Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

IV. QUYỀN LAO ĐỘNG (Chương VI)



a. Lao động là cần thiết
287Lao động là một quyền căn bản và là một điều tốt cho loài người619, một điều vừa hữu ích vừa xứng đáng với con người, vì đó là một phương cách thích hợp cho con người bày tỏ và nâng cao phẩm giá của mình. Giáo Hội tuyên bố lao động có giá trị không phải chỉ vì lao động luôn luôn là một điều thuộc về con người, mà còn vì tự bản chất lao động là một điều cần thiết620. Lao động cần thiết để hình thành và bảo vệ gia đình621, cần thiết để thực hiện quyền tư hữu622, cần thiết để đóng góp vào ích chung của gia đình nhân loại623. Khi xem xét các hệ luỵ luân lý mà vấn đề lao động đặt ra cho đời sống xã hội, Giáo Hội không thể không nêu rõ thất nghiệp là một “thảm hoạ thực sự của xã hội”624, nhất là đối với các thế hệ trẻ.
288Lao động là một điều tốt thuộc về hết mọi người và phải làm sao cho công ăn việc làm có sẵn cho tất cả những ai có khả năng thi hành. Bởi đó, “tạo công ăn việc làm đầy đủ” vẫn là một mục tiêu đòi buộc cho mọi hệ thống kinh tế hướng tới công lý và công ích. Một xã hội, trong đó quyền lao động bị đe doạ hay bị phủ nhận một cách có hệ thống, và một xã hội, trong đó các chính sách kinh tế không cho phép người lao động có được công ăn việc làm thoả đáng, đều “không thể được bênh vực theo quan điểm đạo đức, cũng không thể tìm được sự an bình trong xã hội”625. Vai trò quan trọng, và từ đó dẫn đến trách nhiệm hết sức nặng nề, trong lĩnh vực này là của các “chủ nhân gián tiếp”626 – tức là cá nhân hay tổ chức khác nhau – đang ở trong vị thế điều khiển, ở cấp quốc gia hay quốc tế, các chính sách liên quan đến lao động và kinh tế.
289Khả năng hoạch định của một xã hội hướng tới công ích và lưu ý đến tương lai được đo lường chủ yếu dựa vào triển vọng công ăn việc làm mà xã hội ấy có thể cung ứng. Mức thất nghiệp cao, các hệ thống giáo dục bất thường, những khó khăn dai dẳng để được đào tạo nghề nghiệp và để bước vào thị trường lao động, đặc biệt đối với nhiều người trẻ, chính là một trở ngại rất lớn trên con đường hoàn thiện con người về mặt nhân bản và chuyên môn. Thật vậy, những người thất nghiệp hay không được tuyển dụng đúng phải chịu những hậu quả tiêu cực rất sâu xa do tình trạng ấy tạo ra trong nhân cách của mình và họ có nguy cơ bị gạt ra bên lề ngay trong xã hội của họ hoặc có nguy cơ trở thành nạn nhân của một sự khai trừ do xã hội627. Nói chung, đây là bi kịch tác động không những đến người trẻ, mà cả các phụ nữ, những người lao động ít chuyên môn, những người thiếu khả năng, những người di cư, những người thất học, nghĩa là tất cả những ai phải khó khăn hơn để kiếm việc làm trong thị trường lao động. 
290Duy trì công ăn việc làm càng ngày càng lệ thuộc vào khả năng chuyên môn của người lao động628. Các hệ thống giáo dục và đào tạo không được bỏ qua việc đào tạo nhân bản hay công nghệ, là những điều rất cần để đương sự có thể chu toàn trách nhiệm một cách hiệu quả. Nhu cầu ngày càng phổ biến là mỗi người phải thay đổi việc làm nhiều lần trong cuộc đời mình đòi hệ thống giáo dục phải cổ vũ mọi người sẵn sàng tham gia việc cập nhật và tái huấn luyện liên tục. Người ta nên dạy người trẻ biết hành động theo sáng kiến của mình, dám nhận trách nhiệm đương đầu bằng khả năng chuyên môn của chính mình trước những rủi ro gắn liền với bối cảnh kinh tế biến động – một bối cảnh thường không thể dự đoán được629. Một việc cũng cần thiết không kém là cung cấp các khoá học thích hợp để đào tạo những người trưởng thành cần được đào tạo lại và những người thất nghiệp. Nói một cách tổng quát hơn, người ta cần được hỗ trợ một cách cụ thể khi tham gia vào thế giới lao động, trước hết qua các hệ thống đào tạo, để họ bớt khó khăn khi phải đối phó với những thời kỳ biến động, bất trắc và bất ổn.
b. Vai trò của Nhà Nước và xã hội dân sự trong việc phát huy quyền lao động
291Vấn đề công ăn việc làm đang thách thức trách nhiệm của Nhà Nước, là cơ quan có nhiệm vụ đẩy mạnh các chính sách lao động tích cực, tức là những chính sách khuyến khích tạo công ăn việc làm ngay trong lãnh thổ quốc gia, giúp khu vực sản xuất có được những yếu tố động viên để đạt được mục tiêu ấy. Nghĩa vụ của Nhà Nước không phải là trực tiếp bảo đảm quyền lao động của mỗi công dân, khiến cho toàn bộ đời sống kinh tế trở nên hết sức cứng nhắc, cũng như hạn chế các sáng kiến tự do của cá nhân, cho bằng là “duy trì các hoạt động kinh doanh bằng cách tạo ra những điều kiện có thể bảo đảm có công ăn việc làm, hay kích thích các hoạt động đang thiếu việc làm hoặc hỗ trợ các hoạt động ấy trong những cơn khủng hoảng”630.
292Vì quan hệ kinh tế - tài chính và thị trường lao động ngày càng có tính toàn cầu, nên cần phải đẩy mạnh việc hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia qua các hiệp ước, các thoả thuận và các kế hoạch hành động chung, nhằm bảo vệ quyền lao động, cả trong những giai đoạn khủng hoảng nhất của chu kỳ kinh tế, ở cấp quốc gia và quốc tế. Cần ý thức sự kiện này: lao động của con người là một quyền lợi, mà nhờ đó công lý xã hội và hoà bình dân sự được phát huy một cách trực tiếp. Về việc này, nhiệm vụ quan trọng là của các tổ chức quốc tế và các liên đoàn lao động. Để liên kết được các lực lượng cách thích hợp nhất, các tổ chức và liên đoàn này phải phấn đấu trước tiên là tạo ra “một hệ thống hết sức chặt chẽ các chuẩn mực pháp lý để bảo vệ lao động của con người, của phụ nữ và người trẻ, bảo đảm cho họ được hưởng lương bổng thích đáng”631.
293Để đẩy mạnh quyền lao động, hiện nay cũng như vào thời của Thông điệp Rerum Novarum, cần phải có “một tiến trình cởi mở cho xã hội tự tổ chức lấy”632. Biết bao bằng chứng và thí dụ rất có ý nghĩa về việc tự tổ chức này, chúng ta có thể tìm thấy nơi nhiều tổ chức – kinh doanh và xã hội – nổi bật ở chỗ đó là những hình thức khác nhau của việc tham gia, hợp tác và tự quản trị, cho thấy sự kết hợp của mọi nguồn năng lực trong tinh thần liên đới. Những hình thức này xuất hiện trên thị trường, giống như một khu vực lao động đa dạng, có đặc điểm là quan tâm đặc biệt tới các yếu tố có liên hệ với nhau làm nên sản phẩm và làm nên các dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, các dịch vụ xã hội căn bản và văn hoá. Các tổ chức trong khu vực được gọi là “khu vực thứ ba” này càng ngày càng trở thành một cơ hội quan trọng để phát triển lao động và kinh tế.
c. Gia đình và quyền lao động 
294Lao động là “một cơ sở để hình thành đời sống gia đình, mà đây là một quyền tự nhiên và là điều mà con người được mời gọi hướng tới”633. Lao động là phương thế sinh tồn và là một nguồn bảo đảm việc nuôi dạy con cái634. Gia đình và lao động, lệ thuộc nhau một cách hết sức chặt chẽ trong kinh nghiệm của đại đa số, rất đáng được chúng ta xem xét một cách thực tế hơn, rất đáng được chúng ta quan tâm tìm hiểu chung với nhau, vượt trên những hạn chế do quan niệm về gia đình một cách quá riêng tư hay do quan niệm về lao động một cách quá nặng tính kinh tế. Về điểm này, các nhà kinh doanh, các tổ chức nghề nghiệp, các liên đoàn lao động và Nhà Nước nên đẩy mạnh các chính sách – theo quan điểm lao động – không nhằm gây bất lợi mà hỗ trợ hạt nhân gia đình nhiều hơn. Thật vậy, đời sống gia đình và lao động ảnh hưởng lên nhau bằng nhiều cách. Phải đi quá xa mới tới nơi làm việc, phải làm hai công việc, bị mệt mỏi về thể lý lẫn tâm lý, tất cả những sự việc ấy đã làm giảm rất nhiều thời gian một người dành cho gia đình635. Tình trạng thất nghiệp có ảnh hưởng rất nhiều trên gia đình, về mặt vật chất cũng như tinh thần, cũng giống như những căng thẳng và khủng hoảng của gia đình đều có ảnh hưởng tiêu cực trên thái độ và sức sản xuất của con người khi lao động.
d. Phụ nữ và quyền lao động
295Tài năng của nữ giới cần thiết trong bất cứ sinh hoạt nào của đời sống xã hội, và vì thế cũng cần phải bảo đảm cho phụ nữ có mặt tại nơi làm việc. Bước đầu tiên cần làm trong hướng đi này là phải cho họ có khả năng cụ thể tham gia việc đào tạo nghề nghiệp. Công nhận và bảo vệ các quyền của phụ nữ trong bối cảnh lao động thường lệ thuộc vào cách tổ chức lao động – khi tổ chức lao động, người ta cần cứu xét đến phẩm giá và thiên chức của phụ nữ – “Sự thăng tiến thực sự của phụ nữ… đòi phải tổ chức việc lao động thế nào để người phụ nữ không vì sự thăng tiến ấy mà phải từ bỏ những gì riêng biệt của mình”636. Đây là thước đo giá trị của một xã hội và công việc bảo vệ hữu hiệu của xã hội đó đối với quyền lao động của phụ nữ.
Sở dĩ hiện nay vẫn còn nhiều hình thức kỳ thị có hại cho phẩm giá và thiên chức của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, đó là vì lâu nay vẫn có hàng loạt quy định gây bất lợi cho phụ nữ, những người mà “đặc quyền của họ không được tôn trọng” và bản thân họ “đã bị gạt ra bên lề xã hội, thậm chí còn bị đẩy xuống hàng nô lệ”637. Tiếc thay, những khó khăn ấy vẫn chưa được giải quyết, như thấy nhan nhãn những tình huống làm băng hoại người phụ nữ, làm cho họ trở thành đối tượng bị bóc lột thật sự. Cần phải cấp tốc nhìn nhận một cách hữu hiệu các quyền lợi của phụ nữ tại nơi làm việc, nhất là quyền được trả lương, được hưởng bảo hiểm và an sinh xã hội638.
e. Lao động trẻ em 
296Việc lao động của trẻ em, dưới những hình thức không thể chấp nhận, là một loại bạo động tuy ít rõ ràng hơn các hình thức bạo động khác nhưng không vì thế mà kém phần kinh khủng639. Đây là một sự bạo động, dù có dính líu đến chính trị, kinh tế và pháp luật, nhưng chủ yếu vẫn là một vấn đề luân lý. Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã cảnh cáo như sau: “Đối với các trẻ em, cần quan tâm thế nào để chúng không bị đưa vào các xưởng thợ và nhà máy, cho tới khi cơ thể và tinh thần của chúng đã phát triển đủ. Vì, cũng như thời tiết khắc nghiệt sẽ huỷ hoại các búp non, kinh nghiệm quá sớm về những vất vả của cuộc sống sẽ làm hại triển vọng còn non trẻ của các khả năng nơi đứa trẻ, và khiến cho mọi cố gắng giáo dục chân chính đều trở nên vô phương thực hiện”640. Sau hơn 100 năm, tai hoạ trong việc sử dụng lao động trẻ em vẫn chưa khắc phục được.
Ngay cả khi biết rằng, ít là hiện nay, tại nhiều quốc gia, sự đóng góp do lao động của trẻ em mang lại cho thu nhập của gia đình và cho nền kinh tế quốc gia là hết sức cần thiết, và có một vài hình thức làm việc một phần thời gian xem ra rất có ích cho chính đứa trẻ, học thuyết xã hội của Giáo Hội vẫn lên án việc gia tăng “khai thác trẻ em tại các công xưởng trong những điều kiện làm việc đúng là của nô lệ”641. Sự khai thác này chính là một hình thức xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người, một phẩm giá mà bất cứ ai đều có quyền hưởng, “dù họ có nhỏ bé hay xem ra ít quan trọng đến đâu nói theo ngôn từ thực dụng”642.
f. Vấn đề nhập cư và lao động
297Nhập cư có thể trở thành một nguồn đem lại sự phát triển hơn là cản trở sự phát triển. Trong thế giới hiện nay, khi vẫn còn những sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa các nước giàu và các nước nghèo, và khi những tiến bộ trong việc truyền thông đã nhanh chóng làm giảm các khoảng cách địa lý, thì việc nhập cư của nhiều người để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ngày càng gia tăng. Họ là những người đến từ những khu vực kém may mắn trên thế giới và việc họ di cư đến các nước đã phát triển thường bị coi là sự đe doạ cho mức sống cao mà các nước ấy đã đạt được nhờ nhiều thập niên kinh tế phát triển. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, những người nhập cư ấy lại thoả mãn được nhu cầu lao động, mà nếu không có họ, sẽ chẳng bao giờ được đáp ứng tại những khu vực và lãnh thổ mà lực lượng lao động địa phương không có đủ hay không muốn tham gia vào những công việc đang nói tới.
298Các tổ chức tại các nước chủ nhà phải theo dõi kỹ lưỡng để ngăn chặn cơn cám dỗ muốn khai thác các lao động nước ngoài, không cho họ hưởng cùng một quyền lợi như những người trong nước, những quyền lợi mà đáng ra phải được bảo đảm cho hết mọi người không phân biệt. Điều phối việc nhập cư theo các tiêu chuẩn công bằng và quân bình643 là một trong những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho các người nhập cư được hội nhập vào xã hội với những sự bảo đảm cần thiết để phẩm giá của họ được công nhận. Người nhập cư phải được đón nhận như những con người và được giúp đỡ để trở thành một thành phần trong đời sống xã hội tại chỗ, cùng với gia đình của họ644. Trong bối cảnh này, cần phải tôn trọng và đẩy mạnh quyền đoàn tụ của các gia đình645. Đồng thời, phải đẩy mạnh hết sức có thể những điều kiện làm tăng các cơ hội lao động ngay tại quê nhà của họ646
g. Thế giới nông nghiệp và quyền lao động
299Lao động nông nghiệp đáng được đặc biệt quan tâm, vì vai trò của lao động nông nghiệp về mặt xã hội, văn hoá và kinh tế vẫn còn quan trọng trong hệ thống kinh tế của nhiều quốc gia, và vì chúng ta cũng đang chứng kiến nhiều vấn đề mà lao động nông nghiệp phải đối phó trong bối cảnh của một nền kinh tế ngày càng bị toàn cầu hoá, cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của lao động nông nghiệp trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên.“Vì thế, cần có những sự thay đổi triệt để và khẩn cấp để trả lại cho nông nghiệp – và cho dân chúng ở nông thôn – giá trị đúng đắn của cả hai, làm nền tảng cho một nền kinh tế lành mạnh, trong khuôn khổ phát triển cộng đồng xã hội như một đơn vị thống nhất”647.
Những sự thay đổi sâu xa và triệt để đang diễn ra trên bình diện xã hội và văn hoá cả trong nông nghiệp lẫn trong thế giới nông thôn rộng lớn đòi chúng ta phải khẩn cấp xem xét lại kỹ lưỡng ý nghĩa của lao động nông nghiệp về nhiều chiều hướng khác nhau. Đây là một thách thức hết sức quan trọng mà chúng ta cần phải đương đầu, kéo theo những chính sách nông nghiệp và môi trường, vừa vượt lên trên quan niệm an sinh do quá khứ để lại vừa mở ra những viễn cảnh mới cho một nền nông nghiệp hiện đại, đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và kinh tế.
300Tại một số quốc gia, cần phải có sự phân phối lại đất đai, như một phần trong các chính sách cải cách ruộng đất lành mạnh, để khắc phục trở ngại do hệ thống lãnh địa phi sản xuất – từng bị học thuyết xã hội của Giáo Hội lên án648 – gây ra cho tiến trình phát triển kinh tế chân chính. “Các quốc gia đang phát triển có thể đương đầu cách hiệu quả với tiến trình hiện nay, theo đó quyền làm chủ đất đai chỉ tập trung vào tay một số ít người, nếu đứng trước một số tình huống đặt thành những vấn đề thực sự có liên quan đến cơ chế, chẳng hạn như những thiếu sót và trì trệ của luật pháp trong việc công nhận quyền sở hữu đất và trong việc liên hệ với thị trường tín dụng, hoặc thiếu quan tâm tới việc nghiên cứu và đào tạo nông nghiệp, bỏ bê các dịch vụ xã hội và các cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn”649. Bởi đó, cải cách ruộng đất đã trở thành một bổn phận luân lý hơn là một đòi hỏi chính trị, vì nếu không thực hiện được sự cải cách ấy, các quốc gia đó sẽ bị cản trở không hưởng được những lợi ích do việc mở cửa thị trường, và nói chung, do những cơ hội phát triển phong phú mà tiến trình toàn cầu hoá hiện nay mang lại650.
----------------------------------------------------------------------------------------------
619  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-             1047; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 9, 18:AAS 73 (1981), 598-       600; Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện các Khoa học Xã hội (25-04-     1997), 3: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 14-05-1997, tr. 5; Gioan Phaolô II,           Thông điệp ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 8: AAS 91 (1999), 382-383.
620  x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 128.
621  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 10: AAS 73 (1981), 600-602.
622  x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 103; Gioan
   Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14: AAS 73 (1981), 612-616; Thông điệp
   Centesimus Annus, 31: AAS 83 (1991), 831-832.
623  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 16: AAS 73 (1981), 618-620.
624  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 18: AAS 73 (1981), 623.
625 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 43: AAS 83 (1991), 848; x. Giáo lý
   Giáo hội Công giáo, 2433.
626  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 17: AAS 73 (1981), 620-622.
627  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2436.
628  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 66: AAS 58 (1966), 1087-1088.
629  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 12: AAS 73 (1981), 605-608.
630  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 853.
631  Phaolô VI, Diễn văn gửi Tổ chức Lao động Quốc tế ngày 10-6-1969, 21: AAS 61
   (1969), 500; x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Tổ chức Lao động Quốc tế ngày 15-6-
   1982, 13: AAS 74 (1982), 1004-1005.
632  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 16: AAS 83 (1991), 813.
633  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 10: AAS 73 (1981), 600.
634  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 10: AAS 73 (1981), 600-602;
   Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 23: AAS 74 (1982), 107-109.
635  x. Toà Thánh, Hiến chương các Quyền Gia đình, điều 10, Nhà Xuất bản Đa ngữ
    Vatican 1983, tr. 13-14.
636  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 628.
637  Gioan Phaolô II, Thư gửi các Phụ nữ, 3: AAS 87 (1995), 804.
638  x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 24: AAS 74 (1982), 109-110.
639  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1996, 5: AAS 88
    (1996), 106-107.
640  Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 129.
641  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1998, 6: AAS 90 (1998), 153.
642  Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhân dịp Hội nghị
    Thượng đỉnh Thế giới về Trẻ em (22-09-1990): AAS 83 (1991), 360.
643  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp  Ngày Thế giới Hoà bình năm 2001, 13: AAS 91
     (2001), 241; Hội đồng Giáo hoàng “Cor Unum” – Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ
     cho Người Di cư và Lang thang, Người Tị nạn: một thách thức tình liên đới, 6:
     Libreria Editrice Vaticana, Vatican City 1992, tr. 10.
644  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2241.
645 x. Toà Thánh, Hiến chương các Quyền Gia đình, điều 12, Nhà Xuất bản Đa ngữ
   Vatican 1983, tr. 14; Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 77: AAS 74
   (1982), 175-178.
646x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 66: AAS 58 (1966), 1087-1088;  
   Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1993, 3: AAS 65 (1993),
   431-433.
647  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 21: AAS 73 (1981), 634.
648  x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 23: AAS 59 (1967), 268-269.
649  Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tiến tới một sự phân phối đất đai tốt
    hơn. Thách đố về việc cải cách ruộng đất (23-11-1997), 13: Libreria Editrice
    Vaticana, Vatican City 1997, tr. 33.
650  Ibid. số 35, tr. 33.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét