Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

III. KHỦNG HOẢNG TRONG QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG (Chương X)


461Thông điệp của Thánh Kinh cũng như Huấn Quyền của Giáo Hội đã đưa ra nhiều điểm tham khảo cơ bản để chúng ta dựa vào mà đánh giá các vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ giữa con người và môi trường969. Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề ấy có thể là tham vọng của con người muốn thống trị trên sự vật một cách vô điều kiện, không chú ý tới bất kỳ đòi hỏi nào về mặt luân lý, mà trái lại, những đòi hỏi này mới chính là yếu tố giúp phân biệt các hoạt động của con người.
Khuynh hướng khai thác “bệnh hoạn”970 các tài nguyên thiên nhiên chính là hậu quả của một quá trình lịch sử và văn hoá lâu dài. “Kỷ nguyên hiện đại đã chứng kiến khả năng ngày càng cao của con người trong việc can thiệp mang tính biến đổi. Khía cạnh chinh phục và khai thác này đã trở nên nổi trội và ngày càng lấn chiếm, thậm chí hiện nay nó đã lên tới mức đe doạ khía cạnh thân thiện của môi trường: vai trò làm ‘tài nguyên’ của môi trường đang đe doạ vai trò làm ‘nơi ăn chốn ở’ của môi trường. Chính vì các phương tiện làm biến đổi môi trường do nền văn minh công nghiệp đem lại ngày càng mạnh, nên đôi khi thế cân bằng giữa con người và môi trường dường như đã lên tới mức nguy kịch”971.
462Thiên nhiên xuất hiện như một công cụ trong tay con người, và như một thực tại mà con người phải liên tục vận dụng, nhất là qua các phương tiện kỹ thuật. Đó là quan niệm giản lược tối đa mà ngày nay đang được phổ biến nhanh chóng. Quan niệm ấy bắt đầu từ giả thiết – mà ai cũng thấy là sai lầm – rằng phải có sẵn một lượng năng lượng và tài nguyên vô hạn, mà người ta có thể khôi phục lại nhanh chóng và có thể dễ dàng làm giảm bớt các hậu quả tiêu cực của việc khai thác trật tự thiên nhiên. Quan niệm giản lược này đã nhìn thế giới tự nhiên theo lăng kính máy móc và nhìn sự phát triển theo lăng kính của chủ nghĩa tiêu thụ. Người ta dành ưu tiên cho hành động và sở hữu hơn là cho hiện hữu; và đây chính là nguyên nhân gây ra sự tha hoá con người dưới những hình thức nghiêm trọng972.
Những thái độ này không phát sinh từ nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhưng là do chủ nghĩa duy khoa học và ý thức hệ duy kỹ thuật đã có ý chi phối những việc nghiên cứu ấy. Những tiến triển của khoa học và công nghệ không loại bỏ nhu cầu tìm đến cái siêu việt và tự chúng không phải là nguyên nhân đưa tới tình trạng tục hoá thái quá, tình trạng này đưa con người tới chủ nghĩa hư vô. Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, càng ngày người ta càng thắc mắc về ý nghĩa của chúng và càng ngày người ta càng cảm thấy có nhu cầu phải tôn trọng chiều hướng siêu việt của con người và của chính thụ tạo.
463Hiểu đúng đắn về môi trường sẽ ngăn chặn sự giản lược mang tính thực dụng rằng thiên nhiên chỉ là một đồ vật không hơn không kém mà con người được sử dụng và khai thác tuỳ ý. Đồng thời, chúng ta cũng không được tuyệt đối hoá thiên nhiên, đặt nó lên trên cả phẩm giá con người. Trong trường hợp thứ hai này, người ta có thể đi xa tới mức thần thánh hoá thiên nhiên hay trái đất như đã thấy trong một số phong trào sinh thái, đang tìm cách có được quy chế mang tính cơ chế được quốc tế bảo đảm đối với các xác tín của phong trào973.
Huấn Quyền đã tìm ra động cơ để chống lại quan niệm về môi trường dựa trên chủ nghĩa độc tôn sinh thái và độc tôn sinh học, với sự kiện là các chủ nghĩa ấy đề nghị “loại bỏ sự khác biệt về hữu thể và đạo đức giữa con người với các sinh vật khác, vì theo các chủ nghĩa này sinh quyển được coi như là một thể thống nhất về mặt sinh học có giá trị không thể phân biệt rõ rệt. Từ đó, người ta có thể giảm thiểu trách nhiệm cao cả của con người để cổ vũ cho quan niệm nhìn ‘phẩm giá’ của mọi sinh vật đều bằng nhau”974.
464. Cách nhìn về con người và sự vật mà không tham chiếu chút nào tới sự siêu việt sẽ dẫn tới chỗ chối bỏ luôn khái niệm sáng tạo và dẫn tới việc gán cho con người và thiên nhiên một sự hiện hữu hoàn toàn độc lập. Như thế, mối liên kết thế giới với Thiên Chúa đã bị cắt đứt. Sự chia cắt này cũng gây ra tình trạng tách con người ra khỏi thế giới, và triệt để hơn, làm con người nghèo đi tự trong bản sắc của mình. Con người có ý nghĩ cho rằng chính mình hoàn toàn xa lạ với môi trường mà trong đó mình đang sống. Hậu quả của tình trạng này cũng quá rõ: “chính mối quan hệ của con người với Thiên Chúa xác định mối quan hệ của con người với đồng loại và môi trường. Đó cũng là lý do tại sao văn hoá Kitô giáo luôn nhìn nhận các thụ tạo chung quanh con người cũng là những ân huệ Chúa ban để con người nuôi dưỡng và bảo vệ như một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo Hoá. Cách riêng, linh đạo Beneđictô và Phanxicô đã cho thấy sự gần gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”975. Hiện nay, người ta đang có nhu cầu nhấn mạnh càng nhiều hơn nữa tới mối quan hệ mật thiết giữa khoa sinh thái đề cao môi trường và “khoa sinh thái đề cao con người976.
465Huấn Quyền nhấn mạnh tới trách nhiệm của con người trong việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người977. “Nếu nhân loại hôm nay thành công trong việc kết hợp các khả năng khoa học mới mẻ với chiều hướng đạo đức lành mạnh, thì chắc chắn người ta sẽ có thể phát triển môi trường thành nơi cư ngụ và thành tài nguyên cho con người và cho hết mọi người, đồng thời sẽ có thể loại bỏ các nguyên nhân gây ô nhiễm, bảo đảm các điều kiện thích đáng để giữ gìn vệ sinh và sức khoẻ cho các nhóm nhỏ cũng như cho các vùng rộng lớn có con người định cư. Công nghệ làm ô nhiễm thì cũng có thể tẩy rửa, sản phẩm thu gom vào thì cũng có thể phân phối ra cho công bằng, với điều kiện là phải phổ biến rộng rãi khoa đạo đức tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, cũng như tôn trọng quyền lợi của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau”978.
---------------------------------------------------------------------------------------------------
969  x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 21: AAS 63 (1971), 416-417.
970  Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 21: AAS 63 (1971), 417.
971 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các người tham dự hội nghị về “Môi trường và Sức
   khoẻ” (24-03-1997), 2: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-04-1997, tr. 2.
972  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 28: AAS 80 (1988), 548-550.
973  x. Chẳng hạn, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá và Hội đồng Giáo hoàng về Đối
    thoại Liên tôn, Huấn thị Đức Giêsu Kitô, Đấng đem lại Nước Hằng Sống. Huấn thị
    Một suy tư của Kitô giáo về Phong trào “Thời đại mới”, Libreria Editrice Vaticana,
    Vatican City 2003, tr. 33.
974 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi những người tham dự hội nghị về “Môi trường và Sức
    khoẻ” (24-03-1997), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-04-1997, tr. 2
975  Ibid. 4: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-04-1997, tr. 2.
976  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 38: AAS 83 (1991), 841.
977  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 34: AAS 80 (1988), 559-560.
978 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi những người tham dự hội nghị về “Môi trường và Sức
    khoẻ” (24-03-1997), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-04-1997, tr. 2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét