446. Để giải quyết vấn đề phát triển, cần có sự cộng tác giữa các cộng đồng chính trị cá thể. “Các cộng đồng chính trị chi phối nhau và chúng ta có thể khẳng định rằng mỗi cộng đồng sẽ thành công trong việc phát triển của mình khi biết góp phần vào sự phát triển của các cộng đồng khác. Muốn điều đó xảy ra, điều thiết yếu là phải hiểu biết và cộng tác với nhau”925. Dường như không thể loại trừ hẳn tình trạng kém phát triển, như thể đó đã là bản án tử hình, nhất là phải nhìn nhận một sự thật là tình trạng ấy không phải chỉ là kết quả của những sự lựa chọn sai lầm của con người, mà còn là hậu quả của “các bộ máy kinh tế, tài chính và xã hội”926 và của “các cấu trúc tội lỗi”927, vốn cản trở sự phát triển đầy đủ của con người và các dân tộc.
Tuy nhiên, phải đối diện với các khó khăn này với một quyết tâm vừa mạnh mẽ vừa cương quyết, vì phát triển không phải chỉ là một khát vọng mà còn là một quyền lợi928, và cũng như mọi quyền lợi, nó cũng bao hàm một nghĩa vụ. “Cộng tác để phát triển con người toàn diện và phát triển tất cả mọi người là một nghĩa vụ của mỗi người đối với hết mọi người, và phải được cả bốn phương trời thế giới tham gia, từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam”929. Như Huấn Quyền đã nhận xét, quyền phát triển là quyền dựa trên những nguyên tắc sau đây: gia đình nhân loại chỉ có một nguồn gốc và cùng chung một vận mệnh; phải có sự bình đẳng giữa mọi người và giữa mọi cộng đồng dựa trên phẩm giá con người; của cải trần thế dành cho hết mọi người; phải hiểu phát triển trong toàn bộ nội dung của nó; và phải lấy con người làm trọng tâm và phải liên đới với nhau.
447. Học thuyết Xã hội Công giáo cổ vũ các hình thức cộng tác nào có thể giúp các nước nghèo và kém phát triển tham gia thị trường quốc tế. “Ngay trong những năm gần đây, người ta vẫn nghĩ rằng các nước nghèo nhất sẽ phát triển bằng cách đứng tách riêng khỏi thị trường thế giới và chỉ dựa vào các nguồn lực riêng của mình. Nhưng kinh nghiệm mới đây cho thấy, những nước nào làm như thế đều bị trì trệ và suy thoái, còn các nước phát triển được là các nước thành công trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế liên kết ở cấp độ quốc tế. Bởi đó, vấn đề chính ở đây có lẽ là làm sao đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường thế giới cách công bằng, dựa trên nguyên tắc không phải đơn phương là khai thác các tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia này nhưng dựa vào việc sử dụng thích đáng nguồn nhân sự của các nước đó”930. Trong số những nguyên nhân góp phần lớn vào tình trạng chậm phát triển và nghèo đói, ngoài nguyên nhân không có khả năng tham gia vào thị trường thế giới, còn có nguyên nhân thất học, thiếu an toàn thực phẩm, thiếu các cơ sở hạ tầng và dịch vụ, thiếu các biện pháp thích đáng để bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ căn bản, thiếu nước sạch và thiếu vệ sinh, nạn tham nhũng, tình trạng không ổn định của các định chế và cả đời sống chính trị. Tại nhiều nước, có một mối dây liên hệ giữa tình trạng nghèo đói với tình trạng thiếu tự do, thiếu khả năng để đưa ra những sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế, cũng như không có một nền hành chính quốc gia đủ khả năng để lập ra một hệ thống giáo dục và thông tin thích đáng.
448. Tinh thần hợp tác quốc tế đòi mọi người không những phải có tư duy đúng đắn về thị trường, mà còn có khả năng nhận thức về bổn phận phải liên đới, bảo vệ công lý và bác ái phổ quát932. Thật vậy, có “một điều gì đó phải trả cho con người vì họ là con người, vì phẩm giá cao đẹp của con người”933. Hợp tác là con đường mà toàn thể cộng đồng thế giới phải bước vào, theo một quan niệm rất thích đáng về công ích đối với toàn thể gia đình nhân loại”934. Từ con đường cộng tác đó ta có thể thấy nhiều thành quả tích cực; chẳng hạn, gia tăng sự tín nhiệm vào tiềm năng của người nghèo, và do đó, vào tiềm năng của các nước nghèo, đồng thời việc phân phối của cải cũng được công bằng.
b. Đấu tranh chống nghèo đói
449. Vào đầu thiên niên kỷ mới này, sự nghèo đói của hàng tỷ người nam cũng như nữ chính là “một vấn đề thách thức nhất cho các lương tâm con người cũng như các lương tâm Kitô hữu”935. Nghèo đói đặt ra một vấn đề đầy kịch tính về công lý dưới nhiều hình thức khác nhau và với những hậu quả khác nhau của nó. Tình hình nghèo đói mang đặc điểm là có sự tăng trưởng không bình đẳng, vì chưa nhìn nhận “quyền bình đẳng của mọi người được ngồi dự ‘trong bàn tiệc chung’”936. Nghèo đói như thế sẽ khiến chúng ta không thể thực hiện nền nhân bản trọn vẹn mà Giáo Hội hằng hy vọng và theo đuổi để các cá nhân và dân tộc được “là người hơn”937 và sống trong những điều kiện nhân bản hơn938.
Cuộc đấu tranh chống nghèo đói tìm được một động cơ mạnh mẽ khi biết rằng Giáo Hội chọn lựa và dành tình thương ưu tiên cho người nghèo939. Trong toàn bộ giáo huấn xã hội của mình, Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi khi nhấn mạnh một số nguyên tắc căn bản của giáo huấn, mà trước nhất và trên hết là nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải940. Học thuyết Xã hội Công giáo liên tục tái xác nhận nguyên tắc liên đới, đòi người ta phải hành động để đẩy mạnh “ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với hết mọi người”941. Ngay trong lúc đấu tranh chống nghèo đói, nguyên tắc liên đới phải luôn luôn đi kèm một cách thích hợp với nguyên tắc bổ trợ, vì nhờ nguyên tắc bổ trợ, chúng ta mới có thể thúc đẩy tinh thần sáng kiến, là nền tảng căn bản cho tất cả sự phát triển xã hội và kinh tế tại các nước nghèo942. Không nên coi người nghèo “như một vấn đề, mà như những con người có thể trở thành những nhà kiến thiết chính của một tương lai mới mẻ và mang tính người hơn cho mọi người”943.
c. Nợ nước ngoài
450. Phải để ý tới quyền phát triển mỗi khi có dịp bàn tới các vấn đề có liên quan đến khủng hoảng nợ nần của nhiều quốc gia nghèo944. Nhiều nguyên nhân phức tạp thuộc đủ loại nằm trong nguồn gốc của khủng hoảng nợ nần. Ở cấp quốc tế đó là sự trôi nổi của tỷ giá hối đoái, của việc đầu cơ tài chính và chủ nghĩa thực dân mới trong kinh tế; còn trong nội bộ các nước nợ nần đó có thể là tham nhũng, quản lý lợi tức công cộng kém hay sử dụng sai các khoản vay tín dụng đã nhận được. Những nỗi đau khổ lớn nhất – có thể là do những vấn đề về cơ cấu cũng như hành vi cá nhân – lại giáng xuống những người dân tại các nước nghèo và nợ nần, là những người vốn không phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Cộng đồng quốc tế không thể không biết điều này: một đàng vẫn khẳng định nguyên tắc nợ thì phải trả, nhưng đàng khác, các giải pháp đưa ra phải làm sao không phương hại tới “quyền căn bản của các dân tộc là được tồn tại và tiến bộ”945.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
925 Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 499; x. Piô XII, Thông
điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1945): AAS 38 (1946), 22.
926 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 16: AAS 80 (1988), 531.
927 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 36-37, 39: AAS 80 (1988),
561-564, 567.
928 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22: AAS 59 (1967), 268; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 43: AAS 63 (1971), 431-432; Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 32-33: AAS 80 (1988), 556-559; Gioan Phaolô II, Thông điệpCentesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 836-838; x. Phaolô VI, Diễn văn gửi Tổ chức Lao động Quốc tế (10-06-1969), 22: AAS 61 (1969), 500-501; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi cho những Người Tham dự Hội nghị châu Âu về Giáo huấn Xã hội Công giáo (20-06-1997), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 23-07-1997, tr. 3; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các nhà lãnh đạo Liên đoàn Kinh doanh và Thương mại Italia (02-05-2000), 3: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 10-05-2000, tr. 5.
929 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 32: AAS 80 (1988), 556.
930 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 33: AAS 83 (1991), 835.
931 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 56-61: AAS 59 (1967), 285-287.
932 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 44: AAS 59 (1967), 279.
933 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 34: AAS 83 (1991), 836.
934 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 58: AAS 83 91991),863.
935 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 14: AAS 92
(2000), 366; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1993,
1: AAS 85 (1993), 429-430.
936 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 33: AAS 80 (1988) 558; x.
Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 47: AAS 59 (1967), 280.
937 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 6: AAS 59 (1967), 260; x. Gioan
Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 28: AAS 80 (1988), 548-550.
938 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 20-21: AAS 59 (1967), 267-268.
939 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi cho Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh
lần thứ 3, Puebla, Mexico (28-01-1979), I/8: AAS 71 (1979), 194-195.
940 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22: AAS 59 (1967), 268.
941 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 566.
942 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 55: AAS 59 (1967), 284; Gioan
Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 44: AAS 80 (1988), 575-577.
943 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 14: AAS 92
(2000), 366.
944 x. Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 51: AAS 87 (1995), 36;
Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1998, 4: AAS 90 (1998),
151-152; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Hội nghị Hiệp hội Liên Nghị viện (30-11-
1998): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXI, 2 (1998), 1162-1163; Gioan Phaolô
II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 9: AAS 91 (1999), 383-384.
945 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 838; x. Để
phục vụ cộng đồng nhân loại: một cái nhìn đạo đức học về vấn đề nợ quốc tế, do
Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản (27-12-1986), Vatican City 1986.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét