105. Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người. Những con người đã nhận được phẩm giá khôn sánh và bất diệt nơi Thiên Chúa ấy chính là những con người mà Giáo Hội muốn ngỏ lời, muốn đem đến cho họ sự phục vụ cao cả nhất và đặc biệt nhất, bằng cách kiên trì nhắc nhở họ về ơn gọi cao quý đó để họ luôn nhớ và sống cho xứng đáng. Đức Kitô, Con Thiên Chúa, “qua sự nhập thể của mình đã tự kết hợp chính mình một cách nào đó với mỗi một con người”197; vì thế, Giáo Hội nhìn nhận nghĩa vụ căn bản của mình là trông coi sao cho mối kết hợp ấy luôn được thực hiện và canh tân. Trong Đức Kitô là Chúa, Giáo Hội chỉ cho người ta thấy và cố gắng làm người đầu tiên bước vào lộ trình ấy – tức là con người198, đồng thời mời gọi mọi người hãy nhìn nhận mỗi người – dù gần hay xa, quen hay lạ, nhất là những người nghèo và đau khổ – là anh chị em của mình, những người “mà Đức Kitô đã chết cho họ” (1 Cr 8,11; Rm 14,15)199.
106. Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Giáo Hội đã nhiều lần nhiều cách làm trạng sư có thẩm quyền giúp người ta hiểu, nhìn nhận và khẳng định con người là trọng tâm của mọi lĩnh vực và mọi biểu hiện trong xã hội: “Bởi đó, xã hội loài người chính là đối tượng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội, vì Giáo Hội không đứng ngoài cũng chẳng đứng trên những con người liên kết thành xã hội, mà Giáo Hội chỉ tồn tại nơi những con người, và bởi đó, Giáo Hội tồn tại vì những con người”200. Nhận thức quan trọng này được phản ánh trong lời khẳng định sau đây: “Thay vì làm đối tượng hay làm nhân tố thụ động của đời sống xã hội”, con người “nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội”201. Vì thế, nguồn gốc của đời sống xã hội là chính con người, và xã hội không thể nào không nhìn nhận chủ thể tích cực và hữu trách của mình; mọi biểu hiện của xã hội đều phải quy hướng về con người.
107. Trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công giáo202. Thật vậy, toàn bộ Học thuyết Xã hội Công giáo chẳng qua chỉ là sự triển khai nguyên tắc: con người có phẩm giá bất khả xâm phạm203. Trong tất cả những nghĩa cử đa dạng bày tỏ nhận thức ấy, Giáo Hội luôn cố gắng bênh vực phẩm giá con người mỗi khi có toan tính xác định lại hay bóp méo hình ảnh ấy; Giáo Hội cũng thường xuyên tố cáo những sự xâm phạm phẩm giá con người. Lịch sử đã xác nhận rằng chính cơ cấu hình thành nên các quan hệ xã hội nổi lên một số khả năng thăng hoa con người, nhưng cũng chính trong cơ cấu ấy lại tiềm tàng những loại bỏ ghê tởm nhất đối với phẩm giá con người.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
197 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1042.
198 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 14: AAS 71 (1979), 284.
199 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1931.
200 Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của
Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 35, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma
1988, tr. 39.
201 Piô XII, Thông điệp Truyền thanh ngày 24-12-1944, 5: AAS 37 (1945), 12.
202 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 11: AAS 83 (1991), 807.
203 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 453, 459.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét