Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

I. Ý NGHĨA VÀ SỰ THỐNG NHẤT (Chương IV)


160Những nguyên tắc trường tồn của Học thuyết Xã hội Công giáo341 chính là trọng tâm của giáo huấn xã hội Công giáo. Đó là những nguyên tắc: phẩm giá con người, đã được đề cập trong chương trước, đây là nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác đồng thời là nội dung của Học thuyết Xã hội Công giáo342công íchbổ trợ; và liên đới. Những nguyên tắc này, diễn tả toàn bộ sự thật về con người theo sự nhận biết của lý trí và đức tin, được khai sinh từ “cuộc gặp gỡ giữa thông điệp Tin Mừng và những đòi hỏi của Tin Mừng được tóm tắt trong giới răn tối thượng về lòng mến Chúa và yêu người trong công lý, với những vấn đề phát sinh từ đời sống xã hội”343. Trải qua dòng lịch sử và được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã khôn ngoan suy tư ngay từ trong khuôn khổ truyền thống đức tin của mình, để có thể cung cấp một nền tảng và một hình thù chính xác hơn cho những nguyên tắc ấy, lần lượt giải thích những nguyên tắc ấy để đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thời đại và những sự phát triển liên tục của đời sống xã hội.
161Đây là những nguyên tắc mang tính tổng quát và căn bản vì chúng liên quan tới xã hội trong toàn bộ thực tại của nó: liên quan đến các mối quan hệ, từ những quan hệ gần gũi và trực tiếp tới những quan hệ bị chi phối bởi chính trị, kinh tế và luật pháp hay những quan hệ giữa các cộng đồng và các tập thể, hoặc những quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia. Chính vì những tương quan này luôn tồn tại trong thời gian và mang ý nghĩa phổ quát, nên chúng được Giáo Hội giới thiệu như những thông số đầu tiên và căn bản để mọi người phải tham khảo hầu giải thích và đánh giá các hiện tượng xã hội, mà đây chính là nguồn cần thiết để rút ra những tiêu chuẩn giúp phân biệt và định hướng cho những sự tương tác trong xã hội thuộc mọi lĩnh vực.
162Các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo phải được đánh giá trong thể thống nhất, trong tính quan hệ và liên kết mạch lạc với nhau của chúng. Sở dĩ có đòi hỏi trên là vì đích thân Giáo Hội đã gán cho học thuyết xã hội của mình ý nghĩa này: đó là coi nó như một tổng hợp giáo lý thống nhất giải thích các thực tại xã hội hiện nay một cách hệ thống344. Nếu có xét riêng rẽ từng nguyên tắc thì việc này không được dẫn đến việc dùng các nguyên tắc ấy từng phần riêng biệt hay dùng một cách sai lạc; đó là trường hợp khi chúng ta dẫn chứng các nguyên tắc ấy một cách rời rạc và không liên kết mạch lạc với những nguyên tắc khác. Khi hiểu biết một cách sâu xa về mặt lý thuyết, rồi áp dụng cách cụ thể chỉ một trong các nguyên tắc trên thôi, chúng ta sẽ thấy tính chất hỗ tương, bổ túc và liên hệ với nhau giữa các nguyên tắc, như một phần làm nên cơ cấu của các nguyên tắc ấy. Ngoài ra, các nguyên tắc căn bản của Học thuyết Xã hội Công giáo không phải chỉ là một di sản suy tư bền vững, mà còn là một phần cốt yếu trong thông điệp Kitô giáo, vì chúng chỉ cho chúng ta thấy những đường hướng có thể giúp chúng ta xây dựng một đời sống xã hội tốt đẹp, đích thực và mới mẻ345.
163Nhìn trong toàn thể, các nguyên tắc của học thuyết xã hội chính là sự phát biểu đầu tiên về sự thật của xã hội, mà qua đó mỗi lương tâm được khuyến khích, cũng như được mời gọi cộng tác với các lương tâm khác trong sự thật, trong sự chia sẻ trách nhiệm với mọi người và chịu trách nhiệm về mọi người. Thật vậy, con người không thể né tránh vấn đề tự do và ý nghĩa của đời sống xã hội, vì xã hội không phải là một thực tại ở bên ngoài hay xa lạ với con người.
Các nguyên tắc này có ý nghĩa luân lý sâu xa vì chúng liên hệ tới những nền tảng cuối cùng, mang tính cơ cấu của cuộc sống xã hội. Muốn hiểu trọn vẹn các nguyên tắc này, cần hành động phù hợp với những nguyên tắc ấy, đi theo con đường phát triển mà chúng đã vạch ra để có một cuộc sống xứng đáng với con người. Yêu cầu đạo đức nằm trong chính các nguyên tắc xã hội xuất sắc ấy là yêu cầu có liên quan tới cách ứng xử của mỗi cá nhân mà trong đó họ là chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên và quan trọng của đời sống xã hội, bất kể ở cấp độ nào, và đồng thời cũng liên quan tới các định chế được biểu hiện bởi luật pháp, bởi các quy phạm đã trở thành thông lệ và bởi các cấu trúc dân sự, vì những nhân tố này có thể ảnh hưởng và chi phối các sự lựa chọn của con người trong một thời gian dài. Thật vậy, các nguyên tắc ấy nhắc chúng ta nhớ rằng một xã hội có mặt trong lịch sử là do có nỗ lực liên kết những sự tự do của tất cả những người đang hoạt động trong xã hội ấy, họ đóng góp qua những lựa chọn của mình để xây dựng xã hội hay làm cho nó nghèo đi.
----------------------------------------------------------------------------------------------
341  x. Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội
    của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 29-42, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, 
     Roma 1988, tr. 35-43.
342  x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 453.
343  Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 72: AAS 79 (1987),  585.
344  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 1: AAS 80 (1988), 513-514.
345  x. Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội
    của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 47, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican,
    Roma 1988, tr. 47.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét