Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

V. CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ PHỤC VỤ XÃ HỘI DÂN SỰ (Chương VIII)


a. Giá trị của xã hội dân sự
417Cộng đồng chính trị được thiết lập là để phục vụ xã hội dân sự, mà từ xã hội dân sự này, cộng đồng chính trị được khai sinh. Giáo Hội đã đóng góp nhiều trong việc phân biệt cộng đồng chính trị với xã hội dân sự, chủ yếu là nhờ cái nhìn của Giáo Hội về con người, được coi là một hữu thể vừa tự chủ vừa có tương quan cởi mở đối với Đấng Siêu Việt. Quan điểm này đối nghịch với các hệ tư tưởng chính trị mang bản chất chủ nghĩa cá nhân và các ý thức hệ chính trị mang tính chất độc tài, đang có xu hướng thâu tóm xã hội dân sự vào trong phạm vi của Nhà Nước. Việc Giáo Hội dấn thân nhân danh tính đa nguyên trong xã hội có mục đích giúp người ta đạt được công ích và chính nền dân chủ một cách thích đáng hơn, dựa trên những nguyên tắc liên đới, bổ trợ và công lý.
Xã hội dân sự là tổng hợp bao gồm các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội, mà các mối quan hệ và các nguồn lực này độc lập một cách tương đối với lĩnh vực chính trị và kinh tế. “Mục đích của xã hội dân sự là phổ quát, vì nó có liên quan tới công ích, một điều mà mỗi một công dân đều có quyền hưởng cách tương xứng”853. Xã hội ấy có đặc điểm là có khả năng hoạch định, nhằm tạo điều kiện giúp cho cuộc sống xã hội được tự do và công bằng hơn, trong đó các tập thể công dân có thể lập ra các hiệp hội, ra sức phát triển và bày tỏ sở thích riêng của mình, hầu đáp ứng các nhu cầu căn bản và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.
b. Thế ưu tiên của xã hội dân sự
418Dù có quan hệ nối kết với nhau và lệ thuộc nhau, nhưng cộng đồng chính trị và xã hội dân sự không bằng nhau về thứ bậc các mục tiêu. Cộng đồng chính trị chủ yếu là để phục vụ xã hội dân sự và nếu phân tích tới cùng, là phục vụ những con người và những tập thể làm nên xã hội dân sự854. Bởi đó, xã hội dân sự không thể được coi như một phần mở rộng của cộng đồng chính trị hay một thành phần thay đổi của cộng đồng chính trị; mà đúng hơn, xã hội dân sự phải được ưu tiên vì cộng đồng chính trị có lý do tồn tại là nhờ nằm trong xã hội dân sự.
Nhà Nước phải cung cấp một khung pháp lý thích đáng để các chủ thể xã hội được tự do tham gia vào các hoạt động khác nhau của họ, cũng như Nhà Nước phải sẵn sàng can thiệp khi thấy cần, mà vẫn tôn trọng nguyên tắc bổ trợ, để sự tương tác giữa các hiệp hội tự do và đời sống dân chủ luôn nhắm tới công ích. Thật vậy, xã hội dân sự vốn muôn hình muôn vẻ và không theo quy củ nào; xã hội dân sự không phải là không có nhiều điều mơ hồ và mâu thuẫn. Đó cũng là đấu trường cho các quyền lợi đụng độ nhau, với nguy cơ là phe mạnh sẽ thống trị phe yếu.
c. Áp dụng nguyên tắc bổ trợ
419Cộng đồng chính trị phải chịu trách nhiệm về việc điều hoà các quan hệ của mình với xã hội dân sự theo nguyên tắc bổ trợ855. Điểm cơ bản là đời sống dân chủ cần phải được phát triển trước hết trong khuôn khổ xã hội. Các hoạt động của xã hội dân sự – đặc biệt là các tổ chức tình nguyện và các nỗ lực hợp tác trong khu vực xã hội tư nhân, lâu nay được gọi cách ngắn gọn là “khu vực thứ ba”, để phân biệt với Nhà Nước và thị trường – chính là phương cách thích hợp nhất để giúp phát triển chiều hướng xã hội của con người; các hoạt động ấy chính là không gian cần thiết để con người bộc lộ mình cách đầy đủ. Mở rộng từ từ các tổ chức xã hội nằm ngoài khu vực do Nhà Nước kiểm soát chính là tạo ra những không gian mới cho các công dân hiện diện tích cực và hoạt động trực tiếp, kết hợp với những chức năng của Nhà Nước. Hiện tượng quan trọng này thường xảy ra phần lớn thông qua các phương thế không chính thức, đồng thời sẽ đưa tới những cách thế mới mẻ và tích cực để thi hành các quyền cá nhân của con người, làm cho đời sống dân chủ được phong phú hơn về mặt chất lượng.
420Hợp tác, dù dưới những hình thức không quy củ lắm, xem ra là một trong những cách hữu hiệu nhất để đối phó với tình trạng xung đột và cạnh tranh vô hạn đang thắng thế hiện nay. Những quan hệ được thiết lập trong bầu khí hợp tác và liên đới sẽ khắc phục các chia rẽ do ý thức hệ, thúc đẩy người ta tìm cho ra những điểm nối kết họ hơn là những điểm chia rẽ họ.
Nhiều kinh nghiệm làm việc tình nguyện là những tấm gương hết sức giá trị mời gọi mọi người hãy nhìn xã hội dân sự như một nơi có thể khôi phục lại nền đạo đức chung dựa trên sự liên đới, hợp tác cụ thể và đối thoại huynh đệ. Mọi người được mời gọi hãy tin tưởng nhìn tới những tiềm năng có sẵn và ra sức làm việc cho ích lợi của cộng đồng nói chung, và cho những người yếu kém và túng thiếu nói riêng. Có như thế, nguyên tắc “chủ thể tính của xã hội” mới được xác nhận856.
------------------------------------------------------------------------------------
853  Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 134.
854  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1910.
855  x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 203; Giáo lý Giáo hội
   Công giáo, 1883-1885.
856  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 49: AAS 83 (1991), 855.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét