Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Thông điệp 40 năm

(QUADRAGESIMO ANNO)

Đức Thánh Cha Piô XI (1922-1939)



Lời mở đầu
1.- Bức thông điệp RN (Tân Sự) đã xuất hiện được bốn mươi năm rồi. Thế giới công giáo chuẩn bị mừng kỷ niệm một cách hết sức long trọng. Ai cũng đầy lòng biết ơn tòa thánh vì văn kiện đáng ghi nhớ này. Một văn kiện minh chứng lòng nhiệt thành của Đức Tiên Giáo hoàng đối với giáo mục của Ngài. Một văn kiện rất quan trọng đã được chuẩn bị từ trước, trong bao bức thông điệp khác : về gia đình, về phép hôn phối, về nền tảng xã hội nhân quyền, về nguồn gốc chính quyền, về những mối tương quan giữa giáo hội và xã hội quốc gia, về nghĩa vụ công dân của giáo dân, về cách biện bác chủ nghĩa xã hội, về các tà thuyết do chủ nghĩa tự do cá nhân và bao nhiêu tài liệu khác, giãi bày lý tưởng xã hội của ngài.
Nhưng bức thông điệp “RN” trổi vượt mọi văn kiện khác, vì hai lý do: thứ nhất vì là một bức thông điệp rất hợp thời, không đời nào cần thiết bằng đời ta bây giờ. Thứ hai vì bức thông điệp ấy giải quyết mọi vấn đề đời sống cộng đồng nêu lên. Là những vấn đề tóm tắt trong “vấn đề xã hội.”
i. Một bức thông điệp rất hợp thời.
2.- Thế kỷ mười chín xế chiều, sự phát triển kinh tế, sự tiến hóa của kỹ nghệ ở hầu hết các dân tộc đã phân chia xã hội thành hai giai cấp. Giai cấp này gồm thiểu số, nhưng toàn những người giầu sang tha hồ hưởng dụng mọi sáng kiến khoa học tiên tiến. Giai cấp kia gồm đa số, nhưng toàn công nhân khốn cực, không thoát được cảnh bần cùng. Tình trạng thê thảm ấy, kẻ dư của thì chịu đựng một cách rất dễ dàng, họ cho rằng :“Đó là hậu quả không tránh được của những luật kinh tế tự nhiên. Nên họ lầm tưởng công cuộc bác ái san bằng được mọi bất công, mà những pháp luật nhân tạo thường bỏ mặc và nhiều khi lại còn che chở nữa.
3.- Nhưng công nhân đã quá khổ cực, vì tình trạng ấy. Sau một thời gian cam chịu, họ quyết trút bỏ gánh nặng nề ấy, không muốn gánh vác lâu hơn nữa.
Người thì sôi nổi lên vì những lời thúc đẩy họ chỗi dậy, mà đảo lộn xã hội từ ở tận nền móng. Người thì không chịu trôi theo những phong trào ấy, vì họ đã được giáo dục theo đạo Chúa Kitô. Nhưng dầu sao họ cũng đồng ý về một điểm khẩn cấp là “phải cải hóa xã hội tận cội rễ”.
4.- Đó cũng là ý chí của bao nhiêu kitô hữu, của giáo sĩ hay giáo dân đã đem lòng bác ái dũng cảm mà tìm trăm ngàn phương cách, làm giảm bớt sự khốn cực bất công của dân chúng. Họ không chịu nhận sự chênh lệch quá đỗi trong cách phân công chia của, như là sự tự nhiên Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã tiền định cho nhân loại. Thành ra họ cứ thành thực tìm những môn thuốc linh nghiệm hoặc để sửa chữa những tệ đoan của xã hội hiện tại, hoặc để đề phòng cho xã hội khỏi lâm vào những tai hại khủng khiếp hơn nữa.
5.- Nhưng lý trí con người mù mịt yếu đuối. Những người thiện chí hoặc bị xua đuổi như thể họ chỉ là những nhà cách mạng đáng sợ; hoặc bị chia rẽ vì có sự bất đồng ý ngay giữa họ, nên họ cứ lưỡng lự giữa những lập trường khác nhau. Như vậy họ không biết phải chọn lấy đường nào ? Trong những sự mâu thuẫn khiến mọi người không ai đồng ý với ai thì hòa bình thế giới lâm nguy. Thành ra lần nữa họ đưa mắt nhìn về Tòa thánh Phêrô là kho lẫm chân lý, tự nhiên phát ra những lời cứu chuộc hằng chảy tràn khắp thiên hạ. Một phong trào rộng lớn chưa bao giờ từng thấy, lôi cuốn họ về với “Đấng đại diện Chúa Kitô ở dưới thế”. Vô số người trí thức, kỹ nghệ, công nhân tha thiết đòi hỏi những nguyên tắc vững chắc, họ có thể thích dụng để thoát khỏi mọi sự thắc mắc mà đứng một mình không ai giải quyết được.
6.- Vì trí khôn ngoan Đức Giáo hoàng đã gẫm thế sự trước mắt Chúa lâu năm, Ngài cũng cầu vấn bao nhiêu nhân vật lỗi lạc, Ngài cũng chăm chú tìm hiểu vấn đề đủ mọi mặt. Rồi ý thức sứ vụ tông đồ Ngài đảm nhiệm; thì Ngài mới sợ nếu im tiếng mãi là tỏ mình chểnh mảng trong phận sự.
Ngài dùng linh quyền giáo huấn Chúa đã uỷ thác cho mà quyết định ban huấn dụ này cho giáo hội Chúa Kitô nói riêng, và cho toàn thể nhân loại nói chung.
7.- Ngày 15 tháng 5 năm 1891, tiếng Tòa Thánh mà cả thế giới đã mong nghe từ lâu, đã vang dội khắp cả thiên hạ; một tiếng vang không chút run rẩy trước thời cuộc gay go, mà lại không yếu đi chút nào vì tuổi tác cao; một tiếng vang mạnh bạo đã định hướng mới cho cả nhân loại phải noi theo trên địa vực xã hội hiện tại.
ii. Học thuyết xã hội gồm tắt trong bức thông điệp RN.
8.- Anh em thừa biết học thuyết khả kính, đã được giãi bầy trong bức thông điệp “RN” rồi chứ ! Bức thông điệp ấy thật đáng ghi nhớ muôn đời.
Đại Đức Tiên giáo hoàng, động lòng trước thân phận bao nhiêu người hạ lưu trong xã hội, nói được là đa số; nhưng dầu vô tội cũng phải sống trong cảnh khốn cực đầy rủi ro. Ngài dũng cảm quyết chí bênh vực công nhân tội nghiệp sống trơ trọi, không ai bảo hộ mà lại bị thời thế vô tình đẩy vào tay những chủ nhân vô nhân đạo, chỉ biết cạnh tranh đua giầu khoe sang. Ngài chẳng tin tưởng ở chủ nghĩa tự do, và cũng không hy vọng nơi chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tự do đã tỏ mình hoàn toàn bất lực, không giải quyết được vấn đề xã hội. Còn chủ nghĩa xã hội lại đề nghị một giải pháp còn tệ hơn cả tật nạn nó tìm sửa chữa. Vì nó mà xã hội nhân loại càng ngày càng lâm nguy.
9.- Vậy căn cứ vào giáo quyền và thiên chức đặc biệt Ngài được Thiên Chúa uỷ cho, là bảo vệ tôn giáo và mọi quyền lợi liên quan đến tôn giáo, thì Ngài đã tin chắc rằng vấn đề xã hội không thể nào giải quyết được một cách phải lẽ “ngoài ảnh hưởng giáo hội và tôn giáo, nhờ những nguyên tắc bất di bất dịch của đạo nghĩa chính trực, và đạo Chúa mạc khải”. Đức Tiên Giáo hoàng đem hết linh quyền vững chắc của Ngài mà ấn định và tuyên bố công nhiên :
1) Nghĩa vụ và quyền lợi riêng của chủ nhân và công nhân : của tư bản và cần lao trong xã hội.
2) Phận sự riêng của giáo hội , của chính phủ và của mọi công nhân, trong việc giải quyết vấn đề xã hội tương tranh này.
Tiếng của Ngài đã vang dội khắp thiên hạ không phải là vô ích đâu.
10.- Thiên hạ nghe đến thì cảm phục tạ ơn. Giáo dân phục quyền giáo hội đã đành. Nhưng còn bao nhiêu người khác, hoặc vô tín ngưỡng, hoặc đã lạc đường chính, cũng đã nêu lên vấn đề kinh tế xã hội, trong phạm vi tìm hiểu (speculation) và pháp lý.
Mừng nhất là các công nhân kitô hữu. Họ cảm thấy giáo quyền trổi vượt mọi thế quyền trên mặt đất, đã thông cảm và bênh vực quyền lợi của họ. Những người vị tha đã tìm cải thiện công nhân từ lâu, nhưng đã bị chế nhạo, ngờ vực, nhiều khi lại bị phản đối công khai nữa, nay đã lại phấn khởi lên.
Bức thông điệp đã được ai nấy đua nhau đón nhận một cách long trọng nghiêm chỉnh. Đến nỗi dân nào nước ấy cũng tìm trăm cách kỷ niệm hằng năm bằng những lễ ghi ơn lừng lẫy.
11.- Những huấn thị của Đức Lêô XIII thì rất cao thượng và khả kính; nên mới được thiên hạ đồng thanh nghênh tiếp như thế. Nhưng tiếc thay cũng đã từng có những nhà trí thức, gồm có cả giáo dân, náo động bất mãn. Người thì sinh lòng hồ nghi, người thì vấp ngã trước một học thuyết mới lạ như vậy. Những ngẫu nhiên do chủ nghĩa tự do dựng lên, đều bị lật đổ. Bức thông điệp ấy không quản ngại gì đến những thành kiến quá khứ. Còn đối với tương lai nó khởi xướng một phong trào chưa có ai nghĩ tới. Những người còn giữ óc tồn cổ, thì đều khinh chê học thuyết xã hội, và những học thuyết cao siêu này. Kẻ khác thì cảm phục lý tưởng xã hội của Đức giáo hoàng là một lý tưởng rực rỡ, nhưng lại cho rằng chỉ là một ảo tưởng không thể nào thực hành được. Ai cũng có thể mong chờ, nhưng không ai hy vọng thực hiện nó được.
iii. Mục đích bức thông điệp mới.
12.- Vì thế anh em khả kính đang khi thế giới náo nhiệt mừng lễ “đệ tứ thập chu niên” của bức thông điệp “RN” , thấy các công nhân kitô hữu ở khắp tứ phương tuôn đến thành thánh Lamã, thì Ta thừa dịp rất thuận tiện này mà nhắc lại những ân huệ phi thường mà bức thông điệp ấy đã đem lại cho cả nhân loại nói chung. Học thuyết canh tân kinh tế xã hội của Đức Lêô XIII thì thật vĩ đại, nên đã bị bao người ngờ vực cảnh cáo. Vậy kèm theo sau. Ta sẽ bênh vực và giảng giải một vài điểm chính chưa được hiểu rõ. Sau hết, Ta sẽ luận xét chế độ kinh tế hiện tại và phi bác chủ nghĩa xã hội. Đã định rõ tệ đoan xã hội ngày nay phát nguồn tại đâu, thì Ta sẽ chỉ vạch đường lối duy nhất, ai cũng phải theo để tu bổ lại xã hội cận kim, tức là cải tạo phong tục thế giới theo lý tưởng phúc âm.
Bức thông điệp này sẽ chia ra làm ba phần tùy theo các vấn đề Ta mới nêu lên. Rồi Ta sẽ dành toàn thư để tìm một giải pháp hợp lý hợp thời.
I. Những hiệu quả bởi bức thông điệp “RN”
13. Trước khi nhập đề tìm giải quyết điều thứ nhất theo ý Ta đã định, Ta không khỏi quên lời thánh Ambrôsiô khuyên rằng : Trọng nhất trong những phận sự của Ta là tạ ơn Chúa liên lỉ. Nhớ đến những ân huệ quý hóa bức thông điệp của Đức Lêô XIII đã đem lại cho giáo hội và cả nhân loại; trước tiên Ta phải đội ơn Chúa không ngừng, dầu chỉ muốn lược thảo những ân huệ đó sơ qua, thì thật Ta cũng phải thuật lại lịch sử xã hội, trải qua bốn mươi năm vừa rồi. Nhưng Ta có thể tóm tắt mọi điểm chính, tùy theo ba phương dược, mà Đức tiên giáo hoàng đã đề nghị để hoàn tất công việc canh tân xã hội, ngài đã đảm nhiệm.
1. Sự can thiệp của giáo hội.
14. Trước tiên Đức Lêô XIII đã định rõ những điều thế giới có quyền đòi ở giáo hội. Ngài viết: (x. RN 13)
a) Phần lý thuyết:
Những tài liệu quý giá này, giáo hội không bao giờ bỏ hoang đâu. Mà cứ khai khẩn mãi, để gây thái bình cho xã hội. Đức Lêô XIII, và những giáo hoàng kế tiếp Người đã dùng lời nói và bút mực mà nhiệt thành truyền bá học thuyết kinh tế xã hội tóm tắt trong bức thông điệp “RN”; các ngài không bao giờ ngừng thúc đẩy dân nước thực hành và áp dụng học thuyết ấy, vào thời thế hoàn cảnh xã hội hiện tại. Lúc nào các ngài cũng tỏ lòng nhiệt thành và tỏ tình nghĩa phụ tử với những người bần cùng yếu đuối. Vì các ngài là chúa chiên dũng cảm, thì các ngài cũng mạnh sức bảo vệ các dân đen. Theo bản ý của tòa thánh, cũng đã không thiếu gì những giám mục sáng suốt nhiệt thành vừa trình bày giải pháp vừa áp dụng học thuyết xã hội của Đức Lêô XIII cho các dân nước đều hưởng lợi.
15. Bởi thế ta không ngạc nhiên gì khi thấy bao người trí thức, giáo sĩ và giáo hữu hết sức quý chuộng và nhiệt tâm phổ biến những kỷ luật kinh tế xã hội của giáo hội tùy theo những đòi hỏi của thời thế. Mục đích của họ là áp dụng vào những trường hợp hằng thay đổi. Những nguyên tắc bất di bất dịch của giáo hội về đời sống cộng đồng của nhân loại.
16. Lấy bức thông điệp của Đức Lêô XIII làm căn bản và tỏa sáng học thuyết xã hội công giáo, hiện ra và phát triển càng ngày càng phong phú hơn. Những người ưu tú, đêm ngày lưu tâm đến việc tối hệ trọng này, buộc ta phải gọi họ là những người phụ tá của giáo hội. Học thuyết xã hội này không giam kín vào những trường học mờ tối đâu, trái lại nó đã ra mặt trận chiến đấu công khai. Một bằng cớ rõ ràng là những công trình vĩ đại của các đại học công giáo, các hàn lâm viện, các chủng viện các hội nghị thường gọi là “những tuần lễ khảo cứu về xã hội” đã được tổ chức không biết bao lần rồi và đã kết quả bất ngờ. Thêm vào đó là những hội học, những sách vở báo chí muôn mặt đã được phổ biến khắp nơi một cách rất hợp thời.
Bức thông điệp của Đức Lêô XIII hữu ích như vậy, không phải là hết đâu. Những bài học đó, đã dần dần tiêm nhiễn luôn cả tâm hồn những người thiện chí không được hân hạnh hợp nhất với giáo hội, vì chưa phục quyền duy nhất của Người.
17. Như vậy những nguyên tắc giáo hội đã đề cập về xã hội, đã dần dần hóa nên sản nghiệp chung của nhân loại. Ta hết sức mừng rỡ, khi thấy những chân lý vĩnh cửu, Đức Tiên Giáo hoàng đã công bố mỗi ngày một được đề cập và bảo vệ ráo riết hơn trong các sách vở báo chí công giáo và không công giáo, và trong cả các quốc hội và tòa án.
Hơn thế nữa, sau một cuộc thế chiến kinh khủng, các nhà chính trị ở các cường quốc đã quyết định cải tạo đời sống xã hội để xây dựng hòa bình thế giới cho kiên cố. Vậy những nguyên tắc họ đề cập để tu bổ lại nền cần lao cho công bằng và bác ái, đều giống những nguyên tắc và huấn dụ của Đức Lêô XIII, đến nỗi ta có cảm tưởng rằng : những nguyên tắc ấy bởi bức thông điệp “RN” trích ra. Thực sự bức thông điệp ấy đáng ghi nhớ. Ta có thể áp dụng vào nó, lời tiên tri của Isaia đã nói : “Đó là một biệt hiệu đã được dựng lên cho các dân nước thiên hạ”.
b) Phần thực hành.
18. Những nguyên tắc Đức Lêô XIII đã đề cập đến, ai cũng đã tìm hiểu sâu rộng trong phạm vi lý thuyết, và nhờ đó đã tiêm nhiễm tâm trí xã hội. Nhưng quý hơn nữa là những nguyên tắc ấy đã được áp dụng vào thực tế. Trước hết bao người thiện chí đã nỗ lực nâng cao địa vị sinh hoạt của các công nhân. Dầu giai cấp lao động càng ngày càng thêm đông, dầu đại kỹ nghệ ngày một phát triển thêm, giới lao động cũng không chiếm lấy được một địa vị khả quan hơn trong xã hội. Nên công nhân vẫn trơ trọi mà lại bị khinh chê nữa. Ta nói về giới lao động mà các linh mục triều hay tu dòng đã tìm giải phóng không cứ gì những công việc mục vụ mà họ gánh vác từ trước dưới quyền chỉ dẫn của các giám mục; những linh mục ấy đã tận tâm với các công nhân, thì công nhân hưởng lợi rất nhiều, vì linh mục bền chí, thì tinh thần công giáo của công nhân lại cao lên. Nhờ đó, công nhân mới ý thức chức vụ. Họ ý thức phận sự và quyền lợi giai cấp của họ. Họ lại đủ năng lực mà tiến bước trên đường công lý, tiến triển, đến nỗi họ đứng dậy hướng dẫn được anh em đồng nghề.
Kết quả là các công nhân kiếm được sinh kế dồi dào và vững chắc hơn. Theo lời Đức Tiên Giáo hoàng khuyên nhủ, không những các việc bái ái từ thiện được phát triển, mà lại theo ý sở nguyện của giáo hội, nhờ sự hấp dẫn của các linh mục. Ta đã thấy những công cuộc ủng hộ và viện trợ công nhân càng ngày càng được thiết lập nhiều, và đoàn tụ đủ mọi người nông dân và lao động...
2. Sự can thiệp của chính quyền.
19. Chính quyền đã bị chủ nghĩa tự do chế ngự trong phạm vi bảo vệ trật tự và luật pháp. Đức Lêô XIII mạnh bạo phá vỡ những biên giới chật hẹp ấy. Ngài công bố rằng : chính quyền phải lợi dụng luật pháp và mọi cơ cấu xã hội để thiết lập một hiến pháp và một nền hành chánh đủ năng lực để phát triển sự thái bình công và tư. Đã đành chính quyền phải nhường chỗ cho từng cá nhân và từng gia đình đủ quyền tự do hành động. Nhưng với hai điều kiện cần thiết ; thứ nhất là giữ công ích nguyên vẹn; thứ hai là giữ quyền bất khả xâm phạm của tư nhân. Đã đành chính quyền phải bảo vệ cả cộng đồng xã hội, nhưng chính quyền cũng phải bảo vệ từng công dân tự nhiên hợp với nhau thành cộng đồng xã hội. Vậy trong việc bảo vệ từng công dân, chính quyền phải săn sóc riêng những người bần cùng và yếu đuối (x. RN 19).
20. Ta không dám chối rằng, trước khi bức thông điệp của Đức Lêô XIII xuất hiện, thì bao chính phủ cũng đã cung cấp những sự cần thiết thượng khẩn của giới lao động rồi; họ đã bài xích những tai hại các công nhân dầu vô tội cũng đã phải chịu từ trước. Nhưng chỉ có khi nào tòa thánh can thiệp, tiếng Đức Giáo hoàng vang dội khắp thiên hạ, là khi ấy các nhà cầm quyền ý thức sứ vụ và tận tâm hiệp lực mới bắt đầu thực hành một chính sách xã hội rộng rãi hơn.
21. Những định lý của chủ nghĩa tự do đã từ lâu năm làm cho chính quyền tỏ ra bất lực. Vậy đang lúc những định lý giả dối này bắt đầu lung lay, bức thông điệp RN hiện ra. Ngay từ ở trong đại chúng, một phong trào mãnh liệt bùng nổ, vừa đòi hỏi vừa ủng hộ một chính sách xã hội hiệu lực hơn. Chính quyền lại được những giáo dân ưu tú mạnh sức chống đỡ, vì chính họ đã đề cập bộ luật mới này trong các quốc hội xưa nay. Hơn nữa, nhờ bao linh mục thấu triệt học thuyết xã hội của Đức Lêô XIII can thiệp, thì mới có nhiều luật lệ xã hội được đưa ra cho các quốc hội phê chuẩn. Cũng vì các linh mục ấy ân cần thúc đẩy, những luật lệ ấy đã được thi hành vẹn toàn.
22. Nhờ những người thiện chí tận tâm hiệp lực như vậy, một bộ pháp luật mới đã xuất hiện. Đời trước không ai biết đến, ngày nay ai cũng hưởng lợi. Những quyền lợi bất khả xâm phạm công nhân đã có sẵn, vì nhân phẩm hay chức vị kitô hữu của họ, được tôn trọng cho cân xứng. Những điều luật bảo vệ giới lao động ấy, thì bao quát cả địa vị sinh hoạt của công nhân nam nữ; tuổi trẻ, sức khỏe, năng lực, gia đình, nhà ở, xưởng máy, tiền lương và bảo hiểm những sự rủi ro của cần lao.
23. Ta không nói được những điều luật ấy lúc nào và nơi nào cũng hoàn toàn thích ứng với những nguyên tắc Đức Lêô XIII đề cập. Nhưng không ai chối được rằng bức thông điệp RN đã có ảnh hưởng đến. Thành ra sự cải thiện địa vị sinh hoạt của công nhân, phần lớn là do bức thông điệp quý giá của Đức Lêô XIII, là một bức thông điệp đáng ghi nhớ muôn đời.
3. Sự cộng tác của chủ nhân và công nhân.
24. Đức Tiên Giáo hoàng lại sáng suốt chứng minh rằng : chính các chủ nhân và công nhân có thể góp phần hiệu nghiệm trong việc giải quyết vấn đề xã hội, nhờ những công cuộc vừa để nâng đỡ kẻ bần cùng vừa tìm hòa giải hai giai cấp. Trong những công cuộc ấy, cần thiết nhất theo ý Ngài là những nghiệp đoàn hoặc riêng cho công nhân, hoặc chung cho cả công nhân và chủ nhân. Đức Giáo hoàng viết vài lời hoặc ca tụng hoặc củng cố những hội đoàn ấy. Ngài định nghĩa bày tỏ lý do, sự hợp thời, quyền lợi, nghĩa vụ và các luật lệ vốn điều khiển những tổ chức như vậy.
Những huấn thị này quả thực là rất hợp thời. Thời kỳ đó, ở nhiều quốc gia, chính quyền thụ hưởng chủ nghĩa tự do, nên ác cảm với những hội đoàn bảo vệ lao động, nhiều khi họ lại phản đối công khai nữa. Họ tình nguyện chuẩn y ủng hộ những hội đoàn tương đương được sáng lập trong những giai cấp xã hội khác. Nhưng nhất định chối không cho lao công hợp đoàn, đó là một thái độ bất công rõ ràng, vì quyền họp đoàn là quyền tự nhiên của con người mà họ chối không cho lao động là kẻ cần phải họp đoàn mới tự cứu mình khỏi bị những người mạnh quyền áp bức.
Ngay trong những giới công giáo, những cố gắng hợp đoàn của công nhân cũng bị tình nghi là những mưu mô của phái xã hội và bọn cách mạng.
a) Hội đoàn lao công
25. Những huấn lệnh uy quyền của Đức Lêô XIII, đã có công phá mọi trở lực, giải tán mọi tình nghi. Nhưng vinh hạnh nhất là theo những huấn lệnh ấy, bao nhiêu người lao công kitô hữu đã đua nhau tổ chức nghiệp đoàn, theo lời Đức Lêô XIII đã chỉ dạy cho. Nhờ đó họ giữ lại trên đường chính những công nhân bị lôi cuốn quyết ghi tên vào những tổ chức do chủ nghĩa xã hội lập ra rồi tự đắc chỉ có họ mới bảo vệ và ủng hộ người bần cùng, kẻ bị áp bức.
26. Về việc lập các hội đồng công nhân kitô hữu, bức thông điệp “RN” có câu rằng: (RN 42,43).
Đâu đâu cũng có linh mục hợp tác với giáo dân lập các nghiệp đoàn nói trên. Các ngài đáng khen vì đông mà lại rất tận tâm với học thuyết của Đức Lêô XIII mà họ đã quyết thực hành. Nhờ những hội đoàn ấy, có cả một thế hệ công nhân kitô hữu được huấn luyện chu đáo, tìm hòa nhịp trong đời sống những đòi hỏi công nghề với những tín ngưỡng công giáo của họ. Nhờ đó họ được đủ sức mạnh để bảo vệ phận sự và quyền lợi thế tục của họ một cách cương quyết vừa thích hợp với công lý. Họ lại đem lòng thành thực hợp tác với các giai cấp xã hội khác để phục hưng lại xã hội theo lý tưởng phúc âm.
Học thuyết và huấn lệnh của Đức Lêô XIII nhờ đó mà được thực hiện theo trăm ngàn thể thức tùy thời thế hoàn cảnh đòi hỏi bắt buộc. Chỗ này thì chỉ lập ra một tổng hội theo đuổi mục đích của Đức Lêô XIII đề cập, nơi khác vì hoàn cảnh cần lao chuyên biệt, hội đoàn này thì bảo vệ quyền lợi và bổn phận công nhân trong phạm vi cần lao; hội đoàn kia thì lại chuyên lo tổ chức việc công nhân nâng đỡ nhau trong phạm vi kinh tế. Còn về tôn giáo và luân lý hay những sự cần tương đương như vậy thì có những hội đoàn khác chuyên lo.
27. Tổ chức thứ hai này ưu thắng hoặc ở những chỗ luật pháp kinh tế hay xã hội nghiêm khắc bắt buộc, hoặc ở những chỗ công nhân phải đối phó với những phong trào phá rối trật tự bằng một mặt trận thống nhất, cấm ngặt không được lập nghiệp đoàn lao công kitô hữu công khai. Trong những trường hợp ấy, công nhân công giáo hầu như bắt buộc phải nhập vào những nghiệp đoàn trung lập, nhưng tôn trọng công bằng bác ái và quyền tự do sống theo lương tâm và luật giáo hội. Các giám mục phải kiểm soát và quy định các hội đoàn ấy có thích hợp với thời thế hoàn cảnh, mà có nguy hiểm gì cho đạo công giáo chăng. Nếu có đủ điều kiện các ngài có quyền rộng phép cho các công nhân công giáo nhập vào tùy theo những luật lệ và những huấn lệnh của Đức Piô X, Đức Tiên Giáo hoàng khả kính của chúng ta. Theo những huấn lệnh ấy, điều cần thiết nhất là bên cạnh các công đoàn này, phải lập những hội đoàn công giáo luôn luôn tận tâm huấn luyện công nhân cho họ chóng trở nên những kitô hữu thấu đạo, thông luân lý, và hằng tiêm nhiễm tinh thần phúc âm vào mọi hành động sinh hoạt của họ. Nhờ vậy các hội đoàn kia có lẽ sẽ gây ảnh hưởng rộng ra ngoài cả phạm vi đời sống riêng của các cá nhân.
b) Những hội đoàn hành động trong các giai cấp khác.
28. hơn thế nữa, những huấn dụ khôn ngoan, những huấn lệnh rõ rệt của Đức Lêô XIII về quyền tự do hội họp, đã được thích dụng trong những giai cấp không phải là lao động. Bức thông điệp của ngài đã gây dịp rất thuận tiện cho bao nhiêu hội đoàn hữu ích khác được thành lập và phát triển mạnh trong giới nông dân. Giới trung lưu và nhiều tổ chức tương đương khác, hằng dung hòa nguồn lợi kinh tế với phận sự giáo dục con người.
c) Công đoàn chủ nhân.
29. Nhưng ta không thể nào nói thế, về các hội đoàn chủ nhân hay chủ nghiệp mà Đức Tiên Giáo hoàng đã hết sức mong ước. Ta cũng rất tiếc vì những hội đoàn ấy còn hiếm quá. Cái đó không phải là chỉ lỗi tại người ta đâu. Về đàng ấy đời ta đầy những trở lực chẳng mấy ai thắng nổi. Ta biết những trở lực ấy, mà lại lượng giá cho cân xứng nữa. Nhưng ta cũng mong ước những trở lực ấy trong một ngày gần đây sẽ tan đi. Ta đón mừng và thành thực ca tụng những cố gắng hùng dũng của bao người thiện chí, đáng rút kinh nghiệm về đàng ấy. Chắc thể nào chẳng bao lâu nữa, họ sẽ được hái quả tốt đẹp hơn cả những hoa quả họ đang mong.
Bức thông điệp RN là hiến chương của lao động.
30. Những ân huệ bởi bức thông điệp RN Ta chỉ lược qua vậy thôi, không diễn tả hết được. Những hiệu quả vô số và quan trọng do bức thông điệp ấy gây nên chứng tỏ rõ rằng chủ nghĩa xã hội của Đức Lêô XIII không phải chỉ là một ảo tưởng rực rỡ nhưng không ai thực hành được đâu. Đó là một lý tưởng rất đẹp. Đức Tiên Giáo hoàng đã rút sẵn ở trong nguồn sống của phúc âm, một học thuyết hiệu lực có lẽ chưa giải quyết hết mọi vấn đề xã hội hiện tại, nhưng ít nhất cũng giảm bớt được tai hại của một xã hội tương tranh kịch liệt gây nên. Bức thông điệp của Đức Lêô XIII là một hạt giống đã được gieo rắc một phần nào trong những đồng ruộng phì nhiêu. Bằng chứng rõ ràng là những hiệu quả rất đẹp mà nhờ ơn Chúa giáo hội và cả nhân loại đã gặt hái trong 40 năm vừa qua.
31. Với thời gian, bức thông điệp RN đã dần dần hiện ra là hiến chương của mọi hành động công giáo trong phạm vi xã hội. Ai khinh thường bức thông điệp được cả thế giới long trọng kỷ niệm năm nay, thì rõ ràng là kẻ khinh thường những sự mà họ chưa biết. Hoặc kẻ ấy chưa hiểu những điều tai đã nghe, hoặc là người hiểu biết hết, nên đáng bị kết án là kẻ vong ân và bất công.
Cũng với thời gian, đã có những đoạn trong bức thông điệp, hoặc bị người ta hồ nghi không biết phân giải thế nào, hoặc khiến người ta hoang mang không biết áp dụng làm sao cho hợp lý. Thỉnh thoảng cũng đã từng có những cuộc bàn luận sôi nổi giữa giáo dân về những vấn đề đó. Ngoài ra những đòi hỏi của đời ta bây giờ, những biến cố lớn đã xảy ra trong phạm vi quốc tế cũng buộc ta lên tiếng, hoặc để chỉ lối áp dụng học thuyết xã hội của Đức Lêô XIII, hoặc bổ khuyết những quan điểm còn thiếu, Vậy cứ theo sứ vụ tông đồ buộc ta phải phụng sự toàn thể nhân loại, ta hân hạnh nhân dịp rất thuận tiện này để giải quyết những điều còn khắt khe và giải đáp những vấn đề mới được nêu lên.
II. Học thuyết công giáo về vấn đề kinh tế và xã hội.
32. Trước khi nhập đề ta đã nhấn mạnh vào nguyên tắc chính Đức Lêô XIII đã đề cao rằng : Ta có quyền mà lại có phận sự đem cả thiên chức uy linh của Ta, để giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi kinh tế và xã hội.
Đã đành sứ vụ riêng của giáo hội không phải chỉ là dẫn đưa nhân loại đến hạnh phúc tạm gửi chóng qua đời này. Giáo hội phải đưa nhân loại đến hạnh phúc trường sinh. Hơn thế, giáo hội không sao nhận mình có quyền tham gia vào những việc thuộc về thế tục. Thật ra, để giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội về phương diện kỹ thuật chuyên môn, giáo hội không những thiếu phương tiện mà lại thiếu luôn cả năng lực. Nhưng dầu thể nào mặc lòng, giáo hội không thể nào sao nhãng sứ vụ Thiên Chúa đã giao uỷ cho, mà không tham gia vào tất cả mọi phạm vi đời sống có liên quan đến chân lý. Ta có phận sự duy trì những chân lý của phúc âm. Ta buộc nhặt phải tuyên bố, giải nghĩa, rao giảng luân lý nữa, về đủ mọi phương diện, bất cứ Ta gặp phải trở lực nào. Vậy không ai chối được tổ chức xã hội và kinh tế tự nhiên liên quan với luân lý. Nên ta có quyền can thiệp vào, ít nhất là về phương diện ấy. Quả thật, phạm vi kinh tế và phạm vi luân lý thì khác nhau xa. Mỗi phạm vi cũng có những nguyên tắc khảo cứu và hành động riêng biệt. Nhưng phân tích kinh tế học và luân lý đến nỗi luân lý không còn ảnh hưởng gì đến kinh tế là lầm to. Đã đành những luật lệ kinh tế thì căn cứu vào thiên nhiên và những năng lực hồn xác của con người. Nhờ đó kinh tế học mới cho ta biết rõ những vật đích kinh tế theo đuổi, mà năng lực cá nhân không sao đạt tới được. Trong những vật đích ấy, nó lại theo đuổi những mục tiêu nào, rồi quyết thực hành những mục tiêu ấy bằng cách nào ? Đằng khác lý trí căn cứ vào thiên nhiên, bản tính cá nhân và xã hội của con người để cho ta biết cứu cánh tuyệt đối, mà tạo hóa đã định cho nhân loại phải theo đuổi trong cả phạm vi kinh tế nữa.
33. Nhưng chỉ luân lý mới buộc chúng ta phải theo đuổi những mục tiêu trực tiếp thiên nhiên và nhất là Tạo hóa đã định cho mỗi phạm vi hành động của ta, rồi minh phối những mục tiêu ấy tự nhiên hòa hợp với nhau, theo cứu cánh tuyệt đối ai cũng phải đạt tới trong đời sống của mình. Trung thành theo đuổi cứu cánh này, tất cả mục tiêu riêng loài người quyết đạt tới bằng những hành động cá nhân hoặc xã hội hay kinh tế, sẽ tự nhiên ăn khớp với nhau khôn khéo lạ lùng. Nhờ vậy loài người sẽ tiến dần dần hầu như đi từng bước một trên đường đưa tới tuyệt đỉnh cao thượng muôn vật hằng hướng đến : Tức là Thiên Chúa; đối nội là Đấng hoàn hảo tuyệt mỹ; đối ngoại (tức là đối với nhân loại) là nguồn phúc vô tận tuyệt đối ai cũng mong tới.
Quyền tư hữu
34. Bây giờ ta nhập đề. Trong những điều ta quyết bàn giải, điều thứ nhất là quyền tư hữu.
Anh em thân mến, anh em thừa biết Đức Tiên Giáo hoàng đáng nhớ đã bênh vực quyền tư hữu khỏi mọi tà thuyết xã hội đời trước phá tan. Ngài đã chứng tỏ một cách hùng hồn và rõ ràng : Bài trừ quyền tư hữu này thì thay vì gây ích lợi cho giai cấp lao động, chỉ là gây tai hại không tả xiết. Nhưng dầu sao cũng không thiếu người bỏ vạ cho Tòa thánh và cả giáo hội, mà kêu trách rằng : Đức Tiên Giáo hoàng đã bênh vực và cứ bênh vực mãi kẻ giầu sang mà bỏ mặc kẻ bần cùng vô sản. Thật là một điều lăng mạ không ai chịu được.
Mặt khác, chính giáo dân bất đồng ý về cách giải nghĩa quan niệm của Đức Lêô XIII về quyền tư hữu. Vậy thiết tưởng ta phải rửa nhục cho giáo hội đã bị cáo gian vì học thuyết xã hội của Đức Lêô XIII, là học thuyết chính thức của giáo hội, rồi ta phải cải chính những điều đã bị giải thích trái sự thực.
Quyền tư hữu có tư cách cá nhân và xã hội.
35. Một điều ai cũng phải nắm chắc là Đức Lêô XIII và các nhà thần học, đều giải thích giáo lý dưới sự linh ứng và kiểm duyệt của giáo hội. Các ngài không bao giờ chối và không bao giờ bài bác hai tính cách tự nhiên của mọi quyền tư hữu, bất cứ quyền ấy gây lợi ích riêng cho từng công nhân, hay chỉ quy về công ích của toàn dân. Trái lại ai cũng đồng ý công nhận rằng, quyền tư hữu thì bởi thiên nhiên, tức là bởi Tạo hóa phú ban cho nhân loại. Nhân loại hưởng dụng quyền ấy theo hai mục đích. Thứ nhất là để mọi người tìm kế sinh nhai và cấp đủ sự cần cho cả gia quyến; thứ hai là để mọi của cải Tạo hóa cấp chung cho nhân loại, nhờ quyền tư hữu nói trên được mưu ích thực sự cho từng người. Nên trong thực hành xã hội phải duy trì trật tự tự nhiên và liệu cho có quy cách vững vàng.
Cho nên có hai chướng ngại ai cũng phải cẩn thận tránh xa : chối hay cứ giảm mãi tính cách xã hội và công chính của quyền tư hữu, là xa vào chủ nghĩa cá nhân khốc hại. Trái lại, chối hay cứ giảm mãi tư cách tư nhân của quyền sở hữu lại là sa vào chủ nghĩa tập sản (hay cộng sản) không kém khốc hại. Nếu không sa vào hoàn toàn thì ít nhất cũng là thông phần sai lạc của có.
Không khéo tránh hai chướng ngại đó, thì thế nào cũng phải quy về phong trào luân lý, pháp luật hay xã hội hiếu tân, mà chính ta đã cảnh cáo ngay từ lúc mới lên ngôi giáo hoàng.
Yêu cầu mọi người và nhất là những kẻ mới trôi theo phong trào cải tân, (làm ơn chú trọng điểm ấy). Họ vô lý khi quở trách giáo hội đã mặc các nhà thần học truyền bá quan niệm tha dân xưa về quyền tư hữu, đang lúc họ hấp tấp đề nghị một quan niệm sai lạc, mà họ vô ý thức giới thiệu là quan niệm kitô hữu chính đáng.
Phận sự kèm theo quyền tư hữu.
36. Bàn tán về những sự xích mích do quyền tư hữu và phận sự kèm theo nó, mà không muốn ngoại đề, thì ta phải nhắc lại nguyên tắc căn bản chính Đức Lêô XIII đã nhấn mạnh từ trước : quyền tư hữu không thể nào hòa lẫn với thể cách dùng quyền ấy. Phận sự tôn trọng sở hữu của từng người, do đức công bằng thường gọi là công bằng giao hoán (justice commutative) bắt buộc. Cũng do một nhân đức ấy, mà mọi người cấm không được vượt qua quyền lợi riêng mà chạm đến quyền lợi kẻ khác. Mặt khác, phận sự buộc các chủ sản dùng quyền sở hữu của họ cho hợp lý; thì do các nhân đức khác, chứ không bởi đức công bằng nói trên mà ra. Vì thế, dầu phận sự dùng của cho hợp lý buộc ngặt thì cũng không ai căn cứ vào pháp luật, để cưỡng bách người ta tuân giữ nó được; thành ra tìm đồng nhất quyền sở hữu và cách dùng sở hữu riêng, là lầm to. Nhưng lầm to hơn nữa là quyết bài trừ quyền tư hữu, nguyên vì lý do người ta đã dùng quyền trái lý, hay cứ bỏ hoang những sở hữu của họ. Trái lại, một việc hữu ích đáng khen là tận tâm hiệp lực tránh xa mọi xích mích là đồng ý với nhau tìm bảo vệ học thuyết xã hội của giáo hội cho vẹn toàn. Rồi mải miết tìm phân minh những bổn phận chủ sở hữu phải đảm nhiệm đối với xã hội, là định giới hạn quyền tư hữu không thể nào vượt qua cả trong cách hưởng sở hữu. Nhưng tìm giảm bớt tính cách tư nhân của quyền sở hữu này đến nỗi trong thực hành không còn tư nhân nào đòi quyền ấy được nữa, đó thật là lỗi lầm và hại lớn.
Chính quyền quốc gia.
37. Về vấn đề sở hữu này mọi người phải nhắm hai mục đích. Quyền tư hữu có tính cách tư nhân và xã hội; cho nên ai cũng phải dùng trực tiếp để gây tư lợi gián tiếp để gây ích lợi chung cho cả cộng đồng xã hội. Vậy hễ khi nào có sự khẩn cấp, mà lại luật tự nhiên vẫn lu mờ không rõ, thì các nhà cầm quyền trong xã hội, phải can thiệp định rõ phận sự của từng công dân đối với công ích. Trong những trường hợp đó, chính quyền phải tìm hiểu những đòi hỏi của công ích, rồi ấn định công dân phải dùng sở hữu làm sao cho thích hợp với luật tự nhiên và lệnh Tạo hóa. Đức Lêô XIII sáng suốt dạy rằng : Thiên Chúa đã uỷ việc định hạn sở hữu cho lý trí lỗi lạc của từng người và cho những cơ cấu xã hội của từng dân tộc. Thể cách hưởng dụng quyền tư hữu, cũng như một chế độ xã hội phải thay đổi theo thời thế hoàn cảnh, nên không nói được là sự bất di bất dịch đâu. Điểm ấy lịch sử làm chứng rõ ràng, và chính ta đã nhấn mạnh trong một bài diễn văn khác : (diễn văn cho công giáo tiến hành Ý, 16.3.1926) Ta nói rằng : “Những thể cách hưởng dụng quyền tư hữu đã biến hóa luôn từ thể cách thô sơ của các dân mường mọi xưa” và còn được duy trì ở một vài địa phương, trải qua thể cách tộc trưởng, sang đến thể cách độc tài, phong kiến đế vương vừa rồi, cho đến những thể cách rất phức tạp của xã hội cận kim. Nhưng dầu sao, ta không nói được trong phạm vi ấy chính quyền định làm gì cũng được đâu. Bất cứ lúc nào quyền tư hữu là quyền tự nhiên và quyền truyền gia sản theo lời thừa kế phải tuân giữ vẹn toàn. Quyền ấy không chính phủ nào bãi bỏ được, vì con người có trước, xã hội có sau; gia đình lại là xã hội có trước, xã hội dân chính mới có sau không những trong lý thuyết mà lại trong cả thực tế nữa. Cũng vì thế mà Đức Lêô XIII đã nói quyết rằng : chính phủ không sao làm kiệt quệ quyền tư hữu của từng công dân vì bắt thuế quá nặng. Quyền tư hữu là quyền thiên tạo chứ không chỉ là một quyền nhân tạo đâu, thành ra chính quyền điều khiển được người ta lợi dụng quyền ấy làm sao cho nó hòa hợp với công ích. Nhưng chính quyền không sao bãi bỏ nó được. Hễ khi nào chính quyền tìm dung hòa quyền tư hữu với công ích, thì chẳng những không đáng gọi là kẻ thù nghịch các chủ sản, mà lại đáng được các chủ sản nhận thực là bạn hữu ân cần cứu thoát quyền tư hữu, vốn được Thiên Chúa quan phòng dựng nên để giúp ích cho nhân loại khỏi gây bao thiệt hại nguy khốn và tự tiêu diệt dần dần. Nhờ vậy, chính quyền không đàn áp quyền tư hữu đâu, mà cứ bảo vệ nó. Thay vì làm cho nó sút kém chính quyền tăng lực cho nó.
Phận sự đối với hoa lợi tiêu dụng được.
38. Loài người không ai có quyền tiêu dụng phần hoa lợi thừa dư tùy ý sở nguyện. Phần hoa lợi nói đây gồm tất cả phần hoa lợi còn dư sau khi mình đã cấp đủ sự cần cho đời sống luôn luôn cân xứng với địa vị. Trái lại, kẻ giàu sang buộc ngặt phải thí của, làm việc từ thiện, tỏ mình rộng rãi theo lời Thánh Kinh và các tiến sĩ hội thánh không ngừng giảng dạy.
Vậy căn cứ vào những nguyên tắc thánh Thomas thường hay đề cập, ta có thể kết luận rằng : Những người nào có phần lợi thừa dư mà đem góp vào một xí nghiệp đang phát triển gây dịp cho công nhân tìm việc lĩnh lương phải chăng, mà lại sản xuất những đồ hữu ích thật, thì những người ấy thực hành luật bố thí, làm việc từ thiện một cách rất đáng khen và rất thích hợp với những đòi hỏi của đời ta, ấy là thực hành đức quảng đại thực lòng.
Quyền sở hữu chính đáng căn cứ vào đâu
39. Theo những phong tục di truyền và phổ biến khắp nơi, theo các huấn thị của Đức Tiên Giáo hoàng Leo XIII, những lý do chính tự nhiên phát sinh quyền sở hữu của bất cứ người nào, thì có hai : tiên chiếm một đồ vật còn vô chủ; lao công để biến hóa một vật liệu nào thành một đồ vật hữu ích có giá trị. Quả thật, không cứ gì những dư luận vô lý bay bổng tiên chiếm những đồ hoang chưa nhập sở hữu của ai hết, không phải là sự bất công đâu, “tiên chiếm giả đắc”. Mặt khác, lấy một đồ vật thuộc sở hữu của mình, rồi xuất công biến hóa thành đồ vật hữu ích và thêm giá trị, cũng là đủ mà đòi toàn quyền đến sản phẩm ấy.
a) Tư bản và cần lao
40. Kẻ làm mướn, tức là làm việc cho một người hứa trả công và cấp sẵn đủ vật liệu, thì khác hẳn. Ta phải áp dụng cho kẻ ấy những lời tuyên bố của Đức Lêô XIII đã quyết rằng : không ai chối cãi được phúc lợi của các dân tộc đều phát nguồn từ ở cần lao. Ta nhận thấy rằng : Những sản phẩm mênh mông đủ thứ làm cho các dân nước ngày càng phong phú hơn, há chẳng phải do bàn tay lao động phát xuất ư ? Dầu họ làm bằng tay hay nhờ những máy móc tăng lực cho, ta cũng phải công nhận những sản vật ấy là công nghiệp của họ. Ai cũng phải nhận rằng: không dân nào thoát khỏi sự bần cùng và sự khốn cực, nếu dân nước ấy không động viên toàn lực để hợp tác vào cần lao; bằng cách lao tâm chỉ huy, hay bằng cách lao động thực hành đủ mọi công việc cần thiết. Đàng khác những năng lực sản xuất kia, chắc thể nào cũng sẽ vô hiệu quả, nếu Tạo hóa dựng nên muôn vật không tỏ lòng quảng đại mà tiềm tàng trong thiên nhiên đủ nguyên liệu và nguyên lực. Ngoài ra cần lao là gì, há chẳng phải là xuất đủ mọi năng lực tâm trí và thể xác, hoặc để cải hóa muôn vật trong thiên nhiên cho hữu ích hơn, hoặc để hưởng dụng những sự vật ấy làm khí cụ thích ứng với công việc mình quyết thực hành ư ?
41. Vậy luật thiên nhiên vốn bày tỏ ý Tạo hóa cho nhân loại noi theo, ép buộc ai nấy cũng phải chia sản phẩm của thiên nhiên cho thích hợp với những nhu cầu chính đáng của nhân loại, theo một tổ chức thứ tự hoàn hảo. Luật ấy không sao thực hành được, nếu chúng ta chối quyền sở hữu. Vật nào chủ ấy. Thành ra ngoài trường hợp công nhân dùng vật liệu riêng mà làm việc, thì sự cộng tác giữa người có tư bản và người cần lao làm việc là sự tối cần. Thiếu sự cộng tác này, bên nào cũng ra vô hiệu lực. Những lời Đức Lêô XIII đã nói quyết rằng : cần lao thiếu tư bản, tư bản thiếu cần lao cũng thành vô ích cả hai. Phải hiểu như vậy.
Vì vậy, dồn vào tư bản hay vào cần lao, những công hiệu do cả hai hợp tác gây nên, là một lầm lỗi lớn. Tư bản cảnh cáo cần lao là vô ích, cần lao cảnh cáo tư bản là vô dụng, đằng nào cũng là phạm đến công bằng. Vì cả hai tư bản và cần lao hợp tác chặt chẽ thân mật với nhau thì mới có công hiệu.
b) Những đòi hỏi vô lý của tư bản
42. Quả thật phần hoa lợi mà xưa nay, tư bản đòi làm phần riêng thì đã quá nhiều. Nó đòi luôn sản phẩm và cả hoa lợi nữa, chỉ nhường cho cần lao đủ tiền lương bổ sức và truyền nòi là một sự bất công. Người ta quyết rằng luật kinh tế thì bất di bất dịch. Nó buộc tư bản chồng chất trong tay cả vốn liếng, và buộc cần lao phải kéo lê một đời sống bấp bênh trong cảnh thiếu thốn bần cùng không ai tránh được. Nhưng cũng may mà thực tế không thích hợp với những lý thuyết mà chủ nghĩa tự do bởi trường Manchester khởi xướng từ trước. Nhưng dầu sao, nền kinh tế xã hội đã không ngừng hướng chiều về những lý thuyết khốc hại đó. Bởi thế không còn ai ngạc nhiên được, khi thấy những huấn lệnh và những tà thuyết ấy bị phản đối kịch liệt từ ở những người không thuộc giai cấp lao công. Vì những tà thuyết ấy công nhận không được vươn mình lên một địa vị sinh hoạt khả quan hơn nữa.
c) Những đòi hỏi vô lý của cần lao.
43. Đối lại bao người trí thức thiện chí nhập vào phe lao động để thúc họ đả phá luật kinh tế giả tạo kia, để áp dụng một luật luân lý cũng hư ảo: Sản phẩm và hoa lợi trừ phần cần thiết để hoàn giao và tu bổ lại tiền vốn đã tiêu xuất, phần còn lại đương nhiên là của công nhân. Đó cũng là một đòi hỏi vô lý và sai lầm. Nhưng còn một đòi hỏi vô lý hơn nữa, là đòi hỏi của chủ nghĩa xã hội đòi phải trao lại cho chính phủ hay quốc hữu hóa tất cả mọi khí cụ sản xuất.
Nhưng dầu không nói rõ đòi hỏi kia sai lầm ở chỗ nào, có lẽ nó nguy hại hơn, vì nó sẽ đánh lừa những người thiếu kinh nghiệm và hay mê tín. Nó là một nọc độc ai thụ hưởng cũng bị say mê. Cả những người kịch liệt chống trả chủ nghĩa xã hội, đã liều mình niếm thử nó.
Một nguyên tắc chính đáng, phải áp dụng vào việc phân chia hoa lợi.
44. Những tà thuyết bành trướng mãi, thì rất có thể ngăn đường đưa đến công bằng và hòa bình vĩnh viễn. Nên bất cứ bên nào, tư bản và lao công cũng đã cần đến những huấn thị sáng suốt của Đức Tiên Giáo hoàng: “Dầu đã phân chia từng sở hữu riêng, hoàn cầu vẫn mưu ích chung cho toàn thể nhân loại”. Chính Ta mới nhắc lại nguyên tắc ấy rằng: Để mưu ích chung cho nhân loại một cách vững chắc và thứ tự. Tạo hóa mới đặt quyền tư hữu làm phương tiện phân công chia của. Bỏ nhãng nguyên tắc căn bản này là liều mình lạc xa đường chính.
45. Vậy phân chia sản phẩm và hoa lợi lung tung, không phải là phương cách thực hiện ý Tạo Hóa tiền định cho thích hợp với những hoàn cảnh hay thay đổi của nhân loại. Nền kinh tế xã hội càng ngày càng phát triển, sản phẩm càng ngày càng dư thừa. Nên phải lo phân chia hoa lợi làm sao cho từng cá nhân, và đủ mọi giai cấp xã hội hưởng phần công ích theo lời Đức Lêô XIII đã giảng dạy: cho công ích toàn thể xã hội được tôn trọng thật sự. Công bằng xã hội cấm giai cấp này không được làm khó dễ để cho giai cấp kia thông phần hoa lợi cho cân xứng. Giai cấp này hay giai cấp kia cũng lỗi luật chí thánh này như nhau: kẻ giầu sang vì tiền của nhiều nên không cần lo xa. Nếu họ xét đó là một tình trạng tự nhiên chính đáng mà dành hết hoa lợi làm của riêng, không nhường phần nào cho công nhân, thì họ lỗi đến công bằng nói trên. Kẻ vô sản thì khác, họ tức tối cực điểm vì tình trạng quá bất công kia là phải ..., nhưng họ cũng mắc lỗi hoặc vì họ chỉ lo quyền lợi giai cấp mới ý thức của họ, mà quyết dồn vào trong tay mình sản phẩm luôn với cả hoa lợi do công việc của họ đã gây nên, vì làm như vậy, họ lên án và quyết bài trừ mọi sở hữu và mọi nguồn lợi tự nhiên có trong xã hội. Theo ý họ không cứ gì bản tính và vai trò những tư bản ấy trong đời sống nhân loại, cũng phải bài trừ vì là công hiệu của cần lao. Về vấn đề ấy Thánh Phaolô đã có câu: “Ai không làm việc thì kẻ ấy không đáng ăn”. Bao nhiêu người cứ căn cứ vào câu đó mà chứng tỏ quyền riêng của lao công. Nhưng ai lại không thấy là vô lý, là ngoại đề. Trong câu ấy, Thánh Phaolô chỉ lên án những người tránh những việc đáng lẽ họ có thể làm mà lại phải làm nữa, mà cứ đòi ăn như thường. Người thúc đẩy ta cứ ân cần với phận sự, dùng năng lực hồn xác để gây ích lợi tư và công, kẻo bắt người ta phải vác lên vai một gánh nặng là cấp sự cần cho ta, đang lúc ta có thể tự túc, và lo thỏa mãn sự cần riêng. Ta không thể nào căn cứ vào câu ấy, mà tuyên bố rằng : Chỉ có một quyền sở hữu chính đáng, là quyền sở hữu bởi cần lao gây nên.
Thành ra một việc thượng khẩn, ai cũng phải đảm nhận: Trước là trả công cho từng người cách xứng đáng, sau là tổ chức sự phân chia hoa lợi theo những đòi hỏi của công ích và đức công bằng xã hội. Cảnh thê thảm của một xã hội giai cấp dành hết của cải trong tay kẻ giầu sang, và mặc kẻ bần cùng đói rách, là tang chứng rõ ràng trước mắt kẻ còn thiện chí, xã hội đang tiến triển nhưng cũng đã lạc đường chính, nên đang ở một tình trạng trầm trọng nguy hiểm.
1. Phục hưng lại giới vô sản..
46. Mục đích Đức Tiên Giáo hoàng ý thức mục vụ đã theo đuổi, là phục hưng lại giới vô sản trong xã hội. Đó là một phận sự thượng khẩn, ta phải thúc đẩy anh em tận tình lo thi hành. Về phận sự ấy ta phải tha thiết nhấn mạnh, vì ta nhận thật những huấn lệnh của Đức Tiên Giáo hoàng đã bị khinh bỏ, hoặc bị người ta cố tình im lặng không nói đến, hoặc vì người ta ý thức phận sự, nhưng tưởng là quá nặng nề không ai thực hành được mà lại không ai có quyền trốn tránh không chịu nhận được.
47. Cảnh khốn cực ấy, đời Đức Lêô đã kinh khủng thật. Đời ta bây giờ nó giảm bớt nhiều. Nhưng không phải vì thế mà những huấn lệnh của Đức Tiên Giáo hoàng vô giá trị, hay không còn hợp thời nữa đâu. Thú thật địa vị của giới lao công đã khả quan hơn. Thân phận công nhân đã trăm bề dễ chịu hơn. Nhất là trong những quốc gia tân tiến và tiến bộ, công nhân đời ta không thể nào nói được, họ cùng một địa vị khốn cực và bần cùng như nhau. Nhưng mặt khác, đang lúc kỹ thuật và công nghệ lần lượt xâm chiếm các tân quốc gia và các nước viễn đông, thì ta cũng thấy cảnh bần cùng của đa số công nhân vô sản lan rộng và kêu lên thấu trời. Thêm vào đó lại có hằng hà sa số nông dân sống chật hẹp khó khăn, và không chút hy vọng làm chủ ruộng họ cày cấy. Nên không lo liệu gấp và hiệu nghiệm họ sẽ lần lượt nhập vào số kẻ bần cùng, và làm cho giới vô sản tăng số mãi không cùng.
48. Giới vô sản và kẻ bần cùng, quả thật khác nhau xa. Nhưng dầu sao kẻ giầu sang thiểu số mà lại sở hữu rộng lớn, đang sống giữa cảnh đa số kẻ vô sản, là một tang chứng rõ ràng, những sản phẩm do đại kỹ nghệ phát xuất dư dật, chưa được phân chia cho công bằng, và chưa được áp dụng vào những nhu cầu riêng biệt của từng giai cấp xã hội.
Phục hưng giới vô sản bằng cách mở đường cho họ chiếm lấy được một sở hữu.
Bởi thế cho nên chúng ta phải hết sức cổ động và dùng trăm phương ngàn cách, để tài sản hiện đang nằm trong tay sẻ tư bản, được giảm bớt cho hợp công lý hơn, và tràn vào giới lao động cho phải chăng. Không phải để công nhân được bớt lao công mà sống an nhàn hơn đâu. Chim có cánh để mà bay, người ta có tay để mà làm. Nhưng để công nhân đủ sống, đủ dành tiền lập tư sản và dần dần nhờ họ sáng suốt tổ chức sản nghiệp riêng, thì họ đối phó lại được với những đòi hỏi của đời sống và những sự cần cho gia đình dễ dàng hơn. Như vậy họ sẽ bớt phần lo xa, không còn sống bấp bênh là thân phận riêng của giới vô sản. Họ sẽ đầy đủ phương tiện đề phòng và thoát khỏi mọi sự rủi ro mà đời sống của họ vẫn không thiếu. Rồi đến lúc chết họ sẽ yên trí vì thân nhân còn sống nhờ công việc của họ chắc được đủ cho đời sống.
Những quan điểm ấy, trong bức thông điệp “RN” đã được công bố công khai và hiển nhiên. Chính Ta lại tha thiết nhấn mạnh trong bức thông điệp này. Ai cũng phải tin chắc rằng không dựa vào những quan điểm ấy mà để thực hành trong xã hội, mỗi người tùy theo tài lực riêng, thì ta sẽ không bao giờ cứu được trật tự xã hội, hòa bình thế giới và an ninh nhân loại khỏi bị những lực lượng cách mạng đang mạnh tiến xung phong.
2. Định tiền lương cho thích hợp với công lý.
49. Những huấn lệnh ấy, chỉ có thể thực hiện nếu các công nhân hiện vô sản dư điều kiện và nhờ một đời sống tiết kiệm, lập được một sở hữu riêng, theo lời Đức Tiên Giáo hoàng mà chính ta không ngừng nhắc lại cho thế giới. Vậy nếu họ không căn cứ vào tiền công họ nhận lĩnh hằng tháng, thì họ sẽ căn cứ vào đâu mà tổ chức đời sống tiết kiệm ấy. Những người chỉ có công nhật mà bảo vệ mạng sống và tìm đủ sự cần, nếu số tiền lương không đủ thì sẽ lấy gì mà lập tài sản ? Cho nên ta phải bàn luận về vấn đề đồng lương phải chăng, họ có quyền được hưởng. Theo ý Đức Lêô XIII vấn đề ấy rất quan trọng. Vậy ta hãy tìm giải quyết vấn đề ấy bằng cách giải nghĩa và tùy theo sự cần, giảng giải rõ hơn những học thuyết và những huấn lệnh của ngài.
Trước Ta hãy nhắc qua, sự lầm lỗi nguy hiểm của những người nào mưu ý bãi bỏ giao kèo công lao, vì tưởng nó là bất công, để thay thế nó bằng giao kèo xã hội. Những người ấy phạm đến danh giá của Đức Tiên Giáo hoàng Leo XIII. Bức thông điệp “RN” không những công nhận giao kèo công lao là hợp lý, mà lại giảng giải những điều luật cần thiết cho nó thích hợp với công lý hơn.
50. Nhưng dầu sao để thích hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại, ta đề nghị bổ khuyết giao kèo công lao kia bằng những điều kiện ta có thể mượn lấy của giao kèo xã hội này. Điều ấy đã được áp dụng vào rất nhiều trường hợp khác nhau dưới nhiều hình thức khác nhau, mà gây lợi nhiều không những cho cần lao mà lại cho cả tư bản nữa. Tỉ dụ như công nhân và lao động đã được kêu mời tham gia vào sở hữu căn bản của công ty mướn họ. Họ tham gia vào hành chính và chia phần hoa lợi công ty của họ thâu góp được.
51. Đức Lêô XIII đã rất thích đáng nhắc lại rằng : “Ta không sao định số tiền lương phải chăng, theo một nhận xét duy nhất mà quên bỏ những nhận xét khác, có lẽ quan trọng hơn”. Ngài nói để định số tiền lương phải chăng, ta phải chú tâm đến đủ mọi phương diện. Như vậy, ngài đã kết án cho những người tự đắc giải quyết được vấn đề rất phức tạp này, theo một luật mực hay một tỉ lệ nhất định. Ngoài ra luật mực kia, tỉ lệ này hoàn toàn sai lầm.
Kẻ không chút ngần ngại theo thành kiến đã phổ biến hầu hết khắp nơi mà định giá công lao và việc trả công đúng theo hoa lợi nó gây nên, thì đều lầm to. Nhờ vậy họ kết luận rằng : Công nhân toàn quyền đòi tất cả hoa lợi bởi công việc họ gây nên thì hại lớn. Đọc lại những lời ta đã nói về những mối tương quan cần thiết giữa tư bản và cần lao, thì ai cũng đủ rõ.
Tính cách tư nhân và xã hội của cần lao.
Cần lao không kém tư bản, cũng có tính cách tư nhân và xã hội. Đó là một điều ta nên nhớ không bao giờ quên. Nhất là khi nói đến những công nhân làm mướn. Điều ấy thì quá hiển nhiên. Mọi cố gắng hành động chung của nhân loại, không thể nào kết quả được, nếu thiếu những điều kiện sau đây:
Xã hội phải có quy tắc, thành một tổ chức tinh xảo; trật tự và quy luật xã hội phải bảo đảm mọi cần lao. Những nghề nghiệp rất phức tạp đều liên hệ với nhau. Nên phải hòa nhịp và bổ khuyết nhau.
Nhờ một trí tuệ minh mẫn, cần lao và tư bản phải hòa hợp với nhau, trở thành một cơ quan hành động duy nhất.
Bởi thế ta không thể nào định giá công thợ cho hợp lý, và trả lương công nhân cho phải lẽ. Nếu ta coi thường hai tính cách tư nhân và xã hội của cần lao.
Ba điểm chính đáng quan trọng.
a) Kế sinh nhai và gia đình người.
52. Vì hai tính cách tự nhiên của cần lao, ta có thể khấu trừ những nguyên tắc quan hệ về thể thức trả công và tỉ lệ phải chăng của nó.
Trước phải trả công thợ cho đủ sống và nuôi gia đình. Đã đành tất cả thân nhân của người thì cũng phải tùy sức góp phần vào việc cấp sự cần cho gia đình họ, như ta thường thấy ở hầu hết các gia đình nông dân, và rất nhiều gia đình công nhân hay thương nghiệp. Nhưng cấm ngặt không được bắt tuổi trẻ còn thơ dại, đàn bà nhu mì, làm việc quá sức. Các bà mẹ phải lo việc nhà, lo tề gia nội trợ hay các việc khác liên quan đến gia đình. Vì tiền lương gia trưởng thiếu các bà mẹ phải lo việc giáo dục đàn con, và các bổn phận khác, mà đi tìm một sinh kế riêng, quả thật là một việc lộng hành đáng kết án nghiêm trị.
Vậy ta phải dùng đủ mọi phương tiện cho các gia trưởng lao động được trả công vừa đủ cho họ đảm nhận những phận sự chính đáng của họ đối với gia đình. Tình trạng xã hội kỹ nghệ hiện tại rất bất tiện, để hoàn tất phận vụ ấy. Nhưng công bằng xã hội bắt buộc ai nấy phải tận tâm với việc canh tân xã hội, cho mọi công nhân trưởng thành lĩnh được số lương cân xứng với địa vị của họ. Về phương diện ấy, ta thành thực tán tạ những người đã có nhã ý khôn ngoan và hữu ích, tìm trăm phương nghìn cách, hoặc để định giá công thợ theo những đòi hỏi của một gia đình hằng mở rộng thêm đông (nhờ vậy gia đình càng thêm đông, thì gia trưởng càng được tăng lương), hoặc là để cung cấp những sự cần bất thường do thời thế hoàn cảnh gây nên bất ngờ.
b) Tình trạng thành bại của xí nghiệp.
53. Trong việc định giá công thợ, ta lại phải chú tâm đến tình trạng thành bại của xí nghiệp và những người phụ trách nữa. Đòi tăng lương mãi sẽ là một sự vô lý, trong những trường hợp xí nghiệp lâm nguy. Làm như vậy là đưa xí nghiệp đến bại hoại và khiến công nhân lại thất nghiệp nữa. Nhưng nếu xí nghiệp lâm nguy bại hoại vì ban quản trị uể oải và xao nhãng, hoa lợi sút kém vì kẻ phụ trách chẳng lo mở mang công việc về phương diện kinh tế và kỹ thuật; thì họ không thể nào hạ giá công thợ vì cớ phải cứu xí nghiệp. Đàng khác, nếu tài chính không đủ mà trả công phải chăng cho thợ thuyền, hoặc vì xí nghiệp phải nạp thuế quá nặng và vô lý, hoặc vì xí nghiệp gặp cản trở vô cớ nên phải bán sản phẩm hạ giá, thì những người nào bắt thuế kia hay làm cản trở này, đều vi phạm công lý và mắc phải tội không tha thứ được. Lý do là vì lỗi bất công của họ, công nhân không đòi được tiền lương phải chăng mà tự nhiên họ có quyền đòi, và nhiều khi vì bắt buộc họ phải nhận tiền lương quá hạ đối với phận sự họ gánh vác.
Bởi thế tất cả chủ nhân và công nhân phải đồng tâm nhất trí, tìm thắng vượt mọi sự khó khăn và mọi trở lực. Chính quyền lại phải giúp họ thành công dễ dàng, nhờ một chính thể khôn ngoan đắc lực ủng hộ họ. Nhỡ ra không ai thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế này, thì họ phải nêu lên vấn đề giải tán xí nghiệp, và tìm cách khác bổ túc cho công nhân vô tội mà lại bị hại lớn. Trong trường hợp nghiêm trọng ấy, chủ nhân và công nhân phải đoàn kết chặt chẽ thân mật, và đồng tâm trong tình nghĩa phúc âm, thì mới hành động một cách hiệu nghiệm và kết quả.
c) Những đòi hỏi của công ích.
Để định giá công thợ, ta phải tuân cứ những đòi hỏi của công ích nữa. Trên kia ta đã nhấn mạnh điều đó. Công nhân và lao động đủ tiền cấp sự cần khẩn thiết, và dành một phần lập tư sản vừa phải, thì lợi cho công ích biết bao ! Nhưng còn một quan điểm nữa không kém quan trọng, mà ngày nay thật không ai bỏ phớt được. Ta có ý nói rằng : cần lao phải tổ chức trong nước làm sao cho tất cả mọi công dân làm việc được và muốn làm việc, thì tìm được công ăn việc làm cách dễ dàng. Tổ chức này phần lớn tùy thuộc tiền lương phải chăng công nhân lãnh nhận được. Nếu số tiền lương ấy hợp lẽ phải, thì nước sẽ không thiếu gì việc làm cho công nhân. Số tiền lương quá hạ, thì trái lại, công nhân không tìm đâu được cho có công ăn việc làm. Ngoài ra cũng không ai chối được, tiền lương hoặc quá cao, hoặc quá thấp cũng gây dịp cho một tệ đoan xã hội, thường gọi là nạn thất nghiệp. Tệ đoan xã hội ấy đời ta bây giờ thì phổ thông rất nhiều. Vì nó mà đa số công nhân bị thiệt, chìm đắm trong cảnh khốn cực, lại không ngừng mưu gian làm ác nữa. Họ khiến cả những dân nước phong phú phải bị tiêu diệt dần dần. Lúc nào họ cũng làm lung lay trật tự xã hội an ninh quốc gia và hòa bình thế giới. Cứ tăng gia hay giảm bớt công thợ vô lý nguyên vì lợi ích tư nhân, mà không quản gì đến công ích, là một sự vô lý mà lại phạm đến công bằng xã hội. Trái lại mọi người phải đồng tâm nhất trí để thiết lập một chính sách lương bổng cho công nhân vừa dễ tìm việc làm, vừa dễ thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của một đời sống xứng vị con người.
55. Muốn chóng được kết quả, ta còn phải dung hòa tiền lương của từng giai cấp công nhân, mà lại nhớ một điều mật thiết liên hệ với vấn đề ấy, tức là định giá phải chăng của một sản phẩm cần thiết và thuộc về đủ mọi chi nhánh kinh tế, canh nông, kỹ nghệ... những chỗ nào nền kinh tế được tổ chức cân bằng, thì chỗ ấy mọi hành động phức tạp của con người sẽ hòa nhịp và bổ khuyết nhau thành một cơ thể duy nhất, đủ bộ phận chuyên biệt nhưng thuận hòa nâng đỡ nhau. Cơ thể kinh tế xã hội chỉ hoàn bị, khi nó cấp đủ nhu cầu cho toàn dân và cho từng người, về phương diện canh nông và kỹ nghệ. Tổ chức xã hội kinh tế phải tìm những phương tiện cần thiết để đạt tới mục đích cần thiết ấy. Nhưng sản phẩm canh nông và kỹ nghệ sản xuất phải đủ, để cho các công dân sống xứng vị con người và vươn mình lên một địa vị sinh hoạt và văn hóa khả quan. Một đời sống đủ sự cần về vật chất nếu không có gì cản trở, sẽ rất thuận tiện cho mọi người đua nhau sống đạo đức và tiêu dùng tiền của cho khôn ngoan.
3. Phục hưng lại quy tắc xã hội.
56. Những điều ta giãi bày từ trước chỉ liên quan đến sự chia của phân công cho từng cá nhân cho hợp lý. Trực tiếp thì không liên quan gì tới quy tắc xã hội, mà Đức Lêô XIII đã tận tâm quyết phục hưng lại, theo đạo tự nhiên và nhất là theo đạo phúc âm tuyệt đối cao thượng. Để tăng cường cho phong trào ngài đã nêu lên, để hoàn tất công việc cần phải thực hiện, để giúp các gia đình hưởng lợi và hái hoa quả tốt đẹp do công việc ấy làm nẩy nở ra, thì ta phải chú tâm tới hai việc cần thiết này : thứ nhất là cải tạo mọi cơ cấu xã hội, thứ hai là cải thiện phong hóa mỹ thuật.
Cải tạo mọi cơ cấu xã hội.
a) Phận sự chính phủ quốc gia.
Đã nêu lên vấn đề cải tạo mọi cơ cấu xã hội, tự nhiên ta phải nhắc đến phận sự chính phủ. Đã đành chính phủ can thiệp thì không chắc đã giải quyết vấn đề ấy một mình được. Nhưng từ khi cá nhân chủ nghĩa toàn thắng, các phong trào xã hội xưa kia đã lập ra bao nhiêu đoàn thể bảo vệ đời sống đủ mọi phạm vi một cách điều hòa và hiệu nghiệm. Trên mặt trận xã hội chỉ còn tư nhân và chính phủ tương tranh với nhau mà thôi. Chế độ xã hội bị thiên lệch; quốc gia chịu thiệt khôn xiết kể; các hội đoàn kia ngừng hoạt động. Chính phủ phải thay thế vào đó; nó phải cúi lưng dưới bao gánh nặng và bao trách nhiệm, nó không thể nào gánh lấy một mình.
Đành rằng lịch sử làm chứng, không ai hồ nghi được. Tình trạng xã hội đã biến đổi nhiều. Có bao nhiêu việc xưa kia các hội đoàn tư nhân phụ trách được, nhưng bây giờ chỉ những tổ chức cộng đồng rộng lớn mới đảm nhiệm nổi. Nhưng dầu sao có một nguyên tắc xã hội học rất quan trọng không thể thay đổi, và cũng không lay chuyển được : Có những trọng trách tư nhân đủ năng lực và phương cách gánh vác. Cất những trọng trách khỏi tư nhân và giao uỷ hết cho chính phủ là lỗi đến công bằng xã hội. Cùng một lẽ ấy, cất khỏi những hội đoàn tư nhân các trọng trách họ gánh vác được, mà trao lại cho những tổ chức cộng đồng vừa rộng rãi vừa cao lớn, là đảo lộn cả quy tắc xã hội, và gây bao thiệt hại cho quốc gia. Chính phủ can thiệp vào vấn đề xã hội,thì chỉ có quyền nâng đỡ công dân, chứ không có quyền chi phối hay phá hoại đời sống tự nhiên của họ.
57. Bởi thế cho nên, chính phủ phải nhường cho các hội đoàn tư nhân những phận sự họ đảm nhận được. Chính phủ chi phối những phận sự ấy thì làm sao lãng những việc quan trọng chính quyền phải đảm nhiệm. Hay hơn là nhường cho công dân những công việc, công dân làm được; để hoàn tất những công việc chỉ có chính phủ mới làm được một cách tự do mạnh mẽ hiệu nghiệm hơn. Tức là chỉ huy, kiểm soát, thúc đẩy hay thắng hãm những hành động dân sự, tùy theo hoàn cảnh thời thế bắt buộc. Nhưng nhà cầm quyền nên tin chắc rằng: quy tắc xã hội càng hoàn hảo, các hội đoàn càng làm việc theo đúng phận sự bổ túc chính phủ, thì chính phủ càng mạnh quyền và càng được uy tín, rồi mọi công vụ càng dễ tiến triển và gây hạnh phúc hơn.
b) Cộng tác riêng của các liên đoàn công nghệ.
58. Vật đích đầu tiên chính phủ và các công dân ưu tú cần phải theo đuổi là tận tâm chấm dứt những sự tương tranh giữa các giai cấp xã hội, và luôn luôn cố gắng gây nên, cùng thúc đẩy tinh thần đoàn kết chặt chẽ thân mật giữa các nhà chuyên nghiệp.
Cho nên chính sách xã hội phải chân thực tu bổ lại các liên đoàn công nghệ.
Quả thực tình trạng xã hội hiện là tình trạng căng thẳng, nên bấp bênh và hằng lung lay. Lý do là vì xã hội căn cứ vào các giai cấp đầy những tham vọng và những căm hờn kình địch nhau, nên lúc nào chiến tranh cũng có thể bùng nổ bất ngờ. Nghiệm như lời Đức Tiên Giáo hoàng đã nói, cần lao không phải là đồ mua bán. Nó thông phần nhân cách của công nhân. Người ta không thể nào đổi việc làm lấy tiền lương, theo lối thị trường. Nhưng dầu sao, đời ta bây giờ luật “cung cầu” cũng được áp dụng vào cần lao, nên xã hội bị chia thành hai giai cấp, thành hai phe; kẻ mướn thợ và kẻ làm mướn. Cuộc bàn tán giữa đôi bên, mở rộng như một bãi chiến trường cho kẻ thù địch kịch liệt đánh nhau. Thật là một cảnh lộn xộn đưa xã hội đến bại hoại. Nên ai cũng thấy rõ, phải tìm một giải pháp thượng khẩn và hiệu nghiệm. Vậy không có giải pháp nào hiệu nghiệm để chữa hẳn tệ đoan kinh khủng này, bằng cách cải hóa hai giai cấp tương tranh kia, thành những tổ chức chuyên nghiệp hoàn bị. Các công nhân nhập vào những tổ chức ấy, sẽ không còn được nhận hay bị từ chối, tùy theo địa vị của họ đối với nền cần lao, bèn là tùy theo những hành động xã hội, họ tự nhiên phải tham gia. Tỉ dụ như những người cùng một khu vực, thường kết thành một thị xã thể nào, thì những người cùng một công nghệ hay cùng một chức nghiệp tự nhiên cũng hướng về cùng một tổ chức chuyên nghiệp thể ấy. Đó là một xu hướng hiển nhiên, đến nỗi các nhà xã hội học thường cho là những cơ quan có lẽ không thiết yếu, nhưng ít nhất cần thiết của xã hội.
59. Thánh TÔMA nói :“Trật tự vốn nảy ra bởi những yếu tố khác nhau, nhưng xếp đặt điều hòa theo một nguyên tắc duy nhất. Vậy tất cả mọi công dân là yếu tố của xã hội được hiệp lại với nhau theo một nguyên tắc duy nhất, thì xã hội mới có quy tắc tuyệt đẹp. Nguyên tắc duy nhất đó, là tăng gia sản xuất mỗi người theo nghề nghiệp riêng, hay là một lòng phụng sự cởi mở thành thực, nhất thống mọi hành động riêng của các chủ nhân và công nhân. Hay nói rộng ra, về đủ mọi chức nghiệp, nguyên tắc ấy sẽ là công ích, mà tất cả mọi chức nghiệp phải gây dựng theo năng lực riêng và bằng những minh phối đủ mọi hành động của chúng. Sự minh phối này sẽ càng tăng cường và càng hiệu nghiệm, thì tư nhân và các chức nghiệp sẽ càng trung thành và tiến triển hơn trong phạm vi chuyên biệt của họ.
Suy đến những điều nói trên ta phải kết luận rằng: những liên công nghệ kia, đối nội thì phải đề cao ích lợi chung của từng công nghệ trên hết. Những đối ngoại, quan trọng nhất là liệu thể nào cho những hành động chung luôn luôn quy về công ích quốc gia. Còn những vấn đề do ích lợi riêng của từng chuyên nghệp gây nên, nhất là những vấn đề thuộc về lợi ích của các chủ nhân hay lợi ích của các công nhân; tỉ dụ như lúc bên này phải đề phòng khỏi bị bên kia lạm dụng hay làm hại, thì bên nào bên nấy sẽ bàn luận riêng để tìm giải pháp cho từng vấn đề một.
60. Ta cần gì phải nhắc lại những huấn dụ của Đức Lêô XIII về các chính thể. Ai cũng còn nhớ. Vậy những huấn dụ đó ta rất có thể áp dụng vào những liên đoàn công nghệ, phải lập ra trong đủ mọi chi nhánh chuyên biệt. Ta nói: có thể áp dụng, vì phạm vi xã hội có phần nào giống nhưng cũng có phần khác hẳn phạm vi chính trị. Ý Ta rằng: trong phạm vi chuyên nghiệp cũng như trong phạm vi chính trị, dân chúng có quyền tự do nhận chính thể này hay chính thể khác, miễn là mọi đòi hỏi công bằng và công ích được tuân giữ, tôn trọng.
Những dân cư cùng một thành thị, quyết theo đuổi một mục đích chung, thì đã có thói quen lập những hội đoàn thích hợp với mục đích ấy. Rồi ai cũng tự do nhập hội hay đứng ở ngoài tùy ý. Vậy những người cùng một chuyên nghiệp cũng thế. Họ có quyền tự do hội họp, để thực hành những công việc liên hệ với chuyên nghiệp của họ. Đức Tiên Giáo hoàng đã diễn tả một cách tuyệt bút, rõ rệt và tỉ mỉ, những hội đoàn ấy phải tổ chức như thế nào. Ta chỉ cần nhấn mạnh thêm vào một điều rất quan trọng: loài người ai nấy cũng tự do lập hội tư nhân, và tổ chức nội quy hay định luật tùy theo mục đích riêng của từng đoàn. Vậy quyền tự do lập hội trong một chi nhánh chuyên nghiệp gồm cả quyền lập những liên hội mở rộng cho những nghề nghiệp khác nhau. Mong những hội đoàn tư nhân đã được thiết lập và đang kết quả tốt đẹp, mở đường cho những liên đoàn ta mới nhắc đến và căn cứ vào những nguyên tắc xã hội học công giáo, tận tâm hiệp lực lập ra càng sớm càng hay.
Đề cao một nguyên tắc chính đáng chỉ dẫn được mọi hành động kinh tế.
61. Còn một việc khẩn cấp nữa, cũng liên hệ với những việc kể trên: xã hội không thể nào xây dựng được trên nền tảng giai cấp tương tranh. Cùng một lẽ ấy, nền kinh tế không thể nào bền vững trên luật tự do cạnh tranh. Tất cả mọi lầm lỗi của kinh tế cá nhân học khoa, từ ở nguồn gốc ấy mà ra, là một ảo tưởng. Kinh tế học khoa này, vì quên bỏ hay chưa biết tính cách xã hội và luân lý của kinh tế, đã lầm tưởng rằng: chính quyền phải bỏ mặc kinh tế phát triển theo luật riêng của nó, mà không bao giờ can thiệp cưỡng bách bất cứ bằng cách nào. Luật cung cầu hay tự do cạnh tranh, là một điều luật vững chắc chỉ dẫn kinh tế mạnh mẽ hơn trí tuệ minh mẫn của bất cứ ai. Áp dụng luật tự do cạnh tranh một cách điều độ phải chăng, thật là một sự hợp lý và hữu ích. Nhưng luật ấy không sao làm luật mực căn bản cho một nền kinh tế công bằng. Những biến cố đã xảy ra, từ khi thế giới tuân theo chủ nghĩa cá nhân thiệt hại đó, chứng minh điều ấy quá rõ rệt. Thành ra, không việc gì khẩn cấp cho bằng lập lại cả nền kinh tế trên một nguyên tắc công bằng và hiệu nghiệm hơn. Luật kinh tế độc tài vừa mới thay thế luật kinh tế cá nhân, cũng không thể nào đóng vai chính này được. Luật kinh tế độc tài, tự nhiên vô độ và cường bạo. Muốn gây lợi ích cho nhân loại, nó phải tìm sẵn một ngoại cương, và một năng lực chỉ huy, tự nhiên nó không có. Vậy, để nghiêm ngặt chỉ huy những lực lượng kinh tế vô độ này, ta phải đề cao những nguyên tắc cao quý hơn, tức nguyên tắc công bằng và bác ái xã hội. Công bằng xã hội phải tẩm nhiễm tận gốc mọi cơ cấu xã hội và đời sống xã hội nhân quần. Bằng chứng rõ ràng nó có hiệu nghiệm và ảnh hưởng sâu rộng, là nó tạo ra một quy tắc pháp luật và xã hội thấm nhập luôn cả nền kinh tế.
62. Còn bác ái xã hội phải nên như hồn sống của xã tắc, do chính quyền lập ra bênh vực và bảo vệ đắc lực. Chính quyền càng nhường cho kẻ khác những việc không phải là việc riêng mình, thì càng thuận bề dễ dàng làm trọn phận sự tối hệ này.
Còn một điều đáng ghi nhớ : về phương diện kinh tế, các dân nước hỗ tương, tùy thuộc và liên kết mật thiết với nhau. Nên họ phải trao đổi ý kiến và tận tâm hiệp lực với nhau để nhờ những giao kèo và những cơ cấu khôn ngoan, mà gây dựng một nền công tác giao dịch hữu ích có lợi nhiều trong phạm vi kinh tế vạn quốc.
Vậy tu bổ lại mọi thành phần của cơ thể xã hội, phục hưng lại trong phạm vi kinh tế một nguyên tắc chỉ huy công bằng, thì tổ chức xã hội sẽ lại hoàn bị, và đáng được ta áp dụng vào nó những lời vàng ngọc Thánh Phaolô đã nói riêng về nhiệm thể Chúa Kitô rằng: “Nguyện xin Người chiếu theo nguồn vinh hiển phong phú Người mà ban cho anh chị em dũng lực của Chúa Thánh Linh, để anh chị em đủ sức cải hóa lòng trí theo ý Chúa.”
Mới đây ai cũng thấy xuất hiện một tổ chức đặc biệt vừa có tư cách nghiệp đoàn, vừa có tư cách hợp tác xã. Vì tổ chức ấy có liên hệ với mục đích bức thông điệp này, nên thiết tưởng ta phải nhắc đến và thêm một vài nhận xét thích nghi.
Chính phủ công nhận tổ chức nghiệp đoàn ấy, là một tổ chức hợp pháp. Nhờ đó tổ chức nghiệp đoàn này hầu như độc quyền, để đại diện các chủ nhân và công nhân: để ký kết những giao kèo hay những điều ước chung về đủ mọi vấn đề cần lao. Ai muốn thì tùy ý gia nhập hay đứng ở ngoài nghiệp đoàn cũng được. Về đàng ấy nói được, nghiệp đoàn này là một tổ chức tự do. Vì, về đàng khác, nó có tư cách bắt buộc. Các nhân viên đủ mọi chuyên nghiệp, thoạt khi đã nhập vào thì phải nộp tiền nguyệt liễm. Họ cũng bắt buộc chịu đủ mọi đảm phụ đặc biệt bất cứ họ là chủ nhân hay là công nhân. Hơn thế nữa, mọi giao kèo cần lao nghiệp đoàn ký kết, cũng buộc chung tất cả các nhân viên. Dầu sao ta cũng nhận thực, đã có lời công nhiên tuyên bố rằng: nghiệp đoàn pháp lý này không bải bỏ những công đoàn đã có sẵn.
63. Các nghiệp hội nhập vào tổ chức ấy, kết tinh nên bởi những đại diện nghiệp đoàn chủ nhân hay công nhân, cùng một chức nghiệp hay một công nghệ. Họ được chứng nhận là những cơ quan hay những cơ cấu của chính phủ, để điều khiển và minh phối những hành động riêng của từng nghiệp đoàn khi những hành động ấy liên hệ tới những lợi ích chung. Các cuộc đình công hay đồng giải công đều cấm ngặt. Các nhân viên xích mích điều gì không sao đồng ý được, thì ban chấp hành nghiệp đoàn can thiệp và toàn quyền giải quyết vấn đề.
Một tổ chức như vậy, dầu ta chỉ diễn tả sơ qua, cũng đủ rõ là một tổ chức có ích lợi nhiều. Những điểm chính là : cộng tác điều hòa giữa các giai cấp, những hành động và tổ chức của chủ nghĩa xã hội được loại bỏ; quyền chỉ huy êm đẹp của một ban chấp hành chuyên biệt.
Nhưng đã nêu lên một vấn đề quan trọng thể ấy, ta nên căn cứ vào những nguyên tắc kể trên, và những nguyên tắc kèm theo sau, mà nhận rằng: không thiếu người có thiện chí lo ngại, vì sợ chính quyền vùi lấp những sáng kiến tư nhân, thay cho cứ đứng ở ngoài bênh vực và ủng hộ đắc lực. Người ta lại e rằng: tổ chức ấy dần dần sẽ hóa nên một tổ chức viên chức chính trị. Dầu nó hữu ích nhiều như ta vừa mới nói, nó rất có thể sai mục đích mà phụng sự những chủ nghĩa chính trị riêng biệt, thay vì thành tâm gây dựng một đời sống xã hội điều hòa hơn.
64. Ngoài ra theo thiển ý của ta, để gây dựng một đời sống xã hội điều hòa đáng mong thể ấy, và gây lợi ích chung của cộng đồng xã hội; trước hết và trên hết ta cần phải có ơn Chúa ban dồi dào rồi mới cần đến sự hợp tác chặt chẽ của tất cả mọi người còn thiện chí. Vật đích cao siêu ta đang nêu khởi, cũng phải có sự cộng tác của những người chuyên môn về kỹ thuật, chuyên nghiệp về xã hội, và hơn thế nữa, phải căn cứ vào học thuyết và những thực hành của Thiên Chúa giáo, không phải do công giáo tiến hành thân hành chỉ huy: (công giáo tiến hành không trực tiếp tham gia vào những hành động nghiệp đoàn hày chính trị) bèn là do những người đã được công giáo tiến hành huấn luyện theo những nguyên tắc xã hội công giáo, bởi vậy đã sẵn sàng trở nên những cán bộ thực hành và truyền bá học thuyết xã hội ấy, dưới quyền chỉ dẫn của giáo hội. Phải, giáo hội trong phạm vi kinh tế xã hội ta mới diễn tả, cũng như trong đủ mọi phạm vi đời sống liên hệ với luân lý, cũng không thể nào quên nhãng hay bỏ phớt qua sứ mạng gìn giữ và rao giảng chân lý Thiên Chúa đã uỷ cho. Nhất là lúc các vấn đề luân lý được nêu lên và được giải quyết.
65. Phục hưng lại nền phong hóa mỹ tục.
Ngoài ra những điều ta mới nhắc lại về việc tu bổ và hoàn tất quy tắc xã hội, sẽ không bao giờ thực hiện được, nếu ta không phục hưng lại nền thuần phong mỹ tục. Điều ấy lịch sử cũng chứng minh không ai từ chối được. Xưa kia đã có một xã tắc, dầu không hoàn bị, nhưng cũng thích hợp với thời thế hoàn cảnh và những nguyên tắc của đạo lý tự nhiên. Xã tắc ấy đã biến mất từ lâu. Không phải vì nó không đủ sức biến hóa cho thích hợp với những hoàn cảnh và những nhu cầu mới đâu. Lý do chính hoặc là vì con người theo tính vị kỷ cứng cỏi không chịu mở cửa cho số người ngày càng thêm đông, tình nguyện xin gia nhập vào tổ chức của họ; hoặc là vì loài người bị những lý thuyết tự do quyến rũ làm mê ảo, hay những tà thuyết khác, khiến họ trục xuất mọi xã tắc, không còn chịu tùng phục bất cứ quyền bính nào nữa.
Vậy ta chỉ còn một điều cần giải bày nữa, diễn tả chế độ kinh tế hiện tại, và chủ nghĩa xã hội mà ta không ngừng phi bác nó. Rồi luận xét đôi bên theo công lý. Đã khám phá ra lý do của mọi tệ đoan hiện tại, thì ta sẽ đề nghị phương dược cần thiết nhất và hiệu lực nhất, tức là cải tạo phong tục.
III. Những biến cố lớn đã xảy ra từ thời Đức Lêô XIII
1. Nền kinh tế biến chuyển
66. Kể từ Đức Lêô cho đến bây giờ, nền kinh tế và chủ nghĩa xã hội đã biến đổi tận cội rễ.
Nền kinh tế đã biến đổi là một hiện tượng lịch sử quá hiển nhiên. Anh em thừa biết chế độ kinh tế mà Đức Tiên Giáo hoàng đáng ghi nhớ trong bức thông điệp RN, đã có kiến thức hơn hết là chế độ tư bản và cần lao bổ khuyết nhau: người thì xuất vốn, người thì làm công. Ngài nói rất đúng rằng: tư bản không cần lao, cần lao thiếu tư bản, thỉ cả hai cũng không thể nào có được.
Chế độ tư bản vốn tính không hư ác, nhưng đã hư hỏng nhiều. Chế độ ấy được Đức Lêô XIII hết sức tìm tu bổ lại theo công lý. Tự nhiên nó không đáng kết án đâu. Nó hư ác không phải vì nguyên tắc căn bản. Nó hư đi dần dần, vì người tư bản mướn thợ thuyền để xí nghiệp và chế độ kinh tế gây lợi ích riêng, nên họ không quản gì đến nhân cách của công nhân, tính cách xã hội của cần lao, và những đòi hỏi của công bằng và công ích. Đó là phạm đến quy tắc tự nhiên của xã hội.
Đàng rằng, hiện nay chế độ ấy không được thực hiện noi theo ở khắp mọi nơi. Hiện có một chế độ khác nữa hấp dẫn một phần quan trọng nói được là phần đa số của nhân loại. Tỉ dụ như trong giới canh nông, biết bao người còn sinh sống nguyên vì những công việc liêm chính xứng đáng. Những chế độ kinh tế ấy cũng không thiếu sự trắc trở đáng lo Đức Tiên Giáo hoàng đã nhắc đến, và chính ta cũng đã lược qua trong thư này.
Nhưng từ khi bức thông điệp của Đức Lêô XIII được phát hành, vì thế giới được kỹ nghệ hóa nhiều, thì chế độ tư bản ngày càng ảnh hưởng sâu rộng. Nó dần dần xâm chiếm và ăn sâu vào tình trạng kinh tế xã hội hiện tại. Cả những người đứng ở ngoài cũng thụ hưởng nhiều, thụ hưởng cả phần ích và phần họa của nó nữa. Thành ra nó ghi khắc vào thế giới ngày nay, những tính cách riêng của nó.
Vì thế lược thảo những biến cố lớn đã xảy ra từ đời Đức Lêô XIII đến bây giờ không những là giúp ích cho những người thụ hưởng đại kỹ nghệ mới và chế độ tư bản mà thôi, mà lại mưu ích cho cả nhân loại nữa.
Nền Kinh tế độc tài nhường chỗ cho chủ nghĩa tự do cạnh tranh.
67. Đặc điểm của đời ta bây giờ không phải chỉ là sự tập trung những quyền hành mạnh lớn, thành một quyền kinh tế trong tay một số ít người, không phải là chủ nhân, mà chỉ là thụ thác hay quản lý, tùy ý sử dụng.
Chuyên quyền ấy mạnh nhất ở những người tích trữ và độc tài cầm giữ tiền bạc. Số tiền được thu lại, họ vừa định cách dùng, vừa phân phát hoàn toàn theo ý muốn. Nhờ đó trong cơ thể kinh tế, họ là quả tim phát máu, họ là nguồn sống còn. Không được họ đồng ý, không ai còn thở được.
Chuyên quyền kinh tế và tài chánh tập trung trong tay một số ít người như thế, là đặc điểm nền kinh tế xã hội hiện tại. Nó là kết quả tự nhiên của một chủ nghĩa cạnh tranh hoàn toàn tự do, không có chừng hạn. Kẻ mạnh quyền đứng vững, còn kẻ khác đều ngã thua. Kẻ mạnh quyền sự thường là những ai? Thưa sự thường là những người vô lương tâm, và tranh đấu luôn bằng võ lực, tâm lý.
Chuyên quyền kinh tế và tài chánh, tự nhiên thúc đẩy kẻ cầm nó trong tay, mưu đồ cướp luôn cả chính quyền, theo ba giai đoạn: thứ nhất là họ lo sao cho được độc quyền về kinh tế. Thứ hai họ nhảy vào chiến trường chính trị. Đã lấy chính quyền rồi, họ mới dùng những thủ đoạn và sức mạnh của nó để tiếp tục tranh đấu trong phạm vi kinh tế. Thứ ba là sự tranh đấu dữ dội ấy chuyển sang phạm vi quốc tế: hoặc các chính phủ dùng quyền và góp sức với nhau để mở mang nguồn lợi kinh tế của những người thuộc thẩm quyền của họ, hoặc chính phủ tự đắc họ mạnh sức rộng quyền về kinh tế để giải quyết mọi vấn đề chính trị, theo lợi ích riêng của họ.
Hậu quả khốc hại.
68. Những hậu quả khốc hại do chủ nghĩa cá nhân áp dụng và kinh tế đã gây nên, thì anh em thừa biết và không ngừng cảnh cáo: chế độ tự do cạnh tranh đã tự tiêu, thay thế nó bây giờ chế độ kinh tế độc tài mới xuất hiện. Trước đây người ta chỉ tham lợi, bây giờ họ lại tham quyền. Đời sống kinh tế đã trở nên hung ác, vô tình, cứng cỏi thật là kinh khủng. Lại thêm vào đó những phận sự riêng của chính quyền, đều lẫn lộn với những hành động kinh tế. Nguy nhất là chính quyền suy đồi. Thay cho trị dân một cách cao thượng, vô vị lợi và khách quan theo những đòi hỏi của công ích và công bằng; các chính phủ chỉ còn là nô lệ, là khí cụ vô ý thức phụng sự mọi dục tình và mọi tham vọng của Tư Lợi. trong phạm vi quốc tế, thì từ ở nguồn duy nhất này lại chia ra hai dòng khác nhau : trước là chủ nghĩa chủng tộc quốc gia, hay chủ nghĩa kinh tế độc tài; sau (cũng đáng ghét và thiệt hại lớn) là chủ nghĩa quốc tế, hay chủ nghĩa tiền bạc quốc tế độc tài. Tức là, chỗ nào có lợi, chỗ ấy mới là quê tôi.
Phương dược hiệu nghiệm để chữa tệ đoan.
69. ta nên chữa tệ đoan kinh khủng này bằng những phương dược nào ? trong phần thứ hai bức thông điệp này, ta đã chỉ dạy rõ ràng. Ta chỉ cần nhắc lại những điểm chính sau đây: chế độ kinh tế hiện tại căn cứ vào tư bản và cần lao. Vậy ta hãy áp dụng vào hai yếu tố căn bản ấy, những nguyên tắc lý trí và xã hội học công giáo. Nhận thực và thực hành những nguyên tắc tắc ấy vào sự cộng tác giữa cần lao và tư bản, thì mới giải quyết vấn đề theo công lý. Không muốn vấp phải hoặc vào cá nhân chủ nghĩa, hoặc vào chủ nghĩa xã hội, ta lại phải đề cập hai tính cách cá nhân và xã hội của tư bản và của cần lao. Tư bản phải đối đãi với cần lao và cần lao phải đối đãi với tư bản theo đúng luật công bằng giao hoán, nhờ đức bái ái của Chúa Kitô bổ khuyết không ngừng. Chế độ tự do cạnh tranh lại phải thực hành trong những chừng hạn của công lý. Chuyên quyền kinh tế lại phải thân thiết tùng phục chính quyền trong đủ mọi phạm vi chính quyền phải can thiệp. Sau hết các cơ cấu của từng xã hội quốc gia, phải cải hóa mọi sự giao dịch giữa nhân loại, theo những đòi hỏi của công ích, tức là công bằng xã hội. Nhờ vậy nền kinh tế rất quan trọng trong đời sống xã hội sẽ quay về với sự chính trực và thế quân bình tự nhiên của xã tắc.
2. Những biến chuyển của chủ nghĩa xã hội.
70. chủ nghĩa xã hội, mà Đức Lêô XIII đã nhắm đến trong bức thông điệp RN cũng biến chuyển nhiều. Nói được là không kém chế độ kinh tế. Đời Đức Tiên Giáo hoàng, chủ nghĩa xã hội còn thống nhất. Về phần học thuyết nó rất rõ ràng, về phần tổ chức nó thành một cơ thể duy nhất. Nhưng từ đó, nó đã chia làm hai phe, không những tương phản nhau mà nhiều khi lại kình địch nhau kịch liệt. Nhưng phe nào, cũng giữ tư cách phản giáo mà chủ nghĩa ấy có sẵn ngay từ đầu.
a) Phe quá khích hay là cộng sản.
Phe thứ nhất cũng thuộc về chủ nghĩa xã hội đã biến chuyển luôn với chế độ kinh tế tư bản, mà quy về cộng sản. Cộng sản trong lý thuyết cũng như trong thực hành, không những ngấm ngầm mà lại công khai, không những theo một đường lối quanh co, mà lại theo một đường lối thẳng băng, bằng những phương pháp hiệu lực kể luôn cả võ khí, để quyết theo đuổi và đạt tới hai vật đích rõ ràng:
Gây sự giai cấp tương tranh kịch liệt, bài trừ mọi quyền sở hữu. Nó quyết đấu tranh cho đến khi đạt chiến thắng. Không có việc gì nó không dám làm. Không có sự gì nó kính trọng. Chỗ nào nó đã chiếm lấy chính quyền, nó tỏ mình là dã man và vô nhân đạo đến cực độ. Ai chưa thấy thì không dám tin. Những việc nó làm toàn là những việc kỳ khôi kinh khủng. Những sự bách hại, những bại hoại nó đã chồng chất ở miền đông Âu Châu và ở miền Viễn đông, chứng tỏ điều ấy rõ ràng. Kinh nghiệm hằng ngày, như ai cũng thừa biết, cũng làm chứng cộng sản là kẻ thù địch của giáo hội và Thiên Chúa nữa. Thiết tưởng ta không cần nói dài về tính cách vô nhân đạo và bất công của cộng sản, cho các tín hữu của giáo hội ý thức. Nhưng ta rất ưu sầu khi thấy kẻ cầm quyền vô tư lự, hầu như cứ khinh thường một tai họa lớn như thế và cứ thụ động chẳng làm gì để ngăn cản những tà thuyết cộng sản truyền bá khắp nơi, và những việc hung ác sát nhân nó thường dùng toàn là những sự ghê tởm đưa xã hội đến bại hoại. Nhưng đáng kết án hơn cả là những người biếng nhác thụ động, không bài trừ hay cải hóa những tình trạng bất công làm cho đại chúng tức tối cực điểm, và như vậy cứ mở đường cho đảo lộn và phá hoại cả xã hội.
b) Phe điều độ, còn giữ tên chủ nghĩa xã hội.
71. Phe còn giữ tên là chủ nghĩa xã hội, thì quả thật nó điều độ hơn. Nó nhất định không dùng võ lực. Nhưng sự thường nó không loại ra hẳn hai vật đích cộng sản hằng theo đuổi, tức là sự giai cấp tương tranh và sự bãi bỏ quyền sở hữu. Hai vật đích đó, chủ nghĩa xã hội cũng theo đuổi, nhưng một cách điều độ và êm dịu hơn.
Hơn thế nữa, hầu như chủ nghĩa xã hội vừa khiếp sợ những nguyên tắc nó khởi xướng, vì kinh khủng vì cộng sản áp dụng những nguyên tắc ấy một cách quá hung bạo, nên nó dần dần thiên về học thuyết xã hội công giáo, và càng ngày càng bước đến gần.
Ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều đòi hỏi của chủ nghĩa xã hội thật giống như những yêu cầu chân chính của những người tận tâm tìm cải hóa xã hội theo học thuyết công giáo.
Về hai vật đích cộng sản theo đuổi, nó điều độ và êm dịu hơn. Các giai cấp tương tranh mà bỏ óc kình địch và oán giận nhau, tất nhiên sẽ quay về việc tranh luận tử tế, tìm phân công chia lợi cho công bằng. Việc ấy chưa nói được là hòa bình và hạnh phúc xã hội ai cũng mong ước, nhưng dầu sao cũng là một bước đầu tiên trên đường đưa tới sự cộng tác giữa các chuyên nghiệp.
Kẻ quyết bài trừ quyền tư hữu, cũng bớt phần hung hăng. Họ không còn đòi giữ các khí cụ sản xuất độc quyền nữa, một chỉ đòi lại cho xã hội quyền ưu tiên mà phe tư bản đã cướp lấy và dành riêng một cách vô lý. Quả thật quyền ưu tiên đó không phải là của tư bản, mà bèn là của chính quyền. Cứ mãi như vậy, chắc có ngày chủ nghĩa xã hội điều độ này sẽ không khác chủ nghĩa xã hội công giáo bao nhiêu. Ta phải nhận thực rằng có những thứ của cải phải dành cho cộng đồng xã hội, vì những của cải ấy ban cho chủ nhân một chuyên quyền kinh tế mạnh. Vì nó gây nguy cho công ích, thì không nên cho chủ nhân cầm trong tay.
Những yêu cầu và những khiếu nại ấy, thích hợp với công lý, không có điều gì trái ngược với chủ nghĩa chân chính của công giáo, nhưng cũng không nói được là quan điểm riêng của chủ nghĩa xã hội. Những kẻ không đòi hỏi điều gì khác, thì thật là không có lý do nào mà nhập vào phe xã hội.
Đàng khác anh em chớ lầm tưởng các phe đảng không cộng sản, nhưng cũng tuyên xưng chủ nghĩa xã hội, đều biên ghi điều ấy trong chương trình riêng, hay đều đồng ý thực hiện điều ấy trong hành động của họ. Nói rộng ra, các phe đảng ấy chỉ đồng ý về một điểm không bài trừ sự giai cấp tương tranh và quyền tư hữu, mà chỉ làm cách nào cho hai điều đó bớt phần thiệt hại thôi.
Có cách nào giải hòa với chủ nghĩa xã hội chăng ?
72. Vì vậy chỗ nọ chỗ kia cũng có người quyết đoán một cách vô lý hay nêu lên vấn đề rằng: những nguyên tắc chủ nghĩa xã hội đã êm dịu đi mà biến dần, thì chủ nghĩa xã hội công giáo cũng phải biến dần cho điều độ hơn, để có thể đón tiếp chủ nghĩa xã hội trên một đường lối chung trung bình hơn, thật không thiếu gì những kitô hữu lầm tưởng như vậy. Họ tưởng hấp dẫn được phe xã hội về với họ, nhưng uổng công. Ai muốn làm tông đồ ngay giữa các đảng viên chủ nghĩa xã hội thì phải đề cao và truyền bá chân lý của đạo công giáo công khai đầy đủ vẹn toàn, không khi nào thiện cảm với tà thuyết nào. Nếu họ thành thực tuyên xưng đạo phúc âm, thì trước hết họ phải trình bày cho các đảng viên chủ nghĩa xã hội rằng: Những khiếu nại của họ càng thích hợp với công lý thì càng được đức tin công giáo bảo vệ mạnh mẽ, và càng chắc được chủ nghĩa bái ái của đạo công giáo thêm sức nhiệm cho họ được thỏa mãn trong thực hành.
Về hai mục đích: giai cấp tương tranh và bài trừ quyền tư hữu, chủ nghĩa xã hội đã biến dần và êm dịu đi. Nhưng ta đâu có nói được rằng về hai vật đích ấy chủ nghĩa xã hội không còn đáng trách điều gì. Chủ nghĩa ấy đã bỏ óc phản tôn giáo Chúa Kitô chưa ? Đó là vấn đề khiến bao tín hữu kitô còn ngần ngại.
73. Bao tín hữu nhận thực rằng: họ không sao loại ra hay bãi bỏ những nguyên tắc xã hội của đạo công giáo. Nên họ đưa mắt nhìn về tòa thánh tha thiết thỉnh cầu ta giải quyết vấn đề cho họ biết rõ. Chủ nghĩa xã hội đã cải tà quy chính, thì đã đủ thành thực cho các tín hữu trung thành với học thuyết xã hội công giáo được nhập đảng họ chưa ? Ta chiều theo tình cha con không muốn cho họ nóng ruột đợi chờ. Nên ta quyết định như sau: chủ nghĩa xã hội bất phân phạm vi học thuyết, lịch sử hay thực hành, dầu đã quay về với chân lý và công bằng một phần nào, như ta vừa mới nói. Nhưng cũng không thể được đồng nhất với học thuyết xã hội công giáo, vì quan niệm xã hội của nó trái nghịch với quan niệm công giáo một trăm phần trăm.
Về quan niệm xã hội nói chung, quan niệm tư cách xã hội của con người nói riêng; chủ nghĩa xã hội trái hẳn với công giáo.
Theo quan niệm công giáo, con người có tư cách xã hội mà lại được sống ở dưới thế, cứu cánh là phải sống trong xã hội dưới quyền tối cao của Thiên Chúa, là phương pháp đào tạo và phát triển đủ mọi tài năng hồn xác của mình, để tán tạ và làm vinh danh Đấng dựng nên mình, rồi tận tâm với nghề nghiệp và sứ mệnh riêng, hầu cho được hưởng phúc đời này và đời sau. Chủ nghĩa xã hội thì khác hẳn. Nó không biết gì đến cứu cánh cao thượng ấy là cứu cánh của tư nhân và xã hội. Nó đặt cứu cánh cộng đồng nhân quần, ở chỗ gây dựng các điều kiện cần thiết cho ai nấy cũng được khoan khoái thảnh thơi.
74. Một nhận xét : cần lao tổ chức cho mọi người cộng tác vào, theo tài theo sức, thì hiệu lực hơn là bỏ mặc từng người làm việc lẻ tẻ. Vậy chủ nghĩa xã hội căn cứ vào đó mà kết luận rằng: mọi hành động kinh tế cần phải quốc hữu hóa, mà đặt dưới quyền chỉ huy của xã hội, nhất là về phương diện vật chất: vì theo ý họ đó là mục đích duy nhất của nền kinh tế, và là một sự cần thiết. Nên theo chủ nghĩa xã hội, về đủ mọi việc có liên quan với sự sản xuất, thì mỗi một tư nhân phải đặt mình trong tay xã hội và quyết tòng phục.
Hơn thế nữa, phải chiếm hữu những tài sản rộng lớn gồm đủ mọi phúc lợi đời sống có thể gây ra được. Điểm ấy tối quan trọng nên con người phải hy sinh những của quý hơn là của phần hồn, kể luôn quyền tự do để hiến toàn thân lệ thuộc một tổ chức sản xuất khổng lồ và hợp lý trí hơn.
Tổ chức xã hội sản xuất này, phạm đến phẩm cách đặc biệt của tư nhân. Nhưng phần thiệt hại này đối với những phúc lợi đủ thứ, mà xã hội sản xuất và phân phát cho tư nhân, cũng chẳng thấm vào đâu. Tư nhân áp dụng những phúc lợi do xã hội, gây nên cho nhu cầu và sở thích riêng thì sung sướng biết bao.
75. Lý tưởng xã hội, mà chủ nghĩa xã hội mong đến, một đàng không thể nào thực hiện được ngoài sự áp bức cực độ của chính quyền; mặt khác cũng mặc ai nấy sống giả dối tung hoành, vì không còn chính quyền nào là chân thực. Lý do là không chính quyền nào căn cứ vào những phúc lợi vật chất thế tục được. Quyền bính chân chính chỉ do Thiên Chúa, vừa là nguyên lý vừa là cứu cánh của muôn vật thụ sinh.
Tín đồ công giáo, đảng viên xã hội, là hai danh hiệu mâu thuẫn với nhau.
Chủ nghĩa xã hội như bất cứ tà thuyết nào khác có phần sai, nhưng cũng có phần đúng (các Đức Giáo hoàng cổ kim đều xác nhận điều đó).
Nhưng dầu sao nó ăn cứ vào một quan niệm xã hội sai lạc, không thể nào hòa giải với quan niệm của đạo công giáo xác đáng.
Hòa hợp chủ nghĩa xã hội với tôn giáo, và nhất là công giáo là một mâu thuẫn khó giải quyết được. Không ai là đảng viên chủ nghĩa xã hội và đồng thời giữ chức vị kitô hữu kiểu mẫu được.
Chủ nghĩa xã hội tái giáo dục tuổi thanh niên.
76. Những điều ta mới nhắc lại, và còn công nhiên công bố tại đây, đều phải áp dụng vào một tổ chức mới của chủ nghĩa xã hội. Tổ chức ấy chưa mấy ai biết rõ, nhưng nó bành trướng mạnh trong bao phe đảng thiên về chủ nghĩa xã hội hiện tại.
Nó cải hóa mọi tâm hồn và cả những thuần phong mỹ tục nữa. Mượn sức nhiệm của một tình nghĩa bè bạn giả mạo, nó hấp dẫn tuổi thanh niên nói riêng. Nhưng nó cũng tìm tẩm nhiễm đại chúng để đào tạo một con người xã hội hóa theo chủ nghĩa của nó.
Trong bức thông điệp “Thầy Chí Thánh” ta đã giảng giải về những nguyên tắc căn bản của một nền giáo dục kitô hóa. Vậy ta không thể nào bỏ dịp này nữa, mà không chứng tỏ điều hiển nhiên này: mọi quan điểm và mọi thực hiện của chủ nghĩa xã hội về đàng giáo dục, đều trái ngược với nguyên tắc và tiêu chuẩn nền giáo dục của Chúa Kitô.
 Tất cả những người nào không chịu góp sức nhiệt tâm mạnh bạo, chống trả những nguy nan do chủ nghĩa xã hội gây nên, thì hoặc giả vờ khinh thường, hoặc thành thực không biết những nguy nan kinh khủng ấy. Nên phận sự của ta là tiên báo cho họ biết những nguy nan đang đe dọa những người ấy, mà nói quyết rằng:
“Nền giáo dục mới của chủ nghĩa xã hội, thì cha đẻ là chủ nghĩa cá nhân tự do: người thừa kế là cộng sản Nga sô”
Những kitô hữu đã nhập vào chủ nghĩa xã hội.
77. Sự thật có vậy, thì anh em đoán được ta ưu sầu biết bao, khi thấy một số đông con yêu của ta rời bỏ chủ nghĩa công giáo mà nhập vào hàng ngũ chủ nghĩa xã hội. Ta không sao tin được ! lòng tin của họ còn toàn vẹn, ý chí của họ còn chính trực. Trong số tín hữu đó, người thì công khai ghi tên và tuyên xưng chủ nghĩa xã hội nói trên, người thì trôi theo nó, người thì bị bắt buộc công khai hay ngấm ngầm phải nhập vào các phe đảng xã hội.
Vì tình nghĩa cha con, ta hết sức lo âu và hằng tự hỏi, tìm hiểu làm sao mà họ đã xa vào cái trụy lạc ấy. Ta đã nghe vang dội bên tai những lời họ nói chữa mình rằng: giáo hội và các tín hữu hằng đi sát với kẻ giầu sang mà chẳng lo gì đến công nhân, chẳng làm gì để cứu họ. Nên họ không có phương cách nào để bảo vệ quyền lợi của họ, ngoài phương cách nhập vào chủ nghĩa xã hội.
Thê thảm thay ! đời nào cũng đã từng có, và đời ta bây giờ vẫn còn bao nhiêu người dầu tự đắc là kitô hữu, dầu còn ghi nhớ luật công bằng và bác ái cao siêu của phúc âm; họ không những bắt buộc phải trả cho từng người, những cái là của họ, mà lại phải cứu đỡ anh em túng thiếu như là cứu trợ chính Chúa Kitô, ấy thế mà họ vẫn cứ một lòng áp bức công nhân vì tư lợi.
Hơn thế nữa, cũng có kẻ lạm dụng đạo thánh để che khuất những sự bất công của họ, và thuận bề bác bỏ những khiếu nại chính đáng của công nhân làm việc cho họ. Thái độ độc ác này Ta sẽ không ngừng kết án. Chính vì họ mà giáo hội vô tội đã bị cảnh cáo và mang tiếng là một tổ chức thông đồng với phe tư bản, không động lòng trắc ẩn trước sự ân cần và công lao của những người dân đen sống cực khổ không hưởng chút phúc lợi ở dưới thế. Thật là một nhận xét vô lý, một vụ bỏ vạ ! tang chứng rõ ràng là :
Bức thông điệp ta mừng lễ kỷ niệm, cũng là một bằng chứng rực rỡ; đó là một vụ bỏ vạ, một sự lên án bất công, làm nhục cho giáo hội và học thuyết xã hội quý hóa của giáo hội nữa.
Tha thiết kêu mời tín hữu quay về đường chính.
78. Nhưng Ta không thể nào im tiếng và ngã lòng vì vụ bỏ vạ kia. Ta hết sức ưu sầu như một người cha lạc mất đàn con, Ta cũng không xua đuổi hay loại bỏ những con cái thân yêu đã bị lừa dối và lôi cuốn xa lạc chân lý và sự cứu rỗi. Trái lại với một lòng kính cẩn và hết sức nhiệt tâm, ta tha thiết kêu mời họ trở về với giáo hội. Ước gì họ lắng tai nghe tiếng của Ta! ước gì họ chóng hồi tâm lại mà trở về nhà cha mà họ đã đành tâm bỏ đi. Ước gì họ bền tâm vững chí tiếp tục giao chiến trong hàng ngũ của các tín hữu, nghe tiếng Đức Lêô XIII khuyên nhủ không ngừng, mà phục hưng lại xã hội theo tinh thần của giáo hội, và luôn luôn đoàn kết chặt chẽ trong sự công bằng và bác ái xã hội. Họ phải tin chắc rằng: Ở dưới thế hạnh phúc không lúc nào hoàn hảo bằng lúc chúng ta đứng cạnh Chúa Kitô là người giầu sang tuyệt đối, đã muốn sống bần cùng cho chúng ta thông phần giầu sang của Người; là trong thời tuổi trẻ Người đã sống thiếu thốn, luôn luôn đầu tắt mặt tối làm việc và chịu vất vả để chúng ta thêm sức dồi dào bởi trái tim Người đầy yêu thương phát ra; Sau hết là Người sẽ không thiên vị người nào, mà đòi hỏi nhiều ở những kẻ có nhiều và thưởng phạt ai nấy tùy theo công nghiệp của họ.
3. Cải thiện phong hóa.
79. Nhưng ta hãy xét mọi việc cho tường tận hơn. Ta sẽ thấy rõ ràng công việc cải tạo xã hội ai cũng mong ước không thể nào hoàn thành, nếu không phục hưng lại tinh thần kitô hữu trong đời sống trước đã. Các nhà kinh tế chuyên môn, đa số đã mất tinh thần phúc âm từ lâu. Tội nghiệp họ cố gắng xây dựng nền kinh tế, nhưng thay cho xây dựng nó trên nền đá kiên cố, trái lại họ chỉ xây dựng nó trên bãi cát.
Ta mới đưa mắt lược qua chế độ kinh tế hiện tại. Nhưng cũng đủ mà nhận thực các tệ đoan của nó. ta đã luận xét chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội muôn mặt. Những chủ nghĩa ấy dầu dưới hình thức điều độ hơn cả, cũng vẫn xa cách phúc âm một vực một trời.
Vì thế Ta mượn lời Đức Tiên Giáo hoàng mà nói: Duy chỉ có một phương dược sửa chữa xã hội, là dẫn nó về với những cơ cấu và đời sống của phúc âm.
Chỉ phúc âm mới đủ hiệu lực mà giải phóng xã hội khỏi vấn vương vào những sự hay hư là cỗi rễ đủ mọi tính hư.
Loài người mê ảo vì bận trí vướng lòng vào thế gian phù vân chóng qua. Chỉ có phúc âm mới đưa họ về chân minh, mà khiến họ đưa mắt nhìn lên trời. Ai chối được xã hội ngày nay không cần đến phương dược linh nghiệm ấy?
Các linh hồn bại hoại, là ác quả của chế độ kinh tế hiện tại.
80. Loài người phần đa số xúc động, chỉ vì những biến cố, những phá hoại, những tệ đoan thế tục. Nhưng so sánh cho kỹ những tệ đoan ấy, với những bại hoại của các linh hồn, nào có ra gì.
Nói cho đúng, tình trạng xã hội kinh tế ngày nay là trở lực kinh khủng nhất, khiến loài người phần đông không chu toàn được việc khẩn cấp hơn cả, là việc rỗi linh hồn.
Vì ta kế vị Chúa Chiên đã cứu chuộc họ bằng Máu Thánh Người, Ta phải chăm nom săn sóc họ. Vậy nhìn đến cảnh thê thảm của họ, ta không khỏi động lòng thông cảm. Nhớ mục vụ của ta, nhớ tình cha con ràng buộc ta lại với họ, ta không ngừng tìm phương pháp cứu họ, và liệu sao cho mọi người thiện chí, cũng không ngừng lao tâm cương quyết cải hóa mọi sự theo công bằng và bác ái. Chinh phục thiên hạ bằng những tổ chức tăng gia sản xuất mãi, mà mất linh hồn thì nào có ích gì ! Dạy bảo họ những nguyên tắc kinh tế ngay thẳng, mà cứ để họ lạc xa đường chính; vì những tham vọng ích kỷ mê hoặc, cũng là vô ích. Biết đạo thánh Chúa mà hành động trái ngược với luật thánh Người, há chẳng phải là gây một thiệt hại lớn ư !
Nguyên do tệ đoan.
81. đời sống xã hội và kinh tế, càng lạc xa Chúa Kitô thì các công nhân cũng càng chối Thiên Chúa. Tâm hồn của họ đầy những tham vọng mê man, là ác quả của tội nguyên tổ, đã phá trật tự Thiên Chúa đặt sẵn giữa các năng lực hồn xác của con người. Vì tội ấy loài người trôi theo những dục vọng đê hèn, mà ra ưa quý những của cải phàm hèn hay hư mà coi thường những của cải siêu nhiên vĩnh cửu. Lòng khao khát tiền của, và thế sự, thì phát nguyên từ đó. Con người cũng không đời nào cho nó thỏa mãn được.
Trái lại vì nó mà đời nào lòng người cũng khuynh hướng về sự lỗi luật Chúa, giầy đạp quyền lợi anh em dưới chân. Nhưng dưới chế độ kinh tế hiện tại, lòng người vốn yếu đuối thì lại càng sa ngã nhiều hơn nữa. Tình trạng kinh tế và mọi cơ cấu đã lập ra đảng này, thì hằng lung lay. Những người phụ trách thì đêm ngày lo chống đỡ. Kết quả một số đông người càng ngày càng chai đá không quản gì đến lương tâm, một cứ hết thử phương pháp này, lại thử đến phương pháp kia; quyết tăng gia hay bảo vệ hoa lợi họ đã vất vả thâu góp cho khỏi vì vận hạn mà họ phải mất hết trong chốc lát. Những hoa lợi ai cũng dễ dàng thâu góp, vì tự do buôn bán thường hấp dẫn bao nhiêu người, bỏ sự sản xuất, chuyên lo trao đổi sản phẩm, vì đó là một phương cách làm ích lợi nhiều. Một sự đầu cơ vô hạn, làm cho giá mọi sản phẩm cứ lên xuống mãi theo sở thích và tham vọng của họ. Sự sản xuất dầu được tổ chức khôn ngoan đến đâu đi nữa, thì cũng không sao theo kịp.
82. Pháp luật đáng lẽ phải tổ chức tư bản cho có sự hợp tác, cho mọi người hưởng lợi điều hòa, lại chia với nhau phần thiệt hại rủi may. Nhưng thật sự pháp luật gây dịp cho những sự lạm quyền đáng trách, chẳng còn mấy ai ý thức trách nhiệm. Tội lỗi đến công bằng là sự thường, mà lương tâm ai nấy cũng không bị cắn rứt bao nhiêu. Vì có đại chúng chịu vậy, ít khi phản đối, nên người ta tha hồ lừa dối nhau, vì phạm công lý là việc đáng kết án nghiêm ngặt. Chính kẻ cầm quyền chỉ huy những tổ chức kinh tế chung lại đồng mưu phạm đến những lời cam đoan của họ, khinh thường quyền lợi những kẻ đặt hết tin tưởng vào họ. Vì tư lợi riêng, họ khiến dân đen mất cả phần vốn mà người ta đã mất công dành dụm. Ta còn nói gì nữa về những người kinh doanh nhiều, không phân biệt những việc chính tà, phải trái, mà xúi giục những dục vọng của dân chúng tin ở họ, rồi lạm dụng dân chúng để gây lợi riêng.
Chỉ một kỷ luật luân lý được chính quyền nâng đỡ mới đề phòng hay tu bổ lại những tổn thất ấy. Nhưng, tội nghiệp từ trước đến giờ kỷ luật ấy không biết bao phen đã nhu nhược. Chế độ kinh tế mới đã xuất hiện ngay trong lúc chủ nghĩa duy lý được truyền bá và đâm rễ sâu khắp mọi nơi. Kết quả nền kinh tế mới cũng thụ hưởng và loại bỏ luân lý luôn. Luân lý bị loại ra, thì dần dần kinh tế bị mọi tham vọng phàm hèn tha hồ xâm chiếm.
Từ đó loài người đa số chỉ còn lo mở mang tài sản bằng đủ mọi phương kế chính tà. Họ đặt lợi riêng lên trên hết mọi sự. Dầu những tội ác kinh khủng nhất, phạm đến quyền lợi anh em, họ cũng thản nhiên nhúng tay vào.
Những kẻ mở đường đưa đến trụy lạc ấy, đã không thiếu người bắt chước noi theo sự gian ác của họ, kẻ thì theo vì ngạc nhiên trước sự thành công vĩ đại của họ, kẻ thì theo vì cảm phục đời sống xa hoa kiêu hãnh của họ, kẻ thì lương tâm non nớt ngần ngại, nhưng cũng theo vì bị chê cười nhạo báng, kẻ thì đấu tranh nhưng vì không dám dùng những phương kế bất lương, nên đã bị họ diệt trừ đánh bại.
Những ban chấp hành phụ trách kinh tế đã bãi bỏ luân lý thì tất nhiên công nhân dần dần cũng bãi bỏ. Cấp trên cấp dưới cùng sa vào trụy lạc. Giới công nhân càng chống suy đồi, vì càng thấy đa số chủ nhân không quản gì đến phần hồn khinh thường những phúc lợi cao thượng họ còn noi theo, mà chỉ dùng họ như thể họ là những khí cụ vô ý thức.
Ai cũng khiếp sợ khi thấy những tệ đoan đe dọa những xưởng lớn ngày nay, về luân lý công nhân, nhất là công nhân tuổi trẻ; về nết na đức hạnh của phụ nữ ! ai cũng khiếp sợ, khi thấy chế độ cần lao hiện tại gây bao trở lực cho đời sống gia đình, hoặc vì hoàn cảnh khốc hại, cửa nhà công nhân phải ở, hoặc vì gia đình công nhân bị phân tán, không giữ được sự ấm cúng cần thiết. Ai cũng khiếp sợ khi thấy những trở lực lớn lao ngăn cấm công nhân không còn thánh hóa được ngày chủ nhật và lễ trọng. Ai cũng khiếp sợ khi thấy công nhân và các dân đen xưa kia có lý tưởng công giáo rất cao, mà ngày nay đã mất cả tinh thần kitô hữu, vì quá bề bộn về việc cơm bánh thường ngày. Theo ý Chúa quan phòng không cứ gì tội nguyên tổ đối với con người, cần lao phải là phương kế mở mang phần xác, vật chất và tinh thần. Nhưng với tổ chức kinh tế vô đạo kia, cần lao chỉ còn đưa nhân loại đến trụy lạc.
Trong xưởng máy, muôn vật thiên nhiên đều thêm giá trị, Nhưng loài người trái lại, chỉ hư đi và suy đồi mãi.
IV. Phương dược.
a) Hợp lý hóa kinh tế theo đạo Chúa Kitô.
83. Bao lâu sự khủng bố các linh hồn nói trên còn tồn tại, thì bấy lâu mọi cố gắng cải thiện xã hội sẽ bị thất bại. Phương dược linh nghiệm duy nhất, là trở về với phúc âm, thực hành những lời hằng sống của Chúa Kitô, Đấng đã nói rằng: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói không thể nào qua được”.
Những nhà xã hội học chuyên môn, tha thiết đòi hỏi sự hợp lý hóa kinh tế để cải tạo xã hội hiện tại. Nền kinh tế ấy ta cũng quyết tu bổ lại, nhưng nó sẽ không bao giờ hoàn bị, nếu ta không khiến mọi hành động của nhân loại phát triển điều hòa và quy về tổ chức vĩ đại của Chúa, mà đáng lẽ loài người phải bắt chước và phải thực hành tùy theo sức.
Tổ chức ấy chính là tổ chức hoàn bị mà giáo hội không ngừng nhắc đến và cũng là tổ chức lý trí tự nhiên đòi hỏi.
Trong tổ chức ấy, Thiên Chúa vừa là căn nguyên, vừa là cứu cánh tuyệt đối của mọi hành động thụ tạo. Muôn vật trong thiên nhiên cũng chỉ là phương tiện, ta phải hưởng dụng điều độ để bước tới cứu cánh đời sống. Trong tổ chức những nghề nghiệp gây lợi không bị hạ giá đâu. Trái lại, thay cho khinh bỉ những nghề nghiệp và cho rằng đối với phẩm cách nhân loại là bất xứng; thì ta xác nhận những nghề nghiệp ấy rất thích hợp với thánh ý Chúa đã dựng nên loài người để làm việc, và dùng việc làm để cấp đủ mọi sự cần cho đời sống. Như vậy kẻ sản xuất không cấm tăng gia sản riêng, trái lại, công lý ban phép cho những người nào mưu ích cho xã hội thêm phong phú cũng được hưởng phần công ích do họ gây nên để sống xứng với địa vị của họ. Chỉ có một điều kiện là họ phải thêm giầu theo luật thánh Chúa. Họ phải tôn trọng quyền lợi của anh em, họ phải tiêu dụng của cải theo luật đức tin và lý trí chỉ dạy.
Giả như mọi người tuân theo những luật sống này, không những sự sản xuất mà lại cả những sự thâu góp và tiêu dụng của cải ở dưới thế ngày nay đã rất lộn xộn, cũng sẽ kíp trở về trật tự và sự phân phối của công lý.
Trong thực tế, tính vị kỷ là sự nhục nhã và tội trọng nhất của đời ta, sẽ phải nhượng bộ trước luật êm dịu và mạnh sức của một tổ chức điều độ do công giáo gây nên. Luật ấy bảo rằng: trước hết hãy tìm nước Chúa và sự công lý, rồi chắc thể nào Chúa cũng sẽ ban dư dật đủ mọi của cải thế tục. Vì đó là lời Chúa đã hứa công khai, hợp với lòng vô cùng khoan dung quảng đại của Người.
b) Vai trò quan trọng của đức bác ái.
84. Những cố gắng cải tạo xã hội nói trên, muốn chắc thành công, thì phải căn cứ vào luật bác ái, vốn bảo đảm sự trọn lành.
Bao nhà cách mạng trứ danh cũng thiếu khôn ngoan và lầm to, vì họ bắt buộc ai nấy cũng phải tuân cứ luật công bằng giao hoán, rồi kiêu hãnh khinh thường sự hợp tác của đức bác ái.
Đành rằng đức bác ái cũng không thể nào thay thế cho đức công bằng được.
Không ai lấy cớ thực hành đức bác ái, mà chối những phận sự đức công bằng bắt buộc ai cũng phải đảm nhận. Nhưng dầu mọi người ở dưới thế được thỏa mãn theo đúng quyền lợi, phạm vi bác ái cũng còn rộng rãi, nói được là vô bờ bến. Thực hành đức công bằng một cách tỉ mỉ, thì có lẽ xã hội sẽ không còn lý do nào cho các giai cấp tương tranh. Nhưng đức công bằng vẫn không đủ sức nhiệm mầu khiến mọi người đồng tâm nhất trí. Vậy tất cả mọi cơ cấu quyết gây dựng hòa bình, và sự cộng tác giữa loài người, dầu tổ chức tinh xảo bao nhiêu, chỉ hiệu lực và đứng vững, khi mọi công dân thật đồng tâm với nhau ở trong tâm hồn. Kinh nghiệm dạy rằng thiếu sự đồng tâm ấy, bất cứ tổ chức nào cũng không kết quả được.
Sự cộng tác chặt chẽ thân mật giữa nhân loại, cùng chung theo đuổi công ích, không thể nào có được, nếu loài người không ý thức rằng: họ chỉ là phần tử của một gia đình rộng lớn cùng một cha cả trên trời. Họ chỉ là thành phần của nhiệm thể Chúa Kitô, mà từng người hân hạnh được làm chi thể. Như vậy nhỡ ra có ai đau khổ, thì toàn thân thể xã hội cũng mới chia phần đau khổ.
Nhờ đó kẻ giầu sang người cầm quyền đã quen lãnh đạm với những anh em tội nghiệp và xấu số từ lâu, mới tỏ lòng thông cảm và nẩy ra lòng bác ái thực sự. Họ sẽ động lòng thương lắng nghe sự khiếu nại hợp lý của dân. Họ sẽ động lòng dung tha những lầm lạc hay lỗi lầm của các dân bần cùng.
Đàng khác các công nhân sẽ thành thực bỏ lòng căm hờn hay ghen tương, mà các nhà chuyên môn xúi giục các giai cấp xã hội kình địch nhau đã gây nên. Họ sẽ tình nguyện đóng vai trò tân xã hội mà Chúa quan phòng đã chỉ định cho. Họ sẽ cho vai trò xã hội của họ là rất quan trọng, bởi họ đã hiểu rằng: mọi người đều có một phận sự thì đều góp thêm phần hữu ích vào công ích. Họ sẽ noi gương theo gót Chúa Kitô, Đấng bẩm sinh là con Chúa, nhưng đã không ngại đóng một vai công nhân ở đời và rất hân hạnh vì được gọi là “con bác thợ mộc”.
Công việc thì rất nặng nề.
85. Tinh thần phúc âm lại tỏa ra khắp thiên hạ, là một tinh thần điều độ và bác ái, thì ta mới hy vọng và vững tâm hy vọng, xã hội sẽ được phục hưng lại như ta hằng tận tâm mong ước: hòa bình Chúa Kitô sẽ hiện ra trong nước Chúa Kitô.
Sự phục hưng và hòa bình ấy là mục đích ta đã theo đuổi ngay từ lúc mới được tin sẽ được tấn phong giáo hoàng, và ta vẫn cương quyết thực hành mục đích ấy với cả một lòng cha ân cần săn sóc đoàn con. Anh em cũng theo ý Thánh Linh Chúa, mà hợp tác với ta chỉ huy giáo hội của Chúa. Vậy xin anh em góp một phần với ta trong công việc khẩn cấp và cần thiết đời ta với một lòng hăng hái nhiệt thành khả kính. Ta thành thực tán tạ anh em và tất cả những linh mục và những giáo hữu là cộng tác viên hùng dũng của anh em, vì họ càng ngày càng góp một phần rất lớn và rất đáng khen trong công cuộc vĩ đại ấy. Họ là những con thân yêu nhất của ta; những nhân viên của công giáo tiến hành đã tình nguyện hiến thân với ta, để giải quyết vấn đề xã hội, tùy theo giáo hội do Thiên Chúa lập ra đã có quyền và phận sự lo đến.
Ta tha thiết yêu cầu những người ấy, trong Chúa Kitô đừng tiếc gì công lao, đừng để trở lực nào thắng họ, và ngày một tỏ mình dũng cảm hơn, sức lực mới mẻ hơn. Công việc ta đề nghị rất nặng nề. Ta thừa biết trong đủ mọi giai cấp xã hội, cấp trên, cấp dưới họ sẽ phải thắng biết bao trở lực. Nhưng chớ ngã lòng. Đặc tính riêng của các kitô hữu, là xông pha vào những trận chiến nguy hiểm; hoàn tất những công việc lớn, cho xứng danh hiệu là tinh binh của Chúa Kitô, và hằng theo sát Người.
Đã đặt hết tin tưởng ở Chúa Kitô toàn quyền mở rộng đường cứu rỗi cho cả nhân loại, chúng ta hãy tùy theo sức, để ủng hộ những linh hồn tội nghiệp đã lạc xa Chúa... Chúng ta hãy cứu họ khỏi những thế tục đã xâm chiếm tâm hồn họ, và ta hãy tập cho họ quen hướng về những của quý đời sau. Công việc ấy có thể hoàn thành dễ hơn ta thường tưởng tượng. Dầu những người trụy lạc, cũng giữ trong lòng như một ngọn lửa âm ỉ dưới bóng tro tàn những năng lực siêu nhiên lạ lùng, chứng tỏ họ tự nhiên là những tâm hồn kitô hữu. Phương chi những người lầm lạc vì hoàn cảnh, hay bị lừa dối, tất còn giữ trong lòng một nguồn lực mãnh liệt hơn nữa.
86. Ngoài ra đời ta bây giờ không thiếu những điểm tốt khiến ta mừng rỡ và tin chắc rằng: xã hội sắp được chỉnh đốn trong Chúa Kitô. Tỉ dụ như những tổ chức công nhân kitô hữu đang xuất hiện, nhất là phong trào thanh niên lao công kitô hữu đang xiết chặt hàng ngũ vì đã đáp lời Chúa gọi, và hằng ôm ấp trong lòng một tham vọng quý hóa, là khôi phục lại cho Chúa Kitô một tâm hồn anh em đồng nghề. Ta cũng hết sức mừng rỡ, khi thấy bao người trong các ban chấp hành những tổ chức công nhân đã hy sinh tư lợi, để thành tâm gây phúc lợi cho anh em. Họ đã quyết chí hòa giải những khiếu nại hợp lý của công nhân, với lợi ích chung của công nghệ họ phụ trách. Dầu bị tình nghi, dầu gặp phải bao trở lực họ cũng bền tâm theo đuổi mục đích cao siêu ấy. Sau hết những thanh niên tài trí lỗi lạc, hay khá giầu sang, sắp chiếm lấy một địa vị khả quan trong giới công chức xã hội cũng đã càng ngày càng đông và càng mải miết tìm hiểu vấn đề xã hội hiện tại. Họ là một mối hy vọng rực rỡ, vì nay mai chắc chắn họ sẽ tận tâm với phận sự cải hóa xã hội.
Đường lối nên theo.
87. Anh em đáng kính, như vậy thời thế hoàn cảnh vạch sẵn cho ta đường lối phải bước đi. Như mấy đời trước, đời ta cũng bị tục hóa theo tha dân. Muốn hấp dẫn mọi giai cấp xã hội đã chối Chúa chóng được trở về đường chính, anh em phải tuyển mộ và huấn luyện ngay ở giữa họ một số người thông cảm tâm trí của họ, xu hướng của họ, để làm phụ tá cho giáo hội, mà lại đối đãi với họ trong một tình nghĩa huynh đệ thiết tha. Những tông đồ ưu tiên, những tông đồ trực tiếp của giới lao động sẽ là công nhân, những tông đồ của giới kỹ nghệ hay thương mại sẽ là những người chuyên về kỹ nghệ hay thương mại.
Những tông đồ giáo dân thuộc giới lao động, hay chủ nghiệp này, chính anh em và các linh mục phục quyền anh em, sẽ phải ân cần tìm kiếm, khôn ngoan tuyển lựa, đào tạo và giáo huấn. Linh mục lại phải đảm nhiệm một trọn trách rất tinh tế. Các chủng sinh đang dọn mình phụng sự giáo hội, cũng phải tận tâm học hiểu những nguyên tắc xã hội của hội thánh. Còn những người được anh em lựa chọn để trực tiếp phụ trách mục vụ ấy, sẽ phải có óc công bằng rất tinh tế, đủ sức nhiệm để vững tâm chống cự những khiếu nại quá khích bất công của bất cứ ai, lại phải nổi tiếng là người điều độ và khôn ngoan tránh được đủ mọi sự quá khích. Hơn thế nữa, họ cần thấm nhuần lòng bác ái của Chúa Kitô. Chỉ đức bác ái mới mạnh sức và đủ êm dịu để chinh phục tâm trí người ta cho công bằng và chính nghĩa. Kẻ bền chí theo đường lối ấy đã thành công nhiều rồi. Không ai hồ nghi được đó là đường lối ai cũng phải dũng cảm bước chân theo.
Còn những linh mục được lựa chọn để đảm nhiệm trọng trách ấy, thì ta tha thiết yêu cầu họ hãy tận tâm huấn luyện những cộng tác viên của họ. Để hoàn tất công việc linh mục và tông đồ ấy, trước hết họ phải dùng mọi phương tiện, do nền giáo dục công giáo cung cấp cho họ.
Giáo dục thanh niên.
Hội đoàn kitô hữu.
Hội học về những huấn lệnh của đức tin.
Hơn hết họ phải tôn trọng và chuyên dùng những cuộc tĩnh tâm, là phương thế linh nghiệm nhất để cải thiện đời sống cá nhân và xã hội, Ta đã nói rồi, và ta nhắc lại nữa: họ phải dùng phương kế ấy để huấn luyện các cộng tác viên của họ.
Những cuộc tĩnh tâm này rất hữu ích cho giáo dân, và nhất là cho công nhân. Vì thế ta tha thiết yêu cầu anh em hãy tổ chức những cuộc tĩnh tâm ấy là trường học đào tạo tinh thần, trong lò lửa nồng nàn của Thánh Tâm Chúa Giêsu đầy tình yêu. Từ ở những trường học ấy, không những xuất ra những giáo dân kiểu mẫu, mà lại là những tông đồ chân chính, chuyên môn làm việc trong đủ mọi giai cấp xã hội.
Từ ở những trường học ấy như các tông đồ xưa, từ ở nhà tiệc ly, họ sẽ xuất ra với một đức tin mạnh mẽ, với một ý chí anh hùng chống được đủ mọi sự bắt bớ, vì chỉ còn một mối lo là xuất công mở nước Chúa Kitô cho rộng.
Không bao giờ bằng bây giờ giáo hội cần những tinh binh kitô hữu ấy, để tận tâm hiệp lực bảo vệ gia đình khỏi những tai hại sẽ phải xảy ra. Nếu họ khinh bỉ học thuyết Phúc âm, để mặc chế độ hiện tại giầy đạp đạo tự nhiên và đạo thánh Chúa, rồi tiến triển mãi. Giáo hội Chúa Kitô được xây đắp trên những nền tảng bất di bất dịch, dầu hỏa ngục cũng không thắng nổi, nên Người không thấy gì đáng là khiếp sợ.
Giáo hội cũng có kinh nghiệm quá khứ bảo đảm tương lai. Dầu những cơn giông tố dữ dội nhất, trải qua lịch sử giáo hội cũng đã thắng vượt hết, mà lại thắng một cách vô cùng vẻ vang.
Nhưng giáo hội là một người mẹ âu yếm đàn con. Khi thấy đoàn con lâm nguy, về những cơn giông tố đang đe dọa ức triệu người phải thiệt hại lớn, thì giáo hội sốt ruột và xót dạ. Nhỡ ra những cơn giông tố ấy bùng nổ, thì bao nhiêu người sẽ bị thiệt hại về phần hồn, và bao nhiêu linh hồn được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng giá máu Người sẽ phải bại hoại.
Vì thế, ta phải dùng trăm nghìn phương cách để đề phòng cho nhân loại khỏi sa vào những tai ương ấy. Mọi công việc, mọi cố gắng, mọi kinh nghiệm liên lỉ nhiệt tâm của ta, thảy đều quy về mục đích ấy.
Nhờ ơn Chúa giúp, do chúng ta cầm trong tay thân phận loài người tương lai được, chúng ta đừng để con cái thế gian tỏ mình khôn ngoan hơn chúng ta; đã nhờ ơn Chúa toàn ái phú ban, mà trở nên con cái của ánh sáng.
Quả thật, ta thấy họ rất khôn ngoan, tuyển lựa và huấn luyện cán bộ, để truyền bá tà thuyết của họ, làm cho phong trào của họ ngày một mở rộng hơn, trong đủ mọi tầng lớp xã hội và ở đủ mọi địa phương trên hoàn cầu. Hễ khi nào họ phải giao chiến với giáo hội, ta thấy họ quên bỏ mọi sự xích mích riêng, để xiết chặt hàng ngũ và tận tâm hiệp lực theo đuổi mục đích của họ bằng cách thống nhất lực lượng.
Giáo dân phải đoàn kết và cộng tác với nhau một cách chặt chẽ thân mật.
88. Giáo dân nhiệt thành không quản gì công lao khó nhọc để gây dựng bao công cuộc vĩ đại, hoặc trong phạm vi xã hội kinh tế, hoặc trong phạm vi văn hóa và tôn giáo. Điều ấy ai cũng đã rõ. Nhưng vì những lực lượng công giáo đã quá phân tán, thì những công cuộc đáng khen kia đâm ra yếu lực và thiếu hiệu quả.
Vậy ta yêu cầu mọi người thiện chí, hãy đoàn kết lại chặt chẽ dưới quyền chỉ huy của các chúa chiên phụ trách giáo hội. Nhờ vậy họ mới ra mặt trận thánh thiện và ôn hòa của Chúa Kitô; giao chiến và toàn thắng. Yêu cầu mọi người phục quyền giáo hội, sống dưới ánh sáng của giáo hội, cũng ra giao chiến, tùy theo năng lực, tài sức riêng, địa vị riêng, để góp một phần vào việc canh tân xã hội, mà chính Đức Lêô XIII trong bức thông điệp RN đã nêu khởi.
Không chút thiên vị những ý kiến riêng, một cứ sẵn sàng bỏ luôn những ý kiến sáng suốt hơn cả, vì công ích đáng quý hơn.
Họ phải đề cao hơn hết và ở khắp mọi nơi nước Chúa Kitô, làm cho Chúa Kitô hiển trị khắp thiên hạ.
Vì Chỉ có Chúa Kitô đáng được vinh danh toàn trị muôn đời. Vậy để toàn thể anh em và các con yêu quý hợp lại trong đại gia đình công giáo, Chúa đã uỷ cho ta phụ trách, luôn luôn đủ sức hoàn tất công việc ấy;
Để các công nhân và các lao động công giáo, ta yêu quý riêng vì được Chúa quan phòng uỷ thác cho ta săn sóc làm một với chủ nhân, được luôn luôn tận tâm với phận sự;
Ta hân hạnh đem hết tình cha con, ban phép lành tòa thánh.
Tại Lamã, gần tòa thánh Phêrô, 15,3,1931.
Năm thứ 10 ta được thụ phong giáo hoàng.

Piô XI
VI. Con Người là Con đường của Giáo hội

53. Giáo hội không quan tâm đến việc lấy lại những đặc quyền trước đây hoặc áp đặt quan điểm của mình. Giáo hội qtqm đến con người, con người “cụ thể”,
recovering former privileges
or imposing its vision.
Its interest is the human being,
the "concrete" human being,
the individual person to whom Christ
united himself.
The human being is the primary route
that the church must travel
to fulfill its mission.

54. The human and social sciences are helpful
in explaining
how this concrete person
is involved in a complex network
of relationships.
Faith reveals our real identity.
That is why the church concerns itself
with the rights of the individual,
the working class, the family,
the state, national and international society,
with economic life, culture, war and peace,
and respect for human life from conception.

55. The social teaching of the church
belongs to moral theology,
"a sign and safeguard
of the transcendence
of the human person."

56. I thank all those devoted
to the church's social teaching.
I wish it to be known and applied
in the countries
where "real socialism" has collapsed;
in the Western countries
that need to correct their system:
in the Third World countries
with their underdevelopment.
As Pope Leo XIII stated:
"All should put their hands to the work
which falls to their share,
and that at once and straightway,
lest the evil which is already so great
become through delay absolutely beyond remedy."

57. The social message of the Gospel
is and always has been a basis for action:
the first Christian communities
redistributed their goods to the poor;
in  the early Middle Ages
monks engaged in  rural development;
later, religious women and men founded hospitals.
We, too, need the witness of actions.

58. Love for others, and especially for the poor,
is made concrete by promoting justice.
It is not a matter of giving some surplus,
but of helping entire peoples.
It requires a change of lifestyles,
a reorientation of ourselves
and our organizations
toward the whole of the human family.
It asks for effective international agencies
to coordinate the powerful nations
and take into account the weaker ones—
which even the most powerful state on earth
would not be able to do on its own.

59. The gift of grace is needed,
a newness in the following of Jesus.
The church's social teaching
should begin a practical and scientific dialogue
at the crossroads
where it meets the world as it is.

60. Pope Leo XIII wrote:
"This most serious question
demands the attention
and the efforts of others."
John XXIII addressed his letter on peace
to "all people of good will."
Now, even more than in  those days,
we are aware that all—
even those who profess no religion—
can contribute to a solution.
I already invited all Christian churches
and all the great world religions
to offer their witness
to the dignity of the human being
created by God.
I am convinced that they will play
a role in preserving peace
and building a society worthy of
the human being.

61. A hundred years ago
industrialized society was:
"a yoke little better than that of slavery itself."
That is why the church spoke
in  defense of humanity
The church did so
after the First and Second World Wars
for exactly the same reason.
And now it does so
with regard to the developing countries
living in conditions that are still
"a yoke little better than that of slavery itself."

62. This encyclical, looking at the past,
is directed to the future.
As in  the years of Rerum Novarum
we live on the threshold of a new century.
The intention is—with God's help—
to prepare for that moment.
God's promise is:
"Behold I make all things new."
This newness has been present since creation,
and especially since Jesus became one of us.
I thank God
for enlightening humanity
on its earthly journey,
and I pray that Mary,
the mother of Jesus,
may accompany the church
on its journey,
as she accompanied Jesus, her son.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét