393. Giáo Hội luôn xem xét những cách khác nhau để hiểu quyền hành, đồng thời cố gắng đưa ra và bênh vực một mô hình quyền hành dựa trên bản tính xã hội của con người. “Vì Thiên Chúa tạo dựng con người có tính xã hội từ bản chất và vì không có xã hội nào có thể đứng vững nếu không có một ai đó ở trên mọi người, hướng dẫn mọi người ra sức xây dựng công ích, nên cộng đồng văn minh nào cũng phải có một quyền hành lãnh đạo; quyền hành này, không thua kém gì chính xã hội, bắt nguồn từ trong bản tính, và do đó, có Chúa là tác giả”799. Chính vì thế, quyền hành chính trị rất cần thiết800 vì những trọng trách được giao cho quyền hành ấy. Quyền hành chính trị vốn là và phải là một nhân tố tích cực tới mức không thể thay thế được làm nên đời sống dân sự801.
394. Quyền hành chính trị phải bảo đảm cho có được một đời sống cộng đồng trật tự và ngay thẳng, không tước đoạt sự hoạt động tự do của các cá nhân và tập thể, nhưng phải điều tiết và định hướng cho sự tự do ấy bằng cách tôn trọng và bảo vệ sự độc lập của các cá nhân và chủ thể xã hội hầu đạt được ích chung. Quyền hành chính trị là một công cụ để điều phối và điều khiển, nhờ đó nhiều cá nhân và đoàn thể trung gian sẽ tiến tới một trật tự, trong đó mọi mối quan hệ, mọi định chế và mọi tiến trình làm việc đều nhằm giúp con người phát triển toàn diện. Thật vậy, quyền hành chính trị, “bất kể trong cộng đồng hay trong các cơ quan đại diện Nhà Nước, đều phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và nhân danh công ích – đã được quan niệm một cách năng động – theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận. Khi thực hiện được như thế, các công dân bị buộc tự trong lương tâm phải tuân hành”802.
395. Chủ thể của quyền hành chính trị là chính nhân dân, được nhìn một cách tổng quát như những người đang nắm chủ quyền. Dưới hình thức này hay hình thức khác, nhân dân này chuyển việc thi hành chủ quyền đó cho những người được họ tự do lựa chọn làm đại biểu của mình, nhưng vẫn giữ đặc quyền là bày tỏ chủ quyền của mình mỗi khi đánh giá công việc của những người có trách nhiệm cai trị, đồng thời thay thế những người ấy nếu họ không thi hành vai trò của mình một cách thoả đáng. Dù đây là quyền đang được thi hành trong mọi quốc gia dưới mọi chế độ chính trị, nhưng quyền ấy sẽ được thi hành một cách bảo đảm và đầy đủ nhất bởi một chính phủ theo một hình thức dân chủ nào đó, nhờ vào các thủ tục kiểm tra của thể chế dân chủ này803. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên sự ưng thuận của nhân dân mà thôi thì chưa đủ để đánh giá các phương cách thực thi quyền hành chính trị là “công bằng”.
b. Quyền hành xét như một sức mạnh luân lý
396. Quyền hành phải được hướng dẫn bởi luật luân lý. Quyền hành có phẩm giá là do được thi hành trong khuôn khổ của trật tự luân lý804, “trật tự này lại lấy Thiên Chúa làm nguồn gốc đầu tiên và làm mục tiêu cuối cùng của mình”805. Vì tất yếu là phải quy chiếu về trật tự luân lý, như một trật tự vừa có trước vừa là nền tảng, và vì mục tiêu của quyền hành và vì nhân dân mà quyền hành này hướng tới, nên quyền hành không thể được hiểu là một sức mạnh chỉ được đánh giá theo những tiêu chuẩn mang tính xã hội hay lịch sử. “Thật vậy, có người đi xa tới mức chối bỏ sự có mặt của trật tự luân lý, vốn mang tính siêu việt, tuyệt đối, phổ quát và có sức ràng buộc đồng đều hết mọi người. Ở đâu cùng một luật của công lý mà không được mọi người tuân thủ, thì đừng hy vọng sẽ đạt được sự thoả thuận minh bạch và trọn vẹn về những vấn đề sinh tử”806. Trật tự luân lý “không thể có ở đâu khác ngoài Thiên Chúa; cắt đứt khỏi Thiên Chúa, trật tự này chắc chắn sẽ tan rã”807. Chính vì dựa vào trật tự luân lý ấy mà nhà cầm quyền mới có uy lực để đưa ra các bổn phận808, cũng như mới có được tính hợp pháp luân lý809, chứ không phải nhờ vào một ý muốn tuỳ tiện của ai đó hay từ lòng khao khát quyền lực810, và bổn phận của nhà cầm quyền là diễn dịch trật tự luân lý ấy thành những hành vi cụ thể để đem lại công ích811.
397. Chính quyền phải nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu. Đó là những giá trị bẩm sinh, “phát xuất từ chính sự thật của con người, phản ánh và bảo vệ phẩm giá con người; là những giá trị mà không cá nhân, tập thể hay Nhà Nước nào có thể tạo ra, sửa đổi hay huỷ bỏ”812. Các giá trị này không đặt nền tảng trên những quan điểm rất tạm bợ và hay thay đổi “của một đa số nào”, nhưng đơn giản là được nhìn nhận, tôn trọng và phát huy như các yếu tố làm nên trật tự luân lý khách quan, làm nên luật tự nhiên được khắc ghi trong tâm hồn con người (x. Rm 2,15) và được coi là điểm tham chiếu chuẩn mực cho các luật lệ dân sự813. Nếu như do sự mù tối đáng thương của lương tâm tập thể, chủ nghĩa hoài nghi đã gieo được vào lòng con người sự nghi ngờ về các nguyên tắc căn bản của trật tự luân lý814, thì cơ chế luật pháp của một quốc gia cũng sẽ bị lung lay tới tận nền móng, nếu nó bị giảm thiểu đến độ không còn gì khác ngoài một bộ máy có nhiệm vụ điều hoà các lợi ích khác nhau và đối kháng nhau815.
398. Chính quyền phải ban hành các luật công bằng, tức là những luật phù hợp với phẩm giá con người và phù hợp với những gì lý trí đúng đắn đòi hỏi. “Luật con người chỉ là luật bao lâu nó phù hợp với lý trí đúng đắn, và bởi đó, luật ấy được rút ra từ luật vĩnh cửu. Tuy nhiên, khi luật đi ngược lại lý trí, nó được xem là luật bất công; trong trường hợp ấy, nó không còn là luật mà thay vào đó, nó trở thành một hành vi bạo lực”816. Nhà cầm quyền nào cai trị theo lý trí sẽ đặt công dân vào một mối quan hệ, không phải là mối quan hệ mà người này lệ thuộc người kia nhưng đúng hơn là mối quan hệ mà mọi người tùng phục trật tự luân lý, và do đó, tùng phục Thiên Chúa – nguồn gốc tối hậu của trật tự luân lý817. Ai không chịu vâng phục những nhà cầm quyền biết cư xử phù hợp với trật tự luân lý là đã “chống lại những gì Thiên Chúa đã đặt định” (Rm 13,2)818. Tương tự như thế, hễ khi nào chính quyền – vốn có nền tảng nơi bản tính con người và thuộc về một trật tự do Thiên Chúa quy định trước819 – không chịu theo đuổi công ích, chính quyền ấy đã bỏ qua mục tiêu riêng của mình, và như thế đã vô tình biến mình thành bất hợp pháp.
c. Quyền phản đối theo lương tâm
399. Các công dân không bị buộc trong lương tâm phải theo những chỉ thị của chính quyền dân sự nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng820. Các luật bất công đặt ra những vấn đề lương tâm rất bi đát cho những người ngay thẳng về luân lý: khi được kêu gọi cộng tác vào những hành vi xấu về mặt luân lý, họ buộc phải từ chối821. Sự từ chối ấy chẳng những là một nghĩa vụ luân lý, mà còn là một quyền căn bản của con người, và vì thế, luật dân sự có bổn phận phải nhìn nhận và bảo vệ quyền ấy. “Những ai nại đến sự phản đối theo lương tâm cần được bảo vệ không những không phải chịu những hình phạt pháp định mà còn không phải gánh lấy những hậu quả tiêu cực trên bình diện pháp luật, kỷ cương, tài chính và nghề nghiệp”822.
Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm. Thật vậy, không bao giờ người ta có thể biện minh cho những sự cộng tác như thế, không phải bằng cách viện cớ phải tôn trọng tự do của người khác, cũng không phải bằng cách cho rằng điều ấy đã được luật dân sự dự kiến và yêu cầu. Không ai có thể tránh được trách nhiệm luân lý về những hành vi ấy, và Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người dựa trên trách nhiệm luân lý ấy (x. Rm 2,6; 14,12).
d. Quyền phản kháng
400. Nhìn nhận luật tự nhiên là nền tảng cho luật thiết định và đặt giới hạn cho luật thiết định, điều đó có nghĩa là chấp nhận rằng: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu của luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục. Thánh Tôma Aquinô viết rằng “người ta có bổn phận phải tùng phục quyền hành… bao lâu trật tự công lý đòi hỏi điều ấy”823. Bởi đó, luật tự nhiên là nền tảng cho phép con người có quyền phản kháng.
Quyền này có thể được thi hành bằng nhiều cách cụ thể khác nhau; cũng có nhiều mục tiêu khác nhau mà con người có thể theo đuổi. Phản kháng nhà cầm quyền tức là chứng nhận mình được phép có một cách nhìn khác về sự việc, bất kể nhằm chủ đích thay đổi phần nào, sửa chữa một vài luật hay tranh đấu để có sự thay đổi triệt để trong một tình huống nào đó.
401. Học thuyết xã hội của Giáo Hội có đưa ra những tiêu chuẩn để thi hành quyền phản kháng: “Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền là điều không chính đáng, trừ khi thoả mãn được các điều kiện sau đây: 1/ có sự xâm phạm các quyền căn bản của con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài; 2/ đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả; 3/ phản kháng như thế sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn; 4/ có hy vọng thành công với những lý do vững chắc; 5/ theo lý trí, không thể dự kiến một giải pháp nào hay hơn”824. Sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt “một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của đất nước”825. Những nguy hiểm trầm trọng mà việc sử dụng bạo lực có thể đưa tới đã khiến ngày nay người ta thích áp dụng biện pháp kháng cự thụ động hơn, vì đây là “một phương cách phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và cũng không phải là không có nhiều cơ may thành công”826.
e. Chế tài
402. Để bảo vệ công ích, chính quyền hợp pháp phải thi hành quyền và nghĩa vụ chế tài theo mức nghiêm trọng của tội ác gây ra827. Nhà Nước có hai trách nhiệm, một là làm thoái chínhững người có hành vi gây hại cho quyền con người và các chuẩn mực căn bản của đời sống dân sự, hai là sửa chữa sự xáo trộn do hành vi tội phạm gây ra, thông qua hệ thống hình phạt của mình. Trong một quốc gia được cai trị theo luật pháp, quyền áp dụng biện pháp chế tài được giao cho toà án: “Khi xác định các mối quan hệ riêng giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, Hiến pháp của các quốc gia hiện nay đều bảo đảm cho quyền tư pháp được độc lập trong lĩnh vực luật pháp”828.
403. Chế tài không chỉ nhằm mục đích bảo vệ trật tự chung và bảo đảm cho con người được an toàn; nó còn là một công cụ dùng để sửa chữa người lỗi phạm, một sự sửa chữa cũng mang giá trị luân lý là đền tội nếu người phạm tội tự nguyện chấp nhận hình phạt ấy829. Như thế, ở đây việc chế tài mang hai mục đích. Một đàng, khuyến khích việc đưa người bị kết án tái hội nhập vào xã hội. Đàng khác, cổ vũ cho một nền công lý mang tính hoà giải, một nền công lý có khả năng khôi phục lại sự hoà hợp trong các quan hệ xã hội đã bị hành vi tội ác phá vỡ.
Về điểm này, hoạt động mà các vị tuyên uý trại giam được mời gọi thi hành quả là quan trọng, không chỉ riêng trong khía cạnh tôn giáo mà còn trong việc bảo vệ phẩm giá người bị giam giữ. Đáng tiếc là hiện nay những điều kiện sống của các tù nhân phải thi hành án không phải lúc nào cũng giúp tôn trọng phẩm giá của họ; và thông thường, nhà tù lại trở thành nơi các tội ác mới diễn ra. Tuy nhiên, môi trường của các định chế trừng phạt các phạm nhân lại tạo nên một diễn đàn đặc biệt cho người Kitô hữu một lần nữa minh chứng sự quan tâm của mình tới các vấn đề xã hội: “Ta… bị bắt ngồi tù, các ngươi đã đến thăm Ta” (Mt 25,35-36).
404. Các cơ quan có bổn phận xác định trách nhiệm tội phạm – hoạt động này luôn luôn mang tính riêng tư – cần cố gắng tìm kiếm sự thật một cách kỹ lưỡng và tiến hành công việc với sự tôn trọng đầy đủ đối với phẩm giá và quyền lợi của người bị điều tra. Điều này có nghĩa là phải bảo đảm các quyền hạn của người phạm tội cũng như người vô tội. Phải luôn nhớ nguyên tắc pháp lý: không được bắt chịu hình phạt khi tội ác chưa được chứng minh.
Khi tiến hành điều tra, cần phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt quy luật: cấm sử dụng việc tra tấn, kể cả trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng: “Người môn đệ Đức Kitô từ chối sử dụng tra tấn dưới bất cứ hình thức nào, một điều không thể biện minh được và qua đó cho thấy nhân phẩm của người tra tấn lẫn kẻ bị tra tấn đã bị hạ thấp tới mức nào”830. Các cơ quan tư pháp quốc tế liên quan đến nhân quyền đã đúng đắn khi đưa ra lệnh cấm tra tấn, coi đó như một nguyên tắc không được vi phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Cũng thế, không được “dùng biện pháp giam giữ chỉ vì mục đích muốn tìm ra thông tin có giá trị cho việc xét xử”831. Ngoài ra, cần bảo đảm “tiến hành việc xét xử nhanh chóng; kéo dài thời gian xét xử thái quá sẽ làm cho người dân không thể chịu đựng nổi và kết cục trở thành một bất công thực sự”832.
Các nhân viên toà án được đặc biệt yêu cầu hãy giữ sự cẩn mật phải có khi tiến hành điều tra, để không xâm phạm các quyền được giữ bí mật của bị cáo và để không làm phương hại tới nguyên tắc phải luôn luôn giả định là vô tội cho đến khi bị kết án. Vì ngay cả thẩm phán cũng có thể lầm lẫn, nên thật thích đáng khi luật trù liệu có những sự bồi thường phù hợp cho các nạn nhân do những sai lầm của toà án gây ra.
405. Giáo Hội coi việc “ngày càng có nhiều người công khai chống đối án tử hình” là một dấu hiệu hy vọng, kể cả khi người ta vẫn coi hình phạt ấy là một cách “bảo vệ hợp pháp” từ phía xã hội. Thật vậy, xã hội hiện nay đang có những phương thế trấn áp tội phạm cách hiệu quả, bằng cách làm cho can phạm trở nên vô hại mà không dứt khoát từ chối cơ may để họ cải tạo”833. Trong khi đó, vì giả thiết là lý lịch và trách nhiệm của bên có tội đã được biết đầy đủ, nên giáo huấn truyền thống của Giáo Hội trước đây không loại bỏ án tử hình, “khi thấy đó là phương cách duy nhất khả thi để bảo vệ các tính mạng con người chống lại kẻ tấn công”834. Những biện pháp răn đe và trừng phạt không đổ máu được ưu tiên hơn vì “chúng phù hợp hơn với những điều kiện cụ thể của công ích và phẩm giá con người”835. Số quốc gia chấp nhận các khoản luật bãi bỏ án tử hình hay đình hoãn thi hành án ấy ngày càng tăng, đây cũng là bằng chứng cho thấy các vụ án, trong đó tuyệt đối cần phải tử hình can phạm là “rất hiếm, nếu không muốn nói là không có”836. Phản ứng của công luận không thích án tử hình và những dự luật nhằm bãi bỏ hay đình hoãn áp dụng án tử hình chính là những biểu hiện rất rõ sự nhận thức luân lý ngày càng cao.
-----------------------------------------------------------------------------------------------
799 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 269; Lêô XIII, Thông điệp
Immortale Dei, trong Acta Leonis XIII, V, 1885,120.
800 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1898; Thánh Tôma Aquinô, De Regno. Ad Regem Cypri, I, 1: Ed. Leon. 42, 450: “Si igitue naturale est homini quod in societate multorum vivat, necesse est in omnibus esse qliquid per quod multitudo regatur. Multis enim existentibus hominibus et unoquoque id quod est sibi congruum providente, multitudo I diversa dispergetur nisi etiam esset aliquid de eo quod ad bonum multitudinis pertinet curam habens, sicut et corpus hominis et cujuslibet animalis de flueret nisi esset aliqua vis regitiva communis in corpore, quae ad bonum commune omnium membrorum intenderet. Quod considerans Salomon dixit: ‘Ubi non est gubernator, dissipabitur populus’”.
801 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1897; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS
55 (1963), 279.
802 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 74: AAS 58 (1966), 1096.
803 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 46: AAS 83 (1991), 850-851;
Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 271.
804 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 74: AAS 58 (1966),
1095-1097.
805 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 270; x. Piô XII, Thông
điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh 24-12-1944: AAS 37 (1945), 15; Giáo lý Giáo hội
Công giáo, 2235.
806 Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 449-450.
807 Ibid.
808 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 269-270.
809 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1902.
810 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 258-259.
811 x. Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939), 432-433.
812 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 71: AAS 87 (1995), 483.
813 x. Thông điệp Evangelium Vitae, 70: AAS 87 (1995), 481-483; Gioan XXIII,
Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 258-259, 279-280.
814 x. Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939), 423.
815 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 70: AAS 87 (1995), 481-483;
Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 97, 99: AAS 85 (1993), 1209-1211;
Bộ Giáo lý Đức tin, Ghi chú học thuyết về vài vấn đề liên quan đến sự tham gia
của các Kitô hữu trong Đời sống Chính trị (24-11-2002), 5-6, Libreria Editrice
Vaticana, Vatican City 2002, tr. 11-14.
816 Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 93,a.3, ad 2um: Ed. Leon., 7, 164:
“Lex humana intantum habet rationem legis, inquantum est secundum rationem
rectam; et secundum hoc manifestum est quod a lege aeterna deruvatur, Inquantum
vero a ratione recedit, sic dicitur lex iniqua: et sic non habet rationem legis, sed
magis vilolentiae cujusdam”.
817 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 270.
818 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1899-1900.
819 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 74: AAS 58 (1966), 1095-
1097; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1901.
820 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2242.
821 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 73: AAS 87 (1995), 486-487.
822 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 74: AAS 87 (1995), 488.
823 Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 104, a. 6, ad 3um: Ed. Leon. 9,
392: “principibus saecularibus intantum homo oboedire tenetur, inquantum ordo
justitiae requirit”.
824 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2243.
825 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 31: AAS 59 (1967), 272.
826 Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 79: AAS 79 (1987), 590.
827 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2266.
828 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Hiệp hội các Thẩm phán Italia (31-03-2000), 4: AAS
92 (2000), 633.
829 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2266.
830 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, Geneva (15-06-1982), 5:
L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 26-07-1982, tr. 3.
831 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Hiệp hội các Thẩm phán Italia (31-03-2000), 4: AAS
92 (2000), 633.
832 Ibid.
833 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 27: AAS 87 (1995), 432.
834 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2267.
835 Ibid.
836 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 56: AAS 87 (1995), 464; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2001, 19: AAS 93 (2001), 244, trong đó Đức Giáo hoàng cho rằng không cần dùng tới án tử hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét