a. Những khía cạnh chủ quan và khách quan của lao động
270. Lao động của con người có hai ý nghĩa: khách quan và chủ quan. Theo nghĩa khách quan, lao động là tổng hợp những hoạt động, những tài nguyên, những phương tiện và công nghệ mà con người dùng để sản xuất ra sự vật, để thi hành quyền thống trị của mình trên trái đất, nói theo sách Sáng Thế. Theo nghĩa chủ quan, lao động là hoạt động của con người trong tư cách là một hữu thể năng động có khả năng làm nhiều việc trong tiến trình lao động, phù hợp với ơn gọi riêng của mình: “Con người phải khuất phục trái đất và thống trị nó, vì trong tư cách là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’, con người là một ngôi vị, nghĩa là một chủ thể có khả năng hành động một cách có lý trí và có kế hoạch, có khả năng quyết định về bản thân mình và luôn tìm cách thực hiện bản thân mình. Vì thế, trong tư cách là một ngôi vị, con người là chủ thể của lao động”586.
Lao động theo nghĩa khách quan chính là khía cạnh hay thay đổi của hoạt động con người, vốn được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ theo sự thay đổi của những điều kiện công nghệ, văn hoá, xã hội và chính trị. Còn lao động theo nghĩa chủ quan là khía cạnh bền vững của lao động, vì nó không tuỳ thuộc cái người ta sản xuất ra hay loại hoạt động người ta đang tiến hành, mà chỉ lệ thuộc phẩm giá của những con người. Sự phân biệt này rất quan trọng, vừa giúp chúng ta hiểu giá trị và phẩm giá của lao động dựa trên nền tảng cuối cùng nào, vừa giúp chúng ta nhận thức những khó khăn khi tổ chức các hệ thống kinh tế và xã hội biết tôn trọng các quyền của con người.
271. Khía cạnh chủ quan của lao động này đã làm cho lao động có được một phẩm giá đặc biệt, khiến chúng ta không được phép coi lao động chỉ là một hàng hoá không hơn không kém hay chỉ là một yếu tố phi ngôi vị trong guồng máy sản xuất. Tách biệt khỏi giá trị khách quan nhiều hay ít của lao động, lao động vẫn là một sự biểu hiện căn bản của một con người, nó chính là một “hành vi của con người” (actus personae). Bất cứ chủ nghĩa duy vật hay lập trường kinh tế nào đòi giản lược người lao động thành một dụng cụ sản xuất, một lực lượng lao độngkhông hơn không kém, chỉ có giá trị vật chất mà thôi, chắc chắn sẽ đi tới chỗ bóp méo bản chất của lao động và làm lao động mất đi cứu cánh nhân bản then chốt và cao cả nhất của nó. Con người mới chính là thước đo phẩm giá của lao động: “Thật vậy, chắc chắn lao động con người có giá trị đạo đức riêng của nó, và giá trị này rõ ràng và trực tiếp có được là do người thi hành lao động ấy là một ngôi vị”587.
Thế nên, phải đặt khía cạnh chủ quan ưu tiên hơn khía cạnh khách quan của lao động, vì đó là khía cạnh của chính con người đang tham gia lao động, con người đang quyết định phẩm chất và giá trị cuối cùng của lao động. Nếu không nhận thức điều này hay nếu quyết định không nhìn nhận sự thật này, lao động con người sẽ mất hết ý nghĩa chân thật và sâu xa nhất của nó. Đó là những trường hợp – rất tiếc lại là những trường hợp rất phổ biến và rất thường gặp – người ta coi việc lao động và công nghệ lao động quan trọng hơn chính con người, đồng thời biến chúng thành kẻ thù đối với phẩm giá con người.
272. Lao động không chỉ phát xuất từ con người, mà còn chủ yếu hướng tới con người, lấy con người làm mục tiêu cuối cùng của mình. Dù nội dung khách quan của lao động có thế nào, lao động cũng phải hướng tới chủ thể thực hiện lao động, vì mục tiêu của lao động, bất kể là lao động gì, cũng luôn luôn là con người. Dù không thể không biết những yếu tố khách quan làm nên lao động có liên quan đến phẩm chất của lao động, nhưng những yếu tố khách quan ấy phải lệ thuộc vào việc con người thực hiện chính bản thân mình, tức là tuỳ thuộc khía cạnh chủ quan của lao động, nhờ đó chúng ta có thể khẳng định lao động là để cho con người, chứ không phải con người để cho lao động. “Con người luôn luôn là mục tiêu của lao động, bất kể đó là lao động nào do con người thực hiện – dù theo bậc thang giá trị phổ thông, có thứ lao động gần với nghĩa “nô dịch” nhất, có thứ lao động vô cùng tẻ nhạt, và cả thứ lao động làm tha hoá con người”588.
273. Lao động của con người cũng có một chiều hướng xã hội nội tại. Thật vậy, việc làm của một người, một cách tự nhiên, có liên quan với việc làm của những người khác. Ngày nay, “hơn bao giờ hết, lao động là lao động với người khác và cho người khác. Lao động là làm một điều gì đó cho một người nào đó”589. Những thành quả của lao động tạo cho chúng ta những cơ hội để trao đổi, đối thoại và gặp gỡ. Bởi đó, không thể đánh giá lao động thích đáng nếu không xét tới bản chất xã hội của lao động: “Nỗ lực sản xuất của con người không thể có được thành quả trừ phi có một tập thể xã hội và hữu cơ đích thực tồn tại, trừ phi có một trật tự pháp lý và xã hội giám sát việc lao động, trừ phi các công ăn việc làm khác nhau dù độc lập với nhau nhưng biết cộng tác và bổ sung cho nhau, và quan trọng hơn nữa, trừ phi trí khôn, các phương tiện vật chất và lao động kết hợp với nhau để làm thành một đơn vị duy nhất. Do đó, nơi nào coi thường bản chất xã hội và cá nhân của lao động, nơi đó người ta không thể đánh giá lao động cách đúng đắn và trả lương theo đúng công bằng”590.
274. Lao động cũng là “một bổn phận, nghĩa là một nghĩa vụ về phía con người”591. Con người phải lao động, vừa vì Đấng Tạo Hoá đã yêu cầu như thế, vừa để đáp ứng nhu cầu muốn duy trì và phát triển nhân tính của mình. Người ta thường giới thiệu lao động như một bổn phận luân lý để tôn trọng người chung quanh, trong đó trước hết là gia đình, nhưng cũng phải tôn trọng xã hội mà chúng ta thuộc về, quốc gia mà chúng ta là con cháu, toàn thể gia đình nhân loại mà chúng ta là một thành viên. Chúng ta là những người thừa kế sự nghiệp lao động của các thế hệ đi trước, đồng thời cũng là người tạo hình cho tương lai của mọi người sống sau chúng ta.
275. Lao động củng cố bản sắc sâu xa của con người, đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa: “Qua lao động, con người càng ngày càng trở thành người làm chủ trái đất, và cũng thông qua lao động, con người xác nhận quyền thống trị của mình trên thế giới hữu hình, nhưng trong bất cứ trường hợp nào và trong bất cứ giai đoạn nào của tiến trình lao động, con người vẫn luôn nằm trong kế hoạch ban đầu của Đấng Tạo Hoá. Kế hoạch này vẫn liên kết một cách tất yếu và không thể tháo cởi được với sự kiện: con người đã được dựng nên ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’”592. Đây chính là chân lý giúp chúng ta hiểu hoạt động của con người trong vũ trụ: con người không phải là chủ nhân vũ trụ, mà chỉ là những người được giao trông coi vũ trụ, những người được mời gọi phản ánh, trong chính cung cách lao động của mình, hình ảnh của Đấng mà họ được tạo dựng nên giống như Người.
b. Quan hệ giữa lao động và tư bản
276. Vì có tính chủ quan hay tính ngôi vị nên lao động phải được đặt cao hơn so với mọi yếu tố khác liên quan đến việc sản xuất; nguyên tắc này được áp dụng đặc biệt cho mối quan hệ giữa lao động và tư bản. Hiện nay, thuật ngữ “tư bản” có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Đôi khi nó ám chỉ các phương tiện vật chất để sản xuất trong một xí nghiệp nhất định nào đó, có khi nó có nghĩa là nguồn tài chính dùng để sản xuất hay dùng vào các dịch vụ của thị trường chứng khoán. Người ta cũng có thể gọi nguồn nhân lực là “tư bản con người”, tức là bản thân những người đang dùng khả năng của mình để tham gia lao động, tận dụng kiến thức và óc sáng tạo của mình, nắm bắt các nhu cầu của đồng nghiệp và hiểu biết các thành phần khác trong tổ chức. Còn thuật ngữ “tư bản xã hội” ám chỉ khả năng của một tập thể biết làm việc với nhau, cũng là kết quả của những sự đầu tư vào một tập đoàn tín dụng có sự ràng buộc giữa các thành viên với nhau. Sự đa dạng về ý nghĩa này cung cấp cho ta nhiều chất liệu hơn để suy nghĩ về mối tương quan giữa lao động và tư bản ngày nay.
277. Học thuyết xã hội của Giáo Hội không ngừng nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa lao động và tư bản, bằng cách vừa cho thấy sự vượt trội của lao động đối với tư bản vừa cho thấy sự bổ túc giữa hai bên.
Lao động tự nó đã vượt trội hơn tư bản. “Nguyên tắc này có liên quan trực tiếp tới quá trình sản xuất: trong quá trình ấy, lao động luôn luôn là nguyên nhân tác thành số một, còn tư bản – tức là toàn bộ các phương tiện sản xuất – vẫn chỉ là dụng cụ hay nguyên nhân dụng cụ. Nguyên tắc này là một sự thật rất hiển nhiên, xuất phát từ toàn bộ kinh nghiệm trong lịch sử của con người”593. Đây cũng là “một phần trong di sản muôn thuở của giáo huấn Giáo Hội”594.
Giữa lao động và tư bản phải có mối quan hệ bổ sung cho nhau: căn cứ vào logic nằm ngay trong quá trình sản xuất, chúng ta thấy rằng cả hai yếu tố trên phải thâm nhập vào nhau và ngày nay đang có nhu cầu khẩn cấp là tạo dựng những hệ thống kinh tế, trong đó không còn sự đối kháng giữa tư bản và lao động nữa595. Vào thời kỳ mà “tư bản” và “lao động làm thuê”, trong một hệ thống kinh tế ít phức tạp hơn, thường được đồng hoá không những với hai yếu tố sản xuất, mà còn với hai giai cấp xã hội cụ thể, Giáo Hội đã quả quyết cả hai tự bản chất đều chính đáng596: “Tư bản không thể tồn tại mà không có lao động, cũng như lao động không thể tồn tại mà không có tư bản”597. Sự thật này vẫn đúng khi áp dụng cho ngày nay, vì “thật sai lầm khi gán ghép những gì do sự cộng tác giữa hai bên tạo ra cho một mình tư bản hoặc cho một mình lao động; cũng thật là bất công nếu một bên giành lấy cho riêng mình những gì đã được làm ra, khi chối bỏ công lao của bên kia”598.
278. Khi xem xét mối quan hệ giữa lao động và tư bản, nhất là lưu ý tới những thay đổi đầy ấn tượng trong thời đại hôm nay, chúng ta phải tiếp tục khẳng định rằng “nguồn lực chính yếu” và “tác nhân mang tính quyết định”599 mà con người đang có trong tay là chính con người, và “sự phát triển toàn diện con người thông qua lao động chẳng những không cản trở mà còn đẩy mạnh sức sản xuất và hiệu quả của chính lao động nhiều hơn nữa”600. Thật vậy, càng ngày thế giới lao động càng khám phá giá trị “tư bản con người” đang được biểu lộ qua sự ý thức của người lao động, qua việc họ sẵn sàng tạo các mối quan hệ, qua sự sáng tạo, thái độ chăm chỉ thăng tiến bản thân mình, khả năng đối diện với các tình hình mới, khả năng làm việc chung với nhau và theo đuổi những mục tiêu chung. Đây đúng là những đức tính riêng thuộc về chính chủ thể lao động hơn là do yếu tố khách quan, kỹ thuật hay vận hành của lao động. Tất cả những điều ấy sẽ dẫn chúng ta tới một viễn cảnh mới trong mối quan hệ giữa lao động và tư bản. Chúng ta có thể khẳng định điều ấy, dù nó ngược với những gì đã xảy ra trong tổ chức lao động trước kia, trong đó chủ thể lao động rốt cuộc trở thành không quan trọng bằng nội dung lao động, không quan trọng bằng quá trình máy móc. Còn hiện nay, khía cạnh chủ quan của lao động đang có khuynh hướng ngày càng mang tính quyết định và ngày càng quan trọng hơn khía cạnh khách quan.
279. Quan hệ giữa lao động và tư bản thường xuất hiện với những nét đối kháng nhau, dù có thể hiện nay chúng mang những hình thức mới, phù hợp với sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế và xã hội. Trong quá khứ, nguồn gốc xung đột giữa lao động và tư bản thường xuất phát trước hết “do người lao động đặt tất cả năng lực của mình vào tay chủ, còn người chủ theo nguyên tắc lợi nhuận tối đa luôn tìm cách hạ lương xuống mức thấp nhất để trả cho việc lao động của người mình thuê mướn”601. Còn ngày nay, cuộc xung đột ấy đã mang những bộ mặt mới, có lẽ còn đáng lo ngại hơn: những tiến bộ về khoa học và công nghệ, việc toàn cầu hoá thị trường, tự chúng vốn là nguồn đem lại sự phát triển và tiến bộ, nhưng lại khiến người lao động có nguy cơ bị bóc lột do chính những cơ chế của nền kinh tế và do nỗi lo phải sản xuất tới mức tối đa602.
280. Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng khắc phục được sự lệ thuộc của lao động đối với vật chất tự nó có thể giúp ta khắc phục sự tha hoá tại nơi lao động hay sự tha hoá từ chính lao động. Ở đây chúng ta không chỉ muốn nói tới vô số người không có công ăn việc làm, làm việc lén lút, lạm dụng lao động trẻ em, lao động với đồng lương rẻ mạt, tình trạng bóc lột người lao động – tất cả những điều này hiện nay vẫn còn – mà chúng ta còn muốn nói tới nhiều hình thức bóc lột mới mẻ, tinh vi hơn để khai thác những nguồn lao động mới như lao động thái quá, lao động như một nghề nghiệp nhưng lại thường được coi trọng hơn những khía cạnh nhân bản và tất yếu khác, hoặc những yêu sách thái quá về lao động khiến đời sống gia đình trở nên bất ổn, thậm chí có khi không thể chịu đựng nổi, hay một cơ chế lao động quá chuẩn mực có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự nhận thức thống nhất của con người về cuộc sống riêng của mình và sự ổn định của các mối quan hệ trong gia đình. Nếu con người bị tha hoá do đã có sự đổi chỗ giữa mục tiêu và phương tiện, thì con người cũng có thể bị tha hoá phần nào trong những môi trường mới mẻ của lao động: khi lao động mang tính phi vật chất, nhẹ nhàng chứ không còn nặng nhọc, chú ý tới phẩm chất hơn số lượng, “hoặc do người lao động càng ngày càng dính dáng vào một cộng đồng hỗ trợ hoặc do càng ngày càng bị cô lập vào một mớ quan hệ phức tạp mà đặc điểm là cạnh tranh và chia rẽ tai hại”603.
c. Quyền tham gia quản lý lao động
281. Quan hệ giữa lao động và tư bản còn được biểu hiện qua việc người lao động tham gia vào việc làm chủ, quản lý và lợi nhuận. Đây là một đòi hỏi rất hay bị bỏ qua và nay cần phải được chú ý hơn. “Dựa trên lao động của mình, mỗi người đều có tư cách xem mình là sở hữu chủ phần nào xí nghiệp rộng lớn mà tại đó mình đang cùng làm việc với mọi người khác. Có một phương cách giúp chúng ta đạt được mục tiêu ấy là kết hợp lao động với việc làm chủ tư bản, càng nhiều càng tốt, và thành lập thật nhiều các đoàn thể trung gian theo đuổi những mục tiêu kinh tế, xã hội và văn hoá. Những đoàn thể này phải được hưởng quyền tự trị thật sự đối với chính quyền, để theo đuổi những mục tiêu riêng bằng cách chân thành cộng tác với nhau và luôn đặt mình phục vụ những đòi hỏi của công ích. Những đoàn thể ấy sẽ là những cộng đồng sinh động cả về hình thức bên ngoài lẫn nội dung bên trong, khi mỗi thành viên của đoàn thể được kính trọng và được đối xử như những ngôi vị thực sự, cũng như được khuyến khích tham gia tích cực vào sinh hoạt của đoàn thể”604. Những đường lối mới nhằm tổ chức lao động, theo đó có được sự hiểu biết thì đáng quý hơn là chỉ làm chủ các phương tiện sản xuất, là dấu hiệu cụ thể chứng tỏ rằng do chủ thể tính của mình, lao động đưa chúng ta tới chỗ phải nhìn nhận quyền tham gia quản lý lao động. Cần phải nhận thức rõ điều ấy để có thể đánh giá đúng đắn vị trí của lao động trong quá trình sản xuất và để tìm ra những cách thế tham gia cho phù hợp với chủ thể tính của lao động, trong những hoàn cảnh và tình huống cụ thể khác nhau605.
d. Quan hệ giữa lao động và tư hữu
282. Huấn quyền về xã hội của Giáo Hội coi định chế tư hữu, quyền có tư hữu và quyền sử dụng tư hữu cũng là một cách biểu hiện mối tương quan giữa lao động và tư bản. Nhưng quyền tư hữu phải lệ thuộc nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải, không được biến thành lý do để cản trở lao động của người khác và sự phát triển của người khác. Tài sản, đạt được trước hết nhờ lao động, phải được dùng để phục vụ việc lao động. Điều này đặc biệt đúng đối với việc sở hữu các phương tiện sản xuất, nhưng nguyên tắc này cũng áp dụng cho các tài sản thuộc thế giới tài chính, công nghệ, tri thức và nhân sự.
Các phương tiện sản xuất “không thể được sở hữu để chống lại lao động, cũng không thể được sở hữu chỉ để sở hữu”606. Việc sở hữu các phương tiện sản xuất trở thành bất chính khi tài sản ấy “không được sử dụng hay được sử dụng để cản trở việc lao động của người khác, tìm cách kiếm lời mà không phải nhờ mở rộng lao động và làm giàu cho xã hội, mà chỉ nhờ hạn chế sử dụng chúng hay nhờ khai thác cách bất hợp pháp, nhờ đầu cơ hay phá vỡ tình liên đới giữa những người lao động”607.
283. Phải hướng tư hữu và công hữu, cũng như các cơ chế của hệ thống kinh tế tới một nền kinh tế phục vụ nhân loại, để chúng góp phần thực hiện nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải. Đặt trong viễn tượng ấy, chúng ta mới thấy việc làm chủ và sử dụng các công nghệ mới và tri thức mới – ngày nay cũng được coi là một hình thức tư hữu không kém phần quan trọng so với việc làm chủ đất đai hay vốn liếng608, thật là quan trọng. Những tài nguyên này – cũng như mọi của cải khác – cũng có mục tiêu phổ quát; chúng cũng phải được đặt trong một khuôn khổ là những chuẩn mực hợp pháp và những quy tắc xã hội để bảo đảm cho chúng được sử dụng phù hợp với các tiêu chuẩn công lý, công bằng và tôn trọng nhân quyền. Nhờ có tiềm năng vô cùng rộng lớn, các phát minh và các công nghệ mới mẻ có thể góp phần quyết định cho sự tiến bộ xã hội; nhưng nếu chúng chỉ tập trung mãi trong tay các nước giàu hơn hay một số ít tập đoàn thế lực, chúng có thể trở thành nguồn tạo ra tình trạng thất nghiệp và làm gia tăng khoảng cách giữa các khu vực đã phát triển và chưa phát triển.
e. Nghỉ ngơi
284. Nghỉ ngơi không lao động là một quyền lợi609. Như Thiên Chúa “nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy khỏi mọi công việc mà Ngài đã làm” (St 2,2), con người, cả nam lẫn nữ, đã được tạo dựng theo hình ảnh Ngài cũng phải được nghỉ ngơi đầy đủ và được có thời gian rảnh rỗi để chăm lo cho gia đình, cho đời sống văn hoá, xã hội và tôn giáo của mình610. Việc thiết lập ngày của Chúa - Chúa Nhật - cũng góp phần vào mục tiêu ấy611. Vào các ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc khác, các tín hữu phải ngưng không “tham gia lao động hay các sinh hoạt có thể cản trở việc thờ phượng Chúa, cản trở niềm vui riêng của ngày Chúa Nhật, cản trở việc thi hành các việc bác ái, cũng như sự thư giãn phù hợp cho tinh thần và thể xác”612. Nhưng các nhu cầu của gia đình và những việc phục vụ rất cần cho xã hội sẽ là những lý do chính đáng cho phép chúng ta khỏi thi hành bổn phận nghỉ ngơi ngày Chủ Nhật. Dù sao, cũng đừng để những việc ấy biến thành thói quen có hại cho đời sống tôn giáo, gia đình và sức khoẻ.
285. Chủ Nhật là một ngày cần được thánh hoá bằng các việc bác ái, bằng cách dành thời giờ cho gia đình và bà con họ hàng, cũng như cho các bệnh nhân, người tàn tật và người cao tuổi. Người ta không được quên “các anh em cũng đang có những nhu cầu và những quyền lợi như mình, lại không thể nghỉ ngơi được vì quá nghèo nàn và túng thiếu”613. Ngoài ra, Chủ Nhật còn là thời gian thích hợp để suy nghĩ, yên tĩnh, học hỏi và suy niệm, giúp tăng trưởng đời sống nội tâm của người Kitô hữu. Các tín hữu cũng cần biểu lộ sự khác biệt của mình trong ngày ấy bằng thái độ chừng mực, tránh những gì thái quá và chắc chắn phải tránh những gì là bạo lực mà các cuộc vui tập thể đôi khi dẫn tới614. Các tín hữu nên luôn sống ngày của Chúa như một ngày mừng sự giải thoát để có thể tham dự vào “cuộc hội họp và đại hội tưng bừng của những con cái đầu lòng đã được ghi tên trên thiên đường” (x. Dt 12,22-23), nhờ đó, họ tham dự trước cuộc cử hành Vượt Qua sau cùng trong thiên đường vinh quang615.
286. Chính quyền có nghĩa vụ phải bảo đảm cho các công dân của mình không bị mất thời gian nghỉ ngơi và sự thờ phượng Thiên Chúa chỉ vì những lý do sản xuất kinh tế. Các chủ nhân cũng có bổn phận tương tự đối với các công nhân của mình616. Vì sự tự do tôn giáo và vì ích chung của mọi người, các Kitô hữu cần tìm cách làm cho ngày Chủ Nhật và các ngày lễ lớn của Giáo Hội được công nhận như những ngày nghỉ hợp pháp. “Họ phải cho mọi người thấy một mẫu gương công khai về cầu nguyện, tôn trọng và vui tươi của mình, và phải tìm cách bảo vệ các truyền thống của mình như một cách đóng góp quý giá vào đời sống tâm linh của xã hội”617. “Mỗi Kitô hữu cần tránh đưa ra những yêu sách không cần thiết trên người khác, khiến người khác không thể tuân giữ Ngày của Chúa”618.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
586 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 6: AAS 73 (1981), 589-590.
587 Ibid., 6: AAS 73 (1981), 590.
588 Ibid.,6:AAS 73 (1981), 592; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2428.
589 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 31: AAS 83 (1991), 832.
590 Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 200.
591 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 16: AAS 73 (1981), 619.
592 Ibid. 4: AAS 73 (1981), 586.
593 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 12: AAS 73 (1981), 606.
594 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 12: AAS 73 (1981), 608.
595 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 13: AAS 73 (1981), 608-612.
596 x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 194-198.
597 Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 111 (1892), 109.
598 Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 195.
599 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 32: AAS 83 (1991), 833.
600 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 43: AAS 83 (1991), 847.
601 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 11: AAS 73 (1981), 604.
602 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện các Khoa học Xã hội (06-03-
1999), 2: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 17-03-1999, tr. 3.
603 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844.
604 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14: AAS 73 (1981), 616.
605 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 9: AAS 58 (1966), 1031-1032.
606 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14: AAS 73 (1981), 613.
607 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 43: AAS 83 (1991), 847.
608 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 32: AAS 83 (1991), 832-833.
609 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629;
Thông điệp Centesimus Annus, 9: AAS 83 (1991), 804.
610 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 67: AAS 58 (1966), 1088-1089.
611 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2184.
612 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2185.
613 Ibid. 2186.
614 x. Ibid. 2187.
615 x. Gioan Phaolô II, Tông thư Dies Domini, 26: AAS 90 (1998), 729: “Khi cử hành
ngày Chúa Nhật, vừa là ngày ‘thứ nhất’ vừa là ngày ‘thứ tám’, người Kitô hữu được
dẫn tới mục tiêu của mình là sự sống đời đời”.
616 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892),110.
617 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2188.
618 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2187.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét