Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

VI. SỰ LIÊN ĐỚI GIỮA NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG (Chương VI)


a. Tầm quan trọng của các nghiệp đoàn  
305Huấn Quyền nhìn nhận vai trò căn bản của các nghiệp đoàn lao động; sự hiện hữu của chúng có liên hệ với quyền lập các hiệp hội hay công đoàn để bảo vệ các lợi ích sinh tử của người lao động trong các ngành nghề khác nhau. Các nghiệp đoàn “phát triển từ sự đấu tranh của những người lao động – những người lao động nói chung và cách riêng là những người lao động trong công nghiệp – để bảo vệ những quyền lợi đúng đắn của mình đối chọi với các nhà quản lý và các nhà sở hữu các phương tiện sản xuất”667. Khi theo đuổi mục tiêu riêng của mình có liên quan tới công ích, các tổ chức ấy đúng là một nguồn ảnh hưởng tích cực trên trật tự xã hội và sự liên đới xã hội, và vì thế, chúng là một yếu tố cần thiết trong đời sống xã hội. Nhìn nhận các quyền lợi của người lao động luôn là một vấn đề nan giải, vì sự nhìn nhận ấy đang diễn ra trong tiến trình lịch sử và cơ chế rất phức tạp, và cho tới bây giờ vẫn chưa được đầy đủ. Điều này càng làm cho việc thể hiện tình liên đới đích thực giữa các người lao động trở nên thích đáng và cần thiết hơn bao giờ hết. 
306Theo học thuyết xã hội của Giáo Hội, mọi quan hệ trong thế giới lao động phải mang đặc tính cộng tác: thù ghét và tìm cách khai trừ người khác là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Điều này cũng đúng khi trong bất cứ hệ thống xã hội nào, “lao động” và “tư bản” cũng là những nhân tố cần thiết trong tiến trình sản xuất. Hiểu như thế nên học thuyết xã hội của Giáo Hội “không cho rằng các nghiệp đoàn chẳng qua chỉ là phản ánh cơ cấu “giai cấp” trong xã hội và chúng chỉ là phát ngôn viên cho một cuộc đấu tranh giai cấp không thể tránh khỏi đang điều khiển đời sống xã hội”668Nói cho đúng, các nghiệp đoàn chính là những tác nhân đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho công lý xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động trong ngành nghề riêng của họ: “Cần phải coi sự đấu tranh này như một nỗ lực bình thường ‘để giành lấy’ điều tốt chính đáng… chứ không phải là sự đấu tranh nhằm ‘chống lại’ người khác”669. Vì vốn là những công cụ xây dựng tình liên đới và công lý, các nghiệp đoàn không được phép lạm dụng các phương thế tranh đấu. Vì mục tiêu mà các nghiệp đoàn được mời gọi thực hiện, các nghiệp đoàn phải khắc phục cám dỗ cho rằng người lao động nào cũng phải là đoàn viên nghiệp đoàn, các nghiệp đoàn phải có khả năng tự điều hoà mình và có khả năng đánh giá các hậu quả mà các quyết định của mình có thể gây ra đối với công ích670.
307Ngoài chức năng bênh vực và minh chứng, các nghiệp đoàn còn có nghĩa vụ làm đại biểu phục vụ cho việc “sắp xếp đời sống kinh tế cho phù hợp” và giáo dục lương tâm xã hội của người lao động, để họ cảm thấy mình đang đóng một vai trò tích cực theo khả năng và năng khiếu của mình, trong toàn bộ công cuộc phát triển kinh tế và xã hội, cũng như trong việc mưu cầu ích lợi chung cho mọi người671. Các nghiệp đoàn và các hình thức hiệp hội lao động khác phải cộng tác với các thực thể xã hội khác và phải quan tâm tới việc xử lý các vấn đề chung. Các tổ chức nghiệp đoàn có nhiệm vụ tạo ảnh hưởng trong đấu trường chính trị, làm cho mọi người nhạy cảm đúng mức trước các vấn đề lao động và giúp mọi người làm việc sao cho các quyền của người lao động được tôn trọng. Tuy nhiên, nghiệp đoàn không mang tính chất của các “đảng phái chính trị” tranh giành quyền lực; cũng không nên ép buộc các nghiệp đoàn phải tuân theo các quyết định của các đảng phái chính trị hay liên kết quá chặt chẽ với các đảng phái chính trị. “Nếu rơi vào tình cảnh ấy, các nghiệp đoàn sẽ dễ dàng đánh mất vai trò riêng biệt của mình, là bảo đảm cho có các quyền chính đáng của người lao động trong khuôn khổ công ích của toàn xã hội; bằng không chúng sẽ trở thành công cụ phục vụ các mục tiêu khác672.
b. Những hình thức liên đới mới mẻ
308Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện đại, có đặc điểm là được toàn cầu hoá về mặt tài chính và kinh tế ngày càng nhanh, các nghiệp đoàn được thôi thúc phải đổi mới. Hiện nay, các nghiệp đoàn đang được kêu gọi hãy hoạt động một cách mới mẻ673, mở rộng tầm hoạt động liên đới của mình để không chỉ bảo vệ các hạng người lao động truyền thống, mà cả những người làm việc theo những hợp đồng không đúng tiêu chuẩn hay chỉ có giá trị một thời gian, những người lao động luôn bị đe doạ thất nghiệp do việc sáp nhập kinh doanh ngày càng nhiều, kể cả ở cấp quốc tế; những người không có việc làm, những người nhập cư, những người lao động thời vụ và những người vì chưa được cập nhật về mặt chuyên môn đã bị đào thải khỏi thị trường lao động và không thể nào được nhận lại nếu không được tái đào tạo một cách thích hợp.
Trước những thay đổi đang diễn ra trong thế giới lao động, tình liên đới có thể được khôi phục lại, và có lẽ có được nền tảng vững chắc hơn so với quá khứnếu biết cố gắng khám phá lại giá trị chủ quan của lao động: “phải tiếp tục tìm hiểu chủ thể lao động và những điều kiện sống của chủ thể”. Chính vì lý do này mà “hiện nay đang cần có những phong trào liên đới mới mẻ của người lao động và với người lao động”674.
309Khi theo đuổi “những hình thức liên đới mới mẻ” ấy675, các hiệp hội công nhân cần phải tập trung mọi nỗ lực vào việc lãnh nhận các trách nhiệm lớn lao hơn, không chỉ đối với các cơ chế truyền thống về việc tái phân phối, mà còn trong việc sản xuất ra của cải, và tạo ra các điều kiện xã hội, chính trị và văn hoá, cho phép bất cứ ai có khả năng lao động và muốn lao động đều có thể thực hiện quyền lao động mà vẫn bảo đảm nguyên vẹn phẩm giá của mình. Tình trạng ngày càng mất dần những mô hình tổ chức dựa trên các người lao động ăn lương tại các công ty lớn cho thấy thật thích hợp khi cập nhật lại các chuẩn mực và hệ thống an ninh xã hội, mà xưa nay vẫn giúp bảo vệ các người lao động và bảo đảm các quyền căn bản của họ.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
667  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 20: AAS 73 (1981), 629.
668  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 20: AAS 73 (1981), 630.
669  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 20: AAS 73 (1981), 630.
670  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2430.
671  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 68: AAS 58 (1966), 1090.
672  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 20: AAS 73 (1981), 631.
673 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Hội nghị Quốc tế các Đại biểu Công đoàn (02-12-
   1996), 4: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-12-1996, tr. 8.
674  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 8: AAS 73 (1981), 597.
675  Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi các người tham dự Hội nghị Quốc tế về Lao động
   (14-09-2001), 4: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 17-10-2001, tr. 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét