Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Những nguyên tắc căn bản của GHXH theo sách TLHT


II. Những nguyên tắc căn bản của GHXH theo sách TLHT
       Sách TLGH dành chương Bốn (số 160-208) để bàn về những nguyên tắc của GHXH. Chương này gồm tám đoạn, khiến cho người đọc dễ lầm tưởng rằng có tám nguyên tắc. Sự thực không phải như vậy.
       - Ở nhập đề, số 160 cho biết rằng chỉ có ba nguyên tắc (công ích, hỗ trợ, liên đới).
       - Đến khi đi vào chi tiết, chúng ta thấy danh sách được kéo dài thêm, theo thứ tự như sau: 1/ nguyên tắc công ích (số 164-170); 2/ nguyên tắc “ở đời muôn sự của chung” (số 171-184), tuy nó được coi như là hệ luận của nguyên tắc công ích vừa nói (số 171); 3/ nguyên tắc hỗ trợ (số 185-188); 4/ nguyên tắc tham gia (số 189-191) tuy nó được coi như hệ luận của nguyên tắc hỗ trợ (số 189); 5/ nguyên tắc liên đới (số 192-196). Như vậy là có năm nguyên tắc: ba nguyên tắc chính (công ích, hỗ trợ, liên đới) và hai nguyên tắc phụ.
       - Thêm vào đó, đoạn Bảy (từ số 197) còn thêm “những giá trị căn bản của đời sống xã hội”, đó là: 1/ chân lý; 2/ tự do; 3/ công bình; rồi đoạn Tám (từ số 204) còn thêm một giá trị nữa để kết thúc, đó là tình thương (đức ái)[1].
       Người đọc có thể thắc mắc: như vậy phải nói đến ba hay năm nguyên tắc? Phải chăng bốn “giá trị” tạo nên một khối riêng biệt, hay chúng hợp thành nguyên tắc thứ bốn (hoặc  thứ sáu)?

       Dù sao, khi tranh luận về con số các nguyên tắc và giá trị, chúng ta đừng nên quên một nguyên tắc khác còn quan trọng hơn nhiều, đó là nguyên tắc về phẩm giá con người. Đây mới thực là nguyên tắc căn bản; những nguyên tắc và giá trị khác đều phát xuất từ nền tảng ấy (số 160).
       Vì thế  chương Bốn liên hệ mật thiết với chương Ba, “Nhân vị và nhân quyền”, hay nói đúng hơn, “Cái nhìn Kitô giáo  về con người”, “sự thật về con người” (TLHT số 13) quen gọi là “Nhân học Kitô giáo”. Nhân học Kitô giáo cho ta thấy một cái nhìn về những tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân (từ gia đình, đến cộng đồng dân sự, cộng đồng văn hoá, chính trị, cộng đồng nhân loại).
       Nhân học Kitô giáo không chỉ mở rộng nhiều chân trời rộng hơn, nhưng còn cung cấp những động lực để con người sống những yêu sách ấy (mẫu gương của đức Kitô, con người gương mẫu; sức mạnh của Thánh Thần). Đồng thời,  nhân học Kitô giáo cũng trình bày thảm trạng của con người: con người có khả năng vươn lên đến vô biên, nhưng đồng thời con người cũng sống ích kỷ, bị lôi cuốn chiều theo dục vọng. Đó là hình ảnh của con người trong lịch sử cứu độ: con người được nâng cao, sa ngã, và được cứu chữa. Mạc khải cho ta thấy sự thật tiêu cực nơi con người, đó là tội lỗi, nguồn gốc của những bất công trong tương quan giữa cá nhân cũng như trong các cơ cấu xã hội (được đặt tên là “cơ cấu tội lỗi[2].
       Do đó việc trình bày hệ thống các nguyên tắc căn bản của GHXH phải bắt đầu từ quan niệm Kitô học về con người (nhìn dưới những chiều kích khác nhau). Vì lý do ấy, chúng tôi gom  chương Ba và chương Bốn làm một, và trình bày các đề mục theo thứ tự như sau:
       1. Nguyên tắc nền tảng của GHXH: phẩm giá con người và những quyền lợi căn bản
       2. Bản tính con người là sống trong xã hội: nguyên tắc công ích
       3. Nguyên tắc tổ chức xã hội: liên đới và hỗ trợ
       4. Con người với xã hội: nguyên tắc tham gia vào đời sống xã hội. Chia sẻ tài sản.
       5. Những giá trị luân lý trong việc tổ chức xã hội: chân lý, công bình, tự do, hòa bình và tình yêu.
       Tuy phân tích ra làm nhiều nguyên tắc, nhưng thực sự chúng bổ túc lẫn cho nhau, và chung quy cũng là tìm sự quân bình giữa tôn trọng nhân vị và hợp tác xã hội, làm sao để tránh hai thái cực: ích kỷ (khi quá đề cao nhân vị) và toàn chế (khi quá đề cao xã hội).

       A. Nguyên tắc nền tảng của GHXH: phẩm giá con người
       1. Nhờ Kinh thánh, chúng ta biết rằng con người được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Trong lịch sử Kitô giáo, thuật ngữ này đã được giải thích theo nhiều chiều hướng:
       - Con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì có trí tuệ và ý chí tự do.
       - Con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì được chia sẻ quyền quản trị vũ trụ
       - Con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì được mời gọi vào chia sẻ tình yêu Thiên Chúa.
       - Con người là hình ảnh Thiên Chúa “Ba Ngôi” vì được mời gọi sống hiệp thông với tha nhân. Con người gồm bởi nam và nữ.
       2. Dưới ánh sáng của triết học tự nhiên, người ta cũng nhìn nhận phẩm giá con người ở chỗ nó vượt lên trên các loài động vật và thực vật, bởi vì có lý trí, lương tâm, tự do. Con người là một “nhân vị” (personne humaine), nghĩa là một chủ thể (sujet) có lý trí và tự do; vì thế không thể bị đối xử như là đồ vật (objet). Đàng khác, vì là nhân vị, con người tìm thấu sự triển nở trong cuộc gặp gỡ các nhân vị khác, chứ không khép kín trong vỏ ốc của mình.
       3. Tất cả mọi con người đều bình đẳng về phẩm giá. Nguyên tắc này loại trừ các kỳ thị về phái tính, màu da, giai cấp, tôn giáo; cũng như chống lại mọi sự bóc lột khai thác về kinh tế chính trị.
       4. Trong tương quan với xã hội, sự bình đẳng về phẩm giá được phát biểu qua việc tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người. Việc ý thức và liệt kê những quyền lợi căn bản đã tăng trưởng theo dòng lịch sử, điển hình nơi tuyên ngôn cách mạng Pháp 1789 và tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948.
       GHXH bắt đầu suy tư về quyền lợi con người (nhân quyền) kể từ thông điệp Pacem in terris, và được tiếp tục ở công đồng Vaticanô II và đức Gioan Phaolô II (TLHT số 155). Trong thông điệp Centesimus annus, đức Gioan Phaolô II đã liệt kê những quyền lợi căn bản như sau:
       - quyền sự sống (ngay từ khi được thụ thai trong lòng mẹ);
       - quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý phù hợp cho sự phát triển nhân cách;
       - quyền được tăng trưởng về trí tuệ và về tự do trong việc tìm kiếm và hiểu biết chân lý;
       - quyền được làm việc để hưởng dụng những tài nguyên của trái đất và kiếm được điều cần thiết để nuôi sống bản thân và người thân thuộc;
       - quyền được lập gia đình, và đón nhận và giáo dục con cái;
       - quyền tự do tín ngưỡng.
       Trong bản danh sách ấy, có hai quyền lợi được coi như căn bản hơn cả: quyền sự sống và quyền tự do tín ngưỡng.
       Ngoài những quyền lợi của cá nhân, cũng cần nói đến quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia; đồng thời không được quên rằng việc đòi hỏi quyền lợi cũng kèm theo trách nhiệm thi hành các nghĩa vụ (TLHT số 156-157). Nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi con người không chỉ ràng buộc xã hội đối với cá nhân, mà còn ràng buộc cá nhân với cá nhân khác: xã hội phải tôn trọng quyền lợi của tôi; tôi phải tôn trọng quyền lợi của xã hội và của những công dân khác.
       5. Tóm lại, phẩm giá con người là nguyên tắc căn bản của GHXH. Phẩm giá có thể nhìn dưới khía cạnh “tĩnh” (chiều kích siêu việt, khả năng hướng đến Chân Thiện Mỹ), hoặc dưới khía cạnh “động”, trong mối tương quan với xã hội, là khung cảnh trong đó   con người phát triển những tiềm năng của mình, và cũng góp phần thăng tiến đồng loại. Xã hội phải tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người bằng hai cách: một đàng, không được xâm phạm đến những “quyền tự do” (chẳng hạn: tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu tư tưởng, tự do di chuyển); đàng khác phải tạo điều kiện để con người có thể phát triển quyền lợi của mình (chẳng hạn: quyền giáo dục, quyền lao động). Trong bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc, chúng ta có thể phân biệt hai nhóm quyền lợi: a) những quyền tự do cá nhân (điều 3-20); b) những quyền chính trị xã hội (điều 21-27).
       B. Con người sống trong xã hội: nguyên tắc công ích
       Con người vừa mang chiều kích siêu việt vừa có tương quan với xã hội. Nhận xét cơ bản này đòi hỏi duy trì sự quân bình giữa hai thái cực: một bên đề cao cá nhân chủ nghĩa, không đếm xỉa gì đến đồng loại; một bên đề cao xã hội đến nỗi đòi hỏi cá nhân phải hy sinh cho tập thể.
       GHXH chủ trương rằng:
       1/ Con người không phải là một ốc đảo, nhưng sinh ra để sống chung với tha nhân. Con người phải coi tha nhân như là anh chị em, chứ không phải là kẻ thù (Homo homini lupus). Con người cần đến tha nhân để phát triển chính mình, chứ không phải bất đắc dĩ chấp nhận họ. Nhận xét này sẽ đưa tới hệ luận là nguyên tắc liên đới sẽ nói dưới đây.
       2/ Khi chấp nhận sống trong xã hội, con người cùng nhau tìm kiếm “công ích”, nghĩa là điều thiện chung (bonum commune, common good: công thiện). Công thiện không tiêu diệt những điều thiện của mỗi phần tử, nhưng bao gồm tất cả những điều thiện riêng.
       Khái niệm “công ích” đã được các triết gia Hy lạp bàn đến. Họ trưng ra một thí dụ từ thân thể con người: nơi mà mỗi bộ phận có chức năng riêng, nhưng tất cả liên kết với nhau để hoạt động cho ích lợi toàn thân.  Dựa theo tư tưởng ấy thánh Phaolô áp dụng cho Hội thánh là thân thể của Đức Kitô (1 Corintô chương 12): đầu có chức năng của đầu, chân tay có chức năng của chân tay; tất cả đều cần thiết trong thân thể; đầu không thể nói với chân rằng cái chân hèn hạ vô dụng! Trước đó, ngài cũng khuyến khích: “anh em đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác” (1Cr 10,24)
       Công thiện không phải là tổng số của những thiện ích cộng lại với nhau. Công thiện là một “giá trị gia tăng” thêm vào điều thiện của mỗi cá nhân. Công thiện là mục tiêu của xã hội, lý do hiện hữu của xã hội. Nhờ xã hội mà các phần tử đạt được sự hoàn thiện cho chính mình.
       Cụ thể hơn nữa, nguyên tắc công ích đặt nền tảng cho sự cần thiết của quyền bính trong  xã hội (Công quyền). Công quyền có nghĩa vụ điều hợp cách công bằng những ích lợi của những nhóm khác nhau trong cộng đồng. Công quyền phải nhắm tới ích lợi chung của toàn thể (lưu ý đặc biệt đến những thành phần yếu ớt), chứ không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của phe nhóm.
       Quan niệm về công ích có thể thay đổi tuỳ theo dạng của cộng đồng: công ích của gia đình, làng xã, thì khác với công ích của một hội thân hữu, một hiệp hội. GHXH chú trọng cách riêng đến cộng đồng quốc gia. Ở cấp độ này, nhà cầm quyền phải tạo ra những điều kiện thuận lợi để tạo ra sự thăng tiến toàn diện của các công dân, chẳng hạn như: tổ chức cơ cấu luật pháp, các cơ quan hành chánh, cung cấp các dịch vụ căn bản (công ăn việc làm, nhà ở, trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông), tạo ra môi trường thuận lợi để các công dân có thể thực hiện nhu cầu tâm linh, bảo vệ môi sinh và hòa bình, vv. (TLHT số 166)
       Tuy nhiên, công quyền không phải là cơ quan duy nhất quan tâm đến công ích. Tất cả mọi công dân đều phải góp phần vào công ích, như sẽ thấy trong những nguyên tắc tiếp theo. Công quyền phải tạo điều kiện cho các công dân, các đoàn thể có cơ hội đóng góp vào công ích (TLHT số 167).
       Ngoài ra, khi bàn đến công ích, nghĩa là những “phúc lợi” hay “dịch vụ” mà công quyền cần cần phải tạo ra cho nhân dân, GHXH dành mối quan tâm đặc biệt đối với “nhu cầu tâm linh” của con người. Nhà Nước không được phép loại bỏ nó (TLHT số 170).
C. Những nguyên tắc về tổ chức xã hội: liên đới và hỗ trợ
       Tuy được kể là hai nguyên tắc, nhưng nên bàn chung để làm nêu bật mối liên hệ hỗ tương.
       1/ Nguyên tắc liên đới (solidariété)
       Từ lâu, từ ngữ “liên đới” đã được sử dụng trong ngôn ngữ pháp lý khi bàn đến trách nhiệm trong các công ty. Có những công ty trong đó chỉ các người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm; có những công ty chỉ đòi hỏi mỗi hội viên chịu trách nhiệm tùy theo phần đóng góp của mình; có những công ty đòi hỏi trách nhiệm liên đới (in solidum), nghĩa là tất cả các hội viên đều mang trách nhiệm chung, đến nỗi chủ nợ có thể đòi hỏi bất cứ hội viên nào phải thanh toán tất cả món nợ của công ty (chứ không cần phải kiện giám đốc của công ty). Như vậy, tính liên đới nói lên sự tham gia của mỗi phần tử vào toàn thể trách nhiệm của cộng đồng.
       Trong ngôn ngữ thường nhật, tình liên đới được hiểu theo một nghĩa rộng hơn: nó muốn nói lên mối dây liên kết giữa con người với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng: điều tốt của cá nhân cũng là điều tốt của cộng đồng, và ngược lại. Chúng ta dễ nhận ra điều này trong gia đình: một người làm quan cả họ được nhờ, một con sâu làm rầu nồi canh). Kinh thánh cho chúng ta biết tất cả mọi người đều là con cái một Cha trên trời. Sách Luận ngữ cũng đã viết “Tứ hải giai huynh đệ”. Tình liên đới cũng là nguồn gốc của những hành vi “tương thân tương ái”, “tương trợ”, vv... Tình liên đới không cho phép tôi chỉ nghĩ đến ích lợi của bản thân, nhưng đòi buộc tôi phải quan tâm đến người khác. Tiếc rằng do tính tội lỗi, tôi thường nghĩ đến việc trục lợi, bóc lột người khác, thay vì giúp đỡ họ!
       Tình liên đới trở thành ngôn ngữ phổ thông trong GHXH cận đại với thông điệp Sollicitudo rei socialis của đức thánh cha Gioan Phaolô II. Tình liên đới không chỉ là một tình cảm, một khuynh hướng, nhưng còn một nhân đức (nghĩa là ý muốn kiên trì) mong muốn hợp tác với tha nhân như là một con người được Chúa yêu, chứ không đối xử với họ như món hàng khai thác (TLHT số 193).
       Tình liên đới thúc đẩy tôi cùng với những người khác đi tìm công ích của cộng đồng (gia đình, nghề nghiệp, làng xã ..).  Tình liên đới được áp dụng không chỉ giữa cá nhân với xã hội, hoặc xã hội với cá nhân, nhưng còn giữa các xã hội với nhau (thí dụ các nước giàu đối với các nước nghèo).
       Đối với người tín hữu, tình liên đới còn bao gồm chiều kích siêu nhiên: tôi phải quan tâm không những đến các phúc lợi vật chất hay tinh thần của tha nhân, nhưng cả đến phúc lợi siêu nhiên, tức là sự cứu độ của họ nữa. Ngoài ra, một khi biết rằng những chênh lệch bất công trên xã hội là do tội lỗi gây ra, thì tình liên đới trong đức tin cũng đòi hỏi phải góp phần vào việc cải thiện những cơ cấu tội lỗi, biến đổi chúng thành cơ cấu của tình liên đới. Mục tiêu cuối cùng của tình liên đới là sao cho “anh em bốn phương nên một nhà”.
       2/ Nguyên tắc hỗ trợ (subsidiarité)
       Trong tiếng Việt, có người gọi là “hỗ trợ”, có người gọi là “bổ trợ” hay “phụ trợ”. Trong tiếng Latinh, subsidiaritas bắt nguồn từ subsidium (giúp đỡ, nâng đỡ). Chúng ta có thể hiểu nguyên tắc này khi đi từ dưới lên trên (từ cá nhân đến cộng đồng) hoặc từ trên xuống dưới (từ cộng đồng đến cá nhân).
       a) Từ dưới lên trên: khi tôi không thể thực hiện một công tác hay một nghĩa vụ, thì tôi đến nhờ ai đó hỗ trợ giúp đỡ. Nếu người ấy cũng không có khả năng, thì nại đến một cơ quan cao cấp hơn. Tất cả những người được “nhờ” như vậy phải tìm cách giúp đỡ tôi, chứ không làm thay thế cho tôi. Thí dụ cha mẹ có bổn phận giáo dục con cái. Công tác này quá nặng, vì vậy cha mẹ nhờ đến các thầy cô. Thầy cô cần đến cộng đồng để tổ chức trường học. Cộng đồng có thể được hiểu về làng, hoặc huyện, xã, tỉnh, và thậm chí quốc gia. Sự hỗ trợ nằm trong tương quan xã hội (giữa cá nhân và xã hội, hoặc xã hội thấp với xã hội cao).
       b) Từ trên xuống dưới. Nguyên tắc này quan niệm xã hội như một tổ chức hữu cơ, bao gồm nhiều cơ quan và bộ phận với những chức năng riêng biệt (gia đình, làng mạc, hiệp hội, đoàn thể, cơ sở văn hoá giáo dục, doanh nghiệp, vv). Những cơ quan cấp trên phải tôn trọng những yêu sách và sinh hoạt riêng của các cơ quan cấp dưới; vì thế cơ quan cấp trên không nên dành chỗ của cấp dưới, nhưng trái lại, hãy giúp đỡ (hỗ trợ) cho những cơ quan cấp dưới những phương thế để thực hiện chức năng của mình.
       Trong việc tổ chức xã hội, nguyên tắc hỗ trợ chống lại chính sách toàn chế (totalitarisme) hoặc “bao cấp”, tập trung tất cả các dịch vụ vào cơ quan trung ương của Nhà nước, và dẹp bỏ tất cả các tổ chức, hiệp hội khác, bởi vì làm như vậy là bóp chẹt những sáng kiến tư nhân. Mặt khác, vai trò của nhà nước là tổ chức các cơ chế để phục vụ ích lợi của cộng đồng. Các cơ chế không tạo ra những con người đức hạnh, sống thân hữu với nhau. Những tương quan thân hữu được triển nở nơi những tổ chức, hiệp hội tự nguyện[3].
       Như vậy nguyên tắc hỗ trợ có hai khía cạnh: a) tích cực: cấp trên phải giúp đỡ cấp dưới trong những vấn đề cấp dưới không làm nổi; b) tiêu cực: cấp trên không được lấn át cấp dưới, bóp nghẹt sáng kiến của họ (HTXH số 186-187). Không dễ gì duy trì sự quân bình giữa hai khía cạnh!
       Nguyên tắc hỗ trợ cũng được áp dụng trên lãnh vực bang giao quốc tế: các cơ quan chính trị quốc tế không được dành quyền định đoạt của các quốc gia hay của các tổ chức khác.
       D. Con người với xã hội: nguyên tắc tham gia vào đời sống xã hội và chia sẻ tài sản.
       Hai nguyên tắc này có thể coi như hệ luận của những nguyên tắc đã nói trước đây. Thực vậy, nguyên tắc liên đới đã nói lên nghĩa vụ của mỗi phần tử phải tham gia vào ích chung; nghĩa vụ này đồng thời cũng là quyền lợi của họ. Không ai có quyền bị gạt ra ngoài lề (HTXH số 189).
       Trong một chính thể dân chủ, các công dân đều có quyền tham gia vào việc điều hành đời sống chung, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu.
       Sự tham gia vào ích chung bao gồm nhiều lãnh vực: văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Sự tham gia không chỉ nằm trong lãnh vực cộng đồng địa phương, mà kể cả trong lãnh vực cộng đồng quốc tế. Dù sao, GHXH chú ý đặc biệt đến lãnh vực tài sản vật chất, đầu mối của những bất công xã hội, gây ra sự tranh chấp giữa người giàu và người nghèo. Để giải quyết tình trạng này, các chủ nghĩa xã hội đòi dẹp bỏ quyền tư hữu, và sung công tất các tài sản. Giáo hội đã lên tiếng để bảo vệ quyền tư hữu, với lý do là vì nó gắn liền với phẩm giá con người. Tuy nhiên, ở một thái cực khác, các chủ nghĩa tư bản muốn chiếm đoạt tất cả các tài nguyên cho một thiểu số, và bỏ rơi đa số dân nghèo trong cảnh đói kém.
       GHXH tìm cách tránh hai thái cực ấy, qua hai nguyên tắc:
       - Thứ nhất, Giáo hội khẳng định rằng các tài nguyên trên địa cầu được Thiên Chúa ban cho hết mọi người và toàn thể nhân loại (“Ở đời muôn sự của chung”). Do đó tất cả mọi người đều được quyền hưởng dụng những tài nguyên để sinh sống. Điều này bao hàm một tình liên đới, nhắm tới việc tạo ra những điều kiện cho mọi người và mọi dân tộc được hưởng sự phát triển xứng với nhân phẩm (TLHT số 171-172).
       - Thứ hai, Giáo hội bênh vực cho quyền tư hữu, bởi vì nó là kết quả của con người biết dùng tài năng để khai thác vũ trụ, ngõ hầu tìm phương tiện sinh sống cho mình và cho người thân yêu. Quyền tư hữu là một biểu hiện của sự tự do (TLHT số 176-177). Tuy nhiên, quyền tư hữu không có tính cách tuyệt đối, nhưng cần được điều hợp với  nguyên tắc về các tài nguyên được ban cho tất cả mọi người hưởng dụng.
       Trong bối cảnh đó, Giáo hội bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với người nghèo, những người thiếu may mắn, thiếu điều kiện để phát triển. Khi đi vào chi tiết, chúng ta sẽ thấy những lúc nào Nhà Nước cần can thiệp vào hoạt động kinh tế để tạo phương tiện cho người nghèo có phương kế sinh sống (HTXH số 351-355).

       E. Những giá trị luân lý trong việc tổ chức xã hội: chân lý, tự do, công bình, tình yêu.
       Những nguyên tắc căn bản được xem như là những trụ cột để xây dựng xã hội. Tuy nhiên, dưới cái nhìn Kitô giáo, việc thực hành những nguyên tắc ấy đòi hỏi các nhân đức, nghĩa là các giá trị luân lý. Mặt khác, đó cũng là lý tưởng của xã hội mà chúng ta nỗ lực xây dựng: một xã hội nhân đạo hơn, công bằng hơn, một “nền văn minh tình thương”.
       Bốn giá trị được đức Gioan XXIII phát biểu trong thông điệp Pacem in terris và được công đồng Vaticanô II lặp lại trong hiến chế Gaudium et spes, là: chân lý, tự do, công bình và yêu thương.
       1/ Chân lý (sự thật). Chân lý là nền tảng để xây dựng xã hội: chân lý về con người, về phẩm giá con người, về tương quan của con người đối với Thiên Chúa và tha nhân. Những chân lý này do lý trí khám phá (luật tự nhiên) hoặc do Thiên Chúa mạc khải, trở thành tiêu chuẩn khi phân định các thực tại xã hội. Chân lý cũng có nghĩa là chân thật, thành thật: đây là một giá trị căn bản trong tương quan giữa con người với nhau. Vì thế cần phải tôn trọng sự thật, cũng như cần được giáo dục để tìm kiếm và làm chứng cho sự thật. Ap dụng vào chính trị, điều này đòi hỏi hành động trong sáng, chứ không âm mưu lén lút. Chân lý cũng đòi hỏi quyền được thông tin trung thực (TLHT số 198).
       2/ Tự do biểu lộ phẩm giá cao quý nhất của con người. Việc thực hành tự do cần phải xứng hợp với phẩm giá, nghĩa là với tinh thần trách nhiệm, cũng như tôn trọng tự do của người khác. Tự do cũng đòi hỏi phải loại bỏ những gì là tiêu cực xét về luân lý (TLHT số 199-200)
       3/ Công bằng là một giá trị tương ứng với nhân đức cùng tên. Nó đòi hỏi ý chí trao trả cho Thiên Chúa và tha nhân điều gì thuộc về họ. Nhân đức công bằng mang các dạng thức: giao hoán, phân phối, xã hội dưới nhiều khía cạnh (chính trị, kinh tế)
       4/ Tình yêu. Công bằng và yêu thương liên hệ mật thiết với nhau. Cả hai nhân đức này chi phối các tương quan với tha nhân. Trong lịch sử, đôi khi tình thương (bác ái) dọn đường cho công bằng: mối quan tâm đến người nghèo dẫn đến ý thức về quyền lợi của họ. Mặt khác, nếu công bằng mà thiếu tình yêu thì chỉ tăng thêm các bàn giấy, cơ chế, nhưng mất đi mục tiêu là phục vụ con người. Theo Kitô giáo, tình yêu là dây liên kết các nhân đức. Nếu thiếu tình yêu, thì ta không thể nào cảm thấy liên đới với tha nhân, nhất là những kẻ xa lạ. Tình yêu “xã hội” thôi thúc chúng ta không những coi tha nhân như người thân cận, nhưng còn tìm cách để tạo ra những cơ cấu nhằm cải thiện mức sống của người nghèo hoặc loại bỏ những cơ chế tội lỗi, làm ngăn cản sự phát triển của họ.
       Thông điệp Caritas in veritate của đức Bênêđictô XVI tìm cách liên kết hai giá trị “Sự thật” và “Tinh yêu”, nêu bật cách riêng là cả hai đều là ân ban.

                                                                  Kết luận

       Trong mục này, chúng ta bàn về những nguyên tắc căn bản của GHXH. Chúng ta ghi nhận những cách thức khác nhau giữa các tác giả khi liệt kê các nguyên tắc (3, 5, 7) và giá trị.
       Thiết tưởng có thể kết luận như sau.
       1/ Nguyên tắc quan trọng nhất là phẩm giá của con người, được nhìn dưới ánh sáng của lý trí (con người là nhân vị, có lý trí và tự do) và dưới ánh sáng của mạc khải (Con người là hình ảnh của Thiên Chúa Ba ngôi); đồng thời con người sống trong xã hội. Nguyên tắc này là nguồn gốc của những quyền lợi căn bản của con người, nhìn các chiều kích khác nhau.
       2/ Những nguyên tắc khác có thể coi như hệ luận của việc hoà hợp giữa chiều kích siêu việt và thông hiệp của con người. Ba nguyên tắc căn bản là: công ích, liên đới, hỗ trợ.
       a) Nguyên tắc “công ích”: điều thiện hảo chung (mục đích của xã hội) là khung cảnh để các phần tử đạt được những thiện ích của mình chứ không phải là để xoá bỏ những quyền lợi của các phần tử.
       b) Nguyên tắc “liên đới” (hoặc nhân đức liên đới) thì ngược lại: nó thúc đẩy các phần tử hãy quan tâm đến điều thiện của cộng đồng, chứ không được phép chỉ nghĩ đến các điều ích lợi cá nhân.
       c) Nguyên tắc “hỗ trợ” nhằm dung hòa hai nguyên tắc vừa kể: Công quyền phải tạo ra những cơ cấu để giúp các phần tử đạt được thiện ích của mình, nhưng đồng thời cũng phải để cho các phần tử được tự do phát triển những khả năng của mình, và tham gia vào đời sống chung[4].
       Dĩ nhiên các nguyên tắc liên hệ chặt chẽ và bổ túc cho nhau. Nguyên tắc “tham gia” có thể móc nối với “công ích” hoặc “hỗ trợ”.
       3/ Chúng ta còn đang ở trong phần tổng quát. Sang đến phần chuyên biệt, Sách TLHT sẽ việc áp dụng các nguyên tắc này vào nhiều lãnh vực khác nhau, thí dụ:
       - Công ích: tương quan với lao động (số 266,287), doanh nghiệp (số 338), chính sách kinh tế (số 354), Nhà Nước (số 412).
       - Liên đới: gia đình (số 246), nghiệp đoàn (số 305), hợp tác quốc tế (số 446)
       - Hỗ trợ: Nhà nước (số 351, 354, 357), Cộng đồng quốc tế (số 441).
       Khỏi nói ai cũng biết, các nguyên tắc vừa kể sẽ trở thành “tiêu chuẩn phán đoán” trong mỗi hoàn cảnh.
       4/ Khi nghiên cứu những nguyên tắc của GHXH, chúng ta đừng nên quên lồng trong toàn thể sứ mạng của Hội thánh. Chúng ta cần đến những nguyên tắc để phát biểu quan điểm và để bày tỏ lập trường khi đối thoại. Nhưng cuối cùng, điều quan trọng là làm sao thể hiện được kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đó là nên thánh. Điều này đòi hỏi nỗ lực của chúng ta nhưng cũng cần đến ân sủng do chính Chúa ban. Nói cách khác, GHXH vừa là đạo lý vừa là linh đạo nữa. Lý tưởng mà GHXH muốn đạt đến là “xây dựng nền văn minh của tình yêu” (xc. Tựa đề của Kết luận cách TLHT, số 575-583). Tình yêu là một hồng ân của Thiên Chúa.



[1] Bốn giá trị: “chân lý, công bình, yêu thương, tự do” đã được phát biểu trong thông điệp Pacem in terris số 35, và được lặp lại ở hiến chế Gaudium et spes 27-28.
[2] Về các “cơ cấu tội lỗi” xem TLHT số 119; 193; 333; 446; 566; và GLCG số 1869.
[3] Sự phân biệt cổ điển của Max Weber  giữa Community và Society. Ngày nay, người ta thường phân biệt giữa “xã hội dân sự” và “xã hội chính trị”.
[4] Sách GLCG bàn đến  nguyên tắc: tôn trọng nhân vị ở số 1929-1933;  công ích ở số 1905-1912; liên đới ở số 1939-1942; hỗ trợ ở số 1883-1885.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét