Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

II. NGUYÊN TẮC CÔNG ÍCH (Chương IV)


a. Ý nghĩa và những hệ luận đầu tiên
164Nguyên tắc công ích: mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Hiểu theo nghĩa ban đầu, và được chấp nhận rộng rãi, công ích là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn”346.
Công ích không chỉ đơn giản là tổng số các thiện ích riêng của mỗi người trong một thực thể xã hội. Dù là thuộc về mọi người và mỗi người, công ích vẫn là và mãi mãi là ích lợi “chung”, vì nó không thể phân chia được và vì khi cùng chung như thế người ta mới có thể có được nó, mới phát triển và bảo vệ được hiệu quả của nó, với tầm nhìn hướng về tương lai. Cũng như hành vi luân lý của một người được thực hiện chính khi người ấy làm điều tốt, các hành vi của xã hội cũng chỉ có tầm vóc tương xứng khi chúng đem lại ích lợi chung. Thật vậy, có thể hiểu công ích là khía cạnh xã hội và cộng đồng của luân lý. 
165Một xã hội mong muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp độ là một xã hội phải lấy công ích – tức là ích lợi của hết mọi người và của con người toàn diện347 – làm mục tiêu tiên quyết của mình. Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân mình, nếu bỏ qua sự kiện là con người hiện hữu “với” người khác và “vì” người khác. Sự thật này không chỉ bắt con người phải sống với người khác ở các cấp độ khác nhau trong đời sống xã hội, mà còn bắt con người phải không ngừng tìm kiếm – không chỉ tìm kiếm trong ý tưởng mà cả trong thực tế cụ thể – điều tốt, tức là ý nghĩa và sự thật, được tìm thấy trong hết mọi hình thức đang có của đời sống xã hội. Không có tổ chức nào của đời sống xã hội – từ gia đình đến các tập thể xã hội trung gian, các hiệp hội, các tổ chức mang bản chất kinh tế, các thành thị, các khu vực, các quốc gia, cho đến cộng đồng các dân tộc và các quốc gia – có thể tránh né việc tìm kiếm công ích, vì đó chính là yếu tố làm nên ý nghĩa và là lý do hiện hữu của các tổ chức ấy348.
b. Trách nhiệm của mọi người đối với công ích
166Những yêu cầu của công ích tuỳ thuộc vào những điều kiện xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử và có liên hệ chặt chẽ với việc tôn trọng và thăng tiến con người toàn diện cũng như các quyền căn bản của con người349. Những yêu cầu này trước hết bao gồm việc dấn thân xây dựng hoà bình, tổ chức các cơ quan quyền lực của quốc gia, xây dựng một hệ thống tư pháp lành mạnh, bảo vệ môi trường và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho hết mọi người, mà một số trong đó cũng là các quyền lợi của con người: lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục và tiếp cận văn hoá, di chuyển, chăm sóc sức khoẻ căn bản, tự do truyền đạt và bày tỏ quan điểm, bảo vệ sự tự do tôn giáo350. Người ta cũng không được quên sự đóng góp mà mỗi quốc gia có bổn phận phải đưa ra để tiến tới việc hợp tác toàn cầu cho công ích của toàn thể nhân loại và cả của các thế hệ tương lai351.
167Bởi đó, công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tuỳ theo khả năng của mỗi người352. Phải phục vụ công ích một cách đầy đủ, chứ không theo những chủ trương giản lược mà một số dân tộc đưa ra nhằm lợi ích riêng của mình; trái lại, phải xây dựng công ích dựa trên một logic sẽ đưa người ta tới chỗ chịu trách nhiệm nhiều hơn. Công ích là điều đáp ứng bản năng cao cả nhất trong số các bản năng của con người353, nhưng đó cũng là một giá trị rất khó thực hiện vì đòi phải có năng lực và cố gắng liên tục trong việc mưu cầu ích lợi cho người khác, như thể đó là ích lợi của bản thân mình.
Mỗi người cũng có quyền hưởng những điều kiện của đời sống xã hội do việc tìm kiếm công ích đem lại. Giáo huấn của Đức Giáo hoàng Piô XI vẫn còn xác đáng: “Như mọi người có óc nhận định đều biết, ngày nay của cải của thế giới thụ tạo đang được phân phối dưới ảnh hưởng của những tệ đoan nặng nề, xuất phát từ chỗ có sự chênh lệnh khổng lồ giữa một thiểu số cực kỳ giàu có với vô số người không có tài sản; cần phải tổ chức lại sự phân phối ấy cách hiệu quả và phù hợp với các chuẩn mực về công ích, tức là công bằng xã hội”354.
c. Các nhiệm vụ của cộng đồng chính trị
168Trách nhiệm đạt tới công ích không những thuộc về các cá nhân, mà còn là trách nhiệm của Nhà Nước, vì công ích là lý do khiến quyền hành chính trị tồn tại355. Thật vậy, Nhà Nước phải bảo đảm cho xã hội dân sự, mà Nhà Nước là một biểu hiện356, được trật tự, thống nhất và có tổ chức, để công ích có thể được thực hiện với sự cộng tác của mỗi công dân. Cá nhân, gia đình hay các tập thể trung gian không thể tự mình phát triển bản thân trọn vẹn để sống một cuộc sống nhân bản thật sự. Vì thế, cần phải có các cơ quan chính trị giúp đỡ, vì mục đích của những cơ quan này là làm sao sẵn sàng cống hiến cho con người những thiện ích cần thiết cho đời sống vật chất, văn hoá, luân lý và tâm linh. Thật vậy, mục tiêu của đời sống xã hội là công ích mà người ta có thể đạt được trong thực tế lịch sử357.
169Để bảo đảm công ích, chính phủ mỗi nước có nghĩa vụ đặc biệt là làm hài hoà các quyền lợi khác nhau của các thành phần xã hội với các đòi hỏi của công lý358. Thật vậy, điều hoà cách thích hợp các lợi ích của các tập thể với các lợi ích của các cá nhân là một trong những nhiệm vụ tế nhị nhất của chính quyền. Ngoài ra, không được quên rằng trong các quốc gia dân chủ, nghĩa là trong các nước mà các quyết định thường được đưa ra do đa số các đại biểu được dân chúng bầu lên, những ai có trách nhiệm lãnh đạo đất nước đều phải biết thể hiện công ích của quốc gia, không chỉ theo hướng đi của đa số mà còn theo ích lợi thật sự của mọi thành phần trong cộng đồng, kể cả các nhóm thiểu số.
170Công ích của xã hội không phải là một mục tiêu tự thân: nó chỉ có giá trị khi có liên quan với việc thực hiện các mục tiêu tối hậu của con người và ích lợi chung của toàn thể thụ tạo. Thiên Chúa là mục tiêu tối hậu của các thụ tạo do Ngài dựng nên, và vì thế, không thể vì bất cứ lý do gì mà công ích mất đi chiều hướng siêu việt, tức là chiều hướng vừa vượt lên trên lịch sử vừa hoàn thành lịch sử359. Viễn cảnh này đạt đến sự viên mãn của nó nhờ tin vào cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, một mầu nhiệm cho chúng ta thấy rõ ích lợi chung thực sự của nhân loại đã được thực hiện như thế nào. Lịch sử của chúng ta – tức là nỗ lực cá nhân cũng như tập thể để nâng cao thân phận con người – bắt đầu và kết thúc nơi Đức Giêsu: nhờ Người, với Người và trong ánh sáng của Người, mọi thực tại, kể cả xã hội loài người, có thể được đưa tới Sự Thiện Tối Thượng, tới mức thành toàn của công ích. Một nhãn quan thuần tuý lịch sử và vật chất sẽ kết thúc bằng cách biến công ích thành một sự an vui đơn thuần về mặt kinh tế và xã hội mà không hướng tới một mục tiêu siêu việt nào, tức là không có lý do hiện hữu sâu xa nào của chính công ích.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
346  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046; x.
    Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1905-1912; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra:
    AAS 53 (1961), 417-421; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963),
    272-273; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 46: AAS 63 (1971), 433-435.
347  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1912.
348  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 272.
349  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1907.
350  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-1047.
351  x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 421.
352  x. Id., Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 417; Phaolô VI, Tông thư
    Octogesima Adveniens, 46: AAS 63 (1971), 433-435; Giáo lý Giáo hội Công giáo,
    1913.
353 Thánh Tôma Aquinô đặt “hiểu biết sự thật về Thiên Chúa” và “đời sống xã hội” là
    mức cao nhất và đặc biệt nhất của các “inclinationes naturales” (các khuynh hướng
    tự nhiên) (Summa Theologiae, I-II, q. 94, a. 2: Ed. Leon. 7, 170: Secundum igitur
    ordinem inclinationum naturalium est ordo praeceptorum legis naturae… Tertio modo
    inest homini inclinatio ad bonum secundum naturam rationis, quae est sibi propria;
    sicut homo habet naturalem inclinationem ad hoc quod veritatem cognoscat de Deo,
    et ad hoc quod in societate vivat).
354  Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 197.
355  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1910.
356  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 74: AAS 58 (1966), 1095-
    1097; Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 17: AAS 71 (1979), 295-300.
357  x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 133-135; Piô
    XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum Novarum:
    AAS 33 (1941), 200.
358  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1908.
359  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 843-845.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét