Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

KẾT LUẬN


VÌ MỘT NỀN VĂN MINH TÌNH YÊU

a. Giáo Hội giúp đỡ con người ngày nay
575. Trong xã hội hiện đại, con người càng ngày càng kinh nghiệm về một nhu cầu mới là tìm lại ý nghĩa. “Con người luôn khao khát muốn biết – ít là một cách mơ hồ – cuộc sống, hoạt động và cả cái chết của mình có ý nghĩa gì”1206. Thật khó mà đáp ứng những nhu cầu xây dựng một tương lai trong một bối cảnh mới mẻ đầy những mối quan hệ ngày càng phức tạp và lệ thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế, trong khi đó chính những mối quan hệ ấy ngày càng thiếu trật tự và kém an toàn. Sống chết dường như chỉ do những tiến bộ khoa học và kỹ thuật quyết định, mà những tiến bộ này lại biến chuyển nhanh hơn khả năng của con người để định cho nó những mục tiêu và lượng giá được những tổn thất do nó gây ra. Thay vào đó, nhiều hiện tượng cho thấy rằng “những công dân của những quốc gia giàu có càng ngày càng cảm thấy không hài lòng với những của cải trần thế và đang nhanh chóng đánh mất ảo tưởng sung túc về một thiên đàng hạ giới. Nhân loại cũng ngày càng ý thức hơn về những quyền lợi của con người, những quyền lợi phổ quát và không thể bị tước đoạt, và người ta càng ngày càng mong mỏi có những mối quan hệ chính đáng và nhân đạo hơn”1207.
576. Đối với những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống con người, Giáo Hội trả lời qua việc công bố Tin Mừng của Đức Kitô, Tin Mừng này giải thoát phẩm giá con người khỏi những tư tưởng đang thay đổi và bảo đảm cho quyền tự do của những người, nam cũng như nữ, mà không có luật lệ nào của con người có thể làm được. Công đồng Vatican II đã chỉ cho thấy sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới hiện nay là giúp đỡ mọi hữu thể con người khám phá ra ý nghĩa tối hậu của sự hiện hữu của họ ở trong Thiên Chúa. Giáo Hội biết rõ rằng “chỉ một mình Thiên Chúa mà Giáo Hội đang phục vụ mới có thể hoàn toàn thoả mãn được những ước vọng sâu xa nhất của lòng người, vì lòng người không bao giờ có thể thoả mãn với thế giới và những gì mà thế giới trao tặng”1208. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và cứu chuộc họ khỏi tội, mới có thể đưa ra một câu trả lời hoàn toàn thích hợp qua việc mạc khải được thực hiện nơi Con Thiên Chúa làm người. Thật vậy, Tin Mừng “loan báo và công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa, cởi bỏ mọi ràng buộc do hậu quả tội lỗi; tôn trọng triệt để phẩm giá và sự tự do chọn lựa của lương tâm, không ngừng khuyến khích phát huy những tài năng của con người để phục vụ Thiên Chúa và người khác, và sau hết, Tin Mừng khuyên dạy mọi người phải có lòng yêu thương bác ái đối với nhau”1209.
b. Khởi đầu lại từ niềm tin vào Đức Kitô
577. Niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu Kitô soi sáng cho những nguyên tắc luân lý, mà những nguyên tắc đó là “nền tảng duy nhất và không thể thay thế được của sự ổn định và an bình, của trật tự nội tâm và ngoại giới, trật tự riêng hay chung, mà chỉ niềm tin đó mới có thể làm nảy sinh và bảo đảm sự phong phú của các quốc gia”1210. Đời sống xã hội phải dựa trên nền tảng kế hoạch của Thiên Chúa vì “chiều hướng thần học cần thiết cho cả việc giải thích lẫn giải quyết những vấn đề hiện nay trong xã hội loài người”1211. Trong một thế giới hiện hữu với đầy rẫy hình thức bóc lột và bất công xã hội trầm trọng, cần phải có “một nhận thức rộng rãi và nhạy bén hơn bao giờ hết về nhu cầu đổi mới triệt để về con người và xã hội để có thể bảo đảm công lý, tình liên đới, sự trung thực và cởi mở. Chắc chắn con đường đi đến đó còn dài và khó khăn. Việc đạt được một sự đổi mới như thế đòi hỏi một nỗ lực to lớn, đặc biệt khi kể đến số lượng và tính trầm trọng của những nguyên nhân làm phát sinh và làm tồi tệ thêm những tình huống bất công đang hiện diện trong thế giới ngày nay. Tuy vậy, như lịch sử và kinh nghiệm cá nhân cho thấy, không khó để khám phá ra tận cùng nguyên nhân của những tình huống này, vì rõ ràng chúng thật sự liên quan đến ‘văn hoá’, gắn kết với những cách nhìn đặc biệt về con người, xã hội và thế giới. Quả vậy, từ tâm điểm của vấn đề văn hoá, chúng ta tìm được nhận thức luân lý, mà nhận thức này lần lượt được đâm rễ và hoàn thành trong nhận thức tôn giáo”1212. Về “vấn đề xã hội”, chúng ta cần không nên để mình bị lôi kéo bởi “niềm mong ước ngây thơ rằng chúng ta sẽ tìm ra một vài công thức kỳ diệu khi đối diện với những thử thách lớn lao của thời đại này. Không, chúng ta sẽ không được cứu thoát bằng một công thức nhưng nhờ một Con Người, và sự bảo đảm mà Con Người đó đem đến cho chúng ta là: Thầy ở với anh em! Vì thế, vấn đề không phải là phát minh ra một ‘chương trình mới’. Chương trình có sẵn rồi: đó là kế hoạch mà chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng và trong Truyền Thống sống động, mãi mãi sẽ như vậy. Cuối cùng, chương trình đó có tâm điểm là chính Đức Kitô, Đấng phải được nhận biết, được yêu thương và được bắt chước, để trong Người, chúng ta có thể sống đời sống của Ba Ngôi, và cùng với Người, chúng ta biến đổi lịch sử cho đến khi lịch sử hoàn thành nơi Giêrusalem trên trời”1213.
c. Niềm hy vọng vững bền
578. Giáo Hội dạy mọi người, nam cũng như nữ, rằng Thiên Chúa ban tặng cho họ một khả năng thực sự để vượt qua sự dữ và đạt tới sự thiện. Thiên Chúa đã cứu chuộc loài người và “trả bằng một cái giá” (1 Cr 6,20). Ý nghĩa và nền tảng cơ bản của sự dấn thân Kitô hữu trong thế giới được thiết lập trên sự xác tín này, một sự xác tín mở đường cho niềm hy vọng mặc dù tội lỗi in dấu sâu đậm trong lịch sử nhân loại. Lời hứa của Thiên Chúa bảo đảm rằng thế giới không còn khép kín lại trong chính mình nhưng mở rộng ra cho Nước Thiên Chúa. Giáo Hội biết rõ “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Ts 2,7), nhưng Giáo Hội cũng biết rằng “con người vẫn còn đầy đủ những phẩm chất và năng lực, vẫn còn một ‘tính bản thiện’ (x. St 1,31), vì con người là hình ảnh của Đấng Tạo Hoá, được đặt dưới ảnh hưởng cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng ‘đã gắn chặt chính mình với từng người theo một cách nào đó’, và vì hoạt động hữu hiệu của Chúa Thánh Thần ‘đang đầy tràn mặt đất’ (Kn 1,7)1214.
579. Niềm hy vọng của Kitô hữu cho họ một năng lực lớn lao để dấn thân vào lĩnh vực xã hội vì niềm hy vọng này tạo ra sự tự tin vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mặc dù sẽ không bao giờ có “một thiên đàng hạ giới”1215Các Kitô hữu, đặc biệt là giáo dân, được thôi thúc hành động theo cách thức là để cho “sức mạnh của Tin Mừng chiếu soi trên đời sống hằng ngày trong gia đình và xã hội. Họ tự cư xử đúng với tư cách là con cái của lời Chúa hứa và vì vậy họ được mạnh mẽ trong niềm tin và hy vọng để biết tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5,16; Cl 4,5) và bền chí chờ đợi vinh quang sẽ đến (x. Rm 8,25). Vì vậy, các Kitô hữu đừng giấu kín niềm hy vọng ấy trong tận nơi thâm sâu của lòng mình, nhưng hãy tỏ lộ ra qua việc hoán cải không ngừng và qua việc chiến đấu “chống lại những lực lượng thống trị thế giới tối tăm này, chống lại những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,12)1216. Động lực tôn giáo đàng sau sự dấn thân như thế có thể không được tất cả mọi người chia sẻ, nhưng lòng tin vững chắc về mặt luân lý nhận được từ động lực ấy sẽ tạo thành một điểm gặp gỡ giữa các Kitô hữu và tất cả những người thành tâm thiện chí.
d. Xây dựng “nền văn minh tình yêu”
580. Mục tiêu trước mắt của học thuyết xã hội của Giáo Hội là đề nghị những nguyên tắc và giá trị có thể duy trì một xã hội xứng đáng với con người. Trong số những nguyên tắc ấy, nguyên tắc liên đới bao gồm tất cả mọi nguyên tắc khác một cách chắc chắn. Nguyên tắc này tượng trưng cho “một trong những nguyên tắc căn bản của quan điểm Kitô giáo về việc tổ chức xã hội và chính trị”1217.
Ánh sáng chiếu rọi trên nguyên tắc này là tính ưu việt của tình yêu, “dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ Đức Kitô” (x. Ga 13,35)1218. Đức Giêsu dạy chúng ta rằng “luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu”1219 (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Cl 3,14; Gc 2,8). Hành vi cá nhân sẽ mang trọn vẹn tính người khi nó được phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu. Sự thật này cũng áp dụng trong phạm vi xã hội; các Kitô hữu cần phải là những nhân chứng xác tín sâu xa về tình yêu, và qua cuộc sống của mình, họ cần chứng tỏ rằng tình yêu là một động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31.14,1) để có thể dẫn đến sự hoàn thiện bản thân và xã hội, làm cho xã hội tiến tới điều thiện hảo.
581. Tình yêu phải hiện diện và thâm nhập vào bên trong mọi quan hệ xã hội1220. Điều này đặc biệt đúng đối với những ai chịu trách nhiệm mưu cầu ích lợi cho mọi người. Chính họ “cần phải yêu thương cách mạnh mẽ và cố gắng đánh động nơi người khác lòng bác ái, là bà chủ và là nữ hoàng của các đức tính. Vì những kết quả tốt đẹp mà tất cả chúng ta đều mong đợi cần phải được rút ra chủ yếu từ nguồn suối dạt dào của lòng bác ái, một lòng bác ái Kitô giáo thật sự chính là hoàn thành toàn bộ luật Tin Mừng, là yêu đến mức luôn sẵn sàng hy sinh chính mình vì lợi ích của người khác và đó cũng chính là liều thuốc giải độc bảo đảm nhất của con người để chống lại tính kiêu căng của trần thế và thói tự ái vô độ”1221. Tình yêu này có thể gọi là “bác ái xã hội”1222 hay “bác ái chính trị”1223 và cần phải bao trùm toàn thể nhân loại”1224. “Tình yêu xã hội”1225 là phản đề đối với chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa cá nhân. Dù không có ý tuyệt đối hoá đời sống xã hội, như những quan điểm thiển cận tự hạn chế chính mình vào những giải thích chỉ mang tính xã hội học, chúng ta cũng không được quên rằng sự phát triển toàn diện con người và sự tăng trưởng xã hội đều có ảnh hưởng hỗ tương lên nhau. Vì thế, ích kỷ là kẻ thù hiểm độc nhất của một xã hội có trật tự. Lịch sử đã cho thấy lòng người trở nên cằn cỗi như thế nào khi những người nam nữ không có khả năng nhận ra những giá trị và những thực tại hữu hiệu nào khác ngoài những của cải vật chất, chính nỗi ám ảnh đi tìm của cải vật chất làm chết ngạt và cản trở khả năng trao ban chính mình của con người.
582.Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng đáng hơn với con người, phải đem lại một giá trị mới cho tình yêu trong đời sống xã hội – bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá – bằng cách làm cho tình yêu đó trở thành một chuẩn mực vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động. “Nếu công lý tự nó thích hợp với ‘vai trò làm trọng tài’ giữa mọi người liên quan đến việc phân phối của cải cho nhau một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu, bao gồm cả tình yêu tốt bụng mà ta gọi là ‘lòng thương xót’, mới có thể phục hồi con người về lại với chính mình”1226. Các mối quan hệ của con người không thể chịu chi phối bởi một chuẩn mực duy nhất là chuẩn mực công lý. “Người Kitô hữu biết rằng tình yêu chính là nguyên do làm cho Thiên Chúa thực hiện mối tương quan với con người. Và cũng chính tình yêu mới là điều Ngài mong đợi như là câu trả lời của con người. Bởi thế, tình yêu cũng là hình thức cao thượng nhất và quý giá nhất của mối tương quan có thể có giữa các hữu thể con người. Do đó, tình yêu phải làm sống động mọi khía cạnh của đời sống con người và lan rộng đến trật tự quốc tế. Chỉ khi nào “nền văn minh tình yêu” ngự trị thì nhân loại mới có thể hưởng một nền hoà bình chân chính và vững bền”1227. Vì nhận định như vậy nên Huấn Quyền trân trọng giới thiệu tình liên đới vì tình liên đới có thể bảo đảm công ích và thúc đẩy sự phát triển trọn vẹn của con người: tình yêu “làm cho con người thấy hình ảnh của mình trong tha nhân”1228.
583.Chỉ có tình yêu mới có thể biến đổi hoàn toàn con người1229Một sự biến đổi như vậy không có nghĩa là giảm thiểu chiều hướng trần thế theo một linh đạo tách rời khỏi thân xác1230. Những ai nghĩ rằng mình có thể sống đức tính siêu nhiên của tình yêu mà không cần quan tâm tới những nền tảng tự nhiên của tình yêu, bao gồm những bổn phận về công lý, là họ đang lừa dối chính mình. “Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Bác ái đòi buộc thực thi công lý và chỉ có bác ái mới làm cho ta có khả năng đạt tới điều đó. Bác ái gợi hứng cho ta một cuộc sống tự hiến: ‘Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống mình sẽ bảo tồn được mạng sống ấy’ (Lc 17,33)”1231. Cũng vậy, tình yêu không thể được diễn tả cách trọn vẹn chỉ trong chiều hướng trần thế với những mối quan hệ của con người và xã hội, bởi vì tình yêu chỉ tìm được hiệu quả trọn vẹn của nó trong mối tương quan với Thiên Chúa. “Lạy Chúa, vào lúc xế bóng của cuộc đời này, con sẽ đến trước Chúa với hai bàn tay trắng, vì con không xin Chúa tính sổ việc con làm. Mọi việc được gọi là công lý của chúng con đều khiếm khuyết trước mặt Chúa. Vì thế, con cầu xin Chúa bảo bọc con trong công lý của Chúa và xin cho con được nhận từ tình yêu của Chúa sự sở hữu vĩnh cửu là chính Ngài”1232.
------------------------------------------------------------------------------------------
1206  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 41: AAS 58 (1966), 1059.
1207  Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 451.
1208  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 41: AAS 58 (1966), 1059.
1209  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 41: AAS 58 (1966), 1059.
1210  Đức Piô XII,  Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939), 425.
1211  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 55: AAS 83 (1991), 860-861.
1212  Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 98: AAS 83 (1993), 1210; Gioan
     Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 24: AAS 83 (1991), 821-822.
1213  Gioan Phaolô II, Tông thư  Novo Millennio Ineunte, 29: AAS 93 (2001), 285.
1214  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 47: AAS 80 (1988), 580.
1215  Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 541.
1216  CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 35: AAS 57 (1965), 40.
1217  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 10: AAS 83 (1991), 805-806.
1218  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 568.
1219  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 38: AAS 58 (1966), 1055-1056;
    Hiến  chế Tín lý Lumen Gentium, 42: AAS 57 (1965), 47-48; Giáo lý Giáo hội Công
    giáo, 826.
1220  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1889.
1221  Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, II (1892), 143; Bênêdictô   
     XV, Thông điệp Pacem Dei: AAS 12 (1920), 215.
1222  x. Thánh Tôma Aquinô, QD De Caritate, a.9,c; Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23(1931), 206-207; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53(1961) 410; Phaolô VI, Diễn văn gửi Đại hội FAO (16-11-1970), 11: AAS 62.
   (1970), 837-838; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các thành viên trong Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình (9-02-1980), 7: AAS 72 (1980), 187.
1223   x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 46: AAS 63 (1971), 433-435.
1224  CĐ. Vatican II, Sắc lệnh Apostilicam Actuositatem, 8:AAS 58 (1966), 844-845;   Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 44: AAS 59 (1967), 279; Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 42: AAS 81 (1989), 472-476; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1939.
1225  Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 15: AAS 71 (1979), 288.
1226 Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, 14: AAS 72 (1980), 1223.
1227 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10: AAS 96 (2004),
   121; Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, 14: AAS 72 (1980), 1224;
   Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2212.
1228 Thánh Gioan Chrysostom, Homilia De Perfecta Caritate, 1, 2: PG 56, 281-282.
1229  x. Gioan Phaolô II, Tông thư  Novo Millennio Ineunte, 49-51: AAS 93 (2001), 302-304.
1230  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 5: AAS 83 (1991), 798-800.
1231  Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1889.
1232  Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Hành động dâng hiến trong Truyện Một Tâm Hồn,
    tr. Jonh Clarke (Washington D.C.: ICS 1981, tr. 277) được ghi trong Giáo lý Giáo hội 
    Công giáo, 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét