Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

I. Khía cạnh Kinh thánh


   
  Mọi suy từ thần học đều bắt đầu bằng Lời Chúa. Như vừa nói, những điều nói ở đây có giá trị cho các Kitô hữu, chứ chưa hẳn có sự thuyết phục các tôn giáo khác. Mặt khác, Kinh thánh nói đến “lao động” dưới khía cạnh thần học luân lý và tu đức, hơn là những khía cạnh kinh tế xã hội vào thời đại chúng ta. Chúng ta sẽ trở lại điều này trong Mục 2 (nhận xét).
      Đoạn này gồm có ba khoản: 1/ Cựu ước: sứ mệnh lao động vào lúc tạo dựng. 2/ Tân ước: đức Kitô gương mẫu lao động. 3/ Nghĩa vụ làm việc dựa theo các thánh tông đồ và các giáo phụ.

      A. Nghĩa vụ khai khẩn và bảo tồn trái đất
            1. Trong chương trình của Đấng Tạo Hoá, các vật thụ tạo được dựng nên để phục vụ con người (số 255).
      - Cựu ước trình bày Thiên Chúa như là Đấng Tạo Hoá quyền năng (St 2,2)
      - Thiên Chúa nặn lên con người theo hình ảnh của ngài và mời gọi con người canh tác trái đất (St 1,28).
      - Con người được đặt làm quản lý vũ trụ, nhưng không có quyền khai thác vũ trụ một cách vô trách nhiệm.
            2. Lao động là một điều kiện của con người ngay từ lúc khai nguyên, trước khi sa ngã. Vì thế lao động không phải là một sự trừng phạt hoặc là một lời chúc dữ cho con người (số 256). Lao động trở thành nặng nhọc vất vả do tội lỗi của ông Ađam và bà Evà (St 3,6-8). Con người phải tùng phục Thiên Chúa trong việc quyết định điều gì là tốt hay xấu. Con người không có quyền thống trị tuyệt đối trên vạn vật. Dù sao, kế hoạch của Thiên Chúa vào lúc khai nguyên vẫn không thay đổi: con người được mời gọi canh tác và giữ gìn vũ trụ.
            3. Lao động là một điều thiết yếu đối với con người, nhưng nguyên uỷ và cứu cánh của con người là Thiên Chúa, chứ không phải là lao động (số 257). Cần phải tôn trọng lao động, bởi vì nó là nguồn gốc của giàu có và phong lưu. Nó là một dụng cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo nàn (Cn 10,4). Tuy nhiên đừng để cho lao động trở thành ngẫu tượng. “Thà rằng ít tiền của mà liêm khiết, còn hơn là giàu sang mà thiếu công bằng” (Cn 16,8).
            4. Tột đỉnh của giáo huấn của Kinh thánh về lao động là lệnh truyền phải nghỉ ngơi ngày sabát (số 258). Nó mở ra cho con người viễn ảnh của một sự tự do hoàn toàn, vào ngày Sabát vĩnh cửu (Dt 4,9-10). Sự nghỉ ngơi cho phép con người được nhắc nhớ và sống lại những công trình của Thiên Chúa trong việc tạo dựng và cứu chuộc, và để tạ ơn ngài.
      Cảm nghiệm về ngày sabát là thành lũy chống lại nạn làm nô lệ cho lao động và chống lại tất cả mọi hình thức khai thác bóc lột. Ngoài “ngày sabát” hằng tuần, Cựu ước còn có chế độ “năm sabát” theo chu kỳ bảy năm (Xh 23,10-11), trong đó, người giàu hạn chế quyền khai thác tài sản nhằm giúp đỡ người nghèo; điều này cũng nhắc nhớ rằng việc thu tích tài sản của một thiểu số có thể đưa đến việc truất hữu tài sản của nhiều người khác1.
      B. Đức Giêsu, một con người làm việc
            1. Trong các bài giảng, Đức Giêsu đã dạy dỗ chúng ta hãy biết quý trọng sự làm việc (số 259). Chính Người đã nêu gương làm việc tay chân trong xưởng thợ mộc. Người lên án thái độ của người tôi tớ lười biếng (Mt 25,14-30), và khen ngợi người tôi tớ trung thành và không ngoan (Mt 24,46).
      Người diễn tả sứ mệnh của mình như là một công tác (làm việc): “Cha của tôi vẫn làm việc và chính tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Người cũng diễn tả sứ mệnh của các môn đệ như là những người làm việc trong mùa gặt của Chúa (Mt 9,37-38). “Người thợ đáng hưởng tiền lương của mình” (Lc 10,7).
            2. Đức Giêsu dạy con người đừng trở thành nô lệ cho lao động (số 260). Tiên vàn con người hãy lo cứu rỗi linh hồn mình (Mc 8,36). Đừng vì tìm kiếm lợi lộc mà xao lãng Nước Thiên Chúa và công lý của Ngài.
            3. Ý nghĩa cao quý nhất của lao động ở chỗ hoạt động để giải phóng khỏi sự dữ, thực hành tình huynh đệ và chia sẻ, nhờ đó giúp cho nhân loại tiến về ngày Sabát vĩnh cửu (số 261). Đức Giêsu nỗ lực hoạt động không ngừng để giải thoát con người khỏi bệnh tật, đau khổ và cái chết. “Ngày sabát được làm ra cho con người, chứ không phải con người được làm ra cho ngày sabát” (Mc 2,27).
            4. Trong các văn phẩm, thánh Phaolô và thánh Gioan mở ra những viễn tượng mới của công cuộc tạo dựng (số 262). Vạn vật là một công trình tuyệt tác của Ba ngôi Thiên Chúa (Ga 1,3; 1 Cr 8,6; Cl 1,15-17). Vũ trụ không phải là một khối hỗn mang nhưng là một kiệt tác. Con người được mời gọi hãy chiêm ngắm kỳ công của Thiên Chúa, và tham gia bằng những việc làm của mình. Những vất vả lao nhọc khi làm việc mang giá trị cứu độ nếu biết kết hợp với Thánh giá của đức Kitô (số 263).
      C. Bổn phận làm việc
            1. Các Kitô hữu cần phải sống đời lao động giống như cung cách của đức Kitô. (Số 264). Mọi người phải làm việc, chứ không ăm bám người khác (2 Tx 3,7-15; 6,12). Cần phải bày tỏ tình liên đới qua việc chia sẻ những hoa trái của việc làm. Mỗi người lao công đều đáng hưởng tiền lương (Gc 5,4).
            2. Các giáo phụ không coi lao động như là “công việc của nô lệ” nhưng như là “việc làm của con người” (số 265). Nhờ làm việc mà con người cai quản vũ trụ với Thiên Chúa, và làm chủ thế giới cùng với Ngài. Sự ăn không ngồi rồi gây thiệt hại cho con người, còn hoạt động thì làm lợi cho thân xác và tinh thần. Người Kitô hữu làm việc cho bản thân và gia đình của mình, cũng như cho người nghèo. Theo thánh Ambrôsiô, mỗi người thợ là bàn tay của đức Kitô, Người tiếp tục tạo dựng và làm lành cho tha nhân.
            3. “Ora et labora”2: cầu nguyện và làm việc! (số 266). Nhờ đức mến định hướng, việc làm trở nên cơ hội chiêm niệm.


1 Như vậy đối với Kinh thánh, sự làm việc là một “vinh quang” (chứ không phải là một hình phạt) bởi vì được cộng tác với Đấng Tạo hóa. Tuy nhiên, do tội lỗi, lao động thường bị tổn thương: do lòng tham lam khai thác vũ trụ cách bừa bãi, hoặc coi lao động như thần tượng, hay bóc lột sự lao động của tha nhân.
2 Đây là phương châm của luật thánh Biển đức, phân chia thời khóa biểu giữa thời gian phụng tự và thời gian lao động. Tuy nhiên phương châm này cũng được giải thích theo nghĩa là con người cần phải biết hợp tác với ơn thánh Chúa: cần biết cầu nguyện, bởi vì tất cả mọi sự tuỳ thuộc vào Chúa; cần biết làm việc, bởi vì tất cả tuỳ thuộc vào nỗ lực của chúng ta. Xem Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 2834.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét