Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Những câu hỏi mở đầu


       Trước khi đi vào đề, thiết tưởng cần trả lời hai câu hỏi mở đầu:
       1. Giáo huấn xã hội là  gì?[1]
       2. Tại sao tôi phải quan tâm đến Giáo huấn xã hội?


I.  Giáo huấn xã hội là gì?   
       Có lẽ một thắc mắc đầu tiên được đặt ra liên quan đến những tựa đề khác nhau ghi trên các tập sách hoặc văn kiện Tòa Thánh: Giáo huấn xã hội, Học thuyết xã hội, Đạo lý xã hội.
       Sự khác biệt này một phần bắt nguồn từ việc dịch thuật. Cùng một từ “Church” mà có thể dịch là “Hội thánh”, hoặc “Giáo hội”, hoặc “giáo đoàn”. Một cách tương tự như vậy, “doctrine” có thể dịch là: “đạo lý, giáo huấn, học thuyết, giáo thuyết, giáo điều, chủ nghĩa[2]. Hai từ ngữ đầu tiên (đạo lý, giáo huấn) có lẽ chỉ lưu hành trong nội bộ Giáo hội; những từ ngữ còn lại có thể áp dụng cho những trào lưu triết học, chính trị (chẳng hạn của Marx). Thực ra theo tầm nguyên tiếng Latinh, doctrina bởi động từ docere: giảng dạy, dạy bảo; vì thế doctrina có thể hiểu là việc giảng dạy, hoặc điều giảng dạy (so sánh tiếng Anh: động từ to teach, teaching, hoặc tiếng Pháp enseigner, enseignement).
       Tuy nhiên, ngay trong các ngôn ngữ châu Âu cũng không có sự thống nhất từ ngữ: Social teaching, Social doctrine, Social Ethics tuỳ thuộc vào quan niệm về bản chất của nó (doctrine thì mạnh hơn là teaching)[3].
       A.-  GHXH không phải là ...
       Trước khi trả lời câu hỏi “Giáo huấn xã hội là gì”, thiết tưởng nên  bắt đầu bằng những câu trả lời “ GHXH không phải là ...” để tránh những ngộ nhận hoặc ảo vọng.
             + GHXH không phải là một tuyên ngôn chính trị, một cương lĩnh để xây dựng một chế độ hoặc chính sách phù hợp với Đạo Công giáo.
             + GHXH không phải là một học thuyết chính trị hoặc kinh tế được đề ra như “đường lối thứ ba” đứng giữa hai khối “Tư bản” (Tự do) và “Xã hội” (Cộng sản).
             + GHXH không phải là cẩm nang cung cấp những kỹ năng cho các tín hữu sử dụng trong các hoạt động xã hội (kinh tế, thương mại, chính trị) ngõ hầu đạt được kết quả tối ưu.
       Những cái “không” vừa rồi nhằm đánh tan những hiểu lầm thường gặp ở ngoài Giáo hội (và đôi khi ngay cả trong Giáo Hội). Những cái “không” tiếp theo là những ngộ nhận thường gặp nơi các tín hữu Công giáo.
             + GHXH chỉ liên quan đến những ai dấn thân vào chính trị. Không phải thế, GHXH bao trùm tất cả các mối tương quan của con người với tha nhân, bắt đầu từ gia đình, hàng xóm, cho đến những tương quan giữa các dân tộc và với vũ trụ.
             + GHXH chỉ là những lời khuyên răn về cách cư xử sao cho “tốt đạo đẹp đời”. Không phải đâu. GHXH không chỉ là những khuyên lơn sốt sắng, nhưng còn vạch cho thấy những nghĩa vụ của người tín hữu muốn sống trọn Tin mừng
             + GHXH gồm những đạo lý mà ta cần phải học tập để quán triệt lập trường của Giáo hội. Không phải đâu. GHXH không chỉ gồm những học thuyết cần biết nhưng còn đòi hỏi phải mang ra áp dụng trong đời sống hằng ngày nữa.
             + GHXH là những tuyên ngôn về lập trường của Giáo hội trước những hoàn cảnh mới của xã hội Âu Mỹ vào thế kỷ XIX-XX. Không hẳn thế. Tuy phần lớn những “thông điệp xã hội” được viết trong thế kỷ XX, nhưng GHXH bắt nguồn từ những đạo lý của Tân ước và truyền thống lâu đời của Hội thánh.

       B. - GHXH là ...
       Những cái “không” vừa rồi đưa chúng ta dần dần đến việc xác định bản chất của GHXH. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã mô tả như sau ở các số 2419-2423:
Số 2419.  Mạc khải Kitô giáo đưa chúng ta đến sự hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội. Hội thánh đón nhận từ Tin mừng mạc khải trọn vẹn về con người. Khi chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng, Hội thánh nhân danh Đức Kitô, chứng tỏ cho con người biết phẩm giá riêng của họ và ơn gọi riêng của họ đến sự hiệp thông các nhân vị; Hội thánh dạy cho con người biết các đòi hỏi của công lý và hoà bình, theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Số 2420. Hội thánh đưa ra phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội, “khi các quyền căn bản của con người hoặc ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi việc đó”. Trên bình diện luân lý, Hội thánh hành động do sứ vụ khác với sứ vụ của chính quyền: Hội thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì lý do chúng quy hướng về Sự Thiện tối thượng, là mục đích tối hậu của chúng ta. Hội thánh cố gắng thôi thúc những thái độ đúng đắn liên quan đến của cải trần thế và trong các tương quan kinh tế xã hội.
Số 2421. Giáo huấn xã hội của Hội thánh được triển khai vào thế kỷ thứ XIX khi Tin mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ cơ khí hiện đại, với những cơ cấu mới của nó để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với quan niệm mới của nó về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của nó về lao động và quyền sở hữu. Sự triển khai giáo huấn của Hội thánh về vấn đề kinh tế và xã hội chứng tỏ giá trị trường tồn của giáo huấn Hội thánh, đồng thời cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền thống luôn sống động và tích cực của Hội thánh.
2422. Giáo huấn xã hội của Hội thánh là tập hợp các giáo huấn được nối kết với nhau, theo như đã được Hội thánh giải thích về các biến cố xảy ra trong dòng lịch sử, dưới ánh sáng của toàn thể lời đã được Chúa Giêsu Kitô mạc khải, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Giáo huấn này sẽ được những người thành tâm thiện chí đón nhận hơn, khi nó gây cảm hứng nhiều hơn cho các hành động của các tín hữu.
2423. Giáo huấn xã hội của Hội thánh đề ra những nguyên tắc để suy tư, quy định những tiêu chuẩn để phán đoán, và trình bày những kế hoạch để hành đông.
       Chúng ta có thể tóm lược vào một vài điểm chính yếu như sau, và sẽ được khai triển trong các mục tiếp theo.
       - Nguồn gốc của GHXH là mạc khải của Thiên Chúa về con người: phẩm giá của con người, ơn gọi sống chung với những người khác, những nghĩa vụ của công lý và hoà bình.
       - Bản chất của GHXH là sứ mạng giáo huấn của Giáo hội nhằm soi sáng cho các tín hữu những cách cư xử trong đời sống xã hội, giữa những hoàn cảnh thay đổi của mỗi thời đại.
       - Phương pháp của GHXH mang tính phối kết. Phối kết giữa việc quan sát sự kiện với việc phân định dưới ánh sáng Tin mừng. Phối kết giữa những dữ kiện thâu thập bởi khoa học nhân văn với những nguyên tắc luân lý rút bởi Tin mừng. Mặt khác, GHXH không chỉ thuần tuý lý thuyết hay thuần tuý thực dụng, nhưng bao gồm những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những kế hoạch hành động.
       - Nói cho cùng GHXH là một đường lối để loan báo Tin mừng; đây là sứ mạng được Chúa Giêsu uỷ thác cho toàn thể Giáo hội (giáo dân cũng như giáo sĩ)[4].
       Có thể nói được rằng đó là những điểm tóm tắt tất cả  phần thứ nhất của sách TLHT bàn về GHXH tổng quát.

II. Tại sao tôi phải quan tâm đến GHXH?
       Câu trả lời sẽ rõ ràng hơn sau khi đã giải thích bản chất của GHXH.  Phải nhìn nhận rằng có nhiều lý do khiến cho ít người quan tâm đến GHXH: có thể bởi vì họ nghĩ rằng đây là một lãnh vực chuyên môn, dành riêng cho những ai dấn thân vào công tác xã hội; có thể bởi vì họ nghĩ rằng đây là một bài giáo lý mới cộng thêm bao nhiêu bài giáo lý mà mình đã học mà không nhớ hết.
       Thật là đáng tiếc. GHXH không phải là một môn học dành cho những người chuyên môn:  như sẽ thấy, nó nằm trong những điều thuộc về đời sống luân lý của người Kitô hữu, và đã được đem vào Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Đàng khác, GHXH không phải là những điều cần phải học thuộc lòng để trả bài, nhưng là những định hướng để hành động. Hơn thế nữa, trong lãnh vực này, người tín hữu không hoàn toàn thụ động, chỉ biết chấp nhận những điều mà Giáo hội đã dạy. Không, họ cần phải linh động áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể; và chính tại môi trường cụ thể mà Tin mừng được loan báo và thể hiện. Chúng ta có thể trình bày một cách khác: khi áp dụng GHXH, không những chúng ta đem Tin mừng vào môi trường sống của mình, nhưng còn là lời đáp trả lại kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
        Ở chương 12, sách TLHT đã trình bày những môi trường phục vụ của người tín hữu mà GHXH đã cung cấp (số 551-574): phục vụ con người, phục vụ văn hóa, phục vụ kinh tế, phục vụ chính trị.
       Sau những câu hỏi mở đầu, bây giờ chúng ta có thể đi sâu rộng hơn vào nguồn gốc, lịch sử, bản chất, phương pháp, những nguyên tắc căn bản và những đề tài chính.


[1] Lẽ ra nếu muốn dịch sát thì phải viết: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo”, nhưng tôi thu gọn là  “Giáo huấn xã hội”, và viết tắt là GHXH..
[2] Tuy nhiên, khi dịch ngược lại thì những từ vừa kể có thể tương đương với những danh từ khác: theory, dogma, teaching, vv
[3]  Trong tiếng Pháp cũng có nhiều danh xưng tương tự: philosophie sociale, morale (éthique) sociale, doctrine sociale, enseignement social. Trong tiếng Tây-ban-nha, các danh xưng còn tăng thêm hơn nữa:  doctrina social de la Iglesia, magisterio social de la Iglesia, ensenanza social de la Iglesia, pensamiento social de la Iglesia, doctrina social católica, teología social, moral social, filosofía social, catolicismo social.
[4] Xc. TLHT số 7.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét