Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

V. XÃ HỘI PHỤC VỤ GIA ĐÌNH (Chương V)



252. Muốn có mối tương quan đúng đắn và mang tính xây dựng giữa gia đình và xã hội, cần phải bắt đầu từ việc nhìn nhận chủ thể tính và thế ưu tiên của gia đình trong xã hội. Mối thân tình ấy đòi “xã hội không bao giờ được bê trễ nhiệm vụ căn bản là tôn trọng và hỗ trợ các gia đình”570. Xã hội, nhất là các tổ chức quốc gia, muốn tôn trọng thế ưu tiên và thế “thượng phong” của gia đình, cần phải bảo đảm và phát huy bản sắc đích thực của đời sống gia đình, đồng thời phải tránh và chống lại tất cả những gì có thể làm biến chất hay phương hại tới gia đình. Muốn thế, cần có những hoạt động chính trị và pháp luật để bảo vệ các giá trị gia đình, từ việc cổ vũ sự thân mật và hài hoà trong chính gia đình cho đến việc tôn trọng các thai nhi, cũng như quyền tự do lựa chọn cách giáo dục con cái. Vì thế, cả xã hội lẫn Nhà Nước đều không được lấy đi, thay thế hay rút gọn chiều hướng xã hội của gia đình, mà phải tôn trọng, nhìn nhận và phát huy chiều hướng ấy theo đúng nguyên tắc bổ trợ571.

253Sự phục vụ mà xã hội dành cho gia đình sẽ trở nên cụ thể khi xã hội nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các quyền lợi của gia đình572Nói thế có nghĩa là xã hội phải đưa ra các chính sách gia đình vừa hữu hiệu vừa chân chính, với những sự can thiệp khả dĩ đáp ứng các nhu cầu nảy sinh từ quyền lợi của gia đình. Theo chiều hướng đó, có một đòi hỏi vừa thiết yếu vừa hết sức cần thiết là: phải công nhận – kèm theo đó là phải bảo vệ, trân trọng và phát huy – bản sắc của gia đình là xã hội tự nhiên được xây dựng trên hôn nhân. Sự công nhận ấy là một cách cho thấy có một sự phân biệt rạch ròi giữa gia đình, được hiểu một cách đúng đắn, với tất cả những hình thức sống chung khác mà theo bản chất không xứng đáng gọi là gia đình và không xứng đáng hưởng danh nghĩa cũng như quy chế của gia đình.
254Sự nhìn nhận của xã hội dân sự và của Nhà Nước về vị thế ưu tiên của gia đình so với mọi cộng đồng khác, kể cả thực tại quốc gia, chính là một cách vượt qua những quan niệm cá nhân chủ nghĩa thuần tuý, và là một cách chấp nhận chiều hướng gia đình như là viễn tượng văn hoá và chính trị cần thiết trong việc quan tâm đến các ngôi vị. Điều này không được đề nghị như một sự lựa chọn, mà như một sự hậu thuẫn và bênh vực các quyền lợi của con người, xét như những cá thể. Nhờ viễn tượng này, chúng ta có thể đưa ra những tiêu chuẩn quy phạm để tìm kiếm những giải pháp đúng đắn cho các vấn đề xã hội, vì không được coi con người chỉ như những cá thể mà còn phải nhìn con người trong tương quan với hạt nhân gia đình mà họ thuộc về, với những giá trị và nhu cầu đặc biệt cần phải cứu xét hợp tình hợp lý.
---------------------------------------------------------------------
570  Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 45: AAS 74 (1982), 136.
571  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2211.
572  x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 46: AAS 74 (1982), 137-139.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét