Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Giá trị của GHXH


II.  Giá trị của GHXH
       Có thể hiểu giá trị của GHXH theo nghĩa là “ích lợi”: GHXH nói cho ai? Có ai muốn nghe không? Có thể mang ra áp dụng không? Nhưng ở đây, chúng ta bàn đến giá trị theo nghĩa thần học: GHXH có thêm gì mới vào kho tàng đạo lý của Giáo hội không? Nó có tính cách bó buộc đối với các tín hữu không? Xin trả lời như sau:
       GHXH được hình thành từ việc phân tích các biến cố dưới ánh sáng của Lời Chúa. Vì thế ta cần phải phân biệt những gì mang tính cách “thời sự” và những gì mang tính cách “vĩnh cửu”.
       Đây là một nguyên tắc đã được chấp nhận trong thần học luân lý: việc đánh giá một hành vi cần dựa theo ba tiêu chuẩn: a) bản chất của hành vi; b) mục tiêu của người thực hiện; c) những hoàn cảnh của hành vi (xc. GLCG số 1750). Bản chất thì coi như bất biến, còn mục tiêu và hoàn cảnh thì thay đổi, thậm chí tác dụng luôn cả đến bản chất của hành vi. Một thí dụ: đi tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật là điều tốt (và còn là điều buộc); nhưng đi lễ chỉ nhằm khoe một cái áo mới sắm hoặc chỉ để nghe ca đoàn thì không còn tốt nữa (bởi vì mục tiêu không tốt); một cách tương tự như vậy, một bà mẹ bỏ đứa con thơ ở nhà một mình để đi lễ thì cũng không tốt (xét theo hoàn cảnh).
       Điều này cũng xảy ra đối với GHXH. Khi áp dụng vào những tình huống cụ thể, đôi khi một nguyên tắc luân lý cần được phát biểu lại. Nguyên tắc “chớ giết người” có thể chấp nhận luật trừ trong trường hợp tự vệ chính đáng (nếu tên cướp nả súng bắn tôi, tôi có quyền dùng súng để tự vệ, thậm chí đến nỗi gây sự thiệt mạng cho tên cướp). Trong quá khứ, luật trừ này đã được trưng dẫn để biện minh cho “chiến tranh chính đáng” và “án tử hình”; nhưng ngày nay, trong hoàn cảnh mới, hai luật trừ ấy cần được xét lại. Thật vậy, vào thời nay khó xác định khi nào chiến tranh trở nên chính đáng (xét về động lực thúc đẩy, cũng như những hậu quả của nó); án tử hình không còn đạt được mục tiêu của nó là cải hóa tội nhân và ngăm đe tội phạm.
       Vì thế không lạ gì mà khi nghiên cứu GHXH, các học giả đã phân biệt những cấp độ khác nhau xét về tín lực của các văn kiện.
       A. Những cấp độ giá trị
       Các cấp độ giá trị của giáo huấn có thể xét theo khía cạnh pháp lý hoặc theo khía cạnh nội dung.
            1/ Cấp độ dựa theo tiêu chuẩn pháp lý, nghĩa là do cơ quan nào đã ban hành. Trong việc thực thi quyền giáo huấn, người ta đã phân biệt nhiều đẳng cấp khác nhau (GLCG số 891-892). Một thông điệp của đức giáo hoàng thì quan trọng hơn một lá thư của một Hội đồng giám mục. Một nghị quyết của Hội đồng giám mục thì quan trọng hơn một bài phát biểu của một giám mục giáo phận.
       Xét về cấp độ pháp lý của các văn kiện của Huấn quyền, các nhà thần học đã xếp loại như sau:
       - Công đồng Vaticanô II: Hiến chế (Constitution), Sắc lệnh (Decree), Tuyên ngôn (Declaration).
       - Đức Giáo hoàng: Thông điệp (Encyclical), Tông huấn (Apostolic Exhortation), Tông thư (Apostolic letter). Hầu hết các văn kiện GHXH là do Giáo hoàng ban hành dưới hình thức “thông điệp”.
            2/ Cấp độ dựa theo nội dung vấn đề
       Thần học nói đến một “hệ trật chân lý” giữa các tín điều[1]. Tín điều về đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì quan trọng hơn là tín điều về đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Một cách tương tự như vậy, những điều tuyên bố về đức tin thì quan trọng là những điều tuyên bố về luân lý.
       Trong những giáo huấn của Giáo hội về luân lý, cũng có những cấp độ của nó, chẳng hạn như những tuyên bố về việc tôn trọng mạng sống con người thì quan trọng hơn những tuyên bố về việc bảo vệ môi sinh. Thậm chí ngay trong cùng một lãnh vực, chúng ta cũng có thể phân biệt nhiều cấp độ khác nhau. Hãy lấy một thí dụ trong luân lý về hôn nhân: chân lý về dây hôn nhân duy nhất và bất khả ly thì quan trọng hơn là chân lý về việc tình yêu vợ chồng phải mở rộng đến việc sinh con cái; giáo lý về việc phá thai thì nghiêm trọng hơn là giáo lý về việc ngừa thai.
       B. Ba cấp độ trong GHXH
       Trong lãnh vực GHXH, người ta phân biệt ba cấp độ khác nhau: 1/ nguyên tắc suy tư (principes de réflection), 2/ tiêu chuẩn phán đoán (critères de jugement), 3/ định hướng hành động (orientations pour l'action)[2]. Thực ra sự phân biệt ba cấp độ không đơn giản.
       Đại khái, đối với hai cấp độ đầu tiên thì có thể nói như sau:
       1/ Những nguyên tắc thì có tính cách bền vững, bởi vì dựa trên Kinh thánh hay luật tự nhiên. (Chúng ta sẽ nghiên cứu những nguyên tắc này trong mục 5 dưới đây).
       2/ Những phán đoán thì tùy thuộc vào những hoàn cảnh nhất thời. Sự phân biệt giữa “nguyên tắc” và “phán đoán” được công đồng Vaticano II nhắc tới ngay ở đầu Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”. Văn kiện này được chia làm hai phần: phần đầu gồm có những nguyên tắc đạo lý về con người và về thế giới; phần thứ hai thì phát biểu thái độ trước một vài vấn đề khẩn trương của thời đại. Do đó việc giải thích phần thứ hai cần được đối chiếu với những thực trạng của thời buổi đương thời, chứ không mang tính chất bất biến. Dĩ nhiên sự phân biệt này cũng được áp dụng trong toàn thể học thuyết xã hội của Giáo hội. Những nguyên tắc về phẩm giá con người, về trách nhiệm của con người đối với xã hội thì có tính cách bền vững. Còn những phán đoán về những vấn đề cụ thể thì thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội. Thí dụ trong quá khứ, nhiều Giáo hoàng đã bênh vực quyền tư hữu chống lại những chủ nghĩa cộng sản; nhưng dần dần, trước những bất công của chế độ tư bản, Giáo hội cũng cho thấy những khuyết điểm của quyền tư hữu khi nó không đếm xỉa gì tới tình liên đới, dẫn tới sự bóc lột tha nhân. Từ đó, học thuyết về quyền tư hữu lần lần được bổ túc bởi học thuyết về việc các tài sản được dành cho toàn thể nhân loại hưởng dụng. Chúng ta cũng có thể nhận xét như vậy về chiến tranh chính đáng, án tử hình.
       3/ Định hướng hành động: sau khi đã cân nhắc đắn đo, cũng như đối chiếu với những dữ liệu, đến lúc phải chọn lựa một biện pháp để hành động.
       GHXH thường nằm ở cấp nguyên tắc và tiêu chuẩn. Khi mang những nguyên tắc GHXH ra thực hành, chúng ta đừng bao giờ quên rằng  một nguyên tắc lý thuyết có thể gợi lên nhiều đường hướng hành động: đó là lý do vì sao cần chấp nhận thuyết đa nguyên (pluralism).
       Chúng ta lấy một thí dụ điển hình từ nước Hoa kỳ. Tại đây có hai đảng lớn: đảng Cộng Hoà và đảng Dân Chủ. Cả hai đảng đều có các thành viên công giáo, nhưng không ai dám khẳng định rằng đảng nào có đường lối phù hợp với giáo huấn Công giáo hơn. Đảng Cộng Hoà bảo vệ sự sống (chống phá thai), nhưng không quan tâm đến người nghèo. Đảng Dân Chủ đề cao những cuộc cải cách xã hội để nâng cao mực sống của những thành phần bị loại trừ, nhưng coi nhẹ việc ngừa thai và phá thai.
       Trên thực tế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta gặp nhiều hoàn cảnh phức tạp, không thể lúc nào cũng phân chia ranh giới rạch ròi giữa tốt / xấu; trắng /đen (vàng thau lẫn lộn). Chính vì thế cần đến đức khôn ngoan, không những để phân định cái tốt cái xấu (khi đổ nước bẩn trong chậu, đừng nên đổ luôn cả đứa bé mà ta vừa tắm nó trong chậu đó), những cũng biết ước lượng những trạng huống rủi ro của một giải pháp (nhổ cỏ lùng thì có nguy cơ bứng luôn cả lúa tốt).
       Mặt khác, chúng ta cũng đừng “chụp mũ” cho đối phương là hoàn toàn xấu, chẳng có gì tốt hết! Nên nhớ rằng ai cũng có điều hay điều dở, và bao lâu còn sống trên đời này, con người vẫn còn cơ hội thay đổi. Điều này được áp dụng cho cá nhân cũng như các chủ nghĩa chính trị (đức thánh cha Phaolô VI, trong tông thư Octogesima adveniens, đã phân biệt giữa “ý thức hệ” và “phong trào lịch sử”[3].

                                                                  Kết luận

                             Ý nghĩa của thuật ngữ “Giáo huấn xã hội của Giáo hội
       1. Ngay từ nhập đề của giáo trình, chúng tôi đã nêu lên một thắc mắc liên quan đến danh xưng của môn học: “Học thuyết xã hội” hay “Giáo huấn xã hội”. Thực ra cả hai thuật ngữ đều dịch cùng một thuật ngữ trong các tiếng châu Âu (Pháp Doctrine sociale de l’Eglise; Anh: Social Doctrine of the Church; Ý: Dottrina sociale della Chiesa). Thực chất của vấn nạn không nằm ở chuyện dịch thuật, nhưng ở bản chất của nó. Trong các ngôn ngữ châu Âu, người ta sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau: social doctrine, social teaching, social ethics, social philosophy.
       Trong những văn kiện gần đây, Tòa thánh dùng từ ngữ chính xác là Social Doctrine.
       - Doctrine muốn nói lên hai điều: a) đây là một hành động thuộc về sứ vụ giảng dạy (munus docendi)  của các giám mục; b) xét về nội dung, nó bao gồm một toàn bộ mạch lạc những nguyên tắc, phán đoán, định hướng liên quan đến vấn đề xã hội.
       - Social liên quan đến xã hội (society). Theo nguyên gốc latinh, socius chỉ có nghĩa là bạn bè, thân hữu, đồng chí. Tự nó, “xã hội” mang một nghĩa rất rộng, bao gồm hết mọi tương quan giữa con người với nhau, từ tương quan bạn bè, vợ chồng, cho đến các hiệp hội, công ty, làng xã, quốc gia. Vì thế người ta phân biệt giữa “xã hội tư” (private) và “xã hội định chế” (institution). Tuy rằng ranh giới đôi bên không rạch ròi (chẳng hạn: gia đình, giáo dục, có thể xếp vào bên nào cũng được), nhưng có thể khẳng định rằng: đối tượng của GHXH là các “xã hội định chế”. Trong thông điệp Centesimus annus (số 54), Đức Gioan Phaolô II đã kê ra những đề mục như sau: “những quyền lợi của con người, cách riêng là của giới vô sản, gia đình và giáo dục, các nghĩa vụ của Nhà Nước, cách tổ chức xã hội quốc gia và quốc tế, đời sống kinh tế, văn hoá, chiến tranh và hòa bình, cũng như việc tôn trọng sự sống từ lúc đầu thai cho đến lúc chết”.
       Cũng nên thêm rằng, GHXH bàn đến những vấn đề này không phải dưới khía cạnh kỹ thuật chuyên môn, nhưng là dưới khía cạnh luân lý. Giáo hội can thiệp vào những vấn đề liên quan đến hạnh phúc của con người, dựa trên sứ mạng mà Đức Kitô đã uỷ thác, đó là loan báo chân lý về tình yêu Thiên Chúa cho con người sống trong xã hội. Đây là một việc phục vụ tình yêu trong sự thật (xem thông điệp Caritas in veritate, số 5).
       2. Nếu muốn chính xác, thì thuật ngữ “Giáo huấn xã hội” (social doctrine) được dành riêng cho các bản văn của Huấn quyền, bởi vì trình bày giáo huấn của cơ quan có thẩm quyền trong Giáo hội; còn những tác phẩm giải thích các văn kiện đó (chẳng hạn như tập giáo trình này) thì không thể gọi là GHXH theo nghĩa chặt. Tương tự như “Kinh thánh” phải hiểu về cuốn sách được viết ra do Chúa Thánh Thần linh hứng; còn những sách chú giải, học hỏi Kinh thánh thì không phải là Kinh thánh!
            Nên biết là cuốn Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là một văn kiện mới về giáo huấn, nhưng chỉ là một sưu tập các giáo huấn của các Giáo hoàng và công đồng Vaticanô II, xếp đặt theo thứ tự và giải thích mà thôi[4]. Tài liệu của Bộ Giáo dục Công giáo về “Những định hướng trong việc nghiên cứu và giảng dạy giáo huấn xã hội trong việc đào tạo linh mục” (30/12/1988) cũng nằm trong đường hướng này.
       Đôi khi những tác phẩm trình bày GHXH cũng mang tựa đề khác, chẳng hạn như: “Luân lý (Đạo đức) xã hội”, “Tư tưởng Kitô giáo xã hội”, hoặc “Hoạt động xã hội theo tinh thần Kitô giáo” (nếu muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thực hành).




[1] hierarchia veritatum: GLCG số 90.
[2] Theo nguyên bản Italia: principi di riflessione - criteri di giudizio - direttrici di azione (xc. TLHT số 7; 85). Sự phân biệt ba cấp độ này đã được nói đến trong thông điệp Sollicitudo rei socialis số 3, và lặp lại trong sách GLCG số 2423. Xem thêm văn kiện của bộ Giáo dục Công giáo số 3.
[3] Thiết tưởng nên lưu ý đến sự tiến triển của các chủ nghĩa chính trị kinh tế. Hồi đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tự do chủ trương rằng Nhà Nước không được can thiệp vào hoạt động kinh tế; và như vậy các nhà tư bản được tự do thao túng thị trường, theo định luật cạnh tranh. Để phản ứng lại, thuyết tập thể chủ trương Nhà Nước phải can thiệp vào hoạt động kinh tế, và quốc hữu hoá tất cả các dụng cụ sản xuất. Đó là hai chủ nghĩa cực đoan. Dần dần, cả hai chủ trương đều đã thay đổi, đưa đến những khuôn mẫu khác nhau của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, thậm chí không loại trừ việc kết hợp cả hai. Thông điệp Centesimus annus (số 42) cho thấy rằng chủ nghĩa tư bản có thể hiểu theo nhiều nghĩa, mang theo những đánh giá luân lý khác nhau.
[4] Phương pháp biên soạn cuốn TLHT khác với tập tài liệu cũng do Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình xuất bản năm 2000 mang danh là The Social Agenda: đây chỉ là bộ sưu tập giáo huấn trích nguyên văn từ các thông điệp hoặc các văn kiện khác của Giáo hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét