Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Lời nói đầu


LỜI GIỚI THIỆU

Của Đức Hồng y Angelo Sodano,
Quốc Vụ Khanh
Bộ Trưởng Ngoại giao Toà Thánh Vatican
Phủ Quốc Vụ Khanh         Vatican, ngày 29-06-2004N. 559.332
Kính gửi Đức Hồng y Renato Raffaele Martino,
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình

Đức Hồng y kính mến,
Suốt dòng lịch sử Giáo Hội và đặc biệt trong mấy thế kỷ gần đây, Giáo Hội – theo lời Đức Lêô XIII – đã không ngừng nói lên tiếng nói của mình về những câu hỏi liên quan đến cuộc sống trong xã hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp tục công bố và cập nhật di sản về Học thuyết Xã hội Công giáo. Về phần mình, ngài đã công bố ba thông điệp quan trọng – Laborem Exercens, Sollicitudo Rei Socialis và Centesimus Annus – trình bày những bước cơ bản của tư tưởng Công giáo trong lĩnh vực này. Nhiều giám mục trên toàn thế giới trong giai đoạn gần đây đã đóng góp những hiểu biết sâu xa hơn về Học thuyết Xã hội Công giáo qua các công trình của họ. Vô số những học giả trên các lục địa cũng vẫn đang làm như vậy.
1. Vì thế, chúng ta hy vọng rằng một bản tóm lược thu thập tất cả các chất liệu trên và trình bày một cách hệ thống, sẽ giới thiệu những điều cơ bản của Học thuyết Xã hội Công giáo. Thật đáng ca ngợi khi Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đã đảm nhận nhiệm vụ này và đã cố gắng hết sức mình cho công trình trong những năm gần đây.
Tôi rất vui mừng khi thấy cuốn “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo” được xuất bản, và cùng chia sẻ với Đức Hồng y niềm vui mừng được trao gửi tập sách đến tất cả tín hữu và những người thiện chí như một thứ lương thực cần thiết để phát triển nhân cách và tinh thần, cho mọi cá nhân và mọi cộng đồng.
2. Tài liệu này cũng trình bày giá trị của Học thuyết Xã hội Công giáo như một phương tiện để rao giảng Tin Mừng (x. Centesimus Annus, 54), bởi vì tài liệu này đặt con người và xã hội trong mối tương quan với ánh sáng Tin Mừng. Những nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo đặt nền tảng trên luật tự nhiên, vì thế được xác nhận và củng cố trong niềm tin của Giáo Hội nhờ Tin Mừng của Đức Kitô.
 Dưới ánh sáng soi đường như vậy, mọi người, nam cũng như nữ, trước hết được mời gọi tự khám phá chính mình như những hữu thể siêu việt, trong mọi chiều hướng của cuộc sống, bao gồm tất cả những gì có liên quan đến mọi nội dung xã hội, kinh tế và chính trị. Niềm tin mang đến cho gia đình một ý nghĩa đầy đủ, ý nghĩa này đặt nền tảng trên cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ để làm nên tế bào đầu tiên và vô cùng quan trọng của xã hội loài người. Hơn  nữa, chính niềm tin toả ánh sáng trên vinh quang của lao động, mà khi hoạt động của con người nhắm mục tiêu đem đến sự sung mãn cho chính con người, thì lao động này vừa chiếm vị trí ưu tiên so với vốn liếng tiền bạc con người bỏ ra và vừa xác định quyền lợi chính đáng của con người trong việc chia sẻ những thành tựu do lao động đó làm ra.
3. Qua bản Tóm lược này, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của các giá trị đạo đức đặt nền móng trên luật tự nhiên được ghi khắc trong lương tâm của con người; vì thế, mỗi lương tâm con người bắt buộc phải nhìn nhận và tôn trọng luật tự nhiên này. Nhân loại ngày nay đi tìm một thứ công lý lớn hơn phù hợp với hiện tượng toàn cầu hoá; nhân loại có sự quan tâm sâu sắc về sinh thái và một sự quản lý đúng đắn đối với những công việc chung; nhân loại cũng cảm thấy cần phải bảo vệ những ý thức thuộc về dân tộc mà không mất đi tầm nhìn về con đường dẫn đến luật pháp và nhận thức về sự đoàn kết toàn thể gia đình nhân loại. Thế giới lao động, đã thay đổi sâu xa nhờ những tiến bộ kỹ thuật hiện đại, đang giúp cho con người nhận ra những mức độ lạ lùng về mặt phẩm chất của lao động, nhưng tiếc thay cũng cho con người thấy những hình thức bất ổn mới, những phương thức bóc lột mới, và ngay cả sự nô lệ bên trong những xã hội được coi là giàu có sung túc. Tại những vùng khác nhau trên hành tinh này, mức sống sung túc tiếp tục phát triển, nhưng cũng vẫn có một sự gia tăng đầy sợ hãi con số những người rơi vào cảnh nghèo đói, và vì nhiều lý do khác nhau, hố ngăn cách giữa những nước kém phát triển và những nước giàu đang càng ngày càng sâu thêm. Thị trường tự do tuy là một tiến trình kinh tế với những khía cạnh tích cực, nhưng vẫn cho thấy những giới hạn của chính thị trường ấy. Mặt khác, tình yêu dành ưu tiên cho những người nghèo nói lên sự lựa chọn rất căn bản của Giáo Hội và Giáo Hội giới thiệu tình yêu thương đó cho tất cả mọi người thiện chí.
 Vì thế, rõ ràng là Giáo Hội phải làm cho tiếng nói của mình vang dội đến mọi người về ‘những điều mới mẻ’ (res novae) tiêu biểu của thời hiện đại, bởi vì Giáo Hội có nhiệm vụ mời gọi mọi người làm tất cả những gì có thể được để hướng đến một nền văn minh đúng nghĩa càng ngày càng nhắm tới sự phát triển toàn diện của con người trong tình liên đới.
4. Những vấn đề về xã hội và văn hoá hiện nay có liên quan đến tất cả anh chị em giáo dân,  như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta, để mời gọi họ đối diện với những vấn đề trần thế và hướng dẫn họ theo ý muốn của Thiên Chúa (x. Lumen Gentium, 31). Vì thế, chúng ta có thể hiểu một cách dễ dàng tầm quan trọng mang tính cơ bản của việc đào tạo giáo dân để cho sự thánh thiện từ cuộc sống của họ và sức mạnh qua những chứng tá của họ sẽ đóng góp vào sự tiến bộ của loài người. Tập tài liệu này nhắm mục tiêu giúp họ hoàn thành sứ mạng hằng ngày đó của mình.
Hơn nữa, chúng ta cũng rất vui khi thấy nhiều phần được trình bày trong sách này cũng đã được các Giáo hội khác, các Cộng đồng Giáo hội cũng như các Tôn giáo khác đón nhận. Bản văn đã được trình bày theo một cách thức để giúp ích không những cho cộng đồng tín hữu Công giáo mà còn cho các thành phần ngoài Công giáo. Thật vậy, tất cả những ai cùng chia sẻ phép Thanh Tẩy với chúng ta, cũng như tín đồ của các Tôn giáo khác và tất cả mọi người thiện chí có thể tìm thấy, qua bản văn này, những cơ hội tốt để suy nghĩ và một động lực chung để phát triển toàn diện mỗi người và mọi người.
5. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong khi hy vọng rằng tài liệu này sẽ giúp nhân loại tìm kiếm một cách tích cực cho công ích, đã cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả những ai dừng lại để suy nghĩ về những giáo huấn của cuốn sách này. Với những lời chúc tốt đẹp nhất của cá nhân tôi dành cho sự thành công của cố gắng lớn lao này, tôi xin chúc mừng Đức Hồng y và những người cộng tác với Đức Hồng y trong Hội Đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đã thực hiện công việc quan trọng này. Xin Đức Hồng y nhận nơi đây tình cảm kính trọng chân thành của tôi.

Trong Chúa Kitô,
Hồng y Angelo Sodano,
Bộ Trưởng Ngoại giao Toà Thánh



LỜI GIỚI THIỆU
Của Đức Hồng y Renato Raffaele Martino
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình
Tôi vui mừng giới thiệu bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, mà theo yêu cầu của Đức Thánh Cha, đã được soạn thảo để cung cấp một cái nhìn chính xác và toàn diện về những giáo huấn xã hội của Giáo Hội.
Những thực tế xã hội đang đổi thay so với sức mạnh của Tin Mừng, mà các anh chị em tín hữu như những chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô đang phải đối mặt, luôn luôn là một thách đố, và vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này, thử thách ấy vẫn còn tồn tại. Việc công bố Đức Giêsu Kitô, như là “Tin Mừng” đem lại sự cứu độ, tình yêu, công lý và hoà bình, không phải được thế giới hôm nay sẵn sàng đón nhận, nhưng lời công bố này còn bị phá huỷ bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công. Vì lý do rất chính đáng đó mà mọi người trong thời đại ngày nay càng cần đến Tin Mừng hơn bao giờ hết: Tin Mừng của niềm tin để cứu thoát, của hy vọng để thắp sáng và của bác ái để yêu thương.
Giáo Hội hiểu rất rõ về nhân loại và khi cảm nghiệm được trước với niềm tin và với sự dấn thân tích cực, Giáo Hội vẫn luôn hướng về một “trời mới” và một “đất mới” (2 Pr 3,13) mà Giáo Hội muốn chỉ rõ cho từng con người để giúp họ sống đúng với ý nghĩa của đời mình. “Gloria Dei vivens homo”: một khi con người sống trọn vẹn theo phẩm giá của mình sẽ làm vinh danh Thiên Chúa, Đấng đã trao ban phẩm giá đó cho mỗi con người.
Những bài học sau đây trên hết nhằm mục đích duy trì và cổ vũ mọi hoạt động của người Kitô hữu về phương diện xã hội, đặc biệt là những hoạt động của các giáo dân có liên quan cụ thể đến các lĩnh vực này: Toàn bộ cuộc sống của họ phải được coi như một công trình loan báo Tin Mừng mang lại những hiệu quả thiết thực. Mọi tín hữu trước hết phải học cách vâng lời Chúa với lòng tin mạnh mẽ như thánh Phêrô đã làm: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Tất cả những độc giả “thiện chí” sẽ hiểu được các động lực thúc đẩy Giáo Hội mau mắn đưa ra học thuyết của mình về phương diện xã hội, một lĩnh vực mà mới thoạt nhìn có vẻ như không thuộc về khả năng chuyên môn của Giáo Hội, và cũng chính những độc giả này sẽ hiểu tại sao Giáo Hội lại mạnh dạn đề cập, mạnh dạn đối thoại và hợp tác để phục vụ công ích.
Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức cố Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), với sự khôn ngoan, sự kiên quyết và tầm nhìn xa trông rộng, đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này; Chứng bệnh hiểm nghèo đã không cho ngài cơ hội hoàn thành phần kết thúc và xuất bản. Công việc trên đã được giao phó cho tôi và hôm nay dành cho tất cả những ai đọc quyển sách này, vì thế công trình này mang dấu ấn vị chứng nhân vĩ đại của Thập Giá, người đã có niềm tin mãnh liệt trong những năm gian khổ của đất nước Việt Nam. Vị chứng nhân này sẽ thấu hiểu lòng biết ơn của chúng ta đối với sự lao động quý báu, tràn ngập bởi tình yêu và sự tận tuỵ của ngài, và ngài sẽ chúc lành cho những ai biết dừng lại để suy tư khi đọc những trang sách này.
Tôi cầu xin lời chuyển cầu của Thánh Giuse, Người Bảo vệ Đấng Cứu Thế và cũng là Người Bạn đời của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, là Thánh Bổn Mạng của Giáo Hội hoàn vũ và của Lao động, để tài liệu này đem đến muôn vàn kết quả trong cuộc sống của xã hội như một công cụ để loan báo Tin Mừng cũng như để xây dựng cho Công lý và Hoà bình.
Vatican, ngày 2-4-2004,
Ngày lễ nhớ Thánh Phanxicô Paola
GM.Giampaolo Crepaldi    HY.Renato Raffaele Martino
           Thư ký                                   Chủ tịch

LỜI NÓI ĐẦU
Cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo là công trình tập thể của Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhằm giới thiệu cho đồng bào Công giáo và không Công giáo những nguyên tắc nền tảng và đường hướng hoạt động của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực xã hội.
Để đạt được mục đích này, chúng tôi in nội dung cuốn sách thành hai ấn bản. Một ấn bản “Phổ thông” dành cho quảng đại độc giả và một ấn bản tạm gọi là “đầy đủ”, có thêm phần tra cứu, dành cho những độc giả nào muốn tham khảo, đối chiếu chi tiết về nội dung Học thuyết Xã hội Công giáo. Nội dung ấn bản Phổ thông là các phần chính văn gồm Nhập đề và 12 chương sách, kèm thêm 1232 số chú thích của bản gốc Anh ngữ. Ấn bản đầy đủ gồm tất cả nội dung của ấn bản Phổ thông cộng thêm các phần: Mục lục Tham khảo về Thánh Kinh và các Văn kiện như Công đồng Vatican II, các Thông điệp, Tông thư, Tông huấn, Sứ điệp của các giáo hoàng, các Huấn thị của các Bộ, Hội đồng Giáo hoàng và các Văn kiện khác; Mục lục Hình ảnh và Mục lục Phân tích Chủ đề.
Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng cuốn sách này dù đã dài hơn 400 trang nhưng chỉ vẫn là bản tóm lược, nghĩa là mới chỉ nêu lên những điểm chính và quan trọng nhất trong học thuyết xã hội Công giáo, để quý độc giả có một cái nhìn tổng thể chứ chưa phải là bản trình bày đầy đủ toàn bộ học thuyết. Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có bộ sách trọn vẹn này.
Cũng vì mục đích muốn phổ biến cuốn sách cho quảng đại độc giả Việt Nam trong và ngoài Công giáo, cũng như để giúp cho độc giả dễ tiếp thu một bản văn tương đối khô khan và có tính chuyên đề, ngoài việc cố gắng dùng các từ ngữ phổ thông - không quá chuyên môn cũng không quá riêng biệt của Công giáo, ngoại trừ một số từ ngữ chưa có trong cuốn từ điển hiện nay - chúng tôi còn đưa vào một số hình ảnh minh hoạ, vừa để làm vui mắt độc giả vừa để tạo chất liệu cho các độc giả suy nghĩ thêm theo từng chủ đề. Các hình ảnh này đều ghi xuất xứ. Chúng tôi xin cám ơn các tác giả ảnh đã cho phép chúng tôi được sử dụng những hình ảnh trong cuốn sách hoàn toàn mang tính xây dựng nhân bản và vô vị lợi này.
Trong quá trình thực hiện cuốn sách, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của Thầy Trần Bá Nguyệt và tập thể bè bạn đã chuẩn bị cho phần dịch thuật sơ khởi như: Quý Thầy Lê Mạnh Hà, Nguyễn Văn Khi, Phan Năng Huân, Hà Kim Phước, Nguyễn Hoàng Quy, thuộc Trường Đại học Nông Lâm, TP. HCM, Thầy Phạm Hữu Giáo thuộc trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân Văn, TP. HCM, Thầy Từ Việt Hùng thuộc Trường Đại học Bách Khoa, TP. HCM, Bác sĩ Đỗ Thông, Lm. Trần Đình Long, thuộc dòng Thánh Thể, Ông Nguyễn Chính Kết, Ông Lê Hùng Sơn và nhiều anh chị em tín hữu trong các ngành chuyên môn. Chúng tôi chân thành cảm tạ sự đóng góp quý báu của tất cả anh chị em cho tập sách này.
Chúng tôi cũng hết lòng cám ơn Nhà Xuất bản Tôn Giáo, các cơ quan ban ngành đã tận tình giúp đỡ và tạo thuận lợi cho chúng tôi xuất bản cuốn sách này. Hành động nhiệt tình này nói lên sự cởi mở và quan tâm của những người đang nắm quyền hành của đất nước để cùng cộng tác với mọi người trong việc phục vụ công ích của quốc gia và toàn thể gia đình nhân loại.
Trong quá trình dịch thuật và thực hiện cuốn sách này, chắc chắn không thể tránh khỏi những sai sót ngoài ý muốn. Chúng tôi rất mong quý độc giả thông cảm và tích cực góp ý để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn trong những lần tái bản sau này.
Sau cùng, xin quý độc giả cùng chúng tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cho chúng ta được gặp gỡ nhau và gặp gỡ Ngài qua cuốn sách này. Kính chúc quý độc giả an mạnh và tràn đầy ơn Chúa để chúng ta cùng nhau xây dựng một nền văn hoá sự sống và một nền văn minh tình yêu cho xã hội loài người.
Thay mặt Ban Dịch thuật và Thực hiện
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn


BẢNG CHỮ VIẾT TẮT


a                       in articulo
AAS                 Acta Apostolicae Sedis (Văn kiện Tông Toà) từ năm 1909
trở đi.
ASS                  Acta Sanctae Sedis (Văn kiện Toà Thánh) từ năm 1865-
1908
C                      Corpore articuli
CĐ                   Công Đồng
Ch                    Chương
DS                    H. Denzinger-A.Schonmetzer. Enchiridion Symbolorum
definitionum et declarationum de rebus fidei et morum –
Sách chỉ nam các tín điều, tuyên ngôn về đức tin và luân
lý.
Ed                    Edita
Ibid.                 Ibidem (như trên)
I                       Prima Pars Summae Theologiae Bộ Tổng luận Thần học,
quyển I
I-II                    Prima Secundae Partis Summae Theologiae Bộ Tổng luận
Thần học, Phần I của quyển II
II-II                   Secunda Secundae Partis Summae Theologiae Bộ Tổng
luận Thần học, Phần II của quyển II
III                     Tertia Pars Summae Theologiae Bộ Tổng luận Thần học,
quyển III
PG                    Patrologia Graeca (Giáo phụ Hy Lạp) (J.P. Migne)
PL                    Patrologia Latina (Giáo phụ Latinh) (J.P. Migne)
q                       quaestio
r                        trang
tt                       tiếp theo
x.                      xem
1  x. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 1: AAS 93 (2001), 266

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét