đại nghĩa, vì đó là những giá trị sống cần thiết cho loài người.
7.3. Trong tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng, vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã giao phó vạn vật như những đứa em nhỏ để con người thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23) và loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15). Tinh thần này được thể hiện qua việc chuyên cần học hỏi, nghiên cứu vạn vật qua các khoa học kỹ thuật, siêng năng lao động cũng như biết nghỉ ngơi, làm ra của cải và biết chia sẻ cho người nghèo đói, bảo vệ môi trường sống cho trong sạch, an lành, tự nguyện sống tiết kiệm và giản dị theo gương Đức Giêsu. Với tình yêu và việc thấu hiểu vạn vật con người có thể điều khiển vạn vật như chính Đức Giêsu đã làm cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều (x. Mt 8, 23-27 ; Mt 14,22-33; Mt 14,13-21 và các đoạn song song).
7.4. Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ. Tinh thần này nhắc nhở người theo Linh đạo Bác ái cố gắng làm chủ bản thân với những tham vọng và dục vọng, làm chủ thời giờ, tình cảm, ý chí và những khả năng tinh thần để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống trong xã hội. Khả năng tự chủ này cần được đào luyện mỗi ngày qua các kỹ năng sống để trở thành con người mang tính nhân bản toàn diện (x. TLHTXHGH, số 1-19; TĐ Deus est Caritas).
Linh đạo Bác ái nhắm đến việc giúp người tín hữu Kitô và Hội viên Caritas Việt Nam thể hiện tình yêu bao la của Thiên Chúa qua những hành động bác ái thiết thực và trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng qua đời sống mang tính nhân bản toàn diện. Từ đó họ cộng tác với mọi người để xây dựng nền văn minh tình yêu cho dân tộc Việt Nam cũng như cho gia đình nhân loại (x. TLHTXHGH, số 580-583).
Bản chất của Giáo hội cũng như bản chất của từng tín hữu Kitô được thể hiện theo 3 yếu tố: rao giảng Lời Chúa, cử hành các bí tích và phục vụ bác ái. Người theo Linh đạo Bác ái kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua đời sống phụng vụ, bí tích để nhận được tình yêu và ân sủng rồi diễn tả thành những hành động bác ái thiết thực trong đời sống, nhờ đó người khác cũng cảm nhận được tình yêu và tin vào Đức Giêsu Kitô (x. TĐ Deus est Caritas, số 25,22,32).
“Đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Con đường Tình Yêu này mở rộng cho tất cả mọi người” (x. HC Gaudium et Spes, số 38) để giúp họ sống đúng là con người và là con Thiên Chúa.
Các tín hữu Kitô và Hội viên Caritas Việt Nam hiểu được rằng “Luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu” (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Gl 3,14; Gc 2,8). Hành vi cá nhân sẽ mang trọn vẹn tính nhân bản khi nó được phát sinh từ tình yêu. Sự thật này cũng áp dụng trong phạm vi xã hội, các Kitô hữu cần chứng tỏ rằng tình yêu là động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31; 14,1) để có thể dẫn đến sự hoàn thiện bản thân và xã hội, làm cho xã hội tiến tới điều thiện hảo (x. TLHTXHGH, số 580).
Kết luận
Sau khi tìm hiểu những con đường tình yêu của Chúa Giêsu với những con đường tâm linh khác trong dòng lịch sử nhân loại, chúng ta thấy mình cần phải có thái độ trân trọng hơn đối với các tôn giáo bạn cũng như tích cực giới thiệu con đường Giêsu cho người khác. Rồi khi đã hiểu đạo là chính Đức Giêsu Kitô thì việc đi-giữ-sống đạo bây giờ trở thành đi theo-giữ kỹ-sống với Đức Giêsu Kitô trong từng giây phút đời mình. Con đường tình yêu giữa Giêsu và mỗi người chúng ta sẽ hoà nhập thành một, kéo dài vô tận và mở rộng tới hạnh phúc vô biên trong cõi vĩnh hằng. Và như thế là chúng ta đã thể hiện được nền văn minh tình yêu trong cộng đồng nhân loại.

--o0o--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét