Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Mục 6. NHỮNG ĐỀ TÀI GHXH


I. Dẫn nhập
       Từ những điều vừa nói, chúng ta có thể hiểu được là những đề tài của GHXH rất bao la, bởi vì nó bao trùm rất nhiều điểm liên quan đến tương quan giữa con người với xã hội. Theo một nghĩa rộng, GHXH bao gồm tất cả những chiều kích của nhân đức yêu thương (đức mến) và của nhân đức công bình. Theo một nghĩa hẹp, môn GHXH nghiên cứu những “vấn đề mới” (rerum novarum) được đặt lên từ thế kỷ XIX, như chúng ta đã thấy trong phần lịch sử (Mục 2).
       Khi muốn trình bày GHXH một cách hệ thống mạch lạc, các tác giả đã liệt kê nhiều danh mục khác nhau. Xin trưng dẫn ba thí dụ:
       1) Trong văn kiện mang tựa đề Những định hướng cho việc nghiên cứu và giảng dạy giáo huấn xã hội trong việc đào tạo linh mục của bộ Giáo dục Công giáo (30/12/1988), ở phần phụ trương, danh mục các đề tài được liệt kê như sau.
Gia đình. Kinh tế. Tư hữu. Lao động. Doanh nghiệp. Chính trị (Nhà Nước). Văn hóa. Khoa học và kỹ thuật. Cộng đồng quốc tế. Môi sinh. Thế giới thứ ba.
          2) Tập tài liệu The Social Agenda do Hội đồng Tòa thánh về Công lý Hòa bình xuất bản năm 2000 đã xếp đặt các giáo huấn xã hội dựa theo 10 đề tài:
Bản chất GHXH. Con người. Gia đình. Trật tự xã hội. Vai trò của Nhà Nước. Kinh tế. Lao động và lương bổng. Nghèo nàn và bác ái. Môi trường. Cộng đồng quốc tế.
3) Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo (2011), đã bàn về các đề tài sau đây trong phần chuyên biệt:
Chiều kích văn hoá - Công bằng xã hội - Dấn thân phục vụ - Phát triển toàn diện - Lao động của con người - Thị trường tự do - Toàn cầu hóa - Vai trò của doanh nhân - Đạo đức truyền thông - Môi trường sinh thái - Chiến tranh và hoà bình.
       Các đề tài của sách TLHT đã được điểm qua ở những bài đầu tiên. Sau phần tổng quát, những đề tài chuyên biệt là:
 1/ Gia đình (chương 5). 2/ Lao động (chương 6). 3/ Kinh tế (chương 7). 4/ Cộng đồng chính trị (chương 8). 5/ Cộng đồng quốc tế (chương 9). 6/ Môi sinh (chương 10). 7/ Hòa bình (chương 11).
       Chúng ta có thể nhận thấy sách TLHT liệt kê gia đình vào số những đề tài của GHXH (nhiều tác giả không đả động đến vấn đề này); đối lại, xem ra đề tài văn hóa, truyền thông xã hội đã không được nhấn mạnh, đó là chưa nói đến các đề tài: nghèo đói, thi đua vũ trang, vv.
       Dù sao GHXH dừng lại ở mức Giáo hội phổ quát, và cần được bổ túc do những kinh nghiệm của nhiều Giáo hội địa phương (xc. TLHT số 8).
II. Sơ lược phần thứ nhất cuốn sách TLHT
       Để kết thúc phần dẫn nhập tổng quát vào GHXH, chúng tôi xin tóm tắt Phần thứ nhất sách TLHT, tuy bàn về cùng một nội dung nhưng với cách xếp đặt thứ tự hơi khác.
       Phần thứ nhất gồm bốn chương.
       Chương 1. Kế hoạch tình thương Thiên Chúa dành cho nhân loại
       1. Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Điều này được chứng tỏ trong Cựu ước qua cuộc giải phóng dân tộc Israel khỏi cảnh nô lệ, việc ký kết giao ước, việc bảo vệ quyền lợi người nghèo. Trong Tân ước, đức Giêsu mạc khải tình thương của Thiên Chúa bằng lời nói cũng như trong hành động.
       2. Nhờ mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta biết được kế hoạch mà Ngài dành cho nhân loại: ngài muốn cho con người được chia sẻ Tình Thương của Ba ngôi; người muốn cứu độ toàn thể con người và tất cả mọi người. Được làm môn đệ của Đức Kitô, người Kitô hữu trở nên thụ tạo mới.
       3. Giáo hội có sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ, loan báo sự thật về con người.
       Chương 2. Sứ mạng của Giáo hội và Giáo huấn xã hội
       1. Giáo huấn xã hội nằm trong sứ mạng loan báo Tin mừng. Đây là một bổn phận và quyền lợi của Giáo hội: công bố Tin mừng, gieo Tin mừng vào các thực tại trần thế, cổ võ sự thăng tiến con người.
       2. Bản chất Giáo huấn xã hội
       Nó nằm trong nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội. Được hình thành nhờ kết hợp giữa kiến thức tự nhiên với ánh sáng đức tin. Nó nhắm tới các con cái Giáo hội cũng như toàn thể nhân loại.
       3. Lịch sử Giáo huấn xã hội, từ Rerum novarum đến nay.
       Chương 3. Nhân vị và nhân quyền
       1. Phẩm giá con người: hình ảnh Thiên Chúa
       2. Những chiều kích của nhân vị: gồm bởi hồn và xác; hướng đến siêu việt; độc nhất vô nhị. Cần phải tôn trọng nhân vị: như là chủ thể như không phải là đồ vật. Tự do: giá trị và giới hạn; liên hệ với chân lý và luật tự nhiên.  Mọi người đều bình đẳng về phẩm giá. Con người sống trong xã hội.
       3. Nhân quyền. Giá trị của nhân quyền (phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả chuyển nhượng). Quyền lợi và nghĩa vụ. Quyền lợi của các dân tộc và quốc gia.
       Chương 4. Những nguyên tắc của Giáo huấn xã hội
       1. Ý nghĩa
       2. Nguyên tắc công ích
       3. Mục tiêu phổ quát của các tài sản
       4. Nguyên tắc hỗ trợ
       5. Sự tham gia
       6. Nguyên tắc liên đới
       7. Các giá trị nền tảng của đời sống xã hội
       8. Đạo yêu thương

*** Nhận xét
       1/ Về hai chương đầu.
       - Đi theo thứ tự thời gian: từ kế hoạch của Thiên Chúa đến sứ mạng của Giáo hội, từ việc loan báo Tin mừng đến giáo huấn xã hội.
       - Thiết tưởng có thể đảo ngược lại. Khởi đi từ bản chất của GHXH: Giáo hội can thiệp vào vấn đề này do sứ mạng Loan báo Tin mừng, với nội dung là kế hoạch Thiên Chúa dành cho con người.
       2/ Về chương Ba và chương Bốn
       - Cả hai đều bàn về những nguyên tắc căn bản của GHXH (chứ không phải chỉ trong chương Bốn).
       - Khi gom cả hai chương lại, ta có thể nói được là có bốn nguyên tắc căn bản: a) phẩm giá con người; b) công ích; c) hỗ trợ; d) liên đới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét