“… Giáo huấn xã hội của Giáo Hội tự nó là một công cụ hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. Thật thế, giáo huấn ấy công bố cho mọi người biết Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong Đức Kitô, và cũng nhờ đó, mạc khải cho con người biết chính mình. Trong ánh sáng ấy, và chỉ trong ánh sáng ấy, giáo huấn này đề cập đến hết mọi điều: nhân quyền của mỗi người, đặc biệt của “giai cấp lao động”, gia đình và giáo dục, các bổn phận của Nhà Nước, trật tự của quốc gia và quốc tế, đời sống kinh tế, văn hoá, chiến tranh và hoà bình, cũng như việc tôn trọng sự sống từ khi thụ thai cho đến lúc lìa đời”.
(Centesimus Annus 54)
CHƯƠNG NĂM
GIA ĐÌNH,
TẾ BÀO SỐNG ĐỘNG CỦA XÃ HỘI
I. GIA ĐÌNH, XÃ HỘI TỰ NHIÊN ĐẦU TIÊN
209. Tầm quan trọng và vị trí trung tâm của gia đình so với con người và xã hội là những điều thường xuyên được Thánh Kinh nhấn mạnh. “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18). Đọc các bản văn tường thuật việc tạo dựng con người (x. St 1,26-28; 2,7-24), chúng ta mới hiểu làm thế nào – theo kế hoạch của Thiên Chúa – Ađam và Eva trở thành “hình thức hiệp thông đầu tiên giữa con người với nhau”458. Eva được tạo dựng giống Ađam như người sẽ làm cho Ađam được hoàn bị trong tính chất khác biệt của mình (x. St 2,18) để cùng với Ađam làm thành “một xương một thịt” (St 2,24; x. Mt 19,5-6)459. Đồng thời, cả hai cùng tham gia vào việc sinh sản, khiến họ trở thành người cộng sự với Đấng Tạo Hoá: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, làm cho đầy mặt đất” (St 1,28). Trong kế hoạch của Đấng Tạo Hoá, gia đình được coi là “nơi đầu tiên diễn ra quá trình ‘nhân hoá’ cá nhân và xã hội”, là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu”460.
210. Chính trong gia đình, người ta học biết thế nào là tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, và nhu cầu phải đáp lại tình yêu và lòng trung thành đó (x. Xh 12,25-27; 13,8.14-15; Đnl 6,20-25; 13,7-11; 1 Sm 3,13). Gia đình chính là nơi con cái học những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về sự khôn ngoan thiết thực, một sự khôn ngoan có liên quan đến các đức tính (x. Cn 1,8-9; 4,1-4; 6, 20-21; Hc 3,1-16; 7,27-28). Chính vì lý do này mà Thiên Chúa đã đích thân đứng ra bảo đảm cho tình yêu và sự trung tín của vợ chồng trong đời sống hôn nhân (x. Ml 2,14-15).
Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cụ thể, chấp nhận những đặc điểm của gia đình461 và đem lại cho định chế gia đình phẩm giá cao quý nhất, đó là biến gia đình thành một bí tích của giao ước mới (x. Mt 19,3-9). Vợ chồng tìm được phẩm giá sung mãn của mình, cũng như gia đình tìm được nền tảng vững chắc cho mình là nhờ đặt trong viễn tượng mới mẻ ấy.
211. Được thông điệp Thánh Kinh chói ngời ấy soi sáng, Giáo Hội coi gia đình như là xã hội tự nhiên đầu tiên, với những quyền lợi tự nhiên riêng của gia đình, đồng thời đặt gia đình làm trung tâm đời sống xã hội. Đẩy gia đình vào “một vai trò phụ thuộc hay thứ yếu, loại gia đình khỏi vị trí đúng đắn của nó trong xã hội sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự phát triển thật sự của toàn thể xã hội”462. Thật vậy, gia đình được khai sinh từ sự hiệp thông thân tình trong cuộc sống và trong tình yêu, dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ463. Gia đình vốn có chiều hướng xã hội riêng biệt và độc đáo, đó là nơi chủ yếu diễn ra các mối quan hệ liên vị, là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội464. Gia đình là một định chế thần linh làm nền tảng cho cuộc sống con người, là nguyên mẫu đầu tiên của mọi tổ chức xã hội.
a. Gia đình quan trọng đối với con người
212. Gia đình có một tầm quan trọng cốt yếu liên quan đến con người. Chính trong chiếc nôi cuộc sống và tình yêu này mà con người được sinh ra và lớn lên. Khi một đứa trẻ được thụ thai,xã hội tiếp nhận được một món quà là một con người mới, con người này được mời gọi “từ trong nơi sâu thẳm nhất của chính mình để hiệp thông với những con người khác và trao ban bản thân mình cho những con người khác”465. Bởi đó, chính trong gia đình mà việc hiến thân cho nhau giữa người đàn ông và người đàn bà được liên kết trong hôn nhân tạo nên một môi trường sống, trong đó con cái “phát triển các tiềm năng của mình, ý thức về phẩm giá của mình và chuẩn bị đối mặt với định mệnh độc đáo và duy nhất của mình”466.
Trong bầu khí thân mật tự nhiên ấy, nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau, mỗi người được nhìn nhận và học biết trách nhiệm của mình trong toàn bộ cuộc đời mình. “Cơ cấu đầu tiên và căn bản làm nên ‘môi sinh nhân loại’ chính là gia đình, trong đó con người tiếp nhận những ý tưởng đầu tiên mang tính giáo dục về sự thật và sự tốt lành, cũng như học được thế nào là yêu và được yêu, và từ đó biết được làm người thực ra là gì”467. Thật vậy, các bổn phận của mỗi người trong gia đình không chỉ dừng lại với những gì được quy định trong một hợp đồng, mà rút ra từ chính bản chất của gia đình, dựa trên giao ước hôn nhân không thể thay đổi và dựa trên cơ cấu có sẵn trong các mối quan hệ, xuất hiện trong gia đình kể từ khi sinh con hay nhận con.
b. Gia đình quan trọng đối với xã hội
213. Gia đình, một cộng đồng tự nhiên trong đó người ta nghiệm ra bản tính xã hội của mình, chính là một đóng góp độc nhất vô nhị, không thể thay thế được, cho ích lợi xã hội. Thật vậy, đơn vị gia đình được sinh ra do sự hiệp thông giữa các ngôi vị. “‘Hiệp thông’ là một điều có liên hệ tới quan hệ ngôi vị giữa ‘tôi’ và ‘anh’. Nhưng ‘cộng đồng’ lại là một điều vượt lên trên khuôn khổ ấy, hướng tới một ‘xã hội’, hướng tới ‘chúng ta’. Thế nên, trong tư cách là một cộng đồng các ngôi vị, gia đình đúng là ‘xã hội’ đầu tiên của con người”468.
Một xã hội xây dựng trên gia đình chính là một sự bảo đảm tốt nhất cho xã hội khỏi bị cuốn hút theo chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể, vì chỉ trong gia đình, con người mới luôn luôn là trung tâm của mọi sự quan tâm, con người được coi như một mục tiêu chứ không bao giờ bị coi như một phương tiện. Rõ ràng là ích lợi của cá nhân và sự vận hành tốt đẹp của xã hội đều có liên quan mật thiết với “tình trạng lành mạnh của đời sống hôn nhân và gia đình”469. Không có những gia đình hiệp thông mạnh mẽ và cam kết ổn định thì các dân tộc sẽ trở nên yếu kém. Trong gia đình, các giá trị luân lý được dạy dỗ ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời, cũng như di sản thiêng liêng của cộng đồng tôn giáo và di sản văn hoá của quốc gia được lưu truyền. Trong gia đình, người ta học biết trách nhiệm xã hội và tình liên đới470.
214. Gia đình phải được đặt trên xã hội và quốc gia: đó là một điều cần phải được khẳng định. Thật vậy, ít là trong chức năng sinh sản, gia đình chính là điều kiện để cho xã hội và quốc gia tồn tại. Còn đối với các chức năng khác có lợi cho mỗi người trong gia đình, gia đình sẽ giúp làm tăng giá trị và tầm quan trọng cho các chức năng mà xã hội và quốc gia được mời gọi để chu toàn471. Gia đình có những quyền lợi bất khả xâm phạm và những quyền lợi ấy được coi là chính đáng, đó là do bản tính con người chứ không phải do được Nhà Nước nhìn nhận. Vì thế, gia đình không hiện hữu vì xã hội hay quốc gia, nhưng xã hội hay quốc gia hiện hữu vì gia đình.
Mô hình xã hội nào muốn phục vụ ích lợi của con người đều không được xem nhẹ vai trò trung tâm và trách nhiệm xã hội của gia đình. Khi liên hệ với gia đình, xã hội và quốc gia có nghĩa vụ nặng nề là tuân thủ nguyên tắc bổ trợ. Theo nguyên tắc ấy, chính quyền không được lấy khỏi gia đình những nhiệm vụ mà gia đình có thể hoàn thành tốt, một mình hay liên kết tự nguyện với các gia đình khác, đồng thời phải bảo đảm cho gia đình được mọi sự hỗ trợ cần thiết để chu toàn đúng đắn các trách nhiệm của mình472.
--------------------------------------------------------------------------------------------
458 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58(1966), 1034.
459 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1605.
460 Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 40: AAS 81
(1989), 469.
461 Thánh Gia là một mẫu gương cho đời sống gia đình: “Ước chi Nazareth sẽ nhắc cho
chúng ta nhớ gia đình là gì, thế nào là hiệp thông trong tình yêu, vẻ đẹp đơn sơ
mà đậm đà của gia đình, tính chất linh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình;
ước chi Nazareth giúp chúng ta thấy được sự giáo dục trong gia đình là một điều hết
sức êm ái và không thể thay thế được; ước chi Nazareth dạy chúng ta hiểu vai trò tự
nhiên của gia đình trong trật tự xã hội. Ước chi chúng ta học được bài học lao động
của Nazareth”: Phaolô VI, Diễn văn tại Nazareth (5-1-1964): AAS 56 (1964), 168.
462 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 17: AAS 86 (1994), 906.
463 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966),
1067-1069.
464 x. CĐ. Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem 11: AAS 58 (1966), 848.
465 Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 40: AAS 81
(1989), 468.
466 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39: AAS 83 (1991), 841.
467 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39: AAS 83 (1991), 841.
468 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 7: AAS 86 (1994), 875; x.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2206.
469 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 58 (1966), 1067; x. Giáo lý
Giáo hội Công giáo, 2210.
470 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2224.
471 x. Toà Thánh, Hiến chương về Quyền của gia đình, Lời Phi Lộ, D-E, Nhà Xuất bản
Đa ngữ, Vatican 1983, tr. 6.
472 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 45: AAS 74 (1982), 136-137; x.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2209.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét