Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH (Chương VII)


ĐỜI SỐNG KINH TẾ


a. Con người, sự nghèo nàn và giàu có
323Trong Kinh Thánh Cựu Ước, người ta tìm thấy hai thái độ đối với của cải kinh tế và sự giàu có. Một đàng là thái độ quý trọng, coi của cải vật chất là điều cần thiết cho cuộc sống.Sự sung túc – không hẳn là giàu sang hay xa hoa – có khi được coi là một ân phúc của Chúa. Trong Văn chương Khôn ngoan, sự nghèo nàn được mô tả là một hậu quả tiêu cực của tình trạng ăn không ngồi rồi và thiếu siêng năng cần mẫn (x. Cn 10,4), nhưng cũng có khi được coi là một sự kiện tự nhiên (x. Cn 22,2). Đàng khác, của cải kinh tế và sự giàu có tự chúng không bị lên án mà đúng hơn là việc lạm dụng chúng mới đáng bị lên án. Truyền thống tiên tri lên án sự lừa đảo, cho vay nặng lãi, bóc lột và bất công trắng trợn, nhất là khi nhắm trực tiếp đến người nghèo (x. Is 58,3-11; Gr 7,4-7; Os 4,1-2; Am 2,6-7; Mch 2,1-2). Tuy nhiên, truyền thống này, dù vẫn coi sự nghèo nàn của những người bị đàn áp, những người yếu đuối và những người túng thiếu là một tai hoạ, cũng bắt đầu coi hoàn cảnh nghèo nàn là biểu tượng của tình trạng con người trước mặt Chúa, là nguồn gốc của mọi điều tốt lành, mọi điều tốt lành ấy được coi như những ân huệ Chúa ban để con người quản lý và chia sẻ.
324Những ai nhìn nhận mình nghèo nàn trước mặt Chúa, bất kể hoàn cảnh của mình thế nào trong cuộc sống, đều sẽ được Ngài quan tâm đặc biệt: khi người nghèo tìm kiếm, Chúa luôn đáp lại; khi người nghèo kêu khóc, Chúa luôn lắng nghe. Mọi lời Chúa hứa đều nhắm tới người nghèo: họ sẽ được thừa kế Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Sự can thiệp mang tính cứu độ của Chúa sẽ diễn ra thông qua một vua Đavid mới (x. Ed 34,22-31). Vị này chẳng những giống mà còn hơn vua Đavid, sẽ bảo vệ người nghèo và bênh vực công lý; Ngài sẽ lập một giao ước mới và sẽ ghi khắc một luật mới trong tâm hồn các tín đồ (x. Gr 31,31-34).
Nếu biết tìm kiếm hay đón nhận với tinh thần tôn giáo, sự nghèo nàn mở mắt cho con người nhìn ra và chấp nhận trật tự sáng tạo. Nhìn theo viễn tượng ấy, “người giàu” là người đặt tin tưởng vào của cải mình hơn là vào Chúa, là người cho rằng mình quyền thế là do chính những việc tự tay mình làm và chỉ tin vào sức mạnh của mình. Còn sự nghèo nàn trở thành một giá trị luân lý khi nó là một thái độ khiêm tốn đặt mình sẵn sàng trước mặt Chúa, cởi mở đối với Chúa và tín nhiệm vào Ngài. Chính nhờ thái độ này mà người ta nhận ra được sự tương đối của các của cải vật chất và sẽ coi chúng như những ân huệ Chúa ban để quản lý và chia sẻ, vì Chúa là sở hữu chủ đầu tiên của mọi của cải.
325Đức Giêsu lấy lại toàn bộ truyền thống Cựu Ước, kể cả thái độ đối với các của cải kinh tế, sự giàu có và nghèo nàn, nhưng Người làm cho truyền thống ấy được sáng tỏ và đầy đủ hơn nhiều (x. Mt 6,24; 13,22; Lc 6,20-24; 12,15-21; Rm 14,6-8; 1 Tm 4,4). Với việc ban Thánh Thần của mình và làm cho các tâm hồn hoán cải, Đức Giêsu đến để thiết lập “Nước Thiên Chúa”, để người ta có thể sống đời sống xã hội theo một cung cách mới, trong công lý, tình huynh đệ, sự liên đới và chia sẻ. Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mạc kiện toàn sự tốt lành nguyên thuỷ của trật tự sáng tạo và sự tốt lành ban đầu của các hoạt động con người, từng bị tội làm thương tổn. Một khi được giải thoát khỏi sự dữ và được đưa trở lại để hiệp thông với Thiên Chúa, con người có thể tiếp tục công việc của Đức Giêsu, nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần Người. Công việc đó là trả lại công lý cho người nghèo, giải thoát người bị áp bức, an ủi người phiền muộn, tích cực đi tìm một trật tự xã hội mới, trong đó có những giải pháp thích đáng để giải quyết sự nghèo nàn vật chất, và trong đó người ta kiểm soát hữu hiệu hơn các lực lượng đang tìm cách ngăn cản những nỗ lực của người nghèo muốn giải thoát mình khỏi những điều kiện sống cơ cực và nô lệ. Một khi những điều này xuất hiện, là Nước Thiên Chúa đã có mặt trên đời này, dù Nước đó không phải là Nước của trần gian. Chính trong Nước ấy mà mọi lời hứa của các tiên tri được thực hiện trọn vẹn.
326Trong ánh sáng Mạc khải, hoạt động kinh tế phải được xem xét và thực hiện như một lời đáp lại với lòng biết ơn tiếng gọi mà Chúa gửi đến cho mỗi người. Con người được đặt trong vườn Eđen để canh tác và giữ gìn nó, tận dụng nó trong giới hạn đã được xác định (x. St 2,16-17) và với sứ mạng là làm cho khu vườn ấy nên hoàn hảo (x. St 1,26-30; 2,15-16; Kn 9,2-3). Khi minh chứng sự cao cả và tốt lành của Đấng Tạo Hoá, con người tiến tới chỗ được tự do hoàn toàn, cũng là tình trạng Thiên Chúa đã kêu gọi con người tiến tới. Quản lý cho tốt các ân huệ đã lãnh nhận và các của cải vật chất là một hành vi công lý đối với bản thân mình và với người khác. Những gì đã lãnh nhận thì phải được sử dụng cách thích đáng, phải được duy trì và gia tăng, như dụ ngôn các nén bạc đã gợi ý cho chúng ta (x. Mt 25,14-30; Lc 19,12-17).
Phải đặt hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất phục vụ con người và xã hội. Nếu người ta xả thân làm các việc ấy với lòng tin, cậy, mến của các môn đệ Đức Kitô, thì ngay cả kinh tế và tiến bộ cũng có thể biến thành những địa điểm cứu độ và thánh hoá. Vì trong các lĩnh vực này, người ta cũng có thể bày tỏ một tình yêu và một sự liên mang tính nhân bản hơn, và đồng thời có thể góp phần làm tăng trưởng một nhân loại mới, báo trước thế giới tương laia. Đức Giêsu tóm tắt tất cả những mạc khải trên đây bằng cách kêu gọi người tín hữu hãy trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa (x. Lc 12,21). Kinh tế cũng giúp ích cho mục tiêu này, khi người ta không phản bội chức năng của kinh tế là làm công cụ giúp phát triển toàn diện con người và xã hội, cũng như phát triển toàn diện phẩm chất nhân bản của đời sống.
327Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể hiểu đúng đắn sự phát triển xã hội, trong khuôn khổ của nền nhân bản toàn diện và liên đới. Về mặt này, suy tư thần học do huấn quyền xã hội của Giáo Hội đưa ra quả là đã đóng góp một cách hữu ích: “Niềm tin vào Đức Kitô Cứu Chuộc vừa soi sáng cho chúng ta biết tự bên trong đâu là bản chất của sự phát triển vừa hướng dẫn chúng ta cộng tác với người khác. Trong thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôxê, chúng ta đọc thấy Đức Kitô là ‘trưởng tử trong mọi loài thụ tạo’ và ‘mọi sự được tạo dựng là nhờ Người’ và cho Người (Cl 1,15-16). Thật vậy, ‘mọi sự tồn tại trong Người’ vì ‘Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình’ (c. 20). Một phần của kế hoạch thần linh ấy, đã bắt đầu từ đời đời trong Đức Kitô, là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, và lên đến tột đỉnh nơi Đức Kitô, là ‘trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại’ (c. 15-18), ngay trong lòng lịch sử của chúng ta – phần kế hoạch ấy được đánh dấu bởi những nỗ lực của cá nhân và tập thể chúng ta tìm cách nâng thân phận con người lên và khắc phục mọi trở ngại không ngừng xuất hiện trên đường đời. Bằng cách đó, kế hoạch của Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta thông phần vào sự viên mãn ‘đang hiện diện nơi Chúa Kitô’, cũng là sự viên mãn đang được Người truyền thông cho ‘thân thể Người, là Giáo Hội’ (c. 18; Ep 1,22-13). Đồng thời, Đức Kitô cũng khuất phục và cứu chuộc tội lỗi, là điều luôn luôn tìm giăng bẫy chúng ta và làm thiệt hại các thành quả do con người làm ra, qua sự ‘hoà giải’ của Người (x. Cl 1,20)”684.
b. Của cải có là để được chia sẻ
328Của cải, dù được sở hữu một cách chính đáng, luôn luôn có mục tiêu phổ quát; bất cứ hình thức tích trữ nào không chính đáng đều trái đạo đức, vì như thế là công khai đi ngược lại mục tiêu phổ quát đã được Tạo Hoá ấn định cho mọi của cải. Sự cứu độ trong Kitô giáo là sự giải thoát toàn diện con người, tức là được giải thoát không những khỏi mọi nhu cầu mà còn khỏi mọi sở hữu. “Vì ham mê tiền bạc là cội rễ mọi điều xấu xa; chính vì có sự thèm muốn ấy mà nhiều người đã lạc xa đức tin” (1 Tm 6,10). Các Giáo phụ còn nhấn mạnh tới nhu cầu cần hoán cải và cần thay đổi lương tâm các tín hữu nhiều hơn là nhu cầu cần thay đổi các cơ chế xã hội và chính trị trong thời các ngài. Các ngài còn kêu gọi những ai hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và có được của cải hãy xem mình chỉ là người quản lý những tài sản Thiên Chúa đã giao.
329Của cải hoàn thành chức năng phục vụ con người khi chúng được hướng tới việc đem lại ích lợi cho người khác và cho xã hội685. Thánh Clementê thành Alexandria tự hỏi: “Chúng ta làm sao có thể làm điều tốt cho người lân cận khi chẳng ai trong chúng ta có chút của cải?”686. Còn theo quan điểm của Thánh Gioan Kim Khẩu, của cải thuộc về một số người để những người này lập được công trạng bằng cách chia sẻ cho người khác687. Của cải là một điều tốt xuất phát từ Thiên Chúa và phải được người sở hữu nó sử dụng và lưu thông thế nào cho cả người túng thiếu cũng được hưởng. Sự xấu xa lộ ra khi người ta tha thiết quá độ với của cải và tham lam tích trữ. Thánh Basiliô Cả kêu gọi người giàu hãy mở cửa nhà kho của mình và ngài khuyên họ: “Dòng nước lũ lớn chảy qua hàng ngàn kênh rạch để tràn ngập hết đất đai màu mỡ. Cũng thế, bằng hàng ngàn nẻo đường khác nhau, quý vị hãy làm sao cho của cải nhà mình đến được nhà những người nghèo túng”688. Thánh Basiliô giải thích: của cải tựa như nước lấy từ giếng: càng kín múc thường xuyên, nước càng trong, và nếu không sử dụng, nước trở nên vẩn đục689. Sau này thánh Gregoriô Cả cũng nói: người giàu chỉ là người quản lý những gì mình đang có; cho người nghèo những gì họ cần chính là một nhiệm vụ phải thi hành với lòng khiêm tốn, vì của cải không thuộc về người phân phát chúng. Kẻ nào giữ của cải lại cho riêng mình sẽ mắc tội; còn cấp phát cho những người túng thiếu là đã trả xong một món nợ690.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
683  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 25-27: AAS 73 (1981), 638-647.
684 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 31: AAS 80 (1988), 554-555.
685  x. Mục tử Hermas, cuốn III, ẩn dụ I: PG 2, 954.
686  Clementê thành Alexandria, Bài giảng Người giàu có được cứu không?, 13: PG 9, 618.
687  x. Thánh Gioan Kim Khẩu, Homiliae XXI de Statuis ad Populum Antiochenum
   Habitae, 2, 6-8: PG 49, 41-46.
688  Thánh Basiliô Cả, Homilia in Illud Lucae, Destruam Horrea Mea, 5: PG 31, 271.
689  x. Thánh Basiliô Cả, ibid.
690  x. Thánh Gregoriô Cả, Regula Pastoralis, 3, 21: PL 77, 87. Tựa của triệt & 21: 
   Quomodo admonendi qui aliena non appetunt, sed sua retinent; et qui sua tribuentes,
   aliena tamen rapiunt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét