Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

IV. Gia đình, tác nhân của đời sống xã hội


     
 Đoạn này bàn về sinh hoạt của gia đình trong đời sống xã hội, gồm hai điểm: a) gia đình thể hiện tình liên đới; b) gia đình như đơn vị  lao động, kinh tế.
       Nên lưu ý là ở đây GĐ được quan niệm theo khuôn mẫu của GĐ “hạt nhân” (gồm cha mẹ - con cái), khác với khuôn mẫu GĐ “gia trưởng” (gồm bởi nhiều gia đình cùng một tổ hay tộc trưởng).

A. Tình liên đới của GĐ
       Chủ thể xã hội của GĐ (hoặc riêng rẽ hoặc liên kết thành hiệp hội) cũng được diễn tả qua những cuộc biểu lộ tình liên đới và chia sẻ, không những là giữa các gia đình với nhau, mà còn qua những hình thức tham gia vào đời sống xã hội và chính trị (số 246).
       Các GĐ cần phải trở nên những kẻ chủ động của chính sách gia đình, đảm nhận trách nhiệm thay đổi xã hội. Các GĐ có quyền thiết lập những hiệp hội với các GĐ và định chế khác, ngõ hầu chu toàn vai trò riêng biệt của GĐ cách thích hợp và hữu hiệu, và để bảo vệ những quyền lợi, cổ võ thiện ích và thay mặt cho những ích lợi của GĐ (số 247).

B. GĐ, đời sống kinh tế và lao động
       1. GĐ cần phải được nhìn nhận đúng lý như là một tác nhân quan yếu của đời sống kinh tế (số 248).
       2. Xét theo lịch sử, “kinh tế” phát sinh từ việc làm trong nhà[i]. Cái Nhà đã và tại nhiều nơi vẫn còn là một đơn vị sản xuất và một trung tâm sinh hoạt. GĐ vẫn tiếp tục là một tác nhân quan thiết của đời sống kinh tế. Đời sống kinh tế được định hướng không theo lý luận thị trường nhưng theo sự chia sẻ và liên đới giữa các thế hệ.
       3. Giữa GĐ và lao động có một tương quan đặc biệt (số 249).
       - GĐ là một trong những điểm quy chiếu quan trọng nhất để thiết lập trật tự xã hội và luân lý lao động[ii]. Tương quan ấy đâm rễ trong sự liên hệ giữa nhân vị và quyền sở hữu hoa trái của việc làm của mình, xét như cá nhân cũng như xét như thành phần của một gia đình.
       - Giá trị của lao động. Lao động tượng trưng cho điều kiện cho phép thiết lập một GĐ. Lao động cung cấp những phương tiện sinh sống cho GĐ. Lao động cũng chi phối sự phát triển của con người, bởi vì một GĐ bị thất nghiệp sẽ có nguy cơ không thể hiện được các mục tiêu của mình.
       4. Tiền lương gia đình: đồng lương đủ để duy trì một GĐ (số 250).
       - Tiền lương này đủ để có thể tiết kiệm và thủ đắc một tài sản của GD (như là bảo đảm cho tự do).
       - Có nhiều hình thức tiền lương gia đình: phụ cấp gia đình, trợ cấp cho các bà nội trợ, vv.
       5. Việc làm của phụ nữ trong khung cảnh GĐ (số 251)
       Việc làm của phụ nữ trong gia đình là một công việc mang tính nhân bản, cần được xã hội nhìn nhận và đánh giá, qua một thứ lương bổng tương đương với những công việc khác. Cần phải loại bỏ những trở ngại bó buộc người phụ nữ không thể chu toàn những chức năng làm mẹ của mình.


[i] Trong nguyên ngữ Hy-lạp oikonomia gồm bởi oikos (nhà) và nomos (điều hành).
[ii] ĐGH Gioan Phaolô II, thông điệp Laborem exercens, số 10.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét