Thông điệp Hiền Mẫu và Tôn Sư
Thông Điệp
Đức Gioan XXIII
15-5-1961
Về sự biến chuyển hiện nay của đời sống xã hội
dưới ánh sáng của những nguyên tắc Kitô giáo
Đức Thánh Cha Gioan XXIII |
GIỚI THIỆU
Một thông điệp cho kỷ nguyên kỹ thuật
Sau những giáo huấn “theo hoàn cảnh” của Đức Piô XII, thông điệp Mater et Magistra lại kết nối với hệ thống giáo huấn xã hội bắt đầu từ các thông điệp Rerum Novarum và Quadragesimo Anno. Thực vậy thông điệp này, vào năm 1961, tự giới thiệu như là một toát lược nhỏ, tóm tắt giáo huấn của các vị tiền nhiệm của Đức Gioan XXIII trước khi “giải thích tư tưởng Giáo hội Chúa Kitô về những vấn đề mới mẻ và quan trọng nhất của thời đại” (số 50). Làm thế, thông điệp hẳn phải là đã thấu đáo hết vấn đề, nhưng chỉ với tập văn kiện này, nó đã vượt thông điệp Quadragesimo Anno khá xa về chiều rộng và thông điệp Rerum Novarum hai lần về mặt thực hành.
Vào thời điểm này của thời điểm lịch sử, thông điệp này là bày tỏ sự cần thiết phải nói tới những đóng góp mới của một thế giới công nghiệp ngày càng phức tạp hơn, với những hoàn cảnh ngày càng khác biệt nhau, và đồng thời là một thế giới ngày càng liên kết hơn, trong đó những biến chuyển ít nhiều đã chạm tới mọi giai cấp xã hội và mọi cá nhân. Năm 1961: nói cho cùng, chính trong các nước phát triển, người ta đã chứng kiến những hệ quả rõ ràng và cụ thể của thời kỳ “ba mươi năm vẻ vang”, một từ ngữ đã trở nên phổ biến của Jean Fourasté để chỉ ba mười năm vừa qua trước đó với sự phát triển chưa từng có. Trong ba đoạn văn được thu tập lại cách tài tình (số 47-49), thông điệp bắt đầu bằng việc liệt kê những biến chuyển đã xẩy ra hoặc đang diễn ra trong các lãnh vực khoa học, công nghệ và kinh tế (số 47) và chính trị (số 49). Có lẽ phải coi những đoạn này trước hết như là toàn thể cái mạch ngầm của những gì cần phải điểm xét lại. Chúng ta chỉ nhắc lại ba tình hình đương thời lúc ấy tạo nên cái khung lịch sử cho thông điệp, đó là: việc chinh phục không gian là một bước nhảy vọt mới ngoài sự tưởng tượng của khoa học, biểu trưng của mọi sự thu ngắn khoảng cách không gian, thời gian đã có và sắp đến (xe ô tô, các phương tiện nghe nhìn…); sự can thiệp gia tăng của nhà nước để tái phân phối nguồn sản phẩm và bảo đảm an sinh xã hội ở mức cao nhất, hơn nữa nhằm nâng cao mức sống thật đáng kể; hầu như chấm dứt các chính sách thuộc địa, nhưng đối lại, là sự ý thức ngày càng sôi động hơn về tình trạng kém phát triển của các nước phía nam, trong khi các nước phía bắc bước vào thời kỳ hưởng thụ tràn lan, và như thế càng làm gia tăng chênh lệch giữa hai vùng.
Trong bối cảnh đổi thay như thế, chúng ta hẳn là không nên chờ đợi nơi thông điệp kỷ niệm Mẫu sư này sẽ tỏ lộ một sự độc đáo có tính cách mạng đối với các thông điệp tiền bối của nó; đó không phải là tham vọng của nó, mà đúng hơn nó nhằm giúp ta nhận định và định hướng theo giáo huấn đã có, nhưng trong hoàn cảnh mới. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể nêu lên mộ số điểm mới mẻ và những trọng tâm được chuyển dịch[1].
Những trọng điểm mới
Có thể ghi nhận trước hết điểm nhấn mới: sự công bằng nói chung (không có tính từ “xã hội” đi theo), với việc giảm trừ những bất công hay nổ lực cụ thể cho công lý mà có lẽ công bằng đòi hỏi. Chính sự gia tăng của cải do sản xuất và được sẵn dùng (những tiện ghi) lại là nguy cơ làm tăng thêm chênh lệch giữa những cá nhân và các nhóm xã hội, giữa những kẻ nắm giữ tài sản hay tư bản với những người làm công, giữa những loại người làm công khác nhau, giữa các thành thị hưởng được những phúc lợi do công nghiệp hóa với những vùng nông thôn kém phát triển và trở nên hoang mạc dần, giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển. Cái nhìn về sự công bằng như thế lý giải một vài mặt mới lạ nào đó của văn kiện. Vậy nên, người ta đã ngạc nhiên về độ dài của đoạn văn kiện bàn về nông nghiệp; nhưng lý do cũng dể hiểu thôi: năm 1961, những người nông dân dường như bị bỏ quên trong công cuộc phát triển.
Không phải thông điệp, nhân danh công lý, xét lại những quyền tự do cơ bản về kinh tế; về điểm này, thông điệp lấy lại giáo thuyết của các đấng tiền nhiệm về quyền tư hữu chẳng hạn, hay về quyền có sáng kiến riêng thiết yếu, hay về kinh tế thị trường, theo nghĩa là một xã hội, theo như các ngài cổ võ, phải tuân theo mệnh lệnh của “trật tự luân lý” và “công ích”, và loại trừ mọi hình thức của chủ nghĩa kinh tế tự do thuần túy hoặc “man rợ”: phải tránh xa chủ nghĩa này, là vì bản chất phi luân của nó, đôi khi lại được biện minh trên lý thuyết cũng như vì sự bất công dai dẳng mà nó tạo ra.
Thông điệp Mater et Magistra nhấn mạnh tới khía cạnh này đồng thời thừa nhận sự can thiệp hợp pháp của nhà nước, dù gì cũng đã có trong thực tế. “Các chính quyền phải hiện diện cách tích cực nhằm thúc đẩy hợp lý phát triển sản xuất, cho sự tiến bộ xã hội và cho phúc lợi của mọi công dân”. Họ phải hành động làm sao để “khuyến khích, kích thích, phối hợp, hỗ trợ và tổng hợp” (số 52-53). Đây quả là một định nghĩa tốt cho cái gọi là một nhà nước bảo trợ (État- Providence) mà ngày nay được tranh cãi nhiều. Trong cùng một ý hướng đó và liên hệ với nó, là hiện tượng “xã hội hóa”. Nguồn gốc hết sức rõ ràng của từ ngữ này đã khiến một số người bảo thủ tránh né vấn đề; tuy vậy, trào lưu ấy là hiển nhiên: chính nhờ đó mà những người thuộc các xã hội phát triển có xu hướng trở thành “trung tâm của những mối quan hệ xã hội, luôn tăng trưởng về số lượng và về mức độ sâu rộng, nếu không phải là về mức độ mạnh mẽ”. Công việc “quản trị” này của người công dân làm họ phụ thuộc vào vô số mạng lưới phức tạp khiến họ phải đảm trách cuộc sống của họ ở nhiều mức độ và có thể làm họ trở nên vô trách nhiệm, dẫu sao cũng bao hàm rất nhiều khía cạnh tích cực: trước hết nó mang sức sống đến cho vô số sáng kiến, phong trào, nhóm, hiệp hội, tổ chức thuộc lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa; cả khi nhà nước gánh vác trách nhiệm hay chỉ can thiệp để kích thích, thì chính yếu vẫn là nhằm làm cho xã hội dân sự được sống động lên, nhằm đưa phúc lợi đến cho mọi người, gồm cả những người bị thiệt thòi nhất trong xã hội, nhắm đến xã hội thêm tình liên đới hơn nữa.
Đối trọng thực cho sự can thiệp ngày càng tăng của nhà nước thực ra nằm ở nơi nguyên tắc bổ trợ, một nguyên tắc được tái xác định cách chắc chắn hơn bao giờ hết: mọi cái do sáng kiến cá nhân và nhóm trung gian có thể thực hiện bằng những phương thế riêng đều phải quy về họ; không cần thiết, cũng như phải tránh thay thế vai trò của họ; nhà nước có mặt là đề phối hợp và trợ giúp, không hơn không kém. Sự “công bằng” đơn thuần mà thông điệp nói đến còn liên hệ tinh thần trách nhiệm này, được các cá nhân và các hiệp hội chấp nhận và đảm đương: “tham dự” là một trong những từ ngữ chủ chốt.
Điều đáng nói cũng liên hệ rất nhiều tới xí nghiệp. Nếu “quyền hạn và sự hiệu quả của sự thống nhất lãnh đạo” được Đức Gioan XXIII tái xác nhận, thì xí nghiệp càng cố phải trở nên một “cộng đồng những nhân vị, trong các mối quan hệ, các nhiệm vụ và hoàn cảnh của mọi nhân viên của mình” (số 91). Xí nghiệp “cộng đồng nhân vị” vào một thời nào đó sau này, thành ngữ này sẽ trở thành hiện thực, nếu không thì mục của nó sẽ…
Hơn nữa ngoài điểm quan tâm mới của thông điệp của lương bổng thích đáng – không chỉ nhằm đến có đồng tiền để sinh nhai và để hồi phục sức lao động của công nhân, nhưng còn phải nhằm biểu hiện “tất cả phần sáng tạo của công nhân”, thông điệp còn xét thấy rằng những người lao động phải nên góp phần làm ích cho xí nghiệp, dựa trên một số tiêu chuẩn. Thông điệp còn đi xa hơn khi đề xuất cách rõ ràng rằng có lẽ phải đi đến mức người lao động được tham gia vào sở hữu xí nghiệp và góp vốn cho xí nghiệp, hình thức thế nào còn phải xác định thêm, có thể bằng cách theo hợp đồng và từng trường hợp một. Đức Gioan XXIII dường như còn quan tâm tới một sự tham gia tích cực của những người lao động vào đời sống xí nghiệp. Và như thế tham dự vào sự định hình nên xí nghiệp, tham gia vào những sách lược chẳng hạn, vào việc soạn ra những chính sách cho xí nghiệp. Nhưng tham gia đến mực độ nào? Vấn đề còn bỏ ngỏ. Chúng ta chỉ lưu ý lối diễn tả của thông điệp còn ở mặt tiêu cực: phải làm sao tránh đừng để cho “công nhân chỉ còn là hạng người chỉ làm việc trong âm thầm lặng lẽ, không có chút năng lực nào biến kinh nghiệm của họ thành giá trị, hoàn toàn thụ động trước những quyết định lèo lái hoạt động của họ” (số 92). Lời khuyên này – có phải là việc “đồng quản trị”? – có phải luôn là thực tế ngoại lệ đối với một vài nơi đặc ưu và miễn trừ cho một vài nhà lãnh đạo đặc biệt? Tuy vậy, nếu như công bằng là thúc đẩy “nhân vị”, chúng ta phải đi tới mức đó.
Liệt kê các mục của văn kiện
Không thể trước tiên làm nổi bật những điểm mới hay những trọng điểm mới của một thông điệp cụ thể; nhưng chúng ta có thể nhắc đến những mục lớn của nó.
Từ số 1-50: sau khi nói lại hoàn cảnh thúc đẩy sự khai sinh thông điệp – thời gian 70 năm sau thông điệp Rerum Novarum, thông điệp này trở lại với giáo huấn của Đức Leô XIII, Piô XI và Piô XII, để làm rõ những điểm nổi bật khẳng định lại sự liên tục của Mater et Magistra đối với giáo huấn của các vị tiền nhiệm về những điểm quan trọng (như thái độ đối với chủ nghĩa Mácxít, CNXH và chủ nghĩa tư bản tự do).
Về những điểm đó thông điệp này sẽ không bàn tới về thực tế nữa. Kế đến, nhắc lại trong ba đoạn tóm lược những biến chuyển đặc sắc đã xảy ra từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Từ số 51-121: xác định và triển khai một số điểm:
- Cần thiết có sự can thiệp của nhà nước, nhưng “nguyên tắc bổ trợ” vẫn là nền tảng, ủy thác cho những hiệp hội trung gian tất cả những gì nảy sinh từ những sáng kiến và trách nhiệm của họ;
- Hiện tượng xã hội hóa, như sự tương tác, sự liên đới, linh hoạt hóa xã hội dân sự quốc gia và quốc tế, phải được khuyên khích, mặc cho có một số hạn chế nào đó;
- Vấn đề thù lao và lương bổng thích đáng: đi theo hướng tham dự;
- Các cớ cấu: được làm ra vì con người và vì phẩm giá con người, chúng đòi hỏi sự hiện diện của người lao động ở mọi mức độ, sáng tạo sản phẩm cũng như quyết định;
- Tái khẳng định quyền tư hữu như là một quyền con người nhưng nhắc đến một sự bất công vô cớ về sự phân phối tài sản và quyền của hết mọi người về tư hữu: đồng lương và nghề nghiệp là những phương thế để đạt đến điều đó.
Từ số 122-211: những khía cạnh mới của vấn đề xã hội
- Phát triển lâu dài về nông nghiệp, một lãnh vực đang trên đường hiện đại hóa nhưng còn rất chậm, nếu không nói là còn kém phát triển;
- Các nước đang phát triển, “có lẽ là vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta”, những thái độ và lập trường cụ thể phải có nơi các nước giàu;
- Việc gia tăng nhân khẩu, những cách giải quyết hạn chế sự gia tăng, không chấp nhận được đối với phẩm giá con người, những khả năng trong lãnh vực này của con người dạ vào “những triển vọng vô hạn do những thành tựu của tiến bộ khoa học và kỹ thuật.”
Từ 212-263: những chỉ dẫn và khuyên bảo mục vụ, những áp dụng thực tế
- Chống lại các ý thức hệ thế tục, khẳng định lại về một thế giới và một nhân loại trong sự quan phòng của Thiên Chúa;
- Cần thiết phải có một học thuyết xã hội thích hợp cho những Kitô hữu, học thuyết đó phải được rút ra từ những thái độ và những giải pháp cụ thể.
Vài suy nghĩ về số phận của Mater et Magistra
Nếu xét về thời sự, thông điệp này chắc nhắn đã lỗi thời. Những trọng tâm của ngày nay đã khác, người ta không còn bàn về sự tăng trưởng nữa, nhưng bàn về sự khủng hoảng, thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Thay cho một thái độ lạc quan vững tâm về tương lai, dù vẫn có những điểm đen tối, là một sự vỡ mộng, bấp bênh, lo âu, sợ hãi tương lai. Người ta ít đặt vấn đề tái phân phối của cải cho bằng là cách thức và khả năng để tạo ra chúng. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 – tin học hóa và tự động hóa – làm biến đổi sâu sắc con người. Con người có nguy cơ bị tước mất việc làm, rất nhiều việc làm xem ra sẽ biến mất; hẳn nhiên, điều đó có thể đem đến nhiều cuộc giải phóng mới (chẳng hạn về vấn đề có thêm thời gian rảnh rỗi), nhưng vẫn cha giải hòa được êm xuôi giữa những ràng buộc và những khả năng mới. Làm chủ được thông tin và truyền thông trở nên là điều cốt yếu: quốc gia nào có được chúng sẽ nắm được quyền bá chủ mới. Cũng trong thời đại này, vai trò của nhà nước được xét lại một cách kiên quyết bởi tư tưởng tự do như là một làn gió mới.
Tuy vậy, dù có những thiếu sót dễ hiểu đó, do ở chính tính thời sự lịch sử, thông điệp Mater et Magistra vẫn giữ được cái giọng điệu rất hiện đại. Nó quả thực là một thông điệp của thời đại kỹ thuật, được cả thế giới biết đến. Vấn đề không còn chỉ là lên tiếng về tình cảnh phi nhân của giới công nhân (Rerum Novarum), vấn đề không phải là nói lại sự kiện rằng trật tự xã hội Kitô giáo đang phải đối phó với những ý thức hệ lớn đang đe dọa (Quadragesimo anno); mà phải làm sao giúp con người phân định cái chân thực và công bằng trong hoàn cảnh của thế giới phát triển năm 1960: sự tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử, vấn đề xã hội hóa và sự lệ thuộc lẫn nhau của con người và các nhóm, vai trò cùng gia tăng của mọi đối tác xã hội, những chia rẽ mới giữa người giàu và người nghèo. Thế giới của chúng ta đã và vẫn còn là như thế đấy.
Thông điệp, dù không thể nói ra hết được bằng lời lẽ, cũng đã thúc đẩy những vấn đề chính yếu của những năm sắp tới, những vấn đề ấy rốt cuộc sẽ là nội dung của thông điệp hoặc chủ đề suy tư rất quan trọng ở Công đồng. Một cách vắn tắt, chúng ta sẽ nêu ra ba vấn đề trong số đó.
Vấn đề gia tăng dân số, thông điệp quyết liệt lên án, dù một cách kín đáo, những “phương sách làm tổn hại đến trật tự luân lý Thiên Chúa đã thiết lập” (số 189) và “những phương tiện không xứng hợp với phẩm giá con người, phát xuất từ một quan nhiệm duy vật về con người về sự sống” (số 191), nói cách khác, là những phương tiện điều hòa sinh sản hay ngừa thai bất hợp pháp. Vấn đề này, như ta biết, còn đấu tranh rất quyết liệt trong những quốc gia đang phát triển, nhưng cả trong những quốc gia phát triển cũng vậy với những lý do khác: xã hội sung túc mang đến cùng với nó cuộc cách mạng về phong hóa, đặc biệt là sự giải phóng và nhiều vai trò mới đối với phụ nữ, nó xem xét lại cách sâu xa những lối sống của xã hội truyền thống. Đức Phaolô VI, với thông điệp Humne Vitae (1968) sẽ phản ứng lại, về vấn đề này thông điệp đó đã và ngày nay vẫn còn là học thuyết của Giáo hội; nhưng như ta đã biết, về mặt lý thuyết cũng như thực hành, có nhiều người rất khó chấp nhận học thuyết này. Cách chung, người ta có thể nói rằng Mater et Magistra đã đánh giá thấp hoặc không quan tâm đầy đủ những phản hồi sâu xa của dòng cuộc sống thường nhật và các não trạng hiện nay.
Vấn đề thứ hai liên quan đến vấn đề các nước kém phát triển, “có lẽ là vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta” (số 157). Thông điệp đã cho rằng vấn đề chưa được bàn đến một cách kỹ lưỡng. Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng gia tăng cách nghiêm trọng hơn. Đứng trước gương xấu và cũng là thách đố này, các dân tộc và cá nhân giàu có thường đáp lại bằng sự vô tâm, bất lực hay bằng một sự quảng đại có tính toán, có tính cách nhỏ giọt và phân tán. Một thông điệp dành riêng để bàn vấn đề này là điều thiết yếu, đó sẽ là thông đệp Populorum Progressio, là một văn kiện mạnh mẽ của Đức Phaolô VI (1967).
Sau cùng, Giáo hội năm 1961 còn ý thức mình là Mater et Magistra, tức Mẹ và Thầy: là ánh sáng, sự khôn ngoan và sức mạnh cho các dân tộc đang gặp khó khăn và khốn đốn, là sự nhắc nhớ đến nguồn gốc và cùng đích siêu nhiêu của lịch sử của họ. Giáo hội là “Nhiệm Thể của Đức Kitô”, gần gũi và quan tâm đến lịch sử của con người, nhưng lại “vượt trên” mọi nhốn nháo hỗn độn; như thế có lẽ sẽ khiến người ta nghĩ rằng bản thân Giáo hội vẫn bình an vô sự đối với những biến động của thời đại. Nhưng Giáo hội là gì, Giáo hội đứng ở đâu đối với thế giới? Do đâu có quyền lên tiếng? Chúng ta đã biết đó là những vấn đề lớn mà Công Đồng sẽ bàn tới trong năm sau đó, từ hiến chế Lumen Gentium đến Gaudium et Spes. Có lẽ phải thấy cho được một biểu tượng trong đoạn văn đầu tiên của văn kiện nổi tiếng này. Một biểu tượng thần học: Giáo hội nói với thế giới vì Giáo hội ở trong thế giới; không chỉ “gần gũi và quan tâm đến” nhưng còn đích thân tham dự vào vận mệnh vui mừng và hy vọng của thế giới, dấn sâu trong thế giới như men không phải “của” thế giới, nhưng lại cũng không phải “ở ngoài” thế giới. Kế đến là một biểu tượng xã hội học của thực tại đang diễn ra này: trong những năm này, Giáo hội đã luôn được tránh khỏi tác động của những biến chuyển của thế giới, Giáo hội nay sắp gặp một khủng hoảng chưa từng thấy nơi chính mình, trước sự kinh ngạc của công luận. Đây không phải là nơi để nhìn lại lịch sử sau Công đồng, việc tổng kết lịch sử còn được bàn cãi nhiều và Giáo hội cũng còn chưa bước ra khỏi giai đoạn lịch sử này. Tuy nhiên, người ta phải nhận thấy rằng “vị trí của diễn văn này”, ít là đối với một thời, không còn trung lập hoặc tùy phụ nữa và thông điệp Mater et Magistra cũng còn thể hiện một kết thúc và một bước ngoặc về vấn đề này.
Ngoại trừ những người cực đoan trong thế giới chính trị và tôn giáo, nói chung, thông điệp này rất được tán thưởng, thông điệp còn được mọi bên dùng tới. Chắc hẳn là nhờ sự góp phần của cái diện mạo ít mang tính ý thức hệ của nó. Cụ thể là, ở Tây Ban Nha với chính thể Franco, người ta đã đón mừng thông điệp. Trong khi Che Guevara, lúc bấy giờ đang là Bộ trưởng Công nghiệp Cuba, giới thiệu nó với “những người công nhân hầm mỏ Công giáo ở Châu Mỹ” để đọc, nếu như họ muốn tránh một cuộc cánh mạng xã hội. Nhìn lại, chúng ta có thể nói thông điệp đã mở ra một hướng tương lai; thông điệp đã đề ra tư tưởng để mở đường; thông điệp đã xác định một hướng đi Kitô giáo, không phải chính xác là một dự án xã hội, nhưng trong một bối cảnh chính trị đủ rộng, thông điệp đã gợi lên những phương hướng và những hiệu chỉnh như là nguyên tắc khởi đầu: phải tôn trọng nhân vị như là giá trị luôn vượt trên những sách lược cụ thể về kinh tế chính trị, và không thể bị nó thống trị.
DÀN BÀI
Dẫn nhập (số 1-9)
I. Giáo huấn về xã hội của giáo hội từ Đức Lêô XIII đến Đức Piô XII
Thời kỳ của Đức Lêô XIII với thông điệp “Rerum Novarum”. Đức Piô XI với “Quadragesimo anno”. Đức Piô XII với thông điệp Truyền Thanh năm 1941. Những đổi thay hiện tại và mục đích của thông điệp mới (số 10-50).
II. Xác định chi tiết học thuyết
A. Sáng kiến riêng và sự can thiệp của nhà nước (số 51-58).
B. Xã hội hóa. Sự kiện những thuận lợi và bất thuận lợi. Làm sao để lợi dụng nó (số 59-67).
C. Trả công lao động. Những bất bình đẳng và bất công. Lương bổng thích đáng. Tiến bộ kinh tế và tiến bộ xã hội. Quyền được góp vốn của những người lao động. Lương bổng và công ích của đất nước (số 68-81).
D. Xí nghiệp. Công bằng trong cơ cấu. Những hình thái thủ công nghiệp và hợp tác xã. Sự tham gia của người lao động. Các hiệp hội của những người lao động. Các công đoàn. OIT (số 82-103).
E. Quyền sở hữu. Quyền sở hữu và lãnh đạo. An ninh, bảo hiểm và cạnh tranh nghề nghiệp. Tính hợp pháp của quyền sở hữu (số 104-121).
III. Những khía cạnh mới của vấn đề xã hội
A. Sự công bằng trong tương quan giữa ngành nông nghiệp và các ngành khác. Dòng chảy lao động từ nông thôn và những nguyên nhân của nó. Những biện pháp ưu đãi cho nông thôn. Những vấn đề đặc thù. Khai thác nông nghiệp. Vai trò của nông dân. Sự cần thiết thành lập hiệp hội (số 123-149).
B. Sự cân đối giữc các vùng trong một đất nước (số 150-156).
C. Những quan hệ giữa các quốc gia phát triển và quốc gia kém phát triển. Tình trạng kém phát triển. Nghĩa vụ liên đới và bác ái. Cứu trợ khẩn cấp. Hỗ trợ cho phát triển. Vài chuẩn mực. Công giáo tiến hành (số 157-184).
D. Phát triển dân số và phát triển kinh tế. Những vấn đề đáng lo ngại. Vấn đề của thế giới. Trong những nước kém ưu đãi. Chuyển thông sự sống. Tài sản của trái đất là để phục vụ cho con người (số 185-199).
E. Vấn đề hợp tác quốc tế (số 200-211).
IV. Những chỉ dẫn mục vụ
Các hệ tư tưởng sai lầm hay què cụt. Thiên Chúa là nền tảng thiết yếu cho một trật tự công bằng. Ý nghĩa và giá trị của học thuyết và phổ biến giáo thuyết. Những cơ sở cho người Kitô hữu hành động trong xã hội. Nhân bản hóa nền văn minh hiện đại. Kitô giáo và sự phát triển con người. Ý nghĩa của lao động đối với những thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô. Từ giáo huấn đến thực tế. Sự hữu hiệu của những nguyên tắc xã hội của Kitô giáo (số 213-263).
[1] Một vài chú giải của tác giả sau đây: G. Jarlot, “Mater et Magistra những liên hệ với các tài liệu trước”, trongÉtudes, T. 310-311, 1961, tr 18-19; J. Villain, “Thông điệp Mater et Magistra. Sự đóng góp về giáo thuyết”, trongRevue De L’action Populaire, tháng 8-9, 1961, tr 897-915; P.Bigo, “Thông điệp Mater et Magistra, và những áp dụng”, cũng tạp chí trên số tháng 11-1961, tr 1029-1042. Một tài liệu rất tốt của cha Villain, trong Informations Catholique Internationales ngày 1-9-1961. Nhờ tài liệu đó mà ta biết thông điệp đã được soạn thảo bởi ba tác giả người Ý, đó là: Đức cha Pavan và Đức cha Ferrari Toniolo, cả hai ngài đều là chuyên viên về các vấn đề xã hội và là linh hoạt viên của phong trào tuần lễ xã hội Ý, cũng như đức cha Parente, trợ lý văn phòng Toà thánh. Những tài liệu cũng cho biết phác thảo đầu tiên được soạn ra bởi ba thành viên Dòng Tên của đại học Gregorien và hai người Dòng Tên khác thuộc phong trào hành động bình dân… cũng có thể đọc chú giải của Đức cha Pavain, trongLes Encycliques Sociales, nxb. Bone Presse, 1962 (ngài đã viết phần dẫn nhập), hoặc của cha De Laubier, La Penseé Sociales de l’Englise Catholique, un Idéal Histoirique de Léon XIII à Jean Paul II, Paris, Anbatros, 1980; sau cùng có thể tham khảo Les Encyclique Sociales de Jean XXIII, Doctrine et Action, nxb. Ourrières, 1965; không quên chú giải phân tích về thông điệp, cùng với văn kiện, do L’action Populaire, nxb. Speo, 1965.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét