185. Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên395. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới gia đình, các tập thể, các hiệp hội, các thực thể địa phương; nói khác đi, không quan tâm tới toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao, giải trí, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng đã tự động tạo ra vì chúng giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội một cách hiệu quả396. Đây chính là thực tế của xã hội dân sự, có thể hiểu là tổng số các mối quan hệ giữa cá nhân với các tập thể xã hội làm trung gian, cũng là những mối quan hệ đầu tiên, nảy sinh do “tính chủ thể sáng tạo của người công dân”397. Nhờ mạng lưới các quan hệ ấy, cơ cấu xã hội mới vững mạnh và cộng đồng các ngôi vị mới có nền tảng, từ đó chúng ta có thể nhận ra những hình thức cao hơn của hoạt động xã hội398.
186. Giáo Hội từng nhấn mạnh tới nhu cầu cần bảo vệ và phát huy các biểu hiện nguyên thuỷ của đời sống xã hội trong Thông điệp Quadragesimo Anno, theo đó Giáo Hội cũng chỉ ra bổ trợ chính là một nguyên tắc quan trọng nhất của “triết học xã hội”. “Thật là sai lầm trầm trọng khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của mình để trao cho cộng đồng; cũng vậy, thật là bất công và tai hại nghiêm trọng, làm trật tự đúng đắn bị xáo trộn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ”399.
Dựa trên nguyên tắc này, mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) – tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Có như thế, các thực thể xã hội trung gian mới có thể chu toàn các vai trò của mình mà không cần phải giao chúng cho các đơn vị xã hội khác thuộc đẳng cấp cao hơn, để rồi cuối cùng bị tiêu tán và bị thay thế, để rồi phải chứng kiến cảnh tượng phẩm giá và vị trí căn bản của mình cũng bị phủ nhận.
Bổ trợ hiểu theo nghĩa tích cực là sự giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý cho các đơn vị xã hội nhỏ hơn, nhưng có thể dẫn đến hàng loạt hậu quả tiêu cực như cấm Nhà Nước làm bất cứ điều gì mà thật sự hạn chế không gian sống của các đơn vị xã hội căn bản nhỏ bé đó. Không ai được phế bỏ sáng kiến, tự do và trách nhiệm của các đơn vị căn bản ấy.
b. Những chỉ dẫn cụ thể
187. Nhờ nguyên tắc bổ trợ, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Kinh nghiệm cho thấy chối bỏ sự bổ trợ hay hạn chế sự bổ trợ nhân danh việc dân chủ hoá hoặc nhân danh sự bình đẳng giữa các thành phần xã hội sẽ làm giảm bớt và đôi khi phá huỷ luôn tinh thần tự do và sáng kiến.
Nguyên tắc bổ trợ chống lại một số hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của Nhà Nước trong guồng máy công cộng. “Khi can thiệp một cách thẳng thắn và lấy đi khỏi xã hội trách nhiệm phải thi hành, cơ quan cứu trợ xã hội của Nhà Nước sẽ làm phí tổn nhiều năng lực và gia tăng quá mức các tổ chức công cộng, là những tổ chức hay suy nghĩ theo thói quan liêu giấy tờ hơn là thực sự quan tâm tới việc phục vụ đối tượng của chúng, và từ đó kéo theo việc gia tăng chi tiêu thật đáng kể”400. Không nhìn nhận hay nhìn nhận không đầy đủ sáng kiến cá nhân – kể cả trong lĩnh vực kinh tế – và không nhìn nhận chức năng công cộng của sáng kiến tư nhân sẽ dần dần phá hoại nguyên tắc bổ trợ, như các tổ chức độc quyền đã làm.
Để áp dụng nguyên tắc bổ trợ vào thực tiễn, có một nhu cầu tương ứng cần thoả mãn: đó là tôn trọng và thăng tiến con người và gia đình; trân trọng ngày càng nhiều hơn các hiệp hội và các tổ chức trung gian trong những lựa chọn căn bản của họ, trong những lựa chọn không thể uỷ thác cho người khác hay không thể được thực hiện bởi người khác; cổ vũ các tổ chức tư nhân sao cho bất cứ đơn vị xã hội nào cũng phục vụ công ích, mỗi tổ chức với những nét riêng của mình; sao cho có sự đa nguyên trong xã hội và cho các thành phần quan trọng làm nên xã hội đều có người đại diện; bảo vệ nhân quyền và quyền lợi của các nhóm thiểu số; dẹp bỏ tình trạng trung ương tập quyền về hành chính và bàn giấy; tạo thế cân bằng giữa khu vực công cộng và khu vực tư nhân, đồng thời nhìn nhận vai trò xã hội của khu vực tư nhân; dùng những phương pháp thích hợp để giúp các công dân ngày càng có trách nhiệm tích cực “tham gia” vào thực tế chính trị và xã hội của đất nước.
188. Một số hoàn cảnh có thể thích hợp để Nhà Nước tham gia trợ giúp thực hiện một vài chức năng401. Chẳng hạn, có những tình huống mà trong đó Nhà Nước cần phải đích thân đứng ra khởi động nền kinh tế vì xã hội dân sự ở đó không đủ sức hỗ trợ các sáng kiến của họ. Cũng có thể có trường hợp vì tình trạng mất cân bằng xã hội hay bất công xã hội quá nghiêm trọng mà chính quyền cần can thiệp để tạo ra những điều kiện bình đẳng, công bằng và hoà bình hơn. Tuy nhiên, theo nguyên tắc bổ trợ, sự thay thế mang tính cơ chế này không được tiếp tục khi không còn cần thiết tuyệt đối nữa, vì lý do biện minh cho những sự can thiệp này chỉ là do tình hình bất thường. Dù sao, nếu hiểu công ích đúng đắn – những đòi hỏi của công ích không bao giờ đi ngược lại việc bảo vệ và đẩy mạnh thế ưu việt của cá nhân, cũng như cách thức bày tỏ những điều này trong xã hội – thì công ích vẫn phải là tiêu chuẩn mà con người cần dựa vào để đưa ra những quyết định có liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc bổ trợ.
------------------------------------------------------------------------------------------
395 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 101-102,123.
396 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1882.
397 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 529; x. Piô
XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 203; Gioan XXIII, Thông điệp
Mater et Magistra: AAS 53 91961), 439; CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et
Spes, 65: AAS 58 (1966), 1086-1087; Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis
Conscientia, 73, 85-86: AAS 79 (1987), 586, 592-593; Gioan Phaolô II, Thông điệp
Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1883-1885.
398 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 49: AAS 83 (1991), 854-856;
Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 528-530.
399 Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 203; x. Gioan Phaolô II,
Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854
400 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 854.
401 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét