Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Khái niệm


Mục 5. NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA GHXH

       Như đã nói trên, trong GHXH người ta phân biệt ba cấp độ: nguyên tắc suy tư, tiêu chuẩn phán đoán, kế hoạch hành động. Trên thực tế, sự phân biệt giữa “nguyên tắc” và “tiêu chuẩn” không được rõ ràng. Người ta giả thiết rằng phần tổng quát trình bày các nguyên tắc, còn các tiêu chuẩn sẽ được đề cập ở phần chuyên biệt.
       Trước tiên, chúng tôi xin trình bày vài khái niệm về những nguyên tắc, sau đó chúng ta sẽ nghiên cứu các nguyên tắc dựa theo sách TLHT.
I. Khái niệm
       Nguyên tắc có thể hiểu như là những quy tắc phải tuân giữ khi hành động, và cũng thế hiểu như những nguyên lý từ đó rút ra những hệ luận khác.
       Các nguyên tắc của GHXH được thành hình theo một tiến trình từ những quy tắc tắc đơn giản của luân lý đến những phát biểu chi tiết khi đối diện với những chủ trương triết lý vào thời hiện đại.
       A. Những nguyên tắc đơn giản
       Trong những nguyên tắc đơn giản của luân lý, chúng ta có thể kể ra “luật vàng” của yêu thương, luật công bình.
            1/ Bác ái - thương người
       Khi bàn về tương quan xã hội, người xưa đã phát biểu vài nguyên tắc cư xử sơ đẳng nhất, tựa như: “Bạn đừng làm cho người khác điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Tân ước tìm cách diễn đạt cách tích cực hơn: “Bạn hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn người khác làm cho mình” (Mt 7,12)[1].
       Hơn thế nữa, Tân ước còn muốn chúng ta cải thiện và nâng cao cách đối xử với tha nhân bằng cách ngắm nhìn tiêu chuẩn nơi Thiên Chúa là Cha nhân lành: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 6,44-45).
       Thực ra nguyên tắc vừa rồi tuy đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Nó đòi hỏi một cái nhìn “siêu nhiên”. Vì thế, luân lý tìm cách phát biểu một đường hướng cư xử khả thi, đó là đức công bằng, “của ai thì trả lại cho người ấy”.
            2/ Nhân đức công bằng
       Luân lý cổ truyền phân biệt hai dạng thức công bằng: giao hoán và phân phối.
            a) “Công bằng giao hoán” (iustitia commutativa) quy định những tương quan giữa cá nhân với nhau: tôi nợ ông A một ngàn đồng thì tôi phải trả cho ông một ngàn đồng. Món nợ này bắt nguồn từ những lý do khác nhau: có thể là tôi đi vay tiền của ông A, có thể là tôi thuê ông A làm cho tôi một công việc, có thể là tôi đã ăn trộm của ông. Dù lý do có thế nào đi nữa, nếu tôi nợ ông một ngàn thì phải trả một ngàn, không hơn không kém.
            b) “Công bằng phân phối” (iustitia distributiva) quy định bổn phận của nhà lãnh đạo cộng đồng đối với các phần tử: người lãnh đạo cộng đồng có nghĩa vụ phải phân phối các quyền lợi và bổn phận  tuỳ theo nhu cầu và khả năng của mỗi người. Chúng ta có thể lấy thí dụ từ trong gia đình: cha mẹ phải yêu thương tất cả các con như nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa may cho tất cả một bộ đồ với một kích thước như nhau cho các đứa con, bất kể chiều cao thấp, gầy béo, phái tính. Một cách tương tự như vậy, khi phân chia công tác, cha mẹ không thể nào bắt tất cả phải làm một công việc như nhau, bất chấp điều kiện sức lực của các con. Từ gia đình, ta có thể suy ra tương quan trong làng xã, tỉnh huyện, lên đến những thực thể cao hơn nữa là cộng đồng quốc gia và quốc tế: thực không dễ gì thực hành công bằng khi phân phối các quyền lợi và nghĩa vụ!
            c) Ngoài hai hình thức cổ điển, vào thời cận đại, thần học còn thêm hình thức thứ ba đó là “công bằng pháp lý” (iustitia legalis), nói đến bổn phận của phần tử phải đóng góp vào công ích. Nó bổ túc cho “công bằng phân phối”, theo nghĩa là công bằng phân phối thì nói đến nghĩa vụ của cộng đồng đối với phần tử, còn công bằng pháp lý nói đến nghĩa vụ của phần tử đối với cộng đồng. Trong bối cảnh này mà vài tác giả chế ra hạn từ “công bằng xã hội” (iustitia socialis) chi phối tương quan giữa xã hội với cá nhân, đối lại với “công bằng giao hoán” chi phối tương quan giữa các cá nhân với nhau[2].
       3/ Công bằng và bác ái
       Trên nguyên tắc, sự khác biệt giữa công bằng và bác ái xem ra khá rõ rệt: công bằng nói lên một nghĩa vụ (buộc phải làm), còn bác ái nói lên sự hảo tâm, chứ không bắt buộc: tôi đi thuê một người làm công thì tôi phải trả lương theo lẽ công bằng; tôi gặp một người nghèo và bố thí cho họ là điều bác ái (không ai bắt buộc tôi được).
       Thực tế không đơn giản như vậy. Chúng ta đã trưng một thí dụ về công bằng phân phối trong một gia đình: làm thế nào tránh được thiên vị khi phân phối những quyền lợi và nghĩa vụ? Tuy nhiên tương quan giữa các phần tử trong gia đình không thể chỉ dựa trên những quy tắc công bằng mà thôi, còn cần đến tình yêu nữa chứ! Ta có thể nói cách thức tương tự trong tương quan giữa chủ với thợ. Ông chủ có nghĩa vụ phải trả lương cho thợ theo như đã thoả thuận trong hợp đồng. Nhưng thế nào là hợp đồng công bằng? Tôi có thể hợp đồng trả lương bèo cho một người thợ bởi vì anh ta thất nghiệp và cần chút tiền để sống qua ngày? Hay là tôi phải căn cứ trên khả năng của anh, sự đóng góp của anh vào xưởng làm, cũng như các nhu cầu về sức khoẻ, gia đình của anh?
       Vì thế, không lạ gì mà từ những nguyên tắc đơn giản,  HTXH đã phát biểu những nguyên tắc chuyên môn hơn để ứng phó với những tình hình phức tạp của xã hội.
       B. Những nguyên tắc chuyên môn
       1/ Lịch sử
       Vào thời cận đại, trong triết học Tây phương, người ta đã đề xướng nhiều lý thuyết liên quan đến tương quan giữa cá nhân và xã hội, dần dần đưa đến hai chủ nghĩa đối lập: cá nhân và xã hội, mỗi bên đề cao một khía cạnh. Chủ nghĩa cá nhân đề cao tự do của cá nhân; chủ nghĩa xã hội đề cao vai trò của tập thể. Mỗi bên cố gắng biện minh cho lý thuyết của mình dựa trên lịch sử, bằng cách trở về với nguồn gốc của loài người:
       - Phe tự do cho rằng vào lúc khởi thuỷ, con người sống độc lập riêng rẽ; nhưng vì nhu cầu sinh tồn, con người đồng ý sống chung với nhau, qua một hợp đồng xã hội (contrat social). Cá nhân chuyển nhượng cho xã hội một vài quyền lợi của mình, nhưng vẫn duy trì một vài quyền lợi bất khả nhượng. Xã hội phải tôn trọng những quyền lợi cơ hữu ấy (cũng được đặt trên là “những quyền tự do cá nhân”).
       - Phe xã hội cho rằng giống như các động vật khác, con người sinh ra trong bầy đàn, chứ không có chuyện hiện hữu tự lập. Xã hội (bầy đàn, tập thể) hiện hữu trước cá nhân. Cá nhân hoàn toàn lệ thuộc vào tập thể.
       Cả hai lập trường đều dựa trên những giả thuyết về nguồn gốc loài người thời sơ thuỷ. Một bên giả thiết rằng cá nhân xuất hiện trước xã hội; một bên giả thiết rằng xã hội xuất hiện trước cá nhân. Thật khó khẳng định ai đúng ai sai, cũng tựa như câu hỏi: cái trứng có trước con gà, hay con gà có trước cái trứng?
       Hơn thế nữa, cuộc tranh luận này lại còn bao hàm nhiều quan niệm triết học về nhân sinh: phải chăng con người chỉ có những tương quan với xã hội mà thôi, hay còn tương quan với Đấng siêu việt nữa? Phải hiểu thế nào về “tương quan xã hội”: một đôi vợ chồng đã đủ để họp nên xã hội hay  chưa, hay xã hội chỉ áp dụng cho bộ lạc, quốc gia?
       2/ Triết học Kitô học bàn đến các “tương quan” của con người dưới nhiều chiều kích:
       - một đàng là những tương quan hướng đến Đấng Tuyệt đối hoặc với các giá trị siêu việt của tinh thần; đàng khác là những tương quan hướng đến người đồng loại;
       - những tương quan hướng đến người đồng loại mang nhiều cấp độ: từ những tương quan giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái (mở rộng đến ông bà tổ tiên với con cái cháu chắt); cho đến những tương quan trong làng xóm, bộ lạc, tỉnh thành, quốc gia, quốc tế.
       Những nguyên tắc căn bản của GHXH muốn thiết lập sự quân bình giữa các tương quan ấy:
       - Con người mang bản tính xã hội, chứ không thể sống cô độc trên hoang đảo.
       - Đàng khác, xã hội cũng cần nhìn nhận giới hạn của mình: xã hội không phải là Thượng đế! Xã hội cần tôn trọng chiều kích siêu việt của con người.
       - Ngoài ra, xét vì có nhiều cấp độ xã hội[3], cho nên cần có sự phối hợp hữu cơ giữa các cấp độ đó.
       Khi muốn phát biểu những yêu sách vừa kể nguyên tắc căn bản của GHXH, các tác giả đã đưa ra nhiều ý kiến: có người liệt kê ba nguyên tắc, có người liệt kê năm, hoặc bảy, hay hơn nữa. Tất cả đều được xây dựng trên một nền tảng chung, đó là “nhân học Kitô giáo”, nghĩa là một quan điểm về con người dưới nhãn quan Kitô giáo, mang nhiều mối tương quan: con người gồm bởi tinh thần và thể chất, con người mang chiều kích siêu việt nhưng sinh sống và hoạt động trong lịch sử; con người có ơn gọi vươn lên cứu cánh tối hậu nhưng cần sự hỗ trợ của xã hội trần thế (TLHT số 126).


[1] Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Thương người như thể thương thân”.
[2] Xc. GLCG 1928; 2411. TLHT 201; 302.
[3] Người ta phân biệt nhiều cấp độ xã hội. Có thứ xã hội tự nhiên như là gia đình, quốc gia; có thứ xã hội tự nguyện: hiệp hội, nghiệp đoàn. Về phương diện chính trị, người ta phân biệt “cộng đồng dân sự” và “Nhà Nước”. Quan niệm “Nhà Nước” cũng thay đổi tuỳ nơi, tuỳ thời: có lúc đồng hóa với quốc gia, dân tộc, có lúc thì khác với quốc gia. Rồi trong một nước liên bang như Hoa kỳ, thì quan niệm về Nhà Nước cũng khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét